Triết học

Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nguyễn Hữu Thái

Download sách Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH TRIẾT HỌC


2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời Giới Thiệu

Đây là câu chuyện ghi lại nửa thế kỷ hoạt động sôi nổi của một người trong cuộc, từ chiến tranh và cách mạng đến hòa bình và cả giai đoạn đất nước đổi mới, hội nhập trong một thế giới đang toàn cầu hóa nhanh chóng.

Tác giả Nguyễn Hữu Thái nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-1964), một trong những người lãnh đạo phong trào tranh đấu sinh viên sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ tháng 11 năm 1963. Anh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là những người lên tiếng sớm nhất trên đài phát thanh Sài Gòn để đón chào chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 sau khi tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

Giữa hai thời điểm lịch sử trọng đại đó, Nguyễn Hữu Thái đã chọn thế đứng về phía phong trào nhân dân đô thị đấu tranh cho hòa bình và chủ quyền dân tộc. Trong suốt cuộc chiến, cuộc sống của anh chia đều giữa xuống đường, nhà tù và hoạt động giữa hai làn đạn. Người thanh niên đầy nhiệt huyết ấy đứng trong mê hồn trận chính trị Sài Gòn nên có lúc anh phải phân vân trong sự lựa chọn. Với ba lần bước chân vào nhà tù của chế độ Sài Gòn, lòng anh đã “bừng nắng hạ” để hiểu rõ hơn về cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Anh đã bỏ học bổng đi du học Mỹ mà biết chắc chắn sau đó cuộc sống sẽ được sung sướng để ở lại Sài Gòn sát cánh cùng đồng bào chống Mỹ cứu nước, góp phần vào ngày giải phóng 30/4/1975.

Sau chiến tranh, anh có mặt trong hàng ngũ cách mạng, tham gia các chiến dịch cải tạo, xây dựng một xã hội mới. Đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh lại bị các thế lực thù nghịch bủa vây, cấm vận, đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn. Trong bối cảnh ấy của đất nước, gia đình anh cũng phải chia năm, xẻ bảy bôn ba khắp mọi chân trời để sinh sống. Nhưng dù có ở nơi nào chăng nữa (trong nước hay ngoài nước), suốt đời anh vẫn kiên định một lòng vì dân tộc. Chỉ sau mấy năm sinh sống và nghiên cứu ở phương Tây, anh đã nhanh chóng mang những kiến thức tích lũy được trở về phục vụ Tổ quốc mình, đặc biệt tập trung viết sách báo và giảng dạy, đào tạo lớp trẻ.

Nhà xuất bản Lao Động xin giới thiệu tập ghi chép mang nhiều tính sử liệu về phong trào đấu tranh đô thị miền Nam với nhãn quan của một con người đã từng kinh qua những biến cố trọng đại của đất nước. Tập sách sẽ góp phần hun đúc tinh thần tuổi trẻ biết sống, học tập, chiến đấu… để đưa đất nước ta nhanh chóng đến bến bờ hạnh phúc, vinh quang, thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!

NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG

ĐỌC THỬ

I. BỪNG TỈNH

Cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam giành lại chủ quyền dân tộc bắt đầu rất sớm vào cuối Thế chiến II với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuộc đấu tranh đô thị của tập thể sinh viên miền Nam chúng tôi vào thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước chỉ là một bộ phận nhỏ trong cuộc chiến đấu to lớn của nhân dân cả nước. Bản thân tôi đã bừng tỉnh qua các biến cố và thử thách này.

  1. Đà Nẵng 45

1938-1949: Tôi lớn lên và chứng kiến tình hình xáo trộn khắp thế giới và Việt Nam cùng với Thế chiến II bùng nổ,  nhiều đổi thay từ thực dân Pháp đến quân phiệt Nhật ở Đông Dương và nhất là sự vùng dậy của nhân dân Việt trong những ngày tháng sôi nổi Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Các sự kiện đó sẽ tác động lâu dài đến diễn tiến tình hình chính trị vào những thập kỷ về sau này. Ta sẽ không hiểu rõ được lịch sử đương đại Việt Nam nếu không biết đến cuộc khởi nghĩa quy mô cả nước đầu tiên đó của nhân dân.

Tôi tuổi Mậu Dần, sinh vào năm 1938 tại Đà Nẵng (tuổi đi học sau này khai sinh năm 1940) (1), một thành phố cảng lớn nhất miền Trung Việt Nam. Trong biên niên sử quan hệ với nước ngoài, Đà Nẵng là nơi đầu tiên nước ta đụng đầu với phương Tây. Khởi đầu với đạn pháo tàu chiến Pháp vào năm 1858, mở màn cuộc xâm lược biến nước ta thành thuộc địa kéo dài gần một thế kỷ. Tuy vậy, nhân dân ta không ngừng kháng cự và người Pháp buộc phải rút lui nhục nhã sau trận Điện Biên Phủ năm 1954.

Một sử gia ghi nhận: “Trớ trêu thay, lịch sử lặp lại vào năm 1965. Quân Mỹ cũng đã đổ bộ ồ ạt lên Đà Nẵng, khởi đầu một cuộc chiến tranh can thiệp đẫm máu nhất trong lịch sử. Nhưng nó cũng kết thúc với sự rút chạy tán loạn của họ 10 năm sau đó ở Sài Gòn!” Sự kiện giải phóng Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975 không chỉ đánh dấu ngày chấm dứt xung đột với Mỹ mà là sự kết thúc 117 năm cuộc đối đầu với phương Tây của nhân dân ta, mở ra một kỷ nguyên thống nhất và phát triển độc lập của đất nước.

Thời Pháp thuộc, Đà Nẵng mang tên Tourane, theo  quy chế một thuộc địa Pháp, gần giống như ở thuộc địa Nam kỳ. Vào thời đó tên Việt Nam chưa ai nhìn thấy ghi trên bản đồ thế giới. Người ta chỉ tìm thấy cái tên “Trung Ấn thuộc Pháp” (Indochine Française), với các vùng đất gọi là Bắc kỳ (Tonkin), Trung kỳ (Annam) và Nam kỳ (Cochinchine), bao gồm cả hai nước Campuchia và Lào. Đó là một mảnh đất dài hình chữ S, giống như chiếc bao lơn nhìn ra Biển Đông, nằm ở vị trí trung tâm vùng Đông Nam Á, lọt thỏm giữa hai nước khổng lồ của châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc.

Cha tôi về sau thường tâm sự: “Con sinh ra với nhiều điềm xấu. Thế giới vừa mới thoát khỏi khủng hoảng kinh tế thì rơi vào Thế chiến II. Quân Nhật đã tràn ngập lục địa châu Á, quân Đức xâm lược các nước láng giềng châu Âu. Trong nước xảy ra tai nạn xe lửa khủng khiếp ở Đà Lạt làm chết nhiều người. Trong gia đình thì bác con qua đời còn quá trẻ và một người chú khác bệnh nặng phải đưa ra nhà thương Huế cấp cứu!”

Gia đình tôi thuộc tầng lớp trung lưu thành thị mới nổi lên vào giai đoạn người Pháp đã bình định được thuộc địa, tập trung vào việc khai thác và phát triển kinh tế. Theo bảng gia phả thì chúng tôi không phải người gốc gác ở địa phương mà là những người từ vùng Quỳnh Lưu bờ biển Nghệ An nhập cư đến. Ông nội tôi là một nhà nho bất đắc chí vào buổi giao thời Việt-Pháp, chuyển sang nghề thầy thuốc và kinh doanh, giúp bà nội tôi, một phụ nữ mù chữ nhưng lanh lợi trong việc buôn bán gạo và thuốc lá Cẩm Lệ nổi tiếng ở miền Trung.

Gia đình đã đầu tư khá nhiều cho ba tôi trong việc học hành, gửi ông ra tận Huế và Hà Nội rất tốn kém, hy vọng ông giật được mảnh bằng để làm một viên chức danh giá trong guồng máy cai trị của người Pháp. Nhưng ông đã làm mọi người thất vọng vì không đỗ đạt gì, và trong tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu của thập kỷ 1930, ông nghỉ học và xin vào làm việc tại chi nhánh hãng xăng dầu Shell ở Đà Nẵng. Mẹ tôi cũng nghỉ học sớm để lấy chồng, giúp việc kinh doanh của nhà chồng, nhất là trong việc sử dụng tiếng Pháp giao tiếp với quan chức thuộc địa người Pháp. Có lúc gia đình suýt đã lưu lạc tận bên đất Lào vì ba tôi tính nhận làm đại diện chi nhánh Shell bên đó. Cha mẹ tôi tuy được đào tạo theo phương Tây, nhưng vẫn sống theo nếp truyền thống phương Đông. Dầu vậy họ cũng xin ra ở riêng chứ không ở chung với đại gia đình vì bà nội tôi rất khó tính và hay uống rượu say sưa, có lẽ vì buồn. Tôi nhớ mình lớn lên trong một khu nhà vườn đầy cây trái ở ngoại ô Đà Nẵng. Tuy nhà tranh nhưng vẫn có điện sinh hoạt.

Cha tôi không theo đạo Công giáo nhưng giữ thói quen ở nhà trường nội trú Công giáo, cứ đến chủ nhật là đèo tôi trên xe đạp đi xem lễ ở nhà thờ lớn Đà Nẵng. Sau lễ, chúng tôi đi tắm biển hoặc xem bóng đá. Còn má tôi khi đi công chuyện cũng luôn đem tôi theo trên chiếc xe kéo nhà, có anh người làm kéo. Tôi nhớ lúc về đến nhà là mình đã ngủ gà ngủ gật, phải bế lên giường.

Chúng tôi sinh sống tại vùng ngoại ô nên được ở nhà có vườn tược thoải mái, không phải ở chật chội như nhà phố. Sung sướng nhất là được đi chân đất và ngán nhất là phải rửa chân sạch sẽ trước khi đi ngủ và mang giày, mặc áo quần chỉnh tề theo ba má thăm viếng bà con, bạn bè khá giả. Trong số đó có quan huyện Hòa Vang, với người vợ và mấy cô con gái nói giọng Huế nghe êm tai và dễ thương. Nhưng tôi lại ghét ông ta vì thường nhìn thấy ông nạt nộ những người dân quê mùa tội nghiệp. Và cả một thương gia lai Pháp với đám con có rất nhiều đồ chơi và bánh kẹo mua tận bên Pháp về.

Cuộc sống của gia đình tôi thật yên bình. Lúc đó tôi còn quá nhỏ để biết được rằng nhân dân ta sống lầm than dưới hai tròng áp bức là thực dân Pháp và triều đình phong kiến. Sau này còn thêm người Nhật. Dân chúng đa phần rất nghèo khổ và mù chữ, bị áp bức trăm bề. Gia đình tôi không phải chịu cảnh đó vì thuộc tầng lớp trung gian thành thị có học và cần thiết cho chế độ.

Tôi vẫn còn nhớ người Pháp ở Đà Nẵng sinh sống riêng biệt trong khu phố Tây, có nhiều bồi bếp phục vụ trong nhà cửa, vườn tược sang trọng và làm việc trong các dinh thự to lớn ở trung tâm thành phố. Dân bản xứ thì sinh sống chen chúc chung quanh các khu phố chợ lụp xụp nghèo nàn. Ngay cả người giàu cũng chỉ xây được những ngôi nhà ngói nhỏ bé nằm trong khu bản xứ hoặc ở ngoại ô. Ngoài phố Tây hiện đại ở khu trung tâm, Đà Nẵng trông giống như một ngôi làng quê lớn, còn sống theo nhịp điệu nông nghiệp thời xưa. Do Đà Nẵng nằm ở vị trí chiến lược và kinh tế quan trọng, nên người Pháp đã lập đồn binh, khu phố buôn bán, vài nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng cùng cảng biển, ga đường sắt, sân bay. Có cả một đơn vị lính Lê dương và đơn vị lính bản xứ do sĩ quan Pháp chỉ huy, một lực lượng không quân và hải quân nhỏ. Quan chức, thương nhân Pháp ăn mặc sang trọng thật trái ngược với các viên chức bản xứ nhếch nhác trong khăn đóng áo dài. Ông ngoại tôi làm việc cho một nhà kinh doanh Pháp thì cứ cho rằng: “Cái gì của Pháp đều nhất cả!”

Người Pháp nắm toàn bộ quyền hành, ứng xử như những ông chủ nô muốn làm gì thì làm và có lẽ không bao giờ bị trừng phạt. Họ buộc người Việt Nam phải gọi họ bằng Quan lớn, ngay cả đối với những người Pháp khiêm tốn như lính cảnh sát hoặc binh nhì. Bản thân tôi đã nhìn thấy cảnh tượng sen đầm Pháp công khai đánh đập người Việt trên đường phố. Họ khinh miệt gọi tất cả người lao động Việt là đồ cu li, nông dân là đồ nhà quê’. Tuy vậy, người Pháp lại khôn khéo cai trị qua trung gian người Việt. Chính những người mình giúp việc cho người Pháp lại đối xử tồi tệ với đồng bào của mình, nhất là đối với nông dân thợ thuyền nghèo khổ. Họ gọi tất cả những ai chống đối lại họ là Cộng sản. Vào lúc đó, từ Cộng sản đồng nghĩa với kẻ phạm tội, quân ăn cướp xấu xa! Một người anh ruột của mẹ tôi làm việc trong ngành hỏa xa bị bắt vì hoạt động chống Pháp cũng bị gọi là Cộng sản và đày đi biệt xứ ở Côn Đảo sau đó mất tích luôn. Gia đình thường tránh nhắc đến tên ông, có lẽ sợ bị liên lụy.

Cuộc sống của tôi có lẽ cứ thế bình thản trôi qua, nếu không nổ ra Thế chiến II, sự có mặt của quân đội Nhật Bản và sự nổi lên của Việt Minh. Sự kiện Việt Minh gây ấn tượng nhất và tạo dấu ấn sâu sắc trong ký ức của tôi thời tuổi thơ. Vào thời đó tôi không thể nào hiểu được tại sao lại tồn tại song hành cả hệ thống chính quyền thuộc địa Pháp lẫn quân đội Nhật Bản. Sau này tìm hiểu mới biết rằng đây là một sự dàn xếp kỳ lạ giữa chính quyền Vichy Pháp đầu hàng và cộng tác với Đức Quốc Xã. Đức và Nhật lại là đồng minh. Quân Nhật được quyền trấn đóng tại các điểm chiến lược trên toàn lãnh thổ Đông Dương và người Pháp phải tiếp tế cho họ để đánh đổi việc giữ nguyên tình trạng chế độ thuộc địa Pháp. Chỉ riêng nhân dân Việt Nam chịu cảnh một ách hai tròng của cả thực dân Pháp lẫn quân phiệt Nhật. Tuy vậy người Nhật nỗ lực tranh thủ người mình vào ý đồ xây dựng “Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á” của họ. Người Việt trong lòng rất thán phục người Nhật vì cũng dòng giống dân da vàng mà khuất phục được bọn thực dân da trắng khắp châu Á.

Gia đình tôi cũng bắt đầu có những người bạn Nhật và nhận được những quà biếu đẹp mắt. Tôi cũng có cơ hội quan sát những người lính Nhật trú đóng trong ngôi nhà rộng của ông ngoại tôi. Họ sinh sống thành từng nhóm nhỏ, phân tán trong dân, không ở tập trung trong đồn trại như binh lính Pháp. Làm như vậy để vừa tránh làm mồi cho máy bay Mỹ bỏ bom vừa tranh thủ được nhân tâm. Người Nhật trông không khác người Việt là mấy, đầu cạo trọc như nhà sư và ê a những điệu nhạc dân gian buồn. Họ tự nấu ăn lấy và hầu như ăn chay với cá biển, rau cải tươi sống. Họ sạch sẽ, trật tự, ngăn nắp và đặc biệt rất kỷ luật, nhất là đối xử rất lễ độ đối với người bản xứ. Người già Việt Nam còn có thể giao tiếp với người Nhật qua Hán tự. Tôi chưa hề nghe thấy họ làm điều gì xấu đối với nhân dân tại chỗ, nhất là tôn trọng phụ nữ. Điều này hoàn toàn trái ngược với binh lính Pháp, Trung Hoa Quốc Dân Đảng hoặc Mỹ sau này. Chỉ có thể so sánh họ với bộ đội Việt Minh hoặc quân Giải phóng trong cuộc chiến đấu chống Pháp, Mỹ.

Vào những năm cuối Thế chiến II, Mỹ đã bỏ bom Đà Nẵng. Người già cả và trẻ em thành phố được lệnh sơ tán về vùng quê. Tôi cũng theo bà nội và các cô tản cư về vùng quê gần đó trong vài tháng và quay lại thành phố khi tình hình ít căng hơn. Rõ ràng là người Mỹ khó mà làm gì được người Nhật khi dội bom lung tung, chỉ sát hại dân thường, gây căm thù nơi người dân. Qua kinh nghiệm đó, sau này tôi khó tin lời các người phát ngôn Mỹ trong chiến tranh Việt Nam nói rằng họ chỉ tập trung dội bom xuống các mục tiêu quân sự ở miền Bắc. Khi nghe còi báo động, chúng tôi vội nhào xuống hầm núp, nhưng vẫn thập thò ở cửa để theo dõi cuộc không chiến. Chắc chắn là tôi không khách quan chút nào khi vẽ lại trên giấy các cuộc đụng độ trên không, luôn nhìn thấy cảnh máy bay Mỹ bị máy bay Nhật bắn hạ, rơi xuống đất còn kéo theo cột khói đen ngòm sau đuôi.

Cuộc chung sống giữa Nhật và Pháp không kéo dài. Vào đầu năm 1945, tôi nhìn thấy tù binh Pháp nhục nhã bị binh lính Nhật trói dẫn đi ngoài đường phố. Mới ngày nào họ còn là những ông chủ hét ra lửa trên mảnh đất này! Có lẽ đây là lần đầu tiên người Việt ý thức được rằng họ cũng như người Nhật có thể đánh bại được người phương Tây. Thế là một chính quyền thân Nhật do học giả Trần Trọng Kim đứng đầu đã ra đời nhưng chỉ nắm được quyền hành tượng trưng ở một số thành phố lớn. Chính quyền địa phương nằm trong tay các Ủy ban Thanh niên mới được bầu ra. Phần lớn các ủy ban này do các chính đảng yêu nước điều động, tích cực hơn hết là Quốc dân đảng và Cộng sản. Những người có học và uy tín thường được bầu vào các chức vụ trong ủy ban và tỏ ra năng động trong các hoạt động yêu nước và văn hóa hơn là hành chính. Ba tôi trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban Thanh niên địa phương và má tôi là đại biểu phụ nữ. Hầu hết các thành viên trẻ trong đại gia đình tôi, cả bên ngoại lẫn bên nội đều tham gia vào một phong trào quần chúng nào đó. Thanh thiếu niên hát vang:

Này thanh niên ơi đứng lên đáp lời sông núi!

Đồng lòng cùng đi hy sinh mở đường khai lối…

Nhưng phong trào quần chúng nổi bật hơn hết của giai đoạn này có lẽ là chiến dịch xóa nạn mù chữ. Người ta động viên những thanh thiếu niên biết chữ dạy học cho người mù chữ, mà suốt thời kỳ thực dân thì hầu hết người Việt đều mù chữ. Mọi người già trẻ lớn bé được khuyến khích tham dự các lớp học ban đêm. Thật là một cảnh tượng xúc động khi nhìn thấy những người trẻ tuổi kiên nhẫn giúp cho những người già, các bà mua gánh bán bưng hoặc bà con nông dân lần đầu tiên trong đời được đọc được viết. Tôi nghĩ Việt Nam ngày nay tự hào là một nước tuy còn nghèo nhưng có ít người mù chữ nhất ở châu Á có lẽ nhờ chiến dịch xóa nạn mù chữ đã được phát động từ đầu các năm 1940 này. Lần đầu tiên trong lịch sử đương đại Việt Nam đã xuất hiện khắp đất nước một phong trào văn hóa quần chúng to lớn đến như vậy.

Vài tháng sau, phong trào quần chúng này đã nằm trong tay Mặt trận Việt Minh, một phong trào yêu nước rộng lớn do người Cộng sản lãnh đạo khi quân Nhật đầu hàng phe Đồng minh. Cuộc chuyển giao quyền hành xảy ra rất êm thấm, tưởng chừng như những cán bộ Việt Minh đã có mặt sẵn ở đó hoặc nằm đằng sau hậu trường từ lâu rồi. Ủy ban Thanh niên chuyển thành Ủy ban Nhân dân và sau là Ủy ban Hành chính Kháng chiến vào lúc xung đột nổ ra khi người Pháp tái chiếm Đông Dương. Ba má tôi vẫn giữ nguyên vị trí cũ trong ủy ban lãnh đạo địa phương mới, nhưng nay tăng cường thêm nhiều tiểu ban hành động và hội đoàn quần chúng hơn. Vào thời điểm đó tôi không hề nghe ai nói đến từ Cộng sản hoặc Xô viết, mà chỉ nghe có một nước Liên Xô xa xôi nào đó đã từng làm cuộc cách mạng, tạo dựng được một xã hội công bằng, nằm trong số năm nước Đồng minh chống Đức Quốc Xã và quân phiệt Nhật. Những lãnh tụ Việt Minh bỗng xuất hiện từ mọi tầng lớp quần chúng và tổ chức yêu nước, thay thế tất cả người Nhật, người Pháp, quan lại Nam triều, từ trung ương đến địa phương.

Nước Việt Nam được tuyên bố độc lập sau gần một thế kỷ lệ thuộc Pháp và một thời gian ngắn lệ thuộc Nhật. Cờ đỏ sao vàng phất phới khắp hang cùng ngõ hẻm. Những cán bộ Việt Minh mới từ nhà tù thực dân hoặc nằm trong quần chúng nay công khai bước ra thay thế các viên chức cũ ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Người bạn quyền thế của gia đình tôi là viên tri huyện Nam triều thì bị bãi chức và một cán bộ Việt Minh lên thay. Ông ta  nói chuyện thời sự, chính trị lưu loát cả giờ và rất khéo tổ chức quần chúng. Nghe đồn rằng ông ta chỉ là một công nhân bình thường nhưng được người Cộng sản huấn luyện trong nhà tù.

Lần đầu tiên chúng tôi nghe nói đến tên “Hồ Chí Minh”, người lãnh đạo Mặt trận Việt Minh và đã từng dành cả cuộc đời mình cho cách mạng giải phóng dân tộc. Trong trí óc non nớt của tôi lúc đó, tôi xem ông như một ông bụt xuất hiện cứu cả dân tộc khỏi vòng nô lệ. Tôi thường lén chú tôi lấy bản khắc gỗ chân dung Người, xoa mực in ra nhiều bản đem khoe bạn bè.

Hoạt động của Việt Minh mang nhiều nội dung chính trị và yêu nước cũng như nghiêng về tổ chức quần chúng hơn. Nay mọi người tùy theo tuổi tác và ngành nghề đều đứng chân trong một tổ chức nào đó. Nếu trước đây chỉ có những người trẻ hoặc trung niên có học mới hoạt động, thì nay ngay cả những nông dân thất học, những người già cả cũng hoạt động tích cực trong đoàn thể của họ. Mọi người trong xã hội đều cảm thấy mình được tham dự vào công việc chung của đất nước. Còn bé tí tẹo như tôi mà cũng gia nhập đội nhi đồng. Đoàn thể chúng tôi được các anh học sinh hăng hái hoặc những thanh niên tổ chức Hướng đạo hướng dẫn sinh hoạt đội. Chú út của tôi là một trong những thanh niên hăng hái đó (2). Chúng tôi tự mình bàn thảo và giải quyết các vấn đề của mình, đi cắm trại, vui chơi, hát vang những bài ca yêu nước với tất cả tấm lòng.

Tôi cũng nhìn thấy xuất hiện đạo quân đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập. Họ mang tên là Vệ quốc đoàn, có quân phục đàng hoàng, đầu đội mũ ca lô, giản dị nhưng thật nghiêm chỉnh, trang bị đủ loại vũ khí có được. Tôi thích nhất bài hát “Vệ quốc quân hành khúc” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, cũng là hướng đạo sinh người Đà Nẵng, lớp cùng trang lứa với chú tôi:

Đoàn giải phóng quân một lòng ra đi

Dù có mong chi hẹn ngày trở về

Ra đi ra đi bảo toàn sông núi

Ra đi ra đi thà chết chớ lui…

Tôi rất thán phục anh Kích (3) người gốc Nam Bộ chỉ huy một tiểu đoàn Vệ quốc quân, đang theo tán tỉnh cô giáo dạy hè của tôi. Khi ai hỏi tôi lớn lên làm gì, tôi không ngần ngại trả lời ngay: “Được giống như anh Kích!” Tôi nằm mơ mình trở thành anh hùng, ngồi trên lưng ngựa, bên hông đeo súng lục, vung gươm hô chiến sĩ tiến lên tấn công quân thù!

Đà Nẵng là một trong các cảng biển lớn của Việt Nam. Vào thời gian đó, cảng đón nhận nhiều người nước ngoài. Trong các cuộc lễ lớn, xuất hiện nhiều lá cờ mới mà tôi chưa hề nhìn thấy bao giờ, lúc đó gọi là cờ các nước Đồng minh. Cờ Mỹ sao vạch thật rắc rối, cờ Liên Xô màu đỏ chói, và có cả cờ xanh trắng đỏ của nước Pháp đã từng đô hộ Việt Nam nữa. Quân Trung Hoa Quốc dân đảng đến giải giới quân Nhật. Không thể gọi họ là một đạo quân được với những con người ốm đói tả tơi, mang đủ thứ bệnh tật. Họ như một đàn châu chấu háu đói ăn sạch, vơ vét và diệt sạch trên đường đi của họ.

Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy người Mỹ, thuộc hải quân. Họ cao lớn hơn người Pháp, đồng phục xanh đậm, mũ trắng. Lối ứng xử của họ vừa ngạo mạn vừa trẻ con. Tàu chiến Mỹ ghé cảng Đà Nẵng và đưa họ lên bờ từng nhóm một. Họ đùa cợt và cười vang khi quẳng kẹo bánh cho người bản xứ hiếu kỳ vây quanh họ. Họ vui thỏa nhìn cảnh tượng người da vàng đói khổ tranh cướp miếng ăn lạ như đàn súc vật. Theo tôi người Mỹ tự xem mình là những người da trắng giàu có, ứng xử như những người cho mình là thượng đẳng.

Đà Nẵng cũng bắt đầu đón nhận nhiều kiều bào từng bị tuyển lính sang Pháp đánh nhau với Đức trong hai Thế chiến vừa qua. Họ đã phải đấu tranh gay go mới buộc được chính quyền Pháp cho hồi hương. Nhân dân đến thăm hỏi động viên họ. Nhiều người sau đó đã nhiệt tình tham gia cuộc chiến đấu chống Pháp. Họ kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện mới lạ bên trời Tây và tặng lũ trẻ chúng tôi bánh kẹo rất lạ.

Suốt đời tôi nhớ mãi giai đoạn Việt Minh nắm quyền ngắn ngủi ở Đà Nẵng, có lẽ nó xác định sự kiện dân tộc Việt Nam có thể tự mình làm chủ được vận mạng mình trong độc lập tự do. Một vị thế mới mà người Pháp muốn tước bỏ khi họ quay trở lại tái chiếm cựu thuộc địa. Người Việt đã bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Một người chú ruột của tôi đang làm ở bưu điện Sài Gòn cũng tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong rồi Mặt trận Việt Minh kháng Pháp, không biết sống chết ra sao trong đó.

Tất cả chúng tôi đều được tham gia thảo luận chính trị, mít tinh, tuần hành bày tỏ thái độ. Người ta tổ chức các tuần lễ thi đua, vận động quần chúng hướng về những mục tiêu cụ thể nào đó, tất cả hình như là để nhằm tạo được ý thức tập thể của nhân dân. Ngôi trường tiểu học của tôi biến thành một trung tâm tuyển quân tình nguyện cho đạo quân mới thành lập. Thanh niên khắp nơi nườm nượp kéo về đăng ký nhập ngũ. Chiến dịch quyên góp ủng hộ kháng chiến, như Tuần lễ vàng, Nắm gạo ủng hộ kháng chiến Nam Bộ. Bà tôi, má tôi cùng các cô dì đều hiến nữ trang vòng vàng.

Còn tôi thì không ngày nào lại quên bỏ một nắm gạo vào hũ gạo kháng chiến Nam Bộ. Trên đường phố Đà Nẵng tôi đã nhìn thấy nhiều trẻ em đói rách từ miền Nam xa xôi chạy loạn ra đây, lòng tôi xót xa muốn khóc. Chúng tôi xuống đường tuần hành chống đối, giương cao các biểu ngữ tố cáo thực dân Pháp xâm lược, hát vang bài ca “Nam tiến”:

Nước non xa ngàn dặm

Chúng ta đi nghìn dặm

Cùng nhau bước hướng về Nam

… Bầu trời Việt mênh mông

Lòng người Việt anh dũng

Đất dài sông lớn khí hùng thiêng

Đường xa núi rừng vẫy gọi chúng ta

Qua đèo qua núi qua rừng qua suối

Tiến lên hướng về Nam xông pha…

Thanh niên hăng hái luyện tập quân sự, chỉ với gậy tầm vông và súng gỗ, lựu đạn bằng đất sét. Ở địa phương tôi thành lập đội tự vệ. Thiếu nữ thì học cứu thương. Phụ nữ may quân phục. Các bô lão động viên con cháu tham gia đoàn quân Nam tiến. Khẩu hiệu ghi: “Tất cả cho Nam Bộ!” Nghe nói hai bên xung đột có tiến hành đàm phán và thỏa thuận ngưng bắn. Nhưng đụng độ vẫn xảy ra thường xuyên và quân Pháp bắt đầu chiếm giữ các vị trí chiến lược ở Đà Nẵng, đặc biệt là sân bay. Tình hình rất căng thẳng, chắc khó mà không đánh nhau với quân Pháp.

Giai đoạn Việt Minh ở Đà Nẵng không lâu, chỉ kéo dài một năm, nhưng rõ ràng đã làm đảo lộn đại gia đình của tôi cũng như đã làm thay đổi biết bao số phận. Ba má tôi tham gia hết mình vào phong trào, đối với họ dấu ấn thời Việt Minh chắc không bao giờ phai mờ trong tâm trí. Tấm lòng họ luôn luôn hướng về cách mạng, rất lâu về sau này. Nhiều người trong số chú bác cô dì tôi đều tham gia mặt này mặt khác vào phong trào Việt Minh.

Nói vậy chứ trong đại gia đình tôi cũng có một số người theo Pháp. Phần lớn họ là những người từng được Pháp ưu đãi, ví như công chức trong guồng máy thuộc địa cũ, đại địa chủ, các đảng phái quốc gia thù ghét Cộng sản và nhất là người theo đạo Công giáo.

Cuộc chiến tranh Việt-Pháp lan đến Đà Nẵng. Gia đình tôi tản cư về vùng quê. Mẹ tôi phải bươn chải buôn bán nuôi sống gia đình, vì nhà cửa của cải bị cháy sạch trong cuộc chiến. Tuy cha tôi không còn hoạt động trong hàng ngũ cách mạng nữa nhưng quyết không chịu rời bỏ vùng Việt Minh kiểm soát để về thành vì sĩ diện không muốn cộng tác lại với thực dân Pháp. Đời sống trong vùng kháng chiến ngày càng khó khăn. Người gốc thành phố không có cách nào sinh sống nổi trong vùng Việt Minh, nên nhiều người đã tìm cách hồi cư, có lẽ chính quyền Việt Minh cũng đành làm lơ để họ ra đi. Phụ nữ trẻ em về trước, rồi các thành viên khác theo sau. Mẹ tôi mang anh em tôi về lại Đà Nẵng do quân Pháp kiểm soát. Sau đó, cha tôi cũng bị quân Pháp hành quân đổ bộ lên vùng quê bắt đem về Đà Nẵng. Có người quen thân Pháp bảo lãnh nên được trả tự do.

Mẹ tôi mở một sạp bán vải nhỏ ở chợ Hàn. Cha tôi xin đi làm lại ở hãng xăng dầu Shell. Cuộc chiến kéo dài. Cha tôi dính dáng vào hoạt động bí mật nào đó của Việt Minh nên bị công an Pháp bắt, tuy được chủ hãng bảo lãnh ra, ông phải thu xếp tìm cách lánh ra Huế (4). Xin làm việc ở cơ quan hành chính nhưng thừa người nên bị chuyển sang một đơn vị quân đội Việt binh đoàn do vua Bảo Đại mới thành lập, làm công tác kế toán. Mẹ tôi một thời gian sau ở Đà Nẵng cũng dính dáng vụ bán thuốc Tây bất hợp pháp cho Việt Minh nên cũng bị bắt đưa ra giam giữ tại nhà lao Thừa Phủ ở Huế, đợi ngày ra tòa án binh Pháp lãnh án (5). Tôi cũng theo cha mẹ ra cố đô Huế học. Sau này mẹ tôi giải thích cho anh em tôi hiểu lý do vì sao chúng tôi lại ra Huế sinh sống và kết luận: “Có lẽ nay thì các con biết tại sao ba con vội vã rời Đà Nẵng ra Huế vào lúc đó và tại sao má cũng ở Huế”. Như vậy là cả gia đình tôi dọn ra sinh sống ở Huế vào đầu những năm 1950 khi mẹ tôi ra tù.

Cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm. Sự kiện người Pháp chiếm đóng phần lớn tại khu vực đô thị đã tạo ra một hố sâu ngăn cách nông thôn-thành thị lâu dài trong xã hội Việt Nam, đặc biệt về thái độ đối với chiến tranh và cách mạng. Dân đô thị thiểu số, nhưng về các mặt kinh tế, kỹ thuật lại cao, chuộng phương Tây hơn, đa phần thuộc tầng lớp trung lưu và quy tụ cả nhiều thành phần phản động không ưa Cộng sản như địa chủ giàu có, công chức thời Pháp cũ, những kẻ làm giàu lên nhờ chiến tranh, thành viên các đảng phái Quốc gia từng xung đột với Việt Minh. Sau này thì thành phố lại đón nhận đông đảo người tỵ nạn chiến cuộc từ nông thôn ùa về.

Người dân đô thị thường dễ thỏa hiệp với người nước ngoài, Pháp hoặc Mỹ hơn người dân nông thôn. Nhưng nông dân lại chiếm đa số, đa phần nghèo khổ và bị áp bức, yêu nước nhiệt thành, dễ nghiêng về phía cách mạng dân tộc và ý tưởng đấu tranh giai cấp của người Cộng sản. Chế độ Ngô Đình Diệm thân Mỹ ở miền Nam càng đào sâu thêm hố ngăn cách xã hội và tâm lý giữa nông thôn-thành thị khi tiếp tục đối xử tàn tệ với nông dân. Họ lấy lại ruộng đất Việt Minh đã chia cho nông dân nghèo vào thời kháng chiến chống Pháp và ngược đãi những ai đã theo Việt Minh kháng Pháp. Người Cộng sản đã thành công lãnh đạo được nông dân làm lực lượng dân tộc nòng cốt trong cuộc kháng chiến trước đây chống thực dân Pháp, sau này thì chống Mỹ.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button