Triết học

Khế Ước Xã Hội

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Jean Jacques Rousseau

Download sách Khế Ước Xã Hội ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH TRIẾT HỌC


2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời Giới Thiệu

Tác phẩm

Jean-Jacques Rousseau ra đời trong Thời kỳ Khai sáng (Enlightenment) trong thế kỷ 18 của Âu châu. Tư tưởng và học thuật trong Thời kỳ Khai sáng chú trọng về lý tính (rationalism) và thực nghiệm. Trên căn bản duy lý và thực nghiệm, các triết gia thời kỳ này phủ nhận lề lối tư duy truyền thống về xã hội, tôn giáo, chính trị, và đề cao vai trò của khoa học. Họ đã từng tuyên bố: khoa học sẽ cứu chúng ta. Trong bài luận văn đoạt giải thưởng của Hàn lâm viện Dijon năm 1749, Rousseau đã tạo cho mình một tư thế riêng khi đưa ra những lập luận bác bỏ toàn bộ những tư duy thời thượng bấy giờ. Ông lập luận rằng càng văn minh thì đạo đức càng băng hoại, khoa học không cứu rỗi được con người, và “tiến bộ” chỉ là ảo tưởng, văn minh hiện đại không làm con người hạnh phúc hay đạo đức hơn. “Hạnh phúc chỉ đến với con người trong tình trạng thiên nhiên,” và đức hạnh chỉ xảy ra trong một xã hội đơn giản, nơi con người sống đời sống đạm bạc, chân chất. Những phát minh của khoa học, những sáng tạo của nghệ thuật, theo ông, chỉ là những “chùm hoa phủ lên trên xiềng xích trói buộc con người, khiến họ quên đi sự tự do nguyên thủy có từ lúc mới sinh ra, và quên đi mất là đang cam thân làm nô lệ trong kiếp sống văn minh.”[1] Về điểm này, tư tưởng của Rousseau khá gần với Mặc Tử, nhà tư tưởng cổ Trung Hoa, người chủ trương thuyết công lợi và lên án các sự xa xỉ, xa hoa; ngay cả âm nhạc cũng bị Mặc tử lên án là vô bổ, làm sa đọa con người (trong khi Nho gia có cả Kinh Nhạc trong Ngũ Kinh). Mặc dù tư tưởng của Rousseau trực tiếp phản bác tư duy đương thời, Hàn lâm viện Dijon vẫn trao giải nhất cho luận đề của ông. Đây cũng là nền tảng tư tưởng của Rousseau để từ đó ông viết nên tác phẩm bất hủ Khế ước Xã hội.

Khế ước Xã hội gồm 4 quyển, mỗi quyển có từ mười tới mười lăm chương. Trong lời mở đầu Rousseau viết: “Với bản chất con người như ta biết, và với tính chất có thể xẩy ra của luật pháp, tôi muốn tìm xem trong trật tự của một xã hội dân sự có thể có một luật lệ cai trị nào cho chắc chắn và hợp tình hợp lý…” Trong cuộc hành trình này, Rousseau cũng như các nhà tư tưởng trước ông như Thomas Hobbes và John Locke đều bắt đầu từ nguyên thủy, nhận diện con người trong trạng thái thiên nhiên của nó. Mở đầu chương thứ nhất Rousseau viết:

“Con người sinh ra được tự do, nhưng ở đâu nó cũng bị xiềng xích.”

Đối với Rousseau, tự do là điều kiện thiết yếu để con người là một con người. Trong trạng thái thiên nhiên mỗi con người là chủ của chính mình, nhưng từng cá nhân một không thể chống chỏi với thiên nhiên để tự tồn mà phải cùng chung sống với nhau hầu có đủ sức để sống còn.

Từ xã hội sơ khai đầu tiên là gia đình, con người quần tụ lại thành những cộng đồng lớn hơn, nhưng trong cộng đồng lớn hơn này cần phải có luật lệ để điều hành trật tự sao cho phúc lợi và tự do của mỗi người vẫn được bảo đảm. Câu hỏi được đặt ra là ai sẽ là “người” đặt ra những luật lệ này khi mỗi cá nhân đều bình đẳng như nhau?

Rousseau phủ nhận mô thức chính quyền quân chủ do Grotius và Hobbes đề ra, và lý giải rằng một xã hội dân sự hợp lý, hợp tình chỉ có thể được tạo nên bởi sự thỏa thuận của mọi người tham gia. Hay nói một cách khác bởi một khế ước xã hội do mọi người cùng lập nên và mọi người phải tuân thủ. Rousseau viết: “Cái mà con người mất đi khi chấp nhận khế ước xã hội là sự tự do thiên nhiên và sự vô giới hạn trong những việc anh ta muốn làm và muốn giữ khi chiếm được; bù lại cái mà anh ta nhận được là sự tự do trong văn minh và quyền sở hữu chính đáng những gì mà anh ta có.” “Người” có thẩm quyền làm ra luật để cai trị một cộng đồng lập nên bởi khế ước xã hội, theo Rousseau, không ai khác hơn là tất cả mọi người đồng trao quyền đó cho một con người nhân tạo gọi là “Hội đồng Tối cao” (sovereign) bao gồm tất cả mọi người; con người nhân tạo này khi được thành hình bởi khế ước xã hội có đời sống và ý chí riêng. Ý chí riêng của con người nhân tạo này là ý chí của cả tập thể, gọi là “ý chí tập thể”(general will) chỉ nhằm đạt tới cái tốt chung cho cả cộng đồng, chứ không phải là ý chí của tất cả mọi thành viên (will of all) bao gồm ý chí và quyền lợi riêng tư của mỗi thành viên khác hơn quyền lợi của tập thể.

ĐỌC THỬ

QUYỂN I

Jean-Jacques Rousseau

Theo bản dịch của G.D.H. Cole

Ghi chú bằng số của Rousseau; ghi chú bằng chữ của HVCD

Với bản chất con người như ta biết, và với tính chất có thể xẩy ra của luật pháp, tôi muốn tìm xem trong trật tự của một xã hội dân sự có thể có một luật lệ cai trị nào cho chắc chắn và hợp tình hợp lý. Trong cuộc tìm kiếm này tôi sẽ luôn luôn cố gắng kết hợp cái do quyền cho phép với cái do quyền lợi quyết định để cho lợi ích và công bằng sẽ không bao giờ bị tách rời nhau ra.

Tôi bắt tay vào việc mà không chứng minh tầm quan trọng của đề tài. Người ta sẽ hỏi tôi rằng tôi có phải là một quân vương hay là một nhà lập pháp chăng mà viết về chính trị. Tôi trả lời rằng tôi chẳng phải là ai hết, và vì lý do đó mà tôi viết về chính trị. Nếu tôi là một quân vương hay là một nhà lập pháp tôi sẽ không lãng phí thì giờ để nói chuyện cần phải làm gì, tôi sẽ cứ làm hoặc tôi sẽ im lặng.

Sinh ra là công dân một nước tự do, và là một thành viên của Cộng Đồng Genève, tôi cảm thấy rằng, dù ảnh hưởng tiếng nói của tôi trên công việc chung nhỏ đến đâu chăng nữa, cái quyền đầu phiếu của tôi trong các công việc đó cho tôi bổn phận phải nghiên cứu chúng. Và khi tôi suy ngẫm về các chính quyền, tôi lấy làm sung sướng thấy rằng các cuộc tìm kiếm của tôi luôn luôn cung cấp cho tôi những lý do mới để yêu chính quyền của nước tôi.

1. Đề tài của Chương I

Con người sinh ra tự do, nhưng ở bất cứ đâu nó cũng bị xiềng xích.

Một kẻ tự cho mình là chủ của những kẻ khác, nhưng chính mình còn bị nô lệ hơn nữa. Sự thay đổi ấy xảy ra như thế nào? Tôi không biết.

Điều gì có thể làm cho nó trở thành hợp pháp? Tôi nghĩ rằng tôi có thể trả lời được câu hỏi này.

Nếu tôi chỉ đề cập đến sức mạnh và các tác dụng của sức mạnh gây ra, tôi sẽ nói rằng “Chừng nào mà một dân tộc bị bắt buộc vâng phục, và dưới áp lực của sức mạnh thì họ tiếp tục phải vâng phục một cách ngoan ngoãn. Một khi mà dân tộc ấy có thể vứt bỏ ách áp bức, và khi không còn bị sức mạnh nào kềm chế nữa, họ sẽ nhanh chóng tháo gỡ xích xiềng ngay. Bởi vì khi đoạt lại được tự do, bằng chính cái quyền đã bị lấy đi, thì hoặc là dân tộc đó có lý do chính đáng để giành lại sự tự do, hoặc là kẻ kia không có lý do chính đáng nào để mà cướp nó.”

Nhưng trật tự xã hội là một quyền thiêng liêng, một quyền căn bản làm nền móng cho tất cả các quyền khác. Tuy nhiên, quyền này không tự nhiên mà có, mà phải đặt căn bản trên các quy ước. Trước khi đi đến đó, tôi phải chứng minh những gì tôi đã đề cập đến.

2. Các xã hội đầu tiên

Xã hội kỳ cựu nhất, và là xã hội duy nhất có tính cách tự nhiên, là gia đình, và ngay cả như vậy, con cái chỉ duy trì sự liên hệ với người cha chừng nào mà chúng còn cần để tồn tại. Khi mà nhu cầu này chấm dứt thì sự ràng buộc tự nhiên đó cũng được giải tỏa.

Khi mà con cái giải thoát khỏi sự phục tùng người cha, và người cha không còn bị bắt buộc phải lo cho con cái nữa thì tất cả trở nên độc lập với nhau. Nếu cha con còn sống chung với nhau thì đó không còn là theo tự nhiên nữa mà là với tính cách tự nguyện. Và gia đình, như vậy, được duy trì bởi các quy ước.

Sự tự do chung này là kết quả của bản chất con người. Điều luật tự nhiên thứ nhất của con người là lo cho sự sinh tồn của nó; những sự quan tâm đầu tiên là nhắm cho cá nhân; và ngay khi đạt đến tuổi khôn ngoan con người trở thành người duy nhất có thẩm quyền tự định đoạt về các phương tiện để sống còn, và do đó trở nên chủ nhân của chính mình. Vậy nên ta có thể xem gia đình như là kiểu mẫu đầu tiên của các xã hội chính trị. Người cầm quyền là hình ảnh của người cha, dân chúng là con cái. Tất cả được sinh ra bình đẳng và tự do, và chỉ chuyển nhượng sự tự do của mình vì lợi ích của họ. Tất cả sự khác biệt là ở chỗ, trong gia đình sự săn sóc mà người cha dành cho con cái được đền bù bằng tình thương cha con, trong khi trong một quốc gia niềm vui thích cầm quyền thay thế cho tình thương, một tình thương mà kẻ cai trị không thể nào có cho đám dân chúng.

Grotius không cho rằng tất cả quyền lực được đặt ra vì lợi ích của kẻ bị trị. Ông ta dùng chế độ nô lệ làm thí dụ. Lối suy luận thông thường của ông là dùng sự kiện thực tế để chứng minh cho sự hiện hữu của quyền.[4] Người ta có thể sử dụng một phương pháp lô-gíc hơn, nhưng không có phương pháp nào có lợi cho các kẻ bạo ngược hơn [phương pháp này].

Theo Grotius, không biết loài người nằm trong tay khoảng một trăm người, hay một trăm người này thuộc về loài người. Ông ta dường như ngả về ý kiến đầu tiên. Đó cũng là suy nghĩ của Hobbes. Như vậy là loài người được phân chia ra làm nhiều bầy như thú vật; mỗi bầy có một ông chủ gìn giữ bầy để ăn thịt. Và như là người mục đồng có bản chất cao quý hơn bầy thú của mình, thì kẻ cầm quyền cũng cao quý hơn dân chúng bị trị. Philo cho chúng ta biết rằng Hoàng Đế Caligula lý luận như thế: Vua là thần thánh, dân là thú vật. Lý luận của Caligula giống như lý luận của Grotius và Hobbes. Aristotle, trước họ, nói rằng con người không tự nhiên bình đẳng, mà một số người sinh ra làm nô lệ và số người kia để thống trị.[5]

Aristotle có lý; nhưng ông ta lấy quả làm nhân. Con người sinh ra trong chế độ nô lệ lại trở thành nô lệ, chắc chắn như vậy. Kẻ nô lệ mất tất cả khi bị xiềng xích, ngay cả ý chí trốn thoát. Chúng yêu thích tình trạng nô lệ của mình, giống như các bạn đồng hành của Ulysses thích thú tình trạng sống như thú vật của họ.[6] Vậy thì nếu tự nhiên mà có kẻ nô lệ, thì bởi vì đã có những nô lệ trái tự nhiên. Sức mạnh tạo ra những kẻ nô lệ đầu tiên, và sự hèn nhát làm cho họ suốt đời nô lệ.

Tôi không đề cập đến Adam và Noah, cha của 3 vì vua vĩ đại, những người đã chia sẻ vũ trụ như con cái của Saturn, mà một trong số những ông vua này đã tự nhận dòng họ. Tôi cảm thấy rằng tôi phải được cám ơn vì sự khiêm nhượng của mình: là một người nối dõi trực tiếp của một trong các vì vua đó, có thể là của ngành cả, làm sao ai biết được rằng, sau khi kiểm chứng các tước vị, tôi không là vị vua hợp pháp của nhân loại? Trong bất cứ trường hợp nào, không thể chối cãi rằng Adam là vua của thế giới cũng như Robinson Crusoe là vua của hòn đảo của anh ta, chừng nào mà anh ta còn là người dân duy nhất của đảo ấy. Và vương quốc này có cái thuận lợi là, nhà vua an toàn trên ngai vàng, không sợ nổi loạn, chiến tranh hay âm mưu lật đổ.

3. Quyền của kẻ mạnh nhất

Kẻ mạnh nhất không bao giờ đủ mạnh để luôn luôn làm người chủ, nếu y không biết chuyển sức mạnh thành quyền và chuyển sự vâng lời thành bổn phận. Tuy vậy, “quyền của kẻ mạnh nhất” – một cái quyền mà đối với tất cả mọi người nghe có vẻ như châm biếm – thật sự đã được đặt thành một nguyên tắc căn bản. Thế nhưng chẳng có ai buồn giải thích câu này cả. Lực là một sức mạnh thuộc về thể chất. Tôi không thấy nó có một tác dụng đạo đức nào. Khuất phục trước sức mạnh là một hành động cần thiết chứ không phải do ý muốn – cùng lắm là một hành động thận trọng. Như thế thì làm sao nó có thể là một bổn phận cho được?

Giả sử rằng cái gọi là “Quyền” có thật, thì tôi sẽ bảo rằng nó chẳng tạo ra được gì ngoài một mớ những chuyện vô lý không thể giải thích nổi. Bởi vì nếu lực tạo nên quyền thì quả thay đổi với nhân; một lực lớn hơn lực có trước đó sẽ thừa hưởng cái quyền do lực trước đó tạo ra. Ngay khi mà ta có thể từ chối vâng lời mà không bị phạt, sự bất tuân trở thành hợp pháp và bởi vì kẻ mạnh nhất luôn luôn có lý cho nên ta phải làm thế nào để ta là kẻ mạnh nhất. Khi không còn sức mạnh thì quyền hẳn cũng biến đi, vậy đó là loại quyền gì? Nếu chúng ta phải vâng lời vì sức mạnh thì đó là bởi chúng ta bị bắt buộc; và nếu chúng ta không bị bắt buộc vâng lời bằng sức mạnh thì đương nhiên chúng ta không cần phải làm. Rõ ràng là chữ “quyền” không thêm gì cho lực: ở đây nó tuyệt đối không có ý nghĩa gì hết.

Hãy vâng phục những kẻ cầm quyền. Nếu đó có nghĩa là tùng phục sức mạnh, thì đó là một lời khuyên đúng, nhưng thừa thãi. Tôi chắc rằng lời khuyên này không bao giờ bị vi phạm. Tôi công nhận rằng mọi quyền lực đến từ Trời, nhưng mọi bệnh tật cũng đến từ Trời vậy.

Và như thế, chẳng lẽ chúng ta bị cấm không được gọi bác sĩ khi bị bệnh hay sao? Khi một tên cướp chận tôi ở bìa rừng và chĩa súng bắt tôi phải đưa túi tiền cho hắn, rõ ràng khẩu súng tên cướp cầm trên tay tượng trưng cho sức mạnh đấy chứ, nhưng nếu mà tôi có thể dấu được túi tiền thì chắc chắn tôi cũng chẳng có bổn phận phải nộp cho nó.

Chúng ta hãy đồng ý rằng lực không tạo nên quyền, và chúng ta chỉ phải tuân lệnh các quyền lực hợp pháp. Như vậy, chúng ta lại phải trở lại vấn nạn đầu tiên tôi đã đặt ra.

4. Chế độ nô lệ

Bởi vì không người nào có một uy quyền tự nhiên trên người khác, và vì lực không tạo nên quyền, chúng ta phải kết luận rằng mọi quyền lực hợp pháp đều được đặt trên các quy ước. Grotius nói rằng, nếu một cá nhân có thể từ bỏ tự do của mình và tự đặt mình làm nô lệ cho kẻ khác, thì tại sao một dân tộc không thể làm thế và trở thành thần dân của một vị vua? Trong câu này có nhiều từ mơ hồ cần phải được giải thích, nhưng ta chỉ nên hạn chế trong từ “từ bỏ.” “Từ bỏ” có nghĩa là “cho” hay “bán” – Một người không tự hiến mình khi làm nô lệ; anh ta tự bán mình, ít ra là để sinh sống. Nhưng một dân tộc thì bán mình vì cái gì? Vua không nuôi dân mà ngược lại dân phải nuôi vua, và theo Rabelais,[7] thì vua không sống giản dị. Chẳng lẽ thần dân hiến mạng mình cho vua với điều kiện là của cải của họ cũng bị nhà vua tước hết? Nếu mà như vậy, tôi thấy là họ chẳng còn cái gì để mà giữ lại nữa. Người ta sẽ nói rằng kẻ bạo chúa đem yên ổn xã hội lại cho dân chúng. Cứ cho như vậy đi, nhưng dân hưởng được gì khi nhà vua vì lòng tham vô đáy gây ra chiến tranh, khi những nhũng nhiễu của nền cai trị còn làm khổ người dân hơn là các sự tranh chấp giữa họ với nhau? Họ được lợi lộc gì khi chính sự yên ổn ấy lại là nguồn khổ của họ? Trong tù ngục cũng có thanh bình, nhưng thanh bình kiểu đó có đáng để sống không? Người Hy Lạp bị bọn Cyclops nhốt trong hang cũng sống thanh bình trong khi chờ đợi đến lượt mình bị ăn thịt. Nói rằng một con người tự dâng hiến mình mà không đòi hỏi gì cả là một điều ngu xuẩn không thể tưởng tượng nổi.

Một hành động như thế là bất hợp pháp và vô giá trị vì người làm việc đó không minh mẫn. Nói một dân tộc mà làm như vậy có nghĩa cho họ là những kẻ điên, và sự điên khùng không tạo nên quyền. Ngay cả khi một kẻ có thể từ bỏ tự do của mình, hắn ta cũng không thể đem cho tự do của con cái của hắn. Chúng được sinh ra là những con người tự do. Tự do của chúng thuộc về chúng, không ai có quyền xâm phạm đến. Trước khi chúng đạt đến tuổi trưởng thành, người cha, nhân danh con cái, có thể đặt ra luật lệ để bảo đảm sự sinh sống, phúc lợi của chúng, nhưng không thể hiến chúng một cách dứt khoát và vô điều kiện. Một sự dâng hiến như vậy là trái với thiên nhiên và vượt quá quyền làm cha. Vậy nên để hợp pháp hóa một chính quyền độc tài, thì mỗi thế hệ dân chúng phải có quyền chấp nhận hay từ chối chính quyền đó; nhưng, khi có được sự kiện này thì chính quyền đâu còn là độc tài nữa. Từ bỏ quyền tự do là từ bỏ làm người, từ bỏ các quyền của nhân loại, và cả những bổn phận của mình. Kẻ từ bỏ tất cả thì sẽ không có một sự đền đáp nào. Sự từ bỏ như vậy không thích hợp với bản chất của con người.

Tước đoạt tự do khỏi ý chí con người là tước đoạt đạo đức ra khỏi hành động của kẻ đó. Cuối cùng, thật là một quy ước trống rỗng và mâu thuẫn khi ta đặt một bên là quyền uy tuyệt đối và bên kia là sự phục tùng vô giới hạn. Đối với một kẻ mà ta có quyền đòi hỏi tất cả, thì rõ ràng là ta không cần có một bổn phận nào đối với kẻ đó cả; và chỉ sự kiện đó thôi, một hành động mà không có sự tương đương và bổn phận tương ứng, thì hành động đó có giá trị gì hay không? Bởi vì kẻ nô lệ có quyền gì đối với tôi khi mà tất cả những gì hắn có đều thuộc về tôi, và ngay cả quyền của nó cũng thuộc về tôi thì cái quyền của tôi chống lại chính tôi là một điều không có ý nghĩa gì hết.

Grotius và những người khác tìm thấy trong chiến tranh một nguồn gốc khác của chế độ nô lệ. Theo họ, vì kẻ chiến thắng có quyền giết kẻ bại trận, cho nên kẻ bại trận chuộc lại sự sống bằng tự do của chính mình. Và quy ước này lại hợp pháp hơn nữa vì nó làm lợi cho cả đôi bên. Nhưng rõ ràng rằng cái gọi là quyền giết kẻ chiến bại không phải là kết quả của chiến tranh. Con người, khi sống tự do thời ban sơ, không có những mối giao tế đều đặn và thường xuyên để tạo nên chiến tranh hay hòa bình; họ không thể tự nhiên mà trở thành kẻ thù.

Chiến tranh được gây ra bởi những tương quan giữa những sự vật chứ không phải giữa người với người. Và bởi vì trạng thái chiến tranh không thể nẩy ra từ các liên hệ cá nhân đơn giản, mà từ những liên hệ vật chất, cho nên, chiến tranh riêng tư hay giữa người này với người kia, không thể nào xảy ra trong trạng thái thiên nhiên, là nơi không có quyền sở hữu liên tục, hoặc trong trạng thái xã hội nơi mà tất cả mọi thứ đều được đặt dưới quyền uy của luật pháp. Các trận đánh tay đôi, tay ba, các cuộc đấu kiếm là những hành động không tạo thành một trạng thái chiến tranh; còn đối với các cuộc chiến giữa các lãnh chúa, được Vua Louis IX của Pháp cho phép và sau đó bị Phong trào Hòa Bình của Chúa cấm chỉ,[8] chỉ là những lạm dụng của chế độ phong kiến, một chế độ tự bản chất đã là một hệ thống phi lý, trái nghịch với các nguyên tắc của luật tự nhiên và đi ngược với mọi nguyên tắc chính trị tốt đẹp.

Do đó, chiến tranh không phải là một quan hệ giữa người và người, mà là giữa quốc gia và quốc gia; các cá nhân chỉ trở thành kẻ thù một cách tình cờ, không với tính cách con người, cũng không phải với tính cách công dân mà như là những người lính;[9] không phải với tính cách những thành viên của hai quốc gia mà chỉ là những người tự vệ. Sau rốt kẻ thù của quốc gia này chỉ là quốc gia khác chứ không phải là con người; bởi vì không thể có một tương quan thiết thực giữa những sự vật khác nhau hoàn toàn về bản chất. Xa hơn nữa, nguyên tắc này phù hợp với các điều luật đặt ra từ trước đến nay và được những quần chúng văn minh thi hành. Các lời tuyên chiến là những lời đe dọa không phải chỉ nhắm vào chính quyền của một nước, mà còn vào dân chúng của nước đó. Một ngoại nhân, dù là Vua, cá nhân hay một dân tộc mà đi ăn cướp, giết người hay bắt cầm tù dân chúng của một nước khác mà không tuyên chiến với nhà cầm quyền nước đó, thì đó không phải là kẻ thù mà chỉ là kẻ cướp. Ngay cả trong một cuộc chiến thật sự, kẻ cầm quyền đứng đầu phe chiến thắng có thể chiếm đoạt tất cả những gì thuộc về công sản của phe bại trận, nhưng vẫn phải tôn trọng đời sống và của cải riêng tư của người dân nước chiến bại; đó cũng là vì ông ta tôn trọng các quyền mà trên đó ông đã xây dựng quyền của mình. Mục đích của chiến tranh là tàn phá quốc gia thù nghịch, những người bên này có quyền giết những người bảo vệ phía bên kia khi họ cầm súng trong tay, nhưng khi mà vũ khí đã được đặt xuống và người ta đã đầu hàng thì họ không còn là kẻ thù hay là công cụ của kẻ thù nữa. Họ chỉ là những con người và ta không có quyền gì trên mạng sống của họ. Một đôi khi người ta có thể tiêu diệt một quốc gia mà không cần giết một người dân của nước đó. Và chiến tranh không cho ta quyền gây nên những thiệt hại không cần thiết để đạt lấy mục tiêu.

Các nguyên tắc này không phải là nguyên tắc do Grotius đặt ra; cũng như không phải được đặt trên căn bản uy tín của các thi sĩ; nhưng chúng phát xuất từ bản chất của thực tế và trên căn bản của sự hợp lý. Quyền xâm chiếm không có một căn bản nào ngoài cái quyền của kẻ mạnh nhất. Nếu chiến tranh không cho phép kẻ xâm lược giết kẻ bại, thì quyền bắt họ làm nô lệ không thể đặt căn bản trên một quyền hạn không có. Không ai có quyền giết kẻ thù, trừ khi kẻ thù không chịu đầu hàng, (và do đó trở thành kẻ nô lệ chiến bại); do đó, kẻ thắng không thể viện lý là đã tha chết để bắt kẻ bại làm nô lệ. Như thế là một sự trao đổi không công bằng, khi bắt kẻ nô lệ phải mua mạng sống bằng sự mất tự do của mình, trong khi kẻ chiến thắng không có quyền gì trên mạng sống đó. Hiển nhiên đây là một cái vòng lẩn quẩn nếu đặt cơ sở quyền sống chết trên quyền nô lệ, và quyền nô lệ trên quyền sống chết.

Ngay cả khi ta giả thiết rằng có cái quyền kinh khủng là được tàn sát quân thù, tôi vẫn cho rằng một nô lệ bắt được trong cuộc chiến hay một dân tộc bị chinh phục không có bổn phận phải thần phục mà chỉ phải tuân lời vì bị cưỡng bức. Bằng cách áp đặt ách nô lệ thay vì lấy mạng sống, kẻ chiến thắng không cho kẻ nô lệ một đặc ân gì cả: thay vì giết ngay kẻ chiến bại để chẳng được hưởng lợi lộc gì, kẻ chiến thắng giết hắn lần mòn bằng cách lợi dụng sức lao động của kẻ chiến bại. Nhưng làm như vậy, kẻ chiến thắng, ngoài cái “quyền của sức mạnh,” không có một quyền uy gì đối với kẻ nô lệ; và tình trạng chiến tranh vẫn tồn tại giữa họ. Mối quan hệ giữa họ là kết quả của chiến tranh và quyền sử dụng chiến tranh không hàm ý tạo nên một hiệp ước hòa bình. Kẻ thắng và người bại hiển nhiên đã cùng nhau thỏa thuận, nhưng sự thỏa thuận này không chấm dứt tình trạng chiến tranh mà chỉ kéo dài nó mà thôi. Vậy nên, dù ta xét vấn đề này dưới khía cạnh nào chăng nữa, quyền đặt ách nô lệ là vô giá trị; không những nó bất hợp pháp mà còn phi lý và vô nghĩa. Các từ ngữ “nô lệ” và “quyền” mâu thuẫn và phủ định lẫn nhau. Thật là điên rồ khi một người nói với người khác hay nói với dân chúng: “Chúng ta hãy làm một thỏa ước hoàn toàn thiệt thòi cho anh và hoàn toàn lợi lộc cho tôi; tôi sẽ giữ thỏa ước ấy cho đến bao lâu tôi muốn và anh cũng sẽ giữ thỏa ước ấy cho đến khi nào tôi muốn chấm dứt nó mới thôi.”

5. Chúng ta phải luôn luôn trở về một quy ước đầu tiên

Ngay cả khi tôi chấp nhận tất cả những gì mà tôi đã bác bỏ trên đây, thì các cảm tình viên của chế độ chuyên chế cũng không được lợi gì hơn. Luôn luôn có một sự khác biệt lớn lao giữa sự đàn áp một số đông người và sự cai trị một xã hội. Khi mà một số người bị bắt buộc làm nô lệ cho một kẻ nào đó, dù số người đó đông đến bao nhiêu đi nữa, thì tôi chỉ thấy đó là một ông chủ và một bọn nô lệ. Tôi không thấy đó là một dân tộc và nhà cầm quyền. Đó chỉ là một sự tụ tập, chứ không phải là sự kết hợp: ở đó không có công ích, cũng như không có một cơ cấu chính trị. Kẻ áp bức ấy, dù có nô lệ hóa một nửa thế giới đi nữa thì vẫn chỉ là một cá nhân; quyền lợi của y, khác hẳn quyền lợi của tất cả những người khác, vẫn chỉ là những quyền lợi của cá nhân y. Nếu y chết đi, đế quốc của y sẽ bị phân tán vì không có mối dây nối kết các cá nhân đơn lẻ lại với nhau, giống như một cây sồi mục rã và chỉ còn là một đống tro tàn sau cơn hỏa hoạn.

Grotius nói rằng một dân tộc có thể tự dâng hiến cho một ông vua [qua sự chọn lựa hay bầu ra]. Do đó, cũng theo Grotius, một dân tộc là một dân tộc trước khi tự dâng hiến. Đây là một hành động dân sự, chỉ có thể xảy ra sau khi có một sự thảo luận công khai trong một xã hội.

Vậy thì trước khi ta xét việc một dân tộc bầu ra một ông vua, ta hãy xét xem trước cái quy ước giúp các cá nhân kết hợp thành một dân tộc cái đã. Sự kiện các cá nhân kết hợp thành một dân tộc nhất thiết phải xảy ra trước sự việc hiến dâng, và đó mới chính là nền móng thật sự của một xã hội.

Thật vậy, trừ trường hợp nhất trí trong một cuộc biểu quyết, nếu không có một quy ước từ trước, thì tại sao thiểu số lại phải phục tùng đa số trong một cuộc biểu quyết? Căn cứ vào đâu mà một trăm người có quyền chọn một ông chủ thay cho mười người không đồng ý? Luật đa số trong cuộc đầu phiếu tự nó cũng chỉ là một quy ước, và chắc chắn từ đầu nó đã phải được mọi người cùng nhất trí tuân theo.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button