Văn học nước ngoài

Gió Ơi Cứ Thổi

gio-oi-cu-thoi-ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Kim Hye Jung

Download sách Gió Ơi Cứ Thổi ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lấy bối cảnh là một đất nước khác – đất nước Trung Quốc – chứ không phải mảnh đất Hàn Quốc quen thuộc như bao tiểu thuyết đương thời, tác phẩm đã đưa đến cho nền văn học hiện đại Hàn một luồng gió mới thật lạ lẫm và cuốn hút. Tác phẩm viết về chuyến bộ hành của những cô gái đến “con đường tơ lụa” của đất nước Trung Hoa. Đó là Lee Eun Sung – một đứa trẻ ưa bạo lực, thích dùng nắm đấm để giải quyết mọi việc, từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của bạn bè trong lớp. Là cô bé Bo Ra bị bọn trẻ cô lập, mỗi khi bị ức hiếp, bắt nạt, cô bé lại phải ăn cắp một món đồ nào đó của bọn bạn thì mới cảm thấy lòng nhẹ nhõm. Là Mi Ju, người chị dẫn đầu cho cuộc hành trình mang nét chín chắn vì đã từng trải qua một tuổi trẻ đầy nông nổi, cũng từng in dấu trên con đường đầy gian khổ này.

Hai đứa trẻ đó, thay vì phải vào Trung tâm giáo dục trẻ vị thành niên, chúng đã chọn chuyến bộ hành dài dằng dặc trên “con đường tơ lụa” dài những 1200km. Với hình dung ban đầu về một con đường tơ lụa đẹp và mềm mại, một địa danh du lịch đáng để đến một lần trong đời. Cô bé Eun Sung đã bị thất vọng tràn trề bởi đến cả trong mơ cô bé ấy cũng chưa từng nghĩ mình phải cuốc bộ mỗi ngày trên con đường hun hút đầy cát và gió bụi trong thời tiết nóng nực và khô hạn của vùng sa mạc và sự lạ lẫm với những món ăn không hợp khẩu vị. Đã có những lúc nản định bỏ cuộc, đã có những giây phút muốn quay trở lại, thà đối mặt với sự mất tự do, sự giáo dục nghiêm khắc của Trung tâm, nhưng mỗi bước đi lại là một bước trưởng thành, một sự mở mang tầm nhìn về cuộc sống và những suy nghĩ, tình cảm đã thay đổi như một “người lớn” thực thụ.

Tác phẩm có sự đan xen, hòa quyện tuyệt vời giữa quá khứ và hiện tại, mạch truyện đi về tự nhiên giữa một bên là ký ức tuổi thơ, một bên là những suy nghĩ và trải nghiệm ở cuộc sống hiện tại. Sau chuyến hành trình đầy gian khổ ấy, cô bé Eun Sung đã thấu hiểu và có ý đón nhận tình cảm của người mẹ mà bấy lâu nay mình từng căm ghét, xa lánh, đã thấy được sai lầm của bản thân khi trước đây luôn dùng cú đấm để giải quyết tất cả mọi việc như một kẻ côn đồ. Còn Bo Ra, một người đã từng trốn chạy, không muốn quay về mảnh đất mà mình bị cô lập ấy cuối cùng cũng đã đi hết cuộc hành trình và trở về.

Dõi theo từng bước chân nhân vật, người đọc như thấy được sự nông nổi, bồng bột tuổi trẻ của mình ở trong đó, thấy chuyến đi như một phép nhiệm màu đã làm thay đổi hoàn toàn những suy nghĩ và nhận thức của những đứa trẻ đã từng mắc lỗi. Xét cho cùng, tác phẩm đã xây dựng nên một phương pháp giáo dục trẻ vị thành niên hoàn toàn mới và hiệu quả trong xã hội hiện đại.

Với văn phong nhẹ nhàng, trong sáng và đậm chất tự nhiên của hội thoại đời thường, tác giả Kim Hye Jeong đã khiến cho độc giả tò mò ngay từ phần đầu của câu chuyện. Hơn thế, mỗi bước đi của mạch truyện dường như men theo con đường tơ lụa để đến với từng vùng miền khác nhau, và rồi từng nét văn hóa độc đáo của nhiều tộc người Trung Quốc được hiện ra vô cùng rõ nét và đầy cuốn hút. Độc giả Hàn Quốc đã tiếp nhận vàyêu thích tác phẩm này như một hiện tượng lạ đầy mới mẻ trên văn đàn văn học hiện đại. Và tôi tin độc giả Việt Nam cũng sẽ tìm đến tác phẩm này bởi sự lôi cuốn từ chính những giá trị văn học đích thực mà nó mang lại.

ĐỌC THỬ

Chương 1. Đây đâu phải sự thật

“Bực mình quá đi mất! Rốt cuộc phải đi bộ thêm bao lâu nữa đây?”

Tôi dừng bước, hét toáng lên.

Chúng tôi đã phải đi trên con đường đất bụi bay mù mịt này rõng rã ba tiếng đồng hồ rồi. Nếu nói đi bộ xung quanh sân vận động của trường thì chắc cũng được hơn trăm vòng rồi đó. Ở trường mà có bị phạt thì tôi cũng chưa bao giờ phải chạy quá mười vòng, ấy thế mà… Chân tôi tê cứng từ gót chân lên đến tận hai bên hông, giờ đây nó nặng như thể đang đeo thêm một bao cát và từ chối bước tiếp.

“Lee Eun Sung, lại giở thói chây lười đấy hả?”

Phía sau tôi và Bo Ra, chị Mi Joo vẫn lải nhải điệp khúc cằn nhằn rõ phiền phức.

“Trời ạ! Ba lô nặng muốn chết! Mà cái thời tiết dở hơi này cũng oi bức quá thể? Á… Bực mình quá đi!”

Tôi phe phẩy vạt áo phông đang ướt sũng mồ hôi. Cũng may chút gió lùa vào trong áo khiến tôi thấy dễ thở hơn.

“Ôi, nóng quá đi mất. Thời tiết kiểu này đúng là giết người mà. Không làm gì mà mồ hôi cũng túa ra ròng ròng.”

“Đừng càu nhàu nữa, đi nhanh lên!” Chị Mi Joo vừa nói vừa xốc mạnh chiếc ba lô và bước tiếp.

Ông mặt trời kia đúng là điên thật mà. Tôi đã từng nghe nói đến cái nắng chói chang của mặt trời trên sa mạc, nhưng không nghĩ nó lại khủng khiếp đến thế. Nếu xông hơi thì tôi cũng không thể xông thêm được nữa, nóng đến mức không thở được rồi đây này!

Nhưng đấy mới chỉ là vấn đề thứ yếu. Da thịt trên tay tôi bỏng rát như muốn cháy khét, các khớp xương thì nhức nhối vô cùng tận. Vùng da bị cháy nắng dần đỏ lên và xuất hiện những vết đốm li ti màu đỏ. Hồi sáng tôi đã thoa rất nhiều kem chống nắng, nhưng giờ nó hoàn toàn vô tác dụng. Mồ hôi dễ dàng cuốn trôi đi chúng, dù có trát cả tấn kem lên da thì với cái nắng ở đây kem chống nắng cũng chẳng khác nào trò đùa cả.

“Thế nên chị mới nói em phải mặc áo dài tay mà. Nắng gắt thấy ghê chưa?” Chị Mi Joo nói như chọc tức tôi. Sáng nay tôi đã phớt lờ lời chị ta, còn bảo mùa hè ai đi mặc áo dài tay làm gì và lôi chiếc áo thun ngắn tay ra mặc.

“Thôi đi! Em chẳng sao cả!” Thực ra tôi rất muốn lấy bộ quần áo dài tay ra mặc nhưng vì trót lên mặt với Bo Ra và chị Mi Joo nên đành thôi vậy.

Thay vào đó, tôi lôi một chai nước trong ba lô ra. Ban sáng khi xuất phát, tôi đã ghé siêu thị mua hai chai nước loại 500ml. Lúc đó cứ nghĩ làm sao uống hết nổi nó, vậy mà một chai đã hết và chai thứ hai cũng còn lại chẳng bao nhiêu.

“Yaa… Lee Eun Sung! Chị đã bảo đừng uống nhanh như thế cơ mà?”

Chị ấy lại bắt đầu. Chị Mi Joo là người hướng dẫn tôi và Bo Ra trong chuyến đi này. Tôi từng nghe mọi người ở Trung tâm Bảo trợ thanh thiếu niên kháo rằng chị từng học chuyên ngành tiếng Trung và cũng từng đến con đường tơ lụa1. Ừ thì chắc tiếng Trung cũng khá đấy, nhưng nếu cho tôi cái quyền được chọn người dẫn đoàn thì không đời nào tôi chọn “mụ phù thủy” lắm chuyện này.

Tối qua khi chị Mi Joo tẩy trang, rõ ràng tôi trông thấy da chị ấy nhăn nheo y chang bà phù thủy. Da gì mà chẳng căng mịn xíu nào, nhất là phần đuôi mắt nhăn ơi là nhăn. Lúc gặp ở trung tâm tôi tưởng chị chắc tầm 20, giờ nhìn lại thấy hơn 30 là cái chắc.

“Chị đã nói với em là khi cổ đang khát khô mà nốc một hơi như vậy sẽ gây hại cho đường hô hấp rồi mà, sao em không nhớ hả?”

Những lời căn dặn kiểu đó tôi nghe đã nhàm tai. Nhưng cổ họng đang cháy khô, làm sao mà uống chậm rãi từng ngụm từng ngụm được? Tôi giả vờ không nghe thấy và tiếp tục tu ừng ực…

“Ực… ực…” Hình như uống nhanh quá. Tôi bị sặc rồi. “Khụ… khụ…” Ho sặc sụa mấy bận nước mới xuống được.

Trời nắng nóng như cái lò hấp, ba lô thì nặng trịch, rồi thêm “mụ phù thủy” xui xẻo nữa… thật đúng là nơi này chẳng khác nào địa ngục. Rốt cuộc thì khi nào mới tới được con đường tơ lụa đây? Cứ đi kiểu này chắc mình ngất xỉu trước khi tới được đó quá.

“Không! Lee Eun Sung! Mình phải tới con đường tơ lụa cho bằng được. Tập trung lại nào!” Tôi giận dữ siết chặt nắm đấm.

Nhưng cái tâm trạng bất an này là gì nhỉ? Càng đi càng thấy cảnh vật xung quanh dường như quay trở về thời xưa cũ. Rõ ràng hôm qua khi tới sân bay Urumqi, cảnh vật không khác biệt với Hàn Quốc là mấy. Cũng là sân bay hiện đại, xung quanh cũng vẫn là những tòa nhà cao tầng. Vậy mà bây giờ, sau một hồi ngồi xe ô tô đến nhà trọ, mọi thứ quanh đây trông cứ như là từ mười năm trước vậy. Mấy ngôi nhà cao tầng giỏi lắm thì được năm tầng, còn cơ sở hạ tầng thì xập xệ không thể tả. Hôm nay đi mới thấy, chiều cao của mấy tòa nhà giảm dần từ năm tầng xuống còn hai tầng, rồi một tầng. Và hiện tại không thấy một cửa hàng nào hết. Xung quanh chỉ là cánh đồng trơ trọi, cơ hồ nhìn thấy được cả cái làng ấy chứ.

Mà cái cánh đồng này cũng khiến tôi cảm thấy lạ. Mùa hè gì mà cảnh vật hoang vu, tiêu điều như phủ một màn sương mờ mịt, chứ đừng nói gì tới cảnh cây trái trĩu cành. Cái gọi là thực vật ở đây chỉ có những cây sợi gai gầy guộc, thêm vào đó, đất với đá lẫn lộn, sắp xếp một cách hỗn độn cẩu thả. Mà hình như người ta chẳng mấy khi đến đây hay sao mà cứ mỗi lần bước chân chạm đất, y như rằng bụi đất lại bay mù mịt như thể đang mừng rỡ đón chào người lạ vậy. Chỉ có một từ chính xác để lột tả về con đường này – “đường quê”.

Rõ ràng tôi đã bị lừa. Đây không phải con đường tơ lụa. Dù tôi không giỏi tiếng Anh nhưng chí ít tôi cũng hiểu “silk road” chính là “con đường bằng tơ lụa” chứ. Nhưng nó không thể là con đường này được. Sao có thể gọi một con đường quê đầy bụi, còn chưa được rải nhựa, chỉ có đất và đá lổn nhổn như cơm trộn thế này là con đường tơ lụa được. Thật quá vô lý!

Lúc đầu, Trung tâm Bảo trợ thanh thiếu niên có ý định đưa chúng tôi đến “con đường tơ lụa”. Rõ ràng họ đã gắn một mỹ danh như vậy để dụ dỗ chúng tôi đó mà. Chứ nếu biết nó chỉ là con đường khỉ gió đầy nắng nóng và bụi bặm thì ai mà thèm chọn chuyến bộ hành như thế này cơ chứ.

“Chị ơi!” Tôi quay đầu lại lớn tiếng gọi chị Mi Joo.

“Chị biết rồi. Mình ghé quán đằng kia ăn trưa nhé!”

“Dạ.”

Lần đầu tiên mới thấy chị Mi Joo nói năng dễ nghe. Thôi, cứ ăn cơm cái đã, nguyên nhân tính sau.

Nhưng nhìn đi nhìn lại chỗ chị Mi Joo vừa chỉ mà tôi vẫn không thấy quán ăn nào cả. Tòa nhà màu xám xuất hiện sau bốn tiếng đi bộ ấy trông chẳng giống quán ăn gì cả. Mái nhà bằng xi-măng bong tróc loang lổ, tường nhà chắc không được lau rửa nên đen kịt.

“Cái đó là quán ăn á chị?”

“Ừ. Đừng nhiều lời nữa, mau vào đi.”

Cái quán ăn thoạt trông đã tồi tàn mà bước vào trong lại càng tệ hại hơn. Bức tường nham nhở những lớp giấy dán vụng về, bẩn thỉu, chắc định che những mảng tường đây mà. Trên đó còn dán tờ thực đơn viết nghuệch ngoạc bằng tay một cách qua loa, cẩu thả. Dăm chiếc bàn nhựa hình tròn xếp lộn xộn chẳng ra trật tự gì. Dù đang giờ ăn trưa vậy mà cả quán chỉ có mỗi chúng tôi.

Chúng tôi chọn chỗ ngồi gần quạt. Nó run run quay qua quay lại một cách chậm chạp. Chiếc khăn trải bàn thì nhớp nhúa đầy vết cáu bẩn.

“Trời đất! Sao lại có chỗ lạc hậu đến thế này cơ chứ?”

“Eun Sung, em ăn nói cho đàng hoàng nhé!”

Chị Mi Joo lên tiếng nhắc nhở. Ô hay! Miệng tôi, tôi thích nói gì thì nói chứ, chẳng lẽ đến nói cũng bị cấm sao? Tôi nhìn chị ta như thách thức.

Thực đơn được viết bằng chữ Hán. Tôi đang ngồi ngắm nhìn những ký tự như que củi thì chị Mi Joo bắt đầu giải nghĩa thực đơn.

“Có mỳ xào thịt cừu, canh khoai tây với nước cốt thịt gà, có cả…”

“Em ăn gì cũng được!” Tôi cộc lốc cắt ngang lời chị. Thời tiết này thì ăn gì ngon được chứ!

“Chắc giờ bọn em chưa đói đâu, nhưng lát nữa chúng ta phải cuốc bộ những 4 tiếng đồng hồ nữa đó. Vì thế phải ăn cho no mới được.”

“Có ai nói sẽ không ăn đâu? Đã bảo là chị muốn gọi gì thì gọi mà. Đúng là chậm hiểu”.

“Em nói cái gì?”

“Không nghe thấy thì thôi. Bực mình!”

Chị Mi Joo trừng mắt nhìn tôi. Cái nhìn chực cho tôi một đấm đấy mà. “Này, chị đã cảnh cáo em phải ăn nói cẩn thận rồi nhé? Lần này chị bỏ qua, lần sau đừng trách!”

“Nực cười thật đấy! Ai bỏ qua cho ai ở đây chứ?”

“Con bé này đúng thật là…”

Chị đứng phắt dậy.

“Được rồi, em biết rồi… Vậy cứ gọi món gì ngon nhất ở đây đi.”

Chị Mi Joo vẫn nhìn tôi chằm chằm, hai nắm tay siết chặt run bần bật. Tôi vội vàng né tránh ánh mắt đáng sợ ấy.

Một lát sau, chị ta hít một hơi thật sâu, rồi ngồi xuống hỏi Bo Ra.

“Này, Bo Ra, em ăn gì?”

“Chị gọi gì em ăn nấy ạ.”

Bo Ra quá mệt mỏi, có vẻ nó cũng chẳng có chút hứng thú với cái thực đơn đó.

“Vậy chúng ta sẽ gọi mỳ thịt cừu. Người dân vùng này thích ăn món đó lắm, nó như Spaghetti ấy.”

Chị Mi Joo gọi chủ quán. Nhưng lạ thật, bà chủ quán không phải người Trung Quốc. Liếc vào nhà bếp thấy một chú đầu bếp cũng vậy. Hay họ là người phương Tây di cư tới Trung Quốc? Mắt hai mí to, sống mũi cao vút, nét nào ra nét ấy. Giống người phương Tây ghê. Nhưng nếu nhìn vào nước da ngăm đen và gương mặt tròn thì chắc chắn lại là người phương Đông, không lẫn đi đâu được. Thêm vào đó, bà chủ quán lại nói tiếng Trung rất sõi.

Rốt cuộc họ là người phương Đông hay phương Tây nhỉ? Tôi tò mò nhìn, nhưng càng nhìn lại càng thấy lẫn lộn, khó đoán.

Một lát sau, thức ăn và trà nóng được đem ra. Trời đất! Trời nóng như trong lò nung vậy mà vẫn bắt khách phải uống trà nóng. Cái quán ăn này đúng là quái gở lắm mà!

“Ôi, phát điên lên mất. Ở đây không có nước hả chị? Chị gọi họ mang chút nước ra đi.”

“Không.”

Chị Mi Joo không thèm hỏi bà chủ quán mà trả lời luôn. Chẳng lẽ dịch hộ một chút thì chị ta chết được à? Cái vẻ vênh váo ta đây biết chút tiếng Trung thật đáng ghét…

“Nhà hàng Trung Quốc thường mời trà thay cho nước. Vì ở đây thời tiết hanh khô cùng gió cát nhiều nên họ hay ăn nhiều món dầu mỡ. Bởi thế, họ dùng trà để dễ tiêu hóa và giúp loại bớt dầu mỡ có trong thức ăn. Cũng bởi vốn dĩ nơi đây nguồn nước hiếm hoi lại không sạch sẽ lắm nên rất khó mua nước tinh khiết.” Chị vừa uống trà vừa nói.

“Với lại trên thế giới không có nhiều quán ăn mời nước đâu. Ở châu Âu người ta còn bán nước riêng đấy.”

“Hứ! Chị định lừa em hả?”

“Thật đấy!”

Có cả những chuyện nực cười như vậy sao? Đến cả nước lọc mà cũng đem bán được? Đúng là chẳng có nơi đâu bằng nước mình. Người ta vẫn nói, phải ra nước ngoài mới thấy mình trở thành người yêu nước, tôi đi có một ngày mà thấy đúng thế thật.

Mỳ thịt cừu quả giống Spaghetti. Người ta phủ hành tây, ớt chuông và thịt cừu lên trên mỳ xào cùng sốt cà chua.

“Ặc… vị kiểu gì vậy?”

Vị có vẻ cũng hơi giống Spagheti, nhưng có lẽ mỳ được trụng qua nước nên nhạt thếch, còn mùi thì rất khó chịu. Tôi bỏ đũa chỉ sau vài gắp.

Bo Ra hầu như cũng không ăn được mấy. Nhưng đĩa của chị Mi Joo thì gần như hết veo.

“Hai đứa ăn như thế tí nữa sẽ đói đấy!”

“Tính bắt chước Spaghetti thì cũng phải làm cho giống một tí chứ!”

Đây đích thực là sự bắt chước món Spaghetti mà bị thất bại đây.

“Bắt chước? Nó mới chính là cha đẻ của Spaghetti đấy! Người Ý đến Trung Quốc đã ăn món này và khi trở về quê hương đã chế biến ra món gọi là Spaghetti. Món mỳ có xuất xứ từ Trung Quốc mà.”

“Nhưng Spaghetti đâu có mùi hôi chứ?”

Tôi định gắp mấy sợi mỳ bỏ vào miệng, nhưng mùi của nó xộc vào mũi khiến tôi lại buông đũa xuống.

“Đó là gia vị kiểu đạo Hồi. Cứ ăn rồi sẽ quen. Mau ăn thêm đi, ăn ít thế tí nữa không đi bộ nổi đâu đấy.”

“Đành vậy.”

Biết thế này, bữa sáng trước khi lên đường tôi đã ăn thêm bánh xốp và uống thêm chút sữa. Nó ngon hơn cả của Hàn Quốc. Ôi! Những ly sữa đặc sóng sánh, thơm phức, những miếng bánh xốp giòn tan, từ từ tan ra trong miệng… Cứ tưởng bữa trưa sẽ được ăn ngon nên ăn sáng ít, giờ thì quá hối hận.

“Khi nào mình mới tới con đường tơ lụa hả chị? Hôm nay liệu có tới nơi không?”

Thấy chị Mi Joo ăn gần xong, tôi cất tiếng hỏi. Cùng lúc, chị và Bo Ra quay lại nhìn tôi. Chẳng lẽ hỏi cũng không được? Sao bọn họ lại nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên như thể tôi là người hành tinh khác thế?

“Sao thế ạ? Mình còn phải đi rất lâu nữa à?”

“Đùa giống quá đấy… Eun Sung, em có vẻ cũng thú vị ra phết đấy?”

Chị Mi Joo phát nhẹ vào tay tôi, cười phá lên. Bo Ra cũng im im một lát rồi bật cười theo. Lần đầu tiên tôi thấy hai người họ cười đấy.

“Thôi đừng cười nữa. Rốt cuộc bao giờ mới tới?”

Chị Mi Joo đang cười nắc nẻ bỗng ngưng bặt. “Eun Sung, đây là con đường tơ lụa mà. Mình đang đi trên nó đó? Em đùa chị đúng không? Em muốn chọc cười mọi người chứ gì?”

“Chị nói đây là con đường tơ lụa á? Đùa kiểu gì thế? Đây chỉ là đường quê mà, tơ lụa cái khỉ gì chứ! Đừng tưởng em không biết! Bực mình quá đi mất.”

Rõ ràng hai người họ lấy tôi làm trò cười mà. Dù học không giỏi nhưng tưởng tôi không hiểu ý nghĩa của từ “silk road” nên mới thế chứ gì?

“Này, ở trung tâm lúc được huấn luyện em làm gì thế? Dù vắng mấy buổi thì em vẫn có đến nghe cơ mà?”

Tôi đã làm gì nhỉ? Chẳng nhớ nữa, chỉ nhớ mình buồn ngủ thôi.

“Vậy em không đọc cuốn sách trung tâm phát à? Cả DVD nữa?”

Tôi lắc đầu. Trung tâm phát cho mỗi người chừng 10 cuốn sách và 5 DVD về con đường tơ lụa. Nhưng trông tôi có giống một đứa chăm chỉ xem những thứ ấy đâu cơ chứ? Tôi tống tất cả vào một góc phòng và chả thèm ngó ngàng tới chúng.

“Thế em cũng không tìm hiểu thông tin trên internet sao?”

Đương nhiên. Phải hỏi cái đáng hỏi chứ.

“Em làm chị phát điên mất. Nếu vậy, không lẽ em… đừng nói là em nghĩ con đường tơ lụa là con đường làm bằng tơ lụa nhé?”

Chị Mi Joo nghiêm mặt.

“Thì dù không phải làm từ tơ lụa nhưng cũng phải êm ái như tơ lụa chứ?”

Chị ta không nói thêm một lời nào. Ánh mắt chị nói lên tất cả: “Sao mà có một đứa như vậy hả trời?” Mọi người lúc nào cũng nhìn tôi bằng ánh mắt đó nên tôi thừa sức đọc được.

“Con đường tơ lụa không phải là con đường được làm bằng tơ lụa mà là con đường giao thương giữa các quốc gia. Vì thế, nó mang ý nghĩa là con đường buôn bán xuất nhập khẩu các mặt hàng như tơ lụa hay các hương liệu từ Trung Quốc đến Roma của Châu Âu.”

“Vậy Silk road chỉ là con đường từ Trung Quốc tới Roma thôi á?”

Không thể tin nổi. Nói đến “con đường tơ lụa” là tôi nghĩ ngay đến một con đường rất đặc biệt. Nhưng thế này là thế nào?

“Chỉ là chỉ thế nào? Con đường này có vai trò quan trọng lắm đấy? Hơn nữa, tuy con đường này được cho là bắt đầu từ Tây An – Trung Quốc đến La Mã, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng không phải bắt đầu từ Tây An mà từ Silla. Bởi người ta đã phát hiện trong số những di vật còn lại của hoàng tộc Silla, những chiếc cốc làm bằng gốm sứ của Đế chế La Mã. Những thông tin này trong sách mà trung tâm phát đã có hết rồi mà.”

“Em đã bảo em không đọc sách rồi mà!”

Tôi bực mình hét toáng lên.

“Thôi được rồi… vậy thì nghe cho rõ đây Eun Sung. Hiện chúng ta đang đi trên con đường tơ lụa. Từ Urumqi, chúng ta sẽ tới Turpan, Hami và Đôn Hoàng. Đến được Đôn Hoàng thì chuyến bộ hành của chúng ta mới thực sự kết thúc.”

“Chị … không đùa đấy chứ?”

Chút hy vọng cuối cùng của tôi sụp đổ. Ánh mắt chị Mi Joo đang pha trộn giữa tội nghiệp, đáng thương với một chút đáng tiếc.

“Thế đi bộ bao lâu thì tới Đôn Hoàng? Chẳng lẽ đúng 70 ngày sao?”

Lịch trình định sẵn của chuyến đi là 70 ngày, bắt đầu từ 22 tháng 6 đến 30 tháng 8.

“Đôn Hoàng cách nơi đây chừng 1200km.”

“1200 km?”

“Từ Urumqi đến Turpan khoảng 200km. Từ Turpan đến Hami khoảng 500km. Và từ Hami đến Đôn Hoàng khoảng 500km. Tổng cộng 1200km, và chúng ta sẽ mất khoảng 70 ngày.”

“Hơ, đi bộ 1200 km mà mất nhiều thời gian thế á?”

“Em đúng chẳng biết gì về con đường đó thật. Này nhé, từ Seoul xuống Busan khoảng 400km. Chặng đường ấy giống như chúng ta đi từ Seoul xuống Busan – vòng về Seoul – rồi lại xuống Busan vậy.”

Tôi cố hình dung cảnh đi bộ từ Seoul xuống Busan. Không phải chứ, đi một lượt Seoul − Busan, Busan − Seoul rồi lại Seoul − Busan nữa. Dù mới chỉ đi bằng tàu hỏa nhưng tôi nghĩ nó cũng không thể quá đáng như thế được.

“Mỗi ngày đi bộ được khoảng bao nhiêu km hả chị?”

“Vì không phải đường nhựa nên dù chúng ta có đi hết tốc lực thì cũng không quá 3km/giờ. Hơn nữa chỉ đi được ban ngày và không thể quá 7-8 tiếng/ngày. Nếu tính như thế mỗi ngày chúng ta đi được khoảng 20 km.”

Nếu vậy chỉ 60 ngày thôi chứ. 1200km chia 20 mà. Đầu óc tôi mau chóng tỉnh táo trở lại.

“Thế là 60 ngày chứ, sao chị lại bảo 70?”

Tôi vặn vẹo ngay. 60 và 70 rõ ràng khác nhau nhiều mà.

“Cứ 10 ngày lại nghỉ một ngày. Tổng cộng chẳng 70 ngày còn cãi gì chứ.”

“Vậy… vậy 70 ngày ấy chúng ta phải sống thế này sao? Ở một nơi… quê mùa, bẩn thỉu như thế này?” Tôi hoang mang, nói cũng chẳng liền mạch nữa.

“Đúng rồi đấy. Giờ hiểu chút ít rồi chứ hả?”

Kiểu trả lời tưng tửng muốn đấm đây mà.

“Chặng đường phía trước còn khổ gấp trăm lần. Bởi Urumqi là nơi phát triển nhất trong chặng hành trình đấy. Chúng ta sắp được tận mắt nhìn những sa mạc cát mênh mông rồi.”

“Ôi mẹ ơi! Không thể như thế được. Chị đang lừa em đúng không?”

“Ai lừa em làm gì…”

“Nói dối! Em không tin.” Tôi hét lớn.

Thấy vậy chị Mi Joo lấy trong ba lô ra cho tôi xem một cuốn sách mà trung tâm phát. Hức! Chị ấy đã không hề nói dối.

“Chị… nói… dối! Không phải thế!”

Tôi vừa nhảy lên vừa hét ầm ĩ, nhưng mặt chị ta vẫn tỉnh queo như không.

Vậy là tháng Bảy và tháng Tám − “thời kỳ hoàng kim” của tôi sẽ tiêu tùng trên con đường đầy đau khổ này sao? À mà đến cái tên tôi cũng mơ hồ nữa chứ! Hu hu.

Đây không phải sự thật mà!

Một tháng trước khi tới đây, ngày nào tôi cũng đi khoảng 15km trên chiếc máy chạy bộ và mỗi tuần leo núi một lần, cảm giác vô cùng thoải mái. Lúc đó nào hiểu lý do chứ, giờ thì thấm thía quá rồi.

“Giờ sao nhỉ, Eun Sung? Hy vọng nhiều thì thất vọng cũng lắm thôi.”

Chán ốm. Kiểu nói vô thưởng vô phạt ấy thật chán ốm!

“Hay là quay về?” Chị ta cà khịa.

Câu “vâng” đã ra đến cổ. Nhưng thế thì trúng ý chị ta mất.

“Thôi bỏ đi.”

Tôi lôi mạnh chiếc quạt giấy trong ba lô ra quạt phành phạch.

“Ăn cơm xong đi luôn hả chị?”

“Đương nhiên. Đã được 10 km đâu. Mai mốt còn phải đi nhiều hơn thế nữa cơ.”

Hu hu! Ước chi có ai xuất hiện, véo cho tôi một cái thật đau rồi hoan hỉ nói. “Tỉnh lại nào, tất cả chỉ là một giấc mơ thôi.” Nhưng điều đó không bao giờ xuất hiện, mà chỉ có khuôn mặt phù thủy hắc ám xuất hiện ngày một rõ ràng trước mắt tôi.

“Hức! Ngày nào chúng ta cũng phải đi như thế này sao?”

“Đương nhiên. Chúng ta phải đi bộ đến Đôn Hoàng. Tuyệt đối không được đi xe buýt hay tàu hỏa.” Giọng chị Mi Joo vô cùng cương quyết.

“Ăn xong rồi thì đi nào. Nếu muốn tới được chỗ nghỉ chân ngày hôm nay thì phải khởi hành thôi. Người ta nói buổi tối ở đây nguy hiểm lắm.”

Dứt lời, chị liền đứng dậy trả tiền. Bo Ra cũng vội đứng lên theo.

“Eun Sung, còn làm gì mà ngồi ì ra thế?”

“Hứ! Ai nói không đi chứ? Đi thì đi.”

Tôi chậm chạp lê đôi chân nặng trĩu bước ra khỏi quán. So với lúc nãy chắc giờ nó đã nặng hơn gấp nghìn lần rồi ấy chứ!

“Này, em có biết con đường tơ lụa sẽ thế này không?”

Tôi hỏi Bo Ra và nó gật đầu. Ngạc nhiên thật đấy. Trông nó quá yếu đuối, sao lại có mặt ở đây được nhỉ? Nhìn chân tay nó kìa, nhỏ tí như búp bê, cơ thể thì ẻo lả, mỏng manh cảm tưởng gió cũng thổi bay đi được ấy! Vừa gặp tôi đã tưởng nó chỉ là học sinh cấp 2, hóa ra con bé chỉ kém tôi có một tuổi và đang học lớp 10.

“Yaa… nhưng…”

“Sao ạ?”

“À không, thôi vậy.”

Tôi định hỏi nhiều chuyện nữa, nhưng có lẽ chẳng thể nhận được câu trả lời nào thỏa đáng hết.

“Này Bo Ra, sao em cũng chọn con đường tơ lụa vô dụng này chứ?”

“Ừm… thì chỉ bởi… nó không phải Hàn Quốc nên…”

Bo Ra không nói thêm câu nào nữa, vội vàng rảo bước đi.

“Hai đứa nói gì lắm thế, vừa tốn sức vừa tốn nước, mau đi nhanh lên!”

“Mụ phù thủy” bỗng xen vào. Ô hay! Mệt hay khát là việc của tôi, liên quan gì chị ta chứ? Mà tôi cũng đang định không thèm nói nữa. Đi liên tục như thế này khiến tôi quá mệt mỏi, chẳng còn hơi sức để trả treo chị ta nữa.

Cứ phăm phăm đi mà không có gì làm cũng chán. Giá được thả hồn theo điệu nhạc nhỉ, chắc tâm trạng ổn hơn nhiều chứ! Nhưng một trong những quy tắc đáng ghét của chuyến bộ hành này là không được nghe nhạc. Cái gì mà… “nếu nghe nhạc sẽ không có thời gian để lắng sâu suy nghĩ”. Vì thế trước khi xuất phát, họ tịch thu hết thuốc lá và cả máy nghe nhạc của chúng tôi.

Ôi cái đầu, sao đau như búa bổ thế! Chỉ khẽ ngẩng đầu lên là bị ánh nắng chói chang chiếu tướng. Cái nắng bỏng rát như trong lò bát quái, chắc định nung chín cả tôi và cả không khí đây mà!

Giờ mới tháng 6 thôi đấy, không hiểu qua tháng nữa, chính giữa mùa hè thì sẽ khủng khiếp đáng sợ đến thế nào? Thôi, stop ngay! Còn nghĩ nữa chắc chết quá. Sẽ ổn mà Eun Sung!

Tôi rút khăn tay ra lau mặt. Mồ hôi dấp dính, nhớp nháp cứ ướt rồi khô, khiến tôi tưởng như có hàng ngàn chiếc kim đang châm vào từng centimet da vậy. Chiếc khăn từ lâu đã ngả màu xám xỉn, mồ hôi quện với bụi bặm đóng mảng trên khuôn mặt tôi như một lớp mặt nạ bụi vậy.

“Eun Sung! Em thôi lau mồ hôi và đi hẳn hoi nào.”

Haiz!… Mụ ta lại nhấn nút replay.

“Em đã bảo là biết rồi cơ mà, cái mụ phù thủy này!”

Tôi buột miệng. Bo Ra nghe thấy phì cười. Còn chị Mi Joo không phản ứng gì cả. Chắc chị ta không nghe thấy, nếu không đã sửng cồ lên rồi ấy chứ.

Ôi! Chẳng lẽ ngày nào cũng phải thế này ư? À mà gọi là chuyến bộ hành thôi chứ người ta làm sao biết suốt chặng hành trình chúng tôi đi như thế nào. Dù chúng tôi có đi bộ hay tàu hỏa, thậm chí xe buýt đi chăng nữa cũng chẳng sao. Về đến Hàn Quốc vẫn hùng hồn tuyên bố “Chúng tôi đã đi bộ” – cũng chẳng ma nào hay biết. Họ cắt hết mọi phương tiện liên lạc thường ngày của chúng tôi rồi mà, có được phép gọi điện, hay bén mảng lên internet đâu… Mọi chuyện ở đây đều nằm ngoài sự kiểm soát của họ.

Hay là đợi đi được khoảng ba ngày, tôi sẽ nịnh bợ mụ phù thủy đi xe buýt? Ai chà, ổn đấy! Cứ nghĩ đến đấy tôi như có thêm sức mạnh.

Giờ thì ngủ một chút đã, Eun Sung à!

Chương 2. Hay là quay lại?

Tôi chịu hết nổi rồi! Chăn chiếu cáu bẩn, hôi hám, bốc mùi sặc sụa, không hiểu ngày giặt cuối cùng cách đây mấy trăm năm trước nữa. Lũ gián kinh tởm hồn nhiên bò lổm ngổm trên sàn nhà, cứ như đây là lãnh địa của chúng vậy! Nhà tắm công cộng chưa chắc có nước nóng, còn cái toilet “cổ truyền” nữa chứ, nếu không bị ngạt mũi thì không bước qua nổi cửa. À, cả những bát mỳ gần như chỉ tráng qua nước sôi, và cái nóng chẳng khác gì đang ngồi trong phòng xông hơi… Lại không liên lạc được với bạn bè, internet cũng chẳng có để chơi vài trò yêu thích… Thế đấy, ngần ấy thứ hỏi làm sao tôi chịu đựng nổi. Nhưng oan ức nhất chính là tại sao tôi lại phải hành xác trên con đường quái quỷ đầy gian khổ giống như một kẻ ăn mày thế chứ.

Con bé Yu Ji Yeon đã xuất viện khá lâu trước đó. Nghe nói bố nó là một cán bộ tầm cỡ, thế nên khi tôi đánh nó, bọn bạn trong lớp đã sợ xanh mặt, lo lắng thay cho tôi. Bố nó làm ở tòa án tối cao, bác ruột lại là bạn thân của Viện trưởng Viện kiểm sát nên chắc chắn lần này tôi gặp phải rắc rối lớn. Chúng nó đã đúng.

Đã 12 tuần trôi qua nhưng gia đình nhà con bé ấy vẫn không chịu buông tha cho tôi. Mẹ của Ji Yeon đã tìm đến Sở Cảnh sát, hách dịch hỏi có biết bà ta là ai không và lớn tiếng yêu cầu loại bỏ những mầm mống giống như tôi ở trường học bất kể lý do gì. Tất nhiên, bà ta hét ầm ĩ đòi tống tôi vào Trung tâm Bảo trợ thanh thiếu niên. Nhìn người thì quần áo rất lịch sự, đắt tiền nhưng mồm mép lại chỉ tuôn ra toàn lời chửi bới, nhục mạ, đúng là mẹ nào con ấy. Ở trường, con ranh ấy lúc nào cũng nghĩ mình là công chúa xinh đẹp, giỏi giang, nhưng hễ mở miệng lại toàn phun ra cóc nhái. Không là những tràng chửi bới, lăng nhục thì lại là những lời ba hoa, khoe khoang về ông bố làm to của mình.

“Sao chúng ta phải sợ con bé Lee Eun Sung đó? Chỉ cần tránh xa những thứ hôi hám bẩn thỉu như nó là được. Mà chúng mày nghe thấy những lời nó nói chưa? Chỉ có bọn óc bằng bã đậu mới thở ra những câu kiểu như thế. Vô học mà đòi làm bá chủ á?”

Yu Ji Yeon vừa chửi vừa đá phốc chiếc cặp của tôi ở cạnh bàn xuống đất.

“Dù sao cũng là đàn chị. Chẳng phải Eun Sung hơn chúng ta 1 tuổi còn gì.”

“Chị cái quái gì. Đứa nào suốt ngày bị phạt quỳ gối? Đứa nào đánh nhau nên bị lưu ban? Tao dám cá, nếu còn xảy ra việc như thế nữa, còn lâu nó mới tốt nghiệp được. Loại người như thế mai sau cũng chỉ thành phạm nhân được thôi. Vì những loại rác rưởi như thế mà bố tao phải cực khổ, gian nan đấy.”

Tôi bước vào lớp, nghe thấy hết không sót một từ. Nhưng con ranh vờ như không thấy, vẫn tiếp tục.

“Còn nữa, chắc chúng mày không biết mẹ nó là single mom chứ? Bà giúp việc nhà tao sống cùng khu với nhà nó đấy. Chơi cho lắm vào, không kết hôn mà sinh con kia đấy? Không biết bố nó là ai nhỉ? Ha ha…”

“Oa, kinh khủng quá! Nếu thế thật chẳng phải là điên quá mức hay sao.”

“Nó trước sau gì cũng giống mẹ nó thôi. Chẳng cần đoán cũng biết.”

Những cái khác tôi nhịn được, riêng chuyện về mẹ thì không thể.

“Ya… con kia, mày thử nói lại xem nào!”

“Hả? Nói cái gì?”

“Những lời ban nãy mày nói ấy, nhắc lại thử xem.”

Bọn trong lớp xúm đến, con bé Ji Yeon liếc quanh một lượt, rồi tiếp tục nói những lời nanh nọc, cay độc. “Chắc bố mày cũng thế nhỉ? Vô học và bạo lực. Chắc mày giống bố lắm đấy, cả làn da đen thùi lùi nữa… Về hỏi thử mẹ mày xem sao, biết đâu lại có cơ hội tìm được bố?”

Tôi túm lấy cổ áo Yu Ji Yeon, giáng một cú đấm thật mạnh vào cái mặt đẹp đẽ của con “công chúa” đáng ghét ấy. Lần này mày xui xẻo rồi Yu Ji Yeon, ai bảo dám khiêu chiến với tao chứ.

Nhưng cũng từ đó tôi có biệt danh “cú đấm điên khùng” hay “Eun Sung liều mạng”. Lúc đó, không hiểu do quá hăng tiết hay bị ma xui quỷ khiến mà khi cảnh sát đến và xông vào can thiệp, tôi vẫn chưa chịu dừng lại.

Đương nhiên đó cũng là vận đen của tôi. Tại sao lại là con ranh Yu Ji Yeon đó chứ? Gia đình nó quá nhiều tiền và thế lực, nên tôi đoán cách khôi phục lòng tự trọng đã bị tổn thương chính là không chấp nhận hòa giải. Và cuối cùng tôi phải vào Trung tâm bảo trợ và đợi chờ phán quyết.

“Mệt quá, em không bước thêm được nữa đâu.” Tôi dừng bước, khom người hai tay chống đầu gối thở dốc.

“Eun Sung, sao em cứ thế mãi nhỉ? Chúng ta đi chưa được một tuần đâu đấy.” Chị Mi Joo lạnh nhạt nói.

“Sao cơ? Chị vừa nói được một tuần rồi á? Đấy, một tuần rồi còn gì. Mệt chết mất thôi.”

Đã được 7 ngày rồi đấy. Suốt tuần qua, ngày nào cũng đi bộ từ sáng đến tối. Cơ thể tôi giờ đây hình như chẳng phải của mình nữa. Khắp mình mẩy đau nhức, từng centimet da bị cháy nắng giờ chuyển sang đen thui, trông tôi nhem nhuốc chẳng khác nào một con quạ.

“Eun Sung, em có biết sẽ bị chậm kế hoạch nếu cứ lười nhác thế này chứ?”

Chị Mi Joo lại càu nhàu. Đành vậy, tôi lại lết từng bước chân đi tiếp. Từ lúc biết “con đường tơ lụa” thật ở ngoài đời, tôi chẳng còn chút động lực để đi theo lịch trình nữa.

“Đi bộ mấy ngày liền rồi, giờ chúng ta đi xe buýt, chị nhé? Trông chị cũng mệt mỏi lắm rồi còn gì. Việc gì phải đi bộ đủ 70 ngày chứ? Chúng ta giả vờ đi xe buýt, sau đó lúc trở về vẫn nói là đã đi bộ.”

“Đừng nói năng vô lý kiểu ấy nữa đi. Em có biết người ta gọi đó là gì không? Là lừa gạt một cách trẻ con đấy? Mau dừng lại ý nghĩ ấy đi.”

Tôi cũng nổi giận thật sự. Con mụ chết tiệt đáng ghét, đáng nguyền rủa kia! Tôi giậm chân bình bịch, bước nhanh thoăn thoắt. Chị ta và Bo Ra cũng phải bước thật nhanh chân mới theo kịp. Thật ra nếu cứ đi nhanh như thế thì người mệt mỏi chắc chắn là mụ già 30 tuổi đó.

Như anh Su Chang – con trai bác gái tôi – từng bảo, thể lực của những người U30 và U20 khác nhau nhiều lắm. Anh ấy năm nay mới bước sang tuổi 30, thế mà lần nào gặp tôi cũng nhăn nhó than thở rằng việc công ty đã vắt kiệt sức lực của mình.

“Thế cái gì mà khiến anh khốn khổ thế?”

“Càng già thì càng yếu thôi. Em còn trẻ nên không cảm thấy thế, chứ nó là quy luật rồi, tuổi tác tỷ lệ nghịch với thể lực của con người. Khi em thêm nhiều tuổi nữa, em sẽ hiểu thôi.”

Nghĩ thế tôi liền tăng tốc, dốc hết sức lực đi với tốc độ tối đa, nhanh hết mức có thể. Nhưng đúng là đáng ghét mà, gậy ông lại đập lưng ông. Vì tăng tốc bất thình lình mà chân đã bị chuột rút, cảm giác những bó cơ và đầu ngón chân co rút khiến tôi đau tê tái, ấy vậy mà mụ phù thủy kia lại chẳng hề hấn gì cả.

Hơn 2 giờ chiều mà cái nắng vẫn gay gắt không thể tả. Tôi ghét nhất khoảng thời gian này, vì sao thì mọi người cũng biết rồi đấy, phải lê bước thế nào trong cái nóng đến ngộp thở này chứ! Mồ hôi mẹ mồ hôi con thi nhau lăn từ trên trán xuống quanh đôi mắt, hàng lông mày cũng chẳng thể ngăn cản nổi nó. Mặc dù quá phiền phức khi cứ phải lấy khăn tay ra lau chúng, nhưng nếu không làm thế, bụi cùng mồ hôi chảy vào mắt thì có mà cay xè, nóng rát vô cùng. Vả lại, ở cái nơi chết tiệt này cũng làm gì có chỗ nào có thể rửa chứ.

“Ya… chẳng phải trước đây chị ta nói Urumqi là thủ phủ hay sao? Thủ phủ gì mà lại thế này?”

Tôi quay sang hỏi Bo Ra đang đi bên cạnh. Con đường đất bụi mù mịt, và đương nhiên tìm đỏ mắt tôi cũng chẳng thể thấy những quán ăn hay quán trọ chứ đừng nói đến những con đường lớn hay những tòa nhà cao vút. Không hiểu đi thêm 5km nữa thì nó có khác không nhỉ. Thế mà người ta gọi là thủ phủ kia đấy. Bà chị Mi Joo nói Trung Quốc rất rộng lớn nên có nhiều khu tự trị. Khu vực Tân Cương chiếm 1/6 lãnh thổ nên được vận hành theo chế độ tự trị. Và Urumqi chính là thủ phủ của nó.

Thủ phủ mà còn thế này thì Turpan, Hami, Đôn Hoàng sẽ thế nào đây? Nếu nó còn thảm hại hơn cả nơi này thì không hiểu người ta sống kiểu gì nhỉ? Đương nhiên chỉ có Turpan và Hami thuộc khu tự trị Tân Cương, còn từ Đôn Hoàng trở đi, người ta gọi đó là khu đặc biệt. Lúc đầu nghe nói Đôn Hoàng là nơi có diện tích hẹp nhất, nhưng lại có nhiều danh thắng nổi tiếng, tôi đã nghĩ mình phải nhanh nhanh chóng chóng đến nơi đó, nhưng giờ nghĩ lại, ở đó còn lạc hậu hơn so với nơi đây, tôi lại chẳng muốn đi nữa.

“Vì không phải… khu trung tâm nên… mới thế. Họ cố tình bắt chúng ta đi đường ngoại ô bởi… chúng ta có phải đi du lịch đâu. Chúng ta… buộc phải tránh xa khu trung tâm hết mức có thể. Nhưng… họ cũng nói nội thành Urumqi phát triển lắm… không khác Bắc Kinh và Thượng Hải mấy đâu.”

Bo Ra vừa nói vừa thở hổn hển. Nó cứ nói một câu lại nuốt khan nước bọt một miếng. Trông bộ dạng khổ sở của nó khiến tôi thấy mình thật có lỗi nếu lại tiếp tục hỏi .

Biết ngay “mụ phù thủy” lại giở trò “đường ngoại ô” mà. Bao giờ tôi mới thoát khỏi trò đùa quái ác của mụ chứ?

“Chị ơi, em đi vệ sinh một chút nhé.”

“Eun Sung, em vừa đi lúc ăn trưa còn gì?”

“Nhưng buồn thì phải đi chứ.”

Tôi vứt phịch ba lô xuống và chạy thật nhanh.

Tìm được một cái nhà vệ sinh trên con đường này quả thật không dễ. Một nơi gần như chẳng có ma nào qua lại như nơi này thì kiếm đâu ra chứ. Hồi đầu tôi cố nhịn để chờ một cái nhà vệ sinh tử tế nào đó xuất hiện bởi tôi không thể chịu nổi mấy cái cái nhà vệ sinh bẩn thỉu, tanh tưởi gần quán ăn. Nhưng mấy ngày trước, đang đi thì đột nhiên chị Mi Joo nói phải đi vệ sinh một lát. Ngó nghiêng tứ phía nhưng tuyệt nhiên tôi vẫn chẳng thấy bóng dáng của một cái nhà vệ sinh nào cả.

Chị ta nói ở đây có “toilet lộ thiên” rồi bỏ mặc tôi và Bo Ra đứng ngẩn tò te ra đó và đi dần về phía cánh đồng xa xa, rồi mất hút. Đầu tiên tôi cũng xấu hổ lắm, nhưng sau lần đó thấy cũng chẳng có gì to tát. Thà bẩn một chút, nặng mùi khủng khiếp và thậm chí không có cả vách chắn thì nó vẫn tuyệt hơn nhà xí ở Trung Quốc tỉ lần. Không những thế, nó còn miễn phí nữa chứ. Ở Trung Quốc, đến cái việc đáng ngại ngần, xấu hổ như đi vệ sinh người ta cũng thu tiền. Đúng là quái đản mà!

Tôi ngồi bệt xuống đường, nhưng cũng chỉ được một lúc, vì càng ngồi lại càng nóng. Bầu trời hôm nay quả thật “trong xanh một cách quá đáng”. Thời tiết ở nơi này thật bất lịch sự, tôi không biết phải làm gì để xua đi cái nóng khủng khiếp ấy. Ước gì trời đổ mưa để may mắn có được một ngày nghỉ ngơi, nhưng xui thật, từ khi đến đây tôi chưa thấy một ngày âm u nào cả. Tâm trạng tôi đang trái ngược hẳn với bầu trời: nó càng trong xanh thì tôi lại càng u ám.

Thực ra tôi có buồn đi vệ sinh thật đâu. Hôm nay tôi uống ít nước mà. Nhưng chị ta có quyền gì mà can thiệp vào vấn đề sinh lý bình thường của tôi? Tôi là ai chứ? “Vua thủ thuật” Lee Eun Sung kia muốn gì chẳng được. Kiếm vài phút nghỉ ngơi thư giãn trong chuyến bộ hành một ngày 8 tiếng dễ như trở bàn tay. Mà thật ra có phải mình tôi được nghỉ đâu, chị ta và Bo Ra cũng được nghỉ theo kia mà.

Ui cha! Cái ba lô chết tiệt, thoát khỏi nó khiến tối như đang bay vậy. Phần lưng áo ướt sũng sượt, chẳng cần quay đầu lại tôi cũng ngửi thấy mùi ngai ngái bốc lên từ sau lưng mình.

Giá được nằm nghỉ khoảng 30-40 phút thì tuyệt biết mấy? Ở Hàn Quốc, nếu chán học là tôi nghỉ luôn, trốn tiết là chuyện bình thường. Nhưng giờ thì chịu rồi. Điều duy nhất tôi có thể làm được chỉ là giả vờ đi vệ sinh và trốn được vài phút.

Chưa đầy 10 phút, tôi đã phải quay trở lại. Ấy thế mà bà phù thủy vẫn càm ràm sao tôi đi lâu thế. “Eun Sung! Em có biết chúng ta sẽ đến chỗ ở càng muộn nếu thời gian đi vệ sinh của em càng nhiều không? Đoạn đường phải đi trong một ngày được định sẵn rồi đấy.”

Lại bắt đầu. Aaaaaa!!! Thật sự tôi không muốn nghe! Không muốn nghe!

Tôi bịt tai, nhìn ra chỗ khác. Chị càng hỏi, tôi càng bịt chặt tai lại.

Rồi những lời càu nhàu ấy cũng kết thúc. Tôi lại đeo ba lô lên vai.

Không hiểu sao ba lô hôm nay lại có vẻ nặng hơn nhỉ. Rõ ràng tối qua tôi đã bỏ bớt đồ ra rồi cơ mà. Chỉ được phép mang những vật dụng cần thiết cho chuyến đi thôi, tôi biết vậy nhưng vẫn cố mang theo vài bộ quần áo, rốt cuộc phải cho con gái nhà chủ trọ. Bo Ra cũng thế, nó phải bỏ lại kim chi và tương ớt vì sợ đồ ăn không hợp khẩu vị.

Vậy sao ba lô vẫn rất nặng thế không biết. Trời còn nóng bức hơn cả hôm qua và đôi chân tôi thì khỏi nói, đau rát, nhức nhối. Các cơ bắp dường như đông cứng lại, lòng bàn chân tê bì đến nỗi mất hết cảm giác.

Hình như tôi vừa chạy một quãng đường dài vậy. 1600m tương đương với 8 vòng quanh sân vận động. Bình thường chạy tầm 3-4 vòng thì không sao nhưng hơn mức đấy thì chắc chắn không thể thở nổi. Vì thế 1/3 lớp tôi đã phải bỏ cuộc.

Hồi lớp 6, tôi đã từng đứng nhất lớp trong cuộc thi chạy đường dài. Khi đó bà tôi đã vui lắm, tự hào chạy khoe khắp xóm. Chính thế giờ đây tôi cảm thấy vô cùng có lỗi với bà, bởi đó là điều duy nhất để bà tự hào về tôi.

“Bà ơi, giá cháu cũng đứng thứ nhất ở lĩnh vực khác thì tốt quá nhỉ?”

“Không cần đâu cháu.”

“Bà nói dối! Suốt ngày bà mắng cháu vì không chịu học còn gì?”

“Cháu có biết giải nhất cuộc thi chạy ghê gớm đến mức nào không? Người già cả mắt mờ chân chậm như bà muốn cũng không làm gì được, đến đi bộ cũng khó khăn nữa là… Dẫu sao cháu của ta cũng đã giành giải nhất trong cuộc thi chạy đường dài. Cháu là số 1!”

Dĩ nhiên sau đó bà vẫn mắng tôi vì tội lười học. Nhưng từ đó, tôi chưa một lần bỏ cuộc trong những cuộc thi chạy đường dài ở trường. Dù mệt đến đâu, chỉ cần nghĩ đến bà, nhìn những sợi tóc trên đầu của bà dần bạc đi, tôi lại quyết tâm chạy đến cùng.

Nhưng bà ơi, giờ cháu không thể cố gắng tiếp được nữa…

“Này, chị ơi, chúng ta nghỉ một lúc được không?”

Bo Ra đột nhiên dừng lại hỏi. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy nó hỏi như thế. Cùng một câu, nhưng ngữ điệu của nó khác hẳn với tôi, không mệt mỏi hay bực bội. Và chị Mi Joo đã vui vẻ đồng ý ngay.

Bo Ra ngồi bệt xuống đường, lần lượt cởi giày và tất.

Tôi sững sờ nhìn đôi chân của nó. Ở những đầu ngón chân, máu vẫn đang rịn ra, những chỗ phồng rộp bị vỡ nước, quện vào máu đang dần bết lại.

“Bo Ra, móng chân em…”

Tôi thảng thốt. Nhìn kìa… móng chân cái bên phải của con bé dường như đang muốn rơi ra, lủng lẳng.

“Nó sẽ lại mọc ra thôi, không sao đâu. Trước chị cũng thế!”

Bo Ra gượng cười trước lời nói đó của chị Mi Joo. Đổi lại nếu là tôi chắc chắn không ổn chút nào. Tôi bỗng cảm giác hình như hai móng chân cái của mình cũng đang lung lay thì phải.

Chị Mi Joo lấy bông băng và thuốc trong ba lô ra, vừa bôi lên chân Bo Ra vừa hỏi. “Em có thể đi tiếp không?”

Bo Ra gật đầu.

“Vậy chúng ta sẽ đến nhà trọ và nghỉ luôn nhé.” Chị Mi Joo đứng dậy và nói.

“Nghỉ một lát rồi đi cũng không được sao?”

Tôi tóm lấy cánh tay của chị. Chân như thế kia mà vẫn đi tiếp thì thật quá vô lý.

“Đi thêm 1 tiếng nữa là đến nơi, sau đó sẽ nghỉ mà.”

Chị gạt tay tôi ra và bắt chúng tôi mau đứng dậy. Thật quá đáng quá! Chân cẳng con bé như thế mà vẫn thốt ra được những lời nói đó sao?

“Fuck… you!”

“Gì vậy? Eun Sung, thử nói lại xem.”

“Tôi nói là ‘Fuck… you’”

Tôi gằn lên rõ ràng từng chữ.

“Lee Eun Sung!”

“Mẹ kiếp! Tất cả đều quá đáng! Chúng tôi cũng là con người cơ mà. Chị định bắt chúng tôi đi bộ đến chết hả?” Tôi nhìn chằm chằm vào mặt chị Mi Joo, ánh mắt chất chứa đầy hận thù.

“Chị Eun Sung, em không sao thật mà. Em vẫn có thể đi tiếp.”

Bo Ra đứng dậy và nói.

“Con bé này, ngậm miệng lại đi. Dừng ngay cái trò giả bộ ngây thơ hiền lành lại. Nếu đi tiếp, em gục ngã thì tính sao chứ? Không thể tin được! Em quá ngu xuẩn!”

Bầu không khí đặc quánh, cái nóng dường như nóng hơn. Chị Mi Joo nhìn thẳng vào mặt tôi nói chậm từng chữ. “Nếu muốn bỏ cuộc thì làm đi. Lúc này vẫn còn kịp đấy. Chẳng ai bắt ép được hai đứa đâu. Hãy quyết định nhanh đi.”

“Tôi không biết… Tôi không ngờ chuyến đi lại quá cực nhọc đến thế. Nếu biết trước đừng hòng tôi đi. Thật vô bổ.”

Tôi sút mạnh vào cái ba lô vô tội đang nằm im dưới đất. Ui da… có lẽ vì mạnh quá nên chân tôi đau điếng. Đúng là quá đen đủi, chẳng có chuyện gì suôn sẻ cả.

“Nếu cảm thấy không thể tiếp tục được nữa thì chấm dứt ngay đi. Tiếp tục hay dừng lại đều do các cô tự quyết định. Nếu khó quá thì bỏ cuộc đi.” Chị Mi Joo nhìn tôi thách thức và giận dữ hét lên. Bảo chúng tôi bỏ cuộc với cái nét mặt, thái độ như thế kia sao? Quả đúng là mụ phù thủy tàn nhẫn!

“Đủ rồi đấy! Chị cũng thôi ngay đi! Chị tưởng chúng tôi muốn đi à? Bất đắc dĩ mới phải làm thế. Giờ bỏ cuộc quay về Hàn Quốc, chị thừa hiểu điều gì đang đợi chúng tôi, đúng không? Biết mà vẫn cứ lải nhải mãi thế được hả? Chị có biết nghe cái từ ‘bỏ cuộc’ nó nguy hiểm đến mức nào không? Mỗi khi nghe chị nói cái từ đấy, tôi không thể thở được.”

Tôi cũng nhảy chồm chồm lên và gào lại, nhưng chị Mi Joo không nói một lời nào.

“Được, được thôi! Không đi cũng được chứ gì. Vậy thì không đi, không thèm đi nữa.”

Tôi nằm ịch xuống vệ đường, nhắm mắt lại.

Nhưng ngực tôi bỗng bị chèn ép thật khó thở, cơn chóng mặt, buồn nôn ập đến. Tôi là đứa hay say sóng, say khủng khiếp, và giờ phút này tôi cảm thấy mình bồng bềnh, chòng chành như đang ngồi trên một con thuyền vậy.

Tôi muốn vứt hết, bỏ lại hết. Thà quay trở về Hàn Quốc còn hơn.

Tôi đang chờ ngày xét xử kết thúc, tôi cũng hiểu cánh cửa Trung tâm Bảo trợ thanh thiếu niên sẽ mở ra chào đón tôi, nhưng bỗng bố của Yu Ji Yeon và một người đàn ông lạ mặt xuất hiện. Họ gợi ý tôi lựa chọn chuyến bộ hành đến con đường tơ lụa thay cho việc chịu hình phạt ở Trung tâm. Thì ra người đàn ông đi cùng đó là nhân viên điều hành ở Trung tâm Bảo trợ thanh thiếu niên. Trung tâm đó phối hợp với Viện kiểm sát và đang trong quá trình thực thi “Chương trình giáo dục thanh thiếu niên”. Họ nói thay vì hình thức giáo dục ở Trung tâm, tốt hơn là để chúng tôi trải nghiệm qua chuyến bộ đường này, bởi có đến 90% những đứa trẻ ở Trung tâm đi vào vết xe đổ của chính mình, còn tỷ lệ tái phạm của những đứa trẻ đã được giáo dục một cách tự nhiên qua chuyến bộ hành thì không quá 20%.

Chương trình đó lúc bấy giờ mới chỉ là dự kiến, họ tìm đến tôi chính là muốn đem tôi tham gia làm chuột bạch. Khi đó, tôi đã lắng nghe một cách hứng thú. Mấy ngày sống ở Trung tâm đã khiến tôi bực mình đến phát điên, chỉ nghĩ đến việc phải sống ở đó mấy tháng trời tôi đã rùng mình, thật khủng khiếp. Vì thế, dù hơi lo lắng nhưng tôi vẫn hét lên một cách sung sướng. Sau vài lần thẩm tra, tôi đã thoát ra khỏi cái Trung tâm ấy. Để lựa chọn, chắc ai cũng sẽ lựa chọn chuyến du hành trên con đường tơ lụa giống tôi thôi!

Nhưng khốn khổ thay, đó là câu chuyện lúc tôi chưa biết con đường tơ lụa hình thù ra sao mà thôi.

Câu tục ngữ “Ghét ai thì cho bánh Tteok” quả không sai. Món bánh Tteok họ cho tôi nhạt nhẽo và khó ăn đến nỗi tôi chỉ muốn nôn ra bằng sạch những gì mình đã ăn.

“Vừa nãy chị nói thế, tuyệt đối không có ý dọa nạt hay uy hiếp gì cả đâu. Nói vậy để bọn em không bỏ cuộc và tiếp tục hành trình thôi.”

Mụ phù thủy tiến sát đến cạnh tôi. Thây kệ, tôi vẫn nhắm nghiền mắt.

“Chúng ta nghỉ một chút rồi đi nhé? Đến muộn một chút vậy.”

Tôi giả vờ không nghe thấy, nhưng Bo Ra lại trả lời một cách ngoan ngoãn. “Vâng ạ.”

Bo Ra và chị Mi Joo nằm xuống theo tôi, hai người họ rì rầm nói chuyện gì đó. Tôi lim dim mắt, tận hưởng sự thoải mái hiếm có.

Chiều muộn nên nắng đã dịu hơn. Chúng tôi nằm im, lặng lẽ cảm nhận từng cơn gió nhẹ nhàng mơn man thổi qua, chúng thoáng qua như nhẹ cù lên phần da trên cơ thể.

“Em giống hệt em gái chị. Ban đầu nó cũng liên tục than mệt mỏi như em vậy.” Chị Mi Joo đột nhiên kể.

“Chị có nói với hai đứa chị từng có chuyến bộ hành đến đây rồi đúng không? Hồi đó chị đi cùng đứa em gái.”

“Chị cũng có em gái ạ?” Bo Ra hỏi.

“Ừ, chị có một đứa em gái. Nó suốt ngày gây chuyện thôi.”

“Nhưng sao chị lại đi cùng với em gái?”

“Hồi đấy chị đang lên kế hoạch làm một chuyến bộ hành đến con đường tơ lụa. Khi đó em gái chị cũng vừa tròn 20 tuổi, học xong cấp 3 đã khá lâu nhưng chẳng làm việc gì, suốt ngày chơi bời lêu lổng, vì thế bọn chị đã đi cùng nhau.”

“Em chị cũng ngoan ngoãn đi theo chứ ạ?”

Trong đầu tôi hiện ra rõ mồn một cảnh mụ phù thủy ấy miễn cưỡng lôi đứa em đi. Còn từ nào có thể diễn tả hết nỗi bực tức khi đi du hành cùng chị ta không chứ? Thật tội nghiệp cho đứa em gái đó!

“Ban đầu khi chị rủ, nó khoái chí lắm. Hình như mỹ danh đi du lịch nước ngoài hoành tráng lắm thì phải. Nhưng khi đặt chân đến nơi này, mặt nó tiu nghỉu luôn.”

Đương nhiên là thế rồi.

“Em chị vẫn đi đến cùng chứ?”

Lần này đến lượt tôi. Biết làm sao, tôi tò mò quá mà!

“Đúng thế, nó đã không bỏ cuộc.”

“Sao có thể nhỉ?”

“Nó quyết tâm đi đến cùng, chị cũng không biết nó nghĩ gì nữa. Rồi cứ thế, đến chính bản thân cũng không biết mình đang dần đi hết con đường. Và mấy tháng trôi qua nhanh chóng từ lúc nào không hay.”

“Nhưng sao cứ phải là con đường tơ lụa hả chị?”

Bất đắc dĩ tôi và Bo Ra mới phải đi trên con đường này, đằng này chị Mi Joo lại tự mình lựa chọn con đường ấy. Rốt cuộc nó có ma lực gì khiến chị đi những 2 lần liền nhỉ?

“Hồi còn bé xíu, chị từng đọc sách viết về những thương nhân trên con đường tơ lụa. Sau lần đó, chị đã rất muốn đến nơi này một lần xem sao.”

“Những thương nhân trên con đường tơ lụa á?”

“Chúng ta chỉ mất 70 ngày để đi hết con đường này, vậy mà hai đứa đã than mệt! Tụi em có biết những thương gia đi từ đầu đến cuối con đường này mất bao lâu không?”

“Ừm… khoảng 6 tháng?”

“Một năm?”

Tôi và Bo Ra lần lượt trả lời. Nhưng chị Mi Joo liên tục lắc đầu.

“Nghe nói 13 năm cơ đấy. Đương nhiên trong quá trình giao lưu buôn bán, người ta đến điểm dừng, trao đổi hàng hóa rồi lại quay về, sau đó những người khác lại tiếp tục làm như thế nên thời gian đi mới lâu như vậy. Những nơi chúng ta phải đi qua như Turpan, Hami, Đôn Hoàng chỉ là những thành phố ốc đảo, một trong những điểm dừng trên con đường tơ lụa hồi đó mà thôi. Ngày trước, đường không được như bây giờ đâu, người ta nói số lượng người đổ bệnh giữa chừng hoặc chết vì đi lạc đường nhiều vô kể.”

“Thật thế sao?”

Thật chẳng thể hiểu nổi. Biết con đường như thế mà vẫn cố đi? Nếu là tôi thì đừng hòng.

“Eun Sung, nếu là em, chắc em sẽ không bao giờ đi, đúng không?”

“Dạ?”

Dường như ai đó hỏi tôi, chứ không phải chị Mi Joo.

“Nhờ họ mà phương Đông và phương Tây mới có thể giao lưu văn hóa với nhau. Con đường tơ lụa không chỉ đem đến những sản phẩm lụa trang nhã, những cây hương liệu mà cả những thứ chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt như y thuật, những điệu múa, hay âm nhạc.”

“Để giao lưu văn hóa Đông Tây mà phải đánh đổi cả tính mạng sao? Trời đất, chưa trở thành vĩ nhân thì đã ‘hy sinh’ từ lâu rồi.” Tôi bĩu môi.

“Cũng không hiểu vì lý do gì mà họ chấp nhận đánh đổi cả tính mạng để làm thế. Chỉ biết sau khi kết thúc lộ trình dài thú vị ấy, những thương nhân trở về nhà và lại tiếp tục quay lại con đường tơ lụa. Thấy bảo rằng, mặc dù đã hứa không trở lại con đường đó nữa, nhưng mỗi khi nghe thấy tiếng chuông kêu ‘leng keng’ trên cổ lạc đà, họ lại bỏ lại gia đình và tiếp tục dấn thân vào con đường ấy như người bị mê hoặc vậy.”

Hình dáng những thương nhân đang rong ruổi trên con đường tơ lụa đã dần hiện lên trong tâm trí tôi. Dưới ánh nắng chói chang và gay gắt của mặt trời, đoàn người cùng đống hành lý được chất đầy trên lưng những con lạc đà lững thững đi một cách vô hồn, đờ đẫn. Đã có lúc họ sợ sa mạc đến chảy nước mắt, đến tuyệt vọng, vậy mà họ vẫn có thể hoan hỉ khi khám phá ra những ốc đảo được hay sao?

“A…, nếu nhanh đến được núi Minh Sa thì tốt nhỉ?”

Chị Mi Joo dường như không cảm thấy cái nắng nóng, vẫn lặng lẽ cười và nói.

“Núi Minh Sa á? Nó ở đâu cơ?”

“Đó là ngọn núi được hình thành từ sự bồi đắp dần dần của cát. Cách thành phố Đôn Hoàng khoảng 5 km sẽ có một con đường đến đó, nó là nơi đẹp nhất trong chuyến bộ hành này đấy. Chắc chắn hai đứa sẽ chết mê khi thấy nó cho mà xem. Eun Sung à, trò trượt cát trên núi Minh Sa thú vị vô cùng, chưa biết chừng một ngày nào đó em lại rủ chúng ta quay lại đây đấy.”

“Đừng có nói vớ vẩn nữa đi! Còn lâu em mới quay lại.” Tôi vẫn nhấm nhẳng.

“Dù sao giờ chúng ta cũng phải xuất phát thôi. Hai đứa nên hiểu nếu lịch trình ngày hôm nay bị muộn bao nhiêu, mai chúng ta sẽ phải bù lại bấy nhiêu đấy! Nếu không chúng ta chẳng khác gì những con khỉ gian xảo cả.”

Điệp khúc lảm nhảm chán ngắt lại bắt đầu.

“Em biết rồi, biết rồi. Nhưng mặt trời lặn rồi kia kìa. Hôm nay không đi thêm nữa đúng không ạ?”

Mặt trời dường như đang chui dần xuống lòng đất, cái nóng cũng dần dịu đi.

“Ừm, đành vậy thôi. Nhưng chỉ hôm nay thôi nhé Eun Sung! Từ mai, dù em có chây lì nằm ườn ra đó thì chị và Bo Ra cũng vẫn đi tiếp đấy.”

“Tùy mọi người.”

Tôi ngồi dậy, phủi bụi trên quần áo. Nghe thấy câu “dừng chân thôi” là người tôi đã nhẹ bẫng rồi.

Từ mai, giá ban ngày ngắn đi có phải tốt hơn không, 3 giờ chiều mặt trời đã lặn chẳng hạn, và một ngày sẽ nhanh chóng kết thúc. Ôi, giá mà…

“Eun Sung! Em đang ước từ mai ngày sẽ ngắn đi đúng không?”

Trời đất, cái mụ phù thủy đáng ghét kia!

“Biết làm sao đây? Hình như từ mai, ngày sẽ dài hơn đấy.”

“Thật á?”

“Đúng thế, từ tháng 7 mùa hè mới thực sự bắt đầu mà.”

“Ôi, phát điên lên mất!”

Khuôn mặt chị ta trông ác độc, nanh nọc không thể tả nổi. Ngày sẽ dài hơn sao? Ôi… thôi kệ, việc ngày mai – ngày mai tính. Dù hiểu việc hôm nay chớ để ngày mai, nhưng nếu cứ hoài lo lắng, nghĩ suy về những việc chưa xảy đến trong tương lai thì cũng là một việc không nên.

Ai đã nói câu đó nhỉ?

Là tôi – Lee Eun Sung đấy!


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button