Văn học nước ngoài

Độc Chiếm Hoa Khôi

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Đang cập nhật

Download sách Độc Chiếm Hoa Khôi ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI GIỚI THIỆU

Trong kho tàng văn học cổ Trung Quốc có nhiều đỉnh cao nghệ thuật không chỉ rạng rỡ cho văn hóa Trung Quốc mà còn được độc giả nhiều nước hâm mộ, đánh giá rất cao. Đó là những thành tựu thơ ca, từ phú, tản văn với những tác phẩm tiêu biểu như “Kinh Thi”, “Sở Tử”, “Tản văn lịch sử”, “Tản văn Chư tử”, Thơ Đường, Thơ Tống nhiều thể loại khác như biền văn, tán khúc, tạp kịch, truyện ký, tiểu thuyết cũng có nhiều giá trị, trong đó tiểu thuyết là mảng văn học rất đáng chú ý.

Tiểu thuyết Trung Quốc vốn phát triển muộn hơn các thể loại khác. Trong khi thơ ca, từ phú, tản văn có những thành tựu huy hoàng từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc (tức thế kỷ V-VI trước Công Nguyên), thì tiểu thuyết đương thời chỉ được xem là “Tiểu đạo”, là thứ ngôn luận tầm thường lưu hành nơi ngõ xóm, kể về những chuyện nhỏ mọn, vặt vãnh trong cuộc sống bình thường, không phải là thứ cao cả uyên thâm “ngôn chí”, “tải đạo”.

Sang đến đời Đường (thế kỷ VII) mới có loại truyện chí quái, truyền kỳ, chủ yếu ghi chép các chuyện lạ về tôn giáo, dã sử. Đến đời Tống, những chuyện đó được soạn lại rồi được nghệ nhân kể chuyện phối hợp các động tác minh họa diễn kể trong những dịp hội hè, họp mặt, vui chơi. Các truyện kể đó được tập hợp lại thành loại tác phẩm gọi là “Thoại bản”. Cuối đời Tống, Thoại bản được phổ biến rộng rãi. Rồi có những văn nhân dựa theo thoại bản biên soạn lại, có gia công thêm bớt, nhuận sắc, thành một loại gọi là “Nghĩ thoại bản”(mô phỏng theo thoại bản). Hình thức này tiếp tục phát triển ở đời Nguyên. Các tác phẩm Nghĩ thoại bản của hai thời Tống – Nguyên được tập hợp thành bộ “Tuyên Hòa di sự” gồm hai tập thuật các chuyện từ thời Nghiêu – Thuấn trở đi cho đến đời Tống.

Sang đời Minh, một số văn nhân lại làm việc nhuận sắc gia công cho các Nghĩ thoại bản, rồi tiến tới sáng tác ra những truyện ngắn viết bằng bạch thoại[1].

Loại tác phẩm này nội dung tương đối phong phú, đã có nhiều yếu tố tiểu thuyết và trở thành cơ sở quan trọng để các tiểu thuyết gia đời Minh – Thanh dựa vào viết thành những kiệt tác lớn như “Tam Quốc diễn nghĩa”, “Thủy Hử truyện”, “Tây Du ký”.

Như vậy, “Thoại bản” và “Nghĩ thoại bản” chính là khởi nguồn, là tiền thân của thể loại thiểu thuyết thời Minh – Thanh, một bộ phận văn học đã phát triển rực rỡ với con số hàng ngàn bộ trong đó nhiều tác phẩm ưu tú đã thành giá trị cổ điển được lưu truyền và ảnh hưởng sang nhiều nước, trong đó có Việt Nam ta.

Tác phẩm “Nghĩ thoại bản” tiêu biểu nhất và có ý nghĩa đặt cơ sở cho tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc là “Tam ngôn” và “Nhị phách” thường được gọi chung là “Tam ngôn – Nhị phách”. Người soạn “Tam ngôn” là Phùng Mộng Long. Người soạn “Nhị phách” là Lăng Mông Sơ.

Phùng Mộng Long người cuối đời Minh, sinh năm 1575 mất năm 1646, có tên chữ là Do Long, là Tử Do, có nhiều tên hiệu là Long Tử Do, Mặc Thám Trai chủ nhân, Cố Khúc Tán nhân. Ông quê Trường Châu (nay là thành phố Tô Châu tỉnh Giang Tô) xuất thân trong một gia đình có nhiều tài năng nổi tiếng. Anh trai ông là họa gia Phùng Mộng Quế, em trai là nhà thơ Phùng Mộng Hùng, ba anh em được người đương thời tôn xưng là “Ngô Hạ Tam Phùng” (Ba ông Phùng đất Ngô) và rất mến mộ. Phùng Mộng Long học rộng biết nhiều, có chí làm quan, song đi thi nhiều lần không đỗ. Ông từng đi khắp nơi vừa du lịch vừa dạy học để sinh sống. Năm Thiên Khải thứ hai (1662) ông trở về Thái Hồ ở được mấy năm thì gặp vụ biến Chu Thuận Xương phản nghịch. Do ông có giáo thiệp với Chu Thuận Xương nên Chu bị ngồi tù, ông cũng bị liên lụy. Cuối cùng rồi ông cũng được thoát nạn. Đến năm Sùng Trinh thứ ba (1630) ông lại đi thi và đỗ bậc Cống sinh, được bổ làm Huấn đạo Đan Bồ, rồi chuyển đến Thọ Ninh làm Tri huyện 11 năm. Trong thời gian này ông có làm một việc được ca ngợi rất nhiều. Đó là, bấy giờ vùng này thịnh hành hủ tục dìm chết trẻ con gái. Ông đã tự tay khởi thảo cáo thị nghiêm cấm chuyện đó. Ông viết: “Mười tháng hoài thai, chịu bao đau đớn khổ sở, dù trai hay gái đều là cốt nhục sao lại nhẫn tâm dìm chết? Huống chi, sinh nam chưa chắc đã hiếu thuận, sinh nữ vị tất đã hư hỏng”. Cáo thị đã được dán lên và lệnh cấm khắp nơi có kết quả ngay.

 

ĐỌC THỬ

Năm Sùng Trinh thứ 17 (1664) quân khởi nghĩa Lý Tự Thành đánh vào Bắc Kinh, vua Sùng Trinh tự tử ở Môi Sơn. Phùng Mộng Long rất đau buồn trước tình thế hỗn loạn của đất nước. Quân Thanh kéo vào, dựng triều chính, ông ngấm ngầm ôm mộng trung hưng. Đến khi quân Thanh tiến đến phía nam, ông bắt đầu nỗ lực tuyên truyền chống Thanh, soạn ra sách “Trung hưng vĩ lược” để phổ biến.

Năm Thuận Trị thứ ba triều Thanh (1646), vào mùa xuân, Phùng Mộng Long qua đời. Có thuyết nói ông bị quân Thanh giết chết.

Phùng Mộng Long trước sáng tác nhiều thơ văn, tiểu thuyết, hí khúc, đều có thành tựu. Ông từng cải biên các bộ tiểu thuyết trường thiên như “Bình yêu truyện”, “Tân liệt quốc chí”, biên soạn các bộ ca khúc dân gian “Sơn ca”, “Quải kỹ nhi”, biên tập gia công tập tán khúc “Thái hà tân tấu”, viết các truyện truyền kỳ “Song hùng ký”,” Vạn sự túc” và có tập “Mặc Hám Trai truyền kỳ định bản”. Về thơ, ông có tập “Thất lạc tề cảo”. Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là “Tam ngôn” luôn được gắn liền với “Nhị phách” của Lăng Mông Sơ, trở thành tác phẩm khởi đầu quan trọng của văn học thông tục Trung Quốc.

Lăng Mông Sơ sinh năm 1580, mất năm 1664, tự Huyền Phòng, hiệu Sơ Thành, biệt hiệu Tức Không Quan chủ nhân, là người Ô Trình (nay là huyện Ngô Hưng tỉnh Triết Giang). Ông sớm có tài năng văn chương song lận đận trên đường khoa cử, đi thi mãi không đỗ. Năm 55 tuổi mới đỗ Cống sinh, được bổ làm Huyện Thừa Thiên Hải, sau làm thông phán Từ Châu.

Năm Sùng Chinh thứ 17 (1644) Lý Tự Thành tấn công Từ Châu, ông ngã bệnh qua đời.

Tác phẩm trước thuật của Lăng Mông Sơ rất phong phú. Các loại tạp luận kinh sử, tuyển bình thơ văn không dưới 20 loại song phần lớn bị thất tán. Được ghi trong “Tứ Khố toàn thư” thì có “Ngôn thi dực”, “Thi nghịch”, “Thi Kinh nhân vật khảo”, “Quốc môn tập”, “Nam âm tam lại”, “Đông Pha thiền hỷ tập”, “Hợp bình tuyển thi” và rất nhiều hí khúc. Cuối đời ông rất say mê việc in khắc các loại tiểu thuyết, hí khúc, khắc xong dùng son và mực trang điểm thêm cho đẹp, có những bản in nhiều màu lại có xen thêm hình vẽ rất hấp dẫn. Ông từng khắc những sách “Thế thuyết tân ngữ”, “Tây Sương ký”, “Tỳ Bà”, “Nam Kha” đều rất sắc sảo đẹp mắt.

“Nhị phách” là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông. Cùng với “Tam ngôn”, tác phẩm này đã trở thành đối tượng nghiên cứu không thể thiếu của các nhà tiểu thuyết học Trung Quốc.

“Tam ngôn” và “Nhị phách” đều là các bộ in gộp nhiều tập. “Tam ngôn” gồm 3 tập: “Dụ thế minh ngôn” (còn gọi là “Cổ kim tiểu thuyết”), “Cảnh thế thông ngôn” và “Tỉnh thế hằng ngôn”, mỗi tập 40 thiên, cả bộ 120 thiên. Những thiên truyện này có truyện cải biên bản cũ đời Tống – Nguyên – Minh, có truyện dựa theo tác phẩm văn ngôn (các bút ký, hý khúc, truyện truyền kỳ, truyện lịch sử, truyện truyền khẩu trong xã hội) rồi viết lại hoặc sáng tác thêm. Có nghĩa là “Tam ngôn” bao gồm cả sự chỉnh lý gia công cái cũ và độc lập sáng tác cái mới của nhà văn, là cơ sở của nghệ thuật tiểu thuyết bạch thoại Trung Quốc.

“Nhị phách” gồm 2 tập: “Phách án kinh kỳ sơ khắc” và “Phách án kinh kỳ nhị khắc” mỗi tập 40 thiên, trong đó có 1 thiên trùng lặp, 1 thiên tạp kịch. Trong bài “Tựa tự viết” ký tên Tức Không Quán chủ nhân, tác giả nói rằng sách này “thu thập các truyện hay xưa nay rồi viết lại và mở rộng thêm ra “vậy nên tác phẩm toàn là sáng tác cá nhân. Tác giả căn cứ vào sử liệu và truyền thuyết dân gian rồi lựa chọn cái hay, sắp xếp diễn giải, hư cấu, viết thành tác phẩm của mình.

Nội dung trong “Tam ngôn” và “Nhị phách” rất phong phú, đề tài rất rộng, đề cập nhiều phương diện của cuộc sống xã hội. Có những truyện phản ánh nền chính trị đen tối, vạch trần tội ác bọn quan lại tham ô thối nát, xử án bất công. Có những truyện tán dương các ông quan tốt sáng suốt thương dân. Có những truyện chê trách hành vi bội tín, phi nghĩa, phụ bạc. Nhiều hơn cả là những tác phẩm miêu tả đời sống của tầng lớp thị dân nơi thị thành khi nền kinh tế thương nghiệp bắt đầu phát đạt giữa đời Minh, thể hiện phong phú và sinh động ý thức tư tưởng, ý chí đấu tranh phản kháng các quan niệm cũ, tinh thần tích cực và khát vọng muốn có đời sống tốt hơn của họ.

Một điều đáng chú ý là trong “Tam ngôn”, “Nhị phách”, tư tưởng “trọng nghề buôn” rất rõ, con người thương nhân được khẳng định. Phần nhiều họ là những nhân vật chính diện, chịu khó chịu khổ, trọng nghĩa khí, có đạo đức. Tiểu thương Thi Phúc trong “Thi Phúc ở hiền” tốt bụng, không tham lam. Chàng bán dầu Tần Trọng trong “Độc chiếm hoa khôi” (tên toàn văn là “Chàng bán dầu độc chiếm hoa khôi”) buôn bán thật thà nên thu hút được khách hàng.

Nghề buôn được xã hội nhìn nhận khác xưa, nếu trước kia địa vị xã hội được xếp theo trật tự “sĩ, nông, công, thương”, với “thương” ở hàng cuối, thì trong “Tam ngôn”, “Nhị phách”, buôn bán được xem là nghề chính đáng, thương nhân được nâng địa vị, trong nhiều truyện tả xã hội lưu truyền câu thường ngôn “Nhất phẩm quan, nhị phẩm khách”. Khách tức là khách thương. Nhiều truyện tả thương nhân giàu có lên, an hưởng sung sướng.

Một điểm đáng chú ý nữa là “Tam ngôn”, “Nhị phách” miêu tả nhiều về tình yêu và hôn nhân. Quan niệm mới mẻ chống lại đạo đức phong kiến thể hiện rất rõ. Qua các nhân vật, “tình” được coi trọng và được xem là cơ sở cho quan hệ nhân luân lý tưởng, “tình” là giá trị cao nhất của hôn nhân và gia đình. Đặc biệt khi đề cập chuyện tình cảm hôn nhân, nhân vật nữ luôn được khẳng định, thể hiện quan niệm chống lại đạo đức phong kiến truyền thống, ca ngợi hôn nhân tự chủ, đề cao nam nữ bình đẳng. Người phụ nữ nhìn nhận về giá trị con người để quyết định số phận cho mình cũng mới mẻ, thiết thực. Như trong truyện “Độc chiếm hoa khôi” miêu tả anh chàng Tần Trọng vừa nhìn thấy nàng hoa khôi nổi tiếng là “tay chân đờ đẫn, lòng dạ mê mệt”, và nàng Dao Cầm vốn đang được các công tử hào hoa giàu có say đắm xu phụ lại chỉ xúc động trước anh chàng nhân hậu thật thà này, vì thấy đây mới là người “chí thành quân tử”, “hiểu lòng hiểu người”, rồi chủ động tỏ ý định muốn chàng làm chồng. Đến lúc Tần Trọng mặc cảm tự ti nghĩ rằng “con người quen sống sung sướng sang trọng sao có thể làm vợ kẻ bán dầu rong này được” thì nàng đã thề “sẽ áo vải cơm rau với nhau, chết không oán hận”[2]. Người phụ nữ còn có ý thức về nhân cách của mình, kiên quyết giữ gìn nhân cách đó. Nàng Đỗ Thập Nương trong truyện “Đỗ Thập Nương giận ném hòm châu báu” là điển hình của sự bảo vệ nhân cách phụ nữ. Nàng là một kỹ nữ đã nổi danh song luôn mong mỏi có một tình yêu bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Nàng đã nhận lầm Lý Giáp là người “Trung hậu thành thật”. Khi thấy rõ được bản chất xấu xa của hắn, nàng đã dùng lời lẽ nghiêm khắc đúng đắn mắng cho cả bọn một trận rồi ôm hòm châu báu lao người xuống sông, dùng cái chết để bảo vệ cho lý tưởng tình yêu và nhân cách trong sáng của mình. Truyện “Đánh đòn kẻ bạc tình” (tên toàn văn: “Kim Ngọc Nô đánh kẻ bạc tình”) không chỉ để bảo vệ nhân cách và quyền lợi của phụ nữ mà còn phê phán bọn phụ tình bạc nghĩa: Kim Ngọc Nô thông minh xinh đẹp lại giỏi giang khéo léo, do gia cảnh biến đổi phải lấy anh học trò nghèo khó tên là Mạc Kê. Ngọc Nô đã hết sức giúp đỡ chồng học tập, cuối cùng anh ta thi đỗ, được bổ làm quan. Thành đạt rồi, anh ta thay dạ đổi lòng. Khi đi nhậm chức, nửa đường anh ta đẩy vợ xuống sông. Ngọc Nô được một ông quan là Hứa Đức Hậu cứu sống, nhận làm con nuôi. Sau Mạc Kê lại làm thuộc hạ của Hứa Đức Hậu, được ông này gả con cho, Mạc Kê mừng rỡ. Nhưng Hứa phu nhân đã bày kế cho Ngọc Nô đánh cho chú rể một trận tơi bời ngay lúc động phòng.

Trong các truyện miêu tả tình yêu và hôn nhân, phần lớn các nhân vật nữ được bênh vực hoặc ca ngợi, chứng tỏ các tác giả muốn thể hiện tư tưởng nam nữ bình đẳng, giải phóng phụ nữ, quan niệm mới mẻ so với đương thời.

“Tam ngôn”, “Nhị phách” có nét mộc mạc của loại văn học thông tục song đọc rất hấp dẫn. Các tác phẩm ưu tú đều có cốt truyện hoàn chỉnh, tình tiết khúc chiết, chi tiết phong phú, khắc họa cá tính nhân vật rất rõ.

Về thủ pháp nghệ thuật, hai bộ sách này rõ ràng là tinh tế hơn loại thoại bản nhiều, có thể thấy sự gọt giũa kỹ lưỡng khi miêu tả hoàn cảnh, động tác, đối thoại, chi tiết, đặc biệt là có chú ý miêu tả tâm lý. Nhiều chỗ miêu tả hoạt động tâm lý rất sinh động. Như truyện “Tưởng Hưng Ca thấy lại áo trân châu” tả anh chàng Hưng Ca đi buôn bán xa, ở nhà vợ đẹp bị người quyến rũ. Hưng Ca về thấy cái áo trân châu của mình đưa cho vợ giữ đã bị tặng cho người khác. Biết vợ có tư tình, chàng ta bỏ vợ nhưng trong lòng đau đớn giận hờn, rồi lại thương xót, hối hận và tự trách mình đã để nàng tuổi trẻ mà vò võ một mình ở nhà, bao mâu thuẫn trong lòng giằng xé tâm can, những chi tiết được miêu tả rất kỹ.

Hay như chàng Tần Trọng trong “Độc chiếm hoa khôi”, gặp người đẹp thấy mê mẩn tâm thần, thấy nàng thân ái, bụng cũng tự tin, song nghĩ thân phận mình lại thấy tự ti, rất muốn cầu thân lại lo cầu chẳng được, cứ băn khoăn khắc khoải mãi, bao rối rắm phức tạp trong tận đáy lòng được khắc họa tường tận vừa hợp lý vừa hợp tình.

Nghệ thuật miêu tả tâm lý là một bước tiến triển rất quan trọng, vì trước kia, các loại truyền kỳ, chí quái, các loại sử truyện, thoại bản thường chỉ chú trọng miêu tả ngôn hình bên ngoài, ít tả hoạt động tâm lý của các nhân vật. “Tam ngôn”, “Nhị phách” đã mở ra một hướng khai thác mới cho nghệ thuật tiểu thuyết phát triển sau này.

Một thủ pháp thường dùng trong hầu hết các truyện là xen lẫn tình tiết bi và hài, tạo nên sự thú vị, đọc thấy chất vui nổi trội hơn nhiều. Như trong “Kiều Thái Thú sắp xếp lại các cặp uyên ương” tả bao chuyện buồn thương rắc rối vì hôn nhân bao biện song lại xen vào những chi tiết lý thú và kết thúc đầy kịch tính rất vui. Chuyện chú rể Mạc Kê bị vợ đánh trong “Đánh đòn kẻ bạc tình” khiến người đọc sau khi thương cảm cho cô dâu đã rất khoái trá ở đoạn kết. Truyện “Hồn ma chia gia tài” thì đúng là một màn hài kịch đặc sắc: để bênh vực quyền lợi cho người em bị người anh tham lam chiếm đoạt hết gia tài cha để lại, Đằng Đại Doãn đã dàn cảnh rồi trước mặt đông đảo mọi người, nói năng cử chỉ cứ như đang đối đáp với hồn người chết, và làm bộ nghe theo lệnh người chết, chia lại gia tài cho người em. Chi tiết vừa nghiêm túc vừa gây cười rất hấp dẫn.

Về nhân vật, các truyện trong “Tam ngôn”, “Nhị phách” nói chung đều dùng lối miêu tả chất phác truyền thống mà người Trung Quốc gọi là “bạch miêu”, song các hình tượng nhân vật phần lớn đều sinh động, có cá tính, những Tưởng Hưng Ca, Tam Xảo Nhi, Mụ Tiết, Đỗ Thập Nương, Dao Cầm, Tần Trọng không chỉ biểu hiện hình hài rõ nét mà còn bộc lộ cả những tình cảm tâm tư biến đổi phong phú và chân thật.

Về ngôn ngữ, “Tam ngôn”, “Nhị phách” là những tác phẩm tiểu thuyết ngắn đầu tiên viết bằng bạch thoại, thoát khỏi hẳn lối văn cô đọng hàm súc của tác phẩm văn ngôn, lời lẽ cũng trong sáng nhẹ nhàng và đặc biệt xen rất nhiều khẩu ngữ, do đó lời văn hoạt bát tự nhiên, rất hợp với khẩu vị của đại chúng và đó cũng chính là một đặc điểm của loại văn học thông tục.

Về việc tuyển dịch các tác phẩm để giới thiệu trong tập sách này, chúng tôi chủ trương chọn các truyện tiêu biểu, có ý nghĩa, từng được nhiều người yêu thích.

Vì mỗi truyện đều tương đối dài, nếu để nguyên tất cả thì tập sách quá dày, sẽ khó khăn trong việc in ấn nên chúng tôi dịch theo bản rút gọn của nhà xuất bản “Thượng Hải Từ thư” xuất bản năm 1977.

Nhưng, để độc giả thấy rõ kết cấu nội dung và chi tiết phong phú của nguyên bản, chúng tôi dịch trọn vẹn tác phẩm đầu tiên của “Tam ngôn”: “Tưởng Hưng Ca thấy lại áo trân châu” và một truyện trong “Nhị phách”: “Thương nhân họ Trình được Thần Biển giúp”. Ta sẽ thấy lối tả tỉ mỉ cụ thể và thỉnh thoảng có xen vào mấy câu thơ hoặc mấy lời dẫn vốn là dấu vết của loại thoại bản do các nghệ nhân dân gian diễn kể trong các sinh hoạt văn hóa rất phổ biến đương thời. Khi dịch, chúng tôi chú ý thể hiện lối văn mộc mạc, hoạt bát của nguyên bản. Một số cách xưng hô thời xưa như “hiền tế” (cha vợ gọi con rể), “tiểu tế” (con rể xưng với cha vợ), “quan nhân” (vợ gọi chồng hoặc cách gọi lịch sự đối với người đàn ông còn trẻ), “lệnh ái”, “lệnh lang” (gọi một cách kính trọng con gái, con trai của người đối thoại) và một số thành ngữ, từ ngữ Hán thông dụng dễ hiểu, chúng tôi không hiện đại hóa mà để nguyên cho phù hợp với phong vị của tác phẩm truyện cổ. Bản dịch thế nào cũng có chỗ cần sự góp ý của độc giả. Xin chân thành lắng nghe và trân trọng cảm ơn.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button