Văn học nước ngoài

Bố Già

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Mario Puzo

Download sách Bố Già ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

TỰA

Độc giả Mỹ chẳng lạ gì tựa sách đó. Xuất bản năm 1969 với 11 triệu bản in được bán sạch, nó là quyển tiểu thuyết hay nhất viết về giới giang hồ, giới Mafia tại Mỹ. Thật nhiều lời khen chê về nó. Và như vẫn thường xảy ra ở Mỹ, mọi quyển sách “best-seller” đều được quay thành phim.”The Godfather” đã được hãng Paramount dựng thành phim, tài tử lừng danh Marlon Brando thủ vai chính, và cũng nhanh chóng trở thành cuốn phim ăn khách nhất lúc bấy giờ.

Trong tiểu thuyết của Mario Puzo, “Bố Già” là Ông trùm Don Vito Corleone, người gốc Sicily, một trong những thủ lĩnh tối cao của giới Mafia Mỹ. Kẻ thù căm ghét ông, khiếp sợ ông, khinh bỉ ông; ông như con rắn hổ mang nguy hiểm có đôi mắt chứa đựng một uy lực tối thượng nhìn thấy hết, biết hết, làm được hết. Nhưng đối với bạn bè, thân quyến, “Bố Già” gần như là một đấng toàn năng có thể cứu họ thoát khỏi những thế kẹt và nỗi oan ức mà ngay cả luật pháp cũng chẳng gỡ được. Ông đúng là “Mafia” theo cái nghĩa nguyên thủy của nó thuở ban đầu hình thành, nơi ẩn náu.

Sự toàn năng tối thượng của “Bố Già” một phần do cái dũng trí khác thường của ông đem lại, phần khác là do những đồng đô-la trong tài sản đồ sộ của ông tạo ra.

Balzac đã viết:”Đằng sau mọi gia sản kếch sù là một tội ác”. Đó cũng chính là câu mà Mario Puzo đã trích dẫn ở đầu chương I của tiểu thuyết như lời bình giới thiệu nhân vật “Bố Già” của mình. Ông còn cẩn thận ghi chú thêm: Tất cả nhân vật trong truyện đều là hư cấu, và bất kỳ sự trùng hợp nào nếu có… đều là ngẫu nhiên. Ngày nay, chúng ta hiểu được sự thận trọng của tác giả khi viết lời ghi chú đó. Tiểu thuyết của ông quả thực đã dựa trên những chi tiết có thực về những con người có thực.

Nhiều tư liệu gần đây về Mafia và”The Godfather” cho chúng ta biết rằng nhân vật “Bố Già” ngoài đời chính là Don Vito Cascio Ferro, một trong những thủ lĩnh quan trọng đầu tiên của giới Mafia Ý di cư sang Mỹ. Ông cầm đầu giới giang hồ ở Sicily, và sau đó thống lãnh nhóm “Mano Nero” (Bàn tay đen), một nhóm chuyên tống tiền và cưỡng đoạt. Nhóm này chính là tiền thân của giới Mafia Mỹ, hiện nay được gọi là tổ chức “La Cosa Nostra” (Chuyện làm ăn của chúng ta). Những người nghiên cứu về vấn đề Mafia viết rằng cách đây hơn 50 năm, trong bè đảng của Don Vito Cascio Ferro đã sản sinh ra các thủ lãnh Mafia mới ở Mỹ và họ đã du nhập những ngành làm ăn bất chính vào Mỹ rồi phát triển chúng lên.

Ngoài “Bố Già” thực Don Vito Cascio Ferro, trong truyện còn có một nhân vật thực khác rất thú vị.”Kép” Johnny Fontane lại chính là Frank Sinatra, ca sĩ và tài tử nổi tiếng của Mỹ trong thập niên 60, bạn thân của Tổng Thống Reagan và là một trong những nghệ sĩ Mỹ giàu nhất hiện nay.

… Tuy Mario Puzo vẽ lên những nhân vật tiểu thuyết là cái bóng phản của ông X, ông Y… sừng sỏ có thực ngoài đời như đã dẫn ở trên, những điều ông tiết lộ chẳng phải là cái gì khiến độc giả bàng hoàng, sửng sốt lắm. Ngay cả những cảnh bạo lực, bắn giết trong truyện cũng vậy. Họ thích thú đọc, hồi hộp theo dõi, và dường như sẵn sàng tin vào tính chất xác thực của nó. Tin dễ dàng. Tin thanh thản. Báo chí Mỹ ngày ấy viết rằng tuy có rất nhiều máu chảy trong”Bố Già”, nó dường như lại bao phủ lên giới giang hồ một màu sắc lãng mạn nào đó. Trong khía cạnh này thì “Bố Già”cũng giống phần lớn các sách, phim Mỹ viết về đề tài các tổ chức tội ác. Các nhân vật chính trong đó không chỉ là bọn găng-tơ, hay găng-tơ mại bản, mà còn mang dáng dấp của một anh hùng, một thần tượng. Họ có những cá tính độc đáo, họ sống trong những gia đình quyền quý xây dựng trên một nền tảng gia tộc chặt chẽ, vợ họ sùng đạo và cương trực, v.v… Hơn hết, người viết không lên giọng miệt thị tố cáo giới giang hồ, cái mầm độc gây nguy hại cho xã hội Mỹ. Bằng một cách nào đó, người đọc hay người xem được cho thấy rằng tội ác rõ ràng không thể tiêu diệt được, nó là một bộ phận không xóa bỏ được.”Thời Báo” đã có lần nhận xét: chính sự lãng mạn hóa các ông Trùm Mafia và giới giang hồ đó đã khiến cho nó trở thành một hiện tượng xã hội chấp nhận được và giúp nó phát triển.”

Phải chăng Mario Puzo chỉ dừng lại ở chỗ lãng mạn hóa một ông Trùm Mafia và những sự kiện bạo lực ác liệt chung quanh ông Trùm đó? Xây dựng nhân vật dựa trên những chất liệu có thật, ông đã tiểu thuyết hóa các con người thật dưới những nét miêu tả chân chất. Và chúng ta cũng không quên chủ định của tác giả ẩn sau câu trích dẫn đầu quyển sách: “Đằng sau mọi gia sản kếch xù là một tội ác.”

Giới thiệu “Bố Già” lần này, chúng tôi mong sẽ đem đến cho độc giả một hình ảnh xưa với những suy nghĩ mới về một hiện tượng phức tạp đang tồn tại trong xã hội Mỹ hiện nay.

ĐỌC THỬ

CHƯƠNG 1

Amerigo Bonasera có việc ra Tòa, Tòa Đại-hình Nữu-Ước, Phòng 3 để nghe công lý phán xét, trừng trị hai thằng khốn can tội bạo hành, toan cưỡng dâm con gái lão. Ngài Chánh án uy nghi, bệ vệ vén áo thụng đen làm như sắp đích thân ra tay trị hai thằng nhãi ranh đang đứng xớ rớ trước Tòa. Giọng ngài sang sảng, lạnh tanh:

– Tụi bây hành động như những quân côn đồ tồi tệ nhất. Tụi bây làm như thú dữ ở rừng vậy! Cũng may mà cô bé đáng thương kia chưa bị tụi bây xâm phạm tiết hạnh, bằng không thì mỗi đứa 20 năm chắc…

Cả hai thằng cúi mặt làm như tủi hổ, hối hận. Tóc chúng hớt cao, mặt mũi sáng sủa quá. Nhưng chúng quả là thú vật, thú vật lắm mới dám càn rỡ vậy. Bonasera nghĩ thế, nhưng không hiểu sao lão vẫn mang máng cảm thấy có một cái gì giả trá bên trong vụ xử nầy.

Dưới cặp lông mày chổi xể, đôi mắt sáng lóng lánh của ngài Chánh án khẽ liếc nhìn khuôn mặt bí xị của Bonasera rồi dừng lại trên chồng đơn xin khoan hồng trước mặt. Ngài cau mặt, rồi nhún vai như sắp phải có một quyết định ngược với chính lòng mình.

– Xét vì tụi bây còn nhỏ, chưa có tiền án và con nhà đàng hoàng… Vả lại xét vì luật pháp đặt ra chẳng phải để trả thù nên tòa tuyên phạt mỗi đứa 3 năm tù, cho hưởng án treo!

Bốn mươi năm hành nghề chủ xe đòn, chôn người chết đã quen nên Bonasera giận sôi sùng sục vẫn ngậm miệng làm thinh. Con nhỏ xinh đẹp là thế ngày giờ này còn nằm liệt giường, chiếc cằm bể còn kẹp chưa lành mà cả hai thằng khốn, hai con vật lại ra về thong thả. Vậy là tòa phường tuồng còn gì? Kìa cha mẹ chúng đang tíu tít bao quanh hai cậu quý tử. Họ sung sướng, họ cười hả hê.

Bonasera nghiến răng nghe nỗi đắng cay trào lên nghẹn họng. Lão đưa chiếc khăn tay trắng lên bụm chặt miệng, ngó hai thằng khốn đi tà tà trở ra. Mặt chúng tươi rói, chúng tỉnh bơ không thèm nhìn lão một phát. Đành đứng trơ ra vậy. Cha mẹ chúng tò tò đi theo: hai cặp vợ chồng Mỹ trạc tuổi lão, bề ngoài Mỹ rặt, bẽn lẽn ra mặt nhưng ánh mắt vẫn cứ vênh váo ngầm.

Không nhịn nổi, Bonasera vuột ra khỏi hàng ghế hét toáng lên: “Được rồi! Tụi mày sẽ được khóc như tao. Con cái tụi mày làm khổ tao thì tao sẽ cho tụi mày thử nếm mùi đau khổ!”

Thấy vậy mấy ông luật sư đi sau cùng vội đẩy các thân chủ đi tới, đi nhập một với hai thằng con đang chậm bước hẳn lại làm như chúng sẵn sàng đứng ra bảo vệ cha mẹ vậy. Một bố lục sự đồ sộ còn đứng ra chắn lối Bonasera, sợ lão làm hoảng… nhưng có chuyện gì xảy ra đâu?

Bao nhiêu năm lập nghiệp ở đất này, ăn nên làm ra được cũng vì Bonasera một mặt tin tưởng ở công lý, ở trật tự xã hội. Đứng ngơ ngẩn trước tòa, căm thù đến tóe khói, đầu óc chỉ lởn vởn ý định trả thù, nghĩa là sắm ngay một khẩu súng, bắn bỏ cả hai thằng khốn, nhưng Bonasera cứ phải cắn răng an ủi mụ vợ đang đứng lặng người chưa hiểu chuyện gì: “Thôi vậy là mình bị chúng giỡn mặt rồi! Điệu này đành phải lết tới ông Trùm mới xong…”

Lão quyết định tìm tới cố nhân Corleone, tốn bao nhiêu thì tốn…

Một mình trong căn phòng khách sạn diêm dúa ở Los Angeles, kép Johnny Fontane cũng mượn rượu giải sầu như bất cứ thằng đàn ông nào bị vợ bỏ trên cõi đời này. Nằm bật ngửa trên tấm nệm đó, hắn đưa chai uýt-ky lên uống ừng ực, rồi vớ xô nước đá lạnh tợp vài ngụm đưa cay.

Bốn giờ khuya rồi men rượu bốc lên, đầu óc hắn chỉ lởn vởn ý định “thịt” con vợ, nếu nó về đây. Nếu nó còn về. Không lẽ giờ này “phôn” về cho con vợ cũ, thăm hỏi mấy đứa con hay phá mấy thằng bạn, gọi dựng nó dậy? Kỳ cục quá. Mình xuống dốc rồi. Chớ hồi đang lên thì nửa đêm chợt nhớ ra “phôn” chơi chơi cho bạn bè mới là tình sâu nghĩa nặng. Chán mớ đời. Hắn mỉm cười chua chát, nhớ ngày nào chỉ nội chuyện lên, xuống của chàng Johnny Fontane cũng làm nhức tim mấy cô đào lớn nhất nước Mỹ.

Mãi mới nghe tiếng khóa mở lách cách. Johnny biết là nó về, nhưng vẫn làm bộ tỉnh bơ nốc rượu. Nó bước vô, nó đứng sững ngay trước mặt, hắn cũng cứ ỳ ra. Coi, con này còn đẹp quá chớ? Khuôn mặt thiên thần, đôi mắt tím mơ huyền, khổ người mình dây vô cùng cân đối. Trên màn bạc nó càng lộng lẫy, mỹ miều nữa. Trách nào cả triệu anh mê, sẵn sàng bỏ tiền mua vé xi-nê chỉ cốt để chiêm ngưỡng dung nhan Margot Ashton.

Johnny lè nhè hỏi: “Mày đi đâu về giờ này?” Nó buông một câu: “Đi ngủ với trai”. Giận quá, hắn gạt tung cái bàn, nhảy dựng lên túm cổ. Toan đập thì khựng lại, buông xuôi tay. Con khốn nạn cười ngặt nghẽo, cười phá lên. Đành phải đập. Họng nó la lớn: “Ê, không đánh vào mặt. Tao đang đóng phim nghe!”

Thế là Johnny cứ bụng mà loi. Nó té ngửa, hắn nhào theo, đè cứng. Nó nghẹt thở, há miệng thở hồng hộc, hơi thở nghe lại thơm thơm nữa! Hắn bèn lựa mấy chỗ thịt non, phơi nắng đỏ hồng ở đùi, ở vai để cứ thế mà giộng túi bụi, giộng ồ ạt như hồi còn nhỏ quen bắt nạt mấy đứa nhỏ đầu đường xó chợ. Cái lối “tẩm quất” này thấm đòn đáo để mà khỏi sợ để lại vết tích, tang chứng như gãy răng, bể miệng.

Nhưng làm sao “tẩm quất” nó mãi được. Johnny chịu. Con khốn nạn biết vậy nên cười hăng hắc, cười thách thức. Lớp váy lụa thêu bên trong lộ ra, nó nằm xoạc cẳng, nằm tô hô ra, miệng la lớn: “Đây này. Mày cứ đánh đi, đánh nữa đi… Mày thì chỉ có thế!”

Chán quá, Johnny lồm cồm bò dậy. Hận lắm nhưng lại đánh không nổi con điếm này chỉ vì nó đẹp quá, đẹp quá đi. Margot cũng vùng dậy theo, nhún một phát là đứng phắt dậy, đứng chống nạnh trước mặt… rồi đi một đường vũ ưỡn ẹo, nhún nhẩy “chọc quê”.

– Mày đập tao… ăn thua gì! Như con nít vậy… Cái thứ mày thì làm ăn gì? Không bằng một đứa con nít! Vậy mà cũng đàn ông. Bộ mày tưởng làm tình cũng như mày “sủa” mấy bài máy nước ấy hả? Còn lâu! Thôi nhé, bái bai Johnny…

Thế là nó biến vào phòng ngủ, khóa cứng cửa lại. Johnny ngồi bệt xuống sàn, chán nản úp mặt vào hai bàn tay, mệt mỏi, nhục nhã đến rã rời người.

Một lúc sau, nhờ chịu đựng thất bại đã quen nên gắng gượng lấy lại tinh thần, Johnny nhấc điện thoại lên, gọi một chiếc tắc-xi ra phi trường cấp tốc. Phải bay về Nữu-Ước ngay. Tình hình này nguy ngập quá. Chỉ có một người cứu vãn nổi hắn. Chỉ có một người đủ thế lực, đủ sáng suốt và còn thực lòng thương yêu hắn. Đó là bố già Corleone.

Ông chủ lò bánh Nazorine người mập mạp in hệt một ổ bánh mì Ý. Quần áo bám đầy bột, hắn bực bội cằn nhằn vợ con. Chú làm công Enzo đâm hoảng hồn vì vụ này: bộ đồ tù binh mặc vô rồi, đeo băng tay chữ xanh đàng hoàng rồi mà trễ giờ sang trại tập hợp thì nguy quá! Hắn thuộc đám vài ngàn tù binh Ý được trưng dụng làm thợ để phục vụ kỹ nghệ sản xuất nên lỡ có chuyện lộn xộn phải trở về nghiệp tù thì đau khổ lắm lắm.

Ông chủ lớn tiếng chất vấn: “Mày tính bêu xấu gia đình tao? Mày biết là hết chiến tranh này mày sớm muộn cũng bị tống cổ về Sicily nên mày cố tình để lại cho con gái tao một cái bầu kỷ niệm chứ gì?”. Cu cậu Enzo người thấp lùn, vạm vỡ vội cuống quýt đưa tay lên ngực thề: “Thưa ông chủ… Tôi xin thề có Đức Mẹ, tôi không dám lợi dụng lòng tốt của ông chủ. Tôi thương cô chủ thiệt tình, tôi muốn xin cưới hỏi đàng hoàng. Tôi thật không nên không phải, nhưng nếu bị tống về xứ thì chẳng thế nào trở qua được. Đành phải xa Katherine vĩnh viễn”.

Lúc bấy giờ bà chủ mới gắt: “Thôi im đi, đừng vớ vẩn nữa. Anh biết phải làm gì mà? Thằng Enzo cứ việc ở lại, có gì gởi nó qua Long Island với bà con mình”.

Katherine chỉ có khóc. Con bé mập tròn, quê mùa và trông như có ria mép thế kia thì kiếm sao nổi một thằng chồng bảnh như Enzo? Cái thằng lại biết chiều chuộng đúng cách, đúng chỗ nữa! Quay sang phía bố, con bé nức nở: “Ba không có cách gì giữ Enzo thì con sẽ bỏ nhà này đi theo anh ấy. Con về Ý liền…”

Nazorine ngắm con nhỏ. Đúng týp con gái bố. Nó hăng lắm. Có lần rõ ràng, ban ngày ban mặt nó dám âu yếm cạ bàn tọa vào trán thằng Enzo lúc thằng này cúi phía sau lom khom bưng khay bánh chất vô quầy. Vụ này không khéo dàn xếp thì tụi nó dám làm bậy lắm. Đành phải kiếm cách vận động cho nó ở lại, nhập tịch dân Mỹ. Chỉ có một người thu xếp nổi. Bố già Corleone chớ ai?

Ba người nói trên cũng như nhiều người khác đều nhận được thiếp mời của bố già Corleone dự lễ vu quy của cô gái út Constanzia vào thứ Bảy cuối tháng Tám năm 1945. Dù bây giờ nhà cao cửa rộng bên Long Island nhưng một người như Vito Corleone đâu thể quên bạn bè cũ, láng giềng xưa.

Đám cưới linh đình, khách đến đông, ăn uống suốt ngày. Một dịp vui đúng lúc quá. Chiến tranh với Nhật vừa dứt xong, đâu còn nơm nớp sợ tin dữ chợt tới cho đứa con ngoài mặt trận nên ai nấy cùng vui thả dàn. Muốn vui thì còn gì bằng đi đám cưới?

Vì lẽ đó sáng thứ Bảy, bạn bè Ông Trùm từ Nữu-Ước kéo rốc sang. Đồ mừng cô dâu là những phong bao màu kem đầy tiền, tiền mặt chớ ngân phiếu thì khỏi. Kèm theo là tấm thiếp ghi rành rẽ tên người mừng, càng tôn kính ông bố bao nhiêu thì tiền mừng cô dâu càng bộn bấy nhiêu.

Ông trùm Vito Corleone thuộc típ Mạnh thường quân, ai có chuyện nhờ vả cũng không để cho thất vọng. Không hứa hão, không có lối chối từ “Tôi không đủ sức”. Không cứ bạn bè quen biết mà cũng chẳng cần sau này có thể đền đáp được hay không. Chỉ cần mỗi một thứ, đó là tình bạn, do đích thân đương sự nói lên. Chừng đó thì bất luận giàu nghèo sang hèn, Ông Trùm cũng lưu ý giải quyết giùm kỳ được, san bằng mọi trở ngại cho lúc thành toàn mới thôi.

Vì đức tính đó, Vito Corleone có nhiều bạn và được tôn xưng Ông Trùm, thình thoảng còn có người thân mật gọi Bố Già. Và để tỏ lòng tôn kính thì một món quà nhỏ mọn đủ rồi, đừng nói đến lợi. Một bình rượu chát nhà cất lấy, một giỏ bánh cay taralles ngày lễ Giáng Sinh. Cùng lúc đó nếu biết điều thì nên kín đáo tự coi như mình có nợ để ân nhân có quyền cho gọi tới, mỗi khi có chút việc muốn nhờ lại.

Ngày gả con gái là ngày trọng đại, đích thân Ông Trùm ra đón khách tận bậc cửa lớn. Toàn bạn bè quen thân, tin cậy cả, trong số đó thiếu gì kẻ nhờ giúp đỡ mà làm nên sự nghiệp, nhân dịp vui mừng này mới dám gọi tiếng Bố-Già thân mật? Giúp đỡ đám cưới toàn là bạn bè tự động chạy tới. Chẳng hạn như khoản rượu, tất cả mọi thứ rượu đã có một ông bạn già bao hết, lại còn xung phong lãnh chân barman. Dọn bàn ghế, bưng thức ăn là đám bạn của mấy đứa con trai. Nấu cỗ là Bà Trùm và mấy bà bạn trong khi bồ bịch cô dâu lãnh vụ treo đèn kết hoa tưng bừng đầy một khu vươn nửa mẫu.

Đã là khách thì Ông Trùm tiếp đón như nhau hết, tuyệt không có kẻ khinh người trọng. Xưa nay vẫn vậy. Đặc biệt hôm nay Ông Trùm lên bộ đồ lớn cắt thật khéo, chạy tới chạy lui lăng xăng nên anh nào không biết dám tưởng bậy là chú rể lắm!

Đứng sau Ông Trùm là hai trong số ba đứa con trai. Đứa lớn tên Santino nhưng trừ ông bố ra ai cũng gọi tắt Sonny. Cậu cả này bị các bậc cha chú kỵ lắm nhưng bọn trẻ lại khoái. Gốc Ý, mới nhập tịch dân Mỹ có một đời mà vóc dáng được như hắn có thể gọi là lớn con: Sonny cỡ thước tám nhưng nhờ mớ tóc quăn dày cộm trông cao hơn nhiều.

Khuôn mặt hắn đều đặn và rõ nét đa tình, miệng rộng môi dày và cằm lại lẹm vô một chút nên trông càng dâm. Người hắn hùng hục như trâu đến nỗi mụ vợ khốn khổ cứ nhác thấy cái giường là hết hồn! Người ta còn đồn rằng hồi còn nhỏ cậu Sonny đi chơi bời đã vô động nào thì chỉ những em lỳ lợm, gân guốc nhất mới dám tiếp và chị em nào cũng nằng nặc tăng giá gấp đôi hết.

Mấy bà sồn sồn hông to miệng rộng thấy cậu cả là tha hồ ngắm nhưng đặc biệt trong đám cưới này có ngắm cũng vô ích. Vì dù có mặt cả vợ hắn và ba đứa con nhỏ, Sonny vẫn ngấp nghé cô bé phù dâu Lucy Mancini đang ngồi đây kia, rực rỡ trong bộ phù dâu màu hồng, mớ tóc đen nhánh cài một vòng hoa. Làm gì cô nàng không biết? Suốt một tuần nay hai đứa nhấm nháy nhau chán chê và sáng hôm diễn tập trước bàn thờ Chúa nàng còn bấm tay chàng một phát. Phù dâu bạo đến thế là cùng.

Đối với em Lucy thì chẳng cần anh Sonny phải hách như ông già. Mạnh khỏe, gan dạ đủ rồi. Tính hắn rộng rãi, bụng dạ cũng hào sảng chớ đâu phải chỉ giỏi cái khoản kia? So với Ông Trùm thì Sonny thiếu đứt nết khiêm nhượng, dễ giận, dễ cáu, quyết định nông nổi. Vì vậy trong công việc làm ăn hắn giúp bố rất đắc lực mà ít ai tin một ngày kia hắn sẽ là người kế vị.

Cậu hai Frederico, gọi tắt là Fred có thể nói là đứa con trai trong mộng của mọi gia đình Ý. Chăm chỉ, có hiếu, bố gọi đến là dạ ngay. Ba mươi tuổi đầu vẫn chưa vợ, vẫn ở chung với bố mẹ. Không hề cãi lại, không dám dây dưa với cô nào để gây phiền phức cho gia đình. Người tầm thước, mặt mũi không được bảnh trai nhưng cũng phảng phất nét đa tình nghĩa là mái tóc xoăn rậm, cặp môi chì dầy thưỡi ra.

Típ người Fred chẳng phải trời sinh ra để chỉ huy. Hắn mềm quá, thiếu hẳn cái dũng lực buộc người khác phải tuân lệnh nên chắc chắn việc kế nghiệp chẳng bao giờ đến hắn.

Đứa con trai út trong nhà, cậu ba Michael không đứng cùng hai anh phía sau lưng Ông Già mà ngồi riêng một nơi, ở tuốt góc vườn. Nhưng có ngồi tách ra vẫn cứ bị thiên hạ chú ý như thường vì cả nhà chỉ có một mình hắn là dám cưỡng lệnh Ông Trùm. Trông hắn không đa tình như hai anh, mái tóc đen láng chớ không xoăn. Da mịn như con gái nên hắn đẹp trai một cách thanh tú. Hồi còn nhỏ Ông Trùm cứ e ngại thằng út quá nhiều nữ tính, mãi đến năm nó 17 tuổi ông mới yên chí.

Chủ ý của Michael là tuyệt đối không muốn dính dáng đến việc nhà, không dây dưa vào công việc làm ăn của bố nên ngồi cũng ngồi tách ra một nơi. Bên cạnh hắn là cô bồ cả nhà chỉ nghe nói, mãi hôm nay hắn mới dẫn về. Michael giới thiệu rất chững chạc nhưng xem ra chẳng ai khoái vì nhà này quả không hạp với típ đàn bà con gái Mỹ. Họ chê cô này gầy quá, mặt mũi “trí thức” quá mà cứ chỉ quá luông tuồng. Ngay cái tên nghe cũng lạ tai rồi, đàn bà con gái gì mà tên Kay Adams? Nó Mỹ quá, ngắn ngủn quá… nghe không vô.

Ông Trùm làm như không chịu Michael, điều đó thấy rõ. Chẳng là hồi trước hắn là con cưng trong nhà, sẵn sàng kế nghiệp sau này vì hắn giống bố in hệt ở chỗ ngoài sự khôn ngoan còn có một quyền lực tiềm ẩn, làm như trời sinh ra để làm lãnh tụ, hễ cất tiếng nói là thiên hạ không nghe không xong vậy.

Có điều chiến tranh vừa bùng nổ là cậu ba Michael hăng hái nhảy ngay vô Thủy quân lục chiến, coi lệnh cấm của bố như không có. Ai chớ Ông Trùm đời nào chấp nhận để cho thằng con trai út nhào đầu vô chỗ chết, phục vụ cho những thằng ở đâu đâu và hy sinh lãng nhách như vậy? Lập tức có màn tung tiền ra vận động ngầm, lo lót bác sĩ nhà binh. Vận động đủ mọi mặt, tốn kém kể gì nhưng làm sao cản nổi một gã con trai 21 tuổi khi nó nhất định xung phong?

Sau đó Michael đi tác chiến, đánh trận tùm lum miền Thái bình dương, lên lon Đại úy và bắt nhiều huy chương. Năm 1944, tạp chí Life đi nguyên một phóng sự bằng hình ca ngợi chiến công hiển hách của Đại úy Michael Corleone. Tờ báo được một ông bạn đưa cho Ông Trùm coi chứ người nhà đâu dám? Ông bố chỉ nhún vai lẩm bẩm: “Cái thằng… chỉ hùng cho người ngoài!”

Đầu năm 1945, sau thời gian nghỉ dưỡng thương, Michael được giải ngũ mà không ngờ chính ông bố đã vận động vụ này. Nhưng về nhà mới có vài tuần thì chẳng cần bàn bạc hỏi ý kiến ai, cậu Út đã mau mau ghi tên học Dartmouth. Để có cớ không phải ở nhà. Phải vụ đám cưới con em gái, Michael mới bò về nhà để luôn thể trình diện vị hôn thê.

Ngồi sóng vai ở tuốt một góc vườn, Kay lấy làm khoái chí nghe chàng kể những mẩu “chuyện vui” về mấy ông khách kỳ dị hiện có mặt trong đám cưới ngày hôm nay. Với cô nàng thì bất cứ chuyện gì vui lạ, ngồ ngộ đều khoái nghe lắm. Michael càng ham kể…

Sau cùng Kay nhận ra một đám bốn ông khách đang quanh quẩn quanh hũ rượu chát tổ bố. Nàng đoán mấy ông này phải có chuyện bối rối, bứt rứt chớ chẳng đi ăn cưới khơi khơi. Michael khen ngay: “Em nhận xét tinh lắm. Mấy cha đó chắc có chuyện nan giải, muốn gặp riêng ông già để nhờ vả đấy. Thấy không, ông già đi đến đâu là mắt họ dõi theo theo đến đấy”.

Ông Trùm Corleone đang đứng đón khách thì một chiếc Chevy đen ở đâu chạy tới tốp ở vỉa hè bên kia phía ngoài cư xá. Có hai thằng ngồi băng trước. Chúng lấy sổ tay ghi từng số xe một, không cần dấu diếm.

Sonny vội phi báo: “Cớm, bố ạ!”

Ông Trùm nhún vai: “Kệ chúng nó… Ngoài lộ thì chúng làm gì tha hồ. Mình đâu có mua hết đất nhà nước?”

Sonny giận đỏ mặt. “Mấy thằng khốn… không nể nang gì hết!” Nó hăm hở nhảy mấy bậc cửa, chạy băng ngang cư xá tới kế bên chiếc Chevy đen, thò cổ vào toan hùng hổ với mấy thằng lái xe. Thằng cớm phớt tỉnh móc ví chìa tấm thẻ hình sự. Sonny làm thinh lùi lại, nhằm cửa sau xe nhổ một phát nước bọt rồi quay lưng tà tà đi. Hắn cố ý mong cho thằng lái xe bực mình chạy theo để lọt vào cư xá là có chầu ăn đòn hội chợ, nhưng đời nào nó mắc mưu.

Vừa bước lên Sonny vừa cằn nhằn: “Bọn FBI bố ạ! Nó lấy hết số xe.”

Vụ FBI cho a-giăng tới “đi đám cưới” đã được tiên liệu rồi nên theo lời khuyến cáo của Ông Trùm, bọn đàn em và mấy ông bạn thân nhất bữa nay đều xài xe đi mượn hết. Thằng Sonny nóng giận vô lý thật nhưng xét ra cũng có lợi là chứng minh cho bà con anh em biết chẳng ai mời cớm đến mà e ngại.

Giận thì Ông Trùm không giận vì từ bao lâu rồi ông vẫn chủ trương là trên cõi đời này có nhiều khi bị người ta chửi vào tận mặt cũng vẫn phải nhịn nhục lờ đi với niềm an ủi miễn còn sống được, còn mở mắt ra được thì còn có ngày một thằng hèn yếu nhất có quyền rửa hận một tay thế lực nhất. Nhiều anh phải phục lăn Vito Corleone ở điểm nhịn nhục này.

Ở sân sau ban nhạc bắt đầu chơi. Khách khứa đủ mặt rồi. Ông Trùm Corleone bèn quên béng vụ FBI để hớn hở dẫn hai thằng con trở vô.

Khu vườn rộng đen nghẹt cả trăm người. Ai khoái khiêu vũ thì nhảy lên chiếc sàn gỗ kê cao khỏi mặt đất chung quanh treo đèn kết hoa. Bằng không thì ngồi dài dài khắp vườn vì chỗ nào cũng có bàn, thức ăn thơm ngon chất như núi và rượu chát, thứ nhà làm đặc biệt, thì từng hũ lớn 5 lít một.

Bàn danh dự của cô dâu chú rể dĩ nhiên phải cao hơn một chút. Bọn phù dâu phù rể đứng ngồi quây quần quanh cô dâu Connie.

Đám cưới tổ chức đặc biệt theo phong tục cổ của người Ý, dĩ nhiên cô dâu chẳng hài lòng chút nào. Nhưng có “nhà quê” cũng phải chịu, phải chìu vì nội cái vụ chọn thằng Carlo Rizzi làm chồng cũng đã nghịch ý ông bố quá xá rồi! Vì đối với gia đình này thì Carlo Rizzi “lai” 50%. Cha nó gốc Sicily thật nhưng mẹ người miền Bắc nên mới có mớ tóc vàng và cặp mắt xanh thế kia. Cha mẹ nó lập nghiệp ở Nevada nhưng cu cậu phải bỏ xứ đi vì có chuyện lộn xộn với pháp luật. Lên Nữu-Ước sống nó gặp Sonny và chớp luôn con em. Trước khi gả con, dĩ nhiên Ông Trùm phải cử một số đàn em tin cẩn đi Nevada để điều tra về gia thế cậu rể tương lai. Thì ra Carlo bị dính vô một vụ súng ống sao đó nên phải trốn chứ thực ra vụ này giải quyết dễ cái một. Nhưng cái hay trong vụ này là Ông Trùm đã đánh hơi ra vụ thầu sòng bạc ở Nevada kiếm ăn rất ngon nên tiện thể sai bọn đàn em đi làm một công hai việc.

Connie Corleone thực ra không đẹp vì thuộc típ con gái thì gầy nhưng lấy chồng ít năm sẽ mập thù lù. Tuy nhiên nhờ còn con gái và nhờ bộ đồ cô dâu trắng muốt, cô bé trông lộng lẫy, xinh đáo để. Ngồi bàn danh dự mà tay nó cứ luồn xuống phía dưới bấm đùi chú rể, môi còn chúm lại hôn gió lia lịa.

Connie chịu thằng Carlo ở khoản nó vừa đẹp trai, vừa lực sĩ. Tay nó, vai nó bắp thịt vun lên, cái lưng làm như căng rách bộ đồ đến nơi. Cứ như điệu nó biểu diễn thì Carlo cưng vợ lắm, chìu vợ lắm, rót rượu nó cũng rót hầu. Tuy nhiên tất cả cũng chỉ là kịch, cặp mắt nó chỉ nhấm nháy ngó chiếc túi lụa trắng con nhỏ đeo một bên vai. Cái túi bây lớn và căng ra như thế kia thì phải biết là bộn tiền phong bao! Dám 10.000 hay 20.000 đô không chừng… Carlo mỉm cười. Bấy nhiêu đó đủ rồi. Giai đoạn đầu mà. Chớp được con nhỏ này thì cả đời cứ nằm dài ra cũng không lo đói.

Trong đám quan khách cũng có một vị trẻ tuổi, “lên cây” rất hách đang bận tâm “nghiên cứu” túi bạc kè kè của Connie. Đó là thằng Paulie Gatto mặt lưỡi cày. Thì ra vì quen nghề “ngánh” nên thấy túi bạc ngon ăn là nó động lòng ngó chơi tưởng tượng đớp cách nào ăn chắc cho đỡ buồn, chớ ở đây thì ông nội nó cũng không dám biểu diễn nghề nghiệp.

Vì xếp Peter Clemenza của nó đây kia! Xếp đang hăng máu khiêu vũ loạn. Già rồi, có bụng rồi mà Clemenza cứ thấy em nào ngon mắt là ôm bừa, nhảy loạn. Ban nhạc chơi một bản Tarantella siêu bình dân nên cô bác hoan nghênh ầm ĩ. Xếp Clemenza lại có dịp biểu diễn những bước lả lướt vô cùng điệu nghệ, nên dù có sừng sững như một ông hộ pháp cũng không “thất nghiệp” một giây một phút. Các cô khoái đã đành, mấy bà sồn sồn cũng bám lấy Xếp, không cho nghỉ! Rốt cuộc mấy cặp trẻ đành rút lui, nhường sàn nhảy cho một mình Xếp quay cuồng. Gặp một bà nhỏ con thì ngực vừa đụng đến cái bụng phệ của Clemenza và hai bên cứ cạ qua cạ lại giữa tiếng rên rỉ của một cây mandoline: hoạt cảnh vừa tục tĩu, dâm đãng lại vừa tức cười nên cử tọa hò reo như sấm.

Rốt cuộc Clemenza mệt bở hơi tai, mồ hôi vã ra, mặt nhợt nhạt đành rút lui và té ngồi trong lòng ghế, đàn em Paulie Gatto vừa kịp thời đưa ra đỡ! Rất mau mắn thằng Gatto bưng ly rượu chát lên tận miệng Xếp, một tay rút chiếc mùi xoa lụa lau hầu lia lịa. Cứ uống một hớp rượu là Xếp lại nghỉ mệt một hơi và thở rống như trâu. Vừa lấy lại tý hơi sức là Xếp quay ra sửa lưng thằng đàn em: “Đây đâu phải chỗ mày đứng làm giám khảo khiêu vũ? Đi cha mày ra ngoài kia, coi xem có gì lộn xộn không nào?”. Đàn em Paulie bèn lỉnh gấp.

Ban nhạc cũng nghỉ xả hơi. Lúc bấy giờ thằng Nino Valenti mới nhẩy lên khán đài, vớ lấy một chiếc mandoline rồi chân trái ghếch lên một chiếc ghế, nó vừa vê đàn vừa gân cổ biểu diễn một bản tình ca độc đáo của dân Sicily. Thằng Nino khá đẹp trai nhưng mặt nó say rượu đỏ nhừ. Nó vừa nháy mắt vừa dùng lưỡi điểm lóc chóc những chỗ lời ca tục tĩu nên mấy bà mấy cô ôm bụng cười rũ, còn bọn đàn ông thì khoái chí rống lên phụ họa theo từng chập.

CÒN NỮA…


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button