Văn học nước ngoài

Người Báo Hiệu

Nguoi bao hieu - Charles Dickens1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Charles Dickens

Download sách Người Báo Hiệu ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng PDF               Download

Định dạng EPUB            Download

Định dạng MOBI            Download

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 

Trích dẫn

– Ê, chú kia,

Khi nghe tiếng tôi gọi, hắn đương đứng trước cửa buồng nhỏ của hắn, tay cầm một cây cờ ngắn, lá cuốn vào cán. Thoạt tiên ai cũng tưởng hắn có thể đoán ngay được tiếng gọi từ đâu tới mà không do dự gì cả vì hai chỗ cao thấp khác nhau xa; nhưng đáng lẽ ngước mắt lên đường cái, chỗ tôi đứng ở bờ đường hào xe lửa, thì hắn lại quay ngược về phía khác mà nhìn đường rầy. Cử chỉ của hắn có cái gì lạ, nhưng tôi không nhận được là cái gì. Tôi chỉ biết rằng cái gì đó làm cho tôi chú ý tới liền; mà hình dáng của hắn đứng ở xa tít dưới sâu, ở đáy hào, có vẻ co rúm lại; còn tôi, đứng ở một chỗ cao, tràn ngập ánh tà huy của một nền trời dông tố đến nỗi tôi phải lấy tay che mắt mới nhìn rõ hắn được.

– Ê, chú kia!

Thôi không nhìn đường rầy nữa, hắn quay lại và ngước nhìn lên, trông thấy tôi ở tận trên cao.

– Có đường đi xuống đó không? Tôi muốn nói chuyện với chú.

Hắn ngước nhìn lên tôi mà không đáp, tôi nhìn xuống hắn mà không dám nhắc ngay lại câu hỏi hơi vô ích đó.

Đúng vào lúc ấy, đất và không khí rung nhẹ và một chút sau chuyển động dữ tợn; rồi hiện ra một đám lù lù phăng phăng chạy làm cho tôi vội nhảy lùi lại, sợ bị lôi cuốn theo. Một đám khói từ chuyến xe lửa tốc hành bốc lên tới tôi rồi toả ra xa, là là trên mặt đất; khi khói tan tôi lại ngó xuống hào và thấy chú ta đương cuốn lại lá cờ mà lúc xe lửa qua, chú đã phất ra.

Tôi lập lại câu hỏi. Chú chăm chú nhìn tôi một lát rồi cầm cây cờ cuốn chỉ cho tôi một điểm ở trên cao chỗ tôi đứng và cách tôi vài ba trăm thước. Tôi đáp lớn tiếng: “Hiểu rồi” và tiến lại điểm đó. Tới nơi tôi nhìn kĩ chung quanh và sau cùng tìm được một lối lờ mờ, ngoằn ngoèo, đục sơ sài đưa xuống hào. Tôi theo con đường đó.

Hào đục trong đá, rất sâu mà vách dựng đứng. Đá càng gần đáy hào càng ướt, nhớp; cho nên tôi thấy đường đi hơi dài và vừa đi tôi vừa nghĩ tới vẻ mặt gượng gạo và u ẩn của người báo hiệu khi hắn chỉ đường cho tôi.

Khi tôi tới một chỗ thấp, lại trông thấy hắn thì hắn đương đứng giữa đường rầy, có vẻ như đợi tôi ló mặt ra. Bàn tay trái hắn đỡ cằm, khuỷu tay đó chống vào lòng bàn tay mặt đặt ngang trước ngực. Cử chỉ đó cho tôi có cảm tưởng hắn mong mỏi tôi lắm và tôi ngạc nhiên ngừng lại một chút.

Tôi tiếp tục xuống dốc, tới mặt phẳng của đường rầy, tiến lại phía hắn, và lại gần, tôi nhận ra rằng nước da hắn vàng võ, râu đen mà lông mày rậm. Chỗ hắn làm việc ở vào một nơi cô lậu nhất, thê lương thất tôi chưa từng thấy. Hai bên là bức vách đá đẽo nham nhở, ướt át; nhìn lên cao chỉ thấy một mảnh trời hẹp; nhìn về một phía thì chỉ thấy cảnh tựa khám đường mênh mông đó kéo dài ra, ngoằn ngoèo; còn nhìn phía kia thì chỉ thấy một ngọn đèn đỏ ảm đạm để báo hiệu với miệng đường hầm[2] ảm đạm hơn nữa, đen ngòm, đồ sộ, kiến trúc cổ lỗ, man rợ, nặng nề. Ánh sáng mặt trời khó khăn lắm mới len lỏi vào nơi đó được, thành thử hơi đất ẩm thấp giết người được lúc nào cũng bốc lên; lại thêm một ngọn gió thổi cuồng bạo tới nỗi thình lình thấy buốt cóng, tưởng như mới rời khỏi dương thế.

Tôi lại gần hắn, gần như chạm hắn mà hắn vẫn trơ trơ. Mãi sau hắn mới lùi lại một bước, đưa tay lên mà mắt hắn không rời tôi.

Tôi hỏi chuyện: Hắn thấy chỗ này cô liêu không? Người lạ chắc ít khi tới đây lắm? Hắn có bực mình phải tiếp người lạ không? Còn tôi, chỉ là một người bị giam hãm suốt đời trong những khu chật hẹp, bây giờ mới được tự do muốn xem xét những công việc lớn lao của sở hoả xa. Đó, đại khái tôi nói chuyện với hắn như vậy, nhưng không nhớ rõ những lời tôi đã dùng, vì tôi không có tài bắt chuyện mà con người của hắn lại có cái gì làm cho tôi ngại ngùng, rụt rè.

Hắn ngó về phía cây đèn đỏ ở gần miệng hầm, vẻ mặt rất kì dị, rồi xem xét chung quanh miệng hầm như có cảm tưởng rằng thiếu cái gì ở đó, sau cùng hắn quay lại nhìn tôi.

Tôi hỏi có phải hắn có phận sự coi ngọn đèn đỏ đó không. Hắn đáp, giọng khàn khàn:

– Thì ông biết rồi mà.

Một ý quái đản hiện trong óc tôi; nhìn cặp mắt trừng trừng đó, nét mặt cau có đó, tôi tưởng như đứng trước một hình ma chứ không phải một con người. Từ lúc đó tôi vẫn tự hỏi không biết tôi có nhiễm ít nhiều tư tưởng của hắn không.

Bây giờ thì chính tôi lùi lại mà cặp mặt hắn tỏ vẻ như sợ tôi vậy. Ý quái đản trước của tôi tiêu tan.

Tôi rán mỉm cười bảo hắn:

– Chú ngó tôi y như chú sợ tôi vậy.

Hắn đáp:

– Không biết tôi đã gặp ông lần nào chưa.

– Ở đâu?

Hắn quay mặt đi, chỉ cho tôi ngọn đèn đỏ.

Tôi hỏi:

– Ở đó ư?

Hắn trân trân ngó tôi, lặng lẽ gật đầu.

– Chú này mới kì dị, tôi lại đó làm gì chứ? Chú có thể tin chắc rằng tôi chưa bao giờ đặt chân tới đó.

– Tôi cũng tin vậy. Vâng, tôi tin chắc vậy.

Hắn có vẻ thoải mái hơn, tôi cũng thế. Hắn đon đả trả lời tôi, ăn nói thông minh. Công việc của hắn có nhiều không? Nhiều; thực ra trách nhiệm khá nặng; cần nhất là phải đúng giờ, chứ chẳng có gì mệt sức. Kéo dấu hiệu này hoặc dấu hiệu kia, gạt tim đèn, thỉnh thoảng nhấc một cây đòn bẫy bằng sắt, đó công việc tay chân chỉ có vậy, còn thì suốt ngày ngôi trơ trơ một mình. Tôi bảo như vậy rất khó chịu thì hắn cho rằng lâu cũng quen. Ở chỗ này, hắn đã học được một ngoại ngữ, nghĩa là tập đọc sách, còn giọng thì hắn theo giọng của hắn, đúng lơ lớ; như vậy thực ra không thể nói là học ngoại ngữ được. Hắn cũng đã học được phân số và số lẻ, bắt đầu bước vô môn đại số, nhưng từ nhỏ hắn không có khiếu về toán. Trong những ngày làm việc, hắn có bắt buộc phải ngồi hoài trong cái hầm ẩm thấp, lộng gió này không, hay là có thể thỉnh thoảng leo lên khỏi những bức tường cao này mà tới chỗ có ánh sáng kia không? À cái đó thì còn tuỳ lúc. Trên con đường này không phải xe lúc nào cũng qua lại thường như vậy, có giờ ít, có giờ nhiều; lại tuỳ trường hợp nữa. Hôm nào đẹp trời thì thỉnh thoảng hắn leo lên đó dạo chơi, ra khỏi cái miền tối om này; nhưng vì lúc nào chuông điện cũng có thể réo lên được, nên hễ hắn tiến xa một chút thì lại càng phải chú ý nghe chuông thành thử đi chơi cũng hết thú.

Hắn mời tôi vô căn phòng trong đó có một lò sưởi, một mặt tủ trên mặt đặt một cuốn sổ lớn để ghi chép việc sở, một máy điện tín có mặt đồng hồ và nhiều kim với một cái chuông nhỏ. Tôi tỏ vẻ thân mật, khen hắn có vẻ một người gia giáo, học thức cao hơn địa vị xã hội hiện thời của hắn (tôi hy vọng hắn không vì thế mà giận tôi); hắn trả lời rằng trong xã hội vẫn thường có trường hợp đó, như trong các nhà dưỡng bần, trong ty cảnh sát và cả trong quân đội nữa, chỗ trú chân cuối cùng của những kẻ thất bại; và ngay trong công ty hoả xa cũng có một số nhân viên như vậy. Hồi trẻ hắn học môn vạn vật (hắn ngồi trong cái chòi tồi tàn này thì khó tin điều đó quá, chính hắn cũng không tin nổi) hắn đã ăn học đàng hoàng rồi sống một đời phóng đãng, bỏ lỡ cơ hội, đến nỗi xuống dốc và không leo lên được nữa. Hắn không có quyền phàn nàn. Lỗi tại hắn thì hắn phải chịu. Trễ quá rồi, không làm lại cuộc đời được nữa.

Hắn bình tĩnh kể lại đời hắn mà tôi tóm tắt lại như trên, trong lúc đó cặp mắt đen nghiêm trang của hắn hết ngó ngọn lửa lại ngó tôi. Thỉnh thoảng ở giữa câu hắn lại kính cẩn “Thưa ông”, nhất là khi hắn kể tuổi xuân của hắn như muốn cho tôi hiểu rằng hắn chẳng cao quí gì hơn cái bề ngoài của hắn đâu. Nhiều lần chuông kêu làm hắn ngừng câu chuyện để bắt tin và trả lời. Có một lúc hắn phải đứng ở trước cửa để phất cờ khi xe lửa qua và truyền một tin cho người thợ máy. Tôi nghiệm thấy hắn làm phận sự một cách đứng đắn, cần mẫn lạ thường: đương nói hắn ngừng ngay lại, xong việc rồi mới nói tiếp.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button