Văn học nước ngoài

Khi Ta Mơ Quá Lâu

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Goh Poh Seng

Download sách Khi Ta Mơ Quá Lâu ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Một

Ở miền nhiệt đới này, ánh nắng ban chiều vụt tắt nhanh như cắt khiến ta chú ý, như chú ý một người đột nhiên câm lặng rời đi. Vừa ở đấy mà đã biến mất. Nhưng chút ký ức, chút dấu vết nhạt nhòa vẫn còn ở lại, dầu chỉ trong thoáng chốc, rồi cả điều ấy cũng tan đi.

Chỉ mấy tiếng trước, khi Kwang Meng bắt chuyến buýt dài lê thê leo từ Đường East Coast đến bãi biển Tanah Merah ở Changi, buổi chiều vẫn rực rỡ và nóng phừng phừng. Bãi biển thứ Năm vắng tanh vắng ngắt, Kwang Meng(1) lang thang trên bờ, cảm thấy bãi biển này chỉ dành cho riêng anh. Cũng như buổi chiều, dành riêng cho anh thôi. Anh đã “tuyên bố chủ quyền” khi quyết định giả ốm trốn khỏi văn phòng. Ông sếp họ Tan cứ làu bàu quạu quọ:

“Được rồi. Nhưng phải đến gặp bác sĩ công ty đấy! Mà mai anh phải đi làm đấy, đang có cả đống việc đây. Nếu không thì phải xin bác sĩ giấy chứng nhận ốm nhé!”

Đi đến phòng khám của bác sĩ Chan là một thủ tục dễ dàng. Bác sĩ Chan sẽ hỏi: “Cậu không khỏe à?” Đám nhân viên văn phòng gọi đó là câu hỏi mồi chào.

“Vâng, bác sĩ à, cháu mệt quá.”

Thì cũng đúng thôi mà, Kwang Meng nghĩ.

Dạo này anh thực tình không khỏe. Rỗng túi, cô đơn, chán chường, ẩn ức tình dục, rồi còn cảm lạnh và chứng ho kinh niên nữa chứ. Ấy là chưa tính đến cái công việc thảm đạm này.

“Mệt à? Cậu có sốt đâu?” bác sĩ Chan dò hỏi, y tá ngoài kia đã đo nhiệt độ cho anh và ghi vào tấm phiếu đặt ngay ngắn trên bàn giấy.

“Có đau đầu không?”

“Có ạ, thưa bác sĩ, đau đầu quá.”

“Lần nữa hả?”

“Vâng, lại đau nữa.”

“Hiểu rồi. Cậu muốn nghỉ chứ gì?”

“Vâng, thưa bác sĩ.”

“Được rồi. Nghỉ nửa ngày.”

Bác sĩ Chan viết giấy chứng nhận bệnh tình và kê cho anh vài loại thuốc. Bước ra ngoài, Kwang Meng ném gói thuốc nhỏ vào máng nước rồi đón xe buýt tới bãi biển.

Thủy triều ở mức vừa đủ, lên hai mét rưỡi, theo tờ Straits Times sáng nay. Bơi lội là một trong vài điều Kwang Meng thực sự thích. Đặc biệt là đi bơi ở biển. Trong hồ bơi anh cảm thấy chật chội tù túng. Không có chỗ duỗi chân tay, clo làm xốn mắt, và sau khi bơi cả người anh lúc nào cũng xông lên một mùi khai đáng nghi. Kwang Meng không bao giờ tin tưởng những tay bơi khác, bởi chính anh luôn thực hành đầy đủ cái nghi thức nghiêm trang là phải tiểu ngay khi mức nước ở ngang thắt lưng. Một cảm giác thực buồn cười, xè xè một dòng chảy nhỏ vào bể nước, chỉ thấy một chút lực cản. Điều đó đã trở thành một cơn thúc đẩy tự nhiên, như sông ngòi kiểu gì cũng tìm về biển, tìm về người mẹ chung. Người mẹ chung hả? Cái thùng rác của vũ trụ thì đúng hơn.

Sau một số thử nghiệm, anh đã tự định ra cho mình một kiểu bơi thoải mái, mở đầu bằng vài cú bơi sải, khoảng chín nhịp, thong thả bơi ếch khoảng mười sáu nhịp, lười nhác bơi ngửa mười một nhịp, tiếp tục ở tư thế bơi ngửa nhưng không cử động tay chân, thỉnh thoảng còn gọi là nổi bồng bềnh, rồi lại lơ đãng bơi ngửa chỉ với vài cử động nhịp nhàng của chân, đôi tay hầu như không chuyển động, khoảng hơn hai mươi nhịp như thế thì vòng lại bước đầu tiên, dần dần khoảng thời gian thả mình cho nổi bồng bềnh lại dài thêm.

Đôi lúc Kwang Meng chỉ nhẹ nhàng thả người xuống nước (người khác thì sẽ lao mình xuống và gọi đó là lặn) và nhìn thấy một thế giới mới mẻ lặng yên. Vào những ngày nắng đẹp, như Kwang Meng thích gọi, khắp quanh anh là màu “xanh ngăn ngắt”. Anh sẽ nhịn thở, tận hưởng vài phút giây êm đềm, cuối cùng đến lúc thấy khó chịu, anh để hơi thở tràn ra qua cái miệng mở hờ và hai lỗ mũi, sục thành bọt khí bay lên nhẹ nhàng như những giấc mơ, rồi chuồi lên mặt nước trước khi hết hơi.

Đôi lúc, vào những ngày Chủ nhật nắng nóng bãi biển chật kín người, Kwang Meng sẽ nhìn thấy những bóng mây nhỏ đuổi nhau trên cát biển trắng lóa. Một cơn gió trào qua, mảng ghép hình xám thẫm ấy lững thững trôi qua những thân thể đủ màu, trắng, vàng, nâu của người đi tắm.

Lúc này đây, theo hướng gió chiều, anh đi về phía khu vực Esplanade – đường dạo chơi nhô ra biển, đến tựa người vào bức đê biển xi măng. Có bao nhiêu tàu thuyền neo lại ngoài kia. Có phải đấy cũng là những con tàu tối hôm qua, hay cả tuần trước? Anh không biết. Chúng giống hệt nhau. Từ nơi đang đứng, anh không phân biệt được rành rẽ từng cái. Mà thực ra anh cũng chẳng quan tâm. Lúc nào chúng cũng như neo lại ngoài kia, dẫu anh biết những con tàu dọc ngang đại dương ấy sẽ chỉ ghé lại Singapore trong vài ngày, thậm chí chỉ vài giờ. Rồi những tàu khác lại thay thế chúng. Từ mọi góc biển chân trời. Nhưng với Kwang Meng, chúng lúc nào cũng như nhau. Những con tàu buổi tối.

Một tiếng trôi qua, anh vẫn đứng đó. Phía bên trái, một đám mây đen sà xuống đe dọa, treo lửng lơ ngay phía trên khu cao ốc chung cư mới ở Katong. Đêm nay sẽ mưa. Trong không khí đã đùng đục tiếng sấm. Kwang Meng sợ sấm. Đôi lúc, anh cảm thấy ông trời đang nhắm xuống mình. Tờ Straits Times hôm trước đăng bài về một tay chơi golf bị sét đánh chết ở câu lạc bộ Island. Lãng xẹt! Đùng một cái! Mà người ta chết vì sét như thế nào nhỉ? Có để lại chút dấu vết gì không? Xác chết có tan hoang lắm không? Giống như bị điện giật vậy. Chuyện ấy cũng hay xảy ra: chỉ đơn giản là ai đó mở radio hay ti vi ra mà sửa. Người ta bảo ít dấu vết lắm, chỉ có vết bỏng nhỏ ở ngón tay. Thế thôi. Vậy mà người ta chết. Lạ thật. Dòng điện ấy, khó hiểu thật.

Sấm lại vang rền. Mọi người quanh anh bắt đầu rời đi, tránh cơn mưa đang tràn tới. Về nhà thì an toàn hơn, phải rồi, phải về nhà. Kwang Meng quay người bước đi. Sắp đến giờ cả nhà phải về ăn tối. Mặc dù thật lòng anh chỉ muốn ở ngoài, nhưng hồi nãy khi lục lọi ví tiền, Kwang Meng nhận ra anh chỉ đủ tiền trả vài ly bia Tiger nếu muốn tới quán bar.

ĐỌC THỬ

Anh bước về phía Collyer Quay để đón xe buýt, sóng biển vỗ bờ bên trái. Bên phải anh, bên kia đường, câu lạc bộ Cricket Singapore đứng khệnh khạng ở một góc đường Padang. Là một dấu tích của thời thuộc địa quá khứ, những chiếc xe có tài xế riêng vẫn đậu ngoài cửa, trong khu đậu xe chỉ dành riêng cho thành viên. Những ông chủ người Anh đang dở đường vào với những ly Whiskey Stengah và Brandy Dry. Anh thoáng thấy những “cậu bồi” người Hoa mặc đồng phục trắng. Buồn cười thật, làm thế nào những người Anh có thể vô tư gọi những ông già Hải Nam là “cậu bồi”? Vẫn bước đi, Kwang Meng cảm thấy, tòa nhà ấy chẳng phải chỉ là dấu tích dù độc lập đã về(2). Những người Anh đeo bám họ thật dai dẳng, anh thầm nghĩ khi đi qua Hội trường và Nhà hát Tưởng niệm Victoria bên tay phải, rồi băng ngang cầu Connaught đến tòa nhà Fullerton kiểu đế quốc xám xịt và đường bệ gần bên. Tất cả những cái tên thuộc địa ấy đóng dấu mọi nơi, tẩy mãi không hết. Thảo nào người Anh vẫn thấy nơi này như ở nhà. Họ vẫn còn bám lấy các câu lạc bộ Cricket, câu lạc bộ Tanglin, câu lạc bộ Polo của họ.

Kwang Meng bắt kịp chuyến xe vừa trờ tới.

Hai

Bên bàn ăn, cha anh vẫn cau có như thường lệ. Kwang Meng quyết định không nói gì để tránh làm ông già nổi đóa. Đám em út vừa chan vừa húp, vừa nói chuyện líu lô. Kwang Meng cúi gằm mặt xuống chén, và cơm vội vàng. Anh phải rời khỏi nhà càng nhanh càng tốt. Mặt chúi ngang miệng chén, anh lén nhìn sang cha. Ông càng lúc càng có vẻ giận dữ.

“Nhìn con bà kìa! Ăn như lợn! Sao bà không biết đằng dạy chúng?” ông quay sang nạt mẹ anh.

Cha à, cha sai rồi, Kwang Meng nghĩ thầm. Như lợn con chứ. Lũ lợn con đang vục mặt vào máng là con của cha chứ ai.

“Mà nhìn nó kìa!” Ông già quay sang Kwang Meng, “ăn cơm gì mà cúi gằm mặt xuống thế kia, không coi cha mẹ ra gì à? Mày nghĩ tháng đưa cho mẹ mày được trăm hai mươi đô tiền chợ thì không cần đếm xỉa đến chúng tao ở bàn ăn hả?”

Lại là bài ca không quên đó. Kwang Meng quyết định không dính líu vào nữa. Những chuyện như vậy cũng như dông bão, đến lúc rồi tự tan. Chẳng cần kháng cự. Anh nhìn sang mẹ, một người đàn bà nhỏ bé mỏi mệt, mái tóc thưa đã ngả xám. Bà cũng đã học cách không kháng cự. Có phải điều này ở trong gien di truyền mẹ cho anh không? Bà là một chiến binh lạ đời, cực kỳ dũng cảm, còn chưa bị đánh bại hoàn toàn. Nếu người ta bị đánh bại hoàn toàn thì chỉ có nước chết. Hoặc còn tệ hơn thế: vào nhà thương điên Woodbridge. Trong cuộc đời, nên bị đánh bại một tí xíu, chỉ tí xíu thôi, mà thực tế cũng không hiếm gặp, nhưng không nên bị hạ gục hoàn toàn.

Đôi lúc, Kwang Meng tự xưng là vị anh hùng bị đánh bại tí xíu. Không ai hiểu cả. Sẽ không ai hiểu. “Mày đang nghĩ về trăm hai mươi đô của mày phải không? Mày biết lo cơm nước chợ búa cho cái nhà này tốn bao nhiêu không? Trăm hai mươi đô há!”

“Thôi mà mình, con nó mới đi làm vài tháng thôi, lương lậu có là bao. Trai tráng thanh niên như nó phải có tiền tiêu vặt chứ. Để còn đi với bạn với bè,” mẹ anh bào chữa.

“Hừ! Khi tôi còn là thanh niên, tôi có tiêu xài gì đâu. Tôi cũng chả chơi bời nữa. Lứa chúng nó thì có gì khác, sao phải nuông chiều chúng làm gì?”

May mắn thay, đám em nhỏ đã ăn xong và tản ra khỏi bàn.

“Nhà mình chẳng còn đợi nhau cùng ăn xong nữa,” ông già làu bàu, vừa giận vừa buồn. Nhón vài cây tăm từ hũ nhựa hình cột đá Hy Lạp, ông lững thững bỏ ra ban công xỉa răng. Mẹ anh đứng dậy, rót vài tách trà nóng nghi ngút khói từ cái ấm tráng lớp cách nhiệt, rồi bưng một tách ra cho cha. Tiếng người cười nói từ ngoài đường phố và mấy căn hộ kế bên vọng vào nhà. Kwang Meng lấy một tách trà nóng rồi rút vào phòng.

Thận trọng đặt tách trà lên mặt cái tủ thấp, anh châm thuốc rồi nằm nhoài ra giường. Đập vào mắt anh là hai poster phụ nữ khỏa thân màu sắc lòe lẹt. Thằng bé em anh đã xé ra từ trang giữa tờ Playboy rồi dán lên tường. Không hấp dẫn chút nào, y hệt như một miếng bánh kem, một đám thịt da lồ lộ không chút bí ẩn. Nhưng hàm răng trắng muốt kia trông cũng đẹp.

Cánh cửa bật mở, Kwang Kai, em trai ở cùng phòng với anh, bước vào. Chắc nó muốn xin xỏ gì đây, Kwang Meng đoán.

“Meng à, anh đã xem bộ phim ở rạp Odeon chưa?”

“Chưa.”

“Em nghe nói phim hay lắm.”

“Vậy hả?”

“Ừa, và lũ bạn em sẽ đi coi suất chín giờ mười lăm. Anh cho em xin một đô nhé?”

Kwang Meng đưa tiền, thằng bé cảm ơn rồi chuồn thẳng. Anh mỉm cười. Từ độ anh đi làm mấy tháng trước, những cuộc trò chuyện dễ đoán này lặp đi lặp lại. Anh thận trọng nhấp món trà nóng sôi, thấy nó trôi xuống như lột da cổ họng. Từ ngày đó cha anh cũng ngày càng khó tính. Kwang Meng cảm thấy cha anh dường như rất thất vọng khi anh xin được chân thư ký. Ông đã làm thư ký trong một công ty vận tải gần như cả cuộc đời, và luôn luôn nói rằng công việc ấy chẳng có tí tương lai gì ráo. Giờ thì con cả ông lại nối nghiệp cha. Một phần giấc mộng của ông như đã chết. Nhìn bề ngoài, ông coi thường con mình: con ông đáng lẽ phải hơn ông chứ, thành công của con cái đáng lẽ phải là sự đền đáp cho bao nhiêu hy sinh của ông chứ. Nhưng từ đáy lòng, đấy là ông coi thường chính mình; ông đổ tất cả lên sự thất bại của đời mình.

Kwang Meng phải lăn lội tìm việc tới tám tháng sau khi ra trường. Ngày nay chẳng mấy ai cần công nhân cổ trắng, mà học vấn của anh chỉ đủ để làm loại việc đó. Nhà anh không có đủ tiền để cho anh học đại học, mà Kwang Meng cũng không học giỏi đến mức kiếm được học bổng.

Khi kết quả thi được công bố, lớp anh nói chung không tỏ ra hào hứng. Lác đác vài đứa đạt điểm cao với hy vọng đoạt được học bổng. Những đứa nhà giàu thì chẳng cần gì phải lo: chúng đủ tiền trang trải học phí đại học, hoặc nếu trượt thì cùng lắm là ra nước ngoài. Phần còn lại, giống như Kwang Meng, không có hứng thú và chẳng mong đợi gì. Chúng biết điều gì sẽ tới. Những kẻ ôm ấp mơ mộng thầm kín nhìn thấy giấc mơ tan vỡ khi đi xin việc. Phần lớn chúng thấy mình nối gót cha, nhận lấy định mệnh là phải sống như cha mình. Chỉ trong khoảng ngắn ngủi vài tuần trở thành người lớn, chúng đã kịp rước lấy vẻ cam chịu không tuyệt vọng, không cao trào.

Ngày hôm sau khi biết điểm thi, hai cậu bạn học Hock Lai và Nadarajah đến nhà anh chơi. Anh đẩy chúng vào phòng riêng, đóng kín cửa cho có vẻ riêng tư, và bọn con trai bắt đầu cuộc thảo luận.

Hock Lai(1) là một tay diễn thuyết cứng cựa, lúc nào cũng có mặt trong các cuộc tranh luận do trường tổ chức. Y có năng khiếu tự nhiên, ai cũng bảo thế, và ai cũng tiên đoán y sẽ có một tương lai chính trị vô cùng xán lạn. Y có vẻ tin tưởng điều đó lắm, lúc nào cũng lấy dáng vẻ thích hợp; thậm chí ngoài giờ hùng biện, y vẫn không ngừng tranh luận. Đời là một cuộc tranh luận lớn mà. Còn Nadarajah là tay chơi cricket khét tiếng và ngôi sao điền kinh ở trường. Nghĩ cũng buồn cười, những người gốc Ấn gầy gò với cẳng chân giơ xương (mà người ta vẫn gọi là cẳng gà) lại rất giỏi chạy đường dài. Chắc vì chẳng có mấy da thịt mà đeo theo cho nặng. Nadarajah cũng nổi tiếng qua vai diễn Portia ở đội kịch của trường, và từ đó trở đi, Portia là biệt danh của y. Hock Lai đóng vai Shylock còn Kwang Meng đóng vai Balthazar.

Ai nghe thấy cũng hỏi: “Balthazar là ai?”(2)

“Tao là Balthazar.”

“Ý tao là, thằng cha đó là ai?”

“Cái tên chỉ có một câu thoại duy nhất: ‘Thưa bà, tôi sẽ đi nhanh hết sức’ rồi rời sân khấu.”

Hock Lai hỏi Kwang Meng dự tính làm gì trong tương lai, và anh chỉ đơn giản trả lời: “Lục lọi mục Việc Tìm Người chứ sao.” Portia đang tính đi ngược lên Bắc để thăm họ hàng ở Seremban(3). Một người cậu của y có quen biết ai đó. “Cậu tao cũng biết Ramanathan nữa, luật sư Ramanathan, chuyện này có thể thuận lợi cho tao. Ông già của Ramanathan biết ông nội tao hồi ở Tích Lan. Ở cùng làng mà.” Kwang Meng lúc nào cũng ngạc nhiên với những mối dây chằng chịt trong những gia đình Tamil(4) gốc Tích Lan. Đôi lúc cũng thật hữu dụng.

Khói thuốc lười lĩnh bốc lên trần nhà, họ tán phét, thăm dò tương lai gần của chính mình trong khi vẫn không thổ lộ hết cho mấy người kia.

“Thế khi nào mày định vào đảng P.A.P(5) hả, Hock Lai?” Portia khiêu khích.

“Không đời nào. Giờ ai mà cần chúng ta chứ? Chả có đánh nhau, chả có cách mạng, tao cũng không có nổi mảnh bằng cử nhân luật, hay thời thượng nhất, cử nhân kinh tế. Thời thế thay đổi rồi, và chính trị cũng thế.” Hock Lai trầm ngâm. “Bọn mình ra sân khấu quá trễ, tới thế hệ mình, mọi chuyện đã xong béng rồi. Giờ chả ai cần chúng ta.”

“Chúng ta chỉ là những con số. Ước gì tao sinh vào thời xa xôi ấy!”

“Tao sẽ thành chiến sĩ tranh đấu cho tự do hết sảy!”

Đúng lắm, Kwang Meng thầm nghĩ. Chẳng còn mục đích cao cả nào để lại cho thế hệ chúng ta, và tệ hại hơn nữa, những người lãnh đạo vẫn còn tương đối trẻ. Hock Lai tội nghiệp. Y sẽ phải đợi lâu. Một vài tuần sau y trở thành người bán hợp đồng bảo hiểm.

Lát sau Hock Lai đề nghị họ ra quán bar. Kwang Meng chưa từng đi bar trước kia. Cần phải bắt đầu làm quen với những kiểu cách của thế giới này, vì nay anh không còn là học trò nữa. Mẹ cho anh vài đồng.

Kwang Meng thích thú nhâm nhi thứ cảm giác lén lút tội lỗi khi bước vào bóng tối êm ả điều hòa của quán bar Paradise, cùng đến ngồi với đám bạn ở bàn phía sau. Chiếc ghế giả da mát lạnh. Một người phụ nữ chừng ba mấy đến gần.

“Các anh dùng chi?”

“Hai ly Tiger lớn, Mary,” Hock Lai nói, không hỏi ý kiến họ. Uống bia Tiger, bản lĩnh đàn ông thời nay, quảng cáo lúc nào chẳng ra rả thế. Kwang Meng đang hình dung mình phóng xe trên đường cạnh một em gái váy ngắn cứ y như quảng cáo khi Mary quay đi gọi thức uống.

“Hấp dẫn không?” Hock Lai hỏi. Portia và Kwang Meng nhất trí. “Ngon hơn nhiều mấy em gái Playboy của mày đó, người anh em! Mary là đồ thật!” Hock Lai tuyên bố, cứ như thể y đã nếm trải thứ đồ thật của Mary vậy.

“Mấy cái poster đó không phải của tao. Em tao dán lên đấy chứ,” Kwang Meng phản đối.

Mary đặt cả chai cả cốc lên mặt bàn dán formica, rồi ngồi xuống cạnh Hock Lai, đối diện Kwang Meng và Portia.

“Người mới nha. Em chưa thấy mấy anh này bao giờ,” Mary nói.

“Đúng đó Mary. Mới toanh. Cưng phải giới thiệu bạn gái cưng cho họ đi. Chọn mấy cô xinh xinh ấy.”

“Họ làm nghề gì?”

“Cái tên đen đen này, bạn Portia của anh, là con trai của một tiểu vương giàu có, còn cậu này, Meng, là con của một đại gia cao su, triệu triệu phú cả ấy.”

“Rất vui được gặp mấy anh,” Mary nói, không có chút gì là ấn tượng, nhưng ít ra cũng thân thiện.

“Rất vui được gặp em.”

Hai chầu bia tiếp theo, Kwang Meng đã hoàn toàn thoải mái, một cách rất lạ, như tìm được chỗ đứng của mình trên thế giới. Có đôi chút giống bơi lội, giống như đắm mình vào thế giới lặng câm dưới đáy biển. Từ đó Kwang Meng chọn bia là một trong những khoái cảm đời mình, anh không động vào whiskey, brandy hoặc gin. Ở quán bar Paradise, anh làm quen với tất cả các cô gái, nhưng theo nếp ở chỗ này, cô “bạn gái quầy bar” của anh là Lucy. Lucy với mái tóc xõa vai.

Cánh cửa bật mở và mẹ anh nhòm đầu vào.

“Sao nằm đó mãi vậy? Đừng có ru rú trong phòng như thế. Ra chào cậu Cheong đi!”

“Dạ, thưa mẹ.”

Kwang Meng uống cạn chỗ trà nguội ngắt còn lại, rít một hơi dài, dụi thuốc xuống cái gạt tàn bằng thiếc rồi ra phòng khách.

“Thưa cậu!”

“A, Meng! Cậu trai nhà này dạo này thế nào rồi?”

“Cũng vầy vậy thôi cậu ạ.”

“Cái gì? Cũng vầy vậy là sao? Thanh niên như cháu phải có nhiều hơn ‘vầy vậy’ chứ. Cả thế giới ở dưới chân cháu cơ mà, phải nhiều hơn ‘vầy vậy’ chứ? Trừ phi cậu già tới mức không nhớ nổi hồi trẻ mình ra sao nữa.”

“Chắc vậy đó, cậu à.”

“Nói xem, công việc của cháu dạo này ra sao?”

“Ồ, cũng vầy vậy cậu à.”

“Nào nào, đừng có nói thế mãi!”

“Dạ, thưa cậu.”

Kwang Meng thích ông cậu Cheong lắm. Và ngưỡng mộ nữa. Người như cậu Cheong, thật dễ cho người khác hâm mộ. Không phải vì cậu là một doanh nhân tương đối thành đạt, cũng không phải vì tiền, mà vì sự dịu dàng tử tế của cậu, vì sự điềm đạm thong dong của cậu. Cậu anh già đi một cách thong dong. Kwang Meng lúc nào cũng thấy chuyện đó quái lạ, thật quá khác biệt với những người già anh biết. Họ mang theo gánh nặng của bao năm tháng trong đời, phô bày ra những vết chai sạn, họ biến dạng vì cuộc sống. Hơn hết, Kwang Meng hy vọng rằng khi già đi mình cũng sẽ như cậu Cheong. Bây giờ, sau một vài tháng đi làm, anh nhận ra chuyện đó khó khăn chừng nào. Anh càng thán phục vẻ mặt an lành đó.

Dù đã gần sáu mươi tuổi, cậu Cheong vẫn hoạt động năng nổ, gắng gỏi làm ăn. Khi khởi nghiệp, cậu vốn chẳng có mấy đồng. Một lần, Kwang Meng đã hỏi cậu, với giọng điệu của tuổi trẻ thẳng thắn nhiệt tình, xin cậu tiết lộ bí quyết hạnh phúc của mình. Cậu chỉ đơn giản trả lời rằng cậu tin vào sự thích nghi. Không phải là chấp nhận mọi điều, cậu vội chặn trước, mà khiến mình tự thích nghi vào mọi hoàn cảnh. Cậu bảo đây là lời dạy bảo của các vị hiền nhân Trung Hoa, như Lão Tử, và tiếp tục nói về thuyết Âm Dương và Trung Dung. Kwang Meng nhận xét rằng phần lớn người Hoa anh biết không theo lời dạy của thánh hiền. Cậu Cheong mỉm cười. Một lần khác, khi nghe rằng cậu của anh từng thiếu điều mất sạch tài sản khi công việc làm ăn lụn bại, Kwang Meng đã hỏi lúc ấy cậu cảm thấy thế nào. Cậu trả lời anh rằng, người ta phải biết chấp nhận chuyện đó. Người ta lớn lên phải biết chấp nhận, hoặc hòa nhập vào đời hoặc mở lòng cho đời nhập vào mình, để trở thành một phần của mọi điều.

Khi Kwang Meng khoảng mười hai tuổi, anh nghe rằng cậu Cheong có vợ hai. Cậu có sáu đứa con với người vợ cả, bà mợ của Kwang Meng. Với vợ hai cậu cũng có sáu đứa con. Gia đình nhân hai. Khi bị Kwang Meng cật vấn, cậu Cheong cho đó là sự vô ý của đời cậu.

“Meng, cháu muốn đi với cậu tới Sabah không? Cậu sẽ tới đó vào cuối tháng này để giải quyết vụ mua bán gỗ. Sẽ là một chuyến đổi gió hấp dẫn cho cháu đấy. Sabah còn rất hoang sơ. Nên rời khỏi Singapore một thời gian.”

“Cảm ơn cậu. Nhưng cháu còn đang trong thời hạn thử việc. Cháu không thể đi đâu, dù muốn cách mấy.”

“Nó sẽ không đi đâu hết,” cha Kwang Meng nói. “Tôi nghe nói nó trốn việc đi bơi chiều nay.”

Cậu Cheong cười lớn.

Đúng, một vùng đất hoang sơ trinh bạch. Những thảm cây xanh mướt mỡ màng, những thị trấn lạ kỳ bé nhỏ, những người tiên phong trên đất mới, anh đã nghe như vậy. Không giống như Singapore ồn ào, chật chội đến ngột ngạt. Kwang Meng thầm nghĩ, được như vậy thì hay biết bao. Được trốn thật xa, được đi thật xa. Khi cậu anh rời khỏi nhà được một chốc, Kwang Meng cũng rảo bước vào màn đêm vừa kéo xuống.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button