Tiểu thuyết - ngôn tình

Giai Điệu Tử Thần

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Jeffery Deaver

Download sách Giai Điệu Tử Thần ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Tiểu thuyết – Ngôn tình

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                       Xem giá bán

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Kathryn Dance, ngoài vai trò là đặc vụ Cục Điều tra California, CBI, cô còn là chuyên gia về nhạc đồng quê. Trong một lần đến Fresno gặp gỡ Kayleigh Towne, nữ ca sĩ nhạc đồng quê trẻ tuổi nhưng vô cùng nổi tiếng, Dance đã vô tình vướng vào vụ án giết người man rợ.

Sự việc bắt đầu khi Kayleigh liên tục bị một fan cuồng theo dõi và gây rắc rối. Rồi mọi chuyện trở nên nghiêm trọng khi hàng loạt các nạn nhân có mối quan hệ với cô liên tục bị sát hại bằng hung khí duy nhất: LỬA. Trước khi thiêu cháy nạn nhân, hung thủ đều cho phát một đoạn từ các bài hát do chính Kayleigh sáng tác và biểu diễn.

Hung thủ thật sự trong mớ bòng bong những bí mật, âm mưu và dối trá này liệu có phải là ẨN SỐ? “Giai điệu tử thần” với nhiều nút thắt mở hấp dẫn, căng thẳng, chắc chắn sẽ làm hài lòng các fan của Jeffery Deaver!

ĐỌC THỬ

CHƯƠNG 1

TRUNG TÂM CỦA một nhà hát chính là khán giả.

Và khi không gian khổng lồ chìm trong bóng tối lờ mờ, trống trải, như không gian lúc này, một nơi gặp gỡ có thể tràn ngập sự nôn nóng và lãnh đạm.

Thậm chí thù địch.

Thôi. Tưởng tượng thế đủ rồi, Kayleigh Towne tự nhủ. Đừng cư xử như con nít nữa đi. Đứng trên sân khấu rộng rãi, đã trầy xước của sảnh chính Trung tâm Hội nghị Fresno, cô nhìn bao quát nơi này một lần nữa, đánh giá công tác chuẩn bị cho buổi hòa nhạc vào thứ Sáu bằng cái nhìn khắt khe điển hình, cân nhắc thật kỹ các chuyển động của ánh sáng và sân khấu, các nhạc công dàn nhạc nên đứng và ngồi ở chỗ nào. Chỗ nào có thể bước ra ngoài tránh khỏi đám đông, nhưng vẫn đủ gần để chạm tay và hôn gió. Chỗ nào có độ vang âm tốt nhất để đặt các thùng loa monitor* – ở vị trí quay về phía dàn nhạc để họ có thể nghe thấy tiếng nhạc mình chơi mà không lẫn tiếng vọng và nhiễu âm. Nhiều nghệ sĩ trình diễn bây giờ sử dụng tai nghe gắn trong vì mục đích này. Kayleigh lại thích sự sống động của các loa monitor truyền thống.

Dễ phải tính đến hàng trăm chi tiết khác. Cô tin rằng mọi màn trình diễn phải đạt đến sự hoàn hảo, hơn cả hoàn hảo. Mỗi khán giả xứng đáng được hưởng thứ âm nhạc đỉnh cao nhất. Một trăm phần trăm.

Rốt cuộc cô đã lớn lên dưới cái bóng của Bishop Towne.

Kayleigh giờ mới nghĩ lại, đó là cách dùng từ không ổn.

Ta sẽ là cái bóng của em. Mãi mãi…

Quay lại với kế hoạch. Sô diễn này phải khác biệt với sô diễn trước cũng tại đây, khoảng tám tháng trước. Một chương trình được làm mới là điều cực kỳ quan trọng, vì fan hâm mộ hẳn đã quá quen với các sô diễn của cô tại quê nhà. Cô muốn chắc chắn sẽ dành cho họ sự bất ngờ. Có điều cần phải nói về âm nhạc của Kayleigh, khán thính giả của cô không đông đảo như các nghệ sĩ khác, nhưng lại rất trung thành với cô như những chú cún lông vàng. Họ thuộc hết lời bài hát của cô, hiểu cách cô chơi guitar, biết cách cô di chuyển trên sân khấu, cười tán thưởng phong cách của cô trước khi hát hết bài. Những màn trình diễn của cô là điều vô cùng quan trọng với họ, họ lắng nghe như nuốt lấy những lời hát của cô, hiểu biết tiểu sử của cô, những gì cô thích và không thích.

Và một số kẻ muốn biết nhiều hơn thế…

Nghĩ đến đây, ruột gan cô thắt lại, hệt như khi cô bước xuống hồ Hensley vào tháng Một.

Nghĩ về nó, dĩ nhiên rồi.

Tiếp theo cô thấy tê liệt, thở hổn hển. Phải rồi, kẻ nào đó đang theo dõi cô từ phía xa sảnh chính! Không ai trong nhóm của cô đứng đấy cả.

Những cái bóng đang di chuyển.

Hay cô chỉ tưởng tượng ra thế? Hay có thể do thị lực của cô? Kayleigh được trời phú cho chất giọng cao hoàn hảo, ngọt ngào như thiên thần, nhưng Thượng Đế cũng quyết rằng ưu ái thêm cho thị lực của cô nữa thì chỉ có hại. Cô liếc mắt và điều chỉnh cặp kính. Cô chắc chắn rằng có ai đó đang trốn, đang đi tới đi lui nơi ngưỡng cửa vào kho bảo quản của quầy phục vụ tại nhà hát.

Rồi chuyển động ngưng lại.

Cô dám chắc đó không phải một chuyển động, không bao giờ là chuyển động. Chỉ là một vệt sáng, một cái bóng.

Dù xung quanh tĩnh lặng, cô vẫn nghe thấy một hàng rên rỉ, răng rắc và lách cách khó chịu – không biết phát ra từ đâu – cảm thấy cơn ớn lạnh kinh hoàng chạy dọc sống lưng.

Là nó…

Kẻ đã gửi cho cô hàng trăm bức thư điện tử, thư tay với nội dung thân mật, phỉnh phờ về cuộc sống họ có thể chia sẻ với nhau. Hắn hỏi xin một sợi tóc, một mẩu móng tay cô cắt ra. Kẻ bằng cách nào đó đã tiếp cận cô đủ gần trong hàng tá sô diễn, chụp Kayleigh những bức cận cảnh, nhưng không một ai trông thấy hắn. Có khả năng hắn – cho dù chưa bao giờ được chứng minh – đã lẻn vào trong các xe buýt của dàn nhạc, xe mô tô lưu động và thó các phụ kiện quần áo của cô, kể cả đồ lót.

Kẻ đã từng gửi cho cô hàng tá ảnh chụp chính hắn: mái tóc bờm xờm, béo mập, quần áo hắn mặc có vẻ như lâu rồi không giặt. Không bao giờ là ảnh khiêu dâm, nhưng lạ ở chỗ, vì chúng suồng sã đến thế nên càng gây khó chịu hơn nhiều. Kiểu những bức hình trong tin nhắn một người bạn trai sẽ gửi về cho cô từ một chuyến du lịch.

Là nó…

Cha cô gần đây đã thuê một vệ sĩ riêng. Anh ta có khổ người cao lớn cùng cái đầu hình viên đạn. Một sợi dây xoắn thi thoảng lộ ra từ một bên tai cho thấy rõ nhiệm vụ của anh ta là gì. Nhưng lúc này Darthur Morgan đang ở ngoài kia, đi tuần xung quanh và kiểm tra xe cộ. Kế hoạch bảo vệ của anh ta gồm có một chi tiết tinh tế: Anh ta chỉ cần chường mặt ra để những kẻ rình mò phải nản chí quay bước thay vì đối đầu với một kẻ nặng một trăm mười ba cân trông như nghệ sĩ nhạc rap, cộng thêm thái độ (rõ ràng anh ta đã tôi luyện nó từ những năm tháng vị thành niên).

Cô đảo mắt lần nữa qua những hốc tối của sảnh chính – nơi thuận lợi nhất hắn có thể đứng và theo dõi cô. Nghiến chặt răng trong cơn giận dữ vì đã sợ hãi, gần như không thể kiềm chế cảm giác khó chịu và quẫn trí, cô nghĩ, Quay.Lại.Với.Công.Việc.Thôi.

Mày còn lo lắng cái gì? Mày không ở đây một mình. Ban nhạc tuy vẫn chưa vào thành phố – họ đang hoàn thiện nốt mấy việc tại phòng thu ở Nashville – nhưng Bobby đang ngồi cạnh dàn điều khiển âm thanh Midas XL8 đồ sộ chiếm trọn chiếc bàn điều khiển phía sau sảnh chính, cách đó sáu mươi mét. Alicia đang sắp xếp lại các phòng diễn tập. Hai anh chàng lực lưỡng trong đội kỹ thuật đường phố của Bobby đang dỡ đồ phía sau xe tải xuống, lắp ráp và sắp xếp hàng trăm thùng, công cụ, đồ dùng biểu diễn, các tấm gỗ dán, giá đỡ, dây nhợ, ampli, linh kiện, máy tính và dụng cụ chỉnh âm – hàng tấn thiết bị mà ngay cả những ban nhạc lưu diễn khiêm tốn như của Kayleigh cũng cần.

Cô cho rằng một trong số họ có thể lao đến chỗ cô, nếu nguồn gốc cái bóng kia chính là hắn.

Khốn thật, thôi cái chuyện kêu nó thay vì kêu hắn đi. Nó, nó, nó, như thể mày sợ đến nỗi không dám nêu tên hắn ra. Như thể thốt ra câu đó đủ khiến hắn xuất hiện vậy.

Cô cũng có không ít fan cuồng bị ám ảnh, nhiều là đằng khác – ca sĩ, nhạc sĩ tuyệt vời, với chất giọng như thiên thần nào mà chẳng có vài kẻ hâm mộ không bình thường? Cô nhận được mười hai lời cầu hôn từ những người đàn ông cô chưa từng gặp, ba lời cầu hôn từ phụ nữ. Một tá cặp vợ chồng muốn nhận cô làm con nuôi, ba mươi hay nhiều hơn thế những cô bé tuổi teen muốn trở thành bạn thân nhất của cô, cả nghìn người đàn ông muốn mời cô đi uống nước, ăn tối tại quán Bob Evans hay Mandarin Oriental… và bao nhiêu lời mời dự một đêm tiệc cưới, mà không phải khó chịu vì những bất tiện của đám cưới. Này Kayleigh, hãy suy nghĩ về nó nhé, vì tôi sẽ dành cho em niềm vui mà em chưa từng được hưởng, nhân tiện tôi có một bức ảnh về những gì em có thể trông đợi, thực sự đây là tôi đây, không tồi chứ hả?

(Thật là một ý tưởng rất ngu xuẩn khi gửi một bức ảnh như thế cho đứa bé mười bảy tuổi, lứa tuổi của Kayleigh thời điểm đó. Nhân với chả tiện).

Thông thường, cô tỏ ra vui vẻ một cách có chừng mực khi được chú ý. Nhưng luôn luôn và nhất định không phải bây giờ. Kayleigh thấy mình đang lôi cái áo khoác denim khỏi chiếc ghế gần đó và mặc ra ngoài sơ mi, thêm một lớp rào cản trước bất kỳ con mắt soi mói nào. Bất chấp cái nóng tháng Chín đặc trưng của Fresno, điều đó vẫn lấp đầy nơi ảm đạm này.

Và thêm nhiều tiếng lách cách, răng rắc chẳng hiểu từ đâu phát ra.

“Kayleigh?”

Cô quay phắt lại, cố che giấu việc mình khẽ nhảy dựng lên dù nhận ra giọng nói ấy.

Một người phụ nữ, khổ người đậm và rắn rỏi, khoảng ba mươi tuổi, dừng bước giữa chừng khi đi ngang qua sân khấu. Chị ta có mái tóc đỏ cắt ngắn, với mấy vết mực xăm mờ trên hai cánh tay, để lộ một phần vai và xương sống nhờ mặc chiếc áo hai dây thon thả, chiếc quần jean màu đen bó sát, ôm hông. Đôi ủng cao bồi vui mắt. “Không có ý làm cô sợ đâu. Cô ổn không?”

“Tôi không sao đâu. Chuyện gì thế?”, cô hỏi Alicia Sessions.

Chị ta hất đầu về phía chiếc iPad đang mang theo. “Những thứ này vừa đến. Bản in thử các poster mới? Nếu hôm nay mang tới nhà in, nhất định chúng ta sẽ có bản hoàn chỉnh cho buổi diễn. Xem có OK không nhé?”

Kayleigh cúi xuống màn hình và xem xét. Âm nhạc ngày nay chỉ một phần là về âm nhạc, dĩ nhiên. Cô cho rằng có lẽ đã luôn là thế, nhưng dường như khi cô càng nổi tiếng, khía cạnh kinh doanh trong sự nghiệp của cô càng ngốn nhiều thời gian hơn trước kia. Cô không còn quan tâm nhiều đến các vấn đề này, mà nói chung cô chẳng cần làm thế. Cha là người quản lý của cô. Alicia phụ trách sổ sách và lên kế hoạch mỗi ngày. Các luật sư đọc hợp đồng, công ty thu âm tiến hành dàn xếp với các phòng thu, các công ty sản xuất đĩa hát, các đại lý bán lẻ và tải nhạc, nhà sản xuất đồng thời là bạn cũ lâu năm của cô tại Hãng Thu âm BHRC Records, Barry Zeigler, lo các vấn đề kỹ thuật trong bố trí và sản xuất, Bobby và nhóm của anh ta lo dàn dựng và điều hành các sô diễn.

Nhờ thế Kayleigh Towne có thể yên tâm làm việc cô giỏi nhất – viết nhạc rồi hát.

Dẫu vậy, vấn đề kinh doanh cô hứng thú chắc chắn là các fan hâm mộ – nhiều người trong số họ còn trẻ hoặc không có nhiều tiền – có thể mua các món đồ lưu niệm rẻ nhưng khá tươm, nhờ thế đêm hòa nhạc trở nên đặc biệt hơn nhiều. Các tấm poster như tấm này, rồi áo sơ mi, móc chìa khóa, vòng tay, vòng xuyến, các cuốn hợp âm guitar, băng đô, ba lô v.v… cốc cà phê cho những bà mẹ, ông bố đang lái xe dẫn theo trẻ em đến xem sô diễn rồi ra về, và dĩ nhiên là thường xuyên mua vé nữa.

Cô nghiên cứu các bản in thử. Hình chụp cô với chiếc guitar Martin ưa thích – kích cỡ nhỏ hơn, không phải dáng D*, model 000-18, mặt guitar làm bằng gỗ cây vân sam ngả vàng, khô giòn, cổ xưa và có độ ngân rung riêng. Bức ảnh chính là tấm hình nằm trên bìa album mới nhất của cô – Your Shadow.

Nó…

Không, đừng.

Một lần nữa, đôi mắt quét qua các cửa ra vào.

“Cô chắc là mình không sao đấy chứ?”, Alicia hỏi, giọng hơi mang âm hưởng Texas.

“Vâng.” Kayleigh quay lại với những bản in thử poster, mang tất cả đặc điểm của tấm ảnh tương tự dù hình thức, các tin nhắn và phông nền có khác. Ảnh của cô được chụp chính diện, chân thật đến mức như cô đang ngắm chính mình: Chiều cao một mét năm mươi bảy – lùn hơn mức cô hẳn sẽ thích, khuôn mặt hơi dài, nhưng đôi mắt xanh đẹp thì mê hồn, hai hàng lông mi cong và đôi môi đỏ mọng, mà một số phóng viên cho rằng cô dùng son môi collagen. Như thể… Mái tóc vàng làm nên thương hiệu của cô, dài khoảng một mét hai – ôi không, cô không cắt mà chỉ tỉa gọn suốt mười năm bốn tháng – suôn dài trong làn gió nhẹ giả tạo từ chiếc quạt gió của tay thợ nhiếp ảnh. Chiếc quần jean thiết kế và áo choàng màu đỏ sẫm cổ cao. Một thánh giá nhỏ bằng kim cương.

“Con nên dành cho các fan hâm mộ một chương trình”, Bishop Towne luôn luôn nói. “Ý bố là về mặt hình ảnh. Các tiêu chuẩn giữa nam và nữ không giống nhau. Con vướng vào rắc rối và phủ nhận nó.” Ý ông là trong thế giới nhạc đồng quê, đàn ông có thể xoay xở tốt như hình ảnh của chính Bishop: cái bụng phệ, gương mặt râu ria lởm chởm, đầy nếp nhăn vì thuốc lá đi đôi khó hiểu với chiếc sơ mi cứng quèo, nhàu nhĩ, đôi ủng đã mòn xơ và chiếc quần jean bạc phếch. Còn đối với nữ ca sĩ, ông giảng giải – dù ông thực sự định nói từ “cô gái” – phải tập hợp lại cho một buổi hẹn đêm. Và trong trường hợp của Kayleigh, có nghĩa là một buổi tụ họp ở nhà thờ, dĩ nhiên cô đã xây dựng sự nghiệp của mình phỏng theo hình tượng thiếu nữ ngoan hiền nhà hàng xóm. Chắc chắn quần jean có thể bó sát một chút, những áo choàng và áo len dài tay bó sát bộ ngực tròn lẳn, nhưng đường viền cổ áo thì cao. Trang điểm tinh tế và có xu hướng chọn tông màu hồng.

“Cứ thế đi.”

“Tuyệt.” Alicia tắt máy. “Tôi vẫn chưa được sự đồng ý của cha cô.”

“Ổn mà”, cô ca sĩ trấn an chị ta, hất đầu về phía chiếc iPad.

“Chắc rồi. Tôi sẽ chỉ mang đến giải thích với ông ấy thôi. Cô biết đấy.”

Bỗng Kayleigh ngừng lại rồi tiếp lời, “Được thôi”.

“Âm thanh ở đây tốt chưa?”, Alicia hỏi, bản thân chị ta cũng là một nghệ sĩ trình diễn, chị ta có chất giọng cũng như tình yêu với âm nhạc. Điều này giải thích lý do tại sao chị ta nhận làm việc cho một người như Kayleigh Towne, trong khi người phụ nữ có năng lực, thẳng thắn này có thể kiếm được thù lao nhiều gấp đôi một trợ lý riêng cho giám đốc điều hành doanh nghiệp. Chị ta đã ký hợp đồng vào mùa xuân năm ngoái, nhưng chưa một lần nghe ban nhạc chơi tại đây.

“À, âm thanh tuyệt lắm”, Kayleigh hăng hái đáp, mắt liếc nhìn các bức tường bê tông xấu xí. “Chị sẽ không tưởng tượng được đâu.” Cô giải thích cách các nhà thiết kế nơi này từ những năm 1960 đã làm việc ra sao; quá nhiều nhà hát – ngay cả những nhà hát tinh tế dành riêng cho nhạc cổ điển – đều được hoàn thành dưới bàn tay những người không tin tưởng khả năng của nhạc cụ, giọng hát có thể vọng đến nơi xa nhất bằng “âm lượng trực tiếp”, tức là âm thanh bắt nguồn từ sân khấu. Các kiến trúc sư sẽ thêm các bề mặt góc cạnh, các hình khối độc lập nhằm tăng âm lượng của âm nhạc, kèm theo đó là truyền rung chấn ra hàng triệu hướng khác nhau. Lối kiến trúc này gây ra cơn ác mộng về âm thanh ở từng nghệ sĩ trình diễn, trên thực tế tiếng vọng cứ dội đi dội lại tạo nên các âm thanh lộn xộn, thậm chí đôi khi còn lạc điệu.

Kayleigh giải thích cho Alicia như cha cô đã làm với cô, ở Fresno hiện đại này, các nhà thiết kế tin tưởng vào cường độ, độ trong của giọng hát, của mặt trống, màn hướng âm, nhạc cụ bộ hơi và bộ dây. Cô vừa định đề nghị chị trợ lý cùng song ca đoạn điệp khúc thuộc một trong số những ca khúc của mình nhằm chứng minh cho quan điểm vừa rồi – Alicia hòa ca rất tuyệt – thì để ý ánh mắt chị ta hướng về phía sau sảnh chính. Cô cho rằng cô nàng này đã chán nghe màn thảo luận khoa học. Nhưng ánh mắt khó chịu cho thấy chị ta đang nghĩ về chuyện khác.

“Gì thế?”, Kayleigh hỏi.

“Không phải chỉ có chúng ta và Bobby thôi sao?”

“Ý chị là sao?”

“Tôi nghĩ mình trông thấy ai đó.” Chị ta giơ một ngón tay có móng sơn đen. “Cái ngưỡng cửa đó. Đằng kia kìa.”

Đúng ngay chỗ Kayleigh đã nghĩ mình trông thấy cái bóng mười phút trước.

Hai lòng bàn tay đổ mồ hôi, lơ đãng sờ thấy điện thoại của mình, Kayleigh nhìn chằm chằm những hình dáng đang thay đổi phía sau sảnh chính.

Đúng… hay không. Cô đơn giản không thể nói.

Rồi nhún đôi vai rộng, một bên lộ ra hình xăm con rắn màu đỏ và xanh dương, Alicia nói, “Hừm. Tôi không nghĩ vậy đâu. Dù là gì chăng nữa thì nó cũng đi rồi… Okay, gặp cô sau nhé. Tại nhà hàng lúc một giờ chứ?”

“Vâng, chắc rồi.”

Kayleigh lơ đãng lắng nghe tiếng đôi bốt nện khi chị ta đi khỏi, mắt vẫn nhìn trừng trừng các ngưỡng cửa đen ngòm.

Giận dữ, bất chợt cô thì thầm, “Edwin Sharp”.

Mày đã nói ra tên hắn rồi.

“Edwin, Edwin, Edwin.”

Giờ thì tao gọi mày hiện lên rồi, nghe đây: Cút ra khỏi nhà hát của tao! Tao còn việc phải làm.

Nói rồi cô quay mặt khỏi ngưỡng cửa mở toang, đầy bóng tối, nơi mà chắc chắn không có ai liếc mắt đểu cáng về phía cô. Cô bước về phía sân khấu trung tâm, nhìn lên dải băng che lớp gỗ đầy bụi, phác ra trong đầu các điểm khác nhau mà mình sẽ đứng trong buổi hòa nhạc.

Đó là lúc cô nghe thấy một giọng đàn ông đang gào lên từ phía sau sảnh chính. “Kayleigh!” Giọng của Bobby, đang đứng lên từ phía sau dàn âm thanh, xô đổ cái ghế rồi giật bộ tai nghe vỏ cứng xuống. Một tay anh vẫy về phía cô, tay kia chỉ vào chỗ phía trên đầu cô. “Coi chừng!…. Không. Kayleigh!”

Cô ngước mắt lên rất nhanh, thấy một trong những dãy đèn đa mạch – thiết bị chiếu sáng Colortran cao hai mét – đang rơi tự do khỏi giá lắp, đu đưa về phía sân khấu trên một dây cáp điện dày.

Lùi lại theo bản năng, cô vấp phải một giá đỡ guitar mà cô không nhớ nó ở sau lưng mình.

Cô ngã nhào, hai cánh tay khua khoắng, thở dốc…

Người phụ nữ ngã xuống sân khấu một cú rất mạnh, bằng xương cụt. Dãy đèn khổng lồ đang rơi thẳng xuống chỗ cô, một quả lắc chết người, ngày càng to hơn. Cô tuyệt vọng muốn đứng lên nhưng lại ngã xuống, lóa mắt trước những chùm sáng chói gắt từ các bóng đèn hàng nghìn watt chặn đường.

Rồi mọi thứ đen kịt.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button