Tác GiảTác giả

Nguyễn Nhật Ánh – Nhà văn của tuổi thơ

tac gia nguyen nhat anh 2

Sinh7 tháng 5, 1955 (61 tuổi)
An Mỹ , Bình An , Thăng Bình, Quảng Nam
Bút danhNguyễn Nhật Ánh
Công việcNhà văn
Quốc giaViệt Nam
Dân tộcKinh
Quốc tịchViệt Nam
Giai đoạn sáng tác1986-nay
Thể loạiTruyện thiếu nhi
Tác phẩm nổi bật
  • Kính vạn hoa
  • Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
  • Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Giải thưởng nổi bậtGiải thưởng văn học ASEAN 2010
Nguyễn Nhật Ánh là một trong những nhà văn nổi tiếng tại Việt Nam, sinh năm 1955 tại Quảng Nam. Ông chuyên viết về đề tài thiếu nhi, tuổi mới lớn. Nguyễn Nhật Ánh từng được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 40 năm liên tiếp (1975-2015). Nếu khảo sát thêm 20 mươi năm nữa (từ 2015 đến 2035) có thể Nguyễn Nhật Ánh vẫn là một trong những nhà văn được yêu thích nhất.

Cuộc đời và sự nghiệp

Thuở nhỏ Nguyễn Nhật Ánh  theo học tại các trường Tiểu La, Trần Cao Vân và Phan Chu Trinh. Từ  năm 1973 Nguyễn Nhật Ánh chuyển vào sống tại Sài Gòn để theo học ngành sư phạm. Ông  từng đi Thanh niên xung phong,  từng dạy Văn tại trường THCS Bình Tây (Quận 6) từ năm 1983 đến năm 1985.

Nguyễn Nhật Ánh viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi và hiện nay là bình luận viên thể thao trên báo “Sài Gòn Giải Phóng Chủ nhật” với bút danh là Chu Đình Ngạn. Ngoài ra, ông còn có những bút danh khác như Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông,…

Năm 13 tuổi Nguyễn Nhật Ánh  đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên in thành sách là một tập thơ: Thành phố tháng tư, Nhà xuất bản Tác phẩm mới 1984 (in chung với Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm Trước vòng chung kết (Nhà xuất bản Măng Non, 1984). Hai mươi năm trở lại đây, ông tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác về đề tài thanh thiếu niên.

Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lãnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).

tac gia nguyen nhat anh anh 2

Năm 1998 ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải cho nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng. Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam.

Năm 2004, Nguyễn Nhật Ánh kí hợp đồng với Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục cho xuất bản bộ truyện dài gồm 28 tập mang tên Chuyện xứ Langbiang nói về hai cậu bé lạc vào thế giới phù thủy. Đây là lần đầu tiên ông viết một bộ truyện hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng. Vì vậy, để chuẩn bị cho tác phẩm này, ông đã phải mất 6 tháng nghiên cứu tài liệu và đọc sách báo liên quan như Phù thủy và Pháp sư, Các huyền thoại phương Đông, Ma thuật và thuật phù thủy…

Sau Chuyện xứ Langbiang, tác phẩm tiếp theo của ông là bút kí của một chú Cún có tên Tôi là Bêtô.

Năm 2008, ông cho ra đời tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, được báo Người Lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008.

Năm 2012, Nguyễn Nhật Ánh cho ra mắt truyện dài Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Các tác phẩm ra đời gần đây nhất là Ngồi khóc trên cây (6/2013), Chúc một ngày tốt lành(3/2014), Bảy bước tới mùa hè (3/2015) và Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (xuất bản ngày 28 tháng 2 năm 2016).


Tác phẩm

  • Thành phố tháng tư (thơ, in chung với Lê Thị Kim, 1984)
  • Trước vòng chung kết (truyện dài, 1984)
  • Cú phạt đền (truyện ngắn, 1985)
  • Đầu xuân ra sông giặt áo (thơ, 1986)
  • Trò chơi lãng mạn của tình yêu (tập truyện, 1987)
  • Chuyện cổ tích dành cho người lớn (tập truyện, 1987)
  • Bàn có năm chỗ ngồi (truyện dài, 1987)
  • Còn chút gì để nhớ (truyện dài, 1988)
  • Bí mật của một võ sĩ (tập truyện, 1989)
  • Cô gái đến từ hôm qua (truyện dài, 1989)
  • Chú bé rắc rối (truyện dài, 1989)
  • Nữ sinh (truyện dài, 1989)
  • Thiên thần nhỏ của tôi (truyện dài, 1990)
  • Phòng trọ ba người (truyện dài, 1990)
  • Mắt biếc (truyện dài, 1990)
  • Thằng quỷ nhỏ (truyện dài, 1990)
  • Hoa hồng xứ khác (truyện dài, 1991)
  • Hạ đỏ (truyện dài, 1991)
  • Bong bóng lên trời (truyện dài, 1991)
  • Bồ câu không đưa thư (truyện dài, 1993)
  • Những chàng trai xấu tính (truyện dài, 1993)
  • Tứ tuyệt cho nàng (thơ, 1994)
  • Lễ hội của đêm đen (thơ, 1994)
  • Trại hoa Vàng (truyện dài, 1994)
  • Út Quyên và tôi (tập truyện ngắn, 1995)
  • Đi qua hoa cúc (truyện dài, 1995)
  • Buổi chiều Windows (truyện dài, 1995)
  • Quán Gò đi lên (truyện dài, 4/12/1999)
  • Những cô em gái (truyện dài, 7/5/2000)
  • Ngôi trường mọi khi
  • Kính vạn hoa (bộ truyện 54 tập, 1995-2002: 45 tập, 9 tập viết thêm sau)
  • Chuyện xứ Lang Biang (bộ truyện 4 phần, 2004-2006)
  • Tôi là Bêtô (truyện, 4/4/2007)
  • Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (truyện, 1/2008)
  • Đảo mộng mơ (truyện, 21/10/2009)
  • Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (truyện dài, 24/10/2010)
  • Lá nằm trong lá (truyện dài, 24/9/2011)
  • Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ (truyện dài, 6/2012)
  • Sương khói quê nhà (tạp văn, 2012)
  • Người Quảng đi ăn mì Quảng (tạp văn, 2012)
  • Ngồi khóc trên cây (truyện dài, 27/6/2013)
  • Thương nhớ Trà Long (tạp văn 2014)
  • Chúc một ngày tốt lành (truyện dài, 6/3/2014)
  • Bảy bước tới mùa hè (truyện dài, 1/3/2015)
  • Chú chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (truyện dài, 28/2/2016)

Các bạn có thể tải ebook các quyển sách nêu trên tại đây : Trọn bộ Nguyễn Nhật Ánh


Chuyển thể

Một số tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đã được chuyển thể vào điện ảnh:

Áo trắng sân trường (phim): phim chiếu năm 1990, dựa trên truyện dài nữ sinh năm 1989

Kính vạn hoa (phim): 2004 TFS, dựa trên Kính vạn hoa (truyện)

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (phim): phim 2015


Cảm nhận

Truyện Nguyễn Nhật Ánh không có cấu trúc tự sự phức tạp. Do viết cho thiếu nhi và tuổi mới lớn nên nội dung kể được chú ý hơn cách kể. Nguyễn Nhật Ánh cũng hiếm khi tạo ra những vai kể khác thường mang đậm tính ẩn dụ (kiểu như bào thai, người điên, con người tí hon… đóng vai trò kể chuyện trong nhiều tiểu thuyết dành cho người lớn). Trong truyện Nguyễn Nhật Ánh, người kể chuyện hoặc là tác giả ẩn tàng (kể chuyện từ ngôi thứ ba), hoặc là tác giả hiển thị (một người kể chuyện trong vai nhà văn, xưng tôi) – đều là hình tượng của chính tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Đặc biệt, nhà văn thường chọn cách kể từ ngôi thứ nhất- người kể chuyện  “tôi”, khiến cho truyện Nguyễn Nhật Ánh có tính chất hồi ức. Ngay cả khi người kể là một nhân vật “tôi” được trao quyền kể chuyện (tôi có khi là các em nhỏ, các cô bé cậu bé tuổi mới lớn như thằng Thiều trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, thi sĩ Cỏ Phong Sương trong Lá nằm trong lá; có khi là chú chó Bêtô kể về thế giới ngộ nghĩnh của các chú cún trong Tôi là Bêtô …) thì thấp thoáng đằng sau những cái “tôi” ấy vẫn là bóng dáng của nhà văn. Tác giả như đã hóa thân vào thế giới trẻ thơ, nhìn vạn vật bằng cái nhìn của trẻ thơ, thậm chí như sống cùng với các em nhỏ để rồi kể chuyện về thiếu nhi cho chính thiếu nhi. Nguyễn Nhật Ánh được coi như là người kể chuyện mang điểm nhìn trẻ thơ, và trở thành người kể chuyện của thiếu nhi chính bởi sự hóa thân, nhập vai khéo léo này.

Dẫu không quá chú ý đến cách kể, đến kĩ thuật dựng truyện, Nguyễn Nhật Ánh vẫn có một “nghệ thuật” kể chuyện riêng. Cái hấp dẫn, cái “duyên” của truyện Nguyễn Nhật Ánh chủ yếu nhờ vào sự hồn nhiên, tươi tắn ở ngôn ngữ, giọng điệu trần thuật. Thông qua những trang văn dí dỏm với những chi tiết, tình huống bất ngờ, thú vị, Nguyễn Nhật Ánh đã làm sống dậy một “miền tuổi thơ” đáng yêu, đáng nhớ trong cuộc đời của mỗi người. Đây là lí do khiến không chỉ thiếu nhi mà người lớn cũng yêu thích truyện Nguyễn Nhật Ánh.

tac gia nguyen nhat anh anh 1Sức hút của truyện Nguyễn Nhật Ánh còn nằm ở ngôn ngữ, giọng điệu trẻ thơ. Trong nhiều tác phẩm, ngôn ngữ truyện kể là thứ ngôn ngữ của trẻ con, mà “đối với người lớn thì ngôn ngữ trẻ con cũng giống như một thứ ngoại ngữ”. Các chú chó Binô và Bêtô trong Tôi là Bêtô đã tìm cách cắt nghĩa cách nói lạ lùng của cô bé Ni: “Mẹ ơi, con nhức đầu. (có nghĩa) Mẹ ơi, con muốn nghỉ học sáng nay; Mẹ ơi, hôm nay tháng mấy rồi?(có nghĩa) Mẹ ơi, sắp đến sinh nhật con rồi đó; Mẹ ơi, ngày mai trời có mưa không hở mẹ?(có nghĩa) Mẹ ơi, mai mẹ dẫn con đi siêu thị nha mẹ.”… Nguyễn Nhật Ánh hiểu và kể chuyện bằng thứ ngoại ngữ dành cho người lớn ấy nên hiển nhiên truyện Nguyễn Nhật Ánh là tiếng nói của thiếu nhi. Cũng chỉ Nguyễn Nhật Ánh mới “bênh vực” cho những hành động ngược đời, ngổ ngáo, trở chứng của trẻ (như ăn cơm trong thau, uống nước bằng chai, gọi cái nón là cuốn tập, tivi là quạt máy, đi ngủ là đi chợ hay tìm kho báu trong vườn nhà…) và xem nó như là “những cuộc cách tân táo bạo” hay những “sáng tạo” gắn liền với tâm lí, óc tưởng tượng phong phú và nhu cầu làm cho cuộc sống của trẻ thú vị, mới mẻ hơn (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ). Có thể nói, truyện Nguyễn Nhật Ánh là những câu chuyện được kể với thứ ngôn ngữ lạ kì, dí dỏm nhưng không hề xa lạ, khó hiểu. Truyện Nguyễn Nhật Ánh thu hút tất cả mọi người một phần do  “ngôn ngữ trẻ thơ” tươi tắn đó.

Điểm hấp dẫn trong nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Nhật Ánh còn ở giọng điệu. Giữa rất nhiều cây bút tài năng trong văn học thiếu nhi, Nguyễn Nhật Ánh có một giọng riêng làm nên phong cách. Đó là giọng dí dỏm, hài hước. Ở bất cứ truyện nào, người đọc cũng dễ nhận ra chất humour-trẻ-con mà nếu không hoá thân, không một người lớn nào có thể “nhại giọng”. Thông qua các màn hội thoại, chất hài hước, dí dỏm của truyện Nguyễn Nhật Ánh cũng được thể hiện rõ nét. Lời thoại trong truyện Nguyễn Nhật Ánh rất tự nhiên (đến mức hiển nhiên phải thế chứ không thể khác), nhưng lại không thể đoán trước. Tính chất bất ngờ từ tình huống truyện, đến ngôn ngữ, hành động của nhân vật thường là nguyên nhân khiến độc giả lớn/nhỏ đọc Nguyễn Nhật Ánh một cách say mê. Ở nhiều đoạn hội thoại tính chất hài hước được bật ra qua sự kết hợp “tung hứng” giữa lời kể, lời bình luận và đối thoại nhân vật. Trong truyện Nguyễn Nhật Ánh, những liên tưởng, suy diễn, tưởng tượng phong phú của trẻ em thường làm nên tính chất bất ngờ của những đối đáp (giữa bọn trẻ với nhau hay giữa trẻ em và người lớn). Trong nhiều tác phẩm, không hiếm những màn hội thoại “trật khớp” (do sự “vênh lệch’ trong ý nghĩ của những người tham gia giao tiếp). Độ chênh giữa tư duy của người lớn và tư duy của trẻ con được Nguyễn Nhật Ánh thể hiện khéo léo (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Lá nằm trong lá, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ…). Làm lạ hoá thế giới hiện thực từ trường nhìn trẻ thơ là điểm thành công trong nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Nhật Ánh.

tac gia nguyen nhat anh anh 3Gia tăng lời thoại, giảm thiểu kể, tả, bình luận (hay lời thoại đã bao hàm luôn chức năng kể, tả, bình luận) là một trong những điểm nổi bật ở nhiều tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Ở nhiều truyện, đối thoại chiếm tỉ lệ lớn, lời người kể chuyện chỉ mang tính chất dẫn chuyện. Nhân vật vừa kể chuyện vừa tham gia vào hội thoại (Mắt biếc, Buổi chiều Windows, Chú bé rắc rối…). Ý nghĩa của các đoạn hội thoại trong việc phát triển “cốt truyện”, chi phối diễn biến của “chuyện” càng rõ. Ở nhiều truyện, người kể chuyện chủ yếu đóng vai trò tổ chức truyện kể nhờ vào các mẩu hội thoại – hay nói cách khác là kể bằng lời thoại. Tiêu biểu cho kiểu trần thuật đối thoại này có thể kể đến bộ truyện Kính vạn hoa (gồm 54 tập). Những đoạn đối thoại (trò chuyện, bàn bạc, cãi cọ… ) của các cô cậu học trò hồn nhiên đã góp phần làm nên sức hấp dẫn, hài hước của truyện Nguyễn Nhật Ánh. Dí dỏm, cười cợt nhưng truyện Nguyễn Nhật Ánh không hề suy giảm tính giáo dục, một trong những yếu tố quan trọng làm nên giá trị thật sự của truyện thiếu nhi. Bằng những nụ cười, ý nghĩa, “bài học” dành cho trẻ vẫn được thể hiện sáng rõ qua những màn đối đáp của nhân vật, chẳng cần người kể chuyện phải bình luận thêm.

Có thể xem Nguyễn Nhật Ánh là người kể chuyện của thiếu nhi, nhưng là một người lớn ngoái nhìn về tuổi thơ, dùng con mắt của tuổi thơ để kể chuyện. Điều này khiến một số truyện của Nguyễn Nhật Ánh khó xếp vào văn học thiếu nhi (chẳng hạn như Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Lá nằm trong lá?). Sự  mở rộng biên độ này (trẻ em và người lớn đều có thể đọc và đều thấy phù hợp với tầm đón nhận của mình) là bởi Nguyễn Nhật Ánh không có ý định giấu giọng tác giả, “giọng người lớn” (ngay cả trong các truyện kể chỉ dành riêng cho thiếu nhi). Xen giữa những lời kể mang cái nhìn trẻ thơ là những ngẫm nghĩ mang đậm chất triết lí. Nhiều triết lí trong truyện là những nhắn nhủ của tác giả với thiếu nhi, và với cả người lớn: “Nhìn thấy nắng sau những ngày mưa là một điều thú vị. Nhưng ngay cả trong những ngày mưa, nếu ta chịu mở ra mọi giác quan như một ngôi nhà mở tung các cửa sổ, ta cũng sẽ đón nhận được những cảm xúc tuyệt vời”; “Nếu chúng ta vẫn luôn sống trong ký ức của một ai đó, chúng ta sẽ không bao giờ chết”; hay “Một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra ý nghĩa của giấc mơ không phải ở chỗ nó có phù hợp với khả năng thực tế hay không. Điều quan trọng là nó cho phép bạn sống thêm một cuộc đời nữa với cảm xúc của riêng bạn…” (Tôi là Bêtô). Đôi khi những triết lí “sặc mùi của lí thuyết” của các cô bé, cậu bé không che giấu hết quan niệm của nhà văn (và Nguyễn Nhật Ánh cũng không có ý che giấu); nhưng những thông điệp được gửi gắm (nếu có) cũng chỉ mang tính chất gợi ý, nhắc nhở chứ không trở thành những lời rao giảng, những luận đề. Chất hài hước, dí dỏm khiến cái nhìn, giọng điệu người lớn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không bị “vênh lệch” với ý nghĩ, lời nói của trẻ em. Phải chăng nhờ vậy mà truyện Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành một hiện tượng văn học nói chung chứ không bị giới hạn bởi ranh giới của văn học thiếu nhi (mà lằn ranh nhiều khi vẫn khó xác định rõ)?


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button