Văn học nước ngoài

Những Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Thú Của Nam Tước Munchausen

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Rudolph Erich Raspe

Download sách Những Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Thú Của Nam Tước Munchausen ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 

Lời giới thiệu


Viết lời giới thiệu cho mấy chuyện bốc phét vô thưởng vô phạt, liệu có sợ bị chê là mang đại bác bắn chim sẻ, khi phải cầu viện đến một tượng đài triết học như Nietzsche với lời than thở có cánh “Ai không biết nói dối thì không biết sự thật là gì”?

Nhưng đã dẫn chiếu vĩ nhân thì phải chăng cũng nên trích lục cả tác phẩm được truyền bá nhiều nhất từ khi con người biết chữ, Kinh Thánh, nơi quỷ sứ được gọi là tội đồ gây ra thảm họa lớn nhất cho loài người, bởi hắn đã kể chuyện bịa với Eva để rốt cuộc sau khi nếm trái cấm thì Eva cùng Adam bị đuổi khỏi thiên đàng? Không khó nhận ra rằng hành vi nói dối, nếu không là đức tính bẩm sinh, thì cũng sớm muộn chiếm một vị trí mặc định trong bộ quy tắc hành xử của xã hội loài người.

Cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay nằm trong truyền thống kể chuyện bịa có gốc rễ từ nền văn học kinh điển cổ đại, hình như trong kho tàng văn học của mỗi dân tộc và mỗi nền văn hóa đều không thể thiếu một vài nhân vật sống bằng tài ba hoa khoác lác của mình.

Những chuyện phiêu lưu kỳ thú được cho là của Nam tước Munchausen có tới hàng trăm hàng ngàn, vì hình thức truyền miệng trong dân gian vốn là công cụ hữu hiệu nhất để chắt lọc, duy trì và thêu dệt thêm vào bức tranh văn chương vốn đã vô cùng phong phú. Tuy nhiên hãy quay lại với người hùng của chúng ta Hieronymus Carl Friedrich Freiherr von Münchhausen[1] (1720 –1797), là một nhân vật bằng xương bằng thịt, hậu duệ của dòng dõi quý tộc Munchausen ở Đức. Theo truyền thống giáo dục của gia đình, ông nhập ngũ và tham gia cuộc chiến Nga-Áo-Thổ, nhờ đó đặt chân lên nhiều vùng đất lạ ở Nga, Litva, Latvia, Phần Lan… và thậm chí trước khi hồi hương còn tìm được ở xứ lạ nửa kia cho 46 năm trời hạnh phúc tiếp theo. Thực ra chuyện đời của Nam tước Munchausen, hay ít nhất những gì được coi là kỳ thú trong cuộc đời chắc chắn có nhiều kỳ tích của ông, chấm dứt ở đây. Vì điền chủ Munchausen bây giờ chỉ còn chú tâm vui thú ruộng vườn. Nhưng tối đến, ông có đủ thì giờ tụ tập bạn bè để ôn lại những tháng năm tung hoành, và đó là địa chỉ của giới yêu chữ nghĩa ngày ấy. Trong số thượng khách của ông có nhiều tên tuổi lẫy lừng của tầng lớp tinh hoa Đức như triết gia Georg Christoph Lichtenberg, giám đốc bảo tàng Rudolf Erich Raspe, thi sĩ Gottfried August Bürger… mà ở đây ta nên ghi nhớ hai cái tên cuối.

ĐỌC THỬ

1. Du hành đến Nga và Saint Petersburg

Tôi bắt đầu chuyến du hành từ nhà sang Nga vào giữa mùa đông, vì tôi suy đoán chính xác là lúc này băng tuyết sẽ trải phẳng những con đường miền Bắc Đức, Ba Lan, Kurlyandiya và Liflyandiya mà không cần chính quyền ở đó phải lo lắng xuất ra nhiều công của để tu bổ. Cứ theo lời những người đã từng đi qua thì đường sá ở đó còn tệ hại hơn đường sang Tây Trúc. Tôi đi ngựa, cũng là cách đi lại dễ chịu nhất nếu ta xét đến những trắc trở khác nữa trên đường. Vì nếu không thì phải tính đến những vụ cãi cọ với gã trưởng trạm chở thư người Đức lịch thiệp nào đó, hoặc bị tay xà ích nát rượu lôi tới mọi hàng quán dọc đường. Tôi mặc đồ mỏng, và thế là càng đi ngược lên phía Đông Bắc, trong người càng thấy khó chịu. Quý vị thử nghĩ xem, lúc tới Ba Lan, giữa trời rét như cắt ruột tôi thấy một lão già nghèo đói nằm run rẩy vạ vật trên bãi cỏ khô úa giữa cơn gió mùa Đông Bắc, thử hỏi ông ta chịu sao thấu khi hầu như không có mảnh vải che tấm thân trần trụi. Lão già tội nghiệp đó khiến tôi tan nát cõi lòng, và cho dù tim tôi đóng băng ngay trong lồng ngực đi nữa, tôi vẫn ném cái áo choàng để cho lão đắp. Đột nhiên một giọng nói sang sảng vang lên từ trên trời, xiển dương hành vi nhân hậu đó một cách đầy ưu ái, và dội thẳng vào tai tôi: “Có trời cao đất dày chứng giám, con sẽ được đền bù xứng đáng!”

Tôi lẳng lặng cưỡi ngựa đi tiếp cho đến khi trời tối sập. Không thấy làng xóm nào gần đó. Cả vùng đất ngập chìm trong tuyết, tôi không biết tiến thoái ra sao cho phải. Quá mệt mỏi trên lưng ngựa, rốt cuộc tôi trèo xuống và buộc ngựa vào một cái cọc nhọn nhô lên trên tuyết. Tôi cẩn thận cặp súng dưới nách, ngả lưng trên nền đất phủ tuyết gần đó và ngủ li bì, và chỉ mở được mắt ra khi trời đã sáng bạch. Kinh ngạc thay, tôi nhận ra mình đang nằm trên sân nhà thờ giữa làng! Thoạt tiên tôi không thấy con ngựa của mình ở đâu, song liền đó thì nghe tiếng ngựa hí đâu đấy trên cao. Ngẩng đầu lên, tôi thấy nó bị buộc vào mũi tên chỉ hướng gió trên nóc tháp chuông nhà thờ và đang lơ lửng trên đó. Lập tức tôi hiểu ra tình thế của mình. Thì ra đêm qua cả làng bị tuyết phủ kín. Sau đó thời tiết đột ngột chuyển hướng và thế là trong luc ngủ tôi cứ dần dần hạ xuống nhẹ nhàng theo mức tuyết tan, và cái mà đêm qua tôi tưởng là phần gốc của một cây nhỏ nhô lên khỏi tuyết để buộc ngựa vào đó, té ra là cây cọc của mũi tên chỉ hướng gió trên nóc tháp chuông nhà thờ. Không suy nghĩ lâu la, tôi rút súng bắn đứt dây cương và nhờ thế mà may mắn lấy lại được con ngựa để tiếp tục hành trình.

Từ đó trở đi mọi sự đều ổn thỏa cho đến khi tôi tới Nga, nơi người ta không có thú vui cưỡi ngựa du hành vào mùa đông. Vẫn tuân thủ phương châm nhập gia tùy tục, tôi thuê chiếc xe trượt một ngựa và thoải mái đi tiếp tới Saint Petersburg. Giờ đây tôi không nhớ là ở Estonia hay Ingria, chỉ biết rằng đúng lúc đến giữa một cánh rừng âm u thì tôi phát hiện ra một con sói khủng khiếp đang lao theo tôi với tốc độ khốc liệt của cơn đói ngấu giữa mùa đông. Chẳng mấy chốc nó đuổi kịp tôi và chắc chắn tôi không thể thoát được. Tôi đờ đẫn nằm xoài xuống xe trượt, kệ cho con ngựa muốn làm gì thì làm. Lập tức xảy ra điều mà tôi phỏng đoán song không mảy may dám hy vọng lẫn mong đợi: con sói không thèm để ý đến cái hình hài yếu nhược của tôi, mà nhảy vọt qua tôi để hùng hổ chồm lên con ngựa mà cắn xé, và chỉ ngoạm một phát là nuốt chửng phần mông. Phát điên vì kinh sợ và đau đớn, con vật tội nghiệp càng phi nhanh hơn. Thoát hiểm một cách tình cờ và may mắn, tôi rón rén ngẩng lên nhìn và kinh hoàng nhận thấy con sói gần như đã chui tọt vào bụng ngựa, lập tức tôi chớp thời cơ và quật roi đen đét lên tấm da. Cú tấn công bất ngờ lên vỏ bọc ngoài không hề làm con sói sợ; nó càng cố hết sức chui sâu hơn, xác con ngựa đổ vật xuống, và nhìn kìa, bây giờ con sói đã thay chỗ con ngựa để khoác bộ dây cương. Về phần mình, tôi không ngừng quất roi và chúng tôi lao như bay đến tận Saint Petersburg, an toàn và khỏe mạnh, hoàn toàn trái ngược với dự liệu của cả hai và khiến mọi người xung quanh há hốc mồm kinh ngạc.

Thưa quý vị, tôi đâu dám làm quý vị buồn tẻ với những lời kể lể dông dài về tình hình ở kinh đô nước Nga hoành tráng, về các môn nghệ thuật, văn hóa, cùng những trò kỳ quái ở đó, lại càng không dám pha trò cho quý vị bằng các mưu mô và phiêu lưu kỳ thú của tầng lớp cao sang, nơi quý bà chủ nhà luôn chào đón khách bằng một ly rượu mạnh và hôn khách chùn chụt. Cho phép tôi được chiều sự chú ý của quý vị bằng những đối tượng cao quý hơn, thí dụ như ngựa và chó, cũng là những thứ luôn chiếm được cảm tình đặc biệt của tôi; ngoài ra ta sẽ trò chuyện về cáo, chó sói, gấu và những loài muông thú khác mà nước Nga vốn sở hữu thừa mứa hơn bất cứ đất nước nào trên thế gian này; cuối cùng tôi sẽ kể cho quý vị nghe về các cuộc hoan lạc, các buổi thao diễn của kỵ sĩ và nhiều hành vi cao quý khác, khả dĩ xứng tầm với giới quý tộc hơn là mấy ngôn ngữ Hy Lạp và La Tinh cổ lỗ sĩ, hay những túi dầu thơm, hột xoàn và sự ngạo nghễ của giới học giả và thợ làm đầu Pháp.

Một thời gian dài đã trôi qua trước khi tôi nhập ngũ. Mấy tháng liền tôi tự do chơi dài, vung tay phung phí tiền bạc và thời gian như một nhà quý tộc thực thụ. Tôi chơi bài thâu đêm và rượu chè be bét suốt ngày. Trong các trò tiêu khiển ngoài xã hội, khí hậu lạnh của xứ này và phong tục bản địa dành cho chai rượu một vị thế cao hơn hẳn so với nước Đức khổ hạnh của chúng ta, vì vậy tôi thường gặp ở đó những người được tôn vinh như bậc thầy thực thụ trong nghệ thuật đối ẩm cao sang. Nhưng tất cả số họ chỉ là hạng nghiệp dư thảm hại, nếu đem so với một vị tướng râu bạc có nước da màu đồng hun ngồi ăn cùng bàn chúng tôi. Ông tướng già bị vạt mất nắp hộp sọ trong một trận chiến chống quân Thổ và do đó, mỗi khi có mặt người lạ, ông luôn khẩn khoản xin thứ lỗi, rằng ông không thể bỏ mũ. Bữa ăn nào ông cũng nốc cạn vài chai cognac rồi sau đó thường là kết thúc với một chai rượu hồi Arak, và tùy theo tình hình mà lặp lại tất cả vài lần nữa. Dù vậy chưa ai từng nhận ra một chút gì gọi là phê phê ở ông. Chắc các vị không tin nổi. Tôi thông cảm với quý vị, vì chính bản thân tôi cũng không tin nổi. Một thời gian dài tôi không thể hiểu được, cho đến dịp tình cờ tìm ra lời giải.

Vị tướng có thói quen thỉnh thoảng he hé nhấc mũ. Tôi thường nhìn thấy nhưng vẫn không hề có ý nghi ngờ gì. Chắc chắn ông thấy bức sốt trên trán thôi, và nhấc mũ cho thoáng thì cũng là chuyện nhỏ. Nhưng rốt cuộc có lần tôi chứng kiến ông nhấc mũ và đồng thời hé mở cả cái vung màu bạc gắn ở mũ, vốn dùng thay cho nắp hộp sọ, và đúng lúc đó một làn hơi từ chỗ rượu ông uống cũng bay lên. Giờ thì câu đố đã có lời giải. Tôi kể cho vài bạn thân nghe, và ngay tối hôm đó tôi xung phong làm thí nghiệm để chứng minh phỏng đoán của tôi là đúng. Vậy là tôi cầm tẩu thuốc tiến ra sau lưng vị tướng, rồi đúng lúc ông hạ mũ, tôi châm lửa vào làn hơi rượu bay lên; thế là chúng tôi được chứng kiến một tiết mục mới đầy hấp dẫn. Tôi đã biến quầng hơi trên đầu người hùng của chúng ta thành một vòi lửa, và chỗ hơi rượu còn đọng giữa tóc và mũ tạo thành một quầng sáng còn rực rỡ hơn vầng hào quang trên đầu các vị thánh cao cả nhất. Thí nghiệm của tôi không qua nổi mắt vị tướng, nhưng ông chẳng hề tức giận, thậm chí còn cho phép chúng tôi lặp lại thí nghiệm đó, vì nó đem lại cho ông danh tiếng lừng lẫy.

2. Chuyện đi săn

Tôi xin bỏ qua vài sự kiện hay ho đã diễn ra trong những dịp tương tự, vì tôi nghĩ nên kể cho quý vị nghe những chuyện đi săn mà tôi cho rằng còn đáng để tâm và thú vị hơn. Các vị có thể dễ hình dung ra là tôi luôn có quan hệ tuyệt hảo với các ông bạn vàng biết thưởng thức vẻ đẹp của rừng hoang. Bất kể đó là những trải nghiệm luôn mới mẻ hay chỉ để giết thì giờ, hay sự may mắn tột bậc khiến tôi làm gì cũng thành công, đây là những ký ức tuyệt vời nhất mà tôi từng có. Một buổi sớm mai, nhìn qua cửa sổ phòng ngủ tôi thấy cái ao to gần nhà kín đặc vịt trời bơi lội. Nhanh như cắt, tôi vớ lấy cây súng và nhảy xuống cầu thang, và vì quá hấp tấp bất cẩn tôi lao mặt vào cánh cửa. Mắt nổ đom đóm như pháo hoa, song tôi không dừng bước. Tôi lao tới, giương súng lên, thì tá hỏa nhận ra hòn đá đánh lửa đã rơi khỏi súng vì cú xô vào cửa. Làm sao bây giờ? Thời cơ có chờ đợi bao giờ đâu! May sao, tôi chợt nhớ ra hình ảnh vừa lóe trong mắt. Vậy là tôi lật nắp khoang đựng thuốc súng, chĩa súng thẳng vào lũ chim hoang và tự đấm mạnh vào một mắt. Cú đấm gây ra những tia lửa như hoa cà hoa cải làm súng phát hỏa, hạ gục năm đôi vịt, bốn chú mòng két và mấy con le le. Sự nhanh trí vốn là linh hồn của những hành động oai hùng. Binh sĩ và thủy thủ thường nhờ vậy mà may mắn thoát khỏi nanh vuốt tử thần, và thợ săn cũng không hiếm khi gặp may vì thế.

Trong một chuyến đi săn, có lần tôi đến bên một bờ hồ lớn và thấy mấy chục con vịt trời, song chúng cách nhau quá xa để có thể hy vọng bắn một phát xuyên táo vài con, rủi nữa là nòng súng chỉ còn viên đạn cuối cùng. Tuy nhiên tôi muốn hạ cả đàn vì sắp đến dịp mời rất nhiều bạn bè thân thiết đến ăn tiệc tại nhà mình. Lúc đó tôi sực nhớ đến một miếng mỡ chân giò từ gói thức ăn đem theo còn thừa trong túi săn. Tôi buộc miếng mỡ vào đoạn dây buộc chó mà tôi tẽ làm tư rồi nối lại khá dài. Sau đó tôi trốn vào lùm sậy ven bờ, tung miếng mỡ ra và khoái trá thấy con vịt gần nhất lao tới nuốt chửng. Cả đàn nối đuôi nhau ào tới, và vì miếng mỡ trơn tuột không bị tiêu hóa mà phòi ra sau đít con thứ nhất nên con thứ hai nuốt tiếp, và cứ thế cho đến con cuối cùng. Tóm lại là miếng mỡ chu du qua bụng cả đàn vịt mà vẫn không tuột khỏi dây buộc. Giờ thì cả lũ xâu nối nhau như chuỗi cườm. Tôi khoan khoái kéo cả đàn lên bờ, quấn dây vài vòng lên vai và cứ thế đi về nhà.

Vì đường về nhà còn khá xa và vác lũ vịt cũng quá nặng, tôi hơi ân hận là đã bắt quá nhiều vịt làm gì cho khổ. Vừa lúc ấy thì xảy ra một chuyện mà thoạt nhiên không làm tôi bất ngờ chút nào. Chả là lũ vịt còn sống cả, và sau phút ngơ ngác đầu tiên, chúng bắt đầu đập cánh phành phạch bay lên, lôi theo cả tôi lên không trung. Người khác có lẽ sẽ hốt hoảng, song tôi thì lợi dụng vụ đó và phất vạt áo khoác chỉnh hướng bay về phía nhà mình. Khi nhìn xuống thấy nhà mình, tôi liền nghĩ ra mẹo hạ cánh an toàn bằng cách dìm đầu từng con vịt xuống, nhờ vậy tôi từ tốn nhẹ nhàng đáp qua ống khói, hạ xuống giữa bếp lò may sao lúc đó không nhóm lửa, khiến gã đầu bếp giật bắn mình.

Một vụ tương tự cũng có lần xảy ra với một xâu gà. Tôi đi thử khẩu súng mới và đã bắn hết chỗ đạn ghém ít ỏi mang theo, đúng lúc bất ngờ một đàn gà bay vụt lên ngay trước mặt. Muốn được vài con cho bữa tối, tôi nảy ra một sáng kiến mà các quý vị hãy ghi nhớ để làm theo khi cần. Tôi đợi đàn gà bay xuống rồi nhanh tay lên đạn, nhưng thay vì nạp đạn thì tôi tống que nhồi thuốc súng mà tôi khẩn trương mài nhọn đầu vào nòng. Sau đó tôi tiến đến gần đàn gà, đợi chúng bay túa lên và bóp cò. Que nhồi thuốc súng xiên qua bảy con gà có lẽ rất ngạc nhiên là đã sớm được tụ họp vào một mớ như vậy. Chúng từ từ rơi xuống cách đó một đoạn. Thế đấy, trên đời này phải biết cách tìm ra giải pháp cho mọi khó khăn.

Một lần khác, tôi bắt gặp một con cáo đen đẹp mê hồn trong một khu rừng Nga xinh xắn. Bộ lông ấy mà bị xuyên thủng bởi một viên đạn hay chùm đạn ghém thì tiếc lắm. Con cáo đứng sát một gốc cây. Tôi nhanh tay lấy viên đạn khỏi nòng, thay vào đó một cái đinh nhọn, giương súng bóp cò, khéo đến nỗi găm chặt đuôi nó vào gốc cây. Giờ thì tôi chỉ việc bình tĩnh tiến lại, lấy dao săn rạch một vòng quanh cổ rồi dùng roi ngựa từ từ quất cho con cáo chui ra khỏi bộ lông tuyệt đẹp của nó. Trông mà sướng mắt!

Đôi khi nhờ ngẫu nhiên hoặc may mắn mà ta sửa được sai lầm trót đã phạm phải, như tôi đã từng trải qua khi bắt gặp giữa rừng sâu một chú lợn rừng con và mẹ nó đi sát nhau. Tôi bắn trượt. Dù vậy con lợn con cứ thế một mình chạy tiếp, con mẹ đứng im như trời trồng. Tôi tiến lại gần xem sao và phát hiện ra đó là một con lợn mẹ bị mù, nó cắn đuôi lợn con để được dẫn đường. Do viên đạn của tôi bắn qua giữa hai con và cắt đứt cái đuôi nên con mẹ vẫn ngậm mẩu đuôi trong mõm. Nó dừng lại vì không được kéo đi tiếp. Vậy là tôi nắm lấy mẩu đuôi sót lại của con lợn con và cứ thế dắt con mẹ bất lực cun cút theo tôi về nhà.

Nói chung lợn rừng cái rất đáng gờm, nhưng lợn rừng đực mới thật là hung hãn và nguy hiểm. Có lần tôi chạm trán một con trong rừng, rủi một nhẽ là tôi hoàn toàn không có ý định tấn công nó hay tự vệ gì sất. Tôi chỉ kịp lẩn ra sau một gốc cây khi con mãnh thú điên cuồng lao tới. Cặp nanh của nó cắm phập vào gốc cây và nó không thể rút ngay ra được mà cũng không thể tấn công tiếp. “Chết cha mày rồi!” tôi nghĩ, “giờ thì mày hãy đợi đấy!” Tôi nhanh tay vớ một hòn đá, lấy hết sức bình sinh đập cho cặp nanh của nó quặp vào cây không thể rút ra nổi. Thế là con lợn phải đứng đó đợi tôi chạy vào xóm gần nhất lấy dây thừng và xe cút kít để ung dung chở nó còn sống nguyên về nhà.

Quý vị chắc chắn biết Thánh Hubertus là vị thần hộ mệnh cho cánh thợ săn và thợ rừng, và nhất định cũng biết đến con hươu khổng lồ có thập giá giữa cặp sừng đã gặp ngài giữa rừng. Bao nhiêu năm nay tôi vẫn cùng mọi người làm lễ cúng tế ngài, còn con hươu thì tôi đã nhìn thấy hình vẽ nó cả ngàn lần trong nhà thờ hoặc thêu trên ngôi sao của các kỵ sĩ, cho nên tôi không thể cả quyết trước vinh quang và lương tâm của một người thợ săn sùng đạo, liệu từ xưa hoặc thậm chí đến tận hôm nay có tồn tại loài hươu đội thập giá như thế không. Nhưng xin quý vị cho phép tôi kể lại những gì mắt tôi trông thấy. Một lần, khi đã bắn hết đạn, tôi bất ngờ chạm trán con hươu khổng lồ nhất thế giới. Nó điềm nhiên nhìn vào mắt tôi, tựa như biết chắc là túi đạn của tôi đã rỗng tuếch. Lập tức tôi nhồi thuốc súng vào một nắm hột anh đào mà tôi vừa nhằn ra nhanh hết sức có thể. Rồi tôi bắn trúng giữa trán nó, giữa hai sừng. Loạt đạn làm nó loạng choạng, nhưng nó vẫn chạy thoát.

Một hoặc hai năm sau, tôi lại đi săn ở đúng cánh rừng ấy; và nhìn kìa, một con hươu khổng lồ hiện ra, giữa hai sừng là một cây anh đào sum xuê cao hơn ba thước. Tôi nhớ ngay đến sự kiện ngày xưa. Tôi coi con hươu là vật sở hữu chính đáng của mình và bắn hạ nó bằng một phát đạn, thế là làm được một bữa thịt hươu rán với nước sốt anh đào, vì cây anh đào trĩu những quả ngon ngọt nhất mà tôi chưa từng được ăn trong đời. Ai dám cam đoan là không có một vị thánh ham săn bắn nào đó hoặc một linh mục hay cha xứ mê đi săn đã từng cắm cây thập giá vào giữa cặp sừng hươu của Thánh Hubertus bằng cách tương tự? Họ đã nổi danh nhờ cây thập giá và hành vi cắm sừng từ xưa, một số còn được biết đến cho đến tận hôm nay. Rơi vào thế cùng cực, và phải lựa chọn giữa hai con đường như một thợ săn ngoan đạo nhiều khi vẫn gặp phải, anh ta sẽ làm bất cứ việc gì có thể, còn hơn là để lỡ mất cơ hội ngon lành. Bản thân tôi đã vài lần sa vào tình cảnh bị thôi thúc như vậy.

Các vị nghĩ sao về trường hợp sau đây: có lần tôi hết thuốc súng trong một khu rừng ở Ba Lan, khi trời đã tối. Trên đường về, một con gấu khủng khiếp xồ đến, mõm há hoang hoác chực nuốt chửng tôi. Tôi hấp tấp thọc tay vào tất cả các túi tìm thuốc súng và đạn nhưng vô ích, chỉ thấy mỗi hai viên đá lửa như người ta vẫn hay đem theo dự phòng. Tôi lấy hết sức ném một viên vào mõm con quái vật, tọt vào họng nó. Có lẽ bị đau mà nó quay lưng chạy, thế là tôi ném nốt viên kia vào mông nó. Mọi sự diễn ra quá tuyệt vời. Viên đá lửa không chỉ chui tọt vào lỗ đít con gấu, mà còn chạm vào viên thứ nhất đến tóe lửa, nổ ầm lên và xé banh xác con vật. Dù đã may mắn thoát hiểm bữa ấy, tôi hoàn toàn không muốn lặp lại chuyện đó lần nữa hoặc gặp gấu mà không có phương tiện tự vệ nào khác.

Hình như số mệnh tôi là thế, cứ khi nào không có tấc sắt nào trong tay là y như rằng, tôi bị những quái vật tàn bạo nhất và nguy hiểm nhất tấn công tựa như linh tính báo cho chúng biết là tôi đang ở thế bất lực. Thí dụ có lần tôi vừa tháo viên đá đánh lửa ra để mài cho nhọn thì đột nhiên vang lên tiếng gầm man rợ của một con gấu. Tất cả những gì tôi có thể làm được là vội leo lên cây gần nhất để kiếm cách tự vệ. Rủi thay, trong lúc leo cây tôi đánh rơi con dao đang dùng để xoáy vít, thế là dù có súng tôi cũng như hoàn toàn không còn gì trong tay. Con gấu đứng dưới gốc cây, và tôi chờ nó leo lên theo bất cứ lúc nào. Tôi không định phóng lửa từ mắt như đã có lần từng làm, vì thí nghiệm hồi đó khiến tôi đau mắt kinh khủng, tới lúc này vẫn chưa hết. Tôi đau xót nhìn con dao cắm xuống mặt tuyết bên dưới, nhưng bây giờ thì ánh mắt có đau xót đến mấy cũng chẳng ích gì. Rốt cuộc tôi chợt nảy ra một ý vừa kỳ quái lại vừa hữu hiệu. Tôi hướng cái tia của loại chất lỏng mà người ta thường hay có rất sẵn khi sợ hãi vào đúng chuôi dao. Nhiệt độ lúc đó lạnh kinh khủng khiến nước đóng băng tắp lự, trong nháy mắt đã tạo ra một cột băng nối dài cán dao lên đến tận cành cây. Tôi tóm lấy cán dao nối dài đó rồi nhẹ nhàng, cẩn trọng kéo con dao lên. Vừa dùng dao xoáy xong vít cho chặt thì con gấu cũng leo lên đến nơi. Tôi nghĩ, quả thực là người ta phải thông minh hơn loài gấu để tóm đúng thời cơ và nghênh tiếp vị khách không mời bằng một loạt kẹo chì ngọt ngào, để ngài vĩnh viễn không bao giờ biết trèo cây là gì nữa.

Một lần khác, đột nhiên một con sói tàn bạo lao vào tôi, sát đến nỗi tôi không còn cách nào khác, ngoài tuân theo một phản xạ cơ học là tống cho nó một quả đấm vào cái mõm đang nhe ra. Để cho chắc ăn, tôi liên tục dấn tiếp, và tay tôi ngập vào họng nó đến gần lút vai. Phải làm gì đây? Tôi thực sự không thể mến cái tình cảnh trớ trêu này chút nào. Các vị thử nghĩ xem, người và sói áp sát mặt nhau! Hai chúng tôi nhìn chòng chọc vào mắt nhau không được âu yếm cho lắm. Tôi mà rút tay ra, con quái vật thịnh nộ đó sẽ vồ lấy tôi ngay. Ít nhất là tia mắt tóe lửa của nó nói rất rõ điều đó. Nói ngắn gọn là tôi túm chặt gan ruột của nó, lộn tuột ra ngoài như cái găng tay, rồi lẳng nó xuống đất. Tôi đã không hề muốn lặp lại hành động đó với một con chó dại mà tôi chạm trán trong một ngõ hẹp ở Saint Petersburg sau đó ít lâu. “Ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn!” tôi tự nhủ. Để thoát thân cho nhanh, tôi quẳng áo choàng rồi chạy. Sau đó tôi sai người hầu đi lượm cái áo choàng đem về treo lên mắc áo. Hôm sau, tôi giật bắn mình khi nghe tiếng Johann gào lên thảm thiết: “Chúa ơi, ngài Nam tước, áo choàng của ngài bị dại!” Tôi vội chạy ra chỗ gã, thấy toàn bộ quần áo của mình tung tóe khắp nơi và nát bươm. Johann nói rất chuẩn là cái áo choàng bị dại. Lúc chạy ra, chính mắt tôi vừa kịp chứng kiến nó đang vồ lấy chiếc áo dự tiệc mới tinh và cắn xé không thương tiếc.

3. Về đàn chó và ngựa của Nam tước Munchausen

Thưa quý vị, trong tất cả các trường hợp kể trên tôi đều may mắn thoát nạn, mặc dù là toàn vào phút cuối cùng, và cũng chính là nhờ số mệnh mà tôi đã dũng cảm và nhanh trí lái theo đúng hướng thôi. Mọi người đều biết đấy, tất cả những yếu tố đó cộng lại sẽ tạo ra một thợ săn, một thủy thủ hoặc một chiến binh may mắn. Nhưng thợ săn nào, thuyền trưởng hay vị tướng nào mà chỉ luôn luôn ỷ vào số đỏ hoặc chòm sao hộ mệnh mà không trang bị cho mình những kỹ năng đặc biệt cần thiết và công cụ bảo đảm thành công, thì quả là bất cẩn và đáng trách. Tôi không khi nào để bị phê phán như vậy, vì tôi luôn nổi tiếng là biết chọn ngựa, chó và súng hảo hạng, cũng như biết sử dụng chúng một cách hoàn hảo, nói cách khác là tôi được phép tự hào vì sở hữu rừng cây, đồng cỏ và ruộng đất của mình một các xứng đáng.

Tôi không định kể lể những chi tiết vụn vặt về chuồng ngựa hay trại nuôi chó hoặc kho súng của tôi như các nhà quý tộc khác thường làm đâu, tuy nhiên có hai con trong đàn chó của tôi hầu hạ tôi xuất sắc đến nỗi tôi không bao giờ quên được chúng, và nhân tiện đây, cũng muốn nhắc đến vài lời. Một con là giống chó săn chim, dai sức, tận tụy và thận trọng, ai thấy nó cũng sinh lòng ghen tị với tôi. Tôi có thể sử dụng nó cả ngày lẫn đêm. Khi nào trời tối, tôi cứ treo một cái đèn vào đuôi nó là có thể dễ dàng đi săn như ban ngày, thậm chí còn sáng hơn ban ngày. Sau lễ cưới ít lâu, có lần nhà tôi ngỏ ý muốn đi săn. Tôi phi ngựa dẫn đầu để lùng thú săn, chẳng bao lâu, con chó của tôi đứng trước một đàn gà rừng hàng trăm con. Tôi đợi hồi lâu mà vợ tôi chưa đến, bà ấy cùng viên trợ lý và người hầu xuất hành ngay sau tôi mà mãi cũng chẳng thấy bóng ai.

Đợi một lát, tôi sốt ruột quay trở lại. Đi được khoảng nửa đường, tôi nghe thấy tiếng rên rỉ thảm thiết. Nghe thì có vẻ gần, nhưng xung quanh không một bóng người. Tôi xuống ngựa, áp tai xuống đất. Giờ thì tôi không chỉ nhận ra tiếng rên rỉ từ dưới lòng đất vang lên, mà còn nghe rõ đó là tiếng vợ tôi, viên trợ lý và người hầu. Đồng thời cũng thấy gần chỗ tôi đứng có một cửa lò dẫn xuống hầm khai thác than đá, và tôi đâu thể nghi ngờ gì nữa, chán thế đấy, bà vợ tội nghiệp cùng hai người kia nhất định đã bị rơi xuống đó rồi. Tôi vội phi đến làng gần nhất gọi thợ mỏ, và sau khi mất rất nhiều thì giờ và công sức họ cũng kéo được những bị nạn từ hầm lò sâu chín mươi thước lên mặt đất. Thoạt tiên họ lôi người hầu và con ngựa của hắn, sau đó đến lượt tay trợ lý, vợ tôi, và cuối cùng là con ngựa già hom hem giống Thổ Nhĩ Kỳ của bà ấy.

Đáng ngạc nhiên nhất trong vụ ngã kinh hồn xuống hầm lò ấy là người và ngựa hầu như không hề hấn gì, trừ mấy vết xước nho nhỏ, nhưng bù lại thì họ choáng váng lắm vì nỗi kinh hoàng không tả được bằng lời. Lúc này thì chẳng ai lòng dạ nào nghĩ tới chuyện đi săn nữa, các vị cũng dễ đoán ra, nhưng tôi đoán các vị cũng nhận ra rằng trong cả câu chuyện vừa rồi tôi cũng quên bẵng con chó, chắc cũng chẳng ai giận tôi. Công việc bắt tôi sáng sớm hôm sau phải lên đường, mười bốn ngày sau mới quay về. Tôi ngồi chưa nóng chỗ thì chợt nhớ đến con chó săn. Không ai nghĩ đến nó cả, vì ai cũng cho rằng nó đi cùng tôi, nhưng đau khổ thay, bây giờ chẳng tìm thấy nó đâu cả. Rốt cuộc tôi mới sực nghĩ ra hay là nó vẫn ở chỗ đàn gà? Tôi vội tới chỗ đó ngay, trong lòng đầy hy vọng trộn lẫn lo sợ. Và trông kìa, tôi sướng như mở cờ trong bụng nhìn thấy con chó vẫn đứng nguyên vị trí mà tôi bỏ lại nó trước đây mười bốn ngày. Tôi hô “Xong!” và nó lao ngay lập tức vào đàn gà, và với một phát súng tôi bắn hạ hai mươi lăm con. Con vật tội nghiệp hầu như không còn đủ sức lết về với chủ, nó gần như chết đói, chỉ còn da bọc xương. Để đưa nó về nhà, tôi buộc phải bế nó lên ngựa, và các vị hãy tin là tôi làm công việc khó nhọc đó với niềm vui tột độ.

Sau khi được chăm sóc tử tế mấy hôm liền, nó lại nhanh nhẹn trở lại như trước, và nhờ nó mà mấy tuần sau tôi giải đáp được một câu đố mà nếu không có trợ giúp thì có lẽ cả đời tôi cũng không nghĩ ra. Chả là tôi theo dấu một con thỏ hai ngày liền. Chó luôn đánh hơi được nó, nhưng tôi không thể nào nhả đạn nổi. Từng trải qua bao sự kiện động trời, tôi không bao giờ tin vào chuyện ma quỷ, nhưng lúc này mọi giác quan của tôi đều đi đâu mất. Rốt cuộc tôi cũng áp sát được con thỏ, đưa được nó vào tầm bắn. Nó lăn đùng ra, và các vị thử đoán xem cái gì hiện ra trước mắt tôi? Con thỏ ấy có bốn chân dưới bụng và bốn chân trên lưng. Cứ khi nào bốn chân dưới mỏi, nó lại lật ngửa lên như một vận động viên bơi lội cừ khôi biết bơi ngửa như bơi sấp, và với bốn chân kia nó lại tăng tốc mạnh hơn. Tôi chưa bao giờ thấy lại một con thỏ như thế, và tôi cũng không hạ được con này nếu không có một con chó với nhiều khả năng xuất chúng đến thế. Con này hơn gấp vạn những con khác cùng giống, và có lẽ tôi không ngần ngại gắn thêm vào tên nó danh hiệu Độc Nhất Vô Nhị, nếu không có một con chó chân cao khác của tôi tranh giành vinh dự ấy. Đây là một con chó tuyệt đỉnh, về hình dáng cũng như về tốc độ vô song. Giá mà các vị được thấy nó, chắc chắn các vị sẽ trầm trồ khen ngợi và không hề ngạc nhiên vì sao tôi yêu quý nó đến thế và hay đưa nó đi săn. Hồi đi săn với tôi, nó chạy nhanh đến nỗi bốn cẳng mòn đến sát bụng, mấy năm cuối đời chỉ còn được dùng để săn chồn và kể cả trong thời lão suy ấy cũng săn chồn rất giỏi. Nhân tiện kể chuyện về giống chó chân cao, tôi còn có một con chó cái. Nó đánh hơi được một con thỏ, và tôi thấy con thỏ béo một cách bất thường. Tôi thương con chó quá vì nó đang chửa mà vẫn cố gắng chạy nhanh như mọi khi. Tôi phi ngựa theo sau, bị bỏ lại cả một quãng xa. Đột nhiên tôi nghe tiếng sủa oăng oẳng như của cả một bầy chó, tiếng rất khẽ và yếu, tôi không hiểu chuyện gì xảy ra nữa. Lúc đến gần, tôi không thể tin vào mắt mình. Con thỏ cái vừa chạy vừa đẻ, con chó của tôi cũng sinh con, và số thỏ con đúng bằng số chó con. Bầy thỏ chạy trốn theo bản năng, còn lũ chó không chỉ truy đuổi, mà con tóm cổ được hết. Thế là cuối buổi đi săn tôi có sáu con, vừa thỏ vừa chó, trong khi thoạt đầu chỉ có mỗi một con.

Tôi rất vui khi nhớ đến con chó tuyệt vời ấy như nhớ con tuấn mã giống Litva, một tạo vật hoàn hảo không thể mua được bằng tiền. Số phận đã trao nó vào tay tôi để tôi có dịp thể hiện nghệ thuật phi ngựa xứng tầm với tên tuổi không kém vang dội của mình. Hồi đó tôi có dịp đến thăm nông trang hoành tráng của Bá tước Probovski ở Litva và ngồi uống trà với các phu nhân ở phòng khách, trong lúc các quý ông xuống sân ngắm con ngựa non mà người ta vừa mới đưa từ trại ngựa lên. Bỗng nhiên chúng tôi nghe tiếng kêu cứu. Tôi lao xuống cầu thang thì thấy con ngựa hung dữ lồng lộn, khiến cho không ai dám lại gần chứ đừng nói là còn trèo lên lưng nó. Các kỵ sĩ kỳ cựu nhất đều đứng ngẩn tò te, mặt đầy vẻ lo âu và sợ hãi. Tôi nhún một bước, nhảy phắt lên lưng con ngựa. Nó không chỉ giật mình đứng sững lại, mà còn hoàn toàn quy phục tài điều khiển của tôi và trở nên ngoan ngoãn như cừu.

Để các quý bà yên lòng và quên hết mọi phiền muộn vô ích, tôi bắt con ngựa phi vào phòng trà qua một cửa sổ đang mở. Tôi biểu diễn các kiểu phi, lúc thì nước kiệu, khi thì nước đại, rồi thì nhảy tại chỗ, thậm chí còn ngồi lên bàn trà, tóm lại là đủ các kỹ xảo khiến các quý bà tròn mắt thán phục. Con ngựa khéo léo đến khó ngờ, không hề chạm đến ấm tách trên bàn. Tiết mục này khiến các quý bà và ngài Bá tước hết sức hài lòng, và ngài khẩn khoản xin tôi hãy nhận nó làm quà tặng. Tôi đã cưỡi nó trong cuộc chinh phạt quân Thổ Nhĩ Kỳ do Bá tước Munnich phát động mấy tháng sau đó.

 


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button