Tiểu thuyết - ngôn tình

Ta Có Bi Quan Không

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Khải Đơn

Download sách Ta Có Bi Quan Không ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : TIỂU THUYẾT

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Giữ tuổi trẻ đầy mộng mơ và lấp lánh, bạn có bao giờ nhìn thấy vết thương cào xước năm tháng hồn nhiên của mình? Vấp ngã giữa công việc đầy biến động, đập vỡ tình yêu trong bàn tay, hay đơn giản một ngày gục ngã vì tổn thương trán ứa những gì ta có thể chịu đựng.

Đừng trách vết thương, đừng đay nghiến đổ vỡ xảy đến không thể hàn gắn, bởi sự bi quan và lần vấp ngã thực sự sẽ định hình ta.

Ta lớn lên mãi mãi, yêu cuộc sống, trân trọng bất trắc như điều không tránh khỏi, và chọn sẽ sống mạnh mẽ như chưa từng biết sợ một cơn bão nào trong đời.

Tình yêu hay sự thành đạt… chỉ là phái sinh của những vết thương tươi mới trong tim mình.

Vì tuổi trẻ dũng cảm như thế…

ĐỌC THỬ

Phần 1TUỔI TRẺ LEM LUỐC

Tuổi trẻ lem luốc

Tôi nhìn vào mắt của Nguyên rồi hỏi con: “Con muốn đi học để làm gì?”

Nguyên trả lời: “Con muốn kiếm tiền nuôi mẹ con. Đi học mới kiếm được tiền.”

Câu trả lời đó của Nguyên có thể tìm thấy ở bất cứ đâu, nơi có những đứa trẻ nghèo và học giỏi ở nông thôn Việt Nam. Nghèo là một ám ảnh khốc liệt. Trách nhiệm nuôi gia đình tương lai là một sự ràng buộc hiển nhiên mà đứa trẻ sẽ mang theo suốt đời. Từ quãng đó của câu trả lời, tuổi trẻ sẽ là cuộc đua đớn đau và mỏi mệt.

Một người trẻ ngồi khóc ở bậc cửa vì cha không cho đi học. Nó mơ giấc mơ có sách giáo khoa sạch sẽ và vở bài tập mới. Nó thức thâu đêm khi cầm tờ giấy trúng tuyển đại học, nhìn ra cửa và không biết mẹ sẽ phải bán nốt con bò hay làm gì để có tiền nhập học.

Một người trẻ khác nhịn đói trong những đêm học khuya ở ký túc xá vì không đủ tiền ăn thêm bữa. Nó mệt nhoài trong đêm đi rửa chén bát kiếm thêm tiền bù vào học phí. Nó phân vân khi một kẻ nào đó chìa nắm tiền mà mẹ nó có nai lưng mấy tháng trời trên đồng cũng không kiếm đủ ra trước mặt, bảo nó hãy đổi lấy phần nào đó của cơ thể mình. Nó đứng ngẩn ngơ ngoài phòng giáo vụ khi trông thấy tờ thông báo nếu muốn vào phòng thi, phải đóng đủ học phí.

Ở tuổi trẻ lem luốc, có đêm mất ngủ trằn trọc vì hoang mang không biết mình sẽ kiếm sống bằng cách nào hay khi nào có thể nuôi em thay cha mẹ.

Rồi đêm muộn nằm ngủ trên gác xép, ai đó gợi ý mai đi hội sách, bảo tàng, triển lãm…, những người trẻ ấy lần đầu tiên chùn chân với câu hỏi ám ảnh từ ngày còn bé: “Có tốn nhiều tiền không?”

Có người suốt thời đại học không bước chân vào một trung tâm văn hóa nào, không bao giờ đến một chốn vui chơi của người trẻ, cũng không biết Sài Gòn có tồn tại hội sách, tủ sách, triển lãm ảnh, triển lãm tranh miễn phí.

Nỗi sợ của tiền vây bủa bàn chân, không cho chúng bước lệch đi một nhịp so với nhiệm vụ ban đầu. Nhiệm vụ của chúng lên thành phố là học để đổi đời. Giấc mơ ấy bị chặn lại bởi hàng rào của sự không dám. Một thế hệ lớn lên bởi ám ảnh đồng tiền, xoay quanh quỹ đạo của tiền và tự hủy hoại bằng tiền.

Trường đại học trở thành cứu cánh và lối thoát duy nhất. Niềm tin vô lý ấy sừng sững và rõ ràng nhất trên bàn tay ông bố bà mẹ nghèo, quyết bán con bò cuối cùng, bán mảnh đất, chiếc xe máy – tài sản duy nhất có giá trị của cả nhà, để lót đỡ chặng đường đại học đầu tiên cho đứa con. Trường đại học là một canh bạc đổi bằng tuổi xuân của đứa con và tài sản của gia đình.

Hàng chục ngàn người trẻ lao vào giảng đường mỗi năm, mắt đau đáu kiếm tìm một chiếc cần câu cơm, hy vọng nó bất thình lình hiện ra đâu đó trong xó lớp.

Tuổi trẻ lem luốc sớm cất các giấc mơ vào ngăn kéo, nhường chỗ cho những câu hỏi phũ phàng:

Nghề này có kiếm được nhiều tiền không? Nghề nào kiếm ra tiền mà đỡ cực?

Có những sinh viên ngây thơ trả lời: “Em nghe nói nghề này dễ kiếm việc, lương cao nên thi. Em không biết ngành sắp học để làm gì!”

Bị xoay trong quỹ đạo của tiền, trường đại học cũng quên mất nhiệm vụ của nó. Ngôi trường chỉ có thể đưa đến tri thức và chỉ dẫn người học tìm kiếm tri thức, hy vọng là nhờ tri thức đó, người học có nhiều chọn lựa và kỹ năng hơn cho công việc sau này. Nó không đảm bảo tri thức hóa thành cần câu cơm. Giảng viên và mớ nghiên cứu khoa học không đủ sức tạo ra tiền. Nhưng biết các “khách hàng” cần mua cần câu, những ông hiệu trưởng tham tiền chào bán các khóa học giúp người trẻ sẽ có việc nhẹ, lương cao sau khi ra trường.

Đem cân một mớ sách để mong có nhiều tiền là một ảo tưởng mù quáng, một sự ngây thơ đau xót không biết ai đã tiêm nhiễm vào tâm trí người nghèo ở nông thôn.

Ảo tưởng đó là tội lỗi. Nó tạo ra lòng tham, tính thực dụng của người trẻ trước khi chúng nhìn thấy giá trị bản thân mình. Nó xoay người học quanh tiền chứ không phải quanh tri thức. Nó nhấn chìm những kỳ vọng khác và vẽ ra viễn cảnh lý tưởng duy nhất của một người học, là tiền. Nó làm méo mó người giảng viên, biến họ thành kẻ thực dụng và tàn bạo không kém học trò.

Nhà giáo dục chân chính hẳn bối rối khôn nguôi, bởi họ không thể giúp ai vẽ ra tiền bằng tri thức. Trong khi đó, hàng trăm ánh mắt non nớt dưới giảng đường kia cứ hau háu tìm kiếm một thứ duy nhất: cần câu cơm ở đâu?

Trước tuổi trẻ lem luốc đó, trường đại học mù lòa mất. Chức năng khơi mở tri thức của nó đã bị đồng hóa với trách nhiệm tạo ra những kẻ kiếm tiền, để thỏa mãn câu trả lời thơ ngây từ tấm bé: “Học giỏi lớn lên mới kiếm được tiền.”

Rồi trước tương lai, ta thấy giọt nước mắt tiếc nuối, ánh mắt thẫn thờ của những cử nhân thất nghiệp chuyển sang làm công nhân, không cam tâm với sai lầm mình đã chọn và tấm bằng danh giá. Một thạc sĩ cộng thêm tấm bằng cử nhân nói lương của chị thua một sinh viên năm tư.

Lời than phiền không chứng minh xã hội từ chối lao động có chất xám, nó chứng minh một chọn lựa nhầm lẫn từ gốc câu chuyện đứa bé nhận học bổng mà tôi phỏng vấn ở đầu bài:

Học giỏi = Kiếm được nhiều tiền.

Nhưng làm gì được đây, khi những đứa trẻ bước lên giảng đường vẫn đắn đo với áo cũ và vai gầy, tóc cháy và bàn chân lội ruộng. Chúng đau đáu nghĩa vụ ở một vùng quê xa tít nào đó trong tim từ tấm bé.

Tuổi trẻ lem luốc ấy không hề có lỗi.

Đố kỵ

Thật kỳ lạ, con người luôn học điều đố kỵ nhanh hơn phần lớn những thứ khác trong đời. Một đứa em luôn đố kỵ với anh trai, chỉ vì anh nó làm mọi việc giỏi hơn và thường giải quyết mọi việc thấu đáo hơn. Một học sinh luôn khó chịu với đứa bạn dẫn đầu lớp. Một đứa trẻ không thể chịu nổi việc bạn nó có nhiều hơn một túi kẹo khi đến trường mỗi ngày…

Lòng đố kỵ nảy mầm và bắt rễ ngay khi một linh hồn biết so sánh. Sợ mình yếu hơn, sợ mình dở hơn, sợ mình thua cuộc. Nhưng đó không phải là căn nguyên. Lòng đố kỵ bắt đầu thành hình khi một người sợ đứa bạn bên cạnh học giỏi hơn mình, sợ người đồng nghiệp làm việc nổi trội hơn mình và đứa em sợ anh trai cứ mãi được tán dương.

Sự khác biệt giữa nỗi sợ mình thua và nỗi sợ người khác thắng ở chỗ: khi sợ người khác thắng cuộc, hành vi độc ác của sự đố kỵ bắt đầu xuất hiện. Bởi thay vì tìm cách lắp ráp lại bản thân và thu xếp nỗi sợ của mình, kẻ ấy bắt đầu tấn công người khác.

Khi còn là một học sinh, tôi đã nhìn thấy sự đố kỵ nảy mầm trong mình. Đó là một lần cô giáo gọi tôi trả lời. Câu trả lời chưa thỏa mãn, cô gọi một bạn khác nhưng bắt tôi đứng nghe. Sau đó cô nói: “Em nghe bạn trả lời chưa, như vậy mới đúng và đầy đủ.”

Khi ấy, tôi cảm thấy ngực mình đau nhói và khó thở. Chỉ sau một buổi sáng, người bạn trả lời câu hỏi kia đã hóa thành kẻ thù của mình. Tôi bắt đầu thấy bạn giỏi hơn tôi, bạn viết chữ đẹp hơn, bạn nói năng nhẹ nhàng, giày bạn đẹp hơn và bạn chạy nhanh hơn. Tôi không bao giờ quên cảm xúc tối tăm đó đã tượng hình ra sao, bởi để gột bỏ nó là một hành trình mỏi mệt và đau khổ vô cùng tận.

Từ năm mười hai tuổi đó, tôi không còn bất kỳ hạnh phúc nào của sự vô tư. Những lời so sánh của cô giáo sẽ biến một bạn nào đó trong lớp thành kẻ tôi muốn vượt qua. Kỳ lạ ở chỗ, lời so sánh xuất hiện vào những khoảnh khắc vô cùng đắt giá, chúng như bẻ gãy tôi và khiến tôi phải gồng mình lên để chứng tỏ bản thân, không tin rằng mình có thể thư giãn được nữa.

Rồi tôi gặp thầy vào năm lớp Mười, khi ấy tôi không thi đậu vào trường chuyên. Sự tủi hổ, đau đớn của một kẻ thất bại phủ vây lấy tôi. Rất nhiều bạn của tôi đã đậu vào ngôi trường mơ ước đó. Tôi đến nhà thầy học, mang theo những ức cợn không thể giải tỏa trong lòng. Khi mười sáu tuổi, tôi nghĩ cuộc đời bé xíu trên tay và mình là kẻ thất bại.

Tôi đã nói chuyện với thầy nhiều hơn bất kỳ người lớn nào vào thời điểm đó. Thầy nói với tôi: “Con cay cú vì cuộc thi đó đến vậy sao? Con không biết có cả ngàn cuộc thi trên đời. Nếu con thích, con đi học đại học để tha hồ thi thố. Nhưng tại sao con không tập trung học? Cứ mải ghen tỵ với người khác, rồi con chẳng thành ai đâu.”

Câu nói cuối cùng của thầy thốt ra trong một chiều mưa và lớp học chỉ có mình tôi đến. Thầy đứng ở cửa sổ, thả câu nói vào tai tôi: “Nếu con muốn đọc sách, thầy có kệ sách ở dưới nhà, cứ xuống lựa.”

Mất bốn năm để tôi hiểu buổi chiều nghỉ học đó là một sự cứu chuộc. Tôi đọc nhiều hơn và dành toàn bộ thời gian để suy nghĩ về điều mình muốn làm. Tôi bỏ cuộc đua để trở thành người giỏi nhất. Tôi cũng mất dần hứng thú với việc mình sẽ là ai đó, tạo ra một thành tựu nào đó, hay được ai đó cúi đầu nể phục. Năm mười bảy tuổi, phần lớn thời gian của tôi là những đêm ngồi viết trên chiếc máy tính cũ. Tôi viết chỉ để viết. Tôi viết vì cảm thấy nó đang thỏa mãn mọi sự yếu ớt sinh ra trong mạch đập của mình.

Năm mười bảy tuổi, tôi hay ngủ gục trong lớp, điểm số là phụ, chỉ tập trung để đậu đại học và đến được với cuộc sống bên ngoài. Tôi đã hạ gục mọi sự lo nghĩ về đối thủ, sợ ai đó vượt qua mình, căm ghét ai đó sẽ hơn mình, phẫn nộ vì ai đó đẹp hơn mình, căm thù ai đó vì đạt học sinh giỏi mà không phải mình.

Khi ấy, tôi nhẹ nhõm sống với những buổi sáng vật lộn để không ngủ gục trong lớp. Nhưng tôi bắt đầu quan sát bản thân mình, ngắm nhìn những tỵ hiềm mình đã xây đắp bao lâu, từ năm mười hai tuổi. Tôi có năm năm để căm ghét hầu hết những ai giỏi hơn mình, may mắn ở chỗ, tôi đã không làm một điều gì độc ác với họ chỉ bởi vì hèn yếu.

Nhiều lần, tôi kinh ngạc khi một bạn học cùng đắc thắng kể bạn đã lừa đứa ngồi sau bằng cách cho một đáp số giả khi thi, bởi vì bạn tin cách đó sẽ giúp bạn giỏi nhất lớp. Có bạn vô cùng hân hoan kể rằng bạn vui đến mức nào khi tất cả những đứa luyện thi chung đội tuyển đều rớt sạch, trừ bạn.

Lòng đố kỵ không che giấu nổi lên như một cơn đắc thắng độc chiếm và sự kiêu kỳ nông cạn. Nó biến những đứa trẻ thơ ngây thành những chiến binh tìm cách rạch mặt bạn khi không còn cách đàng hoàng để chiến thắng. Và đôi khi cách bẩn thỉu nhất được tôn vinh, vì kẻ ấy cuối cùng đã thắng.

Tôi bắt đầu sợ những đố kỵ. Đố kỵ không dừng ở so sánh, nó sẽ vươn bàn tay để cào cấu đối thủ, sát phạt người mình thù ghét, thậm chí biến mọi hành vi của người xung quanh thành đòn thù. Một cô gái ghét bạn mình vì cô kia giỏi giang, xinh đẹp, có bạn trai ngon lành, có cha mẹ hòa nhã, có nhiều danh vị. Cô bắt đầu nói xấu bạn, tìm cách phá hoại tình yêu của bạn, hãm hại bạn trong công việc. Nhiều khi ta chỉ thấy phần cuối cùng của việc hãm hại mà không biết nó bắt đầu khi móng vuốt đố kỵ dài ra.

Nhưng phần khủng khiếp hơn của đố kỵ là chính những gì bản thân ta phải chịu đựng.

Tôi chưa bao giờ thấy thoải mái khi luôn phải dòm chừng một ai đó giỏi hơn. Tôi chưa bao giờ thấy nhẹ nhõm khi một kẻ khác đi nhanh hơn mình. Tôi luôn canh chừng như chó săn, độc địa như loài đỉa và ma lanh như một thằng hề có hai gương mặt. Điều đó có hạnh phúc không?

Nó biến thành toàn thể bất hạnh khi người đố kỵ mãi mãi thua cuộc. Nó đẩy họ vào sự tự ti cùng cực, xấu hổ với bên ngoài và tự nhục nhã bài trừ bản thân. Trong khi đó họ không hiểu cuộc đời chỉ đơn giản là lăn đi, đâu ai nhìn ai, đâu ai rảnh rỗi tỵ hiềm so sánh họ với người thắng cuộc. Nội tâm họ yếu đuối đến mức bị ám ảnh và biến mình thành con ốc ngu xuẩn.

Tôi đã viết rất nhiều về sự đố kỵ, trong quá trình quan sát bản thân mình. Nỗi sợ vì mình không thành công NHƯ một ai khác, nỗi sợ vì ai khác giỏi hơn mình là những nỗi sợ phù phiếm, ngu đần và ác độc. Tôi hầu như đã quên mất bản thân chỉ vì đố kỵ, quên mất yêu thương nó, quên mất săn sóc nó, quên mất nuôi dưỡng và làm nó hạnh phúc. Tôi chỉ mải mê tấn công một người khác.

Cảm xúc ganh ghét, so bì bên trong là một bức tường thành trấn áp hạnh phúc. Kẻ đố kỵ không thường hạnh phúc, họ ăn nỗi hờn giận và sợ hãi để tiếp tục sống. Kinh khủng hơn, lòng đố kỵ nảy sinh từ cách người lớn, người thầy, người quan trọng luôn miệng so sánh một đứa trẻ với ai đó hay ho hơn nó. Và họ chỉ đang gieo mầm cho cái ác trương phình lên thành bệnh dịch.

Chẳng đứa trẻ nào cần đố kỵ để lớn lên cả.

Cơ thể chịu đau

Vài năm trước, tôi quen một người bạn bằng tuổi. Lâu lâu bạn lại gửi cho tôi ảnh cánh tay bạn đầy sẹo – dấu tích của những vết rạch mỏng bằng dao lam. “Cách này khiến tôi bớt đau”, cậu ấy nhắn tin.

Vì sợ, tôi đọc về những trường hợp hành động như cậu ấy. Ngoài những hình ảnh khoe trên mạng của những người bông đùa chuyện này, tôi thực sự tin cậu ấy đang đối mặt với một điều quá sức chịu đựng. Cho đến một lúc, cậu ấy ngưng làm đau cơ thể mình và hình như đã bình tĩnh.

Đó là một lần đi xa cùng tôi, cậu ấy kể: Nhà cậu ấy chỉ có ba người, ngoài cậu ấy là cha và mẹ. Mẹ thường dùng lời lẽ nặng nề để nói về cha khi ông không có mặt. “Tớ có đủ mọi tính từ để kể cậu nghe vì mẹ đã dùng tất cả để nói với tớ”, cậu ấy nói. Việc đó thường xuyên diễn ra từ lúc cậu ấy học cấp hai.

Cậu ấy hút tất cả những lời của mẹ vào cơ thể như một miếng bọt biển. Cậu ấy không bao giờ nói lại với cha. Cậu ấy phải cố gắng bẻ lái tâm trí của mình mỗi khi cha về. Cha không bao giờ làm gì sai với riêng cậu ấy, cậu ấy phải cân đối giữa những điều mẹ nói với những việc cha thể hiện, đồng thời không được phun những lời mẹ đã nói về phía cha.

Một đứa con hóa thành bọt biển. Có lúc cậu ấy đã quên mất gương mặt của mẹ vì không bao giờ nhìn thẳng vào bà khi nghe bà nói về cha. Sự bối rối của miếng bọt biển lớn dần và cậu ấy cần gỡ những ngôn từ đó khỏi cơ thể. Cậu ấy dùng dao lam rạch tay mình lần đầu năm mười chín tuổi, không thấy đau, chỉ thấy cơ thể mình nhẹ nhõm hơn khi có một vết đau khác cần quan tâm hơn là lời của mẹ – trong ứng chiếu với cha. Dần dần, cơ thể cậu ấy đã thích nghi với những vết đau như vậy.

“Tớ không làm như vậy nữa khi những lời của mẹ không còn là tất cả thế giới của tớ.” Khi đó, cậu ấy đã xây dựng xong thế giới riêng, với nhiều mối quan hệ, nhiều cuộc chuyện trò. Cậu ấy an tâm hơn thay vì phải sống với tương quan bọt biển kia. Cậu ấy đã phải tự xoay sở với nỗi đau của riêng mình và giải quyết nó bằng một giải pháp khó chịu nhưng không thể làm khác được.

Mỗi đứa trẻ sẽ tìm ra cách hành xử riêng, dù lệch lạc, khổ sở để vẫy vùng trong quãng thời gian ngạt thở mà nó phải chịu đựng trước cuộc đời. Ai sẽ bảo vệ được chúng? Ai sẽ bảo vệ được bạn tôi? Ai sẽ giải thích cho chúng hiểu sự đau đớn là lạch nước đen chảy ngầm trong thân thể mình, sẽ dâng lên nhấn chìm mọi thứ vào bóng tối?

Dẫu biết rằng bất hạnh là một hiện hữu không thể chối từ nhưng rồi người ta có bao nhiêu can đảm để nhìn thấy nó, đón nhận nó, hay để nó đi qua cơ thể mình, tàn phá rệu rã rồi ngồi đó xây lại từ đầu những gì đã tan nát? Người ta có bao nhiêu sáng suốt để biết đó là bất hạnh, chứ không phải sự trá hình của hạnh phúc? Người ta có bao nhiêu can đảm để chấp nhận mình là người bị thương, chứ không phải ai kia đang vui vẻ trước mặt mình?

Thầy giáo tôi kể ông đọc ở đâu đó nói cuộc đời con người sau hai mươi tuổi chỉ là hành trình đi về phía cái chết. Mọi điều ta làm, khao khát sáng tạo, khao khát dạy ai điều gì đó, ước mong gieo hạt đều chỉ là biểu hiện ta đang đi về chân trời của cái chết trong hằng hà sa số những cung đường. Ta chỉ không nhìn thấy nó vì sương mù, nhưng những lập trình bí ẩn của sự sống rồi sẽ đưa ta vào đúng quỹ đạo đó; dù đi bao nhiêu cung đường và vô số biến động, con người rồi cũng quay lại chính xác số phận của cái chết bất khả kháng.

Bất hạnh không phải là một chọn lựa, nhưng can đảm như bạn tôi, ngừng lại việc hủy hoại thân thể, tự đối thoại và vá víu vết thương rồi tiếp tục cuộc sống của riêng mình, gần như là một cuộc chiến tàn bạo.

Bạn đi một hành trình dài đầy bất định trong bóng tối như một kẻ phiêu lưu mù lòa, cho đến khi tìm được miệng hang hướng ra bầu trời có ánh sáng của một ngày trong lành bình dị. Và biết thêm một ngày được sống trong đời.

Hành hạ nhau

Bạn tôi làm thực tập sinh có lương ở một tập đoàn có tên tuổi thông qua chương trình tuyển dụng công khai. Ngày em vào làm, em nói họ có cho ký một hợp đồng. Mỗi ngày trôi qua, em đều hỏi tôi:

“Chị ơi, em muốn làm quen với các anh chị làm chung nhưng không ai muốn nói chuyện vì quá bận.”

“Em đã ngỏ lời nói em có thể làm những việc này và em có thể giúp nếu anh chị cần.”

“Em đã đi uống trà sữa với các anh chị làm chung, em hy vọng sẽ được cùng làm việc với họ.”

“Đã hai tuần em ngỏ lời muốn làm việc nhưng không ai có việc gì giao cho em cả.”

Sau ba tuần không được giao việc gì và không thực sự hiểu được công việc mình được tuyển vào làm là gì, em bảo tôi:

“Chắc em không đủ giỏi, chắc em không đủ tốt, hoặc em đã làm gì đó khiến mọi người giận.”

Câu nói ấy làm tôi ngạc nhiên. Đứa bạn rất nghiêm túc với công việc và đầy lòng kiên trì ấy đã biến thành một người co đầu rụt cổ, nhu nhược và đầy sợ hãi chỉ vì sự im lặng mà em phải hứng chịu suốt nhiều ngày.

Những người mới đi làm thường phải trải qua khoảng thời gian bị tổn thương, vì người lao động muốn hành hạ “ma mới”, dằn mặt đàn em, vì “nhìn nó không coi được”, vì “nó được tuyển vào bởi một đồng nghiệp mình không ưa”, hay đơn giản chỉ vì “nhìn vào lý lịch thấy nó có tiềm năng trở thành đối thủ của mình”.

Nhưng sinh viên mới ra đường làm sao hiểu được những mật ngữ tối tăm đó! Họ chỉ cảm thấy mình không tốt, không giỏi và tự thấy mình đã sai khi mọi thứ không đạt hiệu quả như mình mong muốn.

Ta có bi quan không?

Rốt cuộc người ta chơi cái trò hành hạ ma mới ấy để làm gì? Họ muốn dạy cho người mới một bài học, muốn kẻ đó hiểu sân chơi này ai cầm đằng cán, ai là người ra lệnh, ai có quyền, ai có thể ban phát một sự tử tế nhỏ nhặt hay sẽ đè kẻ đó đến chết gí chỉ trong vài nốt nhạc.

Sự dằn mặt để khẳng định chủ quyền khiến người mới phải quỵ lụy, sẵn sàng trà nước, thậm chí phải làm cả việc sai trái theo ý muốn của “ma cũ”. Bạn tôi từng được tuyển vào một đài truyền hình địa phương, và những người làm chung ban liên tục bóng gió bảo bạn ấy phải mời sếp những bữa nhậu và hát karaoke có giá bốn, năm triệu như mọi người mới vào khác thường rộng tay chi trả.

Có thể họ đơn giản chỉ không muốn kẻ mới vào ấy hiểu công việc là gì, bởi người đó như con vi trùng xâm nhập và tiềm ẩn mối đe dọa đến miếng ăn của họ. Kẻ làm chung mới này theo phe ai? Nó sẽ gây hại đến việc mình làm ra sao? Nó sẽ cạnh tranh với mình? Nó “cướp” luôn của mình miếng ăn đang thơm thì sao? Sự chênh lệch trong góc nhìn giữa một người cũ và người mới bắt đầu không bao giờ tránh khỏi.

Người cũ nói đứa trẻ đi guốc lộp cộp, ồn ào. Đứa trẻ bảo người cũ hờ hững, lạnh nhạt. Người cũ kết tội đứa trẻ không nhiệt tình, xông xáo. Đứa trẻ ngán ngẩm nói dù đã xin được làm việc nhiều lần nhưng không ai buồn động tay chỉ cho họ phải làm gì. Người cũ nói đứa trẻ xấc láo, tự ý làm việc không được giao. Còn đứa trẻ nghĩ thấy việc thì lao vào làm cho xong. Hay tệ hơn là người cũ luôn bảo đám “ma mới” chưa làm đã đòi tiền, đòi lương, đòi quyền lợi. Đứ trẻ lại nghĩ việc mình làm là công việc, và họ cần được trả công cho công việc đó. Không ai chịu nhường ai một bước.

Sự ích kỷ trong nghề nghiệp không phải tội lỗi, nhưng ích kỷ trước một người mới bước vào nghề có thể bẻ cong cả tương lai của họ.

Sự ích kỷ tấn công vào sự háo hức nhiệt thành mới mẻ của người đi làm, thứ gần như sẽ quyết định cách ứng xử của họ trong rất nhiều năm sau đó.

Người mới sẽ trở thành một kẻ làm việc say mê hay một kẻ luồn lách, nịnh nọt, xạo sự để đạt được điều mình muốn? Họ sẽ trở thành một người thầy chuyên nghiệp hay lại là một bản sao thứ cấp của sự lạnh nhạt, vô tri mà ma cũ từng hành xử với họ?

Ta có bi quan không?

Điểm nhìn khác biệt, thiện cảm và ác cảm xô vào nhau, chẳng ai buồn nhìn mặt ai. Hệ quả đơn giản như trồng cây gì ăn quả đó, là tương lai không tốt đẹp cho chính chuyên ngành và cả người làm việc trong ngành nghề đó.

Người mới chẳng được học gì từ kinh nghiệm cũ quý giá. Người cũ chẳng có thêm ai phụ mình gánh vác những việc mới nhiều thử thách, cũng chẳng có sáng tạo nào hết.

Những giá trị quan trọng như chuyên môn, sự hiểu biết, kinh nghiệm, thế hệ tiếp nối, hợp tác để nâng cao chất lượng đã bị đẩy ra trong cuộc hành hạ người mới. Ma cũ chẳng cần phải dạy một đứa ất ơ nào đó, chẳng việc gì phải truyền đạt tri thức để đám ma mới giỏi hơn, cũng chẳng cần tiêu phí thì giờ vào một đứa chẳng phải con cháu mình.

Rồi ở đâu đó, ta luôn nghe thấy những lời than thở:

“Bọn trẻ bây giờ làm việc kém quá, không bằng một góc thời xưa.”

“Giờ tìm người có nghề khó quá, quay đi quay lại chỉ có vài gương mặt.”

Khi đào tạo không được coi như một nghĩa vụ bắt buộc của chuyên môn và người trẻ phải đợi chờ ân sủng của một ai đó có thiện cảm dành cho họ mà chịu dạy nghề thì mãi mãi chỉ có một vòng xoay vĩnh cửu của những tay mơ.

Có người vẫn tưởng làm việc là để hành hạ và ban ơn cho nhau.

Người nhạy cảm thường mất quá nhiều thời gian để quên đi một chuyện đau lòng nhỏ nhặt, còn kẻ chà đạp lại quá thành tâm làm vết thương không lành sẹo. Ta chấp nhận mãi là một kẻ bị tổn thương hay lúc nào đó sẽ hóa thành một cái ác không khoan nhượng?

Không chọn lựa

Tôi và bạn bè thường có những cuộc đối thoại như vầy với nhau.

Bạn nói: “Làm nghề này sếp lệnh cho đi phong bì là phải đi, không có lựa chọn, có ngày uống say không ngẩng nổi đầu dậy đi làm. Nhưng đó là công việc phải làm với khách hàng.”

Có bạn kể: “Tôi được yêu cầu làm các hợp đồng khống cho nhân viên, số tiền lương chỉ vừa tối thiểu để công ty đóng thuế ít, còn sếp tự thỏa thuận mức lương cao hơn với nhân viên bằng miệng.”

Và ở góc độ khác, cũng có bạn nói bạn chấp nhận chuyện thỏa thuận miệng này, dù sao thì bạn vẫn có số tiền như mong đợi, chỉ là đóng bảo hiểm ít đi thôi.

Một vấn đề khác: viết một bài hay không viết một bài, đăng lên báo một thứ mình không muốn đăng hay chối từ nó? Kết quả là vẫn phải làm.

Sau một thời gian dài bơi trong mớ lùng nhùng của chọn A hay chọn B, chọn nghe lời sếp hay cãi sếp, chọn việc viết một bản tin không như mình mong muốn hay từ chối nó, thực ra ta chỉ đang chọn lựa như một con cá vàng nằm trong bể nước, xoay đâu cũng là cái thành bể.

Tại sao bạn có khái niệm về chọn hay không chọn, làm hay không làm, cắn rứt hay không cắn rứt? Mỗi lần ai đó bảo tôi phải chọn A hoặc B, thường thì tôi lật bàn, vung luôn cả A và B vô mặt họ – Vâng, nếu thích thì các bác chọn đi, tôi không chọn.

Cuộc đời của tôi không thể nào chỉ nằm giữa những chọn lựa sặc mùi ngụy biện như thế. Khi đưa ra A và B, viết và không biết, làm hợp đồng sai hay không làm, họ đã đẩy bạn vào mê cung của họ, bằng quyền lực của người đứng trên.

Họ tước khỏi bạn quyền được suy nghĩ độc lập và khiến bạn không thể chọn lựa điều cần thiết. Bằng quyền lực, kẻ ấy đẩy bạn vào xó tường, nói bạn chọn hoặc đâm đầu vào tường hoặc nghe lời họ (không phải đâm đầu vào tường). Quyền lực cần sự đồng lõa, những mưu toan cần kẻ thò thay thực hiện. Buộc một người chọn lựa, bắt họ phải đánh đổi là cách nhanh nhất khiến con đường của một người lao động bình thường nhuốm màu lầm lạc.

Nhưng không, cuộc đời làm gì có cái lý thuyết nào kỳ cục vậy. Bản thể một con người luôn có nhiều hơn hai chiều không gian và có vô vàn chọn lựa. Số phận bạn luôn có nhiều hơn A, B hoặc thậm chí C. Và bạn phải là người có quyền quyết định cách hành xử với số phận của mình, con đường của mình, chứ không phải sẽ nhắm mắt đưa chân theo A hay đâm đầu vào B, để được “cùng màu” với điều không ổn mà bạn từ chối.

Trong một cuộc trò chuyện cũ, thầy giáo tôi nói không ai có quyền lựa chọn cho ai cuộc đời, không ai có quyền nói con phải chọn cái gì hay làm cái gì. Chọn lựa là từ trái tim con. Hạnh phúc là của con. Nỗi bất hạnh cũng chỉ mình con gánh chịu.

Đừng để kẻ khác nghĩ rằng chúng có thể gieo bất hạnh cho con. Chúng không có quyền. Chỉ con mới có quyền với cuộc đời mình.

Khi ai đó tự giới hạn cho mình các giải pháp A hoặc B và chỉ được chọn một, cũng giống như người ta nói bạn hãy ra đường và viết một bài tước bỏ danh dự, bôi nhọ phẩm giá người khác. Bạn nhận làm, bạn bảo đó là công việc, bạn không có chọn lựa khác, sếp bạn bảo thế. Sau đó, bạn viết bài tước bỏ danh dự, phỉ báng nhân phẩm, bạn nghĩ nạn nhân có sự chọn lựa không? Đừng đổ lỗi cho kẻ đang cưỡi lên đầu bạn, bởi kẻ thò tay chọn lựa là chính bạn.

Nạn nhân của trang viết, tiếc thay, lại có nhiều chọn lựa hơn là A hay B. Họ quay trở lại tấn công bạn vì bạn đã tấn công họ trước. Lúc đó, thật hài hước khi nhìn bạn, chỉ vì muốn được làm A, hay phải làm B, bạn gỡ bỏ tự do của mình.

Tự do không miễn phí. Chối từ là quyền. Chọn lựa chỉ là chọn lựa, không có những đường cùng. Còn những kẻ nhân danh chọn lựa để làm điều sai trái, dù là A hay B hay thêm một ngàn cái A và B khác, cũng chỉ là những kẻ đáng khinh. Gỡ hết câu từ hoa mỹ ra, kẻ ấy chọn điều sai trái chỉ vì họ thích thế, chẳng có lý lẽ nào hơn cả.

Chọn lựa sai lầm

Trong những bữa tiệc hội ngộ bạn bè thuở cấp ba, đại học, chuyện được đem ra mổ xẻ thường là một ai đó thành công nổi bật và sau đó sẽ có những cái lắc đầu ái ngại cho một số người thất bại nổi bật. Chúng ta thường bàn tán về sự lựa chọn sai lầm, với những mệnh đề “nếu làm thế thì đâu đến nỗi”, hay “nếu cưới A thì giờ đâu phải khổ”.

Tôi lắng nghe những cụm điều kiện “nếu – thì” và tưởng tượng ra tình huống như khi viết kịch bản phim. Nhân vật nữ chính xinh đẹp, cưới chàng doanh nhân thành đạt, sẽ có tương lai thế này. Cũng nữ chính xinh đẹp, cưới chàng bạn học bình thường, sẽ có tương lai thế kia. Cụm điều kiện khiến người ta hoảng loạn, run rẩy hay đổ lỗi cho hoàn cảnh là mình kém may hơn ai đó. Khi có quá nhiều người bình phẩm, gắn nhãn cho các chọn lựa, nó bắt đầu hóa thành song sắt và chúng ta gỡ bỏ tự do suy nghĩ khỏi bản thể của mình. Một số chọn lựa được khen ngợi là khôn ngoan, vài điều kiện là đúng đắn, một số được tụng ca là “hên quá”, thành công. Vài lựa chọn bị gắn nhãn xấu xí, ngu ngốc, dại dột, kém cỏi, xui xẻo. Cứ tưởng tượng trong đời ta phải luôn chọn lựa hàng vạn lần, mà cứ phân vân đứng lựa giữa vô vàn viễn cảnh như vậy, thật khủng hoảng và áp lực đến chẳng còn muốn sống nữa.

Hơi giống trò thôi miên, chúng ta bị tước bỏ ý niệm độc lập về chọn lựa trong đời và bị kéo dụ theo những định kiến chẳng cần nguyên do. Về quê kiếm việc bị xem là kém cỏi, cưới một người bình thường thay vì một người theo đuổi giàu có thì bị cho là dại, từ chối việc làm ở tập đoàn nước ngoài bị quy chụp là yếu đuối, không dám vươn ra biển lớn. Cứ như vậy, thay vì chọn lựa và hết lòng với con đường đã chọn, chúng ta dùng dằng trước những cái nhãn định hướng cuộc đời mình. Ta chọn lựa không phải vì sự tinh tường, mong muốn hay khát vọng nữa, mà chỉ để thỏa mãn cái nhãn tên được người người nhà nhà mặc định cho. Đôi lần ta không vui lắm khi chọn nhưng nghe nói cái nhãn sang, đẹp, hứa hẹn, đầy ắp tương lai, nên nhắm mắt đưa chân.

Vậy nên tôi được nghe rất nhiều người kể họ có ưu thế vật chất nhưng không hạnh phúc, họ chọn nghề nhưng không yêu nghề, họ làm việc đó chỉ vì điều đó được xem là thành công trong mắt người thân yêu, hoặc chỉ vì vào lúc ấy tất cả mọi người đều khen ngợi chọn lựa ấy là khôn ngoan và họ chẳng thể hiểu điều khôn ngoan đó có ích lợi gì cho bản thân.

Khi phải chọn lựa điều quan trọng trong đời, ta thường xao nhãng vì quá sợ, quá bối rối, quá hoảng loạn. Như trò đánh bạc, chỉ có sấp ngửa, ta trộm nghĩ chọn sai là đời ra tro, tan nát hết cả. Nỗi sợ khiến ta gom góp đủ mọi phương án, lời khuyên, thậm chí có người chơi trò bầu chọn lấy số đông mà không hiểu nổi vì sao lại làm vậy. Ta chỉ quên tự hỏi: “Lựa chọn này sẽ dẫn mình đến đâu?”

Có người bạn của tôi từng dặn dò: “Đừng bao giờ nghĩ các ngã rẽ hay chọn lựa là xấu. Chính cách mình nghĩ nó xấu đã làm nó xấu.”

Bạn kể năm đó bạn quá bức bối vì mâu thuẫn công việc ở một công ty kiến trúc, bạn liều mình nghỉ việc mà chẳng có xu nào để dành, cũng chẳng biết nên xin việc gì mới. Ban đầu mọi việc có vẻ sai vì bạn đã ra nước ngoài làm và người thân hay soi mói vì sao bạn “thất bại” trở về.

Nhưng bạn kể lại chuỗi ngày tháng sau đó: “Nếu tôi không nghỉ việc, không có vài tháng rảnh rang, tôi đã không viết đơn xin thực tập ở phòng tranh của Ngải Vị Vị (một họa sĩ đương đại nổi tiếng của Trung Quốc). Nếu tôi không viết đơn, tôi đã chẳng bao giờ có cơ hội được làm việc miễn phí với ông suốt ba tháng trời. Nếu tôi không thực tập ở đó, tôi sẽ chẳng bao giờ bị buộc phải đọc và viết nhiều đến thế về nghệ thuật đương đại Trung Quốc. Và nếu không được học như vậy, tôi sẽ chẳng khi nào có thể viết như bây giờ.”

“Đừng nghĩ các ngã rẽ là xấu, nó chỉ là ngã rẽ, còn lại là do mình thôi.” Bạn tôi trở thành một trong những nhà văn nổi tiếng, trước đó cô ấy là một kiến trúc sư dù luôn ước mơ được viết nhưng chưa bao giờ có ý định thực hiện giấc mơ đó. Cô đã làm tất cả sau một cơn giận công việc cũ đầy bức xúc và bất ngờ.

Cô làm tôi nhận ra rằng sự chọn lựa và các ngả đường không nên được gắn nhãn. Chúng ta nên ngồi xuống bàn, bình tĩnh viết ra tất cả thuận lợi – nhược điểm của các chọn lựa. Ta cẩn trọng với bước đi của mình, nhưng ta không nên nguyền rủa khi lỡ chân bước vào một chọn lựa có vẻ là sai, tiêu cực, yếu hèn hay ngu xuẩn. Trong đời có hàng ngàn lần ta phải đứng ở ngã ba đường, nếu phải tự sỉ nhục bản thân vì chọn sai, chắc sẽ mất cả cuộc đời chỉ để làm việc sám hối.

Các ngã rẽ không xấu, chẳng có chọn lựa nào sai và rất ít người may mắn lúc nào cũng chọn đúng để dễ dàng thắng tất cả các trò chơi. Ngay cả khi đã chọn sai, ta vẫn có thể hành động để có thể đi tốt hơn trên con đường gập ghềnh đó, như tận hưởng một cuộc phiêu lưu mới mẻ.

Đừng gắn nhãn các lựa chọn là xấu hay tốt có được không, mình hứa với nhau đi!

Ta có bi quan không?

Khi mở mắt, nhìn vào đọt nắng rơi xuống, có khi nào ta thấy cuộc đời chìm trong sự mập mờ, nhập nhằng và tàn nhẫn.

Bàn tay đã trở nên trong suốt, vô dụng.

Đôi mắt đã vô cảm, nhạt nhòa.

Trái tim đập chậm rãi, nản lòng, câm lặng.

Ta tự hứa sẽ an ủi.

Ta tự hứa sẽ sinh tồn.

Ta chỉ quên mất ngày ta đã tự hứa sẽ làm cho trái tim đập mạnh mẽ, thỏa sức nhất trong bờ cõi giấc mơ. Ta chỉ quên tay mình từng rất ấm, hứa sẽ che chở cho một bàn tay khác. Ta chỉ quên đôi mắt từng hứa sẽ sắc như dao nhọn, để đón mọi ánh nhìn tàn bạo của cuộc đời này.

Ta đã quên…

Ta nghĩ gì khi đã quên?

Ta chỉ còn là vỏ ốc đậu dưới thân tàu, đếm sóng và nếm nước thấy mùi mặn.

Ta ngẩn ngơ nhìn mình trong bóng nước, kinh ngạc không tin nổi khi nhận ra hình bóng của chính mình.

Những mập mờ né tránh bất thần lên tiếng như thách thức: Ta đã đánh mất chính mình.

Từ khi đó, sự bi quan nảy mầm như loài cỏ dại bám rễ vào lồng ngực.

Không bao giờ ngừng nhiễu nhương…

Bạn

Tôi học được một điều khó khăn là tình bạn chẳng bao giờ dễ thể hiện.

Người nhậu nhẹt bù khú với mình trong những cuộc vui lớn nhất có thể là người sẽ ở ngoài hiên khi mình muốn rút vào xó nhà để chẳng cần bày tỏ điều chi hết. Người chiêu những lời khuyên qua ngụm trà dư tửu hậu có thể đã lùi vào vùng xa mờ không còn nhớ ra nổi. Người bắt tay hồ hởi nói về điều lộng lẫy cơ hồ sẽ ở xa hơn khi những tổn thương khiến mình tự cô lập. Người nhiệt tình trong những khen chê khấp khởi, những viễn cảnh lâu dài, những gắn bó xa hoa, hầu như sẽ lãng quên mất nhau trong vô số tiếng ồn đan xen của đời sống.

Bạn, người cuối cùng tôi điên cuồng tìm đến khi hoảng loạn và cô độc nhất. Bạn, chỉ nắm tay và ngồi im chờ tôi làm những điều ngu ngốc, minh triết như một nhà quan sát, dửng dưng như một kẻ mù lòa, chỉ xác lập bản thân hiện hữu – vì tôi mà ở đó.

Bạn, người chẳng có hành động gì kịch tính, người im lặng cuối cùng, nhân chứng cuối cùng, người đỡ lấy thân thể tôi khi tôi kiệt sức gục xuống.

Bạn, người sẽ nói: “Dù cậu làm gì, tớ cũng sẽ ở bên!”, chẳng màng đẩy tới, xô lui, kích động, khuyến khích hay can ngăn. Mọi chọn lựa trong đời là của tôi và bạn ở đó như một sự phản chiếu lặng lẽ và hiển nhiên.

Bạn, người đi xa ngút ngàn hàng năm tháng, khi trở về đứng bên nhau trên bờ biển, chỉ nói: “Nếu lúc nào đó đi xa thì lại đi với nhau nhé!”; người chẳng buồn làm mỏ neo níu kéo, chẳng buồn làm mái nhà đợi chờ héo mòn đầy trách cứ. Ta cứ buông nhau ra, đi khắp chân trời trong ngàn khoảnh khắc im tiếng. Ta trở về và tất cả hệt như đã từng thế – thứ tình thân không có ngôn từ.

Bạn, người một lần nhắc tôi đừng để bản thân bị đau vì thật khó mà hồi phục, xong rồi vẫn nhe răng cười bảo ừ lỡ đau khổ rồi thì thôi, về nhà tụi mình đi leo núi tiếp cho cậu hết buồn.

Bạn, người đã ôm chầm lấy tôi ngày đi xa mà nói: “Tụi mình sẽ nói chuyện tiếp nhé!” và vẫy tay rời đi. Cái ôm nhắc nhở một cam kết.

Ta chẳng cần nơi để trở về, vì bất cứ đâu bạn hiện hữu đã là một chốn trở về bình an, chẳng cần gồng lên xù gai chống trả.

Ta – một kẻ mù lòa phiêu lưu – chưa một lần biết sợ vì bàn tay bạn luôn ấm áp trên vai. Giữa tháng ngày dấy loạn, thứ mình có thể làm cho nhau chỉ là tự nhắc nhở rằng tôi và bạn vẫn thấy nhau, thấy nhau thật rõ ràng.

Buông tay và gãy đổ

Bạn bật khóc, nói: “Tôi không nghĩ mình có thể đau đến thế cậu ạ, tôi thấy tim mình như muốn vỡ ra thành từng mảnh.” Đó là cách mô tả về một tình yêu gãy đổ và tôi bất lực đến mức chẳng thể chia sẻ gì.

Chúng ta sẽ căm giận người đàn ông đã từ bỏ mình bao lâu? Mất bao lâu để không còn ghé vào con đường với quán ốc quen nơi hai đứa từng ngồi? Ta sẽ ngừng kỳ vọng vào một sự giúp đỡ dường như luôn sẵn lòng kề cận? Ta có sẵn sàng để sống tiếp mà không có một nửa của những yêu thương, săn sóc ân cần? Hay ta sẽ mất bao lâu để ngừng thù hận người con gái đã lừa dối và bước tới một chọn lựa mới – nơi không có tình yêu của hai đứa?

Ta có bi quan không?

Thứ còn lại trong đống đổ nát chỉ là CHÍNH MÌNH.

Ta học cách làm việc mà không cần ai giúp sức, đến trường không cần một dáng hình đưa đón, đi làm không cần một bờ vai nâng đỡ, chỉ bảo, vượt qua sự giận dữ, bất ổn mà không cần một bàn tay đặt lên vai an ủi. Trong phần sắp tới của cuộc đời, ta chẳng có gì ngoài đôi chân.

Ta học cách dứt bỏ những thù giận đang kéo tâm hồn mình xuống vực. Ở đó, ngừng yêu thương hóa thành hai cuộc đời riêng lẻ, chứ không phải ta sẽ cầm lon axit đến tạt vào mặt nàng cho bõ tức, hay nói xấu khiến chàng mất danh dự để trả thù.

Người yêu chẳng mất đi, dù ta có hủy hoại họ. Tình yêu chẳng bớt đau, dù ta làm thật nhiều điều tàn bạo. Trước quãng đời yêu thương nhau, ta đã từng là hai cuộc đời khác biệt, buông tay nhau chỉ là bắt đầu lại hai phần đời riêng lẻ đó. Hai lối đi riêng. Hai linh hồn sống. Hai sự trưởng thành riêng lẻ.

Ta học cách tự lành vết thương, thay vì kỳ vọng vị anh hùng nào đó xuất hiện để cứu lấy mình. Chẳng ai cứu được kẻ phiêu lưu chọn buông mình xuống vực thẳm. Chẳng ai giúp được người chọn quăng mình xuống dòng sông chảy xiết. Đau khổ là điều cuối cùng không thể sẻ chia, và ta phải tự học điều đó.

Ta học cách ngừng kỳ vọng vào tình yêu như một tượng đài lý tưởng. Ở đó, ta không phải là cả thế giới của ai đó, là nữ hoàng duy nhất hay người đàn ông tuyệt vời. Thực tế dâng lên như nước lũ khi lời tỏ tình mới buông ra từ đâu đó: “Em là tất cả cuộc đời của anh.” Ta giật mình nhận ra mình đang cười nhẹ nhõm và đặt câu nói cao trọng đó xuống bàn. Ngừng kỳ vọng để gỡ bỏ những ảo giác tiện nghi và dễ chịu, để dám sống thực, bình thản, tự chủ khi dám yêu thương thêm một lần nữa.

Ta học cách yêu thương một lần nữa với sự giản dị cuối cùng mà mình có, nơi tình yêu không nhất thiết phải là sự săn đón ồn ào của chàng trai, hét lên lời tỏ tình giữa đám đông hay đăng hàng chục tấm hình yêu thương trên mạng xã hội. Ta cũng ngừng sôi nổi trước những tuyên ngôn hoành tráng của tuổi mười bảy hồn nhiên: “Em chỉ có mình anh trong đời” hay “Anh có thể chết vì em nếu mình đứng bên vực thẳm”. Mọi tuyên ngôn đều sẽ bị bẻ gãy, mọi bữa tiệc đều tàn, đám đông ra về, hoa phai màu bên cửa sổ. Chỉ còn ta tự đối thoại với tình yêu, trong im lặng và những hành trình dài vất vả.

Khi buông tay, tôi đã sống những ngày lặng lẽ, ngắm nhìn trái tim mình bị tổn thương, nghe hơi thở nặng nhọc của từng chuyến đi trôi qua không một người đối thoại, nhìn vào trang viết trắng trơn những điều tuyệt vọng.

Tôi có sẵn sàng sống tiếp tháng ngày đầy thương tích, bật khóc trên tàu ra đảo xa, say mèm trong cuộc chuyện trò ở bến sông cùng bè bạn? Tôi có sẵn sàng viết tiếp những trang mới, nơi không có bàn tay, không có bờ vai, không có lời động viên, không có sự vỗ về an ủi?

Bạn tôi nói: “Tất cả chúng ta đều sống tiếp mà chẳng có ai trong đời. Cậu có tin không?”

Người bạn ấy đã uống cạn cùng tôi cốc rượu cuối cùng trên dòng sông Mê Kông, quả quyết như một người đơn độc nhất tôi từng gặp.

Tôi nghĩ mình không còn sợ nữa.

Kẻ lữ hành lợi dụng

Có lẽ chỉ ở những quốc gia nghèo đói từ trong tâm trí, người ta mới kinh ngạc thán phục khi một kẻ lữ hành tự hào thốt ra số tiền thực hiện chuyến đi chơi xa ít đến mức không tưởng.

Một đứa trẻ bước ra khỏi mái nhà quen thuộc vì muốn thấy thế giới rộng lớn; vì muốn đi xa hơn cha mẹ, hơn hàng xóm, hơn ngôi trường và hơn những định kiến lặp đi lặp lại suốt tuổi ấu thơ.

Người trẻ đi vì thời thanh xuân chưa nhuốm màu gió bụi, tâm hồn chưa bị cào xước. Trái tim căng ra hứng đầy những cảm xúc mới mẻ, đôi mắt mở to đón nhận những điều kỳ lạ chưa một lần nhìn thấy trong đời.

Ta có bi quan không?

Chuyến đi bắt đầu khi ta muốn nhìn thấy thế giới biến động, muốn thay đổi những cảm xúc trong cuộc sống hàng ngày tù đọng của mình.

Dần dần, con đường sẽ hóa thành những sở thích riêng biệt, nơi kẻ đi muốn tìm gặp thế giới trong chuyện trò, đắm mình trong cuộc phiêu lưu đầy bất trắc, đi tìm các ngọn núi, cánh rừng, hay đơn giản là tận hưởng mọi thiên đường mua sắm từng mơ ước đặt chân đến.

Đến một lúc, kẻ phiêu lưu mang theo con đường như một gã bạn đồng hành gắn bó. Vì thế, gọi tên bất cứ hành trình nào như một thước đo là điều không thể chấp nhận được.

Đi là phải vượt qua cung đường này. Số má là phải biết lái xuyên đêm, chừng đó dặm đường, chỉ xài hết năm triệu, đi năm ngày sáu đêm, vài trăm đô hay vài ngàn đô vài ngàn cây số. Đem số tiền “siêu ít” ra đo một hành trình là việc làm tàn nhẫn như thể ta dán cho con đường một hằng số, định danh cho gã bạn đồng hành một mã sử dụng trong chiếc thẻ ATM. Ta quên mất con đường là một hiện thực lớn hơn số tiền, số cây số, số ngày, số thời gian hay mọi thứ giới hạn nào đó.

Khán giả của những người đi đã sống quá lâu trong những giới hạn như “chỉ có vài triệu, làm sao dám đi”, hay “mỗi lần đi, lại phải mất chừng này ngàn đô”. Giới hạn yếu đuối tạo ra ảo tưởng. Nỗi sợ tạo ra các lằn ranh không ai dám bước qua. Ảo tưởng xây nên những “anh hùng”.

Và những người “DÁM ĐI” với chi phí bốn, năm triệu tưởng rằng thực hiện một chuyến đi theo cách ấy có thể khiến mình trở thành anh hùng. Đi đến một vùng đất, nhìn ngắm mọi vẻ đẹp của nó, tiếp xúc với những con người tuyệt vời, tận hưởng những điều tốt đẹp nhất, sử dụng những phúc lợi được kiến tạo chân thành bởi thế giới đó, xong phủi đít, đứng dậy ra về, tự hào vỗ ngực rằng mình không tốn một xu nào – đó chưa bao giờ là thái độ của một người đi thực sự.

Trong một cuộc trò chuyện với một kẻ lữ hành lão làng đã từng thực hiện hàng ngàn chuyến đi trong đời, ông ngồi giữa một đám bạn trẻ bên đống lửa và nói với chúng tôi: “Khi đến một vùng đất, đừng lấy tất cả mọi thứ của nó. Các bạn phải để lại cho nó một thứ gì đó. Nếu bạn không nghèo khó, hãy mua chút gì đó của người địa phương, hãy trả phí cho người ta xin ngủ nhờ. Hãy để vùng đất đó còn có thể sống, để ta có thể quay lại, để những người đi sau còn đến được nơi này. Nếu bạn xài mọi thứ miễn phí, lấy đi tất cả, chẳng để lại gì, vùng đất sẽ còn lại gì, cho ai?”

Tôi sinh trưởng trong một thời đại mà du lịch như cái mề đay xa xỉ dành cho những thanh niên mới lớn. Ở đó, bữa cơm được đặt cao hơn một chuyến đi, tấm áo tới trường cần thiết hơn ngày nghỉ cuối tuần rời thành phố. Ai cũng sợ đi xa, co cụm khi bước xuống phi trường nước ngoài, chui rúc trong những ký túc xá cô độc ở xứ người.

Ở thời đại ấy, những người biết mở miệng hỏi thông tin chuyến bay, đủ dũng cảm nai lưng đi làm kiếm tiền đi du lịch, đủ mạnh mẽ để trèo qua đống giấy tờ visa, đã là những anh hùng. Người ta khoe chuyến đi như khoe chiến công, khoe số dặm đường như số má và tận cùng nhất của sự thực dụng, khoe số tiền như những kẻ sành sỏi.

Nhưng thời đại ấy đã xa rồi. Giờ một chuyến đi cũng chẳng đắt hơn vài bữa tối cuối tuần bù khú cùng bạn bè. Vé máy bay nhiều khi còn rẻ hơn một chầu nhậu. Đi một nước trong Đông Nam Á nhiều khi còn nhanh hơn bay từ Sài Gòn ra Hà Nội. Sách hướng dẫn, kinh nghiệm chia sẻ đầy ắp các diễn đàn. Mọi thứ đều dễ dàng hơn cho tất cả những ai muốn biến con đường thành bè bạn. Vậy tại sao vẫn có những kẻ cuồng điên vỗ ngực tự xưng là anh hùng? Tại sao những chuyến đi vẫn nhuốm màu “chinh phạt” bằng chuyến leo đèo ban đêm bi kịch gây tai nạn, bằng cuộc đua kịp giờ kỷ lục đầy dại dột năm nào, cùng các sự vụ thảm khốc, hay khoe nhau số tiền “siêu rẻ”, “siêu ít”, “siêu khôn” trên đường? Họ sẽ để lại gì cho con đường sau những cuộc chinh phạt hung hãn đến nhường ấy?

Trong chuyến đi cuối mùa mưa cùng cậu bạn người Nga, bạn kể với tôi: “Ba năm ở châu Á, tôi đã đi hết Đông Nam Á bằng cách vẫy xe đi nhờ trên đường. Đó không chỉ là cách để không rơi vào những chiếc “bẫy” du lịch được sắp đặt sẵn như điều du khách phương Tây mong muốn, mà còn được gặp gỡ cuộc sống thật của người địa phương. Nhưng tôi luôn tính sẵn một khoản tiền để chia sẻ tiền xăng với người cho đi nhờ. Tôi sẽ hỏi trả tiền ở nơi xuống xe và tùy họ có lấy hay không. Thay vì ngồi im trên xe bus mười hai tiếng đồng hồ, tôi có thể nói chuyện với một tài xế tử tế nào đó nếu ông ấy biết tiếng Anh. Thế là đã được rất nhiều rồi.”

Đã đến lúc chúng ta ngừng nói về cách “lợi dụng” con đường mà hãy ứng xử với nó như một người bạn trung thành sẽ theo ta trong suốt những năm tháng dài của tuổi trẻ đầy mơ ước.

Hành trình lộng lẫy, giấc mơ tuổi trẻ hồn nhiên, sự sôi động của đời sống bản địa hay những cung bậc mà ta không bao giờ có được trong cuộc đời hàng ngày bình lặng, tất cả đều xứng đáng với tuổi trẻ của mình.

Nhưng đừng bao giờ là một kẻ lữ hành lợi dụng!

Sợ không ai ngắm nhìn

Ba cô gái trẻ đã đứng với nhau gần mười phút trước tòa thành xinh đẹp, đã chụp có lẽ là hàng chục tấm ảnh selfi e, tư thế giống với hàng triệu bức ảnh selfi e khác vẫn được tung lên mạng xã hội mỗi ngày như cách các cô thường làm. Tôi tự hỏi họ đã dành bao nhiêu thời gian để ngắm nhìn tòa thành ấy đón chỉ vài chục phút bình minh quý giá.

Chưa bao giờ con người thể hiện mình đói khát ánh nhìn và sự chú ý đến thế. Những bức ảnh với chủ đề duy nhất là bản thân người chụp sẽ có tác dụng gì? Chúng không ghi dấu kỷ niệm, không tiết lộ cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc, không đánh dấu một cảnh tượng kỳ vĩ mà nhân vật được có mặt. Nó thuần túy được tạo ra theo kiểu bà mẹ kế – mụ phù thủy trong chuyện Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn soi gương và hỏi: “Thế gian ai đẹp được dường như ta?”

Những tuyệt tác công nghệ với camera trước đã trả lời câu hỏi ấy như một lời nguyền:

Ta – đẹp nhất – duy nhất – chiếm hữu – là tất cả.

Sự nhiệt tình với các bức ảnh selfi e quá đáng đến nỗi trong hàng ngàn du khách trước một thắng cảnh, ta chỉ thấy mọi người đang trầm trồ ngắm nghía chính bản thân mình. Như một bức ảnh từng chụp trên Vạn lý trường thành, hàng trăm người cầm gậy selfi e giơ lên cao, mỉm cười tụng ca chính vẻ đẹp của mình. Trên Instagram, một cặp đôi hôn nhau say đắm, nhưng chàng trai vẫn đang cầm máy ảnh chụp selfi e và đăng lên mạng để nhận lời tụng ca. Một cô gái cầm tờ tiền để vào chiếc nón của bà lão ăn xin khốn khổ, vẫn kịp chụp bức ảnh selfi e và viết nhiều dòng sâu sắc về cảnh tượng cảm động.

Không còn ai lặng đi vì cảnh đẹp. Không còn ánh mắt chiêm ngưỡng sự hùng vĩ. Nụ hôn trở nên xao nhãng khi bàn tay bận canh góc máy ảnh và bấm máy. Sự toan tính bắt đầu từ lúc tờ tiền được đặt vào tay kẻ ăn mày. Không còn chút xúc cảm trong veo trào dâng như cái thời hiếm hoi lắm mới có được chiếc máy ảnh, còn phải dành hàng giờ để ngắm nhìn vẻ đẹp trước khi kiên định bấm máy.

Phù phiếm và nhạt nhòa, khung cảnh trở lại đúng vai trò nguyên thủy của nó, như phông nền cẩu thả trong bức chân dung vị quý tộc mà họa sĩ thời xưa thể hiện, chỉ nhằm tôn vinh thần thái tỉ mỉ và cầu kỳ của nhân vật. Thật là một lời quả quyết hung hãn:

TA LÀ CẢ THẾ GIỚI.

Tấm ảnh selfi e đã tạo ra một hố đen sâu thẳm mới, nơi người ta mù lòa trước toàn bộ khung cảnh chung quanh. Mù lòa trước cái đẹp. Mù lòa trước thiên nhiên. Mù lòa trước dao động tinh vi của hơi thở và sự cựa mình của các giống loài khác. Trung tâm của vũ trụ đọng lại trong một tấm gương soi mà mụ phù thủy bứt rứt dằn vặt: “Ai đẹp được dường như ta?”

Tôi từng lặng người đi khi tìm kiếm ảnh cũ của một người bạn trên tài khoản mạng xã hội của mình khi người bạn ấy qua đời. Bạn xuất hiện đâu đó xa xa trong hậu cảnh bị che chắn hung hãn bởi cái mặt đang cười phớ lớ của tôi. Bạn đang mải đưa tay chụp một chùm bong bóng khi đám bạn bè cùng cười trước tấm ảnh selfi e tập thể – trào lưu một thời khi có những máy ảnh gắn camera trước góc rộng.

Không có ảnh nào rõ mặt bạn trong vùng dữ liệu của tôi và nhóm bạn bè. Chúng tôi đã đăng tải hàng ngàn tấm ảnh của mình, đẹp lộng lẫy khi đi tiệc, cười tươi rói khi vui đùa, ngộ nghĩnh với trò trang điểm trẻ con. Chúng tôi không thấy ai ngoài bản thân, như thể cả vũ trụ đang trầm trồ ngắm nhìn mình, và tự chúng tôi cũng đang say đắm nhìn vào tấm gương kỳ quặc đó, vô minh không phát hiện ra còn ai đó trong hậu cảnh. Chẳng có khoảnh khắc nào không chuẩn bị cầu kỳ cho tấm ảnh xinh đẹp mà là quay ra để chuyện trò hay cười cùng bạn, hay chụp một tấm ảnh có bạn.

Sự mù lòa của thời đại có chiếc camera trước là ta thâu tóm trong tầm mắt tất cả những thứ sau lưng mình nhưng lại chẳng nhìn thấy gì ngoài bản thân. Ta ngắm nhìn cả thế giới trong lòng bàn tay nhưng lại chỉ cường điệu ánh mắt, góc cạnh gương mặt, cái chu môi, bộ tóc đẹp của chính mình. Ta đủ sức để ghi lại hàng vạn hình ảnh nhưng tất cả chỉ là vô vàn dữ liệu bội thực của gương mặt với vài sắc thái biểu cảm lặp đi lặp lại trong phối cảnh khác nhau nhưng không chút gì mới mẻ.

Không phải công nghệ nhấn chìm nhân tính con người mà bản thân mỗi con người, giờ đây say đắm bản thân hơn bất cứ thứ gì bên ngoài cái màn hình nhỏ xíu. Ta đói khát những con số like, share, những tiếng chuông báo vang lên như vỗ tay khen ngợi nồng nhiệt. Đằng sau màn hình, sau những tấm ảnh selfi e bắt mắt xuất hiện hàng vạn lần trên mạng xã hội là chiếc mặt nạ ngày càng dày hơn, đói khát hơn, vô hồn hơn, khuôn mẫu hơn và… cô đơn hơn.

Ta chẳng còn thấy cảnh đẹp, chẳng còn thấy bạn bè, chẳng còn nhiệt tình để ai khác xuất hiện trong khung hình ngoài bản thân và ai đó có khả năng trang trí cho địa vị của mình.

Đó chỉ là một sự trống rỗng khôn cùng khi mất đi ánh nhìn.

Im lặng như một lời chia tay

“Tôi không biết mình đã làm gì sai, tại sao anh ấy lại chia tay không nói một lời? Anh ấy chỉ gửi một tin nhắn qua điện thoại và chẳng buồn gặp lại tôi nữa.”

Đoạn thoại trên nghe kịch tính như trong một bộ phim điện ảnh, nhưng đó là câu nói tôi đã được nghe trực tiếp từ bạn mình. Cô ấy khóc rất nhiều, không ngừng hỏi chính mình đã làm gì sai. Chia tay bằng cách im lặng, chỉ vứt lại một đoạn tin nhắn là kịch bản dễ dàng mà rất nhiều người thực hiện.

Người ta không đủ can đảm để nói thẳng trước mặt người yêu khi kết thúc mối quan hệ?

Thật vô lý khi chúng ta phải mất rất nhiều thời gian kết bạn, cưa cẩm, tạo ấn tượng, nói lời xinh đẹp, tặng quà, gây bất ngờ để nhận được cái gật đầu quyến luyến của người mình yêu. Vậy mà khi kết thúc mối quan hệ rất mất công sức và thời gian đó, có người lại dễ dãi đến mức chỉ cần gõ một tin nhắn vài chục ký tự để gói ghém và đặt dấu chấm hết cho tất cả, dù chẳng đến mức thù địch, căm giận người kia.

Hay họ muốn mọi mối tình đều chẳng có ranh giới, luôn có thể kết thúc, luôn có thể quay lại?

Có kẻ bắt đầu một tình yêu mới nhưng không bao giờ đặt dấu chấm hết cho (các) tình yêu cũ, loại người này tệ hại hơn loại trên vì họ không có dù chỉ một tin nhắn để tuyên bố kết thúc một quãng thời gian dài yêu thương dày công tạo dựng. Họ muốn mọi mối tình đều mở sẵn cửa chờ họ về. Họ muốn tất cả đều mập mờ giữa yêu đương – chia tay – tái hợp. Bất cứ lúc nào, họ cũng có thể “ban ơn” cho người yêu cũ, kiểu “đột nhiên anh thấy nhớ em”, “đột nhiên anh muốn đi uống trà sữa và nắm tay em”, rồi họ luồn lách quay trở lại với cô gái ấy. Họ quên mình đã từng “bốc hơi” không để lại dấu vết để nắm tay một người mới. Họ quên mất cô gái đã dằn vặt khôn nguôi, tự đi tìm “lỗi sai” của bản thân để lý giải cho sự đổ vỡ đó. Kẻ ấy đơn giản là chưa bao giờ nghiêm túc với cô gái, dù cô có tự đổ lỗi cho mình bao nhiêu chăng nữa.

Có khi người ta im lặng để chẳng cần phải dọn dẹp vũng lầy?

Cần gì phải đặt một dấu chấm, cần gì phải dọn dẹp một mối tình đã rơi vào rối ren, lầy lội. Ưu điểm của một cuộc chia tay trong im lặng là kẻ thực hiện nó chỉ cần phủi mông đứng dậy, để mặc người còn lại dọn dẹp đống đổ nát tinh thần do họ gây ra, từ việc tự đau khổ, tự hờn giận, tự trách mình, tự vỗ về trấn an, tự nguôi ngoai, sau đó chưa kịp bắt đầu một ngày mới thì kẻ ra đi quay lại, gãi đầu cười thảo mai, nói những lời sâu sắc kiểu: “Anh muốn im lặng một thời gian để lắng nghe trái tim mình”, hoặc “Anh quá bối rối với tương lai nên im lặng chứ không có ý gì”.

Một người bạn của tôi từng kể, anh có một cô người yêu, cô ấy nói: “Em rất hay im lặng, anh nên chấp nhận điều đó!” Rồi bỗng một ngày, nàng im lặng và thơi thới bỏ đi, kệ chàng đau khổ vật lộn tự hỏi mình đã làm gì sai, vì sao mình mất em. Nàng thì vẫn vui vẻ đăng ảnh lên Facebook, đi chơi cùng bạn bè, nàng chỉ đơn giản là thích im lặng để kết thúc một mối quan hệ, chẳng cần chút nỗ lực hay can đảm nào hết.

Tôi thường vẽ chân dung những kẻ dùng sự im lặng để chia tay là bọn hèn hạ. Mối quan hệ này rất giống với một hợp đồng làm ăn, ngày ký hợp đồng thì đon đả tiệc tùng, tới lúc thanh toán tiền thì đối tác lượn mất vào hư không, bỏ lại mình với đống nợ trên tay. Cảm giác đó hệt như bị lừa và mình phải tự dọn dẹp đống đổ nát mà chẳng hiểu vì sao.

Khi bắt đầu yêu, tất cả chúng ta đều đầu tư, coi sóc, chăm chút cho tình cảm và người yêu như đóa hồng thủy tinh. Vậy tại sao khi kết thúc tình yêu đó, lại có kẻ lén lút vứt hoa hồng qua cửa sổ rồi im im nhếch mép cười bỏ đi?

Im lặng như một lời chia tay chẳng bao giờ là thái độ trưởng thành, tôn trọng người yêu thương và quá khứ từng có với họ. Đó chỉ là lẳng lặng đi ra bãi rác, trút bỏ một thứ mình chẳng thèm và chẳng cần dính chân vào làm gì. Ta chẳng quan tâm xem người ta từng yêu sẽ đau khổ bao lâu vì hành động đó.

Làm gì có người trưởng thành nào lại làm như vậy!

Chỗ trú thân cho người đọc

Sau một hồi nói chuyện linh tinh, Huy quay qua hỏi tôi: “Chị à, em muốn tìm một nơi để đọc sách mà không biết ở đâu!”

Câu hỏi này của Huy dễ trả lời vô cùng, nếu em cùng “tầng lớp” với những học trò tôi đang dạy. Nhưng em nào phải sinh viên mà có thể vào thư viện trường đại học. Người bình thường có thể làm thẻ vào thư viện khoa học tổng hợp ngồi đọc sách. Nhà nghiên cứu có các viện nghiên cứu và nguồn tài liệu chuyên ngành liên quan. Nhưng Huy là một chàng trai hai mươi mốt tuổi đã bỏ học từ năm lớp Chín vì nhà nghèo và phải làm ở quán ăn từ năm giờ sáng đến sáu giờ chiều. Em “không đủ điều kiện” để bước vào thư viện.

Khi em tan ca, cái thư viện phổ thông và dễ đến nhất thành phố cũng đã tới giờ đóng cửa. Viện nghiên cứu tất nhiên không dành cho em.

Một thành phố 8,2 triệu dân với chưa đến mười thư viện công cộng và hai mươi tư thư viện quận/ huyện(vốn chẳng nhiều nhặn sách vở gì) là nơi cho những người bình thường, không học vị, không là sinh viên có thể bước chân vào, nghĩa là gần 250.000 người/thư viện.

Giờ giấc làm việc của tất cả các thư viện không dành cho nhóm người này. Thư viện phổ thông đóng cửa vào lúc năm giờ chiều hoặc bảy giờ tối, sập cánh cửa trước bất kỳ người lao động nào muốn ngấp nghé nhìn thấy sách vở.

Thư viện ở các trường đại học thì không có chỗ cho người đọc bình dân sau giờ làm việc. Thư viện quận, huyện, phường, tài liệu thường không cập nhật và đóng cửa rất sớm, hoặc mở cửa tùy thích ở nhiều nơi.

Vậy những người lao động trẻ sẽ đi đâu nếu như họ muốn bước lên một nấc thang cao hơn trong cuộc đời lao động chân tay lầm lũi với thu nhập cực thấp hiện thời? Huy sẽ tìm đâu ra một lựa chọn khác trong đời nếu như việc dễ dàng và đơn giản nhất là tìm cái gì đọc giải trí sau giờ làm việc cũng không dành cho em?

Trong những khu công nghiệp mà hàng chục ngàn lao động phổ thông làm việc ở Bình Chánh, Bình Dương, Đồng Nai, Tân Thuận… không hề có một hệ thống phòng đọc phục vụ người lao động lem luốc sau giờ làm việc.

Cứ ai hỏi, mấy cô công nhân lại nói nếu có dư báo màu, tạp chí thì cho họ xin, tối về đọc cho đỡ buồn, chứ bỏ tiền mua đúng giá bìa thì họ không dám.

Có mùa Tết, một nửa số quà mà những người làm từ thiện đem đến các khu trọ công nhân nghèo là tạp chí Tết, tạp chí phụ nữ từ năm trước. Trong những khu lao động nghèo, mấy bà mấy chị chuyền tay nhau đọc đến nhàu nát một quyển sách dạy nuôi con, tâm sự gia đình đã in từ mấy năm trước.

Không có bất cứ một không gian nào để nuôi dưỡng tâm hồn những đứa trẻ đang mưu sinh vất vả hay gợi nhắc cho chúng về một giấc mơ nằm ngoài tầm với mà chúng thường thèm khát khi nhìn qua cánh cổng nhà trường. Không gian đọc từ chối người lao động, không cho họ cơ hội tiếp cận với tạp chí, báo, sách hay bất cứ phương tiện nào có thể cải thiện tư duy, đào bới và tìm kiếm những trải nghiệm mới, ít nhất là để thay đổi phương thức làm việc quá đơn giản và lạc hậu của họ.

Đáng buồn hơn, rất nhiều phòng đọc công cộng đóng cửa hoặc mở cửa ít giờ hơn vào hai ngày cuối tuần – thời gian rảnh rỗi duy nhất mà nhiều người có thể dành ra để đọc sách.

Tôi đã nghe rất nhiều người than phiền về chuyện người Việt Nam lười đọc, công nhân Việt Nam trình độ mãi chẳng tiến lên hay người nghèo thành thị ở Việt Nam chẳng bao giờ rờ mó tới sách. Nhưng câu hỏi của Huy là một chất vấn lật ngược tất cả những luận điệu cao sang và kẻ cả ấy.

Số tiền người công nhân làm ra không đủ để họ dám mua một tờ tạp chí hay một quyển sách. Thời gian rảnh mà những người lao động như Huy có là giờ thư viện đã đóng cửa, quay lưng với em. Không gian thư viện tưởng như miễn phí và bình đẳng với mọi người lại chỉ bình đẳng với những đứa rảnh rỗi và thừa thời gian đi chơi như tôi, chứ chẳng bao giờ độ lượng với những thanh niên phải cắm đầu lao động trên phố cả ngày.

Câu hỏi của Huy làm tôi nhớ đến một bài diễn văn mà ông Lý Quang Diệu từng đọc khi khai trương thư viện công cộng Queenstown vào năm 1970. Bài diễn văn có đoạn: “Đầu tiên, chúng (các thư viện) giúp tiếp cận dễ dàng hơn với các loại sách mà hầu hết mọi người không đủ tiền mua. Tiếp theo, chúng là các thánh đường của sự bình yên và yên tĩnh, nơi người ta có thể tập trung và làm việc tốt hơn, đặc biệt khi có những người hàng xóm thiếu suy nghĩ.”

Trong đó, ông cũng viết về những người hàng xóm ồn ào, mở ti vi, chơi mạt chược, mở dàn loa hi-fi như một lý do cần phải có thư viện công cộng, một nơi sẵn sàng chào đón người dân, để bất cứ ai cần tập trung có thể tìm đến, để học, để thực hiện mọi ý tưởng họ ấp ủ trong không gian tĩnh lặng của sách.

Và đúng như ông nói ở đầu bài diễn văn đó: “Một trong những dấu hiệu của một xã hội có giáo dục là số lượng sách người dân đọc. Chúng ta đã có hệ thống giáo dục phổ thông hơn một thập niên qua. Ngày nay chúng ta đã có một xã hội biết chữ. Nhưng một xã hội biết chữ không hẳn là một xã hội có giáo dục. Một phép thử cho người có giáo dục là khả năng tiếp tục đọc và học tập trong suốt cuộc đời.”

Tôi không biết mình sẽ trả lời Huy thế nào và cũng chẳng biết những người lao động bao giờ sẽ biết yêu sách, trong một xã hội mà hễ cứ mở lời nói về sách, mọi người lại than phiền toàn dân lười đọc quá mà chẳng ai chịu hiểu là chưa bao giờ có một chỗ để những người lam lũ ngồi đọc trong một giờ rảnh rỗi hiếm hoi và xa xỉ mà họ có được.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button