Văn học nước ngoài

Cô Gái Không Là Gì

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Tomek Tryzna

Download sách Cô Gái Không Là Gì ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 Lời người dịch

Marysia, Kasia và Ewa, ba cô gái tuổi mười lăm, là ba nhân vật chính của tiểu thuyết. Marysia, con gái một gia đình công nhân nghèo, đông con, ở một làng quê Ba Lan, cùng gia đình chuyển nhà lên thành phố khi bố cô, một công nhân mỏ, sau bao năm xếp hàng chờ đợi, nay được phân nhà mới. Cô gái nhà quê ngây thơ, thật thà cảm thấy lạ lẫm ở chốn thị thành và tại ngôi trường mới của mình. Trong lớp học mới, Marysia làm quen và kết bạn với Kasia, cô bạn có mẹ là bác sĩ và bố đang ở nước ngoài. Kasia là một cô học trò có tính cách mạnh mẽ, lối sống ngang tàng, quan điểm sống dị thường và có năng khiếu âm nhạc. Cô từng bước đưa Marysia vào thế giới âm nhạc nhiều ma lực và giàu cảm xúc, lôi kéo cô bạn học đòi lối sống của mình, thuyết phục cô bạn nghe theo tư tưởng tự do tuyệt đối và bình đẳng của con người với Chúa Trời. Marysia tôn sùng, khâm phục và tin yêu Kasia như chị em ruột, thậm chí còn hơn thế  : Con rất yêu mẹ con và Zenus, hai đứa em gái, Tadziu, bố, nhưng yêu nhất trần đời vẫn là Kasia của con. Tại sao lại như vậy, con cũng không biết nữa. Kể cả, nếu Kasia thôi không yêu con nữa, thì con vẫn không bao giờ quên được bạn ấy và con sẽ yêu Kasia cho đến tận những ngày cuối cùng của đời con.  Kasia cho rằng mình bị quỷ ám, con quỷ này ẩn nấp trong người Kasia, nhờ có nó mà Kasia thăng hoa trong sáng tác âm nhạc. Làm theo hàng loạt mưu kế của Kasia, Marysia từng bước xa lánh gia đình, mất tính thật thà. Kasia xác người hồn quỷ đã đẩy Marysia vào con đường phạm thánh, điều khiến tình bạn của hai cô gái bị chao đảo và hậu quả là Marysia kết bạn với cô gái khác cùng lớp, tên là Ewa. Ewa, cô gái xinh nhất lớp, con nhà giàu, bố mẹ là doanh nhân, một cô gái được nuông chiều, quen sống xa hoa, thích chơi ngông, hay ghen tỵ và nhiều mưu lắm kế. Gia đình Ewa là gia đình tôn sùng lối sống Mỹ. Biết Marysia là con nhà nghèo, thích ăn chơi đua đòi và dám liều, càng ngày Ewa càng tặng cho Marysia nhiều món quà mới lạ, nhất là đồ may mặc, lôi kéo cô bạn vào con đường hưởng thụ, đi tìm cảm giác mạnh và những thú vui hư đốn.

Tuổi mới lớn của Marysia là như vậy. Tuổi mới lớn thường không phải là giai đoạn dễ dàng trong đời người. Trong thời kỳ này, tuổi trẻ mộng mơ và nông nổi gặp muôn vàn cạm bẫy có thể hủy hoại cuộc đời mình trước khi nó thực sự bắt đầu. Có khi kịp sửa chữa những sai lầm mắc phải, nhưng, thật đáng tiếc, lắm khi không. Chả thế mà có người đã định nghĩa:  Tuổi trẻ là điên rồ  .

Tiểu thuyết gồm hai phần hầu như bằng nhau, viết ở ngôi thứ nhất, xưng  tôi  . Phần một viết về tình bạn giữa Marysia và Kasia, một tình bạn mà Marysia những tưởng vững bền mãi mãi, nhưng không phải vậy. Phần hai viết về tình bạn giữa Marysia và Ewa giàu có, người đã nhấn chìm Marysia trong vũng bùn hư đốn, cho Marysia nếm mùi giàu sang để rồi trở thành đứa con hư, không thèm ngó ngàng gì đến gia đình. Trong phần hai của tiểu thuyết, Marysia không còn là Marysia nữa. Cùng với việc thay đổi xoành xoạch tên mình, tính nết của cô cũng không ngừng thay đổi. Có thể nói những cái tên mới của Marysia tượng trưng cho sự hư thân mất nết của cô gái (Kasia gọi Marysia là Minka, còn Ewa gọi cô là Majka). Rốt cuộc, do thiếu bản lĩnh, sống buông thả và học đòi, Marysia từng bước mất phương hướng, tự đánh mất mình để rồi đến phần cuối của tiểu thuyết chẳng còn là Marysia ngây thơ, trong trắng lúc ban đầu. Thậm chí cô không nhận ra chính mình và cái tên Marysia của mình nữa: “  Tôi nhìn mình, tôi nhìn, và tôi vẫn không thể nào nhận ra mình. Tôi mà gặp một cô gái như thế này ngoài phố thì chắc tôi phải hổ thẹn khi gọi cô ta. Mà đó là tôi chứ ai. Tôi hé môi, cô gái trong gương cũng hé môi, vì đó chính là tôi”. “Marysia, rõ ràng là Marysia. Bao nhiêu năm tôi muốn nhớ lại cái tên này, nhưng nó đội lốt những cái tên khác khi tôi muốn nhớ… nhớ lại”.  Nhân vật người đàn ông đeo mục kỉnh, được gọi là “người đàn ông Ba Lan”, nhiều lần bất ngờ xuất hiện, muốn cứu vớt Marysia khỏi vũng bùn sa đọa, trở lại với bản sắc của mình, nhưng không thành công. Đây là sự can thiệp có dụng ý của tác giả. Người ta cho rằng, Marysia thất bại vì đã không nghe theo lời “người đàn ông Ba Lan” cũng như lời khuyên của con quỷ Pimpus vốn là bạn của mình. Đoạn cao trào của tiểu thuyết chính là lúc Marysia giật mình phát hiện ra sự thật những gì Kasia và Ewa nghĩ về mình, khi hai cô bạn đang cười khúc khích bàn tán về Marysia, nhạo báng, khinh thường Marysia vô tích sự, thậm chí gọi Marysia là  Cô gái Không Là Gì  .  Không Là Gì  là biệt danh của Marysia do Kasia và Ewa gán cho. Ta hãy nghe đoạn thoại sau đây của Kasia và Ewa: “-  Thôi, cậu đừng nói về cô ta nữa! Cô ta không là gì cả, không có cô ta… – Cậu nói cực hay, cậu có lý, cô ta là  cô gái Không Là Gì  ”.  Sau cú sốc này, Marysia chìm vào những cơn ác mộng hãi hùng.

Đây là thiên tiểu thuyết viết về xã hội Ba Lan hồi những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi đời sống của người dân thời bao cấp còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Tiểu thuyết cho thấy, các cô gái tuổi học trò, cụ thể là tuổi mười lăm, đã manh động, thậm chí điên rồ, “hết khôn dồn đến dại” theo kiểu “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” như thế nào khi đi tìm những khoảnh khắc  “nhận biết bản thân”  mà theo họ  “mình được là mình thật sự”.  Có thể nói,  Cô gái Không Là Gì  là lời cảnh cáo, là bài học đạo đức đắt giá cho tuổi học trò. Bức thông điệp mà tiểu thuyết muốn gửi tới các bạn trẻ là: Tuổi mười lăm đẹp như trăng rằm, nhiều đam mê, lắm mộng mơ, nhưng cũng đầy cạm bẫy, dễ tin và dễ vỡ, và xin các bạn đừng tự đánh mất mình.

Cô gái Không Là Gì  là tiểu thuyết chẳng những dành cho tuổi học trò, những người đồng trang lứa với các nhân vật chính của truyện, mà còn dành cho cả người lớn, khi nó đề cập cả những vấn đề của họ nữa. Trả lời câu hỏi về điều này, nhà văn Tomek Tryzna khẳng định rằng, ông không muốn tiểu thuyết  Cô gái Không Là Gì  đi theo lối mòn xưa cũ, theo đó, viết cho trẻ con là chỉ dành cho trẻ con đọc, viết cho người lớn là chỉ dành cho người lớn đọc, mà ông muốn cách tân (hậu hiện đại? phá cách?), và ông đã cách tân nội dung và hình thức… của tác phẩm hiệu quả tới mức nào thì chúng ta sẽ thấy sau khi đọc tác phẩm. Cuộc trò chuyện giữa Kasia và cô giáo chủ nhiệm Turska thực chất là cuộc đối thoại nảy lửa giữa hai thế hệ, giữa các triết lý, quan điểm sống trái ngược nhau, trong đó mỗi bên đều có cái có lý và cái phi lý của mình: “  – Tại sao cô không vứt bỏ những cái đó đi? – giọng nói của Kasia vang lên trong loa. Và giọng cô chủ nhiệm: – Được rồi, cô làm theo ý em nhé. Cô sẽ bỏ chồng, bỏ nhà, bỏ công việc ở trường và cô sẽ đi đâu? Cô ra đường ư? Em cho rằng cô sẽ tìm thấy hạnh phúc ở ngay sau góc phố đầu tiên chăng?   ”

Cuối cùng, trượt dài trên con dốc tự đánh mất mình, không nghe theo lời khuyên của “Người đàn ông Ba Lan” và Pimpus, Marysia đã thất bại, không thể tìm lại chính mình, không thể “tự sinh ra mình” được nữa. Bi kịch này được diễn tả bằng phép tu từ ở đoạn kết của tiểu thuyết. Sau khi nhảy từ ban công tự tử, Marysia có cảm giác trong bụng cô đang có một thai nhi, thai nhi nhiệt tâm, song thai nhi này không thể ra đời. Đứa con “nhiệt tâm” trong bụng bảo rằng, chẳng thể vãn hồi tính nết cũ được nữa rồi: “  Sao lại có sự sinh nở không bao giờ sinh nở, mặc dầu luôn luôn sinh nở và sinh nở, muôn đời chống chọi với nhiệt tâm dâng trào.  ” Cách kết thúc câu chuyện của tác giả khiến người đọc sau khi đã gập cuốn sách lại rồi vẫn còn bùi ngùi, xót xa, vẫn còn suy nghĩ khôn nguôi.

Tư tưởng chủ đạo của tác phẩm là cuộc đối đầu giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tốt và cái xấu mà lắm khi có vẻ như chúng là hai trong một. Thiên tiểu thuyết này – thiên tiểu thuyết tự làm mới mình, giàu kịch tính và nhiều cảm xúc, đầy nét trẻ trung và hồn nhiên của tuổi học trò, đậm chất giả tưởng và nhiều yếu tố thần thoại, hoang đường, hư hư thực thực đan xen dày đặc, đòi hỏi người đọc phải thật sự tập trung – đã miêu tả rất thành công những tâm tư, tình cảm, nghĩ suy, điểm mạnh, điểm yếu và những bí ẩn của tuổi mới lớn. Một số tình tiết của tiểu thuyết có thể khiến người đọc có cảm giác là “nặng đô” đối với tuổi học trò. Tuy nhiên, phải chăng đó cũng chính là những lời cảnh tỉnh “nặng đô” có chủ ý của tác giả đối với các bạn trẻ ở lứa tuổi này? Tác giả không bình luận, không nhận xét trực tiếp hành động của các nhân vật. Ông dành việc này cho người đọc.

Một số nhà phê bình văn học Ba Lan cho rằng,  tiểu thuyết  Cô gái Không Là Gì  tựa hồ một cơn bão đổ bộ vào nền văn học Ba Lan hiện đại hồi những năm chín mươi của thế kỷ trước.  Đánh giá cao tiểu thuyết này, Czeslaw Milosz, nhà thơ lớn của Ba Lan và thế giới, giải Nobel 1980, đã nói: Cô gái Không Là Gì  là thiên tiểu thuyết hậu hiện đại thật sự đầu tiên của Ba Lan.

Tiểu thuyết đã được dịch sang hàng chục thứ tiếng khác nhau trên thế giới như Anh, Mỹ, Canada, Tân Tây Lan, Úc, Brazin, các nước Tây Âu, các nước Scăng-đi-na-vơ… Cũng là sách bestseller ở Ba Lan, Hà Lan, Bungari, Đức… Đặc biệt  Cô gái Không Là Gì  đã được dựng thành bộ phim truyện dài 98 phút, do đạo diễn nổi tiếng Ba Lan (và thế giới) – Andrzej Wajda, thực hiện. Anna Wielgucka đóng vai Marysia, Anna Mucha đóng vai Kasia và Anna Powierza đóng vai Ewa. Nữ diễn viên Anna Wielgucka đã được nhận giải thưởng “  Diễn viên trẻ triển vọng”  tại Liên hoan phim quốc tế Berlin. Việc tiểu thuyết  Cô gái Không Là Gì  lọt vào mắt xanh của hai cây đại thụ văn học và điện ảnh Ba Lan (và thế giới) – Czselaw Milosz và Andrzej Wajda, cho thấy tầm cỡ của tác phẩm này. Tiểu thuyết cũng đã được IBBY Ba Lan bình chọn là “  Cuốn sách của năm  ” (1994). Theo quy định của Bộ Giáo dục Quốc dân Ba Lan,  Cô gái Không Là Gì  là một trong sáu cuốn sách bắt buộc phải đọc đối với học sinh lớp III (tương đương lớp 9 của Việt Nam) các Trường trung học cơ sở ở Ba Lan trong niên học 2011 – 2012 và 2012 – 2013, điều đó chứng tỏ giá trị giáo dục của thiên tiểu thuyết này. Phải chăng Bộ Giáo dục Quốc dân Ba Lan muốn các học trò của mình phải nhìn thẳng vào sự thật, dù đó là sự thật phũ phàng?

ĐỌC THỬ

Tôi bước theo sau mẹ,  dùng cào lấp những lỗ nhỏ có đặt nửa củ khoai tây. Mẹ tôi hiền khô. Tôi mà làm hỏng mẹ chẳng mắng mỏ gì, chỉ đưa mắt nhìn, và ngay lập tức tôi biết mình phải làm lại. Đất mềm. Bố dùng xẻng xới cho đất tơi ra. Lúc này bố đang xới đất cạnh hàng rào, Tadziu chơi đằng sau lưng bố. Nó là em trai tôi, mười tuổi. Một thằng bé dễ thương, vui nhộn. Lúc nào nó cũng thích tôi dắt tay, nhưng tôi toàn bắt nó ngồi một chỗ. Thế là nó giãy đành đạch, bảo tôi nói dối nó, chính vì tôi không nói dối nên nó mới bù lu bù loa như vậy. Có lẽ lúc nào đó tôi nên chịu thua nó, chỉ có điều, không được nói dối. Tôi thích nó lắm. Tôi chăm sóc em từ khi nó còn bé tí xíu. Tôi thay tã lót và cho nó uống sữa bằng vú cao su. Bây giờ thì tôi chăm sóc Zenus. Zenus ngủ liên miên, nó mà không ngủ thì chỉ có khóc hoặc cười. Khí trời thơm lựng. Đang mùa xuân. Nắng đẹp cả ngày. Lúc này chưa có nắng gắt, vì mặt trời còn thấp. Thửa ruộng nhà tôi nằm sát rừng. Rừng xanh thẫm, ruộng đen xám. Mai kia khoai tây mọc thì ruộng cũng xanh. Còn tôi, từ sáng sớm hình như có cái gì đó ở trong bụng. Hôm qua cũng vậy, nhưng nó nhỏ hơn. Có tiếng thét. Tôi nhìn, đó là Zosia. Nó chạy, Tadziu đuổi theo. Zosia là em gái tôi. Cả Krysia nữa. Hai đứa em song sinh, năm tuổi. Chúng rất thích nhảy dây. Hồi trước tôi cũng thích như vậy, nhưng bây giờ tôi không nhảy dây nữa, vì đã lớn đầu. Thì đã sao? Tadziu bước lại chỗ xe của Zenus, lắc lắc miếng thịt bên trên đầu nó. Zosia đứng cách đó không xa. Tôi nghe con bé nói:

– Anh đưa cho nó đi, xem nó có ăn không?

– Nó còn bé quá, chưa nhai được thịt, – Tadziu nói. Ôi, tôi mải nhìn và mải nghe, mẹ đã ra tít tận đàng kia rồi. Tôi phải đuổi theo mẹ, lấp lỗ thật nhanh. Chác chác và lỗ tiếp theo. Chác, chác, chác, chác. Tadziu chạy lăng xăng quanh tôi, miệng hô: “Vào rồi! Vào rồi!”. Cu cậu nhảy qua bờ rào rồi chạy lên đồi. Tôi nhìn theo nó, bụng bắt đầu đau dữ dội đến nỗi tôi không biết mình phải làm gì bây giờ. Hay là tại ruột cồn cào? Chỉ một lúc là khỏi thôi. Ơn Chúa. Một chú chim đang bay trên trời. Trời xanh, chim trắng. Tadziu hướng cái que về phía con chim, bắn. Pằng, pằng! Chú chim vẫn bay, bay tiếp. Khi có nắng, thiên nhiên mới đẹp làm sao. Với điều kiện nắng không chiếu vào mắt. Tôi lại mải ngắm, mải nhìn, và mẹ lại ra tít tận đàng kia. Mình phải thật nhanh tay vào để đuổi kịp mẹ, lúc này mẹ đứng thẳng người và nói với tôi:

– Marysia ơi, con có nghe thấy không?

– Cái gì?

– Đấy.

Đúng vậy. Zenus đang khóc. Chắc lại đái rồi. Tôi đặt cào xuống, đoạn đi lại chỗ chiếc xe nôi phía bìa rừng, dưới bóng cây. Nhưng Zenus đang ngủ. Tôi thò tay xuống dưới tã. Khô. Cu cậu khóc thét có lẽ tại nằm mơ thấy cái gì đó chăng? Không có chuyện gì cả, mình quay lại thôi, lúc này bỗng nhiên trong bụng tôi có cái gì đó thắt mạnh rồi lại nới ra. Đến nỗi tôi phải ngồi sụp xuống đất. Tôi ngồi, người co rúm vì đau. Có một cái gì đó dị thường đang quấy đảo trong bụng tôi. Hay là tôi nuốt phải con nòng nọc lẫn trong nước và bây giờ nó đã lớn thành một con ếch? Nó đang đói nên cắn dạ dày tôi hay sao? Tôi lấy tay đấm vào bụng, làm vậy có khi nó sợ. Nó cắn thêm chút nữa rồi thôi. Tôi đã hết đau bụng rồi. Tôi ngồi xuống cỏ, bên cây cúc. Tôi định ngắt một ít hoa cúc kết thành vòng, nhưng chợt nhớ mình phải đi lấp lỗ. Tôi đứng dậy khi nghe thấy tiếng thét. Tôi quay mặt lại, nhìn, có lẽ Zosia, hay là Krysia, nhưng không, hai đứa đang nhảy dây bên một bụi cây. Có tiếng người vừa thét trong rừng. Có vẻ như con gái, vì giọng the thé. Tôi đứng dậy, bước lại chỗ cây rậm rạp. Tôi hơi sợ, nhưng cũng hơi tò mò.

Tôi đang ở trong rừng. Cây rừng mọc rất dày, tối om, nắng trời không lọt vào đây được. Tôi nghe thấy tiếng vo vo ở đàng xa. Đó có thể là tiếng gì nhỉ? Tôi chui qua một bụi cây, sang một lối mòn. Tôi nghe thấy âm thanh như tiếng lợn rừng, như tiếng ngựa hí. Hình như có tiếng chân người. Tôi nhìn, một cỗ xe ngựa cỡ lớn, toàn một màu đen, điểm những ngôi sao bạc, thắng vào bốn chú ngựa ô, đang tiến thẳng về phía tôi. Bọt trắng bắn ra từ mõm ngựa. Tôi nhảy sang bên, bám chặt vào một cây rừng. Trong ô cửa nhỏ của cỗ xe ngựa, tôi nhìn thấy gương mặt đẹp của một cô gái. Có lẽ trạc tuổi tôi, mặc váy màu vàng, đầu đội chiếc vòng vàng có đính hạt kim cương. Cô gái nhìn thấy tôi, định nói gì đó, song bất thình lình một cánh tay đen khủng khiếp hiện lên vả vào đôi môi hồng của cô gái. Và cỗ xe đi qua. Sau xe, ngồi chễm chệ hai con khỉ xấu xí, lông xù, trong bộ smoking, răng nhe ra, chúng chồm chân về phía tôi, nhưng tôi co rúm người lại nên chúng không với tới được. Không có chúng nữa. Lặng im. Trên lối đi có gì đó óng ánh. Tôi quỳ xuống. Một viên kim cương nằm ở đây, có lẽ nó rơi ra từ cái vòng đội đầu của cô bé. Hay là từ chiếc nhẫn đeo tay nhỉ? Có khi cô bé ném cho mình để làm kỉ niệm, để mình đừng quên cô bé. Viên kim cương mới đẹp làm sao. Tựa hồ có cả một mặt trời bé tí xíu đang trốn trong đó và sáng lấp lánh. Tôi đặt viên kim cương lên lòng bàn tay, tôi ngỡ ngàng. Có tiếng người đang rên. Tiếng rên vọng lại từ phía lúc nãy cỗ xe ngựa đi tới. Tôi cuốc bộ theo đường mòn, nắm chặt viên kim cương trong lòng bàn tay và cảm thấy sợ cái mà mình sắp nhìn thấy ở đàng kia, bởi càng lúc tiếng rên nghe càng rõ hơn. Rốt cuộc tôi đến được chỗ có tiếng rên. Một gã thanh niên đang nằm đấy, miệng rên la. Một ngọn giáo cắm vào bụng anh ta. Bởi ngọn giáo cắm chặt xuống đất nên anh chàng không thể đứng dậy được. Những món tóc quăn, uốn đẹp, lõa xõa trên gương mặt chàng trai. Anh chàng mặc chiếc kaftan may chỉ vàng, chiếc quần dài màu vàng, chân đi đôi giày đỏ xinh xinh. Chỏng chơ trên đất, bên cạnh chàng trai là một thanh kiếm gãy và một chiếc mũ cắm lông chim. Ôi, chắc chàng trai đau đớn lắm đây! Tay chàng nắm ngọn giáo, người uốn cong, như muốn leo lên ngọn giáo này… Chàng trai nhìn thấy tôi. Miệng cầu xin thống thiết:

– Cô gái ơi, cứu tôi với. Rút cái này ra khỏi người giùm tôi, tự tôi không làm nổi. Cô gái ơi, rút ra giùm tôi…

Tôi muốn giúp anh ta, nhưng không giúp được. Chẳng hiểu tại sao tôi không bước nổi. Không tài nào bước đi được. Tôi lấy làm xấu hổ, vì có khi anh ta nghĩ, tôi không muốn giúp, tôi là người xấu. Nhưng mà, làm sao tôi giúp được khi tôi không thể nhúc nhích nào? Tôi định nói với anh chàng như vậy, phải cái, ngay cả miệng tôi cũng không cử động được. Chàng trai càng lúc càng đau dữ.

– Cô gái ơi, tôi van cô, rút giùm cái này ra khỏi người tôi, cô cầm lấy rồi rút ra! Cô cầm lấy rồi rút ra! Cầm lấy rồi rút ra! Cô gái ơi, cầm lấy rồi rút ra!

Còn tôi chẳng làm được gì, chính xác, không một tí gì, mặc dầu tôi có thể làm như vậy. Nhưng lúc này, tôi chỉ biết nhắm mắt lại mà thôi. Tôi mở mắt ra khi đã lặng im. Tôi nhìn thấy chàng trai lần tay theo cán giáo, ưỡn cong người lên. Cây giáo nghiêng và chàng trai ngã vật sang bên. Mũi giáo óng ánh bật lên khỏi mặt đất. Chàng trai không rên nữa, anh ta chẳng còn sống. Một dòng máu đỏ từ từ tuôn ra từ dưới thân người anh ta. Máu chảy theo đường mòn, chảy vào chỗ hai bàn chân đi đất của tôi. Tôi đứng trong vũng máu, không tài nào nhúc nhích được. Những dòng máu đỏ, tựa hồ những con rắn lần theo hai chân tôi, leo lên người tôi. Một cô gái nực cười đang đứng trong rừng, la hét điên loạn. Cô gái đó chính là tôi. Tôi thét:

– Mẹ ơi!

Đường quốc lộ lùi dần. Tadziu đuổi theo chúng tôi, nhưng cu cậu mệt. Mẹ đạp xe, còn tôi ngồi trong rơ-moóc, trên đống bao tải đựng khoai tây giống. Ô kìa, một chiếc xe ô tô đang chạy. Càng lúc càng đến gần. Trong xe có một ông và một bà. Họ nhìn tôi rồi lao vút qua. Mặt trời nho nhỏ, thấp, tỏa nắng từ phía bên trái tôi. Còn từ phía bên phải tôi, trên quốc lộ, thấy rõ những dáng hình. Xe đạp, rơ-moóc, mẹ và tôi. Đầu mẹ lướt qua những thân cây dọc đường. Đó là những cây anh đào.

Tôi nằm trên giường, quần lót nhét đầy băng vệ sinh và tôi không muốn ngủ tí nào cả. Cho đến sát sạt ngày hôm nay thì tôi vẫn còn là một cô bé. Có lẽ tại vì thế mà tôi cao, cao nhất nhà. Tôi cao một trăm sáu mươi bảy xăng-ti-mét. Sau tôi là đến bố, cao một mét năm lăm. Sau bố đến mẹ, tròn mét rưỡi. Tiếp nữa đến Tadziu và các em gái. Và đứng cuối cùng là Zenus. Bố gầy, nhưng khỏe, khỏe hơn mẹ, mặc dầu cân nặng chỉ bằng một nửa của mẹ. Mẹ cực béo, bố trêu, nom mẹ y hệt cái thùng đựng bia. Mẹ bảo, mai kia tôi mà sinh ngần ấy đứa con như mẹ, thì tôi cũng sẽ là một cái thùng tô nô. Ông hàng xóm của chúng tôi, đang ở tạm nhà cấp bốn, ông Krzysiek, cao khoảng một trăm chín mươi xăng-ti-mét, khi ông ấy và bố đứng bên hàng rào, uống bia, mẹ cười và nói: “Trông kìa, Marysia, nom hai ông bạn đứng uống bia với nhau thật xứng đôi, đúng không?”


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button