Truyện - bút ký

Những người tình cô đơn kỳ lạ của tôi

Print1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : An Hạ

Download sách Những người tình cô đơn kỳ lạ của tôi ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  TRUYỆN – BÚT KÝ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook                 

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Năm ấy tôi 21 tuổi, một năm hết sức mờ nhạt, không có sự kiện nào đặc biệt đáng nhớ. Cũng không có điều khủng khiếp nào có thể trở thành cái cớ để mọi người cùng nhau nhắc lại mà gật gù hay có thể khiến người ta suy ngẫm một cách thực sự như ngày 11 tháng Chín, thời tiết cũng không có những thay đổi bất thường kì lạ như bây giờ. Nên có thể nói, năm ấy chẳng có gì quá đặc biệt. Cuộc sống của tôi thời điểm ấy cũng không có gì đáng phàn nàn. Mọi thứ đều tốt, trong giới hạn tẻ nhạt của nó.

Tôi sống cùng một người bạn gái, một tủ đầy những quần áo váy vóc, một bàn trang điểm (lúc đó còn khá sơ sài), một giá sách đồ sộ ngổn ngang đầy những sách và đĩa nhạc, và một con mèo cái có đốm mắt vừa hèn nhát vừa nhõng nhẽo. Cuộc sống thường nhật của chúng tôi khá hòa thuận. Một sự hòa thuận ngọt ngào và dễ chịu như thứ không khí đơn giản là trong lành khi lý do ở bên cạnh nhau phần lớn không phải vì bắt buộc, trách nhiệm, hay điều gì đó tương tự. Chúng tôi sống với nhau bởi chúng tôi muốn như thế và thực sự hài lòng với mong muốn ấy của mình.

Thỉnh thoảng, bố tôi vẫn gọi điện. Vẫn luôn là giọng nói thân thuộc lúc nào cũng mệt mỏi bởi quá nhiều những lo lắng, cái thứ âm điệu lần nào cũng khiến tôi mềm lòng muốn khóc.

Tôi quyết định dọn ra khỏi nhà năm 20 tuổi. Không vì tranh cãi hay bất hòa, càng không vì bất cứ chàng trai nào, chỉ bởi, tôi thấy mình cần phải đi.

Bố mẹ ly hôn từ khi tôi bắt đầu đi học lớp Một. Không lâu sau, mẹ tôi, người đàn bà luôn có nét mặt lơ đễnh và u sầu, chuyển sang định cư ở nước ngoài, tôi bắt đầu cuộc sống êm đềm dài như một cơn mơ trong vòng tay của bố. Trong ký ức của mình, tôi chưa bao giờ nghi ngờ, dù là suy nghĩ thoáng qua, rằng tôi thiếu thốn bất cứ thứ gì. Nhưng những nét u buồn hằn sâu trên khuôn mặt non nớt của tôi những ngày đó luôn gieo vào lòng tôi một niềm u uất khắc khoải gắt như hương hoa oải hương trong loại sữa tắm tôi vẫn dùng, mỗi khi tôi ngồi bệt trên sàn, chỉ có một mình, giữa đêm khuya, xung quanh ngổn ngang những tấm hình chụp thuở nhỏ mà vài năm tôi mới lại có dịp ngồi xem lại. Chúng luôn khiến tôi không thể cố gắng coi những khuôn mặt méo xệch ngộ nghĩnh hay nụ cười rạng rỡ luôn thường trực kia không có liên hệ gì với tôi, mặc dù tôi đã thường xuyên quên mất chúng, khiến tôi không thể coi như cuộc sống của tôi thực chất mới chỉ bắt đầu từ buổi sáng tốt đẹp hôm qua. Hóa ra, tôi đã chẳng lớn thêm lên nhiều lắm.

Chúng tôi đã sống với nhau, đơn giản như mọi chuyện phải thế và nên như thế. Dù có thể hình ảnh một người đàn ông một mình chăm sóc hai đứa trẻ có thể gây nên sự thương cảm với bất cứ ai, nhưng với ba người chúng tôi, thật sự, chẳng có vấn đề gì. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên, sau đó là tức giận mỗi khi một ai đó bắt đầu tỏ thái độ thương hại hay có bất kỳ hành động nào khác cho tôi chỉ vì tôi không có mẹ. Điều đó giống như một sự xúc phạm ghê gớm đối với cuộc sống của chúng tôi. Một cuộc sống tuyệt vời mà thứ mùi vị vô tư đầy hạnh phúc bố đem lại cho gia đình vẫn luôn làm tôi nghẹn thở mỗi khi suy sụp vì cô đơn. Tôi chịu ơn bố rất nhiều vì điều kỳ diệu ấy.

Dù chắc chắn, mọi chuyện đã không hề dễ dàng với ông.

Bố là một người đàn ông tràn đầy tình cảm. Ông rất yêu tôi, nhưng ông chưa bao giờ biết bộc lộ điều đó một cách dễ chịu. Ông luôn vụng về, cứng nhắc mỗi khi định bắt đầu một câu chuyện thân tình với tôi. Đó không phải lỗi của ông khi ông được nuôi dưỡng trong những thứ tình cảm chung đáng tự hào và được dạy biết xấu hổ về những lặt vặt riêng tư. Chúng tôi đành phải cứ yêu nhau câm lặng như thế, tạm hài lòng dưới kiểu tình cảm áp đặt của ông bố lên một đứa con ngoan ngoãn chưa bao giờ biết nói gì khác ngoài sự vâng lời.

Việc tôi chuyển ra ngoài, dĩ nhiên, là một cú sốc lớn với ông. Thời gian đầu, ông làm tôi hoảng hốt, mặc dù tôi đã không lấy đó làm bất ngờ, vì những cú điện thoại dài bất tận, thường xuyên và liên tục, khi thì van vỉ, khi thì giận dữ chỉ để tôi quay về nhà.

Đôi khi, ông xuất hiện trước cửa nhà bạn tôi lúc nửa đêm, không hề báo trước, với khuôn mặt nhàu nhĩ vì buồn bã xen lẫn nghi ngờ và nhất quyết chỉ chịu ra về khi ông chắc chắn rằng tôi đang ở đó, yên ổn và không có thằng con trai nào đang lấn chiếm cái giường của tôi. Ông không hiểu và chẳng bao giờ chịu hiểu vì sao cô con gái cưng luôn ngoan ngoãn đột nhiên nổi loạn đòi rời khỏi sự bao bọc kỹ lưỡng của ông, không vì lý do nào cụ thể.

Tôi đã chỉ thông báo về quyết định tày đình của mình bằng câu nói ngắn ngủn: “Con sẽ ra ngoài ở”, sau bữa sáng quen thuộc ở nhà sáng ngày Chủ nhật. Chúng tôi ăn sáng muộn ngoài ban công tầng hai. Hôm ấy nắng vẫn còn hơi gắt, chúng tôi ngồi ăn sau bức mành trúc. Nắng chiếu xiên qua tấm mành, đổ lên mặt bàn và lấp lánh trên những sợi râu của bố. Khung cảnh hôm ấy được tôi nâng niu đóng khung treo trang trọng trong trí nhớ của mình cùng với thứ mùi nồng nàn của bụi bay tít mù trong nắng và thứ âm thanh run run cố làm ra vẻ tỉnh bơ thoát ra từ cổ họng của tôi rồi im bặt.

Ông không nói gì suốt buổi sáng hôm ấy.

Cho tới tận bây giờ, bố tôi vẫn luôn cho rằng, không một chút nghi ngờ, đó là lỗi của ông. Dù ông chẳng thể gọi nổi tên của nó. Tôi đã không thể giải thích một cách rõ ràng hay cố gắng tìm ra một lý do mà ông muốn nghe. Chúng tôi đành im lặng, như cái cách chúng tôi vẫn yêu nhau, từ khi là một người đàn ông trẻ tuổi cô đơn và một cô con gái nhỏ cho đến tận khi tôi trưởng thành, còn ông bắt đầu quen với việc mình đã già. Không khí bao quanh mối quan hệ của chúng tôi chưa bao giờ thay đổi, thứ cảm giác dằn vặt âm thầm vì yêu nhau nhưng chưa bao giờ thật sự lại gần được những nơi sâu thẳm nhất của nhau.

Nhưng dẫu sao, mọi chuyện vẫn rất ổn.

Sau khi tôi ra ngoài sống khoảng nửa năm, bố tôi lấy vợ.

Tôi chỉ được biết tin khi đám cưới đã được chuẩn bị gần xong. Mặc dù, chưa bao giờ thử nghĩ mình sẽ phản ứng thế nào nếu bố lấy vợ, tôi vẫn không cảm thấy ngạc nhiên. Chuyện ấy giống như một sự kiện đương nhiên nhất phải xảy ra. Tôi mơ hồ cảm thấy đâu đó, trong tiềm thức của mình, tôi đã định liệu sẵn điều này, từ rất lâu rồi. Và có một điều tôi biết chắc, điều này sẽ không xảy ra nếu tôi vẫn còn sống với gia đình của mình.

ĐỌC THỬ

2

Ngày tôi chuyển ra ngoài, bố tôi biến mất lặng lẽ từ buổi sáng. Tôi có phần hơi ngạc nhiên khi bản thân không hề có phản ứng tiêu cực nào. Tất cả tĩnh lặng giống như bên trong một cái chai bị nút kín. Loại chai thủy tinh màu xanh vẫn được dùng để đựng sữa đậu nành. Không hiểu sao hình ảnh cái chai thủy tinh rỗng được nút kín lại chạy ngang qua đầu óc. Điều ấy làm tôi tự cười cợt với ý nghĩ của mình khi đang rửa mặt trong nhà tắm.

Sáng, khoảng tám giờ, tôi tự làm cho mình bữa sáng đơn giản dưới bếp. Vài lát bánh mì với hai quả trứng trong tủ lạnh. Căn nhà yên lặng êm ả. Âm thanh xèo xèo của trứng rán trong chảo đem lại cho tôi cảm giác khá thoải mái. Không việc gì phải căng thẳng cả. Tôi tự nhủ.

Thằng em tôi có lẽ vẫn ngủ lăn lộn trong phòng riêng. Nó có vẻ không mấy quan tâm đến quyết định động trời của tôi. Trong thế giới cô đơn của nó, việc thỉnh thoảng đột nhiên muốn bỏ nhà ra đi không phải là chuyện lạ. Cũng chẳng nên đánh thức nó dậy để nhờ vả làm gì. Tôi nghĩ thầm, xúc trứng ra đĩa. Khi ăn đến lát bánh mì thứ hai, một lát bánh mì được phết bơ dày uỵch và hai thìa đường phủ lên trên lớp bơ, điện thoại đổ chuông. Tôi đấu tranh với sự lưỡng lự của mình trong vài giây, miễn cưỡng bỏ lát bánh mì đầy bơ ngon lành xuống đĩa, lê lên tầng hai.

– Tao rủ mấy đứa bạn qua giúp nhé.

Tee – người bạn gái tôi chuyển đến ở cùng gào toáng lên trong điện thoại vẻ hứng khởi.

– Có phải hội hè gì đâu. Tôi làu nhàu. Không cần ai hết, lát sang chở đồ với tao là được rồi.

Tôi cúp máy, trở lại đánh chén nốt lát bánh mì của mình.

Đến cuối ngày, khi đống đồ đạc đã được đóng gọn ghẽ vào thùng, khi thứ cảm giác rát bỏng lạ lẫm đột nhiên từ một khe hở bí mật bên trong trào ra, tôi mới chua xót nhận ra màn tự lừa dối ngoạn mục đầy cố gắng của chính mình.

Đồ đạc của tôi chẳng có nhiều nhưng để gom hết chúng lại cũng không dễ dàng như tôi tưởng. Nếu chỉ việc vơ hết tất cả, cho vào bao tải, mang đi thì thật dễ chịu. Đằng này, lũ đồ đạc ngớ ngẩn đều như cố tình nổi loạn. Dù là cái khung ảnh cũ hay đĩa CD đã xước đến mức chắc chẳng thể nghe nổi, tất cả đều như cố gắng hành hạ tôi. Cuối cùng, tôi bối rối đến độ phải cầu viện đến vài đứa bạn, cầu xin chúng đến giúp, mặc dù trước đấy chính tôi chứ không ai khác đã quả quyết rằng tôi chẳng cần ai cả. Cũng may, không ai nỡ lòng nào bỏ mặc tôi. Chúng nó đều ngay lập tức xuất hiện như thể nếu chậm chạp một chút thôi cũng có thể có gì tai hại xảy ra rồi. Ưu điểm lớn nhất trong tình bạn của những người trẻ tuổi có lẽ là ở những hành động điên rồ vặt vãnh như thế.

Chiều muộn, xong xuôi hết mọi việc, tôi ngồi vắt vẻo trước cửa nhà, trên một trong những thùng đồ của mình, đợi Tee, vừa mặc kệ cho mồ hôi chảy thành giọt xuống cằm, vừa khoan khoái uống coca vừa cố gắng lờ đi việc bố vẫn chưa về nhà như thường lệ. Thứ nước giải khát này thật dễ khiến người ta cảm thấy hứng khởi, nhất là khi nó được cộng hưởng với cái cảm giác sung sướng kỳ lạ vì mình đã làm được điều gì đó thật đặc biệt. Trong lúc phởn phơ gặm nhấm cảm giác hạnh phúc đang âm ỉ uốn éo trong mình, tôi vừa cố gắng chú tâm ngắm nghía cảnh vật quanh ngôi nhà thân thuộc với hy vọng sẽ luôn nhớ rõ về khoảnh khắc dễ chịu này vừa hớn hở nhịp nhịp chân và hát ư ử những giai điệu không đầu không cuối. Không hiểu vì giọng hát eo éo đầy mùi coca của tôi hay vì mặt mũi biểu cảm nhem nhuốc của tôi lúc đó đã gợi hứng cho Tee rình mò chụp trộm bằng được cái mặt mấy khi trở nên ngu ngốc như thế của mày. Tấm ảnh này được Tee trang trọng gắn ở cửa tủ lạnh (bên cạnh mấy con cá heo bằng đá gắn nam châm của cô nàng) mà mỗi lần mở tủ lạnh vào nửa đêm, lôi chai vang sauvinogh ra nhấm nháp, nó lại khiến tôi không thể không mỉm cười. Chẳng hiểu sao cái bộ dạng xấu xí thảm hại ấy không khiến một kẻ yêu bản thân đến điên cuồng như tôi thấy phiền lòng. Cho dù mặt mũi có thảm thương, mồ hôi có đầm đìa khiến từng lọn tóc bết lại trên trán, và đôi chân lúc đó đang mang đôi dép ở nhà cáu bẩn lâu ngày không được cọ rửa mà ai nhìn thấy cũng phải thốt lên thương cảm cả theo kiểu thật lòng lẫn xã giao, và đôi khi cả dè bỉu nữa: Chao ôi! Bị đuổi ra khỏi nhà trong hoàn cảnh như vậy hả? Tôi vẫn thật sự yêu cái bộ dạng của tôi lúc đó. Sự xấu xí xộc xệch đó, hương vị của lon coca lúc đó, mùi của buổi chiều mùa hè nồng nồng quyện trong vị ngọt mát của gió, màu vàng yếu ớt xỉn đi vì bụi của nắng chiều lúc ấy và cả nụ cười của Tee. Tất cả thật quý giá biết bao!

– Trông thật sự đáng để hiểu nhầm đấy nhỉ? Tee lúc đó đã cố ngoác rộng cái miệng đã vốn rất rộng của nó ra mà cười theo cái kiểu đắc ý quen thuộc, mặc cho tôi ra sức gào thét giành giật lại cái máy ảnh. Nụ cười chẳng đáng yêu mấy của nó luôn hiện lên ngay tức khắc nếu tôi nghĩ đến Tee, như một cái avatar thân thuộc. Và thật ngọt ngào khi có những thứ chẳng bao giờ thay đổi như thế.

3
Cuộc sống của tôi ở nhà Tee khá dễ chịu. Tôi đã quá quen thuộc với căn nhà ấy đến mức đôi khi không khí ở đó vẫn làm tôi nhầm tưởng như mọi việc vốn chẳng có gì thay đổi, như khi tôi vẫn lê la ở nhà Tee nhiều giờ đồng hồ trước khi về nhà. Chỉ có những lúc hì hụi dọn nhà hay đến giờ nấu cơm, tôi mới chợt nhớ sự ngớ ngẩn của mình. Nực cười là mọi việc sẽ lặp lại y hệt như thế vào ngày hôm sau. Cứ như một cuốn băng được tua đi tua lại mà ta còn nghe rõ mồn một tiếng tua băng rồn rột của cái đài cát-sét cũ.

Tình bạn của chúng tôi bắt đầu từ hồi lớp Một, khoảng thời gian thật khó khăn khi bố mẹ tôi ly dị. Khác với đa số gia đình hạnh phúc của bọn bạn cùng lớp, Tee sống cùng ông bà nội và chị gái. Có thể vì cái hương vị không trọn vẹn ấy mà tôi ngay lập tức bị thu hút bởi cảm giác mỗi khi ở bên Tee. Sự hiện hữu của Tee, đối với tôi, là một lời khẳng định sâu sắc rằng chúng tôi đều có thể sống tốt mà không cần mẹ. Tôi yêu bố và Tee cũng vậy. Thế thôi đã là quá nhiều để bắt đầu yêu mến nhau.

Suốt năm năm cấp một, đầu tóc và quần áo của Tee lúc nào cũng ngắn ngủn, bụi bặm như lũ con trai. Vì thế, Tee thường xuyên là đối tượng trêu chọc của lũ bạn cùng lớp. Cái kiểu trêu chọc ít ác ý nhưng thừa sức gây ra những nỗi ám ảnh kéo dài đến cả đời. Đến tận bây giờ, Tee vẫn không dám để tóc ngắn cũng như khoác lên mình bất cứ món đồ nào ít nữ tính hơn mức bình thường. Cô nàng thường tự bào chữa cho nỗi sợ của mình bằng nụ cười ngượng nghịu bất lực và nói như thể trách móc: “Bệnh tâm lý ấy mà!”

Tôi đã chẳng hề thấy phiền chút nào về bộ dạng đó của cô. Tôi chẳng thấy đầu tóc hay cách ăn mặc của cô có gì lạ thường. Có lẽ, một phần vì tôi ăn mặc cũng hài hước chẳng kém gì cô. Khi những bộ cánh xinh xắn của mẹ sắm cho từ nhỏ bắt đầu chật, tôi chỉ trung thành với hai cái quần đồng phục học sinh màu xanh tím than mà mỗi năm một lần bố tôi lại mua chúng ở cửa hàng bách hóa. Đi kèm với hai cái quần ấy là những cái áo rộng thùng thình già nua và lỗi mốt của mẹ tôi để lại.

Có thể, đó là một trong những nguyên nhân khiến chúng tôi bị đám con gái có vẻ ngoài đáng yêu ở lớp kì thị. Chúng không nói chuyện, không chơi cùng, thậm chí còn chẳng thèm ban phát một cái liếc nhìn khi chúng tôi bước vào lớp nhưng lại sẵn sàng nhìn chăm chăm vào đôi bitis cũ mòn đã bắt đầu bốc mùi của Tee trong cả buổi chiều và rúc rích với nhau mỗi khi cố ý lia ánh mắt khinh bỉ qua chúng tôi.

Mỗi lần ngắm lại những bức ảnh hai đứa chụp chung hồi cấp một, tôi đều không lấy làm lạ khi lũ con gái được yêu chiều chăm chút như những con búp bê đắt tiền ấy lại sẵn sàng cư xử với chúng tôi lạnh lùng, tàn ác đến như thế.

Dẫu vậy, năm năm cấp một vẫn luôn là thời gian hạnh phúc vô tư nhất của cả tôi và Tee. Chúng tôi đã thực sự có những giây phút hạnh phúc vô lo tuyệt vời. Không lo lắng vì bề ngoài, chẳng cần lo lắng về suy nghĩ của người khác, không ám ảnh bởi cảm giác mình có được yêu hay không, cũng chẳng phải nghĩ ngợi trước khi làm điều gì. Với tuổi thơ, có lẽ sống cũng đơn giản như việc hít thở vậy.

Khi còn nhỏ, tôi đã có một ước muốn kì cục. Mỗi khi mọi giác quan của tôi giãn ra trong hạnh phúc, tôi luôn nhắm mắt lại và ước thầm, giá mọi thứ cứ mãi như thế này, đừng bao giờ thay đổi. Tôi không nhớ rõ tại sao một con bé vẫn còn làm rách đũng quần sau mỗi ngày lê la ấy lại có thể có mong ước kì lạ như thế. Nhưng chắc chắn một điều, suy nghĩ kì lạ ấy đến với tôi sau khi mẹ rời khỏi gia đình. Đương nhiên, chẳng bao giờ tôi băn khoăn vì sao mình có suy nghĩ ấy.

Năm chúng tôi học lớp Năm, bà nội Tee qua đời. Với kiểu tư duy ngu ngơ của tôi, đơn giản chỉ là từ nay không còn nhìn thấy bà của Tee nữa. Điều đó cũng không làm nên cái gì thực sự chấn động. Giống như từ hồi bố mẹ ly hôn, tôi cũng không còn nhìn thấy mẹ. Có lẽ, tôi đã giỏi bảo vệ mình từ hồi còn bôi nước mũi ra tay áo ấy.

Nhưng với Tee, tôi đã hoàn toàn tin chắc, từ cái hồi lớp Năm ấy, cô đã đồng ý ký vào thứ giấy thông hành một chiều vào một thế giới khác – nơi tôi đã tìm đủ mọi cách để trốn chạy.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button