Tiểu thuyết - ngôn tình

Này, Buông Cô Ấy Ra!

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Ức Cẩm

Download sách Này, Buông Cô Ấy Ra ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : TIỂU THUYẾT

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Diệp Sơ là một cô bé ngoan không chê vào đâu được, chỉ mỗi tội hơi thừa cân.

Vệ Bắc là một cậu bé hư chẳng khen vào đâu được, chỉ được mỗi cái đẹp trai.

Khi cô bé ngoan gặp cậu bé hư…

Một cậu con trai xấu xa lúc nào cũng bắt nạt bạn, đặt biệt dành cho bạn, bắt cào cào thả vào cặp sách của bạn.

Chỉ bởi vì…

Cậu ấy muốn được ở bên bạn mà thôi!

ĐỌC THỬ

CHƯƠNG 1

Diệp Sơ chào đời đúng vào ngày lập xuân.

Có câu: “Một năm bắt đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”. Bởi mùa xuân là thuở ban sơ, là lúc muôn loài sinh sôi nảy nở, thế nên mẹ Diệp Sơ mới đặt cho cô cái tên này.1

“Sơ” trong tiếng Hán nghĩa là thuở ban đầu, sự khởi đầu.

Diệp Sơ ra đời yên ắng, êm ả vô cùng. Đến mức nào nhỉ? Nói như mẹ Lưu Mĩ Lệ của cô thì: “Chỉ cần hơi lơ đãng một chút thôi là đã thấy con chui ra rồi, mẹ còn chưa kịp kêu tiếng nào”.

Ở quê họ, mọi người quan niệm rằng lúc chào đời, trẻ càng khóc to thì càng dễ nuôi. Không biết quan niệm ấy có thật hay không mà trùng hợp thay, ngày Diệp Tử Sơ khó nuôi vô cùng. Vừa mới sinh ra, cô đã ốm lên ốm xuống, ngày nào bà nội cũng phải cuống cuồng bế cô vào bệnh viện.

Cô vào viện nhiều đến nỗi các y tá đều nhẵn mặt. Nếu vài ngày không thấy cô xuất hiện, kiểu gì họ cũng ca cẩm: “Ô, sao mấy hôm nay không thấy Diệp Tử đến nhỉ? Nhớ con bé ghê cơ!”.

Đấy các bạn xem, đây là lời một y tá bệnh viện nên nói sao?

Nhưng người nhà Diệp Sơ chẳng ai để bụng. Họ đều là những người hiền lành, không nhỏ nhen toan tính. Dù buồn hay vui thì cuộc sống vẫn cứ thế trôi đi, chi bằng hãy sống vô tư cho dễ chịu.

Diệp Sơ từng coi bệnh viện là nhà như thế. Cho đến năm lên ba, một lần nọ, cô bị dị ứng do truyền Penicillin2 quá liều.

2 Penicillin là một trong một nhóm kháng sinh thu được từ nấm Penicillium. Penicillin sát trùng bằng cách tiêu diệt vi khuẩn và hạn chế sự sinh trưởng của chúng.

Lúc đó, gia đình cô không mấy khá giả. Nếu không dùng được Penicillin thì có thể đổi sang dùng thuốc khác, nhưng chi phí sẽ đắt đỏ hơn nhiều. Bố mẹ và ông bà Diệp Sơ của vô cùng lo lắng, sợ rằng nếu bệnh tình của cô không thuyên giảm, cả nhà sẽ lâm vào khủng hoảng kinh tế mất.

Kể cũng lạ, ngay ngày thứ hai, sau khi suy nghĩ “khủng hoảng kinh tế” kia xuất hiện, Diệp Sơ không cần tới viện nữa.

Qua ngày thứ ba, thứ tư… rồi tận một tháng sau, Diệp Sơ vẫn không hề ốm thêm lần nào nữa, đến mức bà nội cô lại bắt đầu sốt ruột: Chẳng lẽ cháu mình ốm đến nỗi không kêu nổi thành lời?

Cả nhà buồn rười rượi, kẻ khóc lóc sụt sùi, người mặt ủ mày chau, suốt đêm bế Diệp Sơ đi bệnh viện. Đến nơi, cũng không ai trình bày cô đau ốm ra làm sao, để mặc cho bệnh viện kiểm tra tổng quát từng li từng tí. Cuối cùng bác sĩ đưa ra kết luận: “Già trẻ lớn bé nhà này định đùa giỡn với bệnh viện phải không? Đứa bé này hoàn toàn khoẻ mạnh, chẳng qua vì được gia đình các vị tẩm bổ quá mức nên cháu nó hơi thừa cân thôi”.

Thế là từ đó trở đi, Diệp Sơ đeo thêm cái biệt danh “Diệp Thừa Cân”.

Diệp Thừa Cân có tật không nhớ nổi mặt người, lên ba rồi mà vẫn gọi bà hàng xóm là mẹ, gọi chú bưu tá đưa báo hằng ngày là bố, khiến mẹ cô bé vô cùng buồn bực: Sao mình lại sinh ra một đứa con gái ngay cả bố mẹ cũng nhận nhầm thế này?

Có điều cái tật này của Diệp Thừa Cân cũng không hoàn toàn xấu. Ít nhất thì cô bé vẫn được cô Vương hàng xóm – người “được” gọi nhầm là mẹ kia – cực kỳ yêu quý.

Cô Vương luôn ước ao có được một đứa con gái. Ba mươi tuổi cô ấy mới có thai, thế mà lại sinh ra một thằng cu. Cô ấy tức đến nỗi suýt nữa lấy kéo cắt phăng “thằng cu” cho biến thành con gái.

Nào ngờ bé gái mũm mĩm trắng trẻo nhà hàng xóm vừa gặp mặt liền gọi mình là mẹ khiến cô Vương phấn khởi lắm, còn âm thầm suy tính đến việc sau này phải cưới bằng được cô về làm con dâu.

Thế là trước năm bảy tuổi, Diệp Sơ đã có một cậu bạn trai thanh mai trúc mã bé bỏng. Đó chính là con trai cô Vương nhà hàng xóm – Thẩm Nam Thành.

Tuy từ nhỏ Thẩm Nam Thành đã là tên đầu gấu nhóc con nổi danh khắp thị trấn, nhưng cậu chàng lại rất vâng lời mẹ. Bị mẹ mình ngấm ngầm tiêm nhiễm giáo hoá, cậu thực sự đã coi Diệp Sơ là vợ tương lai của mình.

Trước năm bảy tuổi, những đứa trẻ láng giềng nếu dám cười nhạo Diệp Sơ là béo, đều bị Thẩm Nam Thành đánh cho một trận nên thân.

Hậu quả trực tiếp của chuyện này chính là khiến Diệp Sơ từ nhỏ đã không có bạn. Bởi vì tất cả những đứa trẻ xung quanh đều sợ cô, chỉ lo lỡ miệng nói sai câu gì đó sẽ bị Thẩm Nam Thành đuổi theo, đánh dập mông.

Không có bạn bè, Diệp Sơ đành phải chơi với Thẩm Nam Thành. Nhưng chơi cái gì đây? Dĩ nhiên là tất cả trẻ con đều thích chơi trò gia đình.

Diệp Sơ đóng vai mẹ, Thẩm Nam Thành đóng vai bố, chú chó Tiểu Hoàng nhà Thẩm Nam Thành vào vai con.

Sau này, một ngày nào đó, nếu Diệp Sơ thực sự sinh con trai, để nó biết được trên mình còn có một người “anh trai” là chó, chắc sẽ đập đầu vào đậu phụ tự tử mất.

Đừng trông thấy Thẩm Nam Thành ra đường hung hăng đánh đấm, về đến nhà cậu ngoan ngoãn như một chú thỏ con, bị bố đánh cũng không dám kêu nửa chữ.

Vừa nghe Diệp Sơ bảo mình đóng vai bố, mặt mũi cậu đã đỏ dừ, thâm tâm càng thêm xác định cô sẽ là bà xã tương lai của mình.

Mấy cậu nhóc ấy mà, cái gì cũng coi là thật.

Diệp Sơ không nhớ được cái tên Thẩm Nam Thành, nên mỗi khi gặp nhau cô thường gọi cậu là A Bảo.

Cái tên A Bảo này bắt nguồn từ một chương trình truyền hình địa phương – nơi Diệp Sơ và Thẩm Nam Thành sinh sống. Lúc ấy trên ti vi có một chuyên mục nấu ăn rất được yêu thích với người dẫn chương trình tròn trịa, tài nấu ăn cực kì xuất sắc. Đây cũng là cái tên mà Diệp Sơ nhớ rõ nhất, bởi thế, mỗi khi không nhớ được tên ai đó, cô bèn gọi người ta là A Bảo.

Nhưng Thẩm Nam Thành chẳng hề hay biết, cậu cứ tưởng đó là biệt danh Diệp Sơ đặt riêng cho mình, nên mỗi lần nghe Diệp Sơ gọi “A Bảo”, cậu luôn hớn hở đáp lời.

Thật ra cậu không hề hay biết, đến cả con chó nhà cậu, Diệp Sơ cũng gọi là A Bảo.

Đây cũng là thắc mắc mà hồi ấy Diệp Sơ không tài nào giải thích nổi. Tại sao cứ mỗi lần cô gọi chú chó kia, lại thấy người tung tăng chạy tới? Dĩ nhiên, những chuyện này đều chỉ là râu ria ngoài lề mà thôi.

Thấy con trai mình có một cô bạn gái bé bỏng, mẹ Thẩm Nam Thành vui lắm, chỉ tiếc là ngày vui ngắn chẳng tày gang.

Năm Thẩm Nam Thành bảy tuổi, nhà cậu bỗng nhận được một bức thư từ Mĩ gửi về. Đó là một tập giấy dày cộp, bên trên đề cả tiếng Trung lẫn tiếng Anh.

Bức thư ấy của ông trẻ của Thẩm Nam Thành – người đi nhập ngũ từ thời thanh niên, vốn tưởng đã bỏ mạng sa trường.

Năm xưa ông rời khỏi Trung Quốc khi còn rất trẻ, rồi lưu lạc sang Mĩ gây dựng sự nghiệp. Nay tuổi tác đã cao, lại không có con cháu nối dõi, ông tìm hiểu bằng nhiều cách mới biết mình vẫn còn người thân đang sinh sống trong nước, ông hi vọng cả nhà sẽ dọn sang Mĩ sống cùng với mình. Ông hứa sẽ đảm bảo cho con cháu được hưởng điều kiện giáo dục tốt nhất.

Xin được giới thiệu thêm rằng, khi đó ở Trung Quốc đang thịnh hành xu hướng “Ở bên đó vầng trăng cũng tròn hơn”. Với quan niệm ấy, người người mong xuất ngoại, nhà nhà mong xuất ngoại để mở rộng tầm mắt và tri thức, huống hồ đây còn là cơ hội nhập cư cho cả gia đình.

Sau một thời gian suy tính kĩ càng, giữa cô “con dâu” và việc di cư, mẹ Thẩm Nam Thành đã quyết định dứt áo ra đi.

Nhờ “quan hệ” mà chưa đầy ba tháng, ông trẻ ở đất nước Mĩ xa xôi đã giúp họ hoàn tất mọi thủ tục giấy tờ cần thiết cho việc nhập cư. Ba tháng sau, Thẩm Nam Thành theo mẹ bước lên máy bay, thẳng tiến tới đất nước theo chủ nghĩa đế quốc kia.

Trước khi đi, Thẩm Nam Thành mếu máo khóc, nằng nặc đòi mẹ dắt Diệp Sơ theo.

Mẹ cậu thấy khó xử quá, nước Mĩ đâu phải chợ bán thức ăn, có phải muốn đi là đi được đâu. Đừng nói là dẫn theo một người nữa, đến cả chú chó Tiểu Hoàng mà nhà họ đã nuôi bao năm cũng không được đưa lên máy bay nữa là.

Mẹ cậu nghĩ mãi rồi bảo: “Thế này đi, con để Tiểu Hoàng ở lại đây bầu bạn với Diệp Tử, khi nào chúng ta ổn định ở bên đó, sẽ đón Diệp Tử và Tiểu Hoàng sang sống cùng”.

Tất nhiên mẹ cậu chỉ nói mấy câu chiếu lệ vậy thôi, thế mà Thẩm Nam Thành lại tin là thật. Cậu về nhà tắm rửa sạch sẽ cho Tiểu Hoàng, thắt cho nó một cái nơ bươm bướm lên cổ rồi đến đúng ngày đi, cậu dắt nó sang nhà họ Diệp.

“Diệp Tử ơi, tớ để Tiểu Hoàng ở lại đây với cậu nhé. Mẹ tớ bảo, giờ này sang năm sẽ cho máy bay đến đón cậu và Tiểu Hoàng.”

Diệp Sơ nhìn con chó một hồi rồi lại quay sang nhìn Thẩm Nam Thành, thắc mắc: “Có thật là máy bay lớn thế vẫn bay được lên trời không?”.

“Tất nhiên rồi! Đến lúc ấy, cậu và tiểu Hoàng sẽ ngồi trên máy bay, vèo một cái là đến được nước Mĩ thôi.”

“Đến nước Mĩ để làm gì?”

Thẩm Nam Thành đỏ mặt, “Đến nước Mĩ… để… để chúng mình được sống bên nhau…”.

“Tớ cũng có nhà để ở mà.”

“Đó… Đó là chuyện khác…” “Khác chỗ nào cơ?”

“Khác ở chỗ…” Thẩm Nam Thành lúng túng như gà mắc tóc, nói không nên lời, nghĩ mãi cậu mới thỏ thẻ: “Mẹ tớ bảo ở Mĩ người ta phủ dâu tây lên kem đấy”.

Dâu tây ư? Vừa nhắc đến ăn là mắt Diệp Sơ đã ngời sáng. Cô gật đầu, đáp rất nghiêm túc: “Vậy cậu nhớ phải quay lại đón tớ đấy nhé!”.

“Được, tớ hứa!” Thẩm Thành Nam cười tít mắt, lòng ngọt ngào như vừa được ăn kẹo vậy.

Thế rồi chiếc xe đón gia đình cậu cũng đến, mẹ kéo cậu lên xe.

“Tạm biệt, đừng quên lời hứa của chúng mình đấy!” Ngồi trên ghế sau, Thẩm Nam Thành ra sức vẫy tay.

Diệp Sơ dẫn theo Tiểu Hoàng đứng ngoài cổng, cũng vẫy theo, “Tạm biệt nhé… A Bảo!”.

Khoảnh khắc ấy, cậu suýt bật khóc, nhìn Tiểu Hoàng phủ phục bên cạnh Diệp Sơ, cậu nhủ thầm: Con à, mẹ sẽ chăm sóc cho con thật tốt.

Năm ấy, Diệp Sơ sáu tuổi lẻ tám tháng, vẫn không nhớ được tên của bất cứ ai, gặp người nào cũng gọi là A Bảo.

CHƯƠNG 2

Thẩm Nam Thành đi chưa được bao lâu đã có hàng xóm mới chuyển đến sống cạnh nhà Diệp Sơ. Gia đình ấy họ Vệ. Chủ hộ tên là Vệ Đông Hải, làm việc tại một cơ quan nhà nước trong thị trấn, nghe nói là một trợ lí nhỏ dưới quyền Phó Chủ tịch huyện. Vợ chủ hộ họ Tần, là giáo viên dạy văn ở trường cấp ba của thị trấn. Vợ chồng nhà đó cũng được coi là dòng dõi trí thức thư hương.

Nhà họ Vệ có một cậu con trai cùng tuổi với Diệp Sơ, tên Vệ Bắc. Cậu đẹp trai vô cùng, Lưu Mĩ Lệ vừa trông thấy đã thích mê tơi. Bà rủ rỉ với bố Diệp Sơ rằng: “Ôi, thằng bé đẹp trai quá thể, sau này nó mà trở thành con rể nhà mình thì tốt biết mấy!”.

Vừa mới dứt lời thì cậu nhóc kia đã tung một cước đá vào cái máng cho gà ăn, khiến đàn gà nhà bà Hàn bên cạnh hoảng sợ bay tán loạn Lưu Mĩ Lệ liếc chồng rồi lặng lẽ quay đầu lại, vỗ về đứa trẻ đang ngồi chồm hỗm trên mặt đất cùng chú chó A Bảo3: “Diệp Tử, mau ăn cơm thôi!”.

3 Chú chó mà Diệp Sơ nuôi giúp Thẩm Nam Thành tên là Tiểu Hoàng, nhưng vì Diệp Sơ từ đầu vẫn chỉ nhớ mỗi cái tên A Bảo, cho nên từ khi nuôi chú chó Tiểu Hoàng, Diệp Sơ đã đổi luôn tên nó thành A Bảo.

Vừa nghe thấy có cơm ăn, cô nhóc vội vàng ôm theo A Bảo cùng mẹ vào nhà. A Bảo đang ngoái lại, nhằm vào đám gà đập cánh tán loạn đầy sân mà cất tiếng sủa rõ to thì bị thằng nhãi hung hăng đứng trong sân trừng mắt.

Diệp Sơ ham ăn từ bé nên cân nặng của cô chưa bao giờ có dấu hiệu giảm xuống. Mỗi lần bị mẹ kêu ca là ăn nhiều, bố ngồi cạnh lại phản đối: “Trẻ con béo thì có làm sao, lớn lên tự khắc sẽ gầy đi ấy mà”.

Nhưng sự thật đã chứng minh lí luận của bố hoàn toàn sai lầm. Nghiêm trọng hơn, ông đã gián tiếp “cổ vũ” cho cân nặng của Diệp Sơ ngày một tăng cao. Thế là năm cô lên bảy, Lưu Mĩ Lệ đau buồn phát hiện ra rằng: Tuy nhà có con gái nhưng bà lại chẳng tài nào mua được một chiếc váy công chúa xinh đẹp!

Đối với một người mẹ từ nhỏ đã ao ước được trang điểm cho con gái thành nàng công chúa Bạch Tuyết như bà thì việc này quả là một đả kích nghiêm trọng.

Bởi thế, với tư cách là thợ may hàng đầu kiêm quản lí của hiệu may “Mĩ Lệ”, Lưu Mĩ Lệ quyết định tự tay may cho con gái một chiếc váy công chúa theo kiểu dáng được đăng trên báo nhi đồng.

Tay nghề của Lưu Mĩ Lệ rất cao. Bà mua vải, lấy số đo, cắt cắt may may, vầy vò suốt một tuần trời để cuối cùng cho ra đời một chiếc váy công chúa. Để bộc lộ tài năng xuất sắc của mình một cách rõ ràng hơn, bà còn có lòng thêu thêm một đoá hoa màu hồng lên chiếc váy trắng, nhìn từ xa đã thấy nổi bật.

Lần đầu được diện váy công chúa, Diệp Sơ cảm thấy vô cùng lạ lẫm. Ngay ngày hôm đó, cô mặc luôn chiếc váy mới, dẫn A Bảo lên thị trấn mua rượu cho bố, tiện thể trở thành mẫu quảng cáo “sống” cho hiệu may Mĩ Lệ. Hàng xóm láng giềng đi ngang qua không ngớt lời khen ngợi: “Con gái béo nhà họ Diệp mặc váy mới kìa!”.

Diệp Sơ thành thật chia sẻ: “Mẹ may cho cháu đấy ạ”. “Thợ may Lưu khéo tay thật!”

Nghe hàng xóm khen mẹ mà Diệp Sơ còn vui hơn cả khi họ khen mình. Đang hớn hở dở dang thì quay đầu lại, cô bỗng không thấy A Bảo đâu nữa.

A Bảo biến mất khiến Diệp Sơ sợ xanh mặt. Cô không đi mua rượu nữa mà ôm bình Coca Cola đi tìm A Bảo. Tìm suốt từ đầu phố đến cuối phố, cuối cùng cũng thấy A Bảo mình đầy bùn đất, bẩn thỉu nằm trong vũng sình dưới gốc cây ven đường.

Bấy giờ, A Bảo đang rúm ró lại, miệng kêu ăng ẳng. Một đám trẻ con vây thành vòng tròn xung quanh nó, kẻ cầm đầu chính là thằng nhóc Vệ Bắc – người hàng xóm mới.

Tuy mới chuyển đến được vài hôm nhưng nó đã nhanh chóng được lũ trẻ con tôn làm “đại ca”.

Vệ Bắc đang ném bùn về phía A Bảo. A Bảo bị cậu ta doạ đến mức không dám xông tới, chỉ biết kêu lên đau đớn.

Đám trẻ xung quanh cười ầm ĩ. Chúng bắt chước Vệ Bắc ném bùn vào A Bảo, cười cợt con chó tội nghiệp. Đúng lúc ấy, một cái bình nhựa bất ngờ văng tới, đập trúng vai Vệ Bắc.

“Đứa nào đấy?” Vệ Bắc xoay người lại, trông thấy con nhóc béo nhà họ Diệp hàng xóm. Nó đang mặc một chiếc váy công chúa màu trắng, trừng mắt nhìn cậu, bừng bừng lửa giận.

Cảm thấy vô cùng mất mặt, cậu quát lớn: “Diệp Thừa Cân! Mày làm cái gì thế hả?”.

Lúc ấy cậu đã nghe đám trẻ con xung quanh nhắc đến biệt danh của Diệp Sơ, tiện thể biết luôn con bé béo ú này là “áp trại phu nhân” của tên đại ca tiền nhiệm. Từ tận đáy lòng cậu vô cùng khinh bỉ mắt thẩm mĩ của thằng nhóc đó.

Diệp Sơ không nhớ tên thằng nhãi này, chỉ nhớ là nó họ Vệ. Rốt cuộc là Vệ Đông, Vệ Nam, Vệ Tây hay Vệ Bắc nhỉ? Thực sự không tài nào nhớ nổi.

Cho nên cô đành mở miệng gọi độc chữ “Vệ”: “Vệ, cậu không được bắt nạt A Bảo!”.

Vệ Bắc vô cùng bực bội: Mình có họ có tên cơ mà, cái con bé béo này lại dám gọi mình là “Này”4. Rõ ràng là nó không thèm coi đại ca mới này ra cái đinh gỉ gì rồi? Bởi vậy, cậu nổi giận, vung tay ném thẳng nắm bùn vào người Diệp Sơ.

4 Trong tiếng Trung, chữ “Vệ” và chữ “này” có cùng âm đọc là “wei”. Hiện tượng đồng âm này khiến Vệ Bắc hiểu nhầm Diệp Sơ gọi mình là “này”.

Thế là chiếc váy mẹ Diệp Sơ mới may đã “nở” thêm một đoá hoa bằng bùn. Đám trẻ con xung quanh phá lên cười ngặt nghẽo.

Diệp Sơ hơi tức giận, định tranh luận với Vệ Bắc, nhưng không nhớ nổi tên của kẻ địch là gì, đành phải gọi thêm một tiếng “Vệ”: “Vệ, cậu còn bắt nạt A Bảo nữa, tôi sẽ mách mẹ cậu!”.

Câu nói này đã chọc giận Vệ Bắc tới cực điểm, “Diệp Thừa Cân, mày cứ liệu hồn!”.

Cậu hùng hồn tuyên bố, ném nốt nắm bùn còn lại trong tay về phía Diệp Sơ rồi quay người, co cẳng chạy mất.

Đám quỷ nhỏ bên cạnh cũng học theo đại ca, đua nhau ném bùn vào người Diệp Sơ rồi đồng loạt bỏ chạy, vừa chạy vừa hô: “Diệp Thừa Cân là một con nhóc siêu béo! Diệp Thừa Cân là một con lợn!”.

Diệp Sơ đứng im tại chỗ. Cô không thèm để ý đến lời lũ trẻ nói. Chờ cho đám trẻ chạy xa, cô mới bế A Bảo ra khỏi vũng bùn. A Bảo co rúm rúc vào lòng Diệp Sơ, khẽ rên ăng ẳng.

Ngay tối hôm đó, Lưu Mĩ Lệ lập tức phát hiện ra chiếc váy trắng muốt mới may cho con gái đã biến thành “váy hoa”, bông mẫu đơn lộng lẫy mà bà vô cùng tự hào đã biến thành một vết loang đen ngòm. Bà giận đến xù cả lông.

Hỏi ra mới biết sự thể do thằng nhóc hư đốn nhà hàng xóm mới chuyển tới gây ra, bà đùng đùng nổi giận, dắt con gái sang nhà họ, chuẩn bị đại chiến một trận om sòm.

Hai mẹ con sang đúng lúc nhà họ Vệ đang ăn cơm. Mẹ Vệ thấy hàng xóm đến, toan niềm nở đón tiếp nhằm tăng thêm thiện cảm, nhưng khi thấy hàng xóm dắt theo một cô bé nhếch nhác bẩn thỉu, trong tay còn ôm một chú chó nhỏ loang lổ bùn đất bèn đoán ngay ra: Thằng con mình lại gây họa đây mà!

Thế là mẹ Vệ đưa mắt ra hiệu cho chồng. Vệ Đông Hải nhấc ngay cây gậy phơi quần áo bên cạnh lên, lột quần con trai xuống rồi quất vào mông cậu.

“Đét!” – Tiếng mắc áo quất xuống làm Lưu Mĩ Lệ ngây người.

Bà chỉ định sang nói cho ra lẽ chứ không hề có ý xúi giục nhà người ta sử dụng bạo lực. Con trẻ có hư mấy cũng không thể đánh như thế được, nhỡ đánh hỏng người luôn thì biết làm sao?

Thế là, cái người định sang cãi nhau là bà phải chuyển thành người khuyên can: “Thôi đừng đánh, đừng đánh nữa!”.

“Mẹ Diệp Tử, bà đừng can. Không cho roi cho vọt thì làm sao thằng này nên người được!” Nói rồi Vệ Đông Hải lại vung cái gậy phơi quần áo lên, toan đánh tiếp.

Lúc này, cả mẹ Vệ Bắc cũng cuống cả lên. Đồng ý là phải dạy dỗ con cái, nhưng đức ông chồng nhà bà nghiện đánh con rồi sao? Bà vội lao vào, định kéo ông ra, nào ngờ Lưu Mĩ Lệ còn dũng mãnh hơn, xông tới một tay giật phắt cây gậy trong tay Vệ Đông Hải, tay kia kéo Vệ Bắc lại rồi bảo cô con gái đang đứng đằng sau: “Diệp Tử, dẫn ngay Tiểu Bắc sang nhà mình, mau lên!”.

Nghe mẹ nói vậy, Diệp Sơ lập tức kéo Vệ Bắc bỏ chạy, không chút chần chừ.

Hai đứa trẻ chạy ra khỏi nhà, rồi băng qua sân. Tới tận cửa nhà mình, Diệp Sơ mới ngoái lại nhìn… Vệ Bắc đâu đã kịp kéo quần lên…

Thấy Diệp Sơ cứ ngơ ngẩn nhìn mình, mặt Vệ Bắc đỏ lựng, vội vàng kéo quần rồi mắng cô: “Nhìn cái gì hả Diệp Thừa Cân?”.

Diệp Sơ chẳng buồn để ý đến cậu, cô cởi giày rồi bế A Bảo vào nhà. Đứng sau cánh cửa, cô nói vọng ra: “Mẹ tôi dạy phải cởi giày rồi mới được vào nhà đấy”.

“Ai thèm vào nhà cậu!” Vệ Bắc mạnh miệng. Diệp Sơ mở to mắt nhìn cậu, không nói câu nào.

Trước cửa nhà họ Vệ, Vệ Đông Hải vẫn đang ra sức giữ gìn hình tượng oai vệ của một người bố nghiêm khắc. Ông lớn tiếng mắng cậu con trai: “Cái thằng hư thân mất nết kia! Có giỏi thì cứ trốn đi, đừng có quay về nữa!”.

Vệ Bắc quay lại làm mặt quỷ trêu tức bố rồi cởi văng giày, chui tọt vào nhà Diệp Sơ.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button