Văn học nước ngoài

Biên Niên Sử Narnia Tập 1: Cháu Trai Pháp Sư

Chau trai phap su - C. S Lewis1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : C. S Lewis

Download sách Biên Niên Sử Narnia Tập 1: Cháu Trai Pháp Sư ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Biên niên sử về Narnia viết về một thế giới tưởng tượng, những phép màu và một thế giới song song cùng tồn tại với thế giới của chúng ta. Biên niên sử về Narnia dựng nên một thế giới tưởng tượng, kỳ ảo nhưng có những cơ sở của hiện thực – điểm khác biệt với Harry Potter. Biên niên sử về Narnia là một tác phẩm hư cấu có giá trị nghệ thuật cao trên nhiều phương diện:

Một tác phẩm có cấu trúc cân đối, hoàn chỉnh, tính tư tưởng quán xuyến từ đầu đến cuối ; là tinh thần đấu tranh cho chính nghĩa, cho con người, đặc biệt là một tình yêu thiên nhiên, hoà mình với thiên nhiên, coi cỏ cây hoa lá, muông thú cũng có tính bản thiện và có nhu cầu được cộng sinh trong thế giới của muôn loài và cho muôn loài. Một tư tưởng rất nhân bản và đang được nhân loại đề cao. Bộ sách giúp bạn đọc có ý thức tốt hơn về môi trường thiên nhiên cũng như môi trường văn hoá. Và đặc biệt có thể nhìn cuộc đời với một đôi mắt “ngây thơ” hơn.

Tác phẩm hấp dẫn nhờ một cốt truyện cổ điển, có mâu thuẫn, cao trào và giải quyết mâu thuẫn, thể hiện một trí tưởng tượng rất cao, mang dấu ấn của cá tính sáng tạo của nhà văn. Từ tập 1 đến tập 7, thế giới tưởng tượng được xây dựng và phát triển một cách vừa khác biệt vừa nhất quán với toàn bộ và theo cấp độ tăng tiến, khiến người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với những hình tượng độc đáo, kỳ thú không hề bị lặp lại.

Tác phẩm đưa ra một hệ thống nhân vật phong phú, có cá tính : không có nhân vật nào lẫn với nhân vật nào, dù là con vật hay con người đều có những nét đặc biệt đáng ghi nhớ. Lối giải quyết mâu thuẫn của tác giả, tự nhiên, không gượng ép và đặc biệt là nhẹ nhàng, thoải mái không gây nên những cảnh quá dữ dội có thể ảnh hưởng đến tâm hồn trẻ thơ.

Theo bình chọn của tạp chí Big Reader : Biên niên sử về Narnia có tên trong danh sách 21 cuốn sách được độc giả Anh yêu thích nhất (trong danh sách 100 tiểu thuyết thế giới).

Bộ truyện được chuyển thể sang tác phẩm điện ảnh trở thành là bộ phim ăn khách của thế kỷ 21.

CÁC NHÂN VẬT TRONG BỘ SÁCH NÀY

Aslan: Vua, chúa tể của cả khu rừng và là con trai của vị hoàng đế thống trị cả một vùng biển. Aslan là một con sư tử, một con sư tử vĩ đại. Nó đến và đi khi nó muốn; nó tới để đánh lại mụ phù thủy và cứu Narnia. Aslan xuất hiện trong cả bảy tập truyện.

Digory Kirke: Digory có mặt từ ngay tập đầu Cháu trai pháp sư và nhân vật này cũng xuất hiện trong tập Sư tử, phù thủy và cái tủ áo. Nếu không từ sự dũng cảm của Digory, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ được nghe về Narnia. Hãy tìm hiểu nguyên nhân tại sao ở tập Cháu trai pháp sư.

Polly Plummer : Polly là người đầu tiên rời khỏi thế giới của chúng ta. Cô ấy cùng với Digory xuất hiện ngay từ đầu trong tập Cháu trai pháp sư.

Jadis: Hoàng hậu cuối cùng của Charn, một vùng đất bị chính bà ta hủy diệt. Jadis tới vùng đất Narnia cùng với Digory và Polly trong tập Cháu trai pháp sư và thống trị vùng đất này trong vai trò là mụ Bạch Phù Thủy trong tập Sư tử, phù thủy và cái tủ áo. Một kẻ quỷ quyệt, bà ta là một người rất nguy hiểm, thậm chí cả trong tập truyện Chiếc ghế bạc.

Bác Andrew: Ngài Andrew Ketterly nghĩ ông ta chính là một pháp sư nhưng giống như tất cả những người nhúng mũi vào pháp thuật, ông ta không thực sự biết mình đang làm gì. Kết quả là một điều khủng khiếp xảy ra trong tập Cháu trai pháp sư.

Những đứa trẻ nhà Pevensie

Peter Pevensie: Vua Peter Dũng mãnh

Susan Pevensie: Nữ hoàng Susan Hiền dịu

Edmund Pevensie: Vua Edmund Công chính

Lucy Pevensie: Nữ hoàng Lucy Can đảm

Bốn đứa trẻ nhà Pevensie đến thăm vùng đất Narnia vào mùa đông khi vùng đất đang bị Bạch Phù Thủy cai trị. Chúng đã ở đó trong nhiều năm của Narnia và thiết lập một thời đại Vàng cho Narnia. Peter là anh cả, kế đến là Susan, rồi tới Edmund và Lucy. Các nhân vật này xuất hiện trong tập Hoàng tử Caspian. Edmund và Lucy còn có mặt trong tập Trên con tàu Hướng tới Bình minh; Edmund, Lucy và Susan có mặt ở tập Con ngựa và cậu bé; Peter, Edmund và Lucy xuất hiện ở tập Trận chiến cuối cùng.

Shasta: Có một bí mật về đứa con nuôi của người ngư dân Calormene. Thực ra đó là một cậu bé rất khác thường và chính cậu phát hiện ra điều này trong tập Con ngựa và cậu bé.

Bree: Con chiến mã này cũng rất đặc biệt. Nó bị bắt khi còn là một con ngựa con trong khu rừng của Narnia và được bán làm ngựa thồ ở Calormen, một đất nước ở bên kia của Archenland và nằm xa phía nam của Narnia. Chuyến thám hiểm của nó thực sự bắt đầu khi nó cố bỏ trốn trong tập Con ngựa và cậu bé.

Aravis: Một cô gái Calormen quý tộc, nhưng cô lại có rất nhiều tính tốt và những đức tính này tỏa sáng trong tập Con ngựa và cậu bé.

Hwin: Một con ngựa tốt bụng và thông thái. Một nô lệ bị bắt khỏi vùng đất Narnia, nó và Aravis kết bạn với nhau trong tập Con ngựa và cậu bé.

Hoàng tử Caspian: Là cháu trai của vua Miraz và là Caspian 10, con trai của Caspian và là vị vua thực sự của Narnia (Vua của người Narnia cổ xưa). Cậu cũng được gọi là người Telmarine của vùng đất Narnia, chúa tể của Cair Paravel và hoàng đế của Quần đảo Đơn Côi (Lone islands). Cậu ta xuất hiện trong các tập: Hoàng tử Caspian, Trên con tàu Hướng tới Bình minh, Chiếc ghế bạc và Trận chiến cuối cùng.

Miraz: Một người Telmarine của vùng Telmar, một nơi nằm bên kia dãy núi phía tây (Tổ tiên của người Telmarine nguồn gốc là đến từ thế giới chúng ta) và là người cướp ngôi báu cai trị Narnia trong tập Hoàng tử Caspian.

Reepicheep: Là Con chuột thống lĩnh. Nó tự phong cho mình là một người hầu khiêm tốn của hoàng tử Caspian, và có lẽ là một hiệp sĩ dũng cảm nhất của vùng Narnia. Phong cách hiệp sĩ của nó cùng với sự dũng cảm và kỹ năng dùng kiếm thì không ai có thể vượt qua được. Reepicheep xuất hiện trong các tập: Hoàng tử Caspian, Trên con tàu Hướng tới Bình minh và Trận chiến cuối cùng.

Eustace Clarence Lông Vịt:  Là một người họ hàng của gia đình Pevensie, người mà Edmund và Lucy phải đến thăm. Cậu ta đã sốc khi thấy Narnia. Nhân vật này có mặt trong các tập: Trên con tàu Hướng tới Bình minh, Chiếc ghế bạc và Trận chiến cuối cùng.

Jill Pole: Một nữ anh hùng trong tập Chiếc ghế bạc. Cô đến Narnia cùng với Eustace trong chuyến đi thứ hai của Eustace đến vùng đất này. Cô ấy cũng xuất hiện để trợ giúp trong tập truyện: Trận chiến cuối cùng.

Hoàng tử Rillian: Con trai của vua Caspian 10, Rillian là hoàng tử bị lạc trong vùng đất Narnia, xuất hiện trong tập: Chiếc ghế bạc.

Puddleglum: Sống ở Khu đầm lầy phía đông của Narnia. Ông ta rất cao và hình thức khó coi của ông ta che đậy một trái tim nhân hậu và sự dũng cảm tuyệt vời. Nhân vật này xuất hiện ở tập: Chiếc ghế bạc và Trận chiến cuối cùng.

Vua Tirian: Cao cả và dũng cảm, Tirian là vị vua cuối cùng của Narnia. Cùng với người bạn Jewel, một con kỳ lân, vua Tirian đã chiến đấu trong Trận chiến cuối cùng.

Shift: Một con khỉ già cụt đuôi xấu xí. Shift quyết định là nó nên cai quản Narnia và bắt đầu làm những việc mà bản thân nó không thể dừng lại được trong tập Trận chiến cuối cùng.

Puzzle: Một con lừa không bao giờ làm hại người khác, không được thông minh cho lắm. Và Shift đã lừa nó trong Trận chiến cuối cùng.

CHÁU TRAI PHÁP SƯ

“Đây là tập truyện vô cùng quan trọng” như tác giả giải thích ngay từ đầu câu chuyện “vì nó cho thấy toàn bộ sự việc diễn ra đồng thời giữa thế giới chúng ta và sự hình thành của vùng đất Narnia”.

Vào cái mùa hè có thể coi là ẩm ướt và lạnh lẽo nhất so với những mùa hè khác. Polly và Digory quyết định khám phá tầng áp mái của ngôi nhà cũ cao lớn. Rất cẩn thận, chúng bước qua những thanh xà và luồn qua dãy hành lang tối nối liền hai ngôi nhà của chúng với một căn nhà hoang. Chúng sẽ phát hiện ra điều gì? Liệu đó có phải là căn nhà ma? Thậm trí có thể chúng còn phát hiện ra một băng nhóm tội phạm nữa cũng nên! Dù thế nào đi nữa thì chắc chắn phải liên quan đến một điều gì đó bí ẩn!

Hai đứa dường như đã hơi thất vọng khi tình cờ phát hiện ra căn phòng làm việc bí mật của bác Andrew, bác của Digory. Và chỉ khi những thí nghiệm lộn xộn của bác ấy làm Polly ngay lập tức biến mất khỏi thế giới hiện tại thì chúng mới nhận ra rằng, rõ ràng là kỳ nghỉ hè buồn tẻ của chúng đã biến thành một cuộc thám hiểm vô cùng kỳ lạ và hồi hộp.

Đây là chuyến thám hiểm đầu tiên trong bộ truyện hấp dẫn Biên niên sử về Narnia.

ĐỌC THỬ

CHƯƠNG 1: Bí mật ngôi nhà hoang

Đây là câu chuyện kể về một sự kiện đã xảy ra lâu lắm rồi. Ngày ấy, ông nội bạn vẫn còn là một đứa trẻ. Đây cũng là một câu chuyện hết sức quan trọng bởi vì nó cho biết chuyện gì đã xảy ra giữa thế giới của chúng ta với mảnh đất Narnia từ buổi khai thiên lập địa.

Vào thời điểm ấy, thám tử tài ba Sherlock Holme vẫn sống ở đường Baker còn Bastables thì đang tìm kho báu ở đường Lewisham. Thời ấy, nếu bạn là một cậu bé, bạn sẽ phải mặc áo cổ cồn kiểu Eton thít chặt lấy cổ còn bọn học sinh ấy mà, đúng là được xếp thứ ba trong việc quậy – chỉ sau ai thì bạn biết rồi đấy. Nhưng các món ăn thì ngon hết biết, còn kẹo bánh thì… Thôi, tôi chả nói nó rẻ và ngon đến mức nào đâu, e sẽ làm bạn chảy nước miếng vì thèm mất thôi.

Phải vào thời ấy, có cô bé tên là Polly Plummer.

Cô bé sống trong một căn hộ nằm trong một dãy nhà liên kế dài. Một sáng nọ trong lúc ra vườn sau chơi cô thấy một thằng nhóc đang trèo lên bức tường nhà bên cạnh. Polly lấy làm thắc mắc bởi vì cho đến lúc ấy nó chưa hề trông thấy một nhóc nào ở nhà bên ngoài ông già Ketterley và cô Ketterley, vốn là hai anh em ruột – một ông già độc thân và một bà cô không chồng. Vì thế khi ngóng cổ nhìn sang, trên mặt con bé mang một dấu hỏi to đùng. Mặt cậu bé kia thì nhem nhuốc như hề. Khó có thể làm cho mặt nó bẩn hơn, kể cả khi nó nghịch đất nghịch cát rồi vì một lí do gì đó khóc nức nở và đưa hai tay lên lau mặt. Nhưng thật ra thì đó gần như là điều mà nó vừa làm.

– Xin chào. – Polly lên tiếng.

– Chào bạn. – Thằng bé nói. – Tên cậu là gì?

– Polly. Còn cậu?

– Digory.

– Tôi có thể nói, đó là một cái tên thật buồn cười. – Polly nói.

– Cũng không tức cười bằng nửa cái tên Polly.

– Tên cậu mới ngốc nghếch làm sao.

– Không phải như vậy. – Digory cãi lại.

– Dù sao thì tôi cũng sẽ đi rửa mặt. – Polly bực bội nói. – Đó là điều mà bạn cần làm, nhất là sau khi… – Nói đến đây, cô bé dừng lại. Nó định nói sau khi đằng ấy vừa vãi nước mắt ra, – nhưng đã kịp dừng lại vì nghĩ nói như thế không được lịch sự cho lắm.

– Được thôi, tôi cũng đang định…  – Digory nói, giọng vùng lên, đúng cái kiểu một thằng con trai đau khổ đến mức không thèm quan tâm đến việc có người biết nó vừa mới khóc nhè. – Cậu… cậu cũng thế thôi, – nó tiếp tục, – nếu cậu đã sống từ hồi nào đến giờ ở nông thôn… làm bạn với một con ngựa non và một dòng sông chảy  qua vườn nhà rồi lại bị bốc đến sống trong một cái hốc bẩn thỉu như thế này…

– London không phải là một cái hốc. – Polly nói giọng phẫn nộ.

Nhưng Digory, đau khổ đến mức đâu còn quan tâm đến người đối diện, đã nói tiếp:

– Nếu cha cậu phải đi sang tận Ấn Độ… cậu phải đến sống với một bà dì và một ông bác khùng (ai mà thích như thế?)… với một lí do họ phải chăm sóc mẹ cậu  – và nếu mẹ cậu bị ốm nặng và sắp… sắp… chết. – Nói đến đây mặt nó méo xẹo đi như cái kiểu người ta cố kìm lại những giọt nước mắt.

– Tôi không biết. Tôi xin lỗi. – Polly nhún nhường. Rồi vì không biết phải nói gì và cũng vì muốn Digory chú ý đến một đề tài khác vui vẻ hơn, nó hỏi:

– Thế ông Ketterley khùng thật sao?

– À… có thể là bác ấy khùng, – Digory nói, – cũng có thế bác ấy đang có một bí mật nào đó. Bác ấy có một phòng nghiên cứu ở gác xép và dì Letty cấm tôi không bao giờ được bước chân lên đấy. Phải… những việc này ngay từ đầu đã có một cái gì rất ám muội. À, mà có một chuyện này nữa. Mỗi khi bác ấy cố nói một điều gì đó với tôi trong bữa ăn – trong khi bác ấy thậm trí chưa bao giờ nói chuyện với em gái thì dì Letty bao giờ cũng cố chặn bác ấy lại. Dì nói “Không phải lo cho thằng bé đâu, Andrew” hoặc “Em chắc là Digory không muốn nghe chuyện đó” hoặc là “Nào, Digory, cháu có muốn ra ngoài vườn chơi không?”

– Thế bác ấy cố nói chuyện gì vậy?

– Tôi không biết, bác ấy không bao giờ đi quá xa. Nhưng còn có chuyện gì nữa… Một đêm – thực ra là đêm hôm qua – trong lúc tôi đi ngang qua chân cầu thang dẫn lên phòng áp mái để về phòng ngủ (tôi cũng chẳng thích thú gì cái chuyện đi ngang qua đấy đâu) tôi nghĩ mình nghe một tiếng kêu hốt hoảng.

– Có lẽ ông ấy nhốt một người vợ điên ở trên ấy.

– Phải, tôi cũng cho là thế.

– Hoặc giả ông ta đang làm tiền giả.

– Hoặc cũng có thế bác ấy là một tên cướp biển. Giống như người đàn ông ở đoạn đầu câu chuyện Đảo giấu vàng nên phải trốn chui trốn lủi tránh những tên đồng bọn cũ.

– Ái chà, tất cả những chuyện này có cái gì thật kích động đây! – Polly reo lên. – Thế mà tớ chưa bao giờ nghĩ là nhà bên ấy lại có gì hấp dẫn đâu.

– Cậu có thể nghĩ là nó thú vị. – Digory buồn bã nói. – Nhưng cậu sẽ không thích thế đâu, nếu buộc phải sống ở đó. Làm sao cậu thích được khi nằm nín thở lắng nghe tiếng bước chân của bác Andrew rón rén đi dọc hành lang vào buồng ngủ của cậu? Mà bác ấy có đôi mắt trông đến sợ.

Chuyện xảy ra vào những ngày đầu mùa hè. Năm ấy, cả hai đứa trẻ đều không đi nghỉ mát ngoài biển nên hầu như ngày nào chúng cũng gặp nhau.

Đó là một trong những mùa hè ẩm ướt và lạnh lẽo nhất trong bao năm qua. Thời tiết buộc chúng phải chơi những trò chơi trong nhà: bạn có thể gọi đó là những khám phá trong bốn bức tường. Tuyệt vời biết bao khi bạn có thể đi thám hiểm trong một ngôi nhà rộng hoặc trong cả một dãy nhà với một mẩu nến.

Từ lâu, Polly đã phát hiện ra rằng nếu nó mở một cánh cửa nhỏ trong gian phòng áp mái đựng đồ linh tinh, nó sẽ tìm thấy một cái bồn chứa nước và một góc tối sau bồn chứa, một nơi mà nó có thể vào được bằng cách bò cẩn thận từng chút một. Cái chỗ tối tăm ấy rất giống một địa đạo sâu hun hút, bức tường gạch ở một bên và mái nhà dốc thoai thoải ở bên kia. Có vài khe hở nhỏ trên mái nhà, giữa những viên đá đen, cho phép một vài tia sáng lọt vào. Không có sàn nhà ở lối đi này. Bạn phải đặt từng bước chân lên các rui nhà mà giữa các rui chỉ có vữa. Nếu đặt chân lên đấy bạn sẽ thấy mình rơi tọt xuống trần nhà phía dưới. Polly đã dùng một phần lối đi ngay bên cạnh bồn chứa như một cái hang của những kẻ buôn lậu. Nó tha đến đấy nào mấy hộp đựng đồ đã cũ mèm, mấy cái ghế bị gãy trong nhà bếp và những vật dụng tương tự. Nó gác những vật đó từ thanh rui này sang thanh rui khác làm thành một lối đi mới. Trong hang, nó cất giữ một cái hộp đựng tiền, có chứa nhiều vật lặt vặt khác, có cả một câu chuyện mà nó đang viết và thường là một vài trái táo. Nó cũng thường lặng lẽ uống một chút bia gừng ở đây: những cái chai cũ làm cho nơi này giống một cái hang của bọn buôn lậu thật sự.

Digory thích cái hang này (Polly không để cho bạn đọc câu chuyện nó đang viết) nhưng nó còn thích thám hiểm hơn.

– Coi này, – một hôm nó nói – cái lối đi này kéo dài đến đâu? Tớ muốn nói không biết có phải nó chỉ nằm trong khu vực nhà cậu không?

– Không, – Polly nói, – tường không xây cao đến tận mái nhà. Lối đi thông qua hai nhà, nhưng tớ không biết nó dài bao nhiêu.

– Nếu vậy chúng ta có thể đi suốt chiều dài của cả dãy nhà này.

– Có thể. – Polly nói. – Ồ, tớ muốn nói…

– Nói cái gì?

– Chúng ta có thể đi vào những căn nhà khác.

– Phải, và để bị tóm như những kẻ đào tường khoét ngạch. Không, xin cảm ơn.

– Đừng có suy diễn như thế. Tớ đang nghĩ đến căn hộ cạnh nhà cậu.

– Có chuyện gì vậy?

– Chuyện gì à? Thì nó là nhà hoang. Bố tớ bảo, nó bị bỏ hoang kể từ ngày nhà tớ dọn đến đây.

– Nếu vậy, tớ cho rằng chúng mình cũng nên thử nhìn qua một cái xem sao. – Digory nói. Nó còn dễ bị kích động hơn là bạn tưởng nếu căn cứ vào cái cách nó nói. Bởi vì nó đang hình dung ra tất cả những lí do – cũng như vào lúc này chắc bạn cũng đang nghĩ – là tại sao căn nhà lại bị bỏ hoang lâu đến thế. Cả Polly cũng vậy, tuy không đứa nào nói ra cái câu là nhà – có – ma. Cả hai đều cảm thấy một khi đã nói ra thành lời thì chúng đích thị là những đứa hèn nhát nếu sau đó không dám thám hiểm ngôi nhà này.

– Vậy chúng ta sẽ tìm hiểu ngay bây giờ chứ? – Digory hỏi.

– Ừm… được…

– Thôi nếu bạn chưa sẵn sàng, thì thôi vậy. – Digory gợi ý.

– Tớ dám liều nếu cậu cũng có gan. – Polly rắn rỏi đáp.

– Nhưng làm sao chúng ta biết được khi nào chúng ta bước sang ngôi nhà kế tiếp? – Hai đứa quyết định chúng sẽ đi ra khỏi phòng chứa đồ và cứ tiếp tục đếm từng bước khi đi qua các rui nhà. Bằng cách ấy chúng sẽ biết có bao nhiêu rui nhà trong một gian phòng. Sau đó chúng sẽ tính thêm bốn cái rui nữa, lối đi giữa hai gian phòng áp mái trong nhà Polly và cũng một con số tương tự như thế cho phòng cô hầu gái và phòng chứa đồ. Như vậy, chúng sẽ ước lượng được chiều ngang ngôi nhà. Khi đi gấp đôi khoảng cách đó, chúng sẽ đi hết nhà Digory và bất cứ cánh cửa nào mở ra sau đó sẽ dẫn chúng đến ngôi nhà áp mái của ngôi nhà không có người ở.

– Nhưng tớ không mong là nó bỏ hoang chút nào. – Digory nói.

– Thế cậu mong cái gì nào?

– Tớ muốn có một ai sống lén lút trong đó, chỉ đến và đi vào ban đêm, với một cái đèn lồng che kín. Có thể chúng ta sẽ khám phá ra một băng tội phạm nghiêm trọng và nhận được một phần thưởng. Tất cả tình trạng mục nát này đều nói lên rằng ngôi nhà bị bỏ hoang bao năm qua, trừ phi có một bí mật nào đó.

– Bố tớ nói có thể đó là do các ống nước. – Polly nói.

– Chà! Người lớn bao giờ cũng nghĩ ra những lời giải thích chán chết. – Digory nói.

Lúc này chúng đang đứng nói chuyện ở phòng áp mái, dưới ánh sáng ban ngày chứ không phải dưới ánh nến trong hang buôn lậu nên mọi chuyện dường như đơn giản hơn và cái ý nghĩ ngôi nhà bị ma ám xem ra không có sức thuyết phục.

Khi hai đứa đo đạc phòng áp mái, chúng dùng đến bút chì và làm nhiều việc khác. Đầu tiên, hai đứa đặt ra những câu trả lời khác nhau cho vấn đề này và kể cả khi chúng nhất trí với nhau thì tôi cũng không chắc là những vấn đề chúng đặt ra có đúng không nữa. Hai đứa nóng lòng muốn bắt đầu cuộc khám phá bí mật ngôi nhà hoang.

Chúng ta không được gây ra tiếng động. – Polly nói trong khi hai đứa trèo ra sau bồn nước. Đây là một trường hợp quan trọng, mỗi đứa cầm một ngọn nến (Polly có cả một kho nến dự trữ trong hang).

Lối đi vừa tối tăm, bụi bặm, vừa khó đi và chúng bước từ cái rui này qua cái rui khác mà không nói một lời, trừ một vài lần thì thào những câu như: Chúng ta đang đối diện với phòng gác mái nhà cậu – hoặc – chắc đã đi được nửa đoạn đường.

Không một đứa nào bị trượt chân và nến cũng không tắt. Cuối cùng hai đứa cũng đến đích và chúng thấy một cánh cửa nhỏ trổ ra từ bức tường gạch bên tay phải. Không có then cửa hoặc tay cầm ở phía bên này vì tất nhiên cái cửa được làm ra chỉ để đi vào chứ không phải để đi ra, nhưng có một cái móc (như bạn thường thấy ở bên trong một cái cửa tủ) và bọn trẻ cảm thấy yên tâm, thế là chúng có hai đường thoát lui.

– Để tớ vào nhé. – Digory nói giọng ngập ngừng.

– Tớ cũng sẽ liều nếu cậu dám. – Polly lặp lại câu nó đã nói lần trước. Cả hai đều cảm thấy chúng đang tiến gần đến một cái gì khá nguy hiểm, nhưng không đứa nào muốn rút lui trước. Digory mở cái móc một cách khó khăn. Cánh cửa bật mở và bất thình lình ánh sáng ban ngày làm cho chúng lóa mắt. Rồi với một sự kinh ngạc cao độ, chúng thấy trước mắt không phải là một cái phòng áp mái bỏ hoang mà là một căn phòng được bày trí đồ đạc, mặc dù khá trống trải và căn phòng chìm trong một sự im lặng đầy chết chóc. Sự tò mò của Polly đã thắng, nó thổi tắt ngọn nến và bước vào căn phòng kì lạ, không gây nên một tiếng động to hơn của một con chuột nhắt.

Tất nhiên căn phòng này chính là phòng áp mái nhưng lại được bày biện như phòng khách. Nhiều khoảng tường được kê kín bởi các kệ sách và nhiều kệ sách chất đầy sách vở. Một ngọn lửa bập bùng cháy sáng trong vỉ lò (xin bạn nhớ cho, đó là một mùa hè ẩm ướt và lạnh lẽo). Trước lò sưởi và quay lưng về phía hai đứa là một cái ghế bành lưng cao. Giữa cái ghế và Polly, và gần như nằm giữa phòng là một cái bàn lớn bày la liệt đủ loại sách in, tập vở, lọ mực, sáp dán thư và một cái kính hiển vi. Nhưng vật đập ngay vào mắt Polly là một cái khay gỗ màu đỏ tươi đựng mấy cái nhẫn. Nhẫn được sắp thành từng cặp, màu xanh đi đôi với màu vàng, chừa một khoảng trống rồi lại đến một cặp nhẫn tiếp theo. Những chiếc nhẫn này không lớn hơn những chiếc nhẫn bình thường và không ai không nhận ra bởi vì những chiếc nhẫn này phát sáng. Có thể nói đó là những vật nhỏ lấp lánh và đẹp nhất mà bạn có thể hình dung ra được. Nếu Polly nhỏ hơn một chút, hẳn nó sẽ muốn ngậm một cái trong miệng.

Căn phòng yên ắng đến mức bạn sẽ nhận ra ngay tiếng tích tắc đều đặn của một chiếc đồng hồ. Tuy vậy, bây giờ Polly nhận ra là căn phòng không hoàn toàn yên lặng. Có một tiếng rù rì rất mảnh, rất mơ hồ, rất khẽ khàng, khiến nó khó lòng nhận ra được. Nếu máy hút bụi được sáng chế ra vào thời ấy hẳn Polly sẽ nghĩ đó là tiếng động của một cái máy hút bụi hiệu Hoover đang hoạt động ở xa – cách đây mấy căn phòng và ở dưới mấy tầng lầu. Nhưng đây là một âm thanh dễ chịu hơn nhiều, giàu nhạc điệu  hơn, chỉ có điều nó quá nhỏ để bạn có thể nhận ra ngay.

– Ổn rồi, không có ai ở đây hết. – Polly ngoái đầu lại nói với Digory. Giọng nó chỉ to hơn tiếng thì thào một chút. Digory bước vào phòng, hai mắt hấp háy, cả người nhem nhuốc như vừa trong lỗ chui ra – thực ra thì cả Polly cũng vậy.

– Thế này thì không ổn rồi. – Digory nói. – Hoàn toàn không phải là nhà hoang. Tốt nhất hãy ra khỏi đây trước khi có người tới.

– Cậu nghĩ kia là cái gì? – Polly hỏi, chỉ vào những cái nhẫn lấp lánh.

– Ồ, thôi đi, càng sớm… – nó còn chưa kịp nói hết câu thì đã có một chuyện xảy ra.

Cái ghế bành lưng cao trước lò sưởi bất thần chuyển động và từ đó đứng lên – giống như một con quỷ lao ra từ một cái cửa sập trong kịch thần thoại – chính là cái bóng dáng u ám đầy đe dọa của bác Andrew. Thế là không phải chúng vào ngôi nhà hoang mà là đang đứng trong nhà Digory và ở trong căn phòng cấm. Cả hai đều ồ lên một tiếng, khi nhận ra sai lầm của mình. Chúng cảm thấy lẽ ra chúng phải biết trước là không nên đi quá xa như thế.

Bác Andrew cao lòng khòng, gầy trơ xương, khuôn mặt dài thòng, nhẵn nhụi không râu, với cái mũi nhọn hoắt, đôi mắt sáng long lanh và mái tóc bạc rối bù.

Digory ớ người ra không thốt lên được tiếng nào bởi vì trông bác Andrew một ngàn lần dữ tợn hơn bất cứ lúc nào trước đó. Tuy lúc đầu Polly không sợ hãi bằng bạn, nhưng chẳng bao lâu cô bé cũng hoảng thật sự. Bởi việc đầu tiên bác Andrew làm là đi đến cửa phòng, đóng sập cửa lại, quay chìa khóa trong ổ. Đoạn ông quay lại nhìn hai đứa chằm chặp: đôi mắt sáng quắc, những thớ thịt trên mặt nhúc nhích, ông nhe ra tất cả 36 cái răng.

– Bây giờ thì cô em gái ngu ngốc của ta sẽ không làm gì được các cháu.

Mọi việc thật dễ sợ và không hề giống bất cứ cái gì mà người ta chờ đợi ở một người lớn. Trái tim Polly thót lên đến tận cổ, nó và Digory quay lại nhìn chằm chằm vào cái cánh cửa mà chúng vừa chui qua. Bác Andrew hành động rất nhanh. Ông đi vòng ra sau lưng hai đứa, đóng sập cánh cửa lại và đứng chắn ngang. Đoạn ông xoa hai tay vào nhau, bẻ đốt ngón tay răng rắc – ông có những ngón tay dài, trắng xanh, thanh nhã.

– Bác rất vui khi được gặp các cháu. Hai đứa đúng là người mà bác cần.

– Làm ơn, thưa ông Ketterley, – Polly năn nỉ. – Sắp đến giờ ăn trưa rồi và cháu phải về nhà. Xin ông làm ơn cho chúng cháu ra ngoài.

– Chưa phải lúc này, một cơ hội tốt như vậy làm sao ta có thể bỏ qua được. Bác muốn cả hai đứa. Các cháu thấy đấy, bác đang tiến hành một thí nghiệm hết sức vĩ đại. Bác đang thử với một chú chuột bạch và nó dường như có tác dụng. Nhưng một con chuột bạch thì không thể nói với các cháu bất cứ điều gì. Và các cháu cũng không thể giải thích với nó khi nó quay lại.

– Coi này, bác Andrew, – Digory nói, – đã đến giờ ăn rồi và mọi người sẽ đi tìm chúng cháu. Bác phải để cho chúng cháu ra khỏi đây.

– Phải ư? – Bác Andrew hỏi lại.

Digory và Polly liếc nhìn nhau. Chúng không dám nói thêm điều gì nhưng những cái liếc mắt có nghĩa là: – Thôi lần này thì tiêu rồi – và – Chúng ta cố chịu đựng một lúc xem sao.

– Nếu bác để cho chúng cháu về nhà ăn trưa ngay bây giờ, – Polly nói, – chúng cháu sẽ trở lại đây sau bữa ăn.

– Ờ, mà làm sao ta biết chắc là các cháu sẽ làm như thế hả? – Bác Andrew nói với một nụ cười rất láu, nhưng sau đó ông có vẻ nghĩ lại.

– Thôi được, thôi được, nếu các cháu nhất định phải về thì bác cũng cho là các cháu nên đi đi. Bác cũng không dám hi vọng là hai bạn nhỏ như các cháu lại thấy có gì vui vẻ trong việc nói chuyện với một lão già vô dụng như ta. – Ông thở dài và nói tiếp. – Các cháu không biết đôi khi ta cảm thấy cô đơn như thế nào đâu. Nhưng không hề gì, cứ về ăn cơm đi. Nhưng mà này, ta phải cho cháu một món quà trước khi cháu ra về chứ? Không phải ngày nào ta cũng gặp một cô bé trong căn phòng làm việc cũ kĩ bẩn thỉu này đâu… nhất là, ta có thể nói… một cô bé đáng yêu như cháu.

Polly bắt đầu nghĩ rằng ông già này không hề điên chút nào.

– Cháu có muốn một cái nhẫn không cháu gái? – Bác Andrew nói với Polly.

– Có phải bác muốn nói một trong những chiếc nhẫn vàng hoặc xanh lá cây kia? Trông chúng thật đẹp ạ.

– Không phải nhẫn xanh lá cây. – Bác Andrew nói. – Bác e rằng, bác chưa thể cho cháu một cái nhẫn màu xanh. Nhưng bác rất vui được tặng cháu bất cứ chiếc nhẫn màu vàng nào… với tất cả tấm lòng quý mến của bác. Lại đây đi, thử một cái xem nào.

Lúc này Polly đã vượt qua được nỗi sợ hãi, nó biết rõ là ông già này không điên, và chắc chắn là những chiếc nhẫn kia có một sức hút không thể cưỡng lại được. Cô bé bước đến gần khay gỗ.

– Sao thế nhỉ? Cháu dám nói là những tiếng rù rì này nghe to hơn. – Polly nói. – Hình như chính những chiếc nhẫn phát ra cái tiếng rù rì này.

– Chỉ là một trò chơi vui vui của trí tưởng tượng, cháu yêu ạ. – Bác Andrew nói với một tiếng cười cụt lủn. Một tiếng cười bình thường không có gì đáng nói nhưng Digory đã nhìn thấy một vẻ háo hức gần như là tham lam trên gương mặt ông.

– Polly! Đừng ngốc như thế! – Nó thét lên. – Đừng chạm tay vào!

Quá trễ rồi. Đúng lúc nó bật ra thì Polly đã đưa tay ra chạm vào một trong những cái nhẫn. Và lập tức Polly biến mất không phát ra một tia chớp, một tiếng động hay một lời cảnh báo nào. Chỉ còn lại Digory và bác nó trong phòng.

CHƯƠNG 2: Bí mật của pháp sư

Mọi việc xảy ra quá bất ngờ và quá kinh khủng, không giống bất cứ chuyện gì từng xảy ra với Digory kể cả trong một cơn ác mộng. Nó hét lên một tiếng. Bác Andrew nhanh nhẹn đưa tay ra bịt miệng nó lại.

– Đừng làm thế. – Ông thì thào vào tai nó. – Nếu cháu làm ồn, mẹ cháu sẽ nghe thấy mất. Cháu cũng biết là tiếng kêu sẽ làm cho mẹ cháu hoảng như thế nào.

Như sau này Digory kể lại, cái ý nghĩ kinh khủng về mối quan hệ ruột thịt với con người này bằng một cách nào đó làm cho nó chỉ chực nôn ọe. Nhưng tất nhiên nó không la hét nữa.

– Thế có phải hơn không? – Bác Andrew nói. – Có lẽ cháu khó mà chịu đựng nổi. Thật là một cú sốc khi một ai đó tan biến ngay trước mũi mình. Nó cũng làm cho bác giật cả mình khi chuyện ấy xảy ra với một con chuột bạch vào một đêm nọ.

– Lúc ấy bác cũng la lên? – Digory hỏi.

– Ồ, cháu có nghe thấy, đúng không? Bác hi vọng cháu không rěnh mň bác.

– Không, cháu không thèm làm thế, – Digory nói giọng phẫn uất, – nhưng chuyện gì sẽ xảy ra với Polly đây?

– Hãy chúc mừng bác đi, cậu bé. – Bác Andrew nói, xoa hai tay vào nhau. – Thí nghiệm của bác đã thành công. Cô bé đã tan biến – bốc hơi – ngay ở đây, ra khỏi thế giới này.

– Bác đã làm gì bạn ấy?

– Gửi cô bé… đi… đi đến một nơi khác.

– Bác nói thế nghĩa là sao? – Digory thảng thốt hỏi.

Bác Andrew ngồi xuống ghế bành, từ tốn đáp:

– À bác sẽ cho cháu biết mọi chuyện. Thế cháu đã bao giờ nghe nói đến bà già Lefay chưa?

– Đó có phải là một bà cô hay một người đại loại như thế không ạ?

– Không hẳn thế. Bà ấy là mẹ đỡ đầu của bác. Kia kìa, bà ở kia, trên bức tường đối diện.

Digory nhìn theo hướng tay chỉ và trông thấy một tấm ảnh đã phai màu chụp một bà già đội mũ bêrê. Bây giờ thì nó có thể nhớ lại là nó đã từng thấy tấm ảnh chụp cũng cái khuôn mặt này để trong một chiếc ngăn kéo cũ trong ngôi nhà của nó ở vùng quê. Nó đã hỏi mẹ người đàn bà đó là ai nhưng mẹ nó dường như không muốn nói nhiều về chủ đề này. Đó hoàn toàn không phải là một khuôn mặt dễ coi, Digory nghĩ, dù tất nhiên vào cái thời xa xưa ấy những tấm ảnh không nói lên được gì nhiều.

– Có cái gì… không… có chuyện gì không ổn về bà ấy phải không bác Andrew?

– À, – bác Andrew nói với một tiếng cười khùng khục trong cổ, – điều đó còn tùy thuộc vào cái điều mà cháu gọi là không ổn. Con người ta vốn rất rất thiển cận. Chắc hẳn bà có phần hơi kì cục vào lúc cuối đời… Làm những việc thiếu khôn ngoan. Đó là lí do tại sao người ta nhốt bà lại.

– Trong một nhà thương điên, bác muốn nói thế?

– Ồ, không, không, không phải thế. – Bác Andrew nói với một giọng sững sờ. – Không có chuyện như thế. Chỉ là… trong một nhà tù.

– Vậy… vậy bà ấy đã gây ra chuyện gì?

– Một người đàn bà tội nghiệp, bà ấy thật dại dột. Ôi, có nhiều chuyện lắm lắm. Chúng ta không nên sa vào tất cả những chuyện này. Bà bao giờ cũng rất tốt đối với bác.

– Nhưng bác coi chừng đấy, chuyện gì sẽ xảy ra với Polly? Cháu ước gì bác có thể…

– Chuyện gì cũng đều có thời điểm của nó, anh bạn ạ. – Bác Andrew vẫn thủng thỉnh nói tiếp. – Người ta thả bà Lefay ra trước khi bà qua đời và bác là một trong số ít người được bà cho phép gặp mặt vào lúc lâm chung. Bà rất ghét những kẻ tầm thường, dốt nát, cháu hiểu không? Bác cũng thế… bà cụ và bác cùng quan tâm đến một việc. Chỉ vài ngày trước khi qua đời, bà bảo bác đến một chiếc bàn làm việc cũ trong nhà bà, mở một ngăn kéo bí mật và mang đến cho bà một cái hộp nhỏ mà bác tìm thấy trong đó. Ngay lúc cầm cái hộp ấy lên, bác đã có thể nói rằng bác đang nắm trong tay một bí mật lớn nếu cứ căn cứ vào cái cảm giác tê buốt như kim châm ở hai bàn tay. Mẹ đỡ đầu đưa cái hộp cho bác, buộc bác phải hứa là ngay sau khi bà nhắm mắt ra đi, bác phải đốt cái hộp mà không được mở ra với những nghi thức nhất định. Lời hứa này bác đã không giữ được.

– Nếu vậy, bác là một kẻ xấu xa.

– Xấu xa? – Bác Andrew lặp lại với vẻ bối rối. – Ồ, bác biết rồi. Cháu muốn nói các cậu bé phải giữ lời hứa của mình. Rất đúng, bác chắc đó là một điều rất đúng đắn, phải đạo và bác mừng là cháu được dạy dỗ chu đáo về điểm đó. Nhưng tất nhiên cháu phải hiểu là lẽ phải cũng có ba, bảy đường: những điều là tuyệt đối đúng với các cậu bé con… và bọn đầy tớ… và đàn bà thậm chí với con người nói chung… làm sao những điều ấy có thể nghĩ là áp dụng được cả với những sinh viên xuất chúng, những nhà tư tưởng và hiền triết vĩ đại. Không đâu, Digory! Những người đàn ông như ta sở hữu một trí tuệ vĩ đại, siêu việt… giải phóng khỏi những quy luật thông thường cũng như chúng ta bị tước đoạt những niềm vui thông thường. Chúng ta, anh bạn thân mến ạ, chúng ta có một sứ mệnh cô đơn và cao cả.

Trong khi giãi bày cả cõi lòng như thế, bác Andrew thở dài, khuôn mặt có vẻ nghiêm trọng gần như cao quý và huyền bí đến nỗi trong một giây Digory thoáng có ý nghĩ tất cả những điều bác mình nói đều tốt đẹp. Nhưng rồi nó nhớ lại cái vẻ hiểm ác trên mặt bác nó vào cái lúc Polly biến mất và một lần nữa nó lại nhìn thấy qua những lời lẽ hay ho ấy một cái gì khác. – Tất cả đều là ngụy biện, – nó tự nhủ, – ông ta nghĩ rằng mình có quyền làm bất cứ việc gì mình muốn để có được cái mà mình thích.

– Tất nhiên, trong một khoảng thời gian dài, bác không dám mở cái hộp vì bác biết, có thể nó chứa đựng một cái gì hết sức nguy hiểm. Bởi vì mẹ đỡ đầu của bác là một người rất đặc biệt. Sự thật thì mẹ đỡ đầu của bác là một trong những người cuối cùng trên đất Anh này mang dòng máu thần tiên trong huyết quản (bà nói cùng thời với mình còn có hai người nữa. Một người là một nữ công tước, người kia là một bà giúp việc). Trong thực tế, Digory à, cháu đang nói chuyện với người đàn ông cuối cùng (dám thế lắm) có một người mẹ đỡ đầu siêu nhiên. Thật thế, sẽ có một cái gì đó để cháu có thể nhớ lại khi cháu, đến lượt mình, cũng lại trở thành một lão già.

– Cháu đoán bà ta là một bà tiên ác, – Digory thầm nghĩ và nó nói to ra cái ý nghĩ đang chiếm trọn tâm trí nó, – nhưng còn Polly thì sao ạ?

– Sao cháu cứ lải nhải mãi chuyện đó vậy? Cứ làm như thể chuyện đó có gì ghê gớm lắm ấy. Tất nhiên… nhiệm vụ đầu tiên của bác là nghiên cứu cái hộp. Nó rất cổ xưa. Bác cũng đủ kiến thức để nhận biết nó không thuộc về thời cổ Hi Lạp hoặc cổ Ai Cập, cũng không phải của người Babylon hoặc người Hittite hoặc người Trung Quốc. Nó còn lâu đời hơn tất cả những nền văn minh này. Rồi một ngày trọng đại cũng đến khi cuối cùng bác tìm ra sự thật. Cái hộp này thuộc về thời đại Atlanta, nó đến từ một hòn đảo đã biến mất trong vùng Atlantis. Điều đó có nghĩa là nó có niên đại lâu đời hơn vài thế kỷ so với bất cứ vật nào thuộc thế kỷ đồ đá mà người ta khai quật được ở châu Âu. Nó cũng không thô sơ và kém thẩm mĩ như những vật ấy. Từ thời bình minh của nhân loại, Atlantis đã là một kinh đô lớn với nhiều cung điện, đền đài và những người thông thái.

Bác Andrew dừng lại như thể chờ đợi Digory nói một cái gì đó. Nhưng thằng bé mỗi lúc một ác cảm với ông bác hơn nên nó lặng thinh không nói.

– Trong khi đó, – bác Andrew nói tiếp, – bác cũng đã tìm hiểu được nhiều điều, bằng những cách thức khác nhau – không thích hợp để giải thích cho một đứa trẻ – về Pháp thuật nói chung. Nói thế có nghĩa là bác đã đi đến chỗ có những ý niệm đúng đắn về những gì có thể có trong cái hộp đó. Bằng nhiều thử nghiệm khác nhau, bác đã có thể đi đến chỗ khoanh nhỏ vùng về những điều có thể xảy ra. Bác cũng đi đến chỗ nhận thức được là có một số người – phải, đấy là những kẻ kì lạ, quỷ quái – đã trải qua những kinh nghiệm hãi hùng, đáng sợ. Chính điều này đã khiến tóc bác bạc trắng như thế này. Người ta không trở thành một pháp sư mà chẳng vì cái gì cả. Cuối cùng, sức khỏe của bác cũng bị suy sụp. Nhưng rồi bác cũng khá hơn. Rốt cục, bác cũng đã biết chính xác.

Mặc dù ngồi ở đây không thể có ai nghe được câu chuyện giữa hai người, ông bác vẫn cúi người về phía trước thì thầm vào tai đứa cháu:

– Cái hộp Atlanta chứa một chất bột có thể mang người ta sang thế giới khác từ khi thế giới mà chúng ta đang sống chỉ mới bắt đầu.

– Là cái gì ạ? – Digory hỏi, bây giờ thì chính nó cũng bị lôi cuốn vào câu chuyện từ lúc nào không biết.

– Chỉ là bụi. Phải, chỉ là tro bụi. Chẳng có gì nhiều để xem xét, không có gì nhiều để khoe với cái thế giới nhọc nhằn này, cháu có thể nói như thế. À, nhưng khi bác nhìn vào đám bụi (bác rất cẩn thận để không chạm đến nó), bác đã nghĩ là mỗi một hạt bụi này đều đã từng ở trong một thế giới khác – bác không có ý nói là một hành tinh khác, cháu cũng biết đấy, các hành tinh cũng là một phần trong thế giới của chúng ta và cháu có thể đến được đấy nếu cháu đi đủ xa. Nhưng Một Thế Giới khác – một giới Tự nhiên khác – một vũ trụ khác, là một nơi cháu không thể tới được kể cả khi cháu du hành trong cái khoảng không bao la này của vũ trụ muôn đời và mãi mãi. Đó là một thế giới có thể đặt chân đến bằng một phép màu – là thế đấy. – Nói đến đây bác Andrew lại vặn hai tay vào nhau cho đến khi các đốt ngón tay của bác kêu côm cốp như tiếng than nổ đôm đốp trong lò sưởi.

– Bác biết, – ông bác tiếp tục, – rằng nếu ta có thể đưa nó về hình dạng thích hợp thì đám bụi này sẽ đưa ta quay lại cái chỗ mà từ đấy nó ra đi. Nhưng cái khó chính là ở chỗ làm sao đưa nó về hình dạng thích hợp. Tất cả những thử nghiệm đầu tiên của bác đều thất bại. Bác đã thử làm với bọn chuột bạch. Một số con lăn ra chết. Số khác lại nổ tung như quả bom.

– Làm như vậy thật vô cùng tàn ác. – Digory nói, nó đã từng có một con chuột như vậy.

– Sao cháu lại giữ mãi cái thành kiến ấy? Những con vật ấy chỉ có giá trị như vậy. Bác đã bỏ tiền ra mua chúng. Để coi nào, bác kể đến đâu rồi? À, phải, cuối cùng bác đã thành công trong việc chế tạo ra những chiếc nhẫn: những chiếc nhẫn màu vàng. Nhưng đến đây lại có một khó khăn khác nảy sinh. Bác chắc như đinh đóng cột là chiếc nhẫn màu vàng sẽ đưa bất cứ sinh vật nào chạm đến nó sang một thế giới khác. Nhưng điều đó thì có nghĩa lí gì khi bác không thể đưa chúng trở về để chúng nói cho bác biết chúng nhìn thấy những gì ở cái thế giới ấy.

– Chuyện gì sẽ xảy ra với chúng? – Digory ghê tởm nói. – Cả một đàn chuột lớn nếu như chúng không biết đường quay trở lại.

– Thôi nào, sao cháu cứ giữ mãi cách nhìn nhận mọi việc từ một quan điểm sai lạc như vậy? – Bác Andrew kêu lên với vẻ đã mất hết kiên nhẫn. –  Cháu không thể hiểu được rằng đây là một thí nghiệm vĩ đại vô tiền khoáng hậu sao? Toàn bộ vấn đề của việc đưa bất cứ ai sang một thế giới khác chính là để tìm hiểu xem cái thế giới ấy như thế nào.

– Vậy, tại sao bác không tự mình đi đến đấy?

Digory khó có dịp trông thấy bất kỳ một ai có vẻ sửng sốt và bị xúc phạm đến thế trước câu hỏi hết sức đơn giản này.

– Ta ư? Là ta ư? – Ông rống lên. – Thằng lỏi này mất trí rồi! Một người đàn ông ở tuổi này, trong tình trạng sức khỏe hiện nay mà lại lao đầu vào những nguy hiểm và những cú sốc rợn người của việc bất thần bị lẳng vào một thế giới khác ư? Ta chưa bao giờ nghe một điều gì vô lí đến như thế trong đời. Cháu có nhận ra mình vừa nói gì không hả? Cứ nghĩ coi, thế giới khác có nghĩa là… cháu có thể gặp bất cứ cái gì, phải, bất cứ cái gì.

– Vì vậy bác đã gửi Polly đến đó. – Digory nói, hai má đỏ lựng lên vì giận dữ. – Tất cả những điều cháu có thể nói – dù bác là bác ruột của cháu – rằng bác đã hành động như một kẻ tiểu nhân hèn nhát: đẩy một cô bé vào một nơi mà chính mình cũng sợ không dám đến.

– Câm miệng, ông mãnh! – Bác Andrew nói, chống cả hai tay lên bàn – Ta không thể nói chuyện theo kiểu này với một thằng nhóc con bẩn thỉu. Ngươi sẽ không hiểu đâu. Ta là một nhà bác học vĩ đại, một pháp sư cao cường, một nhà luyện đan thần thông đang tiến hành một thí nghiệm vô tiền khoáng hậu. Tất nhiên, ta cần các đối tượng để thử nghiệm. Ta ban phước cho linh hồn ngươi, chẳng lẽ ta… ta mà lại phải bảo ngươi rằng việc kế tiếp phải làm là xin phép lũ chuột bạch mỗi khi ta sử dụng chúng vào một mục đích thử nghiệm à? Không có một sự hiểu biết trác tuyệt nào có thể đạt được mà không kèm theo một sự hi sinh. Cái ý nghĩ ta phải tự mình thực hiện cuộc viễn du ấy thật lố bịch. Cũng giống như yêu cầu một vị thống soái phải cầm súng đánh nhau như một gã tân binh. Nói giả dụ, ta bị giết thì công việc của cả đời ta sẽ ra sao?

– Thôi, bác tắt cái đài ấy đi cho rồi. Bác có ý định đem Polly trở lại đây không?

– Ta đang định nói cho ngươi biết thì ngươi cứ cắt ngang một cách hỗn xược. Phải, ta đã tìm ra cách mang những vật ấy trở về. Chiếc nhẫn xanh sẽ làm việc đó.

– Nhưng Polly không có chiếc nhẫn ấy.

– Không có, đúng! – Andrew nói với một cái nhếch mép độc ác.

– Vậy thì bạn ấy không thể quay về? – Digory gào lên. – Làm như thế có khác nào bác đã giết bạn ấy.

– Con bé có thể quay về, – bác Andrew nói chậm rãi, – nếu có một ai đó chịu theo nó, đeo một cái nhẫn vàng và hai cái nhẫn xanh, một cái để trở về được, một cái để đưa cô bé quay lại.

Tất nhiên bây giờ Digory đã thấy cái bẫy mà nó bị mắc vào. Nó chằm chằm nhìn người bác không thốt ra câu nào dù cái miệng há hốc. Đôi má nó chuyển sang màu xanh mét.

– Bác hi vọng, – lúc này bác Andrew nói bằng một giọng cao và đầy quyền lực như thể ông là một người bác hoàn hảo vừa tặng cho đứa cháu ruột một món quà hoàn hảo với một lời khuyên tốt lành, – bác hi vọng Digory à, không phải cháu được sinh ra đời để vật vờ như một cọng lông chim trắng. Bác sẽ lấy làm tiếc lắm khi phải nghĩ, có một thành viên nào đó trong gia đình chúng ta không có đủ sự cao thượng, lòng nghĩa hiệp để từ chối giúp đỡ… ừm… một phụ nữ trong tình cảnh tuyệt vọng.

– Thôi im đi! – Digory nóng nảy nói. – Nếu bác có chút xíu lòng tự trọng và một cái gì như vậy, bác phải đích thân ra đi. Nhưng cháu biết, bác không làm gì có những thứ đó. Được rồi, cháu thấy mình phải liều một phen thôi. Bác đúng là đồ độc ác. Cháu cho rằng bác đã sắp đặt chuyện này, để bạn ấy ra đi mà không hề hay biết gì và cháu buộc phải đi tìm bạn ấy.

– Tất nhiên! – Bác Andrew nói với một nụ cười héo hắt, hằn học.

– Được lắm. Cháu sẽ đi ngay. Nhưng có một điều cháu rất muốn nói trước khi đi. Cháu cóc tin vào pháp thuật… cho đến tận hôm nay. Bây giờ cháu mới mở mắt ra và thấy nó có thật. Và nếu đúng là như thế, cháu cho rằng tất cả những truyện cổ tích ngày xưa đều ít nhiều phản ánh đúng sự thật. Bác chỉ là một lão phù thủy già độc ác, xấu xa, đê tiện… đúng cái loại phù thủy xấu xa trong các câu chuyện ấy. Và cháu chưa từng đọc một câu chuyện nào mà trong đó kẻ độc ác xấu xa lại có một kết cục có hậu và cháu cá là bác rồi sẽ lãnh một kết cục không ra gì… đúng với những gì bác đáng nhận lãnh.

Những điều Digory nói chưa hề vang lên trong ngôi nhà này. Bác Andrew giật mình chột dạ, khuôn mặt dúm dó lại trong một vẻ hãi hùng đến nỗi dù ông ta độc ác đến như thế nào bạn cũng gần như thấy thương hại ông ta. Nhưng chỉ một giây sau, Andrew đã xóa tan cái vẻ mặt ấy mà nói với một tiếng cười gằn:

– Phải, phải, bác cho rằng đó là một điều vẫn xảy ra trong suy nghĩ của một thằng bé lớn lên giữa đám đàn bà con gái như cháu. Ba cái chuyện cũ rích của các bà nội trợ hả? Digory à, cháu không cần lo cho hậu vận của bác. Không phải là tốt hơn khi lo cho sự an nguy của cô bạn gái nhỏ sao? Nó đã đi khá lâu rồi. Nếu như có bất cứ sự nguy hiểm nào ở nơi ấy thì không phải là điều đáng tiếc khi đến chậm một bước hay sao?

– Ái chà, bác quan tâm chu đáo quá đấy. – Digory đay nghiến. – Cháu phát ốm lên vì cái bài giảng đạo ấy đấy. Bây giờ cháu phải làm gì đây?

– Cháu nên học cách kiềm chế tình cảm của mình, con trai ạ. – Bác Andrew lạnh lùng nói. – Nếu không lớn lên cháu sẽ y hệt như dì Letty của cháu. Bây giờ thì đi theo bác.

Ông đứng dậy, đeo vào tay một đôi găng rồi đến bên chiếc khay đựng những chiếc nhẫn.

– Nó chỉ phát huy tác dụng khi thật sự chạm vào da thịt của cháu. Coi đây, với đôi găng tay này ta có thể cầm lên – như thế này – mà không có chuyện gì xảy ra. Nếu cháu bỏ vào trong túi áo thì cũng chẳng có chuyện gì hết nhưng tất nhiên, cháu phải cẩn thận, không cho tay vào trong túi mà vô tình chạm phải nó. Ngay từ lúc chạm tay vào cái nhẫn màu vàng này, cháu sẽ biến khỏi thế giới này. Khi cháu đã ở một thế giới khác, ta nghĩ – tất nhiên, điều này chưa được kiểm nghiệm, nhưng ta nghĩ thế – ngay lúc chạm vào cái nhẫn màu xanh lá cây cháu sẽ biến khỏi thế giới ấy – và ta hi vọng – sẽ lại xuất hiện ở đây. Bây giờ bác nhặt lên hai cái nhẫn xanh bỏ vào túi quần bên phải. Nhớ cẩn thận với cái túi quần có những chiếc nhẫn màu xanh nghe chưa. Chữ G cho màu xanh lá cây, còn chữ R cho bên phải. Cháu thấy chữ GR cũng là hai chữ cái đầu của từ màu xanh lá cây. Một cái cho cháu, một cái cho Polly. Bây giờ thì tự cháu hãy nhặt lên một chiếc màu vàng đi. Ta sẽ đeo nó vào ngón tay – nếu ta ở địa vị cháu. Như thế sẽ ít có khả năng đánh rơi nhẫn.

Digory gần như đã nhặt một chiếc nhẫn màu vàng lên thì nó khựng lại.

– Coi này, thế mẹ cháu thì sao? Giả sử mẹ hỏi cháu đi đâu?

– Cháu đi sớm thì sẽ về sớm. – Bác Andrew vui vẻ nói.

– Nhưng chính bác cũng không biết là cháu có thể trở về hay không cơ mà? – Digory hỏi lại.

Ông bác nhún vai đi ra phía cửa, xoay xoay chìa khóa rồi mở cửa, nói:

– Vậy thì cứ làm như cháu muốn. Xuống dưới nhà ăn cơm đi. Cứ để cho con bé bị thú dữ ăn thịt hoặc bị lạc đường nếu như đó là điều mà cháu lựa chọn. Tất cả cũng thế đối với ta. Có lẽ trước giờ uống trà, cháu nên ghé qua nhà Plummer giải thích cho mẹ nó rõ là bà ta sẽ không bao giờ gặp lại con gái nữa, chỉ vì cháu sợ không dám đeo một chiếc nhẫn.

– Lạy Chúa! Ước gì tôi đủ lớn để đập vỡ đầu ông ra.

Đoạn, nó cài nút áo khoác, hít một hồi thật sâu và cầm cái nhẫn màu vàng lên. Sau đó, nó nghĩ, như sau đó bao giờ nó cũng nghĩ, rằng nó không thể làm một việc gì đúng đắn hơn.

CHƯƠNG 3: Khu rừng giữa hai thế giới

Bác Andrew và phòng làm việc của bác biến mất trong tích tắc. Rồi chỉ một khoảnh khắc sau, mọi việc rối nùi như một mớ bòng bong. Cái kế tiếp đập vào nhận thức của Digory là làn ánh sáng màu xanh nhạt đổ từ trên cao xuống người nó, phía dưới là một tấm mền đen. Có vẻ như nó không đứng trên một cái gì mà cũng không ngồi hoặc nằm. Không có một vật gì chạm vào người nó.

– Mình tin là mình đang ở trong nước, – Digory lẩm bẩm, – hoặc giả ở dưới nước. – Ý nghĩ này làm nó phát hoảng trong vòng một giây, nhưng gần như đúng vào lúc đó nó cảm thấy mình đang lao vùn vụt về phía trước. Rồi đầu nó bất thần nhô lên trong không khí và nó thấy mình đang bò lên bờ, lên một mảnh đất trải một thảm cỏ mềm, cạnh một hồ nước nhỏ.

Trong lúc đứng lên, nó nhận ra nó không bị ướt mà cũng không thở gấp như bất cứ ai cũng thế sau khi lặn dưới nước. Quần áo nó vẫn khô nguyên. Nó đang đứng bên một hồ nước nhỏ – mỗi chiều không lớn hơn ba, bốn mét – lọt thỏm giữa một khu rừng, cây cối mọc ken sát vào nhau và rậm rạp đến mức nó không thể nhìn thấy bầu trời. Ánh sáng lọt xuống chỗ nó đứng là ánh sáng màu xanh lá cây sau khi lọc qua những tán lá: mặt trời phía trên đầu chắc phải rực rỡ lắm, bởi vì mặc dù tắm trong ánh sáng màu xanh nhưng tất cả đều sáng sủa và ấm áp. Đó là một khu rừng yên ả nhất mà bạn có thể tưởng tượng ra. Không có chim chóc, côn trùng hay một ngọn gió. Hầu như bạn có thể cảm thấy cây cối đang lớn lên. Cái hồ mà nó vừa ngoi lên không phải là cái hồ duy nhất. Có hàng chục cái hồ khác, mỗi hồ cách nhau vài mét, chạy ra xa ngút tầm mắt. Hầu như bạn có thể cảm nhận được việc cây cối uống nước với những cái rễ đâm ra tua tủa. Khu rừng này rất sống động. Sau này khi cố miêu tả lại cảm nhận này, Digory bao giờ cũng nói – Đó là một nơi thật màu mỡ, màu mỡ như một cái bánh nhân mận vậy.

Điều kỳ lạ nhất là, trước khi nhìn  lại mình, nó quên mất một nửa những sự kiện đã dẫn nó đến đây. Dù sao thì nó cũng không nhớ ra Polly hay bác Andrew, thậm chí cả mẹ nó nữa. Nó chẳng sợ hãi cũng không kích động hay tò mò gì hết. Nếu có ai hỏi nó: – Cậu bé ở đâu đến vậy? – Chắc chắn nó sẽ trả lời: – Thì ở đây chứ ở đâu. Từ trước tới giờ tôi vẫn ở đây.  – Đó là cái cách thức mà các cảm xúc diễn ra – giống như với một người bao giờ cũng ở một chỗ mà không bao giờ buồn chán cho dù không có sự cố nào xảy ra. Giống như rất lâu sau đó nó bình luận: – Đó không phải là một nơi có bất kỳ chuyện gì xảy ra, cây cối cứ tiếp tục lớn lên, thế thôi. – Sau khi Digory đã nhìn quanh nhìn quẩn khu rừng hồi lâu, nó trông thấy một cô bé nằm cạnh một gốc cây, cách nó chỉ vài mét. Đôi mắt cô bé gần như khép lại nhưng không hẳn thế, cứ như thể cô bé đang trong tình trạng nửa thức nửa ngủ. Thế là nó chăm chú nhìn cô bé một lúc lâu nhưng không lên tiếng. Chợt cô bé mở mắt nhìn nó hồi lâu cũng chẳng nói gì. Sau đó, cô bé bắt đầu với một giọng mãn nguyện, mơ màng:

– Tôi nghĩ, tôi đã trông thấy bạn trước đây rồi.

– Thật lòng tôi cũng nghĩ thế. – Digory đáp. – Mà bạn ở đây bao lâu rồi?

– Bao giờ cũng ở đây. – Cô bé nói. – Ít nhất thì tôi cũng không rõ… Có thể đã lâu lắm rồi.

– Tôi cũng vậy.

– Không đâu, tôi vừa chỉ thấy bạn ngoi lên khỏi hồ nước.

Phải, tôi cho là thế. – Digory nói vẻ bối rối. – Tôi chẳng biết gì hết.

Một lúc lâu, không ai nói gì thêm.

– Nghe này, – cô bé lại lên tiếng, – tôi tự hỏi có thật chúng ta đã từng gặp nhau không? Tôi có một ý nghĩ – một hình ảnh trong đầu về một cậu bé và một cô bé giống như tôi với bạn – sống ở một nơi nào đó rất khác với nơi này – làm những việc cũng khác lắm. Có thể đó chỉ là một hình ảnh trong mơ.

– Tôi cũng có cùng giấc mơ ấy. – Digory nói – về một thằng con trai và một đứa con gái sống cạnh nhà nhau – và về một việc gì đó giống như là bò qua những xà nhà. Tôi nhớ cô bé có một khuôn mặt lem luốc.

– Bạn có lẫn lộn không đấy? Trong giấc mơ của tôi lại là một thằng nhóc mặt mày bẩn thỉu.

– Tôi không thể nhớ ra mặt thằng bé, – Digory nói vẻ tư lự, rồi kêu lên – Ối la la! Cái gì thế này?

– Tại sao vậy? Một con chuột bạch! Cô bé nói rõ hơn. Quả thật đó là một con chuột bạch béo mũm đang dúi mõm vào một bụi cỏ. Ngang cái bụng no tròn của con vật có buộc một cái nhẫn màu vàng lóng lánh.

– Coi này! Coi này! – Digory reo lên. – Nhìn đây, bạn có một cái ở ngón tay, tôi cũng có một cái như thế.

Đến đây cô bé ngồi dậy, cuối cùng nó cũng đã thực sự quan tâm đến việc này. Chúng chăm chú nhìn nhau, cố nhớ lại mọi chuyện. Và rồi đúng lúc đó đứa con gái kêu lên: – Ông Ketterley! – Thì thằng con trai cũng hét lên: – Bác Andrew! – Bây giờ chúng đã biết mình là ai và bắt đầu nhớ lại tất cả mọi chuyện. Sau vài phút nói chuyện nghiêm túc, chúng sắp đặt các dữ kiện cho khớp vào nhau. Digory giải thích cho bạn nó hiểu bác nó xấu bụng như thế nào.

– Bây giờ chúng ta phải làm gì? – Polly hỏi. – Đem con chuột bạch này về nhà ư?

– Đâu cần phải gấp gáp như thế. – Digory nói và ngáp sái cả quai hàm.

– Tớ nghĩ thế đấy, – Polly nói, – chỗ này yên tĩnh quá. Thật mơ màng. Cậu gần như chỉ muốn ngủ. Nếu chúng ta đắm chìm mình vào đấy một lần nữa chúng ta sẽ nằm xuống và chìm vào một giấc ngủ đến muôn đời.

– Nhưng cảnh vật ở đây thật đẹp.

– Đúng là thế. Nhưng chúng ta phải về nhà. – Polly nói và đứng dậy, thận trọng đi về phía con chuột bạch. Nhưng rồi nó đổi ý.

– Tốt nhất là cứ để nó lại đây. Ở đây nó hoàn toàn vui vẻ, bác cậu sẽ chỉ dùng nó cho những mục đích độc ác nếu chúng ta đem nó quay về.

– Tớ cũng nghĩ thế. – Digory thừa nhận. – Coi đây, ông ấy đối xử với chúng ta như thế nào. Nhưng mà chúng ta quay về nhà bằng cách nào đây?

– Tớ cho là hãy quay lại chỗ cái hồ nước.

Chúng bước lại gần hồ nước hơn, nhìn xuống mặt nước êm đềm không gợn sóng. Mặt hồ phản chiếu toàn bộ hình ảnh những thân cây rậm rạp xanh um, màu xanh làm cho hồ nước  như sâu thêm.

– Chúng ta chẳng có đồ tắm, – Polly nói.

– Nhưng chúng ta đâu cần tới nó, ngốc quá. – Digory nói. – Chúng mình cứ để cả quần áo mà lội xuống. Cậu không nhớ là nước không làm chúng ta ướt khi ngoi lên sao?

– Cậu bơi được không?

– Chút chút. Còn cậu?

– Hừm. Không được thạo lắm.

– Tớ không nghĩ là mình cần phải biết bơi. Chúng ta muốn lặn xuống đáy phải không nào?

Chẳng đứa nào thích thú với ý nghĩ nhảy tòm xuống hồ, nhưng cũng chẳng đứa nào nói ra điều đó. Hai đứa cầm tay nhau hô to: – Một – Hai – Ba – Ta cùng nhảy! – rồi lao xuống nước. Nước bắn tung té lên và tất nhiên hai đứa nhắm nghiền mắt lại. Nhưng khi mở mắt ra chúng thấy mình vẫn đang đứng nguyên, tay trong tay trong khu rừng xanh tốt và nước chỉ gần chạm đến mắt cá chân chúng. Thì ra cái hồ chỉ sâu vài phân. Hai đứa lại chạy lên bờ.

– Có chuyện trục trặc quái quỷ gì thế này? – Polly thốt lên, giọng sợ hãi nhưng cũng không quá sợ hãi như bạn nghĩ đâu. Bởi vì khó mà có cảm giác sợ hãi khi ở trong một khu rừng thanh bình yên ả đến như thế.

– Ồ, tớ biết rồi. – Digory reo lên. – Tất nhiên, nó không có tác dụng vì rằng chúng ta vẫn đeo cái nhẫn màu vàng. Màu vàng là để đi ra ngoài thế giới, cậu biết đấy. Màu xanh sẽ đưa chúng ta quay về. Chúng ta cần đổi nhẫn. Áo váy của bạn có túi chứ? Tốt. Vậy hãy cho cái nhẫn màu vàng vào cái túi áo bên trái. Tớ có hai cái nhẫn màu xanh. Đây, cái này của cậu.

Hai đứa đeo nhẫn màu xanh vào rồi quay lại hồ. Nhưng trước khi thử nhảy một lần nữa, Digory đã kêu ầm lên:

– Ôi trời!

– Lại có chuyện gì thế? – Polly hỏi.

– Tớ vừa nảy ra một ý tuyệt vời. Thế còn những cái hồ khác thì sao nhỉ?

– Bạn nói thế là có ý gì?

– Là thế này, nếu chúng ta có thể trở về thế giới của mình bằng cách nhảy xuống cái hồ này, thì tại sao chúng ta không thể đến một nơi khác bằng cách nhảy xuống một cái hồ khác? Giả sử có một thế giới khác ở dưới đáy mỗi cái hồ.

– Nhưng tớ nghĩ chúng ta đang ở thế giới khác, hoặc nơi khác, hoặc là bất cứ cái gì mà bác Andrew đã gọi. Bạn không muốn nói…

– Ồ, quên bác Andrew đi. – Digory cắt ngang. – Tớ không nghĩ là ông ta biết tất tần tật mọi chuyện đâu. Ông ta chưa bao giờ dẫn xác đến đây, chỉ nói về một thế giới khác, nhưng giả sử có tồn tại vài chục thế giới khác thì sao?

– Cậu muốn nói khu rừng này chỉ là một trong những thế giới ấy?

– Đúng, tớ không tin nơi này lại là toàn bộ một thế giới. Tớ nghĩ đây chỉ là… hừm… chỉ là một trạm trung chuyển.

Polly không nói gì, khuôn mặt lộ rõ vẻ bối rối.

– Cậu thấy không? – Digory nói tiếp. – Khoan, cứ nghe tớ nói hết đã. Hãy nghĩ về cái lối đi dưới mái nhà cậu. Nó đâu phải là một cái phòng trong bất cứ ngôi nhà nào. Một nghĩa nào đó, nó cũng không thuộc về một ngôi nhà  nào. Nhưng một khi cậu đã ở đó cậu có thể đi tiếp đến bất cứ ngôi nhà nào trong dãy nhà ấy. Sao khu rừng này lại không giống như vậy? Một chỗ không thuộc về bất cứ một thế giới nào nhưng một khi cậu đã tìm thấy nó, cậu có thể đi đến tất cả những nơi khác.

– Được rồi, thậm chí nếu cậu có thể… – Polly bắt đầu, nhưng Digory tiếp tục cứ như thể nó chẳng hề nghe bạn nói gì.

– Tất nhiên, điều này có thể giải thích được một số điều. Tại sao ở đây vắng lặng như mơ ngủ vậy? Chẳng có chuyện gì xảy ra ở đây. Giống như trong một căn nhà… trong những căn nhà người ta trò chuyện, làm việc nhà và ăn uống. Chẳng có gì xảy ra ở nơi chuyển tiếp giữa hai nhà, sau các bức tường, trên những trần nhà và dưới sàn nhà hoặc là trong cái lối đi thông của chúng ta. Nhưng một khi cậu ra khỏi lối đi ấy cậu có thể thấy mình ở bất cứ ngôi nhà nào. Tớ nghĩ chúng ta có thể bằng cách này đi đến bất cứ đâu. Chúng ta không cần nhảy xuống đúng cái hồ mà chúng ta đã tới. Hoặc là chưa… vào lúc này.

– Cánh rừng giữa hai thế giới. – Polly nói mơ mộng nói, – cái tên nghe chừng ngồ ngộ đấy chứ.

– Đi nào. – Digory giục giã. – Chúng ta sẽ thử cái hồ nào trước?

– Nghe đây. – Polly nói. – Tớ sẽ không thử bất cứ một cái hồ nào cho đến khi chúng ta biết chắc là có thể trở về nhà bằng cái hồ cũ. Chúng ta còn chưa rõ là liệu việc này có diễn ra đúng như là chúng ta nghĩ hay không?

– Phải. – Digory dài giọng. – Để rồi chui tọt vào tay bác Andrew, bị tước đi những cái nhẫn trước khi chúng ta có một trò vui nào. Không đâu, xin cám ơn!

– Sao chúng ta không thử về nhà từ cái hồ của mình? – Polly nói. – Chỉ để xem nó có công hiệu không. Nếu đúng là như thế, chúng ta sẽ thay nhẫn rồi quay về đây trước khi về đến phòng làm việc của bác Andrew.

– Có thể đi được một đoạn đường sao?

– Thì cũng phải mất một khoảng thời gian nào đó chứ. Tớ nghĩ sẽ mất một chút thời gian quay lại.

Digory còn làm nhặng xị lên một hồi rồi mới đồng ý, nhưng nó chịu đầu hàng chỉ bởi vì Polly nhất định cự tuyệt không làm một cuộc khám phá ở một thế giới nào nếu không biết rõ như hai với hai là bốn là nó có thể quay về nhà. Con bé cũng dũng cảm như thằng bạn trong những lúc nguy nan (như con ong bò vẽ chẳng hạn) nhưng nó không khoái tìm kiếm điều mới lạ ở một nơi chưa từng có ai nghe nói tới còn Digory lại là một loại người muốn biết tuốt mọi thứ và khi lớn lên nó sẽ trở thành giáo sư Kirke, sẽ xuất hiện trong những cuốn sách khác.

Sau một hồi cãi vã, chúng đạt đến thỏa thuận về việc đeo những chiếc nhẫn xanh lá cây. (- Màu xanh cho sự an toàn, – Digory nói, – vì thế cậu không thể quên nó là cái gì). Hai đứa sẽ giơ tay lên nhảy tùm xuống nước. Đúng lúc chúng sắp về đến phòng để sách của bác Andrew hoặc thế giới của chúng thì Polly sẽ la lên: – Đổi nhẫn. – Hai đứa sẽ tháo nhẫn màu xanh ra và đeo vào chiếc nhẫn màu vàng. Digory muốn là người được kêu lên câu: – Đổi nhẫn, – nhưng Polly không chấp nhận.

Thế là hai đứa đeo nhẫn màu xanh, cầm tay nhau đồng thanh la lớn: – Một – hai – ba – nhảy. Lần này mọi việc xảy ra như mong đợi. Thật khó có thể thuật lại cho bạn nghe cái cảm giác khi việc đó diễn ra bởi vì mọi thứ diễn ra quá nhanh. Đầu tiên có những luồng ánh sáng chuyển động rực rỡ trên màn trời đen như nhung. Digory bao giờ cũng nghĩ đó là những vì sao, thậm chí nó còn thề rằng, nó nhìn thấy sao Mộc ở cự ly rất gần – gần đến độ có thể nhìn thấy cả vầng trăng của nó. Rồi chẳng mấy chốc chúng đã nhìn thấy hàng dãy mái nhà san sát, những ống khói vươn lên bầu trời và chúng có thể nhìn thấy nhà thờ St.Paul, thế là chúng biết mình đang nhìn xuống thành London. Nhưng chúng có thể nhìn qua các bức tường nhà và hai đứa trông thấy bác Andrew mờ mờ tỏ tỏ nhưng mỗi lúc một rõ hơn và xác định hơn cứ như thể ông đang bước đến tiêu điểm. Nhưng trước khi ông hiện ra bằng xương bằng thịt thì Polly đã kêu lên: – Đổi nhẫn – và hai đứa đổi nhẫn cùng một lúc. Thế giới của chúng nhòa dần như trong một giấc mơ, ánh sáng màu xanh lá cây trên đầu mỗi lúc một đậm hơn cho đến lúc đầu chúng nhô lên khỏi mặt nước và hai đứa bước lên bờ. Vẫn là khu rừng ấy, xanh và sáng như bao giờ cũng thế. Tất cả mọi chuyện diễn ra trong chưa đầy một phút.

– Đến rồi! – Digory nói. – Thế là ổn, đến tiết mục phiêu lưu. Bất cứ cái hồ nào cũng được. Hãy thử cái này.

– Hượm đã, chúng ta còn chưa đánh dấu cái hồ ấy phải không?

Hai đứa nhìn nhau, khuôn mặt biến thành màu trắng bợt khi nhận ra cái việc kinh khủng mà Digory vừa làm. Có nhiều hồ nước trong rừng mà cái nào cũng giống cái nào, cây nào cũng giống nhau như tạc, vì thế nếu một khi chúng để lại sau lưng cái hồ dẫn chúng trở lại thế giới của chúng ta lẫn trong hàng trăm cái hồ khác thì chuyện gì sẽ xảy ra. Tay Digory run bắn lên khi nó mở con dao nhíp, vạch một đường dài trên bờ hồ, đất ở đây (tỏa ra một mùi rất dễ chịu) là loại đất đỏ màu mỡ và lớp đất mới lật nổi bật giữa màu xanh của cây cối.

– Thật là may, khi một trong hai chúng ta có ý thức về những chuyện như thế này. –Polly nhận xét.

– Thôi đi, đừng có huênh hoang về chuyện đó nữa. – Digory nói. – Đi thôi, tớ muốn tìm hiểu ngay xem có gì trong những cái hồ kia.

Khi hai đứa đứng ở trên bờ một cái hồ chúng chọn hú họa, trong lúc tim đập thùm thụp và khuôn mặt lộ vẻ sợ hãi. Hai đứa lại đeo chiếc nhẫn màu vàng rồi đồng thanh hô to: – Một – Hai – Ba – nhảy!

Tùm một cái, một lần nữa lại chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Cái hồ té ra chỉ là một vũng nước nông choèn. Thay vì đến một thế giới khác, chúng chỉ làm ướt bàn chân và bắn nước lên ống chân lần thứ hai trong buổi sáng hôm ấy (nếu lúc ấy là buổi sáng; có vẻ như thời gian không trôi đi trong khu rừng giữa hai thế giới).

– Chết tiệt! Chán quá đi mất! – Digory thất vọng kêu lên. – Có chuyện gì trục trặc đây? Chúng ta đã đeo chiếc nhẫn màu vàng rồi cơ mà. Bác ấy chả bảo chiếc nhẫn màu vàng là để đi ra ngoài là gì.

Sự thật là bác Andrew chẳng biết gì về khu rừng giữa hai thế giới nên đã có những nhận định sai lầm về các chiếc nhẫn. Màu vàng không phải là để đi ra ngoài và nhẫn màu xanh không phải là cái để trở về hoặc ít nhất thì nó cũng không giống như ông nghĩ. Vật liệu để làm hai chiếc nhẫn này đều xuất phát từ gỗ ở khu rừng này. Chất liệu làm chiếc nhẫn màu vàng có năng lượng hút bạn đến khu rừng này bởi cái tính năng có xu hướng hút nó về chỗ cũ. Còn chất liệu làm chiếc nhẫn màu xanh lại cố đẩy nó ra xa chỗ của mình. Như vậy, nhẫn màu xanh lá cây sẽ đưa bạn ra khỏi khu rừng để đến một thế giới khác. Bác Andrew, như bạn có thể nhận thấy, đã mò mẫm giữa những thứ mà bác ta không thật hiểu biết như hầu hết các pháp sư đều như thế. Tuy nhiên, Digory không nhận ra sự thực này cả lúc ấy lẫn sau này. Sau khi trao đổi hồi lâu, cả hai đứa quyết định đeo thử chiếc nhẫn màu xanh để nhảy vào một hồ nước khác xem chuyện gì xảy ra.

– Mình cũng dám nếu cậu dám. – Polly nói. Nhưng nó nói thế bởi vì trong thâm tâm nó chắc mẩm chẳng có cái nhẫn nào có tác dụng trong một cái hồ mới, thế thì có gì phải đắn đo khi nhảy xuống một vũng nước. Tôi cũng chẳng dám cam đoan là Digory không có cảm giác tương tự đâu. Dù sao thì khi hai đứa đeo nhẫn màu xanh vào ngón tay, đi ra bờ hồ, cầm tay nhau – chắc chắn chúng vui nhiều hơn là sợ so với lần thử đầu tiên. – Một – Hai – Ba – nhảy! – Digory kêu lên và cả hai đứa cùng nhảy.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button