Văn học nước ngoài

Ba Người Bạn

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Erich Maria Remarque

Download sách Ba Người Bạn ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời Giới Thiệu

Bạn đọc Việt Nam đã yêu mến Remarque (Erich Maria Remarque – tên thật Erich Paul Remark, 1898 – 1970) – nhà văn Đức nổi tiếng, một trong những tiểu thuyết gia nhiều thành công nhất của thế kỷ hai mươi – qua các tác phẩm “Phía Tây không có gì lạ”, “Thời gian để sống và thời gian để chết” do nhà xuất bản Văn Học giới thiệu. Remarque chiếm được hằng triệu con tim độc giả trên khắp hành tinh không đơn giản vì ông là một thiên tài văn học; đọc Remarque, ta tìm thấy ở nhà văn một tấm lòng đầy tình yêu thương con người, cảm thông với nỗi đau của con người, tha thiết mong cho tất thảy một cuộc sống hạnh phúc mà con người vốn dĩ xứng đáng được hưởng. Trái tim nhân đạo ấy không thể không ứa máu trước những sự thật tàn khốc mà hai cuộc đại chiến thế giới đã gieo rẳc cho nhân loại, thiên tài văn học ấy không thể im tiếng trước những tội ác ghê tởm do chính bọn cầm quyền của đất nước mình gây ra. Năm 1933 bọn phát xít Đức buộc cho Remarque tội “phản bội những người lính cửa chiến tranh thế giới bằng văn học” và ra lệnh đốt các tác phẩm của nhà văn, năm 1938 ông bị tước bỏ quốc tịch Đức, buộc phải sang New York năm 1939 (1947 nhập quốc tịch Mỹ). Từ sau 1945, Remarque sống khi ở Mỹ, khi ở Thụy Sỹ, ông mất năm 1970 ở Locarno (Thụy Sỹ).

Cả thế giới biết đến Remarque qua hàng loạt tiểu thuyết của ông: “Phía Tây không có gì lạ” (1929), “Đường trở về” (1931), “Ba người bạn” (1938), “Hãy yêu những kẻ hậu sinh” (1941), “Khải hoàn môn” (1946). “Tia lửa sống” (1952), “Thời gian để sống và thời gian để chết” (1954), “Bia mộ đen” (1956), “Đêm ở Lissabon” (1962), “Bóng tối nơi thiên đường” (1971)…

Xuyên suốt các tác phẩm của Remarque là tính nhân đạo sâu sắc, là tiếng nói kiên định, không mệt mỏi chống lại cuộc chiến tranh phát xít phi nghĩa. Remarque không dùng những lời lẽ đao to búa lớn, không hô khẩu hiệu chống phát xít, nhưng các tác phẩm của ông đã bóc trần toàn bộ bản chất tàn bạo của chủ nghĩa phát xít, lột tả những cảnh địa ngục trần gian mà chiến tranh đã đưa lại. Biết bao số phận khổ nhục, ê chề, biết bao kiếp người phiêu dạt, tha hương không bến đậu, biết bao tình yêu tuyệt vọng, con người phải sống lẩn lút như loài vật, sống mà như đã chết… người đọc cùng đau xót với nỗi đau của tác giả, đau xót bao nhiêu, càng căm phẫn, ghê tởm bấy nhiêu cuộc chiến tranh do bè lũ phát xít gây nên. Thật dễ hiểu vì sao bọn phát xít lại thù ghét nhà văn, khiếp sợ ảnh hưởng văn học của ông đến thế.

Một mảng đề tài được Remarque khá quan tâm là số phận của những người cựu chiến binh Đức, những người phải gánh chịu trực tiếp hậu quả cuộc chiến tranh diễn ra ngoài ý muốn của họ. Tác phẩm “Ba người bạn” để lại ấn tượng hết sức sâu sắc bởi lẽ đã giúp ta thấy được cái hậu quả gớm ghiếc ấy dưới biết bao góc độ. Cốt truyện diễn ra vào những năm 20 của thế kỷ này, thời gian xen giữa hai cuộc đại chiến thế giới. Các nhân vật trung tâm là ba cựu chiến binh trẻ, ba “chiến hữu” trong chiến tranh thế giới thứ nhất, ba người bạn trong thời hậu chiến – những con người tiêu biểu cho cái “thế hệ vất đi” sau chiến tranh. Họ là những thanh niên bình thường, từng có những ước mơ bình thường: người muốn trở thành bác sĩ, kẻ muốn trở thành giảng viên đại học… nhưng đã bị buộc tham gia vào cuộc chiến tranh phi nghĩa. Tuy không bỏ xác ngoài trận tuyến như biết bao thanh niên đồng lứa với mình, Robby, Lenz và Koster đã bị chiến tranh cướp mất lẽ sống, họ thấy cuộc đời phi lý và trống rỗng, thể xác trẻ trung mà tâm hồn sớm già cỗi. Ngoài những giờ sửa chữa xe thuê, vật lộn kiếm sống, họ tiêu phí thời gian vào những đêm rượu chè, những phen phóng xe điên cuồng, những cuộc hoan lạc… để rồi lại về một mình đối diện với chính mình, cô đơn, trống rỗng, trong một gian buồng trọ tồi tàn. Ba người bạn gắn bó với nhau hết mình đương đầu với cuộc sống, trong khi thực ra họ cũng không hiểu sống để làm gì. Mối tình của Pat và Robby đã cho cuộc sống ấy chút ý nghĩa. Họ thấy mình cần thiết cho mối tình ấy, cho cô gái bất hạnh ấy, họ quên mình đến cảm động giúp cô gái chống lại bệnh tật. Nhưng đó chỉ là cuộc chống chọi tuyệt vọng của ba nạn nhân trực tiếp của chiến tranh hòng cứu cô gái là nạn nhân gián tiếp của chiến tranh; lớn lên trong những năm chiến tranh đói kém. Pat đã mắc chứng lao phổi, căn bệnh vô phương cứu chữa thời bấy giờ. Ba thanh niên lành mạnh bị xô đẩy vào cuộc chiến, bị biến thành những kẻ đồng lõa, để rồi sau đó bị quẳng sống vạ vật giữa cái xã hội hỗn mang thời hậu chiến. Với họ, chỉ có mất mát: Lenz mất mạng vì một bọn phát xít choai choai, Koster phải bán xưởng, bán chiếc xe mà anh yêu quý hơn chính cánh tay mình, Robby mất người yêu, cũng là mất cái mắt xích cuối cùng gắn anh với cuộc đời… Ai là kẻ có tội trước cuộc đời bỏ đi của họ? Cuộc chiến tranh phát xít.

“Ba người bạn” vẽ lên đầy đủ cuộc sống cơ cực của tầng lớp nghèo hèn nhất trong xã hội, những con người bị coi là hạng “cặn bã” phải chịu hậu quả ghê gớm của chiến tranh, để một nhóm kẻ cầm quyền hưởng lợi nhuận chiến tranh. Có lẽ không ai có thể cảm thông với đám cựu chiến binh hơn là các cô gái điếm và ngược lại. Họ đều là những người trẻ tuổi, nuôi những mơ ước bình dị, nhưng chiến tranh đã không cho họ cái cơ hội làm một con người bình thường. Nạn đói, nạn thất nghiệp, sự bỏ mạng của người chồng nơi chiến địa đã đẩy những người phụ nữ suốt đời chỉ mơ làm vợ làm mẹ ấy phải lao vào con đường bán trôn nuôi miệng. Remarque đã viết về họ, những nạn nhân đáng thương chứ không đáng trách ấy, với một ngòi bút đầy nhân đạo, vị tha. Dưới ngòi bút của tác giả, những nhân vật “cặn bã” này, những chàng trai cô gái bất hạnh “bỏ đi” này lại “người” hơn ai hết. Thật cảm động là những trang viết về tình gắn bó đùm bọc giữa họ với nhau, họ không thương lấy nhau thì còn ai thương họ nữa, vả chăng họ mất mát nhiều quá, thiệt thòi nhiều quá nên cũng quá cảm thông nhau. Những người như họ có quyền hưởng hạnh phúc, nhưng cuộc đại chiến thế giới thứ nhất đã thiêu ra tro quá khứ và hiện tại của họ, và đại chiến thế giới lần thứ hai đang rình rập hủy nốt cái gọi là tương lai không có tương lai của họ. Đói nghèo, thất nghiệp, mãi dâm – những nét tiêu biểu của xã hội Đức trong những năm cuối thập kỷ 20 thế kỷ này đã được Remarque mô tả một cách hết sức giản dị mà cực kỳ rõ nét, đầy đủ trong “Ba người bạn”. Các nhân vật của ông mỗi người khổ sở mỗi cách. Đó là Muttchen, một bà lão đêm đêm đứng đường với chảo xúc xích để cung phụng ông chồng nghiện moocphin, đó là Valentin, cựu chiến binh, nuôi ấn tượng quá khủng khiếp về cuộc chiến tranh, không còn biết bắt đầu lại ra sao với cuộc đời mình, suốt ngày ngập trong rượu mừng vì nỗi thoát chết; đó là Hasse, một viên chức cần mẫn, lúc nào cũng chúi mũi vào việc công sở, nơm nớp lo mất việc, không dám ăn tiêu, dè xẻn từng đồng phòng khi thất cơ lỡ vận, để đến nỗi bà vợ chịu không nổi bỏ đi, cuối cùng kẻ xấu số ấy thắt cổ tự vẫn; đó là F Grau, một họa sĩ có tài nhưng phải sống bằng nghề truyền thần ảnh người chết… Biết bao kiếp người bế tắc trong một xã hội bế tắc. Qua một chương thôi, Remarque đã cho ta thấy sự bế tắc tột cùng của những người Đức thời bấy giờ, họ đổ xô đến những cuộc hội họp chính trị, không cần biết mục đích của đảng phái chính trị ấy, họ tìm một cái gì đó thay cho tôn giáo để mà tin, để mà bấu víu, và dễ dàng trở thành những kẻ cuồng tín. Đó chính là cơ sở để chủ nghĩa phát xít phát triển, đi đến chỗ cầm quyền. Đã thấy bóng dáng của lũ người mặc áo bludông, những tên phát xít khủng bố được dung túng. Vả chăng Lenz cũng đã chết bởi bàn tay chúng.

“Ba người bạn” cũng như cả loạt tác phẩm có thể gọi là “chống chiến tranh” của Remarque hơn lúc nào hết vẫn mang tính thời sự nóng hổi, bởi hiện nay các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới đang đấu tranh không tiếc sức cho một hành tinh hòa bình không có chiến tranh, chống lại cuộc chiến tranh thế giới mới luôn đe dọa bùng nổ bởi bàn tay của các thế lực đế quốc và bọn phát xít mới. Giới thiệu với bạn đọc “Ba người bạn”, chúng tôi hy vọng thời gian tới đây có thể lần lượt cho ra mắt đầy đủ, có hệ thống, các tác phẩm nổi tiếng tiếp theo của Remarque, nhà văn lỗi lạc mà bằng sự nghiệp văn học của mình mãi mãi còn góp tiếng nói cho hòa bình.

ĐỌC THỬ

Chương 1

Bầu trời vàng như đồng thau, vẫn chưa bị vẩn đục bởi khói nhà máy, hừng sáng phía sau dãy mái ngói xí nghiệp. Hẳn mặt trời sắp nhô lên đến nơi. Tôi nhìn đồng hồ. Vẫn chưa đến tám giờ. Sớm mười lăm phút. Tôi mở cổng chuẩn bị sẵn sàng máy bơm xăng. Vào giờ này thường đã có một số muốn ăn sáng chạy qua đây. Bỗng tôi nghe sau lưng mình tiếng gì khàn khàn, khe khẽ, tuồng như một chiếc đinh ốc gỉ đang xoáy trồi lên khỏi mặt đất. Tôi dừng chân nghe ngóng, đoạn đi qua sân trở lại xưởng và thận trọng mở cửa. Trong căn phòng tranh tối tranh sáng đang lắc lư dạo vòng một con ma. Con ma chít chiếc khăn đội đầu màu trắng bẩn thỉu, choàng tạp dề xanh, chân xỏ đôi guốc thô, tay huơ huơ một cái chổi, nó nặng chín chục ký và là mụ lao công Matilda Stoss.

Tôi đứng yên một lát nhìn mụ. Mụ có cái vẻ yêu kiều của một con hà mã khi mụ chuệch choạng đi đi lại lại giữa những bộ tản nhiệt xe hơi và cất giọng trầm trầm hát bài ca về anh lính khinh kỵ trung thành. Trên mặt bàn kế cạnh cửa sổ có hai chai cognac. Một chai hầu như đã cạn. Tối qua cái chai còn đầy nguyên. Tôi đã quên không cất nó vào tủ khóa lại. “Kìa bà Stoss!” tôi lên tiếng. Lời ca ngừng bặt. Cái chổi rơi xuống đất. Nụ cười ngà say tắt lịm. Bây giờ tôi mới là con ma. “Jesusma, lạy Chúa tôi”, Matilda ấp úng và giương cặp mắt đỏ ngầu ngó tôi trân trân. “Tôi đâu ngờ cậu đến sớm thế…”

“Biết rồi. Rượu ngon chứ?”

“Đã hẳn… nhưng nhục cho tôi quá”. – Mụ quệt miệng. “Tôi rõ tồi tệ…”

“Chà, bà cứ phóng đại thế. Bà chỉ say thôi. Say khướt như một gã nghiện”.

Mụ gắng đứng thẳng người. Ria mép mụ động đậy và mi mắt mụ chớp chớp như mắt một con cú già. Nhưng dần dần mụ cũng tỉnh táo hơn. Mụ quả quyết tiến lên một bước. “Cậu Lohkamp… người ta ai cũng là người thôi… đầu tiên tôi chỉ ngửi… và rồi làm một ngụm… vì rằng tiếng thế chứ dạ dày tôi bao giờ cũng yếu… vâng, thế rồi, thế rồi hẳn quỷ Satăng đã ám tôi. Các cậu cũng không nên thử thách một người đàn bà tội nghiệp, không nên để mặc cái chai đấy”.

Đây chẳng phải lần đầu tiên tôi bắt gặp mụ như thế. Sáng nào mụ cũng đến dọn dẹp trong xưởng độ hai tiếng: cứ việc quăng tiền vương vãi đâu tùy thích, mụ không tơ hào đến… thế nhưng rượu đặt trước mắt mụ thì chẳng khác gì mỡ để miệng mèo.

Tôi giơ cái chai lên. “Đương nhiên rồi, bà không động đến rượu cognac dành cho khách hàng… Thế nhưng thứ rượu ngon của ông Koster thì bà nốc sạch”.

Một thoáng cười đắc ý lướt qua nét mặt già nua của Matilda. “Tất tật những gì ngon lành… tôi là kẻ sành sỏi mà lại. Nhưng cậu sẽ không tố giác gì tôi chứ, cậu Lohkamp? Tố giác một mụ góa yếu đuối bất lực như tôi?”

Tôi lắc đầu. “Hôm nay thì không đâu”.

Mụ buông những nếp váy xuống. “Thế thì tôi chuồn đây. Cậu Koster mà đến bây giờ thì… trời đất quỷ thần ơi!”

Tôi lại bên tủ và mở tủ ra. “Bà Matilda…”

Mụ vội vã lạch bạch chạy đến. Tôi giơ cao một cái chai nâu hình vuông.

Mụ huơ tay chối. “Không phải tôi! Thề danh dự đây! Tôi không hề động tới nó!”

“Tôi biết”, tôi nói và rót đầy một ly. “Bà biết loại rượu này chứ?”

“Sao không!” Mụ liếm môi. “Rum! Rượu rum Jamaica lâu đời!”

“Khá. Vậy xin bà hãy cạn ly!”

“Tôi ấy?” Mụ nhảy lùi lại. “Như thế nhiều quá, cậu Lohkamp! Đầu tôi đang nóng phừng phừng như than hồng đây này! Mụ Stoss già nua đã ngầm nốc sạch rượu cognac của cậu, thế mà cậu lại còn thết mụ một ly rum để thưởng công nữa. Cậu là một bậc thánh, chính thế! Thà chết còn hơn chấp nhận một chuyện như vậy”.

“Thế hở?” tôi nói và làm ra vẻ chực thu ly rượu về.

“Nào thì uống!” Mụ vội vã nắm lấy cái ly. “Đành phải tiếp nhận điều tốt đẹp như nó đã đến thôi. Cho dù không hiểu nó. Chúc sức khỏe cậu! Dễ thường hôm nay là sinh nhật cậu”.

“Đúng vậy, bà Matilda. Bà đoán giỏi đấy”.

“Sao, thật thế ư?” Mụ chộp lấy bàn tay tôi lắc lấy lắc để. “Rất chi thành thật chúc cậu hạnh phúc! Dồi dào tiền của! Cậu Lohkamp này”, mụ quệt miệng “tôi cảm động quá thể… nhất định tôi phải làm một ly nữa mừng cậu. Là vì chẳng gì tôi cũng quý cậu như con”.

“Tốt thôi”.

Tôi rót thêm cho mụ ly nữa. Mụ dốc cạn một hơi, rồi rời xưởng, mồm xuýt xoa khen ngợi.

Tôi dọn cái chai đi, ngồi vào bàn. Mặt trời nhợt nhạt xuyên qua cửa sổ chiếu xuống đôi tay tôi. cảm giác lạ kỳ trong một ngày sinh như thế này, dẫu rằng ta chẳng xem nó ra gì. Ba mươi tuổi… đã từng có thời tôi ngờ đâu không bao giờ mình có thể lên đến tuổi hai mươi, tôi cảm thấy cái ngày ấy sao mà xa vời. Và rồi…

Tôi mở ngăn kéo lấy một tờ giấy viết thư và bắt đầu tính. Thời ấu thơ, trường học… đó là một tổng thể, xa xôi, ở đâu đó, không còn thật nữa. Mãi năm 1916 cuộc đời thật sự mới bắt đầu. Khi ấy tôi vừa trở thành chú lính mới, gầy, cao ngồng, mười tám tuổi, tập nằm xuống, đứng lên trên những thửa ruộng mới cày phía sau doanh trại theo lệnh của một tay hạ sĩ quan ria mép rậm rì. Vào một trong những tối đầu tiên, mẹ tôi đến doanh trại thăm tôi, nhưng bà phải đợi tôi mất hơn một giờ đồng hồ. Tôi đã đóng ba lô của mình không đúng quy cách và phải chịu hình phạt quét dọn nhà vệ sinh vào giờ nghỉ. Mẹ tôi muốn giúp tôi, nhưng bà không được phép. Bà khóc, còn tôi thì mệt tới mức ngủ thiếp đi khi mẹ vẫn còn ngồi bên.

  1. Flanders[1]. Mittendorf và tôi mua ở căng tin một chai vang đỏ. Chúng tôi định uống một chầu. Thế nhưng cả bọn tôi đã không thực hiện được. Sáng tinh mơ, quân Anh bắt đầu một trận pháo kích lớn. Koster bị thương lúc giữa trưa, Meyer và Deters ngã xuống buổi chiều. Và tối đến, khi cả bọn đã tưởng được bình yên và mở chai rượu ra, thì hơi độc tràn vào, ùa xuống các công sự. Tuy rằng cả bọn kịp thời đeo mặt nạ nhưng mặt nạ của Mittendorf lại hỏng. Khi cậu ấy phát hiện ra thì đã muộn. Cho đến lúc chiếc mặt nạ này bị giật đi và tìm thấy một cái mới thay vào thì Mittendorf đã hít phải quá nhiều hơi độc và nôn ra máu. Cậu ấy chết vào sáng hôm sau, trên mặt có nhiều vết bầm tím. Cổ Mittendorf rách bươm… cậu ấy đã cố dùng móng tay hòng phanh nó ra để hớp lấy không khí.
  2. Nằm quân y viện. Mấy hôm trước, một đợt thương binh mới được chả đến. Bông băng bằng giấy bản. Những ca bị thương nặng. Suốt ngày, những chiếc xe phẳng lỳ của phòng mổ cứ chạy ra chạy vào. Thỉnh thoảng có những chiếc ra không. Joseph Stoll nằm cạnh mình. Anh đã mất cả hai đùi, nhưng còn chưa biết điều đó. Không thể nhìn thấy được, vì người ta chụp lên phần dưới anh một cái lồng bằng dây thép phủ chăn. Mà giá có thấy anh cũng chẳng tin nó, vì anh vẫn cảm thấy đau đớn dưới hai bàn chân. Đêm hai người chết trong buồng bọn mình. Một người chết rất ngắc ngoải và đau đớn.
  3. Lại ở nhà. Cách mạng[2]. Đói. Bên ngoài vẫn tiếp tục nghe tiếng súng máy. Lính đánh nhau với lính. Đồng đội gây lộn với đồng đội.
  4. Đảo chính. Karl Broger bị bắn chết. Koster và Lenz bị bắt. Mẹ tôi nằm nhà thương. Bệnh ung thư của bà đang vào giai đoạn cuối.

1921…

Tôi ngẫm nghĩ. Tôi chẳng còn nhớ nữa rồi. Đơn giản là thiếu mất năm đó. 1922 tôi làm công nhân đường sắt ở Thuringia, 1923 lãnh đạo việc quảng cáo cho một xí nghiệp cao su. Đang thời kỳ lạm phát. Lương tháng của tôi là hai trăm tỉ mác. Mỗi ngày hai lần lĩnh tiền và mỗi lần lĩnh tiền lại được nghỉ nửa giờ để đảo nhanh qua các cửa hiệu mua sắm chút ít trước khi hối đoái đô-la mới lại được công bố… đồng tiền lại mất giá một nửa.

Còn sau đó? Những năm tiếp theo? Tôi đặt bút chì xuống. Nhẩm lại tất cả những cái ấy mà làm gì. Vả lại tôi cũng chẳng còn nhớ chính xác. Tôi đã lẫn lộn quá lắm. Năm ngoái tôi uống mừng sinh nhật của mình tại tiệm cà phê Quốc Tế, nơi tôi đánh dương cầm thuê được một năm. Thế rồi tôi gặp lại Koster và Lenz. Còn lúc này tôi đang ngồi trong xương sửa chữa ô-tô Koster và Co… Co, đây tức là Lenz và tôi, nhưng sự thực thì xưởng này chỉ thuộc về mỗi mình Koster. Trước kia Koster là bạn học, rồi chỉ huy đại đội của chúng tôi, sau đó làm phi công, có thời gian dài là sinh viên, rồi lái xe đua… cuối cùng cậu ta đã tậu được cái văn phòng khổ này. Đến làm với Koster trước tiên là Lenz, kẻ từng lang bạt vài năm bên Nam Mỹ… rồi thêm tôi.

Tôi rút từ túi áo một điếu thuốc lá. Thật ra tôi có thể hoàn toàn hài lòng. Hoàn cảnh của tôi chẳng đến nỗi nào, tôi có việc làm, lại cường tráng, tôi không dễ gì trở nên mệt mỏi, tôi lành lặn – như người ta thường nói… nhưng dẫu sao đừng nghĩ ngọi thái quá về điều đó vẫn hơn. Đặc biệt đừng nghĩ ngợi vào lúc chỉ có một mình. Và buổi tối cũng đừng. Một cái gì đó của quá khứ đôi khi lại hiện lên và nhìn ta trân trối bằng cặp mắt của người chết. Nhưng ta đã có rượu mạnh.

Ngoài kia có tiếng kẹt cổng. Tôi xé tờ giấy có ghi những năm tháng đời mình, ném vào sọt giấy lộn. Cánh cửa bật mở. Gottfried Lenz đứng trong khung cửa, cao, gầy, với cái bờm tóc màu vàng rơm và một cái mũi lẽ ra thích hợp với một người đàn ông hoàn toàn khác. “Robby”, cậu ta gầm lên, “quân săn mồi già đời, đứng dậy và hãy lên gân lên cốt đi! Cấp trên của cậu muốn nói chuyện với cậu!”

“Chúa ơi!” Tôi đứng dậy. “Mình đã hy vọng rằng các cậu không nhớ tới kia đây. Hãy nương nhẹ thôi, các chú bé!”

“Điều đó xem ra hợp ý cậu!” Gottfried đặt lên bàn một cái gói, từ đó tiếng lanh canh phát ra rõ mồn một. Koster bước vào sau Lenz. Lenz đứng chắn trước mặt tôi. “Robby, sáng nay cậu gặp cái gì trước tiên?”

Tôi ngẫm nghĩ. “Một mụ già nghiêng ngả”.

“Đấng Moses thiêng liêng! Một điềm gở! Nhưng lại đúng với lá số tử vi của cậu. Mình vừa lập nó hôm qua. Cậu là một đứa trẻ cần được che chở, không vững vàng, dao động, một ngọn lau trước gió, với chòm Thổ tinh đáng ngờ và một Mộc tinh thương tật trong năm nay. Vì Otto và mình thay mặt cho cha mẹ cậu, vật đầu tiên mình trao cho cậu là một thứ để phòng thân. Hãy nhận lấy tấm bùa hộ mệnh này. Một kẻ hậu sinh của những người Inka[3] đã để lại nó cho mình. Mụ ta có dòng máu xanh, đôi bàn chân phẳng, chấy rận và biệt tài nhìn vào tương lai. ‘Hỡi người lạ da trắng, mụ ta bảo mình, các đức vua đã đeo nó, nó chứa sức mạnh của vầng dương, mặt trăng và trái đất, hoàn toàn chưa nói đến các hành tinh nhỏ hơn… hãy đưa ta một đồng đô-la bạc để ta mua rượu mạnh, và anh sẽ được nó’. Để sợi dây chuyền hạnh phúc này tiếp tục luân chuyển, mình trao nó cho cậu. Nó sẽ bảo vệ cậu, sẽ xua đuổi lão Mộc tinh lạnh lùng của cậu”.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button