Tiểu thuyết - ngôn tình

Giường Đàn Bà

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK 

Tác giả : Cửu Đan

Download sách Giường Đàn Bà ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : TIỂU THUYẾT

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook                  

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Cửu Đan tên thật là Chu Tử Bính, sinh năm 1968 tại Tô Châu, là một trong những người đẹp viết văn và tạo nên được dấu ấn tại Trung Quốc.

Giường đàn bà là câu chuyện về Mạch – một phóng viên trẻ, đang học MBA, là nhân tình của một tổng biên tập giàu có và đa tình – người trả tiền nhà và đóng học phí cho cô. Sau khi tan vỡ mong ước được làm mẹ do người tình một mực đòi cô phá thai, cuộc sống tinh thần của Mạch bị đảo lộn. Cô quyết định trả thù người tình bằng cách cặp với Bob – một nhà văn nghèo đang tìm kiếm vốn tài trợ cho bộ phim mà anh chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết của mình.

Tiền tài. Danh vọng. Tình yêu. Nhân phẩm. Tất cả gộp thành một cơn bão hỗn loạn làm tan hoang lòng người mà những nhân vật Mạch, Bob… đều là nạn nhân của cơn bão ấy. Họ, là tri thức trẻ với hai bàn tay trắng, sẵn sàng bán rẻ thân xác và nhân phẩm để đạt được danh lợi. Như thiên thân liều đâm vào lửa, họ sẵn sàng trả giá để được cung phụng vật chất như những kẻ giàu sang. Chi tiết này trong tác phẩm đã phản ánh hiện thực tàn nhẫn của tầng lớp trí thức nghèo trong xã hội Trung Quốc, khi đồng tiền là thế lực chi phối tất cả. Đứng trước cám dỗ của tiền bạc, liệu lương tâm và nhân cách con người có thể trụ vững?

Mỗi người đàn bà đều mong mỏi có một chiếc giường êm ấm đến hết đời. Chiếc giường là hiện thân của êm ấm và hạnh phúc, của tình yêu lâu dài và bền vững. “Ở đời liệu những ai có cái giường cho riêng mình.” Dưới ngòi bút Cửu Đan, tiểu thuyết Giường Đàn Bà đã bóc trần sâu sắc nhiều hiện thực trong xã hội ngày nay.

ĐỌC THỬ

Chương 1NGƯỜI ĐÀN BÀ ẤY TỎA HƯƠNG MA QUÁI

Rồi chị ta cười, tôi thấy rất rõ nếp nhăn nơi khóe mắt chị ta. Lập tức tôi ngước lên, để ánh đèn chiếu thẳng vào mặt tôi với làn da tươi trẻ. Đối với đàn ông, tuổi trẻ còn quan trọng hơn tư tưởng rất nhiều.

Bob 1

Lần đầu tiên tại một buổi họp mặt ở Đại sứ quán Pháp.

Trong buổi họp mặt cứ phát đi phát lại bản nhạc “Tình yêu màu xanh”.

Cô ta đến hơi muộn, trang phục có phần kì quái, giữa mùa đông rét buốt chỉ mặc một chiếc áo cộc tay, không mặc áo ngoài, trên đầu hững hờ chiếc mũ đỏ. Cô nhìn mọi người, thoáng chút bối rối, tưởng chừng không liên quan gì đến buổi party này mà định vào phòng ngủ, nhưng vô tình đi vào đây. Về sau cô nói với Bob đấy là tiền vệ, tiền vệ không phải là mốt, ở một ý nghĩa nào đấy là phản mốt, tiền vệ là tiền vệ. Nói xong cô cười, đưa hai bàn tay lên che mặt, cái vẻ run rẩy cho anh cảm giác khác với những người dự họp mặt hôm ấy. Hôm ấy, ánh mắt cô rất trống trải, âm u. Anh cứ băn khoăn ánh mắt ấy có phải là mốt không.

Nhưng hôm ấy Bob không để ý đến mốt, trang phục của anh không có gì là sang trọng, trên người anh lúc nào cũng mặc bộ bò màu nâu. Trong phòng của anh đến cả cái gương cũng không có. Bob nghèo đến Đại sứ quán là để gặp Derrida(1), anh cũng muốn nói với ông ta về cuộc sống bấp bênh của mình. Anh cũng đã chuẩn bị tư tưởng, nếu không có cơ hội, chủ nhân của buổi họp mặt ít ra cũng mời ăn một bữa ngon lành.

Bob cầm ly rượu trên cái khay của chiêu đãi viên. Một ly rượu vang đỏ, tỏa ánh long lanh. Anh bước trên sàn nhà lát gỗ, bốn bức tường đều treo ảnh, rất nhiều ảnh. Những bức ảnh rất tối, mờ mịt, không trông rõ, nhưng anh biết trong ảnh có người, một phụ nữ. Anh cau mày chán ghét, nghĩ bụng: Cái gã thợ ảnh không biết ngượng, ảnh thế này mà cũng treo lên, nó định trưng cái gì ra đây?

Nhiếp ảnh gia cũng cầm một ly rượu đi đi lại lại, khẽ mỉm cười với mọi người, nom hơi đáng thương, giống như một kẻ nhát gan chỉ sợ không chu đáo, có kẻ đập địa bàn của anh trong khi anh không ngừng quan sát sắc mặt bạn gái. Anh ta nói tiếng nước ngoài với người nước ngoài, có lúc nói tiếng Anh, có lúc nói tiếng Pháp. Anh ta nói tiếng Hoa với người Trung Quốc, nhưng Bob hồi học thạc sĩ đã thi được tiếng Anh qua cấp 8, nên anh biết rõ trong ba thứ tiếng đó, anh chàng kia chẳng nói tốt được tiếng nào, kể cả tiếng Hoa. Vì anh ta là người Đông Bắc nhưng nói có phần giống như ca khúc của ca sĩ Tuyết Thôn vậy. Lúc này lại có một anh lùn đến. Anh này để tóc dài, vừa bước vào, mắt đã đảo điên nhìn ngó, cười với các quan chức người Pháp, nói thứ tiếng Pháp khiến Bob phải buồn nôn.

* * *
Đúng lúc đó, Mạch đi vào, chân cô rất dài. Dưới con mắt Bob, khuôn mặt dưới cái mũ đỏ và hai cánh tay trần đó đúng là mang nước da thiên thần. Cô đi giữa đám đông, dù là người ngoại quốc hay người Trung Quốc cũng đều phải ngắm nhìn. Cô cũng nhận thấy rõ mình đã đến đúng địa điểm. Nếu như đây là buổi trình diễn của sinh viên trường điện ảnh, hoặc cuộc thi người mẫu, chắc chắn cô không là gì cả, bởi cô sẽ không có đủ bất cứ tư cách nào trong số đó. Nhưng cô đến một đại sứ quán là nơi tụ tập của những người có văn hóa. Tuy mắt cô không đủ sáng, nhưng cặp mông và bộ ngực khiến mọi người phải chú ý. Sau đấy, Bob làm quen sát sàn sạt, khoảng cách giữa hai người là “số không”, cùng cô bàn luận về chuyện ấy. Cô rất phản cảm, thấy Bob hết sức đê tiện.

Vào lúc ấy, nhạc vang đến tận chín tầng mây. Một lần nữa bản nhạc “Tình yêu màu xanh” lại vang lên. Bob rất kích động, quên rằng mình bắt đầu thất vọng, dự cảm mình với cô gái kia sẽ xảy ra chuyện gì đó.

Mạch đi vào giữa đám đông, rất khéo léo chào những người quen biết. Xem ra cô quen biết khá nhiều người nước ngoài ở đây, tưởng chừng cô sắp sửa phỏng vấn họ. Cô chụp ảnh chung với nhà nhiếp ảnh, nhưng nụ cười của cô khiến bạn gái của nhà nhiếp ảnh không vui. Bob trông thấy khi cô cười với nhà nhiếp ảnh, người phụ nữ đứng bên phải nắm chặt lấy tay nhà nhiếp ảnh, giống như người nắm chặt cái ô trong cơn mưa. Bob như thể nghe thấy tiếng cãi nhau của đôi trai gái kia. Người phụ nữ mắng người đàn ông của mình, Trông thấy cái trò rẻ tiền ấy mà cũng rung động, lòng dạ anh thật độc ác. Anh kia nói lấy lòng, Chẳng qua đây là cuộc triển lãm tác phẩm của chúng ta, anh cần phải tạo quan hệ tốt với giới báo chí. Người phụ nữ nói, Anh làm em đau lòng!

Mạch đến gần Bob, như nói với người bên cạnh lại như nói cho Bob nghe, Thật buồn cười, nó làm như em cướp

mất chồng nó không bằng, thật buồn cười. Có người cười nhạt, nói, Biết đâu không phải là chồng, mà là một trai bao.

Tim Bob bỗng đập mạnh. Anh nhìn Mạch, mong cô chú ý đến mình.

Mạch không nhìn Bob, ánh mắt cô thật mê hoặc. Cô đứng với vẻ chán chường, cái mũ đỏ như che khuất tầm mắt. Cô nói, Hôm nay đến là thất vọng!

Bob do dự không biết có nên bắt chuyện với Mạch không. Đầu tiên anh nhìn cô bằng ánh mắt như những ngón tay vuốt ve cô, từ khuôn mặt đến đôi cánh tay trần. Nhưng cô không hề hay biết. Anh muốn nói với cô, Hôm nay tôi cũng thất vọng, tôi thất vọng bắt đầu từ “Tình yêu màu xanh”.

Hai tay anh cho vào túi quần, từng bước đến gần Mạch, tưởng chừng nghe rõ nhịp tim của mình. Anh nghĩ, có thể mình chỉ cần lên tiếng, cô ta sẽ lập tức tan ra như một viên kẹo. Anh ngửi thấy mùi cơ thể của cô, thậm chí ngửi thấy mùi từ trong miệng cô tỏa ra.

Anh định nói với cô, một lý do khác làm tôi thất vọng nữa là, Derrida không đến. Nếu hôm nay ông ấy không đến, suốt đời tôi không nên tha thứ cho Pilison, chủ nhân của buổi họp mặt hôm nay. Cái thằng người Pháp khốn kiếp, rõ ràng sinh ở Paris, nhưng cứ khăng khăng bảo mình cùng với Derrida sinh tại Alger.

Sự thật thì cái anh chàng Pilison nhiễu sự bắt Derrida phải xem bằng được cuộc triển lãm ảnh này, đồng thời với danh nghĩa Derrida để chèo kéo những trí thức như Bob và Mạch đến.

Nhưng với một cô gái như Mạch có hứng thú đối với Derrida không? Hôm nay cô đến với tư cách gì? Đến với Derrida sao? Không, trông cô đội cái mũ đỏ thì rõ ràng cô không thể đọc và hiểu Derrida. Ngay như Bob tôi đây cũng thường xuyên bị ngôn ngữ của Derrida dìm sâu xuống cống, hỗn loạn và đen tối.

Mạch không thể là người quen biết Derrida, một nữ trí thức đối diện với lý luận và tư tưởng độc đáo của một người đàn ông, nhiều lắm cũng chỉ là học làm sang mà thôi. Mạch có ngoại lệ không? Phải chăng cô ta giản dị, chân thành hơn?

Anh ta vừa quay lại cười với Mạch, ngay lúc ấy có người gọi Mạch.

Mạch 1

Tôi quay lại, thì ra Kha, anh bạn đạo diễn của tôi. Qua đầu anh, tôi thấy chị kia đang nhìn tôi, khóe miệng như nở nụ cười chế giễu. Hình như chị ta vẫn nói, xem kìa, đứa con gái thấp hèn…

Chị ta có khuôn mặt xinh đẹp và trang phục tinh tế, chừng bốn mươi, mặc cái áo len đen cổ thấp, mái tóc cắt ngắn bằng bặn phủ trước trán. Và rồi chị ta bất ngờ đến trước mặt tôi và nhà nhiếp ảnh, giọng nói tuy nhẹ nhàng nhưng nghiến răng nghiến lợi nhấn mạnh từng chữ, chỉ cần ai đó ngủ với chị ta một đêm nhất định sẽ hối hận.

Mặt tôi đỏ bừng, may mà cái mũ sụp thấp, bóng tối che khuất khuôn mặt. Trong lúc bối rối, tôi vội quay về hướng khác. Nhưng đấy là bức tường, trên tường treo ảnh chị ta. Tôi ngước nhìn, và lần đầu tiên phát hiện thấy trên tấm ảnh phủ đầy bóng tối cũng là chị ta. Miệng chị ta nở nụ cười trào lộng, tưởng như dùng cái trào lộng để tạo thành một dòng sông, một dòng sông có nước chảy róc rách.

* * *
Kha phanh tà áo len, để lộ yết hầu.

Tôi ôm anh. Cái mũ đỏ của tôi chạm vào khuôn mặt tươi cười trẻ trung của anh. Môi anh chạm vào má tôi, khiến tôi cảm thấy ươn ướt.

Anh nói, Mạch, tại sao em vẫn còn ở Đại học Bắc Kinh, vẫn không tốt nghiệp nổi? Có lẽ một ngày nào đấy anh sẽ mời em vào vai chính. Gần đây anh đọc một tiểu thuyết có tên “Phố Trường An”.

“Phố Trường An”, cái tên hay đấy.

Đáng tiếc em vẫn ở Đại học Bắc Kinh, nghe nói em đang học MBA, thật buồn cười, nếu không đến với đoàn làm phim của anh.

Tôi bật cười. Tôi biết chị kia đang nhìn tôi từ xa. Tôi nói với Kha, anh định mời em vào vai chính à? Nếu anh cho em vào vai chính, em có thể không học MBA nữa.

Em tha cho anh, anh còn trách nhiệm đối với khán giả. Anh có đồng ý thì khán giả cũng không đồng ý. Em vừa học vừa làm, được không?

Tôi đang định nói thì anh nói trước, Em chờ anh một lát. Anh trông thấy một người quen… Lát nữa anh sẽ gặp em…

Anh gọi to Bob, vừa gọi vừa đi tới. Tôi nhìn theo, nghĩ bụng, cái anh chàng Bob kia cũng phải năm mươi tuổi. Nhưng tôi không đeo kính, chỉ lờ mờ trông thấy một người đàn ông cao, có mái tóc dài.

Trong những cuộc gặp gỡ quan trọng như thế này, tôi luôn tạo cho mình khuôn mặt thanh thản. Tuy tôi không thể nhìn rõ từng người, nhưng họ cũng không cần phải nhìn rõ. Giống như một tòa nhà, tôi không cần phân biệt từng viên gạch, không cần biết các viên ngói khác nhau như thế nào. Trong đại sứ quán chỉ toàn những người để tóc dài như Bob, cổ áo sơ mi rất bẩn, đúng vậy, tôi còn trông thấy những mái tóc dài biết nói. Những người đàn ông tóc dài ánh mắt đều long lanh sáng, họ đang chờ đợi gì? Đang chờ đôla hay franc?

Lúc ấy có một người đàn ông đi về phía tôi: Pilison.

Anh ta quàng vai tôi, vừa nói vừa đi về phía trước. Tuy tên là Pilison, tuy anh ta cao lớn có mái tóc vàng, mũi cao, đôi mắt xanh trũng sâu chứng tỏ là một người nước ngoài, nhưng nói tiếng Hoa rất chuẩn. Hai năm trước, anh đến Đại học Bắc Kinh để giảng bài, rất nhiều nữ sinh viên ước ao được dựa vào đôi cánh tay đầy lông vàng, bước theo anh, đi đến một nơi rất xa, rất xa. Nhưng Pilison cứ đi vòng quanh một chỗ.

Đôi mắt Pilison tỏa ánh ướt át, giống như hai con nòng nọc đang bơi trong nước. Anh nói, Đừng buồn, cô Mạch. Có thể Derrida là một ông già người Pháp có phong độ nhất mà cô gặp, chả phải cô thích những người già như Hemingway(2) đó sao? Có thể cô không đọc sách của Derrida, có thể giải cấu trúc và tư tưởng của ông ấy không quan trọng đối với cô, nhưng nên gặp ông ấy, cô sẽ không giữ khoảng cách nào đối với ông, nhưng phải biết…

Pilison dừng lại, nhìn những người chung quanh, nói, Mỗi một trí thức Bắc Kinh đều chờ đợi, muốn nghe ông ấy nói gì.

Tôi cũng nhìn quanh, nhưng không cẩn thận lại nhìn vào chị kia. Chị ta đang cười như điên với mấy người đàn ông. Pilison nghe thấy tiếng cười, liền quay lại. Tôi hỏi, Tại sao trên bức tường của anh lại treo ảnh người phụ nữ kia, chỗ nào cũng treo, tại sao?

Pilison nói, Cô không biết à? Hôm nay có người xuất tiền, một nhà nhiếp ảnh tổ chức buổi hôm nay, trên tường treo ảnh của anh ta chụp. Anh ta muốn cho Derrida một ấn tượng, chủ yếu là chị kia. Đấy là một người phụ nữ rất giàu, rất nhiều tiền. Cô có nghe nói đến Thẩm Xán không?

Thẩm Xán?

Chỉ trông thấy ảnh chị ta nhiều như lá rụng treo trên tường, tỏa không khí ma quái, thối rữa… Tôi nhìn chị ta, nghĩ xem chị ta là ai. Pilison bỗng nắm lấy tay tôi, nói, Nào, tôi giới thiệu với cô.

Anh không giải thích gì, lôi tay tôi, rẽ đám đông. Thẩm Xán đang đi ra phía ngoài, anh gọi chị ta lại.

Chị ta quay lại nhìn tôi. Pilison đẩy tôi đến trước chị ta, nói, Bà Xán, đây là cô Mạch, phóng viên hàng đầu của “Tuần san Giải trí”. Bài cô viết rất giàu tính tư tưởng, mọi người đều thích đọc, tuy nhiên xin lưu ý, nếu không cẩn thận cô ấy sẽ đưa cả bà vào bài viết. Tôi suýt chạm vào bộ ngực nhô cao của chị ta. Chị ta nhìn tôi, khẽ gật đầu, tôi cũng gật đầu đáp lại. Tôi do dự không biết có nên đưa tay ra bắt hay không, tôi để ý xem chị ta có bắt tay tôi không. Chị ta không, cứ đứng vươn thẳng người bất động. Chị ta đưa ánh mắt nhìn Pilison, nói, Giải trí? Giải trí làm thế nào để có tư tưởng?

Rồi chị ta cười, tôi thấy rất rõ những nếp nhăn nơi khóe mắt chị ta. Lập tức tôi ngước lên, để ánh đèn chiếu thẳng vào khuôn mặt tôi với làn da tươi trẻ. Đối với đàn ông, tuổi trẻ còn hơn tư tưởng rất nhiều.

Điện thoại của Pilison. Anh ta ra ngoài nghe điện.

Tôi và chị kia lại nhìn nhau. Chị ta không nói gì, tôi cũng không nói, chúng tôi mỗi người đi một phía, bất ngờ mông chạm mông. Tôi mặc quần, chị ta mặc váy ngắn, chân chị ta hơi ngắn, vậy là tôi cười thầm. Tôi nghĩ, vừa rồi tôi muốn bắt tay chị ta, thật nực cười, phụ nữ có thể bắt tay nhau được không?

Tôi đi theo hướng của tôi. Tôi có lối đi của tôi. Lần này tôi đến theo lời mời của Derrida. Pilison nói chuyện qua điện thoại như đọc thơ với tôi, anh ta nói ở Trung Quốc, tôi để Derrida đến với dân chúng, đến với mọi người.

Nhưng phụ nữ đi về phía trước, không bao giờ biết mình bị động, tôi không biết sau này sẽ xảy ra chuyện gì. Tôi nghĩ, tôi chỉ muốn gặp Derrida, với tư cách là một phóng viên nữ hiếu kì và thiếu hiểu biết nêu với Derrida mấy vấn đề, ví dụ, Thưa ông Derrida, ông đánh giá thế nào về tạp chí “Đọc sách” của người Trung Quốc? Ông có cảm thấy nó có thể là lương tâm của giới trí thức Trung Quốc không? Tôi nghĩ, hỏi xong là đi ngay, không có liên quan đến bất cứ ai, không liên quan đến Pilison, không liên quan đến nhà đạo diễn, mà cũng không liên quan đến chị kia. Tôi cũng chẳng quan tâm đến tạp chí “Đọc sách”.

* * *
Trong bụng tôi đang mang thai.

Tôi phải sinh đứa bé này.

Chương 2ĐI GIỮA VÒNG VÂY CỦA ĐÀN ÔNG

Tại sao yêu không phải là màu xanh? Yêu là giọt nước hòa tan trong biển cả, yêu tức là lấy thịt xương của mình làm lễ vật dâng hiến cho đàn ông. Với tôi, người đàn ông ấy tên là Bạch Trạch, tôi mang trong người đứa con của anh ta.

Bob 2

Bob một mình lặng lẽ bỏ đi xa người con gái tên là Mạch. Trong lòng anh có chút cảm giác khó chịu. Anh chú ý khi nói chuyện với người khác, gương mặt cô rõ ràng sáng bừng lên. Cô ta cười, cô ta đang gật đầu, ánh mắt cô ta nói với Bob, hình như cô không quá thất vọng.

Bob đang tìm một cơ hội nào đấy.

Bài hát “Tình yêu màu xanh” vẫn được hát mãi, đó là một bài hát rất thịnh hành. Bob thấy dù ban nhạc trình diễn ra sao, dù thêm những ngắt đoạn hoặc dùng kèn đồng, nó vẫn là một bản nhạc, là tác phẩm của một cô gái bé bỏng, không sâu sắc, nhưng người trong Đại sứ quán Pháp dùng nó để làm cho bầu không khí thêm sống động. Trong tiếng nhạc, mọi người tay nâng ly rượu đỏ đi đi lại lại giữa những tác phẩm nhiếp ảnh.

Bạn rất nên đến Đại sứ quán Pháp, nên làm quen với quan chức văn hóa của Đại sứ quán, hoặc ít ra cũng nên đến với những người Pháp yêu mến văn hóa Trung Quốc, nếm thử món xúc xích của họ, ít nhất uống một ly cà phê trong tiếng nhạc “Tình yêu màu xanh”, có thể như thế mới đúng kiểu trí thức, tên của bạn sẽ có ngày đứng cùng tên C. Grasse(3) và Rocky. Trong tiếng nhạc, bạn nhìn một bà người Pháp (có thể bà ta là người Trung Quốc do không hài hòa về mặt tình dục với ông chồng người Pháp nên mới có khoảng trống cho bạn), chứng tỏ bạn biết về những trí thức như M. Ravel(4), I. F. Stravinsky(5), và cả A. N. Chomsky(6), Derrida, R. Strauss(7) không kém mấy bà kia, như vậy về mặt văn hóa có thể cơ hội đến với anh. Nhưng bạn, bạn không hiểu gì tôi, tôi nói vì bạn là một viên kim cương, một trí thức hiếm hoi của Trung Quốc. Dù hiếm như kim cương, nhưng bạn là ánh sáng hiếm hoi. Sở dĩ bạn đến Đại sứ quán Pháp là bởi chúng ta đang sống ở Bắc Kinh, là thứ kim cương da vàng, được người nước ngoài, nhất là người châu Âu phát hiện. Bạn biết tại sao tôi quen cô ta ở Đại sứ quán Pháp không? Bạn còn chửi tôi giả vờ ngốc nghếch nữa không?

Bob.

Trong tuyệt vọng, Bob nghe có ai gọi tên mình. Âm thanh giống như từ trên trời rơi xuống, giống như tiếng nói của Thượng đế.

Vào lúc ấy Bob trông thấy Kha, thường trong những hoạt động như thế hai người lại gặp nhau, anh đã có lần ăn cơm với Kha. Anh không ngờ, lần này Kha nhận ra và chủ động gọi anh. Vẻ mặt Bob rạng rỡ hẳn lên, anh biết mình đang rất kích động.

Kha nói, Bob, tôi đã đọc tiểu thuyết của anh, hôm anh bảo người đưa sách cho tôi, tôi đang đi vắng, không thể nói với anh về cảm tưởng của tôi. Pilison bảo anh ấy biết anh, cho nên nhất định anh ấy sẽ nói lại với anh, hôm nay chúng ta có thể nói chuyện cải biên tiểu thuyết của anh.

Bob không biết nói gì, hạnh phúc đến quá bất ngờ, tuy mới chỉ một câu nói của Kha, có thể chỉ là câu nói làm quà cũng làm cho Bob cảm thấy Đại sứ quán Pháp chứa chan hy vọng.

Kha nói, Bob, tên anh hay lắm, khiến tôi nghĩ đến A-rập, lại nghĩ đến Bin Laden.

Bob cười, nói, Cái tên ấy bà tôi đặt cho đấy, tôi nghe Pilison nói, hôm nay anh sẽ đến.

Lúc ấy Pilison đi tới, nói, Hai người đã biết nhau rồi à? Vậy tôi khỏi cần giới thiệu. Cảm giác thế nào?

Kha nói, Không tốt lắm. Anh bảo ông Derrida cũng đến cơ mà? Lúc nào mới đến?

Pilison nói, Vừa rồi có tin ông ấy không đến được, thời gian quá gấp. Thế này nhé, để hai người không thất vọng, tôi mời hai người đi uống rượu. Chúng ta cùng đi, còn một nhà văn nữa, Đại Uy. Anh nhìn Bob, hỏi, Anh nghe thấy tên người này chưa?

Bob nói chưa.

Bob toát mồ hôi, anh hỏi, Vậy ông Derrida đâu, không đến thật à?

Pilison nhún vai, Không đến, tôi mời các anh uống cà phê, có thêm một phóng viên, cái cô gái xinh đẹp kia, cô ấy tên là Mạch, sẽ cùng đi với chúng ta.

Bob và Kha cùng nhìn.

Mạch mỉm cười với họ.

Mạch 2

Bất chợt họ nhìn tôi, bản nhạc “Tình yêu màu xanh” đến đoạn cao trào. Tôi đứng lại, lắng nghe. Với khúc nhạc lãng mạn này, tôi lại cảm thấy buồn, tôi nhận ra những khuôn mặt chung quanh cũng có chung một biểu hiện đáng thương. Tôi ngước lên, ý thức được rằng, sức lay động của âm nhạc lãng mạn khiến cho nam và nữ đều thất vọng.

Tôi đã nghe bản nhạc này nhiều lần, người đàn ông làm tôi có thai cũng từng mở bản nhạc này cho tôi nghe. Đấy là thời kì anh ta yêu tôi say đắm nhất, anh ta mua đồ rồi thuê nhà cho tôi ở. Tình yêu màu xanh? Khúc nhạc vô cùng tình cảm. Tất nhiên, tại sao yêu không phải là màu xanh? Yêu là giọt nước hòa tan trong biển cả, yêu tức là lấy thịt xương của mình làm lễ vật dâng hiến cho đàn ông. Với tôi, người đàn ông ấy tên là Bạch Trạch, tôi mang trong người đứa con của anh ta.

Tôi do dự có nên ra quán bar Tam Lí Đồn hay không? Ông Derrida không đến, tôi đi với họ làm gì? Tôi không thích những người này.

Bob 3

Bob không biết mình đã nói chuyện với Mạch từ lúc nào.

Anh nhìn Mạch, ánh mắt như có lửa. Lâu lắm rồi, Bob không làm quen với một cô gái trí thức có chút nhan sắc nào. Nếu anh có tiền, chắc chắn sẽ đi tìm gái chơi một cái, thế rồi toàn thân lạnh toát trở về chỗ ở của mình. Anh ta không có cách nào tắm nước nóng, chỉ nằm trên giường nghĩ đến tình yêu. Lúc này Mạch đang ở gần anh, nhưng anh phát hiện Mạch không hứng thú gì với anh, thậm chí cũng không hứng thú cả với Kha. Mạch chỉ nghe Pilison nói, thỉnh thoảng lại phá lên cười vui vẻ, tưởng như cái anh chàng Pilison này nói toàn chuyện hài hước rất đáng để mọi người cười vui.

Pilison không cao, một người Pháp chính cống. Cổ anh ta đầy nếp nhăn như da gà, ánh mắt đùng đục, mắt như có nước, tưởng như vừa nói chuyện cảm động với ai đó. Vậy là trong lòng ai đó cũng như ướt nước. Anh ta nhìn Mạch bên cạnh, nghĩ bụng: Có thể cơ hội tốt đẹp đã đến, Pilison đang sáng tạo cho cô đấy.

Bên đường có một cửa hiệu bán đồ sứ cổ, Kha bước vào. Bob theo sau. Vừa trông thấy cái bình sứ cổ rất to nhưng chỉ một trăm đồng có thể mua được, Bob có phần ngạc nhiên. Anh cứ nghĩ cái thứ này đắt lắm, phải mấy nghìn, chưa bao giờ anh chú ý đến cổ vật. Anh không có tiền, với lại phải dành thời gian cho những người như Modigliani(8), đâu còn cơ hội chú ý đến những thứ này? Nhưng Kha lại rất chú ý, Bob đi theo sau, lần đầu tiên trong đời anh ngắm nhìn những đồ sứ cổ này.

Mạch không vào, cô đứng nói chuyện với Pilison. Bob phát hiện bóng Mạch đổ xuống mặt đường rất đẹp. Kha nói, Bob, anh có thích không?

Bob sững sờ nhìn Kha. Anh lập tức nhận ra, không phải Kha nói về Mạch, mà là nói về đồ sứ với anh. Bob lắc đầu.

Kha nói, Bày trong nhà có cảm giác thích lắm, nếu trong nhà trang trí cho có cá tính một chút. Bob gật đầu.

Kha hỏi, Nhà anh ở đâu.

Bob nói, Tôi thuê nhà ở Tiểu Tây Thiên.

Kha hỏi, Tiện nghi thế nào?

Bob nói, Mùa đông đi ngoài lạnh đít lắm.

Kha cười, nói, Nếu thành lập đoàn làm phim, anh đến ở chung với đoàn, ít ra là đi ngoài không lạnh đít, còn được tắm nước nóng nữa.

“Tắm nước nóng” ba tiếng ấy làm cho Bob hy vọng, như trông thấy một đời sống quý tộc. Anh nhớ có người nói, để trở thành người phát tài giàu có chỉ cần một ngày, nhưng muốn thành một quý tộc phải tích lũy một đời, nhiều đời.

Bob hỏi, Bao giờ thì thành lập đoàn làm phim?

Kha nói, Để xem người nước ngoài có tài trợ hay không, Pilison đang giúp liên hệ với Công ty JOL.

Bob nói, Anh định đưa tiểu thuyết của tôi lên màn ảnh đấy à?

Kha không nhìn cái bình sứ nữa mà đưa ánh mắt nhìn Bob, nói, Tôi rất thích, đọc rất dễ chịu, nhưng có chút lạc đề. Thật ra tôi cảm thấy hơi đáng tiếc, anh nên học Nhất Hằng, anh ta thông minh lắm, còn anh, có thể chưa rõ, có thể chưa đủ kịch tính.

Bob nói, Vậy đoàn làm phim cũng chưa thành lập nổi đâu nhỉ?

Kha nói, Hôm nay coi như mới gặp nhau, tôi vẫn định dùng tiểu thuyết “Phố Trường An” của anh, đến lúc làm phim “Phố Trường An”, tôi nhờ anh viết kịch bản. Mấy năm nay tôi cứ nghĩ mãi về cuốn sách này. Nói rồi anh nhấc cái bình sứ lên, thở rất mạnh, nói tiếp, Tối hôm qua không ngủ được, chơi bài suốt đêm. Anh ít viết tiểu thuyết thôi, không có người đọc, không có tiền, thị trường phim ảnh lớn lắm. Nên mời Chu Chu vào vai cô gái trong “Phố Trường An”, anh thấy thế nào?

Bob nói, Tôi không biết.

Kha nói, Tôi đã ngủ với cô ấy rồi, cảm giác thật tuyệt vời, cô ta không cần biểu hiện cá tính cũng đủ.

Bob nói, Anh ngủ với cô ấy rồi à?

Mạch 3

Kha liên tục nói chuyện với bạn đi bên cạnh. Qua ánh đèn đường loang lổ có thể trông thấy những khuôn mặt tươi cười tắm trong ánh đèn. Pilison nói, anh ấy tên là Bob, viết tiểu thuyết.

Tôi lén nhìn, nghĩ bụng: người đàn ông này nhiều lắm cũng chỉ ba mươi tuổi, tại sao lại gọi là Bob? Một con người trông rất có góc cạnh, thậm chí có thể nói là “tanh tưởi”. Anh ta mặc cái áo bò thẫm màu, dưới vầng trán rộng là đôi mắt động vật chỉ phát sáng về đêm.

Tôi lại nhìn Pilison, dưới ánh đèn anh ta vừa lùn vừa già. Chừng như chưa bao giờ tôi thấy anh ta già như thế, tôi ghét những người đàn ông già bắt đầu từ bố tôi. Tôi không thích bố, nhưng ông lại thường xuyên gọi điện bảo tôi về thăm. Tôi không có thời gian, tôi có đường đi của tôi.

Nhưng lúc này tôi cảm nhận được cánh tay Pilison đang để trên bờ vai tôi. Bất giác tôi nghĩ, tôi bị một người đàn ông khoác vai, trong bụng tôi lúc này đang mang một đứa bé.

Người đi từ phía trước đến đều nhìn Pilison rồi nhìn tôi. Những năm gần đây những cái nhìn như thế không còn ý nghĩa, lẽ nào vẫn ít hay sao? Gió lạnh thổi tới, bất giác tôi rùng mình. Cái rùng mình truyền lên bàn tay để trên vai tôi. Pilison cởi ngay cái áo gió màu vàng nhạt, đưa cho tôi. Tôi từ chối, nói rằng không quen mặc áo nam giới. Pilison nhẹ nhàng khoác cái áo lên người tôi, tôi ngửi ngay thấy mùi đàn ông lạ cùng với mùi nước hoa, tưởng như không khí tươi mới của đường phố nước Pháp thổi tới. Chợt tôi khép chặt tà áo. Sương đêm bảng lảng trên cao, sương và ánh đèn lẫn vào nhau, bóng Kha cũng trở nên mơ hồ. Tôi nhìn anh và người đàn ông có tên Bob bước ra khỏi nhà bán đồ cổ.

Pilison nói, Nếu họ hợp tác với nhau, có nghĩa là, Kha đưa tiểu thuyết của Bob lên màn ảnh, chắc chắn sẽ là bộ phim tuyệt hảo.

Pilison dùng từ “tuyệt hảo”, tôi nghĩ anh hơi quá lời. Vì lúc này ở Trung Quốc cái gì cũng “tuyệt hảo”. Pilison hỏi, Cô quen Kha à? Có quen thân không?

Tôi nói với anh ta, hai năm trước tôi phỏng vấn Kha. Hồi ấy anh ta ở trong một tầng hầm gần Tây Tứ, trong phòng đầy những ảnh phụ nữ khỏa thân. Tôi không hiểu tại sao lại có nhiều phụ nữ cởi quần áo cho anh ta chụp ảnh. Anh ấy bảo, ở Quảng Châu có những phụ nữ chuyên làm việc ấy, giá không đắt. Các cô này chỉ muốn chứng minh cho mọi người biết vú của các cô ấy rất cao, rất to. Kha cười, nói, thật ra các cô ấy độn vú, vú giả, bên trong toàn là dung dịch nhân tạo. Các cô ấy cứ nghĩ người khác không biết, đòi tôi cho thủ vai chính trong phim. Không biết tại sao tôi rất giận Kha, tôi cho anh ta là một người đàn ông tàn nhẫn.

Thật ra Bob còn sâu sắc hơn ông Kha, Pilison nói.

Tôi giật mình. Tôi nghe ra, Bob còn tàn nhẫn hơn cả Kha.

Bob 4

Pilison và Kha đi lên trước, để Bob đi sau.

Mạch không nhìn Bob, chỉ mải miết đi.

Lòng Bob chợt buồn man mác.

Bob rất nhạy cảm, cho dù lòng anh có những ham muốn vô cùng vô tận. Thái độ của Mạch khiến nơi sâu thẳm của lòng anh thức dậy nỗi nhớ quê hương. Đi trên đường phố, mỗi lần trông thấy những cô gái xinh đẹp, ví dụ như Mạch, các cô gái không nhìn anh, chỉ nhìn về phía trước, bỗng cười phá lên, Bob buồn muốn khóc.

Nhưng lúc này Bob nhìn Mạch, lời lẽ khô cạn, giống như ông già mất nước cơ thể, toàn thân khô khốc.

Anh mong Mạch quay lại nhìn, để anh nói chuyện với cô. Nhưng Mạch vẫn không nhìn, chỉ nghe tiếng chân Mạch. Không nén nổi, Bob nhìn một bên người Mạch, hỏi, Cô đến một mình à?

Mạch không nói gì, cô quay sang nhìn anh, ánh mắt như nói, Như vậy có vấn đề gì đâu.

Bob nghĩ, vì lịch sự, cô sẽ trả lời mình.

Mạch nhìn Kha và Pilison đi phía trước, cô vẫn mải miết đi.

Bob cảm thấy mình lùn đi rất nhiều, chân mềm nhũn. Vào lúc ấy bỗng Mạch lên tiếng, cô nói, Nghe anh Pilison nói, anh viết truyện hay lắm, Kha rất thích.

Bob nói, Có ích gì đâu? Không biết người ta có đầu tư hay không, đầu tư ấy mà, cũng không biết tôi có kiếm được tiền hay không?

Mạch hỏi, Anh viết chuyện gì? Viết chuyện đô thị hay chuyện tình yêu trai gái, hay chuyện riêng tư, chuyện tình cảm mạnh mẽ? Thật ra họ đều học theo Borges(9).

Mạch biết Borges, điều ấy khiến Bob giảm bớt phản ứng sinh lý trực tiếp đối với Mạch. Anh chợt bình tĩnh lại, giống như ánh trăng, mặt hồ bỗng gió lặng sóng yên, thậm chí có cả ánh trăng thu. Nhưng Mạch nhắc đến những tên và loại truyện trên đây khiến Bob không vui, anh không biết nên nói gì. Tất nhiên anh nghĩ, Mạch không biết Derrida, chính cái tên Derrida cho anh làm quen với Mạch. Có một người viết một bài thơ đánh bóng tên tuổi nghe rất buồn cười: vì chúng ta đọc sách, cho nên chúng ta chú ý đến Derrida, vì chúng ta chú ý đến Derrida, cho nên chúng ta họp mặt tại đây.

Derrida không có mối liên hệ nào với Bob, bởi họ bố trí Derrida tham gia các hoạt động tại Bắc Kinh, Bob không nhận được lời mời. Cho dù sau đấy Mạch phát hiện suy nghĩ của Bob giống với suy nghĩ của Derrida. Anh chỉ cười. Derrida đưa cấu trúc vào tư tưởng, còn anh dùng nó vào hành vi.

Bob 5

Mạch vẫn chờ câu trả lời của Bob, cô nhìn anh, vẻ mặt có gì đó rất mơ hồ. Bob hiểu rằng mình đang bị vặn hỏi. Bob không tên tuổi, anh chỉ có tuổi trẻ và tấm thân cao gầy. Trên sân bóng đá, anh mạnh dạn, xông xáo. Hồi học đại học, những sinh viên dân tộc thiểu số và sinh viên nước ngoài đều sợ anh đưa bóng vào khung thành. Sau đấy anh ôm đàn guitar tán chuyện với các cô gái, vào lúc thích hợp, anh đưa tay ra ôm các cô ngồi bên cạnh. Bob cảm thấy những lúc ấy mình rất dịu dàng, nói chuyện với giọng trầm ấm, cánh con gái rất thích giọng nói ấy của Bob. Bob rất biết chăm sóc và cũng rất cởi mở. Bob cũng từng đạt được mục đích. Một nữ sinh viên khoa ngoại ngữ nói, Nghe anh kể chuyện phim, đọc một bài thơ, em không bỏ đi nổi. Bob nói, Vậy bạn nghe tôi hát, nghe tôi đàn chưa? Bob còn trẻ, anh có sức mạnh, thích được giảng giải, anh biết mình có khả năng tạo không khí. Trong không khí đó, trai càng giống trai, gái càng giống gái. Nhưng lúc này anh không gặp may, lang thang, chưa có bất cứ thành công nào, chỉ trừ biết nói chuyện và trên mặt nổi mụn tuổi trẻ, chừng như không có ưu điểm gì. Có lúc anh phát hiện mình có cái tự hào của tuổi trẻ còn chưa bị bỏ lỡ. Nhưng anh nhận ra mình đang dần dần trở thành một người đàn ông có sức công phá mạnh mẽ. Có lúc anh không bằng lòng với mình, nhưng tuổi trẻ tủi hổ và ấm ức dần dần bao trùm ánh mắt sáng ngời của anh.

Đúng vậy, tuổi trẻ tủi hổ và ấm ức.

Mạch nói, Nếu không tiện anh có thể không trả lời, sự hình thành phong cách rất cần sự từng trải.

Bob biết Mạch nói theo sách vở, hơn nữa bắt đầu vận dụng, cô làm người khác phiền lòng chính là những chuyện này. Phong cách là gì? Hơn nữa giọng của Mạch cao giống như của bất cứ người con gái nào, giống như cúi nhìn ai đó. Suy nghĩ của Bob dâng trào. Vậy là anh nói, Phong cách của tôi, hoặc, hình thức của tôi, hoặc ngôn ngữ của tôi, nói thế nào nhỉ, tức là nói, trong mắt tôi, phong cách là gì nhỉ, thật ra không là gì, phong cách nào? Đều là dối trá, cho nên, phong cách của tôi là …

Mạch 4

Tôi như sững sờ, miệng há hốc, không nói được gì, cuối cùng mới nói, từ đâu anh thù hận như vậy?

Đấy không phải thù hận, mà là tình yêu.

Anh thật đáng sợ.

Bob lặng lẽ cười, tiếng cười như mưa giữa trời quang trút lên người tôi, chợt tôi có cảm giác phiền muộn. Tôi không muốn đến với người đàn ông thù hận. Tôi có cái thù hận của tôi, thù hận của tôi không giống với sự thù hận của họ, trong bụng tôi mang đứa con của Bạch Trạch. Tôi phải tìm cách để sinh nó.

Nhưng vào lúc tôi muốn nói lời chào Bob rồi sau đấy đi về hướng của mình, bỗng Kha đi trước quay lại, tôi giật mình. Vì tôi thấy cái đũng quần của Kha bị thủng một lỗ, để lộ ra một góc quần lót. Kha mặc quần lót màu đỏ. Bob cũng trông thấy, anh ta cười, nói, Anh Kha ơi, quần rách rồi đấy!

Kha nhìn tôi, quay người lại, tỏ ra rất ngượng. Anh nói, Ôi, đúng vậy, năm nay là năm tuổi của tôi, cho nên tôi mặc màu đỏ. Cô thấy đấy, một người hai mươi bốn tuổi, nếu không thành công trong công việc thì thà chết đi còn hơn.

Kha lại nói, Vừa rồi tôi đi đằng trước nghe anh nói với Mạch, tất cả đều là lừa đảo, thật ra Bob này, chuyện của anh không đơn giản vậy đâu. Tôi thấy anh thích thú với những kẻ lừa đảo dưới ngòi bút của anh. Đối với con gái, anh tỏ ra dịu dàng, dưới ngòi bút của anh, nắng trải trên mái tóc, trên khuôn mặt các cô gái. Anh là một người lãng mạn, nhưng tại sao lại khái quát và biểu đạt một cách cực đoan như vậy?

Bob nói, Đợi anh thành lập đoàn làm phim, tôi sẽ không cực đoan nữa. Tôi muốn tắm nước nóng, bằng không, tôi muốn cho nổ tung, kể cả Đại sứ quán Pháp.

Pilison nói, Lúc này không phải là lúc nói đùa, phần tử khủng bố đang gây tội ác, nước Mỹ vừa bị nổ tung, vậy mà anh còn đùa.

Bob nói, Tôi không đùa, nhiều lúc tôi muốn cho nổ tung mọi thứ, tôi nghèo quá.

Tôi nói, Lúc này đùa như vậy rất dễ dẫn đến phiền toái.

Bob nhìn tôi, ánh mắt long lanh. Anh nói, Nhưng tôi không nói đùa.

Kha nói, Nếu tôi là anh, sẽ sửa lại kịch bản “Phố Trường An”. Bob nói, Anh chưa trả tôi đồng nào, tôi không có cách nào sửa chữa, đừng nói gì đến điện ảnh trên mặt đất mà ngay cả điện ảnh trên trời cũng không chịu nổi.

Kha nghiêm giọng, nói, Anh Bob, có lúc, cảm giác nào đấy, anh không thể mua được bằng tiền.

Bob 6

Mạch vẫn đi bên Bob. Bob nhớ lại điều mình nói vừa rồi, đoán chừng mình đã nắm được ít nhiều. Dựa vào những điều vừa nói, liệu anh có thể rủ Mạch đến một nơi nào đó không? Chỉ hai người, không có Kha và Pilison.

Nhưng đã đến quán bar Harry Potter. Anh nghĩ mọi khả năng chỉ có thể sắp xếp sau khi ở bar này ra. Vậy cần bao nhiêu thời gian? Anh sẽ đưa Mạch đến đâu? Một khi vớ được một cô gái gọi là trí thức này phải làm cho đã đời, làm không thương tiếc. Anh nhớ đến cái bình sứ vừa rồi, thoáng nhìn cứ ngỡ là mấy chục nghìn, thực tế chỉ mấy trăm là có thể mua được.

Tuy vậy, tất cả chỉ là ý nghĩ. Mạch vẫn giữ thái độ lạnh nhạt với anh. Cô thấy anh như một người xa lạ, một người xa lạ mà cô không muốn đến gần. Cô biết Borges, cô còn suy nghĩ đến Derrida. Những ngày tiếp theo, Bob nhiều lần nghe thấy tiếng rên của cô phát ra dưới cơ thể anh, anh nghĩ bụng, nữ trí thức có gì khác với những cô gái điếm mà anh vẫn tìm đến? Sự khác nhau của họ ở đâu? Vì Mạch trong thế giới của Bob là một cô gái kì lạ. Lúc cô chưa xuất hiện dường như anh đã suy nghĩ đến cô, thậm chí khi cô xuất hiện và cả khi đã có đủ thứ quan hệ với anh, anh cảm thấy tất cả đều đã xuất hiện từ lâu, từ thời niên thiếu khi còn chưa vỡ giọng.

Pilison bước vào trước, Bob nghĩ: Người Pháp mà bé thế ư, nhất định anh ta không thuần chủng.

Bob rất bản năng để Mạch bước vào trước, nhưng Mạch có vẻ chần chừ. Bỗng cô nói với Bob, Em không vào đâu, các anh vào đi. Em còn có việc.

Nói xong, cô không nhìn Bob, cứ vậy quay người bỏ đi.

Bob hoàn toàn không nghĩ Mạch lại như thế, anh rất ngạc nhiên. Trông theo cặp mông của cô, máu trong người anh như sôi lên. Anh cảm thấy thời cơ đã đến.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button