Truyện - bút ký

Tình Yêu Là Một Nỗi Buồn

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Vũ Lập Nhật

Download sách Tình Yêu Là Một Nỗi Buồn ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Truyên ngắn – Tản văn

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Mở đầu

Netani là một đất nước mà trình độ khoa học kĩ thuật phát triển hầu như có thể gọi là gần đạt đến sự hoàn chỉnh. Hoàn chỉnh đến mức độ tất cả người dân nơi đây lúc nào cũng sống sung sướng, hạnh phúc. Họ được thỏa mãn về mặt vật chất đến nỗi chẳng mấy ai có một động lực hay khát khao nào để sống vì họ không thiếu thứ gì cả. Ở đây ngay cả một người nghèo cũng có cuộc sống không mấy chật vật. Tuy nhiên, cho đến một ngày, tất cả những điều ta đã biết ở trên hoàn toàn không đúng nữa khi Netani xuất hiện một nhạc sĩ kỳ quái.

Không ai biết rõ về người nhạc sĩ này. Chỉ biết đó là một người đàn ông vì chưa một người dân bình thường nào được trực tiếp gặp mặt ông. Tuổi tác, dung mạo, lí lịch, tiểu sử, nơi ông ở… ra sao đều không ai rõ. Người ta chỉ gọi ông bằng một cái tên duy nhất, không có họ: Yier.

Yier trong tiếng Netani nghĩa là duy nhất. Vì anh sáng tác nhạc và hát chính những bài hát của mình là chỉ để cho tất cả mọi người thưởng thức một lần trong đời. Ở đất nước Netani, mỗi khi mua một đĩa nhạc nào đó, người ta tốn 40 ariti. Sau khi mua đĩa nhạc về, người ta chỉ nghe được 40 lần là không còn nghe được nữa. Nếu sau 40 lần mà người nghe không còn hứng thú với bản nhạc đó thì có thể vứt bỏ đĩa. Tuy nhiên, ít có ai vứt bỏ đĩa mà mình đã mua cho dù sau khi nghe 40 lần họ không còn thích nữa. Vì nếu như họ đã vứt bỏ rồi thì sau này, nếu có khi nào muốn nghe lại bản nhạc đó, họ không thể dùng 40 ariti để mua một đĩa nhạc mới. Vì ở đây, đó là luật: Mỗi người chỉ được mua một đĩa chứ không được mua từ hai đĩa trở lên với cùng nội dung, không ai được mượn đĩa của ai và khi nghe nhạc (ngoại trừ khi đi xem các chương trình âm nhạc trên sân khấu hay ở các quán bar) thì chỉ nghe một mình. Nhưng nếu vẫn còn thích bản nhạc đó thì sẽ phải chuyển một ariti từ tài khoản của mình vào hệ thống gửi tiền tự động trong máy hát. Một ariti sẽ tương xứng với một lần nghe. Số ariti này sẽ tự động chuyển đến người nhạc sĩ sáng tác bài hát đó. Vì đây là một đất nước vô cùng tôn trọng quyền sở hữu, quyền trí tuệ và sáng tạo của cá nhân đến nỗi trong nghệ thuật, người ta đánh vào từng đồng ở mỗi lần thưởng thức như thế.

Tất cả mọi nhạc sĩ đều sáng tác cho mọi người nghe được nhiều lần, duy chỉ Yier là cá biệt. Anh bán đĩa ra với giá chỉ một ariti. Mọi người chỉ nghe được một lần và không thể nạp tiếp tiền để nghe lần thứ hai. Sẽ có nhiều người thắc mắc, vậy anh lấy tiền đâu để sống? Chuyện này không ai biết rõ nhưng theo nhiều nguồn tin khác nhau thì vì anh là một nhân vật hết sức đặc biệt nên không cần phải lo nghĩ chuyện kiếm tiền mà chỉ việc sáng tác và nhận được tiền chu cấp của Hội Đồng Chính Phủ Cấp Cao.

Quả thật, Yier là một người hết sức đặc biệt vì âm nhạc của anh lay động được tất cả mọi trái tim người dân Netani. Không một ai có thể thoát khỏi sức quyến rũ mãnh liệt trong âm nhạc của anh. Không thể nói rõ là nhạc anh mang âm hưởng vui hay buồn hay bất cứ một tính từ nào khác vì đó là thứ âm nhạc có thể đúng với cảm xúc của bất cứ người nào dù họ đang ở trong bất cứ tâm trạng nào. Có những người yêu nhạc của anh đến nỗi họ mua về mà không dám nghe ngay lập tức vì họ biết chỉ nghe được một lần nên cố gắng kìm nén lòng ham muốn của mình, đợi khi nào có một chuyện gì đó thật buồn hay thật vui, hay thật đặc biệt xảy đến với họ thì họ mới mở nhạc của anh để nhớ mãi khoảnh khắc đó. Có những người đã đợi mãi mà không có dịp nào đặc biệt nên đến khi họ già và gần chết mới mở nhạc của anh. Anh còn là người mở đầu cho thời kì Cisimi III. Cisimi trong tiếng Netani nghĩa là âm nhạc. Ở Netani – đất nước coi nghệ thuật như một thứ tôn giáo, người ta đánh dấu năm bằng cách đặt tên năm đó là năm mà loại hình nghệ thuật nào chiếm lĩnh ưu thế nhất. Có bảy loại hình nghệ thuật được chia ra ở đất nước này như sau: Ratulie (văn học), Cisimi (âm nhạc), Maneci (điện ảnh), Paniti (hội họa), Tagi (sân khấu), Lebati (khiêu vũ), Techira (kiến trúc). Chính Yier là người đã tạo ra một thời đại mới cho âm nhạc ở Netani, từ khi anh xuất hiện và khuấy động nền âm nhạc Netani đến nay đã 12 năm. Trước anh, hai người đem đến vinh quang cho âm nhạc là: Ka Bantigo Siti (Cisimi I), Ri Tagone Tino (Cisimi II). Cả ba người nhạc sĩ mở đầu cho những giai đoạn âm nhạc thống trị Netani đều tuyệt vời nhưng cho đến giờ phút này chưa có ai lại kỳ quái và tuyệt vời như Yier. Theo đánh giá của Hội Đồng Chuyên Môn Âm Nhạc Netani, cho đến giờ này, Yier vẫn là người nhạc sĩ tuyệt vời nhất trong lịch sử âm nhạc của Netani. Âm nhạc của anh tuyệt vời đến như thế nhưng tại sao anh lại làm vậy? Tại sao anh lại chỉ cho người nghe thưởng thức một lần trong đời?

Vì theo lời tự sự của anh trong đĩa nhạc đầu tiên (và cũng là lời ghi duy nhất, trong các đĩa nhạc sau này, mỗi đĩa chỉ có một bài hát của anh, không hề có bất cứ lời tự sự kèm theo): “Đối với tôi, nghệ thuật thực sự là chỉ cần được nhìn ngắm một lần cũng sẽ khiến người ta nhớ mãi”. Âm nhạc của anh, quả nhiên đã làm được điều đó – điều mà bất cứ người làm nghệ thuật nào cũng ao ước làm được. Nó là thứ âm nhạc khiến ta khi nghe xúc động đến phát khóc vì không ngờ trên đời này lại có thứ âm nhạc hay đến như thế; là thứ âm nhạc mà dù chỉ nghe được một lần, sau một thời gian dài, mặc dù không nhớ rõ giai điệu nhưng vẫn khiến ta nhớ được cảm giác hạnh phúc, sung sướng khi nghe bản nhạc đó; mỗi lần nhớ lại như vậy, ta lại bất giác mỉm cười. Tuy vậy, cảm giác thỏa mãn vẫn luôn tồn tại song hành cùng cảm giác nuối tiếc: muốn nghe bài hát đó thêm một lần nữa. Người ta cũng không thể hát ú ớ lại theo giai điệu mà mình nhớ mang máng vì lời bài hát của anh được hát bằng một thứ ngôn ngữ do chính anh tự sáng tạo ra, không phải là tiếng Netani. Chính vì vậy, Yier đã tạo ra một vết nứt nho nhỏ, đáng yêu làm cho cuộc sống của những người dân nơi đây không còn hoàn mĩ một cách tuyệt đối nữa: Vì họ không được nghe nhiều lần âm nhạc mà mình thích dù họ có giàu có như thế nào đi chăng nữa.

ĐỌC THỬ

Yêu thích âm nhạc của anh như vậy nhưng không phải tất cả người dân xứ Netani đều yêu mến anh. Tình cảm họ dành cho người nhạc sĩ này lại không rõ ràng như tình cảm họ dành cho thứ âm nhạc thần thánh của anh. Họ vừa yêu vừa ghét anh. Những lí do để mọi người ghét anh đa phần xuất phát từ điểm độc đáo nhất chỉ có ở anh: chỉ cho mọi người nghe nhạc một lần. Họ nói anh là người ích kỉ, khi sáng tác nghệ thuật chỉ nghĩ đến bản thân mình nên sau khi sáng tác xong chỉ cho mọi người nghe một lần rồi độc chiếm. Còn một nguyên nhân sâu xa cũng không kém phần quan trọng, cũng trong lời tự sự của đĩa nhạc đầu tiên, anh còn ghi những dòng sau: “Tất cả mọi người đều chỉ được nghe nhạc của tôi một lần, ngoại trừ những người bị điếc. Họ cũng sẽ mua đĩa nhạc của tôi với giá chỉ một ariti nhưng được nghe đi nghe lại suốt đời. Tôi cũng xin nói là tôi sẽ không tổ chức bất cứ liveshow nào trong cuộc đời sáng tác của mình. Tôi muốn khi nghe nhạc của tôi, người ta chỉ có một mình”. Đối với những con người khuyết tật đáng thương về mặt thính giác thì lời anh viết vừa rồi quả là một sự sỉ nhục đối với họ. Đồng thời đó cũng là sự sỉ nhục đối với tất cả những người dân Netani bình thường vì anh khiến cho họ có cảm giác họ không xứng đáng để nghe nhạc của anh. Chính vì lời tự sự đó mà hầu như không có một người dân nào ở Netani hoàn toàn yêu mến anh. Thậm chí việc có nhiều người yêu mến nhạc của anh và căm ghét anh là một điều hết sức bình thường và phổ biến ở nơi đây.

Bởi vì khi nghĩ về con người anh, nghệ thuật không đủ bù đắp cho những thước đo chuẩn mực về nhân phẩm mà các hành động của anh hầu như đều vượt quá giới hạn của những thước đo này. Nhưng khi đến với âm nhạc của anh, nó tuyệt vời đến độ khiến người ta hoàn toàn quên những suy nghĩ của mình về anh khi không nghe nhạc. Người ta đến với âm nhạc của anh hoàn toàn bằng một thứ tình yêu… ngây thơ.

HỘI

Yier ngồi thơ thẩn bên cây đàn piano. Anh đang sáng tác đoạn cuối của bài hát mới. Anh đã sáng tác xong cả một bài hát dài gần mười mấy phút, chỉ còn đoạn cuối nữa thôi nhưng cả tuần nay anh vẫn chưa hoàn thành được. Biết bao nhiêu giai điệu cho đoạn cuối được đánh ra rồi lại bị gạch bỏ đi, anh mệt mỏi đóng nắp đàn lại và ngồi áp mặt trên đó. Một cơn gió nhẹ khẽ lùa qua cửa sổ làm bức rèm trắng bay phất phơ. Buông đôi mắt lơ đãng nhìn qua kẽ hở nho nhỏ giữa khung cửa sổ và bức rèm đang bay bay, Yier thoáng ngẩn người ra khi nhìn thấy có một cô gái bận áo liền váy trắng dễ thương đang đứng ở ngoài cửa. Cô gái mang vẻ đẹp thuần khiết hơn cả đám mây trắng ngoài kia. Thấy Yier nhìn mình, cô khẽ nhìn anh mỉm cười dịu dàng. Nụ cười đó đi kèm với ánh mắt ngây thơ như trẻ sơ sinh trông đáng yêu làm sao. Bao nhiêu câu hỏi vang lên trong đầu Yier: Làm sao lại có người đến được đây? Vì nơi đây chỉ có anh và những người trong Hội Đồng Chính Phủ Cấp Cao mới biết và đến được. Còn một điều quan trọng nữa: Hình như cô gái này bị câm? Vì anh thấy cô đang cố dùng đôi bàn tay của mình để diễn đạt điều cô muốn nói với anh. Anh cảm thấy lạ vì trước giờ, hình như chưa bao giờ có một người khuyết tật nào nghe nhạc của anh. Vì trong đĩa nhạc đầu tiên, lời tự sự của anh vô tình khiến cho tất cả những người khuyết tật (không phải chỉ riêng người điếc) căm ghét và tẩy chay âm nhạc của anh. Anh chợt nghĩ, chắc hẳn vẫn có những người khuyết tật nghe nhạc của anh, có điều anh chưa gặp được họ thôi.

Yier đứng phắt dậy. Anh bước lại gần cửa sổ, vén tấm màn lên để nhìn cho rõ cô gái. Anh bị cuốn hút không phải bởi sắc đẹp của cô mà bởi những động tác tay cô đang làm. Chúng trông thật ngộ nghĩnh, dễ thương. Gió thổi nhè nhẹ làm mái tóc dài của cô tung bay, thi thoảng cô lại khẽ đưa tay vuốt tóc nhìn anh đỏ mặt, bối rối. Các cử chỉ đó kết hợp với khuôn mặt khả ái, cùng những thắc mắc đã tạo nên sức lôi cuốn mãnh liệt đối với chàng nhạc sĩ. Sống 12 năm trời trên những đám mây trắng lạnh lẽo, tách biệt với cuộc sống con người, không gặp gỡ bất kì ai, trái tim anh ngỡ như không còn thiết tha gì với cuộc sống nữa thì nay một người con gái bỗng dưng xuất hiện khiến anh tưởng như đang thấy ảo ảnh trước mặt: Trông nàng tựa như một thiên thần.

Bất chợt, đám mây dưới chân thiên thần đang đứng lún xuống. Yier chợt nhớ ra: Để bảo đảm sự cơ mật về nơi anh đang ở, Hội Đồng Chính Phủ Cấp Cao đã cài đặt một chương trình nhận diện đặc biệt vào các đám mây ở bên ngoài nhà anh làm cho ngoại trừ anh ra thì tất cả những người khác nếu không phải là người của Chính phủ đi làm nhiệm vụ thì đều không đứng được quá năm phút (vì sau năm phút đám mây sẽ bị lún xuống, với độ cao như thế này, nếu bị rớt xuống dưới đất, người đứng trên mây chắc chắn sẽ chết), còn các máy bay của thường dân vô tình bay qua vùng mây này sẽ bị rớt xuống đất ngay lập tức.

Yier hốt hoảng mở cửa nhà ra, lao vào ôm chầm lấy cô gái. Cả hai người cùng rơi xuống một vùng sa mạc hoang vắng. Vùng trời nơi Yier ở chính là vùng trời trên sa mạc này. Thật ra, nơi đây rất hẻo lánh, hầu như không có ai tới đây bao giờ, Chính phủ không nhất thiết phải cài đặt chương trình bảo mật trên các đám mây nhưng vì họ rất lo sợ lỡ… vạn nhất có ai vô tình qua nơi Yier ở (cho dù khả năng xảy ra rất hiếm hoi) thì bí mật về việc làm đồi bại của họ sẽ lộ ra, ảnh hưởng đến cả một chế độ nên họ buộc lòng phải tính đến tất cả các trường hợp dù là hi hữu nhất.

Hai người lăn dài trên cát một hồi lâu rồi dừng lại. Lúc này, người cả hai đã lấm lem cát. Yier không phủi cát trên người mình trước mà vội vàng phủi cát trên người cô gái. Anh không để ý rằng lúc đó, chiếc mặt nạ sắt anh vẫn thường hay đeo đã rớt ra từ lâu. Một cảm giác lạ lẫm trên khuôn mặt anh, có cái gì mịn màng lướt qua đó. Lúc anh đang mải mê phủi cát trên người cô gái, anh không hay biết rằng cô đang nhìn anh bằng ánh mắt trìu mến và dùng đôi bàn tay dịu dàng vuốt trên khuôn mặt anh: một khuôn mặt chi chít những vết sẹo đan qua chéo lại như sọc ca-rô trên lớp da đôi chỗ sưng phồng lên. Bất giác, anh hoảng hốt hất văng tay cô ra:

– Cô làm gì vậy?

Anh thét lên rất lớn nhưng sắc mặt cô gái vẫn y như cũ, không hề có chút thay đổi nào. Khi anh thét lên, cô cũng không hề lấy hai tay bịt lỗ tai theo phản xạ thông thường mà vẫn tròn xoe đôi mắt ngây thơ nhìn anh như không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Yier rất ngạc nhiên trước phản ứng của cô gái vì trước giờ chưa có ai nhìn thấy khuôn mặt thật sự của anh mà không hoảng sợ cả. Cô gái này chẳng những không hoảng sợ mà còn nhìn anh bằng đôi mắt âu yếm. Đó là ánh mắt anh chưa bao giờ nhận được trước đây. Trong giây phút đó, anh cảm thấy bất ngờ, khó hiểu nhiều hơn là vui. Vì có lẽ từ trước đến giờ, vui là một khái niệm quá xa lạ với anh.

Không biết làm gì, giả vờ lờ đi cô gái, anh vội vàng nhìn quanh quất tìm chiếc mặt nạ nhưng không thấy đâu. Có lẽ lúc nãy khi anh rơi xuống đây, nó đã văng đi khá xa. Anh đứng dậy định chạy đi tìm thì bị cô gái nắm tay kéo lại.

– Bỏ tôi ra, tôi phải đi tìm chiếc mặt nạ của mình!

Cô gái vẫn tỏ vẻ như không hiểu và tiếp tục có những động tác tay kỳ lạ. Mọi việc càng thêm rối rắm hơn vì anh cũng không hiểu cô gái đang nói gì. Nhìn nét mặt ngẩn ngơ của anh, biết anh không hiểu gì, cô bèn vội vàng nghĩ ra cách lấy ngón tay viết chữ lên cát:

Tại sao anh phải đeo mặt nạ?

– Cô cần biết chuyện đó làm gì? Tôi không biết vì sao cô xâm nhập được nơi ở của tôi nhưng vì cô đã rơi xuống cùng tôi nên cô an toàn rồi, không sao đâu. Bây giờ cô đi đi! – Yier nói nhanh với vẻ cáu kỉnh vì chưa quen với sự hiện diện của cô.

Cô gái lại tiếp tục viết lên cát:

Anh nói chậm lại chút được không? Nói nhanh quá em không đoán ra được.

Yier lại tiếp tục ngạc nhiên, nói chậm từng tiếng:

– Đừng… đừng nói với tôi là… cô cũng bị điếc…?

Mặt cô gái thoáng buồn và khẽ gật đầu.

Lúc này, Yier quên mất chuyện đi tìm chiếc mặt nạ vừa bị đánh rơi. Tâm hồn tưởng như đã không còn quan tâm đến thế sự của anh nay bỗng nổi lên lòng hiếu kỳ muốn biết chuyện của cô gái. Anh ngồi xuống bên cô, nhẹ nhàng hỏi:

– Tại sao em lại đến được đây? Em muốn tìm gặp tôi hay là chỉ vô tình đi qua?

Em đến để gặp anh.

Những thắc mắc cứ nối tiếp nhau mãi miên man trong đầu Yier:

– Nhưng… làm sao em biết đến tôi? Tôi chỉ viết nhạc thôi mà em thì lại…

Cô gái nhìn khuôn mặt bối rối của Yier, mỉm cười dịu dàng rồi lại viết tiếp trên cát. Lần này, cô viết nhiều hơn những lần trước:

Em biết anh vì em nghe nhạc của anh. Em rất yêu âm nhạc của anh và… yêu cả anh nữa. Dù trước đây chưa gặp anh bao giờ nhưng em vẫn tin rằng người viết ra được những giai điệu như thế chắc chắn phải là một người rất tốt. Và bây giờ khi đã gặp anh rồi, em biết mình đã không lầm.

Yier rất xúc động khi đọc những dòng chữ cô gái viết trên cát vì trước giờ chưa có ai nói là yêu anh, chưa ai nói anh là người tốt cả. Anh biết tất cả người dân Netani đều căm ghét anh. Làm sao họ không căm ghét anh cho được khi chính bản thân anh cũng căm ghét sự tồn tại của mình và muốn nó nhanh chóng kết thúc. Nhưng anh vẫn rất hoài nghi, không biết có nên tin lời cô gái nói không… vì nó quá vô lí…

– Nhưng… nhưng… làm sao em lại nghe được trong khi…

Cô gái chỉ vào một bên tai của mình rồi lại tiếp tục viết lên cát:

Ý anh là em bị điếc thì làm sao nghe nhạc của anh phải không? Hì, đó là bí mật của em. Em chưa bao giờ kể cho ai nghe chuyện này cả nhưng hôm nay em sẽ kể cho anh nghe tất cả nhưng với một điều kiện…

– Điều kiện gì?

Anh cho em ở lại nhà anh nhé. Em chẳng còn nơi nào để về cả.

Cô nhìn anh bằng ánh mắt cầu xin khẩn thiết, rất đáng thương. Có lẽ, không ai có thể từ chối được ánh mắt đó, nhưng anh vẫn dứt khoát chọn cuộc sống cô độc một mình:

– Không. Nhất định là không. Tôi không muốn bất cứ ai xen vào cuộc sống riêng của tôi.

Vậy nếu em hiểu được âm nhạc của anh thì sao? Anh có cho em ở lại với anh không? Itoin karie niyo – Em yêu anh…

Dòng chữ “Itoin karie niyo” mà cô gái vừa mới viết chính là ngôn ngữ riêng do Yier sáng tạo ra trong các bản nhạc của anh. Và quả thật, nó có nghĩa là: “em yêu anh”. Đến lúc này, Yier không còn giữ vẻ mặt lạnh lùng, nghiêm nghị với cô gái nữa, anh hoàn toàn khác hẳn mấy phút trước, vui mừng, hồ hởi tựa như một đứa con nít được nhận quà. Anh không thể tưởng tượng ra lại có ngày đó, có người sẽ hiểu được âm nhạc của anh, hiểu những gì anh viết. Lúc trước anh cứ chờ mong sẽ có ngày, có một người hiểu được âm nhạc của anh. Nhưng chờ mãi không thấy nên anh cũng từ bỏ việc chờ đợi này từ lâu. Nhưng thật ra, anh không hề biết rằng tận sâu trong tiềm thức, anh vẫn thầm mong có một người hiểu nhạc của mình. Anh luôn suy nghĩ kiêu ngạo rằng: Ta sống đơn độc giữa cuộc đời, không ai hiểu được ta vì ta là một người đặc biệt còn lũ người kia chỉ là hạng tầm thường như nhau. Chính vì không ai hiểu được nhạc của ta nên ta càng kiêu hãnh. Những suy nghĩ trên khiến anh có cảm giác mình thật mạnh mẽ vì dám gạt bỏ tất cả để tôn cái tôi của mình lên cao nhất. Là người duy nhất trong chính thế giới do mình tạo ra thật kiêu hãnh biết bao. Quả là vậy! Nhưng là sự kiêu hãnh… trong nỗi buồn. Xét cho cùng, không một ai có thể tránh khỏi sự thật hiển nhiên: “Con người là thứ động vật yếu đuối nhất”. Và người nhạc sĩ kỳ quái của chúng ta cũng không nằm ngoài quy luật đó. Ngay lúc vui sướng nhất vì có người hiểu được âm nhạc của mình dù chưa biết là nhiều hay ít, Yier vẫn kịp nhận ra điều đó để buồn và vỡ lẽ: “Hóa ra ta vẫn là con người yếu đuối”. Nhưng đây là ngày mà Yier đã chờ đợi suốt mười hai năm trời nên niềm vui vẫn lấn át nỗi buồn trong anh.

– Em hiểu được nhạc của tôi ư? Làm sao mà em hiểu được vậy? Tôi cứ nghĩ không một ai hiểu nhạc của tôi chứ. Còn nữa… làm sao mà em đến được đây? Em phải kể cho tôi nghe tất cả mọi chuyện nhé… khi “chúng ta” về nhà – Yier huyên thuyên một hồi nhưng khi nói đến hai chữ “chúng ta” thì đỏ bừng mặt.

Cô gái nghe Yier nói đến hai chữ “chúng ta” thì thở phào nhẹ nhõm và lại mỉm cười nhìn Yier âu yếm tỏ vẻ biết ơn rồi gật đầu lia lịa.

– Nhưng em chịu sống với một người có khuôn mặt xấu xí như tôi sao? Tôi lại còn là một người rất ích kỉ, khó chịu nữa…

Trong khi Yier nói, cô gái lắc đầu lia lịa rồi lại gật đầu lia lịa như thể sợ không làm thế thì Yier sẽ đổi ý ngay lập tức. Cô làm vậy ý muốn nói rằng Yier không xấu xí, ích kỉ, khó chịu và cô thật lòng muốn ở lại cùng Yier dù anh có là người như thế nào đi chăng nữa.

– Nhưng bây giờ không biết làm sao để chúng ta lại về nhà được. Điện thoại yêu cầu người của Chính phủ đến tôi đã bỏ quên trên đó rồi. Chúng ta phải chịu khó ở lại đây một, hai ngày khi người của Chính phủ phát hiện tôi không có yêu cầu gì, họ sẽ lấy làm lạ và lấy trực thăng đi tìm tôi. Lúc đó, may ra…

Anh đừng lo. Chúng ta sẽ về nhà được ngay thôi. Em thấy có một chiếc trực thăng trên kia kìa…

Yier nhìn theo hướng cô gái chỉ tay và quả thật thấy có một chiếc trực thăng đang bay về hướng của họ. Trực thăng đáp xuống. Bước ra là một chàng trai cao to, bận trang phục quân đội chỉnh tề, chào nghiêm trang theo nghi thức của quân đội:

– Xin chào, ông Yier. Tôi là Doo Suboti Bugi, đội trưởng Đội Bảo Vệ & Tìm Kiếm Tài Nguyên Thiên Nhiên Quốc Gia. Tôi sẽ hộ tống ông về nhà.

Yier chỉ tay về phía cô gái:

– Đây là cô gái tôi vừa mới quen. Tôi sẽ dẫn theo cô ta về nhà.

Chiếc trực thăng từ từ bay lên cao. Lên bầu trời xanh thẳm phía trên kia.

Bỏ lại dưới đất, gió và cát vẫn thổi vần vũ trên sa mạc hoang vắng Nisadi…

Nhưng có ai biết chính tại nơi hoang vắng đó, hai con người lạc lõng đã tìm ra nhau


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button