Truyện - bút ký

Những bước lang thang

nhung buoc lang thang sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Bình Nguyên Lộc

Download sách Những bước lang thang ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  TRUYỆN – BÚT KÝ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng PDF                   Download

Định dạng MOBI                 Download

Định dạng EPUB                Download

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

“Những bước lang thang…” hôm nay được tái bản, có lẽ ngoài ý muốn khiêm tốn của tác giả. Bản chính ghi là “tuyệt bản”, theo nghĩa của ngành xuất bản phương Tây là không bao giờ tái bản, với bất cứ giá nào (gọi là édition définitive). Không phải là lập dị, nhưng Bình Nguyên Lộc biết rằng loại bút ký của anh, với đề tài Sài Gòn xưa, theo ký ức quá riêng tư thì rất khó tìm độc giả vì viết cho mình thích là chính, bạn bè tri âm thích là phụ, nếu may ra có người tò mò tìm đến. Buổi ấy, chiến tranh loạn lạc xảy ra ở vùng tạm chiếm Sài Gòn. Có cơm ăn, không bị bắt bớ là quan trọng, trước mắt, người giàu tưởng tượng không bao giờ nghĩ đến ngày Độc Lập – Thống Nhất với kỷ niệm đậm đà ý nghĩa dịp 300 năm!

Viết lại những gì mình muốn ghi nhớ kẻo quên, mong được sự đồng cảm của vài bạn già cùng thế hệ. Quên giới thiệu rằng Bình Nguyên Lộc lớn hơn tôi đến một con giáp (sinh năm 1914), quê ở Tân Uyên, nay là Bình Dương – Sông Bé, nhưng về mặt địa bàn văn hóa thì dính dấp nhiều đến Đồng Nai – Biên Hòa, trong gia đình phú nông, được học ở trường Pétrus Ký (nay là Lề Hồng Phong), đậu Trung học Pháp, ra làm công chức, đậu bằng chuyên môn về kế toán chính quy, làm việc ở kho bạc Sài Gòn (có thi lên ngạch nhưng không đậu). Thời kháng Pháp, anh vào chiến khu rồi trở về, bỏ nghiệp công chức, lãnh làm kế toán cho các hãng buôn, dạy chữ Việt cho công chức Pháp và viết văn. Qua vài truyện ngắn đầu tiên anh đã nổi danh với Nhốt Gió, đâu từ năm 1952.

Lòng yêu nước của anh, được thể hiện rõ nét trong văn chương, sống thanh đạm, thích mặc âu phục kiểu cổ điển, quần áo trắng, thắt lưng trắng, mang giày da trắng, cà vạt cũng trắng! Lấy chiếc cà vạt đã tháo ra, anh có thể thắt vào cổ, gọn gàng, theo quán tính, không cần nhìn vào kiếng. Tuy sinh ở tỉnh lẻ, nhưng anh đã sống từ năm 14 tuổi tại Sài Gòn mãi đến sau năm 1975, được bảo lãnh đi Mỹ để trị bệnh rồi mất bên ấy.

Sài Gòn từ hồi năm 1928 đã khánh thành trường Pétrus Ký (nay là Lê Hồng Phong). Bấy giờ, đường Nguyễn văn Cừ, Lý Thái Tổ, Ngô Gia Tự còn là ngoại ô với vườn trồng bông lài, mồ mả, vườn trồng chuối, trồng tre. Đường ngay là Ngô Gia Tự trải đá đỏ, với từng đàn bò tới lui lang thang. Sau này viết “Những bước lang thang…”, anh đã có vốn sống quá dồi dào. Mỹ đến, anh chợt nhớ cảnh xưa, luyến tiếc thời buổi mà ngay vài xóm của nội thành ngày trước còn là đồng quê, đô thị hóa chậm chạp rồi đô thị hóa “nhảy vọt”. “Những bước lang thang…” gợi hương vị của một kiểu Thăng Long thành hoài cổ, hoặc “Đêm nghe tiếng ếch ngang tai. Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”. Sài Gòn là đất mới, là vùng nước mặn, là văn minh biển và văn minh sông rạch. Tuy ở Sài Gòn, thuộc tầng lớp “tiểu tư sản” chịu ảnh hưởng Tây học nhưng anh vẫn bảo lưu tâm hồn người nông dân miền Đông, vùng Tân Uyên, Biên Hòa. Anh đã đi thực tế, lấy tâm còn tươi trẻ, hồi mới lên Sài Gòn để nhìn và luyến tiếc nét thơ mộng của “hồn ma cũ”. Nào tiếng rao bán quà trên rạch cầu Ông Lãnh, nào cây vông đồng, lũ trẻ đi bắn chim với cái giàn thun…

Lời văn hóm hỉnh, dông dài, viết như nói, đầy duyên dáng. Tiếng Việt của anh ngọt ngào, không lai tạp như người ở miền Tây. Biên Hòa, quê anh từ nhiều thế hệ đã xưa hơn 300 năm.

Là công chức lớn tuổi, thời Mỹ, anh không thể làm gì hơn. Đọc những tản văn ngắn này, kẻ nóng vội có thể phê phán rằng anh yêu nước kiểu thụ động, tiêu cực. Nay đọc lại, ta thấy anh là người tài hoa, ôn hòa nhưng có định hướng yêu dân tộc. Như vậy cũng quý lắm rồi. Ta không đòi hỏi gì hơn ở một người công chức. Không là lửa cháy rực nhưng là những cục than nhỏ cháy ngầm dưới lớp tro không nguội lạnh. Tôi đã “đại ngôn” chăng? Thôi thì nói đùa với “gã đi lang thang” như vầy: lúc còn sống, anh đã không muốn tái bản tập sách nhỏ ấy mà bây giờ nhiều người muốn tái bản thì có sao đâu? Độc giả là Thượng đế. Tiếng nói tâm sự, thân mật của anh dạo trước gẫm lại cần thiết, quý giá như tiếng con dế gáy te-te mà trẻ con ngày nay còn thích nghe và các cụ già hơn 60 tuổi cũng lấy làm ngạc nhiên thích thú, khi đêm thâu, thức dậy pha chén trà nóng cho riêng mình uống. Nó trị cơn bịnh rất khó trị là “bức xúc” (stress), mà tiếng gáy của con dế thời trò chơi điện tử, đựng trong hộp, cứ gáy lên khi chạm với ánh sáng không trị được và gây thêm nhức đầu.

Sơn Nam

Những hàng me Sàigòn

Me! Cái tên mới thô lỗ làm sao chớ! Nó không được tầm thường như mận, bưởi, cau, mà cục mịch như ổi, xoài, măng cụt.

Nhưng nếu có những cô Thùy Dương, Yến Tuyết, không đẹp bằng những chị Mén, chị Vẩu, thì cũng có những cây anh đào, thanh tùng, không đẹp bằng me, bằng me Sàigòn.

Me vốn đã đẹp với thân cây đều đặn, không cao lỏng khỏng như dầu, không lùn tịt như sanh, đẹp với vỏ cây cằn cỗi gợi nhớ những cội tùng già bên chùa cổ trên một sườn non, với rêu xanh non mởn bám trên vỏ sạm đen, đẹp như non bộ dày sương dạn gió, với tàn không thưa, không sơ rơ như tàn sầu riêng, không dày mịt như măng cụt, vốn nó đã đẹp ở ngoài thiên nhiên rồi, mà trồng trên vỉa hè đá, bên cạnh những ngôi nhà xi-măng cốt sắt, khô, nóng, và buồn, thì nó còn đẹp hơn biết bao!

Ôi, những hàng me Chợ Cũ, những hàng me phố Gia Long, những hàng me phố Tản Đà, những hàng me bầu bạn của người đi bộ về trưa, những hàng me tò mò dòm vào các cửa sổ tư gia, gởi vào đó những lá nhỏ li ti trên tóc cô gái bé, những hàng me tàn xanh sậm quyến luyến những triếng dương cầm của ai trong vài cửa sổ vọng ra…

Ôi, những hàng me chứa chấp cô Mùa, một có gái quê ít dám léo hánh đến thành phố. Chính trên mái tóc xanh biến màu theo thời tiết của ngươi mà những khách yêu thiên nhiên tìm dấu chân Mùa hằng năm len lén đến vài lần nơi thành phố.

Lòng sầu xứ quê của những kẻ lạc loài vào đô thị Sàigòn được dịu đi vài phần khi nhìn những hàng me Nguyễn Du và Hồng Thập Tự ngả màu rồi lại thắm màu.

Những ngày mà toàn thân me đều khoác áo màu đọt chuối non, là những ngày người mến thiên nhiên nghe tiếng hát của Mùa, là những ngày họ hồi hộp rình Mùa, hồi hộp lắng nghe bước chân Mùa trên xi măng của thành phố.

Ôi, những cây me ngủ chiều, gợi nhớ sự nghỉ ngợi của đồng áng, gợi nhớ những nỗi buồn tiền sử của loài người, khi chiều xuống họ hãi hùng nhìn cây ngủ, chim về, mặt trời chun xuống thiên nhai không biết ngày mai sẽ trở lại hay không…

A… ha, những cây me vui, những cây me rắn mắc, thỉnh thoảng, sau một trận mưa, lại đánh rơi xuống áo đẹp của ai những hột nước làm cho ai nhăn mày…

Tôi thương Sàigòn vì những hàng me.

1952


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button