Văn học nước ngoài

Hôn Nhân A Ma Tơ

 

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Anne Tyler

Download sách Hôn Nhân A Ma Tơ ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                       Xem giá bán

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Trẻ trung, đẹp đẽ, Michael và Pauline như sinh ra để dành cho nhau. Trong không khí sôi sục của một cuộc chiến tranh đang tới gần, họ vội vã kết hôn và cùng nhau bước những bước đầu tiên trên cuộc hành trình kỳ thú của hôn nhân.

Nhưng hôn nhân không như mơ và chẳng có cuộc phiêu lưu kỳ diệu nào. Một người cho rằng thể hiện cảm xúc mới khiến ta giống con người, một kẻ lại coi kiềm chế mới là điều đúng đắn. Một người tin rằng hôn nhân lý tưởng phải là sự hòa nhập của hai tâm hồn, một kẻ nghĩ hai người cùng sóng bước nhưng hoàn toàn độc lập với nhau. Những khác biệt nho nhỏ bỗng chốc ngoác thành kẽ nứt lớn. Hai con người bình thường dò dẫm trong trò chơi hôn nhân, một cuộc chơi ta thường phải đôi lần thất bại trước khi trở nên chuyên nghiệp, hoặc có thể vĩnh viễn chỉ là kẻ nghiệp dư.

Khi mở một cuốn tiểu thuyết của Anne Tyler, ta đang tự đặt mình vào bàn tay dày dạn và tài tình của một nhà văn chuyên nghiệp đã từng đoạt giải Pulitzer. Biệt tài quan sát tinh tường, miêu tả tâm lý sắc sảo cùng giọng văn thông minh, hóm hỉnh của Anne Tyler sẽ khiến ta cười, ta khóc, và trên tất thảy, ta thấy quen thuộc như đọc về chính mình.

***

Đôi nét về tác giả Anne Tyler

 

Anne Tyler sinh năm 1941 tại Minneapolis, Minnesota và lớn lên ở Raleigh, Bắc Carolina (Hoa Kỳ), được coi là Jane Austen thời hiện đại vì lối viết chân thực, hóm hỉnh đã mang lại cho bà đông đảo độc giả yêu mến . Mười chín tuổi, bà tốt nghiệp đại học Columbia, chuyên về nghiên cứu nước Nga. Hôn nhân a ma tơ là cuốn tiểu thuyết thứ mười sáu bà viết; cuốn thứ mười một, Breathing Lessons, được trao giải Pulitzer năm 1988. Tyler là thành viên Viện Nghệ thuật và Văn chương Mỹ. Hiện bà sống ở Baltimore, Maryland.

Lời khen tặng dành cho Hôn nhân a ma tơ

“Tyler là một nhà phân tích sắc sảo khó ai bì về sự rối rắm tinh vi của các mối quan hệ.”

− Harper’s Bazaar

 

“Tình cảm bà dành cho các nhân vật chân thực đến mức tưởng như có thể chạm vào; kỹ năng cũng như sức hấp dẫn trong ngòi bút của bà là điều khó có thể phủ nhận…”

− Binghamton & Sun-Bulletin

 

“Tyler một lần nữa thể hiện sự thông minh, lối viết sâu sắc và lòng trắc ẩn, những phẩm chất đã khiến cư dân thành Baltimore này trở thành nhà văn đáng khâm phục nhất với các tác phẩm nghiêm túc mà vẫn được đông đảo độc giả mến chuộng.”

− USA Today

“Tầm vóc và sức mạnh của cuốn tiểu thuyết này không chỉ làm hài lòng lượng độc giả khổng lồ của Tyler mà còn khiến chúng ta nhớ tới gia tài các tác phẩm xuất sắc của bà.”

− Publisher Weekly

***

Trích Hôn nhân a ma tơ

[…]

 

1. Chuyện ai cũng biết

 

Mọi người ở phố đều biết Michael và Pauline đã gặp nhau như thế nào.

Đó là một buổi chiều ngày thứ Hai đầu tháng Mười hai năm 1941. St. Cassian vẫn mang vẻ chật chội thường lệ – con phố ở Đông Baltimore với những ngôi nhà liền kề hẹp, những tổ ấm nhỏ được chăm sóc cẩn thận nằm xen kẽ với những cửa tiệm bé xinh. Cặp chị em song sinh nhà Golka đeo khăn trùm đầu giống nhau đang so sánh màu phấn má qua cửa kính hiệu thuốc Sweda. Bà Pozniak bước ra khỏi cửa hàng kim khí với một túi giấy nâu bé xíu phát ra tiếng xủng xoảng. Chiếc xe Ford Model-B của ông Kostka bình bịch đi qua, theo sau là chiếc Chrysler Airstream bóng lộn của một người lạ mặt và Ernie Moskowicz trên chiếc xe đạp giao hàng chạy ắc quy của tiệm thịt.

Trong cửa hàng tạp phẩm nhà Anton – một cửa tiệm nhỏ xíu, tối tăm, ken chật ních hàng hóa với một quầy tính tiền bằng gỗ hình chữ L và những dãy kệ vươn lên đến tận trần nhà thấp tè – mẹ của Michael đang gói hai hộp đậu cho bà Brunek. Bà cột chúng lại và đưa cho khách mà không hề cười hoặc nói “Mong bà quay lại” hay “Rất vui được gặp bà.” (Bà Anton có một cuộc sống không dễ dàng.) Một trong những cậu con trai nhà bà Brunek – Carl phải không nhỉ? Hay là Paul? Peter? trông họ giống nhau y đúc – đang gí mũi vào chiếc bình thủy tinh đựng kẹo. Tấm ván sàn kêu cọt kẹt gần giá để ngũ cốc, nhưng đó chỉ là khung xương của một tòa nhà già nua đóng rễ sâu vào lòng đất.

Michael đang xếp những bánh xà phòng Woodbury sau chiếc giá dài phía bên tay trái quầy tính tiền. Lúc đó anh hai mươi tuổi, một chàng trai cao trong bộ quần áo đã chật, mớ tóc đen kịt được cắt quá ngắn, khuôn mặt quá gầy cùng vết râu quai nón luôn hiện rõ dù anh chăm cạo đến thế nào. Anh chồng những bánh xà phòng thành hình kim tự tháp, hàng thấp nhất năm bánh, hàng thứ hai bốn bánh, hàng thứ ba ba bánh… mặc dù mẹ anh đã hơn một lần tuyên bố rằng bà muốn một cách sắp xếp gọn gàng và ít sáng tạo hơn.

Đúng lúc đó, leng keng, leng keng và ầm! mấy cô gái trẻ ào vào như một cơn lũ. Họ mang theo gió lạnh và mùi khói ô tô. “Giúp chúng tôi với!” Wanda Bryk cất giọng lóe xóe. Cô bạn thân của cô, Katie Vilna, đang quàng tay đỡ một cô gái lạ mặt mặc áo khoác đỏ và một cô gái khác đang rịt chiếc khăn tay vào thái dương bên phải của cô này. “Cô ấy bị thương! Cần băng bó cho cô ấy!” Wanda kêu lên.

Michael ngừng xếp. Bà Brunek vỗ vỗ vào má mình, còn Carl hay là Paul hay là Peter gì đó vội sấn đến. Nhưng bà Anton thì thậm chí còn chẳng chớp mắt. “Sao lại mang cô ta vào đây?” bà hỏi. “Đưa đến hiệu thuốc chứ.”

“Hiệu thuốc đóng cửa rồi ạ,” Katie nói với bà.

“Đóng cửa ư?”

“Trên cửa ghi như thế. Anh Sweda đã gia nhập Phòng vệ Bờ biển.”

“Cậu ta làm sao cơ?”

Cô gái mặc áo đỏ rất đẹp, dù một dòng máu đỏ đang chảy xuống một bên tai. Cô cao hơn hai cô bạn ở khu phố này nhưng lại mảnh mai hơn, dáng thanh hơn, mái tóc vàng sẫm dày và bờ môi trên tạo thành hai điểm thật nhọn dưới nhân trung như thể được kẻ bằng bút. Michael bước từ sau quầy tính tiền ra để nhìn cô kỹ hơn. “Chuyện gì thế?” anh hỏi cô – chỉ cô mà thôi, mắt nhìn đăm đắm.

“Lấy cho cô ấy miếng băng! Cả cồn i ốt nữa!” Wanda Bryk ra lệnh. Cô là bạn học cấp một của Michael. Có vẻ như cô thấy mình có thể sai bảo anh.

Cô gái đáp, “Tôi nhảy từ xe điện xuống.”

Giọng cô trầm và khàn, một sự thay đổi lớn so với giọng kim choe chóe mà Wanda vừa cất lên. Đôi mắt cô xanh tím màu hoa păng xê. Michael nuốt khan.

“Có một đoàn diễu binh ở phố Dubrowski,” Katie kể với mọi người. “Cả sáu anh em nhà Szapp đều đã tòng quân, mọi người biết chưa? Lại còn cả mấy người bạn của họ nữa chứ. Họ mang theo cái biểu ngữ viết – ‘Bọn Nhật coi chừng đấy! Nhà Szapp tới đây!’ – mọi người đang đi tiễn. Họ tụ tập làm tắc cả đường. Thế là Pauline đây – cô ấy đang đi từ chỗ làm việc về nhà; đâu đâu người ta cũng đóng cửa sớm – thế là cô ấy làm gì? Nhảy tàu điện xuống để tham gia cùng thôi.”

Tàu điện hẳn là chẳng chạy nhanh đến thế nếu lúc đó đường bị nghẽn, nhưng chẳng ai chỉ ra chi tiết đó. Bà Brunek rầm rì thông cảm. Carl hoặc Paul hoặc Peter hỏi, “Con đi được không mẹ? Được không ạ? Con đi xem diễu binh nhé?”

“Lúc ấy tôi chỉ nghĩ chúng ta phải cố gắng ủng hộ các chàng trai của chúng ta thôi,” Pauline nói với Michael.

Anh lại nuốt nước bọt. Anh nói, “Đúng vậy, tất nhiên rồi.”

“Ôi, cậu chẳng giúp gì được bọn họ với cú ngã ngốc nghếch ấy đâu,” cô gái đang cầm mùi soa nói. Từ giọng điệu ôn tồn của cô, có thể thấy cô và Pauline là bạn, mặc dù cô có vẻ không hấp dẫn bằng – cô có mái tóc màu nâu và vẻ mặt điềm tĩnh, đôi mày quá dài và ngang khiến cô có vẻ khô khan.

“Chúng tôi nghĩ chắc cô ấy va đầu vào cột đèn,” Wanda nói, “nhưng không ai biết chắc vì lúc đó láo nháo quá. Cô ấy gần như ngã vào người chúng tôi, còn cô Anna đây thì ở tít phía sau. Tôi bảo, ‘Ôi trời ơi! Cô không sao chứ?’ Ai đó phải làm gì đi chứ; chúng ta không thể để cô ấy chảy máu đến chết được. Không ai có băng cứu thương hay sao?”

“Đây không phải là hiệu thuốc,” bà Anton trả lời. Và bà tiếp câu chuyện hiển nhiên là có liên quan. “Không biết Nick Sweda suy nghĩ cái quái quỷ gì thế không biết? Cậu ta phải đến ba mươi lăm rồi chứ chẳng chơi!”

Trong lúc đó, Michael đã rời Pauline để ra chỗ mẹ ở quầy tính tiền – phần kệ gỗ ngắn nơi người thu tiền đứng. Anh cúi xuống, biến mất một lát rồi ngẩng lên với một hộp xì gà. “Băng cứu thương,” anh giải thích.

Không phải loại băng dán, mà là cuộn gạc kiểu cũ được gói trong vỏ giấy màu xanh sẫm giống hệt màu mắt Pauline cùng một cuộn băng dính trắng và một lọ cồn i ốt màu tiết bò. Wanda đỡ lấy chúng; nhưng không, Michael đã tự gỡ cuộn gạc và xé lấy một miếng ở góc. Anh đổ đẫm cồn i ốt vào rồi quay lại đứng trước mặt Pauline. “Để tôi xem nào,” anh bảo.

Một sự im lặng trang nghiêm và cảnh giác bao trùm lên họ, như thể ai cũng biết đây là một thời khắc trọng đại – kể cả cô gái đang giữ chiếc mùi soa, người mà Wanda gọi là Anna, mặc dù Anna chắc chắn không biết Michael Anton vốn là chàng trai dè dặt nhất trong vùng này. Cô bỏ chiếc mùi soa khỏi thái dương Pauline. Michael gạt lọn tóc của Pauline sang một bên và bắt đầu chấm miếng gạc lên. Pauline vẫn ngồi yên.

Vết thương nhìn qua là một vết rách khoảng hơn ba phân, dài nhưng không sâu, đã khép miệng. “A,” bà Brunek thốt lên. “Không cần khâu đâu.”

“Đã biết làm sao được!” Wanda kêu lên vẻ không muốn chấm dứt màn lâm ly này.

Nhưng Michael đã kết luận, “Cô ấy không sao đâu,” rồi anh xé một miếng gạc mới. Anh dán miếng bông vào thái dương Pauline bằng hai miếng băng dính vắt chéo hình dấu nhân.

Giờ trông cô giống như nạn nhân một vụ đánh lộn trong truyện tranh. Có vẻ như cô cũng biết điều đó nên cười to. Hóa ra cô có lúm đồng tiền hai bên má. “Cảm ơn anh rất nhiều,” cô nói. “Đi xem diễu binh với chúng tôi đi.”

Anh trả lời, “Được thôi.”

Đơn giản như vậy.

“Em đi cùng được không?” cậu con trai nhà Brunek hỏi. “Con đi mẹ nhé? Đi mà mẹ!”

Bà Brunek suỵt, “Im nào.”

“Thế ai trông hàng đây?” bà Anton hỏi Michael.

Như thể không nghe thấy bà, anh với lấy áo khoác treo trên mắc trong góc phòng. Đó là một chiếc áo khoác kiểu học sinh, những ô kẻ lớn màu xám và tím than. Anh xỏ áo vào nhưng không cài khuy. “Đi được chưa?” anh hỏi mấy cô gái.

Những người còn lại dõi theo anh – mẹ anh và bà Brunek, và Carl hoặc Paul hoặc Peter, cũng như bà cô già nhỏ thó Pelowski, người vô tình đi tới khi Michael và bốn cô gái vừa bước ra khỏi cửa. “Cái gì…?” cô Pelowski hỏi. “Cái quái quỷ gì thế…? Đi đâu…?”

Michael cũng chẳng đi chậm lại. Giờ anh đã đi được nửa quãng phố, ba cô gái lẽo đẽo theo sau, còn cô thứ tư đi bên cạnh anh. Cô khoác tay trái anh và lướt đi trong chiếc áo đỏ rực rỡ.

Cô Pelowski sau này kể lại rằng ngay lúc đó cô đã biết chuyện của anh thế là đã an bài.

Rõ ràng “diễu binh” là một từ quá trang trọng để miêu tả sự hỗn loạn trên phố Dubrowski. Đúng là có vài chục chàng trai đang đi dọc trên vỉa hè, nhưng họ vẫn mặc thường phục và cũng chẳng cố gắng để đi cho đều. Cậu cả nhà Piazy đội mũ hải quân thời Thế chiến thứ nhất. Một cậu khác không rõ tên quàng chiếc chăn lục quân lên vai như áo choàng. Họ như một đơn vị lộn xộn, tồi tàn, bê tha với những khuôn mặt nứt nẻ, mũi chảy thò lò trong tiết lạnh.

Mặc dù vậy, người ta vẫn phấn khích. Họ vẫy những khẩu hiệu tự làm, những lá quốc kỳ Mỹ và trang nhất của tờ Baltimore Sun. Họ hò reo theo khẩu hiệu – bất kỳ khẩu hiệu nào, bất kỳ câu nói hùng hồn nào được hét lên. “Các cậu sẽ trở về nhà trước năm mới!” một người đàn ông đeo bao bịt tai hét to, và “Năm mới! Hu ra!” bắt đầu truyền đi trong đám đông.

Khi Michael Anton xuất hiện cùng bốn cô gái, mọi người đều tưởng anh cũng tòng quân. “Đi giết chúng nó đi, Michael!” ai đó hét lên. Mặc dù vợ John Piazy lại nói, “Ấy không. Như thế thì mẹ cậu ấy sẽ chết mất, bà già tội nghiệp, bà ấy đã phải chịu đựng quá nhiều rồi.”

Một trong bốn cô gái, là cô mặc áo đỏ, hỏi “Anh có đi không, Michael?” Cô chỉ là người lạ, nhưng thật vừa mắt. Màu đỏ của chiếc áo tôn lên nước da hồng hào, và miếng băng dính bên thái dương khiến cô trông có vẻ ngổ ngáo. Chẳng lạ khi Michael trầm tư nhìn cô thật lâu trước khi anh trả lời.

“À,” cuối cùng anh cũng lên tiếng, với một cái nhún vai. “À, dĩ nhiên là tôi có đi chứ!”

Tiếng cổ vũ lanh lảnh vang lên từ những người đứng gần anh, và một cô gái khác trong số các cô – là Wanda Bryk – đã đẩy anh về phía trước cho tới khi anh hòa cùng những chàng trai khác trên phố. Leo Kazmerow đi bên trái anh; bốn cô gái đi bên phải. “Chúng tôi yêu anh, Michael!” Wanda hét lớn và Katie Vilna gọi anh, “Sớm trở lại nhé!” như thể anh sắp bước vào công sự đúng lúc đó.

Sau đó Michael bị bỏ quên. Anh đã bị cuốn đi, những cậu khác thay thế anh: Davey Witt, Joe Dobek, Joey Serge. “Đi cho bọn Nhật biết chúng ta làm bằng gì nhé!” bố Davey hét tướng lên. Vì lẽ, như một ông đang giải thích, khi nào thì chúng ta mới có một cơ hội khác để trả thù chuyện Ba Lan? Một bà đứng tuổi đang thút thít. John Piazy đang kể với mọi người rằng tất cả những thằng con ông đều không biết đến nghĩa của từ “sợ hãi”. Một số người đã bắt đầu bàn tán kiểu anh-nghe-thấy-chuyện-đó-khi-nào-thế. Có người mới chỉ biết tin sáng nay; lúc ấy anh ta đang chôn mẹ mình. Người thì biết tin lúc nó vừa được công bố, thông báo đầu tiên trên radio, nhưng đã coi đó chỉ là một trò lỡm kiểu Orson Welles. Và một bà khác thì đang ngâm mình trong bồn tắm khi chồng bà gõ cửa. “Em sẽ không tin được chuyện này đâu,” ông gọi. “Tôi cứ ngồi đó,” bà kể. “Tôi cứ ngồi như vậy mãi. Cho đến khi nước lạnh cóng.”

Wanda Bryk quay lại cùng Katie Vilna và cô gái tóc nâu, nhưng không có cô áo đỏ. Cô đã biến mất. Ai đó nói chắc cô đã hành quân ra trận cùng Michael Anton.

Tất cả những người biết Michael trong đám đông đều đã để ý thấy điều đó. Chuyện gây đủ ngạc nhiên để họ phải chú ý, bình phẩm với nhau và một thời gian sau vẫn còn nhớ lại.

Ngày hôm sau người ta đồn nhau rằng Leo Kazmerow đã bị từ chối nhập ngũ vì bị mù màu. Mù màu! người ta bất bình. Màu sắc thì có liên quan gì đến việc chiến đấu cho đất nước? Trừ phi là anh ta không nhận ra được quân phục của ai đó. Như khi anh ta đang giương súng lên định bắn trên chiến trường chẳng hạn. Nhưng mọi người đều đồng ý rằng có nhiều cách để khắc phục chuyện đó. Cho nó lên tàu! Ngồi sau khẩu đại bác rồi chỉ cho nó phải bắn vào đâu!

Câu chuyện này diễn ra trong cửa tiệm của bà Anton. Bà Anton đang trả lời điện thoại, nhưng ngay khi bà vừa buông máy thì có ai đó hỏi, “Còn Michael thì thế nào rồi, bà Anton?”

“Thế nào cái gì?”

“Nó đã đi chưa?”

“Ồ, Michael không đi đâu cả,” bà nói.

Họ đưa mắt nhìn nhau – bà Pozniak, bà Kowalski, và một trong các cô con gái nhà bà Kowalski. Nhưng không ai muốn cãi lại. Bà Anton đã mất chồng năm 1935, và hai năm sau đó là cậu con trai cả – Danny Anton đẹp trai duyên dáng, cậu mất vì một căn bệnh tiến phát đã giết chết cậu từng chút một, từng thớ cơ một. Kể từ đó bà Anton đã trở thành một người khác, ai có thể trách bà được chứ?

Bà Pozniak hỏi mua bột lúa mạch, xà phòng Fels Naphtha và một hộp đậu rang Heinz. Bà Anton đặt từng món riêng rẽ trên quầy. Bà mang một khuôn mặt lãnh đạm và buồn thảm. Không chỉ mớ tóc màu xám mà cả lớp da ủ rũ lỏng lẻo, đôi mắt không chút xúc cảm, cùng áo len đàn ông rộng lõng thõng trùm qua chiếc váy vải bông. Bà có kiểu nhìn qua vai khách hàng khi đang nói chuyện, như thể bà mong chờ một người khác xuất hiện, một người ít tẻ nhạt hơn.

Tiếng chuông cửa leng keng và một cô gái khoác áo đỏ mang theo một gói bọc giấy bước vào. “Bác Anton à?” cô hỏi. “Bác có nhớ cháu không ạ?”

Bà Pozniak chưa mua xong các thứ. Bà quay về phía sau định lên tiếng phản đối, trong khi ngón tay còn chỉ vào danh mục những thứ cần mua.

“Cháu là Pauline Barclay,” cô gái giải thích. “Cháu bị rách trán và con trai bác đã băng cho cháu. Cháu đã đan cho anh ấy một cái khăn. Hy vọng cháu không đến quá muộn.”

“Quá muộn để làm gì?” bà Anton hỏi.

“Anh Michael đã ra chiến trường chưa ạ?”

“Chiến trường?”

Bà Anton phát âm từ đó với một chút ngập ngừng, chữ chiến như bị chệch đi. Có thể bà đang cố hình dung xem cô đang định nói đến chiến trường gì.

Trước khi Pauline có thể giải thích rõ hơn, cánh cửa lại được mở ra và bây giờ là Michael trong chiếc áo kẻ ô nhàu nhĩ. Chắc hẳn anh đã nhìn thấy Pauline đi trên phố; có thể đoán được điều đó khi nhìn vẻ ngạc nhiên giả vờ của anh. “Ồ! Pauline! Là cô đấy à!” anh lên tiếng. (Anh chưa bao giờ có năng khiếu làm diễn viên.)

“Em đan cho anh một cái khăn ấm đấy,” cô kể. Cô nâng gói giấy lên bằng cả hai tay đeo găng; cô nghiêng khuôn mặt thanh tú. Lúc này cửa hàng quá chật khiến họ gần như chạm mũi vào nhau.

Michael hỏi, “Cho tôi à?”

“Để đeo ở chiến trường.”

Anh liếc nhanh sang bà mẹ. Rồi anh kéo tay Pauline. “Đi uống Coca nào,” anh bảo.

“Ồ, tại sao ạ, như thế sẽ…”

“Michael? Chúng ta còn một đơn đặt hàng qua điện thoại nữa,” bà Anton nói.

Nhưng anh trả lời, “Con sẽ quay lại ngay,” rồi dẫn Pauline ra cửa.

Họ để lại đằng sau một khoảng trống lớn hơn chỗ họ đã đứng, chẳng hiểu vì sao.

Bà Pozniak yên lặng một lát, phòng trường hợp bà Anton có điều gì định nói. Nhưng không. Bà chỉ dõi theo cậu con trai một cách lãnh đạm, một tay vẫn bóp lấy cái hộp đựng bột lúa mạch như thể muốn nắn phẳng các góc của nó.

Bà Pozniak hắng giọng và hỏi mua thêm một lọ mật.

Cửa kính của các cửa hàng trên phố St. Cassian chuyển sang trang trí chủ đề quân đội, hình Đức Mẹ, chó xù Trung Hoa và hoa lụa được thay bằng quốc kỳ Mỹ, cả một rừng màu đỏ, trắng, xanh và những quyển sách giáo khoa địa lý mở đến trang bản đồ châu Âu. Tuy nhiên trong một số trường hợp, đồ trang trí tôn giáo vẫn được giữ nguyên. Chẳng hạn ở cửa hàng bà Szapp, những chiếc lá cọ tẩy trắng toát tượng trưng cho ngày Chủ nhật trước lễ Phục sinh vẫn nằm đó kể cả sau khi một băng rôn đính sáu ngôi sao xa tanh đã được đính vào khung cửa gỗ. Tại sao lại không? Người ta cần tất cả sự may mắn có thể có được khi con trai họ đang liều mạng để bảo vệ đất nước.

Ông Kostka hỏi Michael định gia nhập binh chủng nào. Lúc đó anh đang ở tiệm nhà Sweda, tiệm thuốc đã được mở lại dưới sự quản lý của ông anh rể của Sweda. Michael và Pauline đang ngồi ở một trong mấy chiếc bàn có mặt đá cẩm thạch; người ta đã nhìn thấy họ đi với nhau mấy ngày nay. Michael trả lời, “Lục quân,” và ông Kostka hỏi, “Thật thế sao! Tôi lại cứ nghĩ là Hải quân cơ đấy.”

“Vâng, nhưng tôi bị say sóng,” Michael bảo ông.

Ông Kostka đáp, “Nhưng anh bạn trẻ ơi, Lục quân cũng không chở anh tới đó bằng xe hơi đâu, anh biết rồi đấy.”

Michael chợt tỏ ra bối rối.

“Thế khi nào thì anh đến trại huấn luyện đấy?” ông Kostka hỏi.

Michael im lặng. Rồi anh đáp, “Thứ Hai.”

“Thứ Hai!” Hôm ấy đã là thứ Bảy. “Thế mẹ anh đã tìm được ai giúp ở cửa hàng chưa?”

Ôi, chuyện cấm kỵ, rất cấm kỵ. Ai cũng biết bà Anton không hề hay biết rằng Michael đã tòng quân. Nhưng ai sẽ nói với bà đây? Thậm chí cả bà Zack, người nổi tiếng hay chõ vào chuyện người khác, cũng tuyên bố bà không đủ can đảm làm điều đó. Họ đều chờ Michael; nhưng anh vẫn ngồi đó, uống Coca với Pauline, điều duy nhất mà anh nói là “Tôi chắc mẹ tôi sẽ tìm được ai đó.”

Pauline lại mặc áo đỏ. Dường như đó là màu của cô. Một chiếc áo len đỏ khoác ngoài chiếc sơ mi trắng cổ tròn. Giờ người ta đã biết rằng nhà cô ở phía Bắc đại lộ Đông, rằng cô thậm chí cũng chẳng theo Công giáo và cô đang làm lễ tân trong văn phòng nhà đất của cha cô. Người ta biết được điều đó là nhờ Wanda Bryk, người đã gần như trở thành bạn thân mới của Pauline. Chính Wanda đã kể rằng Pauline là người tốt bụng nhất trên đời, mà lại còn rất vui tính! Rất yêu đời! Lúc nào cũng nghĩ ra một trò nghịch nào đó. Nhưng những người khác thì vẫn còn hồ nghi. Những người mà lúc này đang ngồi cạnh quầy rượu ấy. Bạn nghĩ rằng họ không căng tai lên để nghe những điều ngốc nghếch mà có lẽ cô đang nhồi vào đầu Michael ư? Chưa kể họ còn có thể nhìn thấy cô qua chiếc gương dài sau quầy. Họ nhìn thấy cô đang cúi mặt tỏ vẻ e lệ khoe má lúm đồng tiền, những ngón tay đỏm dáng xoay xoay chiếc ống hút trong cốc Coca Cola. Họ nghe thấy cô thì thầm rằng cô sẽ chẳng thể chợp mắt được vì lo cho sự an nguy của anh. Cô có quyền gì mà lo cho anh chứ? Cô chẳng biết quái gì về anh cả! Michael là người của họ, là một trong những chàng trai được yêu quý nhất ở phố này mặc dù trước đó anh chưa từng được coi là típ người lãng mạn. (Trong mấy ngày vừa qua một số cô gái, trong đó có Katie Vilna và vài cô khác, đã bắt đầu tự hỏi phải chăng anh có một số phẩm chất mà họ chưa biết.)

Cô gái già Jakubek đang uống nước khoáng với cô Pelowski ở quầy kể rằng đêm hôm trước ở rạp chiếu phim cô đã đến bên Pauline bảo rằng cô ấy trông giống như Deanna Durbin. “Đúng thế, hao hao giống,” cô bảo vệ ý kiến của mình. “Tôi biết cô ta tóc vàng, nhưng cô ta đúng là có làn da mỏng kiểu Deanna. Thế mà cô ta trả lời thế nào cô biết không? ‘Deanna Durbin!’ cô ta bảo tôi. ‘Không phải! Tôi chỉ giống tôi thôi! Tôi chẳng giống ai cả!’ ”

“Chậc chậc,” cô Pelowski tỏ vẻ thông cảm. “Cô chỉ muốn bày tỏ thiện ý thôi mà.”

“Tôi mà được ai bảo là giống Deanna Durbin thì sẽ rất thích ấy chứ.”

Cô Pelowsk ngồi thẳng dậy trên chiếc ghế quầy bar và nhìn cô Jakubek chăm chú. “Cô cũng hơi giống đấy, chỗ cằm ấy, hơi hơi,” cô nói.

“Tôi cứ nghĩ mãi về bà mẹ tội nghiệp đáng thương của cậu ấy. Mà cô ta thì có là gì đâu cơ chứ; chẳng ra quốc tịch nào cả. Thậm chí cũng chẳng phải người Ucraina; cũng chẳng phải Ý! Tôi nghĩ người Ý thì còn có thể chấp nhận được. Đằng này! Cô ta với Michael chẳng có tí ti điểm chung nào cả.”

“Như kiểu Romeo và Juliet ấy nhỉ,” cô Pelowski nhận xét.

Cả hai cô suy nghĩ một lát. Rồi họ lại liếc nhìn về phía chiếc gương. Họ thấy Pauline đang khóc còn Michael vươn hai tay ra ôm lấy mái đầu như hoa cúc của cô.

“Họ có vẻ như rất yêu nhau,” cô Jakubek nhận xét.

Đêm hôm đó diễn ra bữa tiệc chia tay cực lớn dành cho Jerry Kowalski. Nhà Kowalski có truyền thống quan trọng hóa mọi việc hơn những người khác. Trong cả tuần qua những người khác đã tiễn biệt con trai họ bằng một bữa cơm gia đình không hơn, nhưng nhà Kowalski thì thuê cả hội trường Những người con của Hội Ái hữu Vacsava và thuê Lenny Zee cùng ban nhạc nhà Dulceton chơi. Bà Kowalski và mẹ bà đã nấu nướng suốt cả mấy ngày; những két bia to tướng cũng được mang tới. Cả giáo xứ St. Cassian được mời cùng vài người ở giáo xứ St. Stan.

Và tất nhiên là mọi người đều đến. Thậm chí cả trẻ sơ sinh và bọn lít nhít; thậm chí cả ông Zynda trên chiếc xe lăn có ghế ngồi bằng mây. Bà Anton tới dự, mặc một chiếc áo có diềm xếp nếp và váy xòe viền đăng ten khiến bà trông ảm đạm hơn bao giờ hết, còn Michael thì mặc một chiếc áo vét cổ lỗ sĩ có lẽ đã từng thuộc về cha anh. Hai bên xương cổ tay trần trụi của anh lòi ra khỏi tay áo. Một vụn giấy lau vẫn còn dính trên ngấn cằm.

Nhưng chẳng thấy Pauline đâu?

Chắc chắn là cô có được mời, ít nhất là với ngụ ý. “Xin cứ tự nhiên mang theo bạn gái,” bà Kowalski đã bảo Michael như vậy trước sự chứng kiến của mẹ anh, rõ ràng là thế. (À, bà Kowalski nổi tiếng là người tinh quái.) Nhưng chỉ có những cô gái cùng phố có mặt, và khi điệu polka đầu tiên bắt đầu thì chính Katie Vilna là người tới chỗ Michael và kéo anh ra sàn nhảy. Trong nhóm cô là người bạo dạn nhất. Cô giữ chặt lấy tay anh mặc dù anh chống cự lại. Cuối cùng anh cũng đầu hàng và bắt đầu những bước nhảy lóng ngóng, thỉnh thoảng lại đưa mắt về phía cửa như thể đang chờ ai đó.

Hội trường Hội Ái hữu là một tòa nhà kiểu kho được lát gỗ ván, xà nhà bằng kim loại cùng những chiếc bóng đèn không có chụp. Những chiếc bàn vuông trải khăn lanh thêu tay gia truyền xếp dọc bức tường đằng xa, đây chính là nơi các bà già tụ tập săm soi món há cảo của bà Kowalski và cầu kỳ sửa lại mấy cọng ngò tây trang trí trên đĩa mỗi khi một quý ông nào đó tới lấy thêm thức ăn vào đĩa của mình. Khi đứng lùi lại phía sau để xem mọi người nhảy, họ thường vòng tay trước bụng như thể đang đeo tạp dề mặc dù chẳng ai trong số họ đeo tạp dề cả. Họ bình phẩm về điệu nhảy hồ hởi của ông nội nhà Kowalski, về sự lạnh nhạt rõ ràng giữa hai vợ chồng nhà Wysocki (mới cưới), và tất nhiên là sự táo bạo khó tin của Katie Vilna. “Tôi cá con bé không biết ngượng là gì,” bà Golka nói. “Tôi sẽ chết mất nếu con bé nào nhà tôi lại cọc đi tìm trâu như thế.”

“Nhưng mà nó cũng chẳng có mấy cơ hội vì đã có cô nàng Pauline kia rồi.”

“Thế Pauline đâu nhỉ? Bà nghĩ cô ta có đến không?”

“Cô ấy không tới đâu,” Wanda tuyên bố.

Wanda đã tới từ lúc nào mà không ai biết, tiếng chân cô bị tiếng nhạc át đi. (Chứ nếu không thì đã chẳng ai nói những điều vừa rồi về Katie.) Cô chọc một cái xúc xích bỏ vào đĩa. Cô lên tiếng, “Pauline phật lòng vì Michael không đến đón cô ấy.”

“Đến đón?”

“Ở nhà bố mẹ cô ấy.”

“Nhưng tại sao…”

“Anh ấy không muốn làm bà mẹ phật lòng. Các bác biết mẹ anh ấy thế nào rồi đấy. Anh ấy đã bảo Pauline đến gặp anh ấy ở đây; họ sẽ làm ra vẻ như chỉ tình cờ gặp nhau mà thôi. Lúc đầu cô ấy đồng ý nhưng sau đó cháu đoán là cô ấy nghĩ lại vì khi cháu gọi điện cho cô ấy, cô ấy bảo là sẽ không đến. Cô ấy nói đáng lẽ một chàng trai phải cảm thấy tự hào khi được đi cùng cô ấy chứ không phải là lén lén lút lút như thế.”

Wanda bước tới phía bàn thức tráng miệng, để lại sau cô một sự yên lặng. “Cô ta có lý,” bà Golka cuối cùng cũng lên tiếng. “Một cô gái cũng cần có nguyên tắc của mình.”

“Chẳng qua cậu ta cũng chỉ nghĩ đến mẹ mình thôi.”

“Nhưng xin hỏi điều đó sẽ giúp gì khi Dolly Anton qua đời và Michael trở thành một ông già độc thân tiều tụy?”

“Phỉ phui mồm chị,” bà Pozniak nói, “thằng bé mới có hai mươi tuổi đầu! Còn lâu nó mới trở thành một ông già độc thân tiều tụy.”

Bà Golka không có vẻ suy suyển. Bà dõi mắt theo Wanda. “Nhưng cậu ta có biết không nhỉ?” bà nghi hoặc.

“Biết gì cơ?”

“Biết Pauline đang dỗi ấy? Wanda đã nói cho cậu ta chưa?”

Một vài bà bắt đầu tỏ ra nóng ruột. “Wanda ơi!” một người gọi. “Wanda Bryk!”

Cô quay lại, chiếc đĩa đang giơ lên.

“Cô đã nói với Michael rằng Pauline không đến chưa?”

“Chưa ạ, cô ấy muốn anh ấy phải lo lắng,” Wanda nói rồi quay đi lấy một chiếc bánh ngọt.

Mọi người im lặng. Rồi cả mấy người phụ nữ đều đồng thanh “A” lên một tiếng.

Ban nhạc nhà Dulcetone ngừng chơi và ông Kowalski vỗ vỗ micrô, một chuỗi những âm thanh rè rè lật bật bắt đầu vang lên trong phòng. “Thay mặt chính tôi và Barbara…” ông cất lời. Ông để môi quá gần micrô khiến cho mỗi chữ b là một tiếng bụp lớn. Một số người phải bịt tai. Trong lúc đó, bọn lít nhít đã bắt đầu trò Vịt, Vịt, Ngỗng, đám sơ sinh gắt ngủ trong chiếc áo choàng của mẹ còn lũ thanh niên ngồi gần những két bia thì đang cao giọng bốc phét.

Vì thế không ai để ý thấy Michael đã lẻn ra ngoài. Hoặc không phải là lẻn, mà đường hoàng đi ra. Thậm chí mẹ anh cũng chăm chú vào những gì đang diễn ra, những bài phát biểu chúc Jerry lên đường may mắn và lời cầu nguyện từ cha Pasko cùng những tiếng hò reo vỗ tay vang lừng.

Nhưng họ để ý khi Michael quay lại sau đó trong dáng vẻ bình thường. Anh đi vào, có thể dùng từ hùng dũng, tay dắt Pauline qua cánh cửa gỗ ván lớn. Và khi anh giúp cô cởi áo khoác ngoài – trước đó thậm chí không ai biết Michael biết làm việc này – thì người ta biết rằng cô mặc một chiếc váy đen gọn ghẽ khiến cô trông khác hẳn những cô gái mặc áo gi lê đăng ten và áo cánh có dây buộc cùng những chiếc váy thêu thùng thình đang có mặt ở đây. Nhưng chính đôi mắt cô mới khiến người ta phải bàn tán. Chúng ươn ướt. Từng sợi mi dài đẫm nước tách hẳn nhau ra. Nụ cười mà cô dành cho Wanda Bryk là một nụ cười phiền muộn, thất sắc và gượng gạo của một người vừa khóc lóc.

Ồ, chắc chắn là cô và Michael đã lời qua tiếng lại với nhau rồi.

Cô quay đi khỏi Wanda và nhìn sang Michael chờ đợi, anh tự chỉnh đốn lại tư thế, ưỡn thẳng người cho ngay ngắn rồi lại nắm lấy tay cô. Anh dắt cô vào sâu trong hội trường, đi qua chiếc micrô nơi Jerry đang đứng nhe răng cười một cách ngốc nghếch, đi qua tay đàn ác-coóc-đi-ông đang tán tỉnh Katie tới phía mấy bà phụ nữ ngồi trên những chiếc ghế gấp. “Mẹ,” anh gọi, “con biết mẹ vẫn còn nhớ Pauline.”

Mẹ anh đang giữ chiếc đĩa hờ hững trong lòng bằng cả hai tay – chỉ có một miếng củ cải đường bơi trong một bể xúp cải ngựa. Bà ngước lên nhìn anh chán nản.

“Pauline là… bạn gái của con,” anh nói.

Dù đêm đã khuya nhưng tiếng ồn vẫn thật inh tai (tất cả bọn trẻ mệt lử đều đã được thả cho nô đùa), tuy nhiên xung quanh nơi bà Anton ngồi, sự yên lặng trải ra như tiếng nước róc rách chảy quanh một khối đá.

Pauline bước lên phía trước và lần này nụ cười của cô là thành thật, đôi má lúm đồng tiền lõm xuống như dùng ngón tay ấn. “Ôi, bác Anton,” cô cất lời “bác cháu mình sẽ là bầu bạn thật tốt của nhau! Cháu sẽ ở bên để bác đỡ trống trải khi anh Michael đi xa.”

Bà Anton hỏi, “Đi xa?”

Pauline tiếp tục cười với bà. Mặc dù đôi mi vẫn ướt, mắt cô lóng lánh một niềm vui thành thật. Làn da cô như tỏa sáng.

“Con đã nhập ngũ mẹ ạ,” Michael nói.

Người bà Anton đông cứng. Rồi bà đứng dậy, nhưng run rẩy tới mức người phụ nữ ngồi cạnh bà cũng phải đứng dậy để đón lấy chiếc đĩa. Bà Anton buông đĩa mà không hề nhìn. Dường như chỉ một giây nữa là bà sẽ thả cho nó rơi xuống sàn. “Anh không thể,” bà bảo Michael, “Tôi chỉ còn có anh thôi. Họ sẽ không bắt anh nhập ngũ được đâu.”

“Con tự nguyện tòng quân. Con sẽ bắt đầu huấn luyện vào thứ Hai.”

Bà Anton ngất.

Bà ngã xuống trong tư thế thẳng đứng kỳ lạ, không phải là ngã ngửa ra sau mà từ từ lút xuống theo chiều thẳng đứng vào trong những nếp váy. (Một đứa trẻ sau này kể lại cảnh tượng đó giống như mụ Phù thủy Ác bị tan chảy trong phim Phù thủy xứ Oz.) Đáng lẽ người ta có thể đỡ được bà, nhưng không ai chạy đến kịp. Thậm chí Michael cũng chỉ đứng chết lặng cho đến khi bà ngã hẳn xuống sàn. Rồi anh kêu lên “Mẹ?” và quỳ sụp xuống vỗ vỗ vào hai bên má bà. “Mẹ ơi! Nói với con đi! Mẹ tỉnh dậy đi!”

“Đứng lùi ra cho bà ấy thở,” mấy bà bảo anh. Họ đã đứng cả dậy dịch chuyển ghế đi chỗ khác và xua hội đàn ông ra. “Để bà ấy nằm ngửa ra. Để đầu thấp xuống.” Bà Pozniak kéo tay Pauline sang một bên. Bà Golka sai một trong hai cô sinh đôi đi lấy nước.

“Gọi bác sĩ đi! Gọi xe cấp cứu!” Michael hét to, nhưng các bà bảo, “Bà ấy sẽ không sao đâu,” và một người trong họ – bà quả phụ Serge – thở dài, “Hãy để cho bà ấy yên, ôi bà lão tội nghiệp!”

Bà Anton mở mắt. Bà nhìn Michael rồi lại nhắm mắt lại.

Hai người phụ nữ giúp bà ngồi dậy và một lát sau thì kéo được bà lên ghế, họ luôn miệng nói, “Bà sẽ không sao đâu mà. Đừng cố quá. Cứ từ từ thôi.” Khi đã ngồi xuống, bà Anton gập người lại và gục mặt vào hai bàn tay. Bà Pozniak vỗ nhẹ đôi vai bà và chép miệng nhè nhẹ.

Michael giờ đây đang khoanh tay đứng nhìn từ xa. Mấy cậu thanh niên vỗ vỗ vào lưng anh động viên nhưng có vẻ như chẳng có tác dụng gì. Pauline thì đã hoàn toàn biến mất. Thậm chí cả Wanda Bryk cũng không nhìn thấy cô đi ra.

Anh em nhà Dulcetone đang đi đi lại lại giữa đám nhạc cụ của mình, chẳng biết phải làm gì; vài đứa trẻ đang cãi nhau; Jerry Kowalski đang đứng há hốc mồm ở micrô. Những màn khói thuốc lá lởn vởn dưới lớp xà cao. Không khí vương mùi cải bắp muối và mồ hôi. Những chiếc bàn trông xác xơ – các đĩa thức ăn đã gần hết lõng bõng nước xốt nâu nâu, thìa múc làm dây bẩn ra khăn bàn, còn rau mùi thì héo rũ.

Về sau ai cũng bảo bữa tiệc đó là một sai lầm. Người ta không chúc tụng khi con trai bạn từ giã gia đình để đi chiến đấu và hy sinh.

Cả ngày hôm sau, cửa sổ phía trên cửa hàng tạp phẩm nhà Anton luôn tối om, thậm chí không có một tia sáng nào phía sau bức rèm đăng ten. Cửa hàng thì tất nhiên là đóng, vì đó là ngày Chủ nhật. Cả Michael và bà mẹ đều không đến nhà thờ, nhưng điều đó chẳng phải là lạ. Sau khi Danny bị ốm, nhà Anton có vẻ như đã xa rời đức tin. Tuy nhiên người ta lại bảo đáng lẽ trong hoàn cảnh đó mẹ Michael phải năng đi cầu nguyện hơn mới phải.

Khu phố này không phải là nơi người ta thường lui tới thăm nhau – bất kể kiểu thăm gì, trừ phi là người trong gia đình. Những ngôi nhà quá nhỏ và quá sát, quá lộ, chả có lấy dù chỉ một bụi cây để che chắn họ khỏi những đôi mắt tò mò. Tốt nhất là không quá thân thiết làm gì. Nhưng sẩm tối thì bà Nowak ở bên kia đường gọi điện cho bà Anton. Bà định hỏi thăm sức khỏe bà Anton và có thể sẽ mang món thịt hầm sang nếu được khuyến khích. Nhưng không có ai trả lời máy. Sau đó bà nói với bà Kostka rằng bà có cảm giác chắc chắn người nhà đã nghe thấy tiếng chuông nhưng im lặng. Bạn biết đấy, đôi khi bạn tự nhiên có cảm giác đó. Hồi chuông thứ tám, thứ chín… cùng một sự theo dõi vô hình chen giữa chúng. Nhưng đó có thể chỉ là tưởng tượng. Có thể nhà Anton đi vắng. Bà Anton có một người anh bên chồng, một người ít giao du đang là chủ một cửa hàng đồ khô ở gần công viên Patterson. Nhưng điều đó có vẻ như không thể xảy ra. Vì nếu thế chắc chắn phải có người nhìn thấy họ đi trên đường.

Suốt buổi tối đó có vài lần bà Nowak lại liếc sang bên kia phố. Nhưng tất cả những gì bà thấy chỉ là tấm rèm bí mật và quầy kính trưng bày bên dưới, dòng chữ vàng CỬA HÀNG TẠP HÓA ANTON ở phía trước mười lăm hộp xúp Campbell được xếp gọn ghẽ theo kiểu kim tự tháp Michael ưa thích.

Lục quân đã thuê một chiếc xe buýt đặc biệt để chở lính mới tới Virginia. Nhìn bên ngoài thì đó là một chiếc xe buýt chở học sinh được sơn lại thành màu ô liu xỉn, vào lúc tám giờ sáng ngày thứ Hai, chiếc xe buýt đứng chờ ở góc phố đã được định sẵn nhìn thẳng ra chợ hải sản. Các gia đình rồng rắn tới theo từng nhóm bốn hoặc sáu người với dáng vẻ nấn ná chần chừ, luôn có ít nhất là một chàng thanh niên đi đầu. Các chàng trai xách va li làm bằng bìa cứng hoặc da. Người thân của họ mang theo những hộp cơm trưa, hộp bánh và phích nước. Đó là một ngày gió rét nhưng không ai có vẻ vội vàng giục người thân lên xe. Họ đứng thành nhóm nhỏ, tay ôm chặt lấy hành lý của mình và giậm giậm chân cho ấm người. Một vài gia đình biết nhau từ trước, nhưng phần nhiều thì không hề quen biết; chiếc xe buýt phục vụ cả một khu vực khá rộng. Nhưng người ta vẫn cố chào nhau dù là người lạ. Người ta mỉm cười dò xét các chàng trai thật nhanh, rồi hướng mắt đi nơi khác để gia đình họ được tự nhiên.

Gia đình Kowalski đi cùng Jerry, bạn gái cậu ta và bà Sweda, chị của bà Kowalski. Rồi gia đình Witts đến. Tiếp theo là bà Serge và Joey.

Bà Anton và Michael đến.

Bà Anton trông còn thảm hơn thường lệ, bà hầu như không đáp lại khi những người láng giềng chào. Bà mặc một chiếc áo khoác vải tuýt màu xám và đi đôi tất ngắn mỏng trong đôi giày buộc dây thấp cổ màu nâu. Hai tay bà đút sâu trong túi; Michael là người cầm hộp đồ ăn cùng với một chiếc túi vải dù màu đen đầy vết mốc. Trên cổ anh là chiếc khăn Pauline tặng – sọc lớn màu trắng và xanh hải quân, kiểu họa tiết mà bất kỳ cô gái nào ở khu phố đó cũng sẽ cho là quá đơn giản.

Khi họ mới tới, một người đàn ông lực lưỡng mặc quân phục nặng nề bước xuống bậc thang xe buýt với một bảng kẹp giấy dưới nách. Không ai biết là có ông ta ở đó; họ chỉ thấy mỗi người lái xe đang nhìn về phía trước một cách vô cảm trong khi động cơ vẫn mở ầm ĩ.

“Được rồi, các cậu,” người mặc quân phục lên tiếng. “Hãy xếp hàng về phía bên trái tôi.”

Mọi người bắt đầu tập hợp lại theo hướng ông ta bảo, các chàng trai và cả những người thân của họ. Nhưng Michael vẫn đứng yên tại chỗ. Anh nhìn lên phía Bắc, thẳng hướng Broadway tới đoạn giao với đại lộ Đông.

“Đi thành hàng nào. Chào tạm biệt thôi.”

Ông Kowalski giơ chiếc máy ảnh Kodak lên và chụp một bức Jerry đang cười gượng gạo. Cô em gái của Jerry thổi một chiếc còi mạ thiếc. Cô bạn gái ôm chặt lấy cậu ta và gục mặt vào cổ cậu.

“Lên đường thôi các cậu, đều bước.”

Nhưng lúc đó, từ phía Đông, phía phố St. Cassian, Pauline đang chạy tới. Cô mặc chiếc áo khoác đỏ, nhờ đó người ta có thể nhận ra cô từ xa như vậy. Họ gọi, “Michael! Nhìn kìa!” và Michael lập tức nhìn về hướng đó mặc dù bản thân Pauline chưa hề gọi anh. Khi cô chạy tới gần hơn thì họ biết tại sao. Cô đã hết cả hơi, thật là tội nghiệp. Cô thở gấp, mặt đỏ bừng, tóc tai rối tung – rõ ràng không phải là lúc xinh đẹp nhất, nhưng ai quan tâm tới điều đó chứ? Cô đang dang hai tay về phía trước, và Michael thả đồ đạc xuống đất để chạy về phía cô. Khi họ chạm được vào nhau anh nhấc bổng cô lên khiến chân cô không còn chạm đất. Mọi người cùng thốt lên “A” cùng một tiếng thở phào đầy mãn nguyện – tất cả mọi người trừ mẹ anh, nhưng ngay cả bà cũng đang nhìn họ với một vẻ gần như là cảm thông. Sao lại không cảm thông được chứ? Họ đang ôm chặt lấy nhau như thể sẽ không bao giờ rời ra nữa, Pauline đang nói từng hơi đứt quãng: “… nghĩ là anh đi bằng tàu, nhưng… đến nhà anh… đến nhà Wanda… cuối cùng em hỏi một người trên đường và… Michael, em xin lỗi, em xin lỗi, em rất xin lỗi.”

“Mọi người lên xe!” người đàn ông mặc quân phục nghiêm giọng.

Michael và Pauline buông nhau ra. Anh quay lại nhặt đồ đạc của mình lên. Anh cúi xuống để mẹ anh hôn. Anh nhìn Pauline một lần nữa rồi leo lên xe buýt.

Khi chiếc xe chuyển bánh, Pauline và bà Anton đang đứng cạnh nhau và cuống quýt vẫy theo anh.

Giờ đây những mô hình Chúa giáng sinh bằng gỗ, ông già Noel bằng thạch cao cùng với những cây thông bằng rơm xanh hình nón cao hơn hai mươi phân điểm xuyết tuyết giả làm từ vảy xà phòng đang đứng giữa đám quốc kỳ dán trên quầy kính cửa hàng. Hàng chục thiên thần bằng thủy tinh thổi thủ công nổi tiếng của bà Szapps đang tranh chấp chỗ đứng dưới tầng lá cọ. Bà Brunek đặt tám chú tuần lộc ngang qua bản đồ Tiệp Khắc.

Hầu như chẳng có chàng trai nhập ngũ nào trở về ăn Giáng sinh. Họ mới lên đường mà; họ đã được phân về nhiều chốt khác nhau. Trên lý thuyết thì các gia đình đã chuẩn bị sẵn tư tưởng, nhưng họ vẫn thấy sốc. Đường phố bỗng nhiên quá yên lặng. Phòng ngủ của con trai họ quá trống trải. Bàn ăn quá quy củ và yên ắng – không còn những chàng thanh niên tay dài tham ăn vồ lấy chiếc cánh gà hay một lúc tu cả lít sữa.

Thay vào đó chỉ là những lá thư mà có lẽ chỉ do một người viết. “Có cả ‘bầy’ đực rựa ở đơn vị của con” và “Bố mẹ sẽ không tin nổi chúng con phải kéo lê theo bao nhiêu tư trang đâu” và “Rất nhớ những buổi tối Chủ nhật cùng cả nhà nghe radio”. Những câu văn tương tự nhau, chỉ khác một chút xíu, đã được bà Witt, bà Kowalski, bà Serge, bà Dobek đọc to lên trong tiệm tạp phẩm… trong khi con trai họ chẳng hề giống nhau một chút nào, hoặc chưa từng giống nhau cho tới thời điểm này. “Có thể nhắm mắt tháo rời súng rồi lắp lại,” Michael Anton viết – Michael đấy! thật quá dịu dàng, thật là không khô cứng chút nào! – cả Joey Serge và Davey Witt cũng vậy. Không chỉ là những câu chuyện giống nhau (làm anh nuôi, tiêm phòng uốn ván, chân bị rộp), mà cả cách chúng miêu tả – thứ ngôn từ lóng cộc lốc với quá nhiều dấu ngoặc kép và quá ít dấu phẩy. “Đi bộ 20 dặm ngày hôm qua và ‘cái căng hải’ của con không thích hợp cho việc đó tí nào… Ước mẹ nhìn thấy con dọn giường gọn thế nào khi mà luôn có một ‘lão’ trung sĩ đứng quan sát.”

Có lẽ những lá thư viết cho bạn gái thì ít giống nhau hơn. Mà cũng có thể là không phải; ai mà biết được? Cũng chỉ có từng đấy cách để nói “Anh yêu em” và “Anh nhớ em”. Nhưng các cô bạn gái của họ giữ những bức thư đó cho riêng mình, chỉ cho người khác biết một vài dòng hoặc chỉ tiết lộ cho những cô gái khác. Vì thế các bà mẹ chỉ biết phỏng đoán mà thôi.

Michael viết cho Pauline hằng ngày, Katie và Wanda kể lại như vậy. Đôi khi một ngày anh viết hai lần. Nhưng những gì họ trích dẫn thì không để lộ điều gì thú vị. Anh ấy không thích đồ ăn. Cậu bạn giường bên cạnh lúc nào cũng ho khù khụ như cóc cụ. Cuộc sống ở trại huấn luyện chỉ luân chuyển giữa làm việc cật lực và ngồi không, ngồi không, rồi lại ngồi không, chờ cho chiến tranh kết th

 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button