Triết học

Chính Trị Luận

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Aristotle

Download sách Chính Trị Luận (The Politics) ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH TRIẾT HỌC


2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

BỐI CẢNH LỊCH SỬ
Khoảng 4000 năm trước, ở châu Âu chỉ có những giống dân du mục. Từ sông Danube, một giống dân du mục tiến dần về phương nam để tìm những đồng cỏ xanh tốt hơn và dừng chân ở bán đảo Greece. Họ lấy tên thuỷ tổ của họ là Hellene để làm tên gọi. Người Trung Hoa sau này phiên âm Hellene thành Hy Lạp, và ta cũng quen theo lối gọi này. Ngày nay, Hy Lạp dùng địa danh để đặt tên nước của họ: Greece. Tên chính thức là Cộng hoà Hellenic.

Thời cổ, Hy Lạp không phải là một nước thống nhất như ngày nay mà gồm nhiều thành phố được tổ chức như những quốc gia gọi là thị-quốc; mỗi thị-quốc độc lập với nhau và có cách tổ chức chính trị khác nhau. Các
thị-quốc nổi tiếng gồm có Athens, Thebes, và Sparta. Tuy cùng một chủng tộc nhưng dân thị-quốc này lại coi dân
thị-quốc khác như thù địch và chém giết lẫn nhau. Sparta và
Athens là hai thái cực. Dân Sparta được huấn luyện để sống khắc kỷ từ nhỏ, một đời sống giản dị và cực kỳ trọng võ. Trái lại, dân Athens sống xa hoa, theo công nghệ và yêu chuộng thương mại. Về chính trị, các thị-quốc Hy Lạp đều theo quân chủ. Sau khi vua Alcmaeon băng hà vào năm 753 trước Thiên Chúa giáng sinh (TCN), Athens được tổ chức theo dân chủ nghị viện: công dân được quyền bầu nghị viên, nhưng chức vụ thẩm phán vẫn dành cho quý tộc. Đến thế kỷ thứ 5 (TCN), Athens hoàn toàn theo thể chế dân chủ trực tiếp. Mọi công dân đều trực tiếp tham gia việc nước: nghị luận, bàn cãi, bầu bán, biểu quyết, v.v… Do đó, Athens được coi là nơi có chế độ dân chủ đầu tiên, nơi mà mọi người dân đều được tham gia chính sự. Tuy nhiên, đây cũng là nhược điểm, vì “quyết định của chính phủ thường chậm trễ, dân chúng quen thói bàn bạc, cãi cọ nhau, mồm mép giỏi mà hành động dở, dễ chia rẽ vì những lẽ nhỏ nhặt.” Dầu sao, nhờ tính chất tự do tư tưởng mà Athens trở thành một môi trường thuận lợi cho các triết gia như Socrates và sau đó, học trò ông là Plato đã phát triển học thuật đủ mọi ngành. Từ đó, Athens trở thành trung tâm tư tưởng và học thuật của cả bán đảo Hy Lạp; sau này, chính là cái nôi văn hoá và tư tưởng của Tây phương.

ARISTOTLE – THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP

Aristotle không những là một trong những triết gia vĩ đại của Cổ Hy Lạp mà còn của thế giới Tây phương. Ông sinh năm 384 và mất năm 322 tại Stagira, một thị trấn nhỏ phía đông thành phố Salonica, sát biên giới vương quốc Macedonia. Xuất thân từ một gia đình trí thức, cha của
Aristotle là ngự y của vua Macedonia nên từ nhỏ, Aristotle đã được học về thiên nhiên và sinh vật qua quan sát cũng như qua các tài liệu y học của phụ thân.

Mười bảy tuổi, Aristotle tới Athens du học, đúng vào thời điểm Athens vừa được hồi sinh sau cuộc chiến với Sparta và mau chóng trở thành trung tâm văn hoá của toàn khu vực nói tiếng Hy Lạp. Athens được coi là quê hương của kịch nghệ, của ngôn ngữ thời thượng, trung tâm buôn bán và trao đổi sách vở của toàn cõi Hy Lạp. Ngoài văn chương và thương mại, Athens cũng là trung tâm của học thuật vì ngay từ thời đó đã có hai trường đại học được thành lập. Một là Viện Đại học Athens dạy đủ mọi ngành học và thuật cai trị. Trường thứ hai là Học viện của Plato, học trò của Socrates – người được coi là ông tổ của Triết học Hy Lạp. Aristotle theo học tại Học viện dưới sự hướng dẫn của Plato trong suốt 20 năm và nghiên cứu đủ mọi ngành học thuật từ toán học, văn học, sinh vật học cho đến triết học. Có thể nói Aristotle không chỉ là một sinh viên mà đã trở thành trợ giáo của Plato tại Học viện. Aristotle chú trọng đặc biệt đến siêu hình học (metaphysics) – môn học nghiên cứu về “ý tưởng,” những gì bên ngoài và ở bên kia thực tại, không phụ thuộc vào giác quan – cùng thiên văn học và chính trị học.

Chính trị học, đối với người Hy Lạp, không chỉ là một khoa học mà còn là một nghệ thuật. Học viện Plato không chỉ dạy những môn học và nghiên cứu có tính lý thuyết; đây cũng là nơi huấn luyện chính trị và đào tạo các chính trị gia, đặc biệt về phương diện lập pháp. Plato không phải chỉ là một triết gia, một học giả trong tháp ngà. Ông đặc biệt chú trọng tới tính ứng dụng của chính trị học. Plato tin rằng chỉ có triết học chân chính mới hướng dẫn đúng đắn cách hành xử của con người, và cũng như Khổng Tử ở Phương Đông mong muốn truyền bá Đạo của mình tới các bậc quân vương, Plato du hành sang Syracuse để cố vấn cho vua Dionysius đệ nhị, một bạo quân, cách cai trị theo “Vương đạo” trong suốt 16 năm nhưng chẳng thành công, giống trường hợp Khổng Tử đã thất bại sau 14 năm chu du thiên hạ để tìm một minh quân.

Trong những năm cuối đời, Plato trước tác một tác phẩm đồ sộ gồm 12 quyển mang tựa đề: Luật Pháp. Những tư tưởng trong Luật Pháp đã phần nào ảnh hưởng đến tác phẩm Chính Trị Luận của Aristotle sau này. Đối với
Aristotle, Plato là một người thầy vĩ đại (dù sau này tư tưởng của Aristotle có phần tương phản với Plato trên bình diện triết học), và xứng đáng là một vĩ nhân, như trong những vần thơ ai điếu do Aristotle viết cho thầy: “Ông (Plato) là một người mà kẻ xấu cũng không được quyền ca tụng, người duy nhất và có lẽ là người đầu tiên đã chứng tỏ một cách rõ rệt bằng chính cuộc đời và tư tưởng của mình, là để được hạnh phúc chính là làm một người tốt.”

ĐỌC THỬ

CHƯƠNG 1

Mỗi một nhà nước là một hình thức quần tụ nào đó của con người – một cộng đồng, và mỗi một cộng đồng được thiết lập nhằm đạt tới một cái tốt nào đó; vì hoạt động của con người luôn luôn nhằm đạt được cái mà nó nghĩ là tốt. Nhưng, nếu tất cả các cộng đồng đều nhắm đến một cái tốt, thì nhà nước hay cộng đồng chính trị – cộng đồng cao nhất và bao trùm tất cả các cộng đồng – phải nhắm tới cái tốt cao cả hơn mọi cái tốt khác, và phải là cái tốt ở mức độ cao nhất.

Người ta thường nghĩ là các đức tính của một nhà lãnh đạo chính trị, một ông vua, một gia trưởng, và của một chủ nhân ông đều giống nhau, và nếu họ có khác nhau, thì cũng không phải vì vị thế của họ khác nhau, mà ở số lượng các đối tượng dưới quyền. Thí dụ, kẻ làm chủ vài người được kêu là ông chủ; hơn vài người thì được kêu là quản gia; hơn thật nhiều người nữa thì được gọi là nhà lãnh đạo hay một ông vua. Lối gọi kiểu này không phân biệt được sự khác nhau giữa một đại gia tộc và một nhà nước nhỏ. Sự khác biệt giữa một vị vua và một nhà lãnh đạo nhà nước là ở chỗ này: Khi chính quyền thuộc về một người, thì nhà cai trị được gọi là vua; còn khi mà theo quy luật của khoa học chính trị, chính quyền do công dân – đồng thời là người cai trị và bị trị – thì người cai trị được gọi là nhà lãnh đạo chính trị.

Nhưng tất cả những lập luận này đều sai lầm cả, vì các chính quyền cũng có nhiều loại khác nhau; điều này cũng hiển nhiên cho bất cứ ai nghiên cứu vấn đề bằng phương pháp chúng ta sử dụng. Cũng giống như trong các ngành khác của khoa học, chính trị cũng vậy, một hợp chất luôn luôn có thể được phân giải ra thành những phần tử đơn giản hay nhỏ nhất của tổng thể. Do đó, chúng ta phải xem xét các phần tử cấu thành nhà nước, hầu có thể thấy được các luật lệ khác nhau của các loại chính quyền khác nhau như thế nào, và có thể rút ra được một kết luận khoa học nào chăng về mỗi loại chính quyền.

Chương 2

Nếu ta xem xét sự vật từ ngọn nguồn, dù sự vật đó là một nhà nước hay cái gì đi nữa, ta sẽ có được nhận thức rõ ràng nhất về sự vật đó. Thoạt kỳ thuỷ phải có một sự kết hợp nào đó giữa những sự vật mà không thể hiện hữu được nếu thiếu nhau. Giống đực và giống cái phải kết hợp để lưu truyền dòng giống có cùng bản tính như chúng; hành vi này không phải do ý thức, nhưng do bản năng tự nhiên có sẵn trong các loài động vật cũng như thực vật. Thứ đến, phải có sự kết hợp giữa các phần tử cai trị một cách tự nhiên và các phần tử bị trị một cách tự nhiên. Những phần tử có khả năng, nhờ sự khôn ngoan biết tính toán, lo xa, dĩ nhiên trở thành phần tử cai trị, còn những phần tử mà khả năng chỉ do sức mạnh của thể chất mang lại, để làm những gì mà phần tử kia hoạch định, là phần tử bị trị; do đó, đương nhiên ở trong tình trạng nô lệ. Sự kết hợp giữa chủ nhân và nô lệ được lập thành vì cả hai có chung quyền lợi [chủ và tớ làm đủ cho nhau]. Thiên nhiên phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa phụ nữ và nô lệ, và thiên nhiên không hà tiện như gã thợ rèn kia khi đánh con dao Delphi đa dụng dùng được vào nhiều việc; thiên nhiên tạo ra mỗi vật cho một mục đích, và mỗi dụng cụ sẽ được tạo thành tốt nhất để sử dụng cho một mục đích chứ không phải cho nhiều mục đích. Thế nhưng trong đám những kẻ man rợ [và điều này trái với trật tự tự nhiên], phụ nữ và nô lệ được coi như nhau – lý do là vì không có phần tử cai trị nào trong bọn họ, và sự kết hợp vợ chồng trở thành cuộc kết hợp giữa người nô lệ nữ và người nô lệ nam. Do đó mà các thi sĩ của chúng ta đã nói:

“Cũng là xứng đáng thế thôi, cho người man rợ làm tôi Hy Lạp.”

Vì họ nghĩ rằng các kẻ man rợ và nô lệ trời sinh ra như nhau.

Từ quan hệ giữa nam và nữ và quan hệ giữa chủ nhân và nô lệ, gia đình là kết quả đầu tiên, và thi sĩ Hesiod đã nói: “Có nhà, có vợ, có trâu đi cày.”

Con trâu có thể coi như là nô lệ của người nghèo vậy. Gia đình là sự quần tụ được thiên nhiên thiết lập nhằm cung ứng cho con người các nhu cầu thường ngày, và thành viên của gia đình được Charondas gọi là “những người ăn cùng mâm,” và được Epimenides, người đảo Crete, gọi là “những người uống chung máng.” Nhưng khi nhiều gia đình tụ họp lại, và sự quần tụ này nhằm đến mục tiêu cao hơn là cung cấp cho các nhu cầu hàng ngày, thì xã hội đầu tiên – làng mạc – được thành lập. Và hình thức tự nhiên nhất của làng mạc là một nhánh từ gia đình, gồm có các con và các cháu “cùng bú chung bầu sữa.” Và đó cũng là lý do tại sao các thị-quốc Hy Lạp (city-state) – cũng như dân các xứ man rợ khác hiện nay – được cai trị bởi các vị vua. Các thị-quốc được thành lập từ những người đã từng được cai trị dưới vương quyền [nghĩa là, họ tụ họp lại từ những gia đình và làng mạc], và gia đình thì luôn có đặc tính quân chủ vì mọi sự do người tộc trưởng quyết định. Làng mạc cũng vậy, vì làng mạc cũng do nhiều gia đình tạo nên, nên cũng được cai trị bởi người lớn tuổi trong gia tộc. Mối quan hệ gia tộc đơn sơ này được Homer miêu tả trong đoạn thơ về người khổng lồ một mắt (Cyclopes), khi con người còn sống rải rác thành từng nhóm nhỏ, hệt như những con người thời cổ: “Mỗi người nam là người cai trị của vợ và con.”16 Sự kiện con người thời cổ do vua cai trị, và thời nay một số dân vẫn còn được vua cai trị, khiến cho ta xác nhận được là các vị thần thánh cũng được cai trị bởi một ông vua, vì họ tưởng tượng ra không những hình ảnh của thần thánh, mà còn cách sống của thần thánh theo như cách họ sinh sống.

Khi nhiều làng mạc liên kết lại với nhau thành một cộng đồng duy nhất và toàn vẹn, một cộng đồng đủ lớn để có thể tự túc được, thì nhà nước (polis) được khai sinh từ những nhu cầu cơ bản của đời sống, và tiếp tục tồn tại cho một đời sống tốt đẹp. Và như thế, nếu các hình thức ban đầu của xã hội là tự nhiên, thì nhà nước cũng vậy, vì nhà nước là kết quả cuối cùng của mọi xã hội, và tính “tự nhiên” của sự vật chính là chung cục của nó. Vì ta gọi là tự nhiên khi một sự vật được phát triển đầy đủ tới dạng cuối cùng của nó, dù đó là một con người, một con ngựa, hay một gia đình. Ngoài ra, kết quả cuối cùng của một vật là cái tốt nhất, và đạt đến tự túc là kết quả cuối cùng [của một polis] và là cái tốt nhất.

Từ những nhận định trên, nhà nước hiển nhiên nằm trong họ những vật hiện hữu tự nhiên, và con người, là một động vật mà do bản tính tự nhiên phải sống trong một nhà nước (con người là một động vật chính trị). Nếu có kẻ nào vì bản tính tự nhiên, chứ không vì tai nạn ngẫu nhiên nào đó, mà chọn sống ở ngoài cộng đồng chính trị, thì kẻ đó hoặc là chẳng ra gì, hoặc là một siêu nhân hơn người. Đó là kẻ mà Homer đã lên án là “kẻ đãng tử, vô gia cư, vô luật pháp.” Những người như vậy là những kẻ hiếu chiến, chẳng khác nào một con chốt cô đơn trên bàn cờ.

Đến đây ta thấy, một cách hiển nhiên, con người là một sinh vật chính trị, và là một sinh vật chính trị ở mức độ cao hơn loài ong hay các loài thú sống bầy đàn khác. Thiên nhiên, như ta thường nói, không làm điều gì vô ích, và con người là sinh vật duy nhất được ban cho tiếng nói. [Độc giả nên tham khảo thêm Rousseau: Nguồn gốc của ngôn ngữ loài người – ND]. Mọi loài đều có khả năng tạo được âm thanh để diễn đạt đau đớn hay sướng khoái: thiên nhiên cho chúng khả năng cảm nhận đau đớn hay sung sướng và có thể truyền đạt những cảm nhận này đến đồng loại của chúng; nhưng chỉ đến thế mà thôi. Ngôn ngữ của con người dùng để chỉ ra điều lợi, điều hại, và cũng tương tự như thế điều gì là công chính và thế nào là bất công. Đặc biệt hơn nữa, chỉ con người mới có được ý thức về thiện và ác, về công bằng và bất công, và về các đức tính khác nữa. Sự phối hợp các sinh vật có ý thức này tạo nên gia đình và nhà nước.

Đến đây ta có thể lý luận thêm rằng [mặc dù cá nhân và gia đình hiện hữu trước theo thứ tự thời gian] nhà nước lại hiện hữu trước hơn cả cá nhân và gia đình theo thứ tự tự nhiên. Lý do của điều này như sau: cái tổng thể luôn nhất thiết phải hiện hữu trước cá thể [theo tự nhiên]. Nếu cả cơ thể bị tiêu huỷ, thì sẽ chẳng còn cái chân hay cái tay nữa, ngoại trừ theo cái nghĩa mơ hồ mà người ta thường dùng cùng một từ để chỉ các vật khác nhau, như khi ta nói về một cái tay bằng đá; vì một cái tay khi bị tiêu huỷ [khi cả thân thể bị tiêu huỷ] thì có hơn gì một cái tay bằng đá đâu? Mọi điều có được đặc tính thiết yếu của chúng là nhờ ở chức năng và khả năng của nó. Từ đó ta có thể suy ra là nếu điều gì đã mất khả năng thực thi chức năng của nó, thì ta không nên nói là nó vẫn là vật như cũ, mà phải nói là, bởi vì sự không chính xác [của ngôn từ], chúng vẫn còn tên gọi giống nhau.

Như vậy, ta thấy nhà nước hiện hữu bởi tự nhiên và có trước cá nhân. [Chứng cứ của cả hai lập luận này là sự kiện nhà nước là tổng thể, còn cá nhân là cá thể]. Mọi cá nhân không thể nào tự túc được khi sống cô lập, bởi vì mọi cá nhân là vô vàn các cá thể cùng lệ thuộc vào cái tổng thể, là cái mà chỉ có nó mới đem lại sự tự túc cho tất cả. Một người sống biệt lập, hoặc là vì không có khả năng chia sẻ các phúc lợi do sự quần tụ chính trị đem lại, hoặc không cần chia sẻ gì hết vì hắn đã tự đạt được sự tự túc rồi, thì không còn là một thành phần của nhà nước nữa, và, như vậy, phải hoặc là thú hoặc là thần mà thôi. [Dù] bản năng xã hội đã được thiên nhiên ban cho con người [từ lúc mới sinh], tuy nhiên, kẻ nào đầu tiên thiết lập nhà nước vẫn phải được coi là người có công lớn nhất. Con người, khi toàn hảo, là động vật tốt đẹp nhất, nhưng nếu hắn bị cách ly khỏi luật pháp và công chính, thì lại trở nên một động vật xấu xa nhất. Bất công trở nên tệ hại hơn khi đó là sự bất công được vũ trang, vì con người sinh ra có được đôi tay [cũng như ngôn ngữ] để làm cho con người tốt hơn về đạo đức, nhưng đôi tay cũng có thể được dùng để làm những chuyện xấu xa. Đó là lý do tại sao nếu con người không có đức hạnh, hắn sẽ trở thành kẻ dã man nhất, đê tiện nhất, chỉ biết chiều theo nhục dục. Sự công chính [chính là sự cứu rỗi của con người] thuộc về nhà nước; vì công chính – sự phân biệt thế nào là công bằng, là lẽ phải – là trật tự của một xã hội chính trị.

Chương 3

Tới nay ta đã thấy nhà nước do nhiều hộ gia đình tạo nên; cho nên, trước khi bàn về nhà nước, ta phải bàn về sự quản trị của hộ gia đình. Thành viên của hộ là tất cả những người sống trong cùng một căn nhà, và một hộ đầy đủ gồm có nô lệ và những người tự do. Bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu xem xét một hộ từ những thành tố đơn giản nhất, và các thành tố đơn giản nhất và cơ bản nhất là quan hệ giữa chủ nhân và nô lệ, giữa chồng và vợ, và giữa cha mẹ với con cái. Chúng ta phải xét bản chất của từng mối quan hệ và các phẩm chất cần có trong từng mối quan hệ xem như thế nào. Như vậy có ba yếu tố cần xem xét: thứ nhất là mối liên hệ giữa chủ nhân và nô lệ; kế đến là quan hệ hôn nhân (không có chữ nào khác hơn để mô tả chính xác sự kết hợp giữa chồng và vợ), và cuối cùng là quan hệ phụ tử (quan hệ này cũng không có tên gọi riêng [theo tiếng Hy Lạp thời đó]). Ngoài ba yếu tố này còn có một yếu tố thứ tư nữa, cái gọi là “nghệ thuật làm giàu,” một yếu tố mà theo những người khác lại là phần chính yếu của một hộ gia đình. Chúng ta cũng xem xét bản chất của nghệ thuật này trong các phần dưới.

Trước hết hãy nói về chủ nhân và nô lệ, chú trọng vào nhu cầu của đời sống thực tiễn và tìm xem có thể có một lý thuyết nào hay hơn các lý thuyết hiện hành không. Một số người quan niệm rằng sự cai trị của người chủ là một khoa học, và sự quản trị một hộ, chức vụ làm chủ nô lệ, và phương thức cai trị chính trị hay cai trị một vương quốc, như tôi đã trình bày phần đầu, đều giống nhau. Một số khác lại khẳng quyết rằng sự cai trị của chủ nhân đối với nô lệ đi ngược lại với tự nhiên, và việc phân định sự khác nhau giữa nô lệ và người tự do là do luật định, chứ không phải do quy luật tự nhiên; và như thế, can thiệp vào quy luật tự nhiên là không công bằng.

Chương 4

Tài sản là một phần của một hộ gia đình, và nghệ thuật tích luỹ của cải là một phần của nghệ thuật quản trị hộ gia đình, bởi vì chẳng ai có thể sống đàng hoàng được, hay là tồn tại được, nếu không có được các điều kiện cần thiết. Và cũng giống như trong bất kỳ một nghề nào, người thợ phải có dụng cụ thích hợp mới có thể làm được việc, quản trị một hộ cũng vậy. Dụng cụ thì có nhiều loại khác nhau; có loại là dụng cụ sống, có loại là dụng cụ vô tri vô giác; thí dụ như cái bánh lái của người tài công lái tàu là dụng cụ chết, vô tri, còn người lính canh là dụng cụ sống, vì những gì phục vụ cho nghề nghiệp đều là một loại dụng cụ. Thế nên, tài sản là một dụng cụ để duy trì sự sống. Cùng một thể ấy, trong sự xếp đặt của một gia đình, người nô lệ là một tài sản sống; và tài sản, một cách tổng quát, là tổng số của tất cả các dụng cụ. Những người thuộc hạ, do đó, có thể được coi như là những dụng cụ sống hiện hữu trước các dụng cụ vô tri [để sử dụng các dụng cụ này]. Có một điều kiện mà người quản lý không cần thuộc hạ, và chủ nhân không cần nô lệ; đó là mỗi dụng cụ chết này tự làm được việc, hay vâng lời và đoán ý của kẻ khác mà tự làm, như những pho tượng của Daedalus, hay những cái kiềng ba chân của Hephaestus, theo như chuyện Homer kể lại: “Chúng tự tiến vào nơi họp của Thần linh.” Nếu, trong cùng thể ấy, con thoi tự dệt vải và chiếc đàn thất huyền cầm tự buông tiếng, thì người thợ chính đâu còn cần người phụ việc, và chủ nhân đâu còn cần nô lệ làm gì nữa. Tuy nhiên, có một điều ta cần phân biệt: các dụng cụ mà ta thường gọi được coi là các dụng cụ [dùng để] sản xuất, trong khi đó tài sản được coi là dụng cụ hoạt động. Thí dụ như con thoi là một dụng cụ không những được dùng như một dụng cụ mà từ con thoi ta lại còn làm ra được các thứ khác nữa; trong khi đó, tấm vải hay cái giường là vật dụng mà mục tiêu sử dụng đã rõ ràng. Hơn thế nữa, vì sự sản xuất và hoạt động là hai loại khác nhau, và cả hai đều cần tới dụng cụ, do đó mỗi loại cũng cần các loại dụng cụ khác nhau. Nhưng đời sống là sự sinh hoạt và không phải là sản phẩm, và như thế, kẻ nô lệ là người tạo ra sự sinh hoạt. Một lần nữa, khi nói đến tài sản cũng giống như nói đến một phần tử, vì một phần tử không những là một phần của cái gì đó mà còn tuỳ thuộc hoàn toàn vào vật đó; cho nên tài sản cũng vậy. Kẻ nô lệ không những là nô lệ của người chủ mà còn là vật sở hữu hoàn toàn của người chủ, trong khi người chủ chỉ là chủ của y, chứ không tuỳ thuộc vào y. Như vậy ta thấy được bản chất cũng như trách vụ của kẻ nô lệ; kẻ nào mà từ bản chất không thuộc về mình mà thuộc về kẻ khác, thì từ bản chất kẻ đó là nô lệ; và ta có thể nói hắn thuộc về và thuộc quyền sở hữu của người khác. Và ta có thể định được coi như thuỷ tổ của thợ rèn; Hephaestus chế ra các người máy đầu tiên để giúp việc và 20 cái kiềng ba chân tự di động được để phục vụ cho các yến tiệc tại núi Olympic.

Chương 5

Nhưng liệu có ai mà trời sinh ra đã là nô lệ và số kiếp nô lệ lại thích hợp và chính đáng cho y không, hay nô lệ là một sự vi phạm luật thiên nhiên?

Trả lời câu hỏi này chẳng có gì khó khăn dù dựa trên lý luận hoặc sự kiện. Sự việc có kẻ sinh ra để cai trị và kẻ sinh ra để bị trị là một sự việc không những cần thiết mà còn mang lại lợi ích nữa; có những kẻ từ khi lọt lòng mẹ đã được lựa ra để cai trị và những kẻ khác bị trị.

Người cai trị và kẻ phục tùng cũng có nhiều hạng (và những kẻ phục tùng thuộc loại khá hơn thì luật lệ cai trị cũng khá hơn – thí dụ như luật dùng để trị người phải khá hơn luật dùng để trị thú, cũng như khi gặp người thợ giỏi hơn thì công việc cũng được hoàn tất hay hơn, cũng vì lý do đó khi nói có người cai trị và kẻ bị trị cũng giống như có một công việc đang được thi hành); vì trong tất cả mọi điều mà tạo nên một tổng thể phức hợp gồm nhiều phần tử, dù liên tục [như trong cơ thể của một người] hay gián đoạn [như quan hệ giữa chủ nhân và nô lệ], ta đều có thể phân biệt chủ thể và vật phụ thuộc một cách rõ ràng. Tính đối ngẫu giữa chủ thể và thuộc thể hiện hữu không chỉ trong mọi sinh vật bởi vì đặc tính này phát xuất từ bản chất của vũ trụ; ngay cả trong những vật không có sự sống cũng bị chi phối bởi một nguyên lý nào đó, như trong âm nhạc chẳng hạn. Nhưng ta lại đi xa khỏi đề tài rồi. Hãy trở lại với các sinh vật, là những vật có hồn và xác: trong hai thứ này có cái do tự nhiên mà trở thành chủ thể, và cái kia là thuộc thể. Nhưng rồi ta lại phải tìm xem ý định của thiên nhiên trong những điều giữ được tính chất tự nhiên, chứ không phải trong những điều mà tính chất tự nhiên đã bị hư hỏng. Và như vậy, ta phải nghiên cứu một con người mà giữ được cả thể xác lẫn linh hồn trong trạng thái tuyệt hảo nhất, vì chỉ trong một người như vậy ta mới thực sự thấy được liên hệ thật sự giữa hồn và xác [nghĩa là tinh thần luôn điều khiển thể xác]; dù rằng [ta cũng thấy có] những kẻ vì bản chất xấu xa hay vì hoàn cảnh xấu đã để thể xác cai quản linh hồn. Trong tất cả mọi sinh vật đều có hai quyền lực chi phối; phần hồn luôn cai trị phần xác bằng quyền lực của một chủ nhân độc đoán, còn phần [lý] trí cai quản các sự ham muốn bằng quyền lực của một nhà cai trị theo luật lệ. Và [như thế] ta thấy hiển nhiên là khi hồn điều khiển xác và trí điều khiển nhiệt tình, thì điều đó thuận theo tự nhiên và ích lợi cho thân thể; làm ngược lại luôn luôn đưa đến tổn thương. Điều này cũng đúng trong quan hệ giữa loài vật với con người, vì những con thú được thuần hoá có bản chất tự nhiên tốt hơn hoang thú, và tất cả mọi loài thú đã được người thuần hoá có đời sống tốt đẹp hơn loài hoang thú vì sinh mạng chúng được bảo tồn. Tôi xin nhắc lại, giống đực, về bản chất tự nhiên khoẻ hơn giống cái, và do vậy, giống đực làm chủ, còn giống cái phục tùng. Nguyên tắc tổng quát này đúng cho cả nhân loại.

Thế nên, ở những nơi mà có sự khác biệt rõ rệt như giữa hồn và xác, hay giữa người và thú (như trường hợp của những kẻ mà khả năng chỉ là làm những việc chân tay), thì những kẻ ở đẳng cấp thấp tự nhiên phải là nô lệ. Có chủ nhân cai trị là lợi ích cho chúng cũng như cho những loài hạ đẳng khác. Vì thế, một kẻ mang bản chất nô lệ nếu y có thể bị biến thành (và đó cũng là nguyên do tại sao y thực sự trở thành) tài sản của kẻ khác, cũng tương tự như kẻ cố gắng suy luận để hiểu kẻ khác nhưng tự mình lại không có khả năng [suy luận] này, thì bản chất cũng là nô lệ mà thôi. Thiên nhiên cũng tạo nên sự khác biệt giữa thể chất của người tự do và nô lệ, những kẻ thể chất khoẻ mạnh thích hợp cho những việc lao động hạ tiện, và những người cao quý dù thể chất không đủ khoẻ mạnh để làm những công việc nhọc nhằn, nhưng lại hữu dụng cho đời sống chính trị trong nghệ thuật điều hành quốc gia trong chiến tranh cũng như khi hoà bình. Nhưng đôi khi điều trái ngược cũng thường xảy ra; tức là những kẻ nô lệ lại mang thể chất của người tự do hay những người có tinh thần của người tự do nhưng thể chất lại là của kẻ nô lệ. Và như thế, ta phải kết luận rằng, nếu con người khác nhau chỉ qua thể chất bên ngoài (cũng như hình dáng của thần thánh khác với con người), thì ta phải đồng ý rằng giai cấp thấp kém hơn phải là nô lệ của giai cấp cao quý hơn. Và nếu nguyên tắc này đúng (về thể chất), thì cũng đúng về phương diện tinh thần, dù sự khác biệt về tinh thần khó thấy hơn là sự khác biệt về thể chất. [Tóm lại,] nếu có người do bẩm sinh là người tự do, thì cũng có người do bẩm sinh là nô lệ; và đối với những kẻ này thì việc trở thành nô lệ vừa tốt vừa có lợi hơn cho chính họ.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button