Văn học nước ngoài

Đời PG

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Đào Nương

Download sách Đời PG ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI MỞ ĐẦU

Cuốn sách này tôi đã ấp ủ từ rất lâu. Tôi viết những dòng đầu tiên là vào năm 2003, nhưng rồi cuộc sống bận rộn cuốn tôi vào guồng quay và ý tưởng chìm dần vào quên lãng. Đến năm 2011, khi mọi thứ diễn ra không như ý, tôi trở nên hoài nghi, bế tắc và rồi tôi nhận ra, tại sao mình không bắt đầu lại niềm đam mê của mình? Tôi gặp vài cô gái PG ở quán ăn, tôi gọi cho bạn bè mình, tôi nhớ lại những năm tháng thời Đại học. Và tôi, đã không thể ngừng lại. Tôi nghĩ miên man rồi viết bất cứ khi nào có thể, sau giờ làm việc, những tối cuối tuần, những chuyến đi công tác… Viết – với tất cả niềm say mê đến tột cùng!

Rồi có giai đoạn, tôi rơi vào bế tắc và stress. Vì tôi không biết nên viết tiếp câu chuyện này hay ngừng lại. Tôi không biết phải kết thúc như thế nào cho nhân vật của mình. Thấy tôi suốt ngày ủ rũ, cô bạn thân rủ ra ngoài đi chơi, đi ăn và cô ấy bảo rằng: “Này cô gái, sao cô cứ loay hoay mãi thế? Hãy giúp em ấy sớm có đủ hình hài và cho em ấy ra đời đi nào. Hãy trao cho em ấy một số phận, đừng bắt em ấy long đong mãi nữa. Ít ra, cô có thể khóc, cười cùng em ấy đã là điều tuyệt vời nhất rồi. Và còn mình nữa, mình đang chờ đợi để đọc những gì cô viết, đừng bắt mình chờ nữa”.

Câu nói của cô ấy đã thức tỉnh tôi. Và cuối cùng, tôi đã hoàn thành cuốn sách không lâu sau đó. Nhưng vì nhiều lý do, mãi đến hôm nay, tôi mới tìm được duyên may cho “em” ở Công ty Sách Phương Nam. Nếu nói phải cảm ơn, có lẽ là không đủ, bởi tôi biết mình nợ ân tình của rất nhiều người. Cũng như, tôi vô cùng hạnh phúc vì “em” từ nay đã có thể nằm trên giá sách dành cho những độc giả quan tâm và yêu thương “em”.

Nhiều bạn bè hỏi tôi rằng: “Vì sao bạn lại viết câu chuyện về nghề tiếp thị PG? Nhất là lại lấy bối cảnh thời sinh viên đã qua từ xa lơ xa lắc? Vì sao không viết câu chuyện “ngày nay” mang hơi thở thời đại và người đọc dễ chú ý hơn?”

Tôi chẳng biết phải trả lời bạn mình thế nào, cũng chưa biết làm thế nào để mong bạn đọc chú ý đến sách của mình, mà chỉ có thể nói rằng: “Cuốn sách này là một sự trả nợ ân tình”. Bởi vì, tuy tôi chỉ vô tình biết đến PG, nhưng tôi luôn rất nhớ và thương.

Và khi mình có tình cảm trong đó, đương nhiên, mình sẽ muốn làm một điều gì đó cho người mình yêu thương.

Ai rồi cũng đi qua những năm tháng tuổi trẻ và tôi cũng không ngoại lệ. Đời PG chính là cuốn sách đầu tay của tôi, dựa trên những cóp nhặt, quan sát, trải nghiệm và cảm nhận ở những năm tháng sinh viên. Câu chuyện này là tổng hợp từ rất nhiều mảnh ghép khác nhau, con người khác nhau, có tôi và không có tôi trong đó. Nhưng, nó hoàn toàn không phải tự truyện, vì vậy bạn đừng mất công hỏi tôi rằng: “Có phải tác giả đang tự kể lại câu chuyện đời mình hay không?”. Bởi sẽ chẳng có câu trả lời nào hết, vì đây chỉ đơn giản là câu chuyện mà tôi biết, những bài học, những quan điểm sống mà tôi muốn gửi gắm và chia sẻ tới tất cả các bạn. Tôi mong bạn sẽ cảm nhận được nó, yêu thích nó và thấy nó có hiệu quả tích cực. Để khi gấp cuốn sách này lại, bạn sẽ tràn đầy niềm tin vào cuộc đời, bản lĩnh hơn, dám dấn thân, trải nghiệm và cháy hết mình.

Thêm nữa, vì không phải nhà văn, do đó, bạn sẽ thấy cách viết của tôi rất đơn giản, tôi cũng chưa biết cách sắp xếp, bố trí một tác phẩm văn học như thế nào cả. Tôi “yêu sự chia sẻ” nên kể bằng sự giản dị, mộc mạc nhất từ tấm lòng mình. Và tôi tin, đây sẽ là cuốn sách dành cho bạn – nếu như, bạn đã và đang trải qua những năm tháng sinh viên vừa học vừa làm, nhất là trải qua nghề PG hay phục vụ quán bar/ nhà hàng, bởi vì bạn dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm cũng như tìm thấy chính mình trong từng câu chữ.

Lời cuối cùng, xin cho tôi gửi lời cảm ơn tới nhà văn Nguyễn Đông Thức, cảm ơn sự hỗ trợ hết mình của các anh chị trong Công ty Sách Phương Nam, nhất là anh Tấn Trương, Hải Phương và Thu Thủy. Cảm ơn gia đình yêu dấu, cảm ơn Nhật Linh và Quỳnh Nga, hai người bạn gái thân thiết đã luôn đồng hành và chia sẻ cùng tôi ngay từ khi tôi bắt đầu viết những dòng đầu tiên.

Và tôi xin cảm ơn tất cả các bạn, những độc giả thân thương của mình! Cảm ơn vì các bạn đã cầm cuốn sách nhỏ này trên tay, đọc và chia sẻ cùng với tôi.

Mong niềm vui, bình an và hạnh phúc luôn ở bên tất cả anh chị và các bạn!

Đào Nương

 

 

 

Cuộc sống có những lúc thật khó khăn. Đôi khi, tôi chẳng biết mình sống để làm gì?

Mẹ tôi bảo: Chúng ta sống vì bản thân mình và vì những người thương yêu. Con sống vì mẹ.

Bạn tôi bảo: Chúng ta sống vì chúng ta may mắn có mặt ở trên đời. Cô hãy trân trọng điều đó.

Dư Hoa trong “Sống” bảo: Chúng ta sống vì bản thân sự sống, chứ không vì bất cứ thứ gì khác ngoài sự sống.

Vâng, vậy thì tôi sẽ sống, sống mạnh mẽ, bản lĩnh và hết mình.

ĐỌC THỬ

1 SINH VIÊN

“Em phải được như con cá bơi lội giữa biển cả, chứ không phải bơi trong cái ao làng chật hẹp. Nhưng nhớ, đừng suốt ngày chỉ biết học như mọt sách. Vào Đại học, tức là em phải học cùng lúc hai trường: Trường học và trường đời.

Trường học dạy em nhân cách.

Trường đời dạy em làm người.

Dù là trường nào, thầy cũng mong em khôn lớn”.

Tôi gói ghém đồ đạc và rời khỏi nhà lúc 1 giờ sáng. Mang theo một túi du lịch quần áo, một bao đồ gồm gạo, cá khô, dầu, muối, mì chính… Hai mẹ con tôi hăm hở ra đi khỏi làng quê nhỏ và đến Sài Gòn. Trước khi đi cha làm thịt gà và nấu một bữa ăn rất ngon. Cha bảo: “Con phải ráng học để thay đổi cuộc đời. Sắp tới sẽ là những ngày rất khó khăn nhưng cả nhà ta sẽ cùng cố gắng. Cha mẹ sẽ luôn ở bên và lo cho con”.

Mẹ dẫn xuống Sài Gòn để nhập học ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Là sinh viên năm nhất, chúng tôi được sắp xếp học theo chương trình tổng hợp cùng khối Đại học quốc gia.

5 giờ sáng, xuống xe ở gần khu du lịch Suối Tiên, tôi bắt xe tìm đến cổng trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Tôi đi vào khuôn viên trường và ngồi chờ mẹ đi hỏi Phòng Chính trị Sinh viên dưới gốc cây hoàng hậu hoa nở vàng rực rỡ. Cảm giác lần đầu tiên được ngồi ở sân trường Đại học rất khó tả. Trường rộng rãi, thoáng đãng và đẹp hơn những gì tôi nghĩ. Trước chỗ tôi ngồi là con dốc thoai thoải đi xuống dưới các dãy nhà trồng đầy sứ trắng. Hai bên là những khóm hoa, cây cối xen lẫn những bãi cỏ xanh rì và phía sau là khu rừng tràm rộng mênh mông. Nhìn một vòng quanh trường, tôi thấy có đến 4-5 dãy nhà lớn và liền kề nhau. Trông thấy tôi, có mấy anh chị sinh viên tình nguyện đến chào và hỏi xem tôi vào học khoa nào. Phía trước, các sinh viên khác vừa đeo giỏ, vừa cầm đống sách nặng trịch, vừa nghe nhạc, vừa nói chuyện điện thoại di dộng và đi qua, đi lại. Nhìn ai cũng hối hả, năng động và xinh đẹp. Mọi thứ như bước ra từ trong phim vậy.

Mẹ và tôi đến Phòng Chính trị Sinh viên để làm thủ tục nhập học. Vì đông người nên đến gần trưa mới xong việc. Sau đó hai mẹ con ra quán ăn cơm trưa và đi tìm nhà trọ. Hai người, một già một trẻ xách vali, đồ đạc đi tìm khắp nơi. Cuối cùng tôi gặp bác Hưởng – là người lái xe ôm đậu xe ngay khu chợ. Nhà bác Hưởng nằm trong khu rừng tràm, khu nhà tập thể cán bộ lâu năm được Nhà nước cấp.

Nói chung là căn nhà khá sạch sẽ, tiện nghi và tươm tất. Tôi đóng trước hai tháng tiền nhà và dọn đồ vào.

Tôi bắt đầu sống những ngày xa nhà đầu tiên. Một tuần, tôi chỉ học khoảng 3-4 buổi, còn lại là khoảng thời gian trống dài vô tận. Tôi chưa có bạn bè. Những người bạn mới trong lớp cũng lạ lẫm hệt như tôi. Họ còn bối rối và bỡ ngỡ nên chưa sẵn sàng để kết thân với nhau. Những cơn mưa đầu mùa không dứt và rả rích dài lê thê hàng tháng trời khiến khu nhà tập thể trong rừng tràm càng âm u hơn. Tôi thấy nhớ nhà, nhớ Vũ. Chẳng biết giờ này cậu ấy đang làm gì? Từ hôm tôi xuống Sài Gòn đến giờ, cậu ấy chả hề hỏi thăm hay viết cho tôi một lá thư. Vậy mà trước khi tôi đi, cậu ấy đã buồn lắm. Nhà chúng tôi ở gần nhau, nhưng vì mẹ tôi không thích gia đình cậu ấy, nên quyết liệt ngăn cản. Mỗi lần cậu ấy sang nhà chơi, mẹ đều bắt tôi làm đủ thứ để không nói chuyện. Mỗi lần cậu ấy rủ tôi đi đâu, mẹ đều không cho phép. Cậu ấy làm gì mẹ tôi cũng khó chịu. Nói chung mẹ bày tỏ thái độ rất gay gắt và Vũ đã rất buồn vì điều đó. Có rất nhiều lý do để mẹ làm như vậy, nhưng thật ra lý do chính vẫn là ở tôi. Vũ nghỉ học sớm và không thích học bất cứ nghề gì cho tương lai. Cậu ấy chỉ thích ở Đăk Nông làm vườn, trồng chè và cà phê. Mà tôi thì không thích như vậy. Tôi muốn Vũ xuống Sài Gòn học nghề và kiếm sống. Tôi muốn cậu ấy tiếp cận với cuộc sống hiện đại và trau dồi thêm kinh nghiệm sống. Và cũng là để chúng tôi gần nhau hơn. Nhưng cậu ấy từ chối, cậu ấy bảo: “Dương, mình thuộc về nơi này, mình yêu vùng đất này, mình thích trồng trọt và không muốn học bất cứ thứ gì. Cậu hãy học và trở về, chúng ta sẽ lại vui như xưa”. Câu nói ấy của Vũ, mãi mãi là vết hằn in sâu trong tâm trí tôi. Bởi vì tôi biết, khi tôi bước ra khỏi ngôi làng này, tôi sẽ không quay trở lại bên Vũ được nữa. Chuyện của tôi và Vũ, đã kết thúc khi tôi nhận giấy báo đậu Đại học, đó cũng chính là giao kèo của tôi với mẹ. Tuy vậy, lúc này đây, tôi vẫn rất buồn, vì nhớ cậu ấy.

Về chi tiêu sinh hoạt, dù cũng mới ở giai đoạn đầu tiên của kỳ học nhưng tôi bắt đầu cần nhiều tiền hơn cho mỗi tháng. Với cha mẹ, việc lo liệu chi tiêu ở nhà và chu cấp cho tôi quả là không hề dễ dàng. Vì đồi chè bị sâu bệnh và cháy lá, còn cà phê thì thất thu. Ấy vậy mà lúc nào cha mẹ cũng “tham công tiếc việc” và chẳng từ nan việc gì, suốt ngày phơi mình ở ngoài vườn, từ cắt cỏ, bón phân, hái chè, tỉa cành cà phê đến tưới nước, hái củi. Nhiều hôm vào mùa mưa, cha chở từng đống củi to, mẹ chở từng bao chè lớn ướt sũng nước giữa đường trơn trượt. Té lên té xuống, mà nói nghỉ, sẽ chẳng bao giờ chịu nghỉ.

“Dương, cha viết cho con vài dòng. Hôm nay cha ra gửi cho con 500.000 đồng. Cả nhà vẫn khỏe, mấy hôm nay mưa nhiều, rừng núi ướt lạnh nhưng cha và mẹ con vẫn đi làm kiếm tiền để kịp gửi cho con. Con cố gắng giữ sức khỏe, học giỏi và chi tiêu tiết kiệm nhé. Cha tự hào về con.”

Đọc lá thư đầu tiên của cha, mắt tôi nhòe đi.

Tôi không muốn để tình cảnh này tiếp diễn. Tôi cần phải làm thứ gì đó. Tôi luôn tự nhủ với mình như vậy.

Thật may, chưa hết tháng thứ ba của kỳ học năm nhất, tôi đã xin được việc. Công việc do anh Việt – một người anh khóa trên và ở trọ cùng dãy nhà với bác Hưởng giới thiệu cho tôi. Việt quê ở Huế, anh có một nhóm bạn chuyên đi dạy kèm và nhận làm thêm đủ việc cùng nhau.

Tôi báo gia đình bác Hưởng sẽ vắng mặt cả ngày chủ nhật để đi làm thêm: phục vụ tiệc cưới. Bác gái can gián mãi: “Thôi đi con, làm không được bao nhiêu đâu, cực lắm”.

Bác Hưởng nói đúng. Công việc này rất cực. Tôi phải đến nhà hàng từ 6 giờ sáng, và ở đó dọn dẹp, lau sàn, sắp bàn ghế và phục vụ tiệc cưới buổi trưa. Sau đó lại dọn dẹp, lau sàn, sắp bàn ghế và phục vụ tiệc cưới buổi tối. Vì chưa quen nên sau vài lần cắm cúi từ sáng đến đêm thì tôi không còn đứng vững nữa. Mắt tôi hoa đi, mũi nghẹt lại, cổ họng khô khốc, đôi bàn chân mỏi nhừ và toàn thân rệu rã.

Việt ủng hộ tôi nghỉ, vì các anh ấy thương tôi vất vả. Còn bác Hưởng thì vừa cười, vừa bảo: “Con mà làm nữa là ốm như que củi đó nha. Tiền không đáng bao nhiêu so với sức khỏe con đâu. Để sức học đi con à”.

Tôi thì nghĩ có lẽ mình phải tìm việc khác phù hợp hơn. Nhất quyết vẫn phải đi làm.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button