Truyện - bút ký

Hẹn Hò Nước Mỹ

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Đỗ Nhật Nam

Download sách Hẹn Hò Nước Mỹ ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Truyện – Bút Ký

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH]

ƯỚC MƠ CỦA CON – NIỀM VUI CỦA BỐ

Từ ngày Nam còn nhỏ, bố luôn nói với con rằng: Nam lớn nhanh cố gắng phấn đấu để được đi du học nhé.

Và bố bày cái bản đồ thế giới ra trước mặt, bố mỉm cười và khích lệ: Nam chọn đất nước mà mình thích đến để du học đi nào.

Lần nào cũng thế, Nam đều chọn nước Mỹ.

Bố luôn cười xòa, xoa đầu rồi bế bổng Nam lên tay: Ôi chao, cái thằng bé xíu mà thật là chính kiến, lần nào cũng giống nhau cả.

Má Nam đỏ bừng, con khúc khích cười.

Rồi Nam rủ bố chơi trò chơi “xuất ngoại”.

Bố nằm ngửa, để hai bàn chân giả làm máy bay cho Nam ngồi lên rồi bố nâng hai bàn chân của mình “cất cánh”, đưa Nam bay vù lên. Tóc Nam bay lòa xòa. Nam cười nhô hai cái răng thỏ xinh ơi là xinh. Và tiếng cười của Nam lẫn trong lời bố giả làm tiếp viên: Phi cơ chở giáo sư Đỗ Nhật Nam đi Mỹ thỉnh giảng về thăm bố mẹ đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Nội Bài…

Ôi chao là những trò chơi thương mến…

Giá mà có phép màu, bố mong ước được trở lại những giây phút đó, có Nam ngồi gọn trên hai chân bố, tóc tơ thơm mềm và nụ cười ngọt như quả ủ chín vào mùa đông lạnh giá. Vị ngọt cứ thấm sâu vào tim bố.

Bố nhớ lần đầu tiên bố cho Nam đi tàu Shinkansen ở Nhật. Con nhỏ xíu đứng cạnh tàu chụp bao nhiêu là ảnh. Khi ấy, bố đã thủ thỉ với con rằng, sau này Nam lớn, Nam sẽ cho bố đi khắp bốn phương trời bằng máy bay, bằng tàu siêu tốc nhé.

Nam gật đầu cái rụp, thò cái ngón tay bé xinh ra ngoéo tay bố, như chắc chắn cho những dự định của hai bố con.

Rồi thơ ấu lùi xa…

Rồi nước Nhật lùi xa…

Chỉ có những ước mơ là mãi mãi còn…

Năm 13 tuổi, một hôm Nam đột ngột tuyên bố: Con sẽ đi du học ở Mỹ bố ạ.

Chao ôi, bố không diễn tả được cảm giác của mình khi ấy. Có chút gì như vui mừng vì con đã sớm trưởng thành lại có chút gì như hụt hẫng chênh chao.

Xa con khi con mới 13 tuổi là điều bố chưa thể hình dung đến, chưa từng tính đến, ngay cả trong những giấc mơ.

Nhưng bố biết, bố khó có thể ngăn cản đam mê của con.

Và cũng bởi như có một sự trùng hợp trong vòng quay số phận, bố cũng đã xa nhà đi học trường chuyên năm 13 tuổi. Và bố đã một mình tự lập bươn chải nỗ lực hết mình từ ngày đó.

Nên bố tin vào sự trùng phùng duyên nợ với con số 13, với cái dấu mốc diệu kỳ ấy…

Và con lên đường trong nỗi nhớ ngác ngơ bần thần của bố.

Đêm đầu tiên khi mẹ đưa con sang Mỹ, một mình bố đánh vật với nỗi thương nhớ cồn cào…

Nỗi thốc nghẹn trong tim khiến bố rã rời.

Bố âm thầm giấu bóng mình vào đêm, như người ta nén một nắm tro âm ỉ cháy. Nỗi nhớ bốc lên từ từ ủ suốt từng chân tóc. Bố đếm bóng đêm qua trùng trùng lớp lớp những kỉ niệm về con.

Và rồi bức ảnh đầu tiên con gửi về, thật kì lạ là ảnh về nước Nhật, khi con dừng chân transit tại sân bay Narita ở Tokyo. Con cười tươi. Như cái ảnh con chụp bên tàu Shinkansen hay cạnh rừng lá đỏ năm nào khi cả nhà mình còn ở bên đó.

Bố thấy lòng mình đã dịu đi rất nhiều.

Rồi con gửi tặng bố mẹ nhiều ảnh về nước Mỹ, về nơi con sống. Kì lạ là ảnh nào bố cũng thấy đôi mắt con buồn rươm rướm. Bố đã thương con biết mấy. Nhưng bố luôn tự nhủ là bố tin vào sự gắng gỏi của con.

Và rồi đúng như bố nghĩ, con liên tiếp đạt những giải thưởng, những thành tích đáng ghi nhận ngay từ năm học đầu tiên.

Đến tận năm thứ hai con vào trường mới, bố mới sang được nước Mỹ cùng con.

Nước Mỹ đón bố bằng mùa thu vàng lá. Nó cho bố cảm giác như nước Nhật năm nào. Nên bố thấy nước Mỹ xa xôi mà thật gụi gần.

Lần đầu tiên được đến ngôi trường của con, lòng bố đã tràn ngập niềm vui.

Trường con đẹp như một bức tranh. Mọi thứ ấm áp và thân thiện quá.

Bố vui mừng biết bao khi nghĩ đến con sẽ có những năm tháng sinh sống và học tập ở nơi này.

Và chính trong khung cảnh đó, trong sự yêu thương đùm bọc của thầy cô, con tiếp tục được phát huy những sở thích của mình.

Con học hát, con đi thi hợp xướng, con chụp ảnh, con tham gia các câu lạc bộ, con làm thơ, con viết văn, con chơi đàn… Con làm tất cả những điều đó nhẹ nhàng đầy niềm vui sống.

Con muốn truyền tất cả những điều đó đến với bạn bè, đến với những ai cùng nuôi dưỡng ước mơ du học như con.

Qua những cuốn sách con viết. Từ Đường xa con hát đến Hát cùng những vì sao… Và bây giờ là Hẹn hò nước Mỹ.

Nước Mỹ qua cách nhìn của con khác với cách nhìn của bố hay của mẹ.

Nó tràn đầy những điều mới mẻ, tràn đầy những điều thú vị, tràn đầy niềm lạc quan khám phá, tìm tòi…

Con đã hẹn với nước Mỹ như người ta hẹn một tình yêu. Con đã hẹn với nước Mỹ như người ta hẹn một nỗi mong chờ dịu dàng tha thiết…

Và rồi con đã đến.

Và rồi con lại nhớ về ngôi nhà mình, nơi có giàn hoa tường vi nở âm thầm, nơi có mẹ ngồi đọc sách bên cửa sổ và nơi có bố âm thầm quay bóng nhớ vào đêm.

Tất cả những điều đó, khi đọc Hẹn hò nước Mỹ bố mới được biết, bố mới chạm được vào góc tâm hồn bé bỏng của con.

Nên bố thương lắm, bố yêu cuốn sách này lắm lắm.Nó như một ánh mắt ngộ nghĩnh tròn đầy khao khát mở ra trước cuộc đời này.

Bố may mắn được làm biên tập cho tất cả những cuốn sách con từng viết, nhưng cuốn này bố thấy thú vị nhất. Vì rất nhiều điều bố mới biết lần đầu, về con, về nước Mỹ.

Nên bố ước ao có nhiều bạn trẻ đọc được cuốn sách này, đọc và xem, đọc và nghĩ để cảm nhận và để nuôi trong mình những ước mơ.

Để mang trong mình một cuộc hẹn…

Với tương lai…

Cảm ơn con, chàng trai của bố!

Đỗ Xuân Thảo

ĐỌC THỬ

HÀNH TRÌNH CỦA CON – NỖI NIỀM CỦA MẸ

Chuyến bay dài đầu tiên mà Nam bay cùng mẹ là từ Việt Nam đến Nhật Bản.

Khi ấy, mẹ hẫng hụt lạ kì. Từ giờ, mẹ sẽ chỉ có Nam và bố mà không có ông bà nội ngoại bên cạnh. Mọi khi có bà ngoại, hễ Nam ốm, Nam hu hi, Nam nôn trớ, bà đều ở bên. Bà sẽ chỉ cho mẹ phải làm việc này việc kia. Bà nhắc mẹ cho Nam mặc áo, đi tất… Bà nấu những món ăn mẹ thích. Nói tóm lại là có bà, mẹ thấy “khỏe re”.

Nhưng giờ thì mẹ phải tự mình coi sóc Nam.

Trong suốt chuyến bay, Nam nằm yên, mắt thiêm thiếp ngủ. Mẹ duỗi chân, tận hưởng cảm giác của việc được ngồi trên cả mấy chiếc ghế đầu. Hàng không Nhật luôn dành ưu tiên cho những bà mẹ mang theo con nhỏ bằng việc để những ghế hàng đầu cho em bé cùng một cái cũi nằm xinh ơi là xinh.

Nam ọ ẹ rồi nằm yên. Mẹ nắm lấy những ngón tay nho nhỏ của con thò ra sau cũi.

Và vô cùng hài lòng vì sự trật tự của Nam.

Mẹ khe khẽ hát. Những bài hát không đầu không cuối.

Và mẹ nhìn ra ngoài trời.

Nước Nhật luôn mang đến cho mẹ một cảm giác là lạ. Nói là yêu thì cũng không hẳn. Nhưng với nước Nhật mẹ cứ như một cô gái và mối tình 18 tuổi. Có chút say mê lại có chút dỗi hờn. Khi thì thích đến mụ mị mà lúc lại muốn quên.

Mẹ nhớ cái cảm giác mỗi khi nhìn sân bay Kansai từ trên cao. Lúc đó sân bay như một hòn đảo bồng bềnh hoa lệ, mẹ cứ thấy xa xôi. Rồi mẹ cúi xuống và gọi: Đến nơi rồi Nam ơi! Mẹ cầm những ngón tay nhỏ bé của Nam đung đưa khe khẽ và Nam mở mắt ra nhìn. Chao ôi, tất cả nơi này, cái khoảnh khắc này, chợt trở nên gần gũi biết bao nhiêu.

Bố ào ra đón và ôm trọn hai mẹ con vào lòng. Nắng buổi sớm như mật ong và gió rịm trên da thịt. Mẹ thơm lên má Nam giờ đã hồng lên như hai trái táo.

Đó là chuyến bay xa đầu tiên của hai mẹ con.

Và chuyến bay xa thứ hai vào năm Nam 13 tuổi.

Có nằm mơ mẹ cũng không nghĩ là Nam sẽ đi du học vào tuổi ấy. Mẹ tưởng ít ra cũng là 15 hay 17 thậm chí 20, 22 tuổi gì đó.

Nhưng rồi lại là 13. Nhưng rồi Nam vẫn hăm hở lên đường. Nói là hăm hở vì hôm ấy, khi mọi người chia tay ở sân bay, ai cũng cố nở một nụ cười gường gượng. Chỉ riêng Nam, con nao nức chạy đến từng người thân, thơm lên má, dặn dò, bắt tay, cười… không sót một ai.

Mẹ nhớ cái giây phút bố ôm Nam như muốn giữ mãi Nam trong vòng tay. Mẹ thấy lòng đau thắt lại. Nước mắt mẹ nhòe nhoẹt. Mẹ biết, chỉ khi Nam và mẹ khuất sau cánh cửa phòng chờ sân bay, bố sẽ òa lên khóc. Bố muốn Nam yên tâm nên nén lại mà.

Và Nam nữa, mẹ biết phía sau nụ cười hớn hở rạng ngời kia là bời bời nhớ thương, bồn chồn lo lắng. Mẹ biết Nam cũng muốn bố mẹ yên tâm nữa mà.

Lên máy bay, Nam đưa tay sang cài dây an toàn cho mẹ, ôm mẹ vào lòng vỗ về. Lúc bấy giờ mẹ như con chim bị mưa, rũ xuống đầm đìa nước mắt. Thương bố và thương Nam…

Nam gọi cô tiếp viên xin cho mẹ cái khăn ấm và nhẹ nhàng lau lên khuôn mặt mẹ. Mẹ nhắm mắt, nước mắt lặng lẽ lăn và Nam cứ chấm mãi, chấm mãi…

Rồi sân bay Texas cũng hiện ra. Nắng mùa hè chói gắt. Cả sân bay như một thành phố thu nhỏ.

Thủ tục hàng không cũng đơn giản. Mẹ mệt nên ngồi phịch xuống ghế băng, đợi Nam đi lấy hành lí.

Vừa lấy hành lí từ băng chuyền, đang đợi để qua cửa kiểm tra an ninh thì có một chú chạy đến hồ hởi: Nam à, Nam sang đây du học phải không? Chú làm kiểm tra hành lí ở đây, để chú giúp Nam khuân đồ nhé.

Cả hai mẹ con ồ lên ngạc nhiên. Cảm giác nghe giọng nói Việt trên một đất nước xa xôi thật ấm áp.

Texas đã đón chào mẹ và Nam như thế.

Rồi mẹ để Nam ở lại và quay trở về Việt Nam. Hôm chia tay đúng vào ngày đầu tiên Nam nhập học ở trường. Mẹ không dám tiễn. Mẹ khóc đến độ hai mắt không thể mở ra nổi. Nam thì mạnh mẽ, Nam luôn nói, mẹ, mẹ nhớ lại đi, nhớ về những điều mà mẹ và em đã nói chuyện với nhau rằng mình quyết tâm thế nào để đi du học. Em đang ở một ngôi nhà có đầy đủ mọi tiện nghi, đến cả cái ti vi cũng xịn thế kia. Sao mẹ phải khóc.

Nhưng mẹ biết, khi chú chủ nhà chở em khuất sau rặng cây là thế nào em cũng khóc.

Em hầu như chưa khi nào xa mẹ. Đêm nào cũng nói, em ôm mẹ một tẹo teo rồi ngủ mẹ à…

Mẹ quay vào nhà, mẹ viết lá thư để lại trong đó có dòng chữ: Mẹ về nhé Nam ơi, nhưng mẹ biết trái tim mẹ đã để lại nơi này…

Và mẹ ra sân bay với trái tim ngập đầy nước mắt… Trưa mùa hè Texas nắng như đổ lửa thế mà chừng như mẹ có một mặt trời của ngày hôm ấy đã vĩnh viễn bặt tăm.

Nước Mỹ với những ấn tượng ban đầu như thế. Khi ấy mẹ chỉ yêu nước Mỹ vì nơi đó có Nam, có trái tim của mẹ.

Nhưng rồi Nam ở đó, Nam đổi thay, Nam lớn lên và trưởng thành từng ngày.

Mùa hè năm đầu tiên, khi Nam về nhà mẹ ngạc nhiên thấy con khác nhiều quá. Chín tháng học xa nhà con cao lên dễ đến hàng chục xentimet, tóc tai dài thượt, giọng ồm ồm. Nam đã thành chàng trai sau những tháng ngày cách xa bố mẹ.

Và điều mẹ ngạc nhiên hơn nhiều nhiều nữa đó là khi Nam đi dạy hè cho các em, Nam quậy tưng bừng. Mẹ có cảm giác Nam được “giải phóng hình thể”.

Hồi ở Việt Nam, dẫu tham gia một số chương trình truyền hình nhưng Nam vẫn luôn e dè khi người khác cho rằng mình béo, ngại những hoạt động liên quan đến hình thể. Nhưng chẳng hiểu bằng cách nào, trường học đã thay đổi Nam đến thế.

Rồi thì Nam làm thơ. Điều mà ở Việt Nam em cũng chưa bao giờ làm. Có những bài thơ đọc lên là mẹ và bố chỉ biết lau nước mắt. Vì vui, vì hạnh phúc.

Rồi thì Nam chụp ảnh. Điều mà ở Việt Nam em cũng không hứng thú lắm. Có những bức ảnh khiến bố mẹ lặng người vì nhìn thấy một tâm hồn đầy chất thơ, chất nhân văn qua góc nhìn của em.

Và giờ thì là Hẹn hò nước Mỹ. Cuốn sách có cả ảnh, cả thơ, cả những cảm nhận của em về trường học, về nước Mỹ.

Đôi lúc đọc những dòng em viết, mẹ đã dừng lại lau nước mắt. Có những chuyện mẹ chưa từng nghe em kể. Chắc em biết mẹ hay khóc nên những chuyện gì buồn, chuyện gì hơi phiền toái là em giấu bặt.

Nhưng ẩn chứa trong đó là rất nhiều niềm vui sống. Những trang viết, những bức ảnh nhỏ xinh trong cuốn sách như những bàn tay nắm níu em với ngôi trường, với nước Mỹ.

Em đã ở lại nước Mỹ với mùa đông tuyết trắng, với mùa thu xác xao rừng lá đỏ, với mùa xuân cỏ non xanh thẳm. Và em ở lại Mỹ cùng trái tim của mẹ.

Nam nhớ không, bức thư mẹ viết: Mẹ về nhé, nhưng mẹ biết trái tim mẹ để lại nơi này.

Có phải thế chăng nên khi cầm Hẹn hò nước Mỹ trên tay, mẹ đã run lên vì hồi hộp, vì niềm thương nỗi nhớ như cô gái đến với cuộc hò hẹn lần đầu.

Mẹ mong cảm xúc ấy sẽ được truyền lan đến với độc giả.

Vì chúng ta có những cuộc hẹn, không chỉ bởi tình yêu.

Mẹ yêu thương Nam, chàng trai của mẹ!

Phan Thị Hồ Điệp

CHÀO BẠN, BẠN CÓ MỘT CUỘC HẸN

Vào mùa hè năm lớp 6, mình nhận được lá thư từ một nơi rất xa gửi đến.

Bức thư là của các cô chú thuộc một tổ chức du học Mỹ. Các cô chú đã theo dõi tiến trình của mình từ khi mình còn nhỏ xíu và biết được ước mơ du học Mỹ của mình. Vì thế, các cô chú muốn giúp đỡ mình thực hiện ước mơ đó.

Mấy ngày sau mình còn lâng lâng vì lá thư…

Mình thực sự thấy rất vui và nuôi dưỡng rất nhiều hy vọng. Hàng đêm, mình nằm mơ được bước lên máy bay để bay đến nước Mỹ. Và mình được nhận vào học ở một ngôi trường mà mình đã xem đến hàng trăm lần trên mạng.

Khi tỉnh dậy, mình thấy tràn trề năng lượng.

Và mình duy trì liên lạc thường xuyên với các cô chú trong tổ chức du học ấy.

Sang đến lớp 7, dù việc học nhiều hơn nhưng mình vẫn luôn dành một khoảng thời gian cho những dự định rất riêng của mình. Bố mẹ cũng đã biết về dự định đó nhưng mình tin, lúc ấy bố mẹ chỉ nghĩ, để cho mình thử sức thôi chứ làm sao mà mình có thể đi du học sớm thế được.

Các cô chú thì rất tận tình và liên tục gửi cho mình những thông tin về trường học ở Mỹ, về các điều kiện cần để có thể đi du học. Thực ra những thông tin ấy, mình cũng đã tìm hiểu nhiều trên mạng nhưng khi được nghe chính những người làm về du học trực tiếp nói, mình thấy có tính thuyết phục hơn.

May mắn là mình đã có sự chuẩn bị cho việc đi du học từ rất sớm, ví như là thi các kì thi chuẩn hóa. Vào thời điểm đó, mình có đủ cả các chứng chỉ quốc tế TOEFL và IELTS nên mọi việc cũng dễ dàng hơn.

Đây cũng chính là lời khuyên của mình dành cho các bạn: Nếu thực sự muốn tiến đến một cuộc “hò hẹn” với nước Mỹ hay bất kì một quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nào khác, các bạn nên có sự chuẩn bị sớm, càng sớm càng tốt. Để trong trường hợp, nếu không đạt số điểm như mong muốn, các bạn có cơ hội về thời gian để làm lại. Như mình, hầu như tất cả các chứng chỉ quốc tế mình đều phải thi đến lần thứ ba mới đạt số điểm như kì vọng.

Nhưng chỉ có các chứng chỉ chuẩn không thôi cũng chưa đủ, mình nhớ là khi ấy, có nhiều lá thư các cô chú nói với mình về một cái gọi là “Ước mơ thực sự”.

Ừ thì bạn có ước mơ rồi, nhưng bạn muốn làm gì bên ấy.

Ừ thì bạn có ước mơ rồi, nhưng bạn nghĩ bạn có thể thực hiện điều gì nếu ước mơ đó đến với bạn.

Ừ thì bạn có ước mơ rồi, nhưng bạn tự cho rằng, bạn có những tiêu chuẩn gì để các trường ở Mỹ có thể chọn bạn.

Nói chung là rất nhiều câu hỏi. Nó khiến mình suy nghĩ rất lâu về điều này.

Mình hiểu, từ sâu xa, các cô chú muốn cho mình thấy, mình cần từ bỏ những hào quang lấp lánh của truyền thông để tự tìm hiểu giá trị thật của bản thân, để biết mình đang có gì và cần gì.

Những điều này, bố mẹ cũng thường hay trò chuyện với mình và cả bản thân mình cũng đã rất nhiều lần tự hỏi và tự trả lời nên mình khá bình tĩnh trước những yêu cầu của các cô chú.

Và điều mình đặc biệt thích là các cô chú luôn nói, các cô chú chỉ hỗ trợ mình, chỉ ra cho mình con đường cần hướng tới còn lại mọi việc mình phải tự lo liệu.

Sau này, khi đã sang Mỹ du học, mình luôn thầm cảm ơn vì những điều đó. Việc tự lập ngay từ lúc còn có thể “dựa dẫm” được sẽ khiến mình mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn và có đủ niềm tin vào chính bản thân mình.

Và đây là lời khuyên thứ hai của mình dành cho các bạn: Hãy tìm hiểu các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài nhưng cũng nên cố gắng tự bước đi bằng đôi chân của mình. Và bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc ngay trong từng bước đi của mình.

Chính vì tự lực nên mình phải lo liệu tất cả những khâu liên quan đến giấy tờ.

Mình ước đoán nếu xếp chỗ giấy tờ đã từng làm lại có lẽ cũng cao đến cả gang tay.

Bấy giờ, bố mẹ lại chưa hoàn toàn ủng hộ việc mình đi du học nên mình phải tự xoay xở. Ngay cả các giấy tờ thuộc về bố mẹ, ví như bản kê khai thu nhập cá nhân.

Rồi đến công đoạn viết bài luận.

Mình cứ tưởng phần này mình sẽ hoàn thành trong vòng “ba nốt nhạc” vì mình vốn có sở trường ở khâu viết lách.

Không những thế, ngày nào mình cũng luôn tự đặt ra mục tiêu là viết một bài luận. Mục tiêu này có từ khi mình bắt đầu học tiếng Anh. Khi đó “bài luận” của mình chỉ dài chừng… vài ba dòng. Nhưng mình rất kiên trì và tăng dần độ khó. Về sau này, mình đều nhờ bố mẹ ra chủ đề để viết. Thực ra viết bài luận tiếng Anh thích hơn tiếng Việt vì các chủ đề rộng mở, kích thích suy nghĩ, khám phá, tìm tòi. Các chủ đề này không có tính đúng sai mà bạn hoàn toàn được phản biện. Khi viết bài luận đòi hỏi bạn cũng phải vào mạng và đọc sách để tìm hiểu thông tin, tự bổ sung thêm kiến thức. Nó khác hẳn với những đề tập làm văn mà mình thường làm ở trường. Nên mình rất thích.

Thói quen thì đã duy trì từ nhỏ, kĩ năng cũng đã được rèn giũa. Ấy thế mà khi bắt tay vào viết một bài luận có tính chất làm tiền đề cho cuộc “hò hẹn”, mình bị “bí” thực sự.

Mình không biết bắt đầu từ đâu, không biết làm thế nào để bài luận hấp dẫn, chân thật.

Mình cứ viết rồi xóa, xóa rồi viết. Hặm hụi từ ngày này qua ngày khác.

Các cô chú ở tổ chức du học thì cực kì kĩ tính. Hầu như những bài mình viết, các cô chú đều nói: Chưa được rồi, viết kiểu này cháu chưa phản ánh đúng mình. Cháu hãy viết cho chân thực hơn, không màu mè kiểu cách.

Ôi chao, mình thực sự hoang mang.

Trong thời điểm đó, mình cũng tranh thủ apply học bổng của một quỹ bên Mỹ. Và họ cũng yêu cầu viết bài luận. Có khá nhiều chủ đề đưa ra, ví như kể một bộ phim mà bạn ấn tượng nhất, viết về một công thức toán học hoặc vật lí… mà bạn cảm thấy có ý nghĩa đối với bạn… Sau khi cân nhắc mình quyết định chọn chủ đề có vẻ “khoai” nhất: Viết về một công thức vật lí. Mình tin là khi mình chọn chủ đề khó nhất, mình có nhiều cơ hội để chiến thắng.

Và mình chọn công thức: E=MC2. Cha đẻ của công thức này là nhà vật lí nổi tiếng Einstein với thuyết Tương đối, một học thuyết được coi là làm thay đổi cả thế giới. Công thức đó mình cũng đã đọc nhiều và tự cho rằng, mình cũng hiểu kha khá về nó.

Lại thêm những ngày chật vật đến toát cả mồ hôi.

Nhưng lần nào gửi bài luận để các cô chú xem hộ cũng đều bị gửi trả về. Với lí do: Viết thế chưa được.

Những thời điểm khó khăn đó cho mình cơ hội để nghiêm khắc nhìn lại bản thân. Rất nhiều lần khi nhận được email của các cô chú mình đã muốn khóc.

Và mình cũng dần dần hiểu rằng, muốn đi đến tận cùng của khoa học cần có cái nhìn toàn diện, thấu đáo… Có những điều mình tưởng như biết rất rõ nhưng kì thực lại không phải như vậy.

Và đúng như mình dự đoán, lần ấy mình bị trượt học bổng.

Nhưng không nản chí, mình vẫn tiếp tục bước tiếp với cuộc hò hẹn. Mình chỉ đơn giản nghĩ, nếu mình thiếu, mình sẽ liên tục bổ sung để làm hoàn thiện thêm vì biển học vô bờ mà. Nếu mình chưa giỏi, chưa xuất sắc trong học thuật mình sẽ tìm những thế mạnh khác để thay thế.

Ý nghĩ đó động viên mình rất nhiều.

Sau công cuộc viết bài luận là đến màn phỏng vấn.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button