Truyện - bút ký

Chuyện Nhỏ Trong Thế Giới Lớn

bbb221. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : E.H.Gombrich

Download sách Chuyện Nhỏ Trong Thế Giới Lớn ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : TRUYỆN – BÚT KÝ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng EPUB                      Download

Định dạng MOBI                      Download

Định dạng PDF                         Download

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Bạn đọc cảm nhận

” Khi học trên trường lớp và sách vở, có nhiều điều về lịch sử mà tôi thấy thắc mắc nhưng không dám hỏi. Bởi lẽ, lịch sử mang tính tự hào của một dân tộc nên đôi khi nó hơi cứng nhắc và bó buộc, chưa kể là có tính chủ quan.
Tôi lấy ví dụ : khi một đất nước bị xâm lăng, họ đấu tranh để giữ độc lập, học bảo cuộc chiến của họ là công lý : tôi đồng ý.

Nhưng khi học xâm lăng đất nước khác, họ bảo họ mở mang bờ cõi, chứ không bao giờ họ nói mình là những kẻ xâm lăng. Và họ tìm đủ lý do cho cuộc xâm lăng của mình! Bạn có đồng ý với tôi không?

Khi đọc cuốn sách, tôi hiểu những khái niệm cơ bản nhất mà trước nay tôi hắc mắc về chủ nghĩa đế quốc, tư bản, thực dân,…. Gía trị cuốn sách đem lại chính là từ cái nhìn khách quan của tác giả. Nhưng ông không lên án cái gì kịch liệt cả, mà giọng văn ông đầy nhân ái và êm đềm.

Đó là điểm đã thu hút tôi từ tác phẩm. Chỉ có điều làm tôi hơi thất vọng :
_ Tôi mong ông viết về lịch sử cận đại nhiều hơn
_ Ông nên khai thác thêm các vấn đề về mê tín, tôn giáo, các chính quyền, chế đọ xã hội,..
_ Tóm lược lại 10 hương đầu về Châu Âu vì theo tôi nó khá dài dòng và không hấp dẫn
_ Các chương về đỉnh cao của văn hóa Hi – La nên cụ thể hơn
Được vậy, tôi chắc chắn ông và tác phẩm sẽ không chỉ đơn giản là người viết sử văn và cuốn sách ! “

” Lần đầu nhìn cuốn sách này tôi đã thấy thích rồi, hình thức quá ổn, bìa đẹp, giấy màu vàng nhẹ mang lại cảm giác dễ chịu, các hình minh họa nhỏ cũng rất dễ thương. Về nội dung thì chắc không có đủ ngôn từ để mô tả được hết sự tuyệt vời của quyển sách này. Lịch sử loài người từ thời tiền sử cho đến sự kiện cuối cùng được mô tả là Liên Xô tan rã. Cuốn sách giúp người đọc hình dung được một cách tổng thể các dữ kiện chính trong suốt chiều dài lịch sử thế giới bằng một lối viết hóm hỉnh, dễ thương, nhẹ nhàng. Cảm giác như tác giả đang kể một câu chuyện cổ tích với các vị vua, hoàng tử, những cuộc phiêu lưu đến những xứ sở lạ lùng,… chứ không phải đang nói về lịch sử với hình dung là những sự kiện khô khan. Và cái cách mà tác giả thỉnh thoảng lại đặc các câu hỏi buộc người đọc phải tham gia vào các sự kiện chứ không thể đọc một cách thụ động. Điều này chắc sẽ tạo được sự thích thú cho các độc giả nhỏ tuổi và giúp các em nhớ được nội dung lâu hơn. Tuy nhiên, do nguồn gốc của tác giả nên lịch sử thế giới chủ yếu là lịch sử phương Tây, lịch sử phương Đông được nhắc đến rất ít, chủ yếu là lướt sơ qua nên cảm thấy như ta chỉ biết được lịch sử của một nửa thế giới thôi nhưng may mắn là tác giả vẫn giữ được sự khách quan, không phiến diện như các tác giả phương Tây khác khi nói về lịch sử. Dù sao cũng không thể phủ nhận đây là một cuốn sách quá hay dù là cho người lớn hay trẻ em. Mỗi lần đọc lại vẫn cái cảm giác thích thú như ban đầu, không hề nhàm chán mà ngược lại càng đọc càng khám phá được những cái hay của nó. Đây sẽ là một món quà ý nghĩa cho những đứa trẻ nhà bạn đấy. Một điều đáng tiếc là tác giả đã qua đời trước khi kịp bổ sung thêm các chương khác vào sách nếu không chúng ta sẽ tiếp tục được đọc tiếp những câu chuyện tuyệt vời về những ngày xưa của thế giới. “

Lời tựa

Ernst Gombrich, người ông của tôi, được biết đến nhiều nhất như một nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật. Ngoài các công trình nghiên cứu khoa học, tác phẩm Lịch sử Nghệ thuật – The Story of Art đã khiến hàng triệu bạn đọc trên khắp thế giới biết đến ông. Nhưng nếu không có Chuyện nhỏ trong thế giới lớn – A little history of the world thì chắc chắn sẽ không bao giờ có The Story of Art.

Câu chuyện bắt đầu từ Vienna, năm 1935 khi ông tôi còn rất trẻ.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ở Đại Học Vienna, ông không tìm được việc làm. Trong thời buổi khó khăn đó, ông không có một triển vọng nghề nghiệp nào cả. Một người bạn làm xuất bản nhờ ông đọc qua một cuốn sách lịch sử cho trẻ em bằng tiếng Anh, xem thử có dịch sang tiếng Đức được không. Cuốn sách nằm trong bộ sách mới Wissenschaft fr Kinder (Kiến thức cho trẻ em), do một người bạn đang học y khoa ở London gởi về.

Ông tôi đọc xong và không hề ấn tượng gì với cuốn sách này. Ông bảo với Walter Neurath, người bạn làm xuất bản và sau này sáng lập ra nhà xuất bản Thames và Hudson ở Anh, rằng có lẽ cuốn đó chẳng đáng dịch sang tiếng Đức. Rồi ông nói: ‘Tôi nghĩ tôi có thể viết hay hơn thế nhiều’. Và thế là Neurath bảo ông viết thử một chương xem sao.

Chuyện là trước đó, khi sắp hoàn thành luận án tiến sĩ ông tôi thường hay gặp một cô bé cháu của người bạn. Cô bé lúc nào cũng muốn biết tại sao ông hay bận rộn đến vậy và ông luôn tìm cách giải thích công việc của mình cho cô bé hiểu. Sau này ông có kể lại rằng đôi lúc chính ông cũng cảm thấy sốt ruột với lối văn phong hàn lâm dùng trong nghiên cứu, mặc dù ông từng đọc rất nhiều trong lúc đi học. Ông tôi luôn tin rằng mọi thứ đều có thể được giải thích một cách dễ hiểu cho một đứa trẻ thông minh mà không cần đến thuật ngữ hay những ngôn từ sáo rỗng.

Thế là ông viết thử một chương về Thời hiệp sĩ và đưa cho Neurath xem. Neurath rất hài lòng, nhưng, ‘để kịp thời hạn xuất bản đã định trước cho cuốn sách kia, anh phải hoàn thành bản thảo trong sáu tuần.’

Lúc đó chính ông tôi cũng không chắc có thể làm được không, nhưng ông thích thử thách này và nhận lời thử sức. Ông lập dàn ý, lựa chọn những giai đoạn lịch sử để cho vào sách bằng cách tự hỏi mình rằng sự kiện nào trong quá khứ có ảnh hưởng đến nhiều người nhất và được nhớ đến nhiều nhất. Sau đó mỗi ngày ông viết một chương. Buổi sáng ông đọc các tài liệu tham khảo từ sách vở của cụ tôi – gồm có cả một cuốn bách khoa toàn thư. Buổi chiều ông đi đến thư viện để tìm thêm tài liệu về giai đoạn lịch sử mà ông đang viết để đảm bảo tính xác thực. Buổi tối là thời gian dành để viết. Chỉ có những ngày Chủ nhật là ngoại lệ. Nhưng để giải thích chuyện này, tôi sẽ phải giới thiệu bà nội của mình.

Bà tôi ngày trước tên là Ilse Heller. Bà là người Bohemia, đến Vienna để học dương cầm. Bà là học trò của Leonie Gombrich, cụ nội tôi và cũng là người mà tên tôi được đặt theo. Leonie giới thiệu Ilse cho ông tôi rồi nhờ cậu con trai dẫn người học trò của mình đi xem các triển lãm và những công trình kiến trúc của Vienna. Đến năm 1935 thì hầu như cuối tuần nào họ cũng đi chơi với nhau và sau đó một năm thì ông bà tôi cưới nhau.

Bà tôi thường kể lại rằng vào một ngày chủ nhật như thế hai người đang thả bộ trong khu rừng ở Vienna và định dừng lại nghỉ chân. Bà tôi vừa nói: ‘Hay mình tìm một khoảng rừng thưa, ngồi trên cỏ hay trên một gốc cây đổ nào đó để nghỉ cũng được…’ thì ông tôi bỗng rút trong túi áo ra một xấp giấy rồi hỏi rằng: ‘Tôi đọc cái này cho em nghe nhé?’

Về sau khi kể lại câu chuyện này, bà tôi thường hay nói rằng ‘Bà thà để cho ông đọc còn hơn phải tự đọc, vì lúc đó chữ viết của ông khó đọc lắm.’

Ông tôi đã đọc cho bà nghe câu chuyện lịch sử thu gọn. Bà rất thích và cứ như thế tuần nào ông cũng đọc cho bà nghe cho đến khi cuốn sách được hoàn tất.

Ông tôi đã không thất hứa với Neurath.

Nếu bạn có dịp đọc thành tiếng, bạn sẽ hình dung được ngày xưa ông tôi đã đọc cho bà tôi nghe như thế nào và ông đã tâm huyết ra sao. Những minh họa đầu tiên của sách do một người vốn là thầy dạy cưỡi ngựa thực hiện. Ông hay hóm hỉnh bảo rằng hình vẽ ngựa trong sách có vẻ chi tiết hơn các hình người.

Khi ra mắt lần đầu tiên vào năm 1936 với tựa đề Eine kurze Weltgeschichte fr junge Leser cuốn sách được chào đón nồng nhiệt. Những nhà phê bình khi đó cứ nghĩ rằng ông tôi ắt phải là một thầy giáo đầy kinh nghiệm. Không lâu sau đó cuốn sách được dịch ra năm thứ tiếng nhưng lúc đó ông đã chuyển đến Anh quốc, nơi gia đình tôi định cư sau này. Sau đó chính quyền phát xít đã cấm xuất bản tác phẩm của ông, không phải vì lý do sắc tộc mà vì tác phẩm quá ‘hòa bình’.

Nhưng hạt mầm đã được gieo và sau đó mặc dù rất bận rộn ông tôi bắt tay vào viết một cuốn nữa, tập trung vào đề tài lịch sử nghệ thuật. Đây chính là cuốn The Story of Art – Lịch sử nghệ thuật và không hướng đến đối tượng trẻ em vì như ông tôi từng nói: ‘Lịch sử nghệ thuật không phải là đề tài cho trẻ em’ mà dành cho những độc giả lớn tuổi hơn. Tác phẩm này liên tục được tái bản kể từ năm 1950 và đã đến với bạn đọc ở hơn ba mươi quốc gia.

Nhưng bản Chuyện nhỏ trong thế giới lớn đầu tiên vẫn nằm im trong một ngăn kéo ở phía bắc London. Sau chiến tranh ông tôi giành lại được tác quyền nhưng lúc đó thế giới đã thay đổi và dường như đã khác đi rất nhiều so với thế giới trong cuốn sách của ông. Chuyện nhỏ trong thế giới lớn vẫn bị quên lãng.

ĐỌC THỬ

Anh hùng và vũ khí

Hãy cất cao lời ca nhịp nhàng

Kể chuyện những cuộc chiến

Có cả thần thánh có cả anh hùng

Từ một thời xa xưa

(Đây là lời của một đoạn thơ ‘hexameter’, mỗi câu sáu nhịp trong tiếng Hy Lạp. Khi đọc bằng tiếng Hy Lạp thì nó rất nhịp nhàng ngân nga, không giống như khi được dịch ra các thứ tiếng khác)

Này đây là Paris thành Troy

Vì thiên vị nên một tay giúp Venus

Để nàng có được quả táo vàng

Venus trả ơn, giúp chàng có được Helen xinh đẹp

Nhưng mất vợ Menelaus nào chịu yên

Đem quân hùng hổ đến Troy

Hòng giành lại người vợ hiền

Agamemnon và Nestor thông thái cũng lên đường

Cùng cả Achilles và Ajax dũng cảm

Và rất nhiều anh hùng không tiếc máu xương

Quyết đánh bại kẻ thù dưới trướng vua Priam

Paris cùng Hector đánh nhau mười năm đằng đẵng

Để cuối cùng Troy chỉ còn tro bụi

Trong đoàn quân còn có Odysessus

Vốn là kẻ lắm mưu nhiều kế

Rời Troy nhưng không thể về nhà

Mà lại vướng vào cuộc phiêu lưu kỳ lạ

Nhờ con tàu màu nhiệm

Cuối cùng cũng về tới cố hương

Nơi người vợ mòn mỏi trông chờ

Những bài ca thế này thường được những người hát rong ở Hy Lạp xướng lên trong những buổi tiệc lớn, vừa hát vừa chơi đàn lia. Về sau lời bài hát được ghi lại và người ta tin rằng nhà thơ Homer là tác giả của tất cả những bài ca đó. Sử thi Homer vẫn còn lưu truyền đến tận ngày nay và nếu thích em có thể tìm đọc được ở đó những câu chuyện thật sinh động.

‘Nhưng chắc đó chỉ là chuyện kể, không phải là lịch sử.’ Hẳn em đang nghĩ lịch sử phải kể lại được các biến cố với thời gian và diễn biến. Cách đây hơn 100 năm một thương nhân người Đức tên Schliemann cũng thắc mắc như em vậy. Ông đọc đi đọc lại Homer và ước ao được nhìn thấy tận mắt những nơi chốn thần tiên mà Homer tả lại. Ông ước gì mình có thể chạm tay vào những thứ vũ khí mà các chiến binh trong câu chuyện dùng để chiến đấu. Và đến một ngày ông cũng được thỏa lòng.

Vì sao em biết không? Những gì Homer kể lại không hoàn toàn là chuyện tưởng tượng. Đương nhiên không phải chi tiết nào cũng chính xác: những anh hùng trong truyện cũng chỉ là những nhân vật như người khổng lồ hay phù thủy trong những câu chuyện cổ tích. Nhưng thế giới mà Homer tả lại là có thật: từ những chiếc cốc uống rượu, vũ khí, những tòa nhà và tàu chiến, những hoàng tử xuất thân từ mục đồng và những anh hùng đi lên từ cướp biển thì không phải do Homer tưởng tượng ra.

Khi Schliemann kể lại ao ước này cho những người chung quanh nghe thì ai cũng cười nhạo ông. Nhưng ông không hề nản lòng. Ngày ngày ông dành dụm tiền bạc cho chuyến đi Hy Lạp để được thấy những gì Homer kể lại.

Khi có đủ tiền rồi, ông thuê người đào bới ở tất cả những thành phố mà Homer có nhắc tới. Ở Mycenae ông phát hiện ra lâu đài và lăng mộ vua chúa với áo giáp và khiêng che, giống như Homer tả lại. Ông cũng tìm ra thành Troy và đào bới ở đó. Ông tìm được bằng chứng là thành Troy quả thật bị đốt cháy như trong sử thi Homer. Nhưng ông không tìm ra được một bút tích nào cả. Và thế là trong một thời gian dài, người ta không biết đặt niên đại thế nào cho những cổ vật được tìm thấy ở đây. Cho đến một ngày người ta tìm thấy một chiếc nhẫn ở Mycenae. Trên chiếc nhẫn đó có khắc tên (bằng chữ tượng hình) của một vị vua Ai Cập sống vào khoảng năm 1400 trước Công nguyên, tức là trước thời của Akhenaton – nhà cải cách vĩ đại.

Vào thời đó ở Hy Lạp và những đảo lân cận có một dân tộc vô cùng hiếu chiến, đã từng chinh phạt nhiều nơi và thu về nhiều của cải quý giá. Thời đó Hy Lạp không hẳn là một vương quốc mà là tập hợp nhiều thành nhỏ, mỗi thành lại có cung điện và vua chúa riêng. Người dân ở đó chủ yếu buôn bán bằng đường biển, cũng như người Phoenicia vậy, chỉ có điều họ buôn bán thì ít mà tập trung lo chuyện chiến tranh thì nhiều. Các thành này suốt ngày đem quân đánh nhau, thỉnh thoảng lại liên kết thành phe phái đi đánh những nơi khác. Càng có nhiều tiền của họ càng liều lĩnh và táo tợn. Nghề cướp biển đòi hỏi không chỉ gan dạ mà còn phải tinh khôn. Chính vì vậy nên thời đó cướp biển là nghề của giới quý tộc. Còn những người dân khác thì chỉ làm nông dân chân chất hoặc mục đồng chăn gia súc.

Khác với người Ai Cập, người Babylon hay người Assyria, những nhà quý tộc cướp biển này không quan tâm mấy tới chuyện giữ gìn truyền thống của tổ tiên. Những trận cướp bóc và chinh phạt những xứ sở xa xôi liên tục đem đến cho họ những ý tưởng mới lạ. Từ đó, họ rất coi trọng sự phong phú đa dạng và luôn tìm cách thay đổi cuộc sống. Cũng từ thời điểm này mà lịch sử tiến những bước nhanh hơn bởi vì con người không còn tin cái gì cũ xưa cũng đều là tốt nhất. Mọi thứ không ngừng biến đổi. Vì vậy mà ngày nay mỗi khi chúng ta tìm thấy một mảnh gốm nào ở Hy Lạp hay bất cứ nơi nào ở châu Âu ta có thể nói chính xác niên đại của nó. Bởi vì mẫu mã nào cũng chỉ tồn tại được khoảng trăm năm thì thành lạc hậu, nhường chỗ cho những mẫu mới.

Ngày nay người ta cho rằng những thứ Schliemann tìm thấy trong cuộc khai quật các thành phố Hy Lạp – bình vại, mũi tên có trang trí cảnh săn bắn, khiêng bằng vàng và mũ giáp, các đồ trang sức và cả những bức tranh trên tường trong cung điện không phải được làm ra ở ngay đó. Không phải ở Hy Lạp hay ở Troy mà là ở đảo Crete – một hòn đảo lân cận. Ở nơi đó, cùng thời với vua Hammurabi – em còn nhớ thời này không? – người đảo Crete đã biết xây nên những cung điện lộng lẫy với vô số phòng ốc, những cầu thang lên xuống đủ mọi hướng, những hàng cột to lớn, sân đình, hành lang và hầm rượu – tất cả tạo nên một mê cung thực sự!

Nói chuyện mê cung, em đã bao giờ nghe câu chuyện quái vật Minotaur nửa người nửa bò sống trong mê cung chưa? Muốn được yên, dân chúng hằng năm phải cúng nạp cho Minotaur bảy chàng trai và bảy cô gái trẻ đẹp. Câu chuyện lấy bối cảnh đảo Crete, nơi có nhiều mê cung nên có lẽ nó cũng có phần nào sự thật. Vua đảo Crete có lẽ đã từng thống trị nhiều thành phố của Hy Lạp và đòi cống nạp hằng năm.

Dân đảo Crete quả là một dân tộc giỏi giang, mặc dù chúng ta ngày nay vẫn chưa biết được nhiều về họ. Những bức tranh họ để lại khác hẳn với tranh của người Ai Cập hay Babylon cùng thời. Em còn nhớ ta kể rằng tranh của người Ai Cập rất đẹp nhưng có gì đó cứng nhắc và nguyên tắc, như những thầy tế của họ vậy. Với người Crete thì khác hẳn. Họ rất chú trọng tới việc nắm bắt chuyển động của người và vật trong tranh: chó săn rượt đuổi lợn rừng, người ta nhảy qua đầu bò tót – dường như không có gì là họ không vẽ lại được. Vua của người Hy Lạp hẳn đã học hỏi được rất nhiều điều từ dân tộc kỳ lạ này.

Cho đến năm 1200 trước Công nguyên thì thời hoàng kim của dân đảo Crete chấm dứt. Lúc đó (tức là khoảng chừng hai trăm năm trước khi vua Solomon lên ngôi) những bộ lạc ngoại bang tràn về từ phương bắc. Cũng có thể những bộ lạc này là con cháu của những người đã xây nên thành Mycenae, không ai biết chắc được. Khi tràn xuống họ đuổi nhà vua đảo Crete đi rồi tự lên ngôi. Thành Crete thế là bị tiêu diệt. Nhưng không ai quên được quá khứ huy hoàng của nó, nhất là những kẻ xâm lược, ngay cả khi họ lập ra những thành phố mới và xây đền đài của riêng mình. Năm tháng qua đi, những câu chuyện kể về các vị vua của xứ Mycenae cổ xưa hòa vào chuyện kể về những cuộc chinh chiến của họ, rồi lịch sử của hai dân tộc cũng trở thành một.

Những người mới đến chính là người Hy Lạp. Còn những truyền thuyết và sử thi được xướng lên trong cung điện cũng chính là những dòng thơ Homer mở đầu chương này. Các tác phẩm này ra đời khoảng 800 năm trước Công nguyên.

Khi người Hy Lạp đến lãnh thổ Hy Lạp, họ thực sự vẫn chưa phải là người Hy Lạp. Nghe thật khó hiểu phải không em? Nhưng đúng là vậy đó. Lúc những bộ lạc phương Bắc kéo quân xuống thì họ vẫn chưa phải là một dân tộc thống nhất. Họ không nói cùng một thứ tiếng và mỗi bộ lạc có tù trưởng riêng, tương tự như những bộ lạc thổ dân da đỏ ở châu Mỹ như người Sioux hay Mohican vậy đó. Thời đó có ba bộ lạc chính là người Dorian, người Ionian và người Aeolian. Cũng như thổ dân da đỏ họ rất hiếu chiến và gan dạ. Nhưng không chỉ có vậy. Trong khi thổ dân châu Mỹ đã quen thuộc với sắt thì dân xứ Mycenae và Crete dùng vũ khí chế tạo từ đồng – như sử thi Homer kể lại.

Và thế là những bộ lạc phương Bắc tràn xuống. Người Dorian tiến xa nhất về phía nam, ở ngay phần mũi đông nam của Hy Lạp, có hình như chiếc lá sồi mà ngày nay được gọi là bán đảo Peloponnese. Tại đó họ đàn áp và bắt dân bản xứ phải đi cày cuốc cho họ. Cũng tại nơi đó họ lập nên thành Sparta.

Người Ionian đến sau người Dorian, nên đất đai trở nên chật chội hơn. Phần lớn trong số họ định cư ở phía trên “chiếc lá sồi”- phần cọng lá về hướng bắc, ở bán đảo Attica. Họ sống nhờ vào biển, trồng nho, ngũ cốc và cây ô-liu. Cũng tại đó họ dựng nên thành Athens, đặt tên theo nữ thần Athena – người nhiều lần ra tay cứu giúp Ulysses trong sử thi Homer.

Dân Athens thừa kế truyền thống cướp biển của người Ionian. Trong một thời gian ngắn, họ chiếm giữ nhiều đảo quanh đó, sau này các đảo này còn được gọi là quần đảo Ionian. Họ còn đi xa hơn và lập nên nhiều thành phố bên kia bờ biển dọc bán đảo Tiểu Á nơi có nhiều vịnh trú ẩn. Người Phoenicia nghe tiếng các thành này thì đến ngay để mở trạm buôn bán. Vậy là người Hy Lạp bán cho họ dầu ô-liu, ngũ cốc, bạc và những kim loại khác tìm được trong vùng. Đổi lại người Hy Lạp cũng học được thật nhiều điều thú vị từ người Phoenicia để rồi sau đó họ lại tiếp tục dong buồm đi đến những bến bờ xa hơn, lập ra nhiều trạm buôn – tương tự như thuộc địa vậy. Và người Phoenicia còn mang đến cho người Hy Lạp cả chữ viết – như ta đã kể với em.

Em chờ nghe kể tiếp người Hy Lạp dùng chữ viết để làm gì nhé.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button