Sức khỏe

Phương pháp trị bệnh ung thư

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Triệu Phong Tiều

Download sách Phương pháp trị bệnh ung thư ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sức khỏe

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                     

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH]

Lời mở đầu

CỦA NGƯỜI TÁI BẢN

Khi xưa, tính từ 1972 trở về trước, lâu lắm người ta mới nghe nói có người chết bởi bệnh UNG THƯ. Vậy mà lúc đó cả TÁC GIẢ và DỊCH GIẢ đã lớn tiếng kêu gọi, cảnh tỉnh xã hội loài người hãy tìm hiểu, cảnh giác về bệnh UNG THƯ.

Còn ngày nay, chúng ta đều chứng kiến hầu như cả xã hội không có một người nào mà không từng chính bản thân hoặc có người trong gia đình, hoặc quyến thuộc, hoặc người thân quen… mắc phải và chết vì bệnh UNG THƯ. Thậm chí có nhiều gia đình, cả 3 thế hệ đều có người chết vì UNG THƯ… Căn bệnh này làm cho cả xã hội đều âm thầm sợ hãi, nó như một bóng ma vô hình mà người ta không thấy rõ, không đủ biện pháp đề phòng và khống chế được. Nó không từ người quyền cao chức trọng, thừa tiền dư của, cũng như người nghèo hèn đói thiếu, đến cả các bậc tu hành cao trọng! Thậm chí đến các bác sĩ, thầy thuốc cũng chết bởi bệnh UNG THƯ rất nhiều…

Khắp thế giới hiện nay, các quốc gia có rất nhiều người thuyết giảng về nó, hoặc trước tác nhiều sách vở. Vị này thì đặt nặng nguyên nhân của bệnh UNG THƯ, vị kia thì nói cách chế phục bệnh UNG THƯ; còn vị khác thì miệt mài thí nghiệm, tìm tòi bào chế các thuốc chữa trị bệnh UNG THƯ. Tất cả đều vì mục đích cống hiến cao quí. Nhưng hầu như cũng chưa thấy hiện hình một mặt thật cũng như sự chiến thắng đối với bệnh UNG THƯ, để toàn thể cộng đồng cùng hiểu biết, an tâm hơn về nó.

Quyển sách này được Sư phụ quá cố của tôi biên dịch, xuất bản từ năm 1972 vời lời bình giảng bổ cứu cũng đầy sự đồng cảm và hiểu biết tương đương với TÁC GIẢ như một bản hòa tấu trình diễn trước cộng đồng.

Nhưng đất nước gặp hồi chiến tranh ly loạn. Lòng người lo miếng ăn và sự sống chết còn không đủ; vừa mới góp mặt được mấy năm thì đất nước giải phóng hoàn toàn, buổi giao thời càng thiếu đói hơn… Vì thế quyển sách này đã chịu sự thăng trầm lưu lạc cùng với chúng tôi mãi cho đến ngày nay, đủ duyên chúng tôi mới có dịp xin phép tái bản. Nếu tính theo thời gian thì đã quá lỗi thời. Nhưng xét trên thực tế thì tôi thấy vô cùng hữu dụng. Vì bản thân tôi là một Lương y kế thừa, được sự khai thị của Sư phụ từ lúc mới hành nghề (1978) về nguyên nhân và cách chữa trị bệnh UNG THƯ. Tôi đã âm thầm cùng rất nhiều bệnh nhân UNG THƯ chiến đấu suốt từ đấy đến nay. Thành công cũng có, nhưng thất bại cũng nhiều. Kể như một con đường trải nghiệm. Vì thế theo chủ quan của tôi, những điều chứa đựng trong quyển sách này sẽ cống hiến cho các Lương Y, Thầy Thuốc những hiểu biết đầy đủ, cùng với những phương thuốc, bệnh án, kinh nghiệm quý báu chữa trị lâm sàng; trang bị cho những người đã có thân nhân mắc bệnh, đang bệnh, và chưa bệnh lượng kiến thức tương đối đầy đủ, nếu họ có sự chân thành muốn tìm biết…

Tuy nhiên, tôi vốn ít học, vì vậy hiểu biết có hạn, dưới sự kết tập của tôi, có thể xảy ra nhiều sai sót. Tôi xin chân thành tiếp nhận sự đóng góp với ý tốt của các vị cao minh, để quyển sách xuất bản lần sau sẽ càng tốt hơn. Mong được sự cảm thông và đón nhận của Cộng đồng! Con cũng kính mong Giác Linh Sư phụ bỏ quá, chứng minh, hộ trì cho con và các học viên môn sinh vô cùng thân thương đã giúp đỡ con hoàn thành lại quyển sách lần thứ hai, cung kính dâng lên báo ân Thầy!

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 7 năm 2014

MÔN SINH, thứ nữ VÕ THỊ HUYỀN SƠN – Cẩn chí

Lời mở đầu

CỦA DỊCH GIẢ

Trước đây trên 2.500 năm, Năng Nhân có huyền ký: “Cuối cùng của xã hội thế giới loài người trên quả địa cầu này sẽ mắc phải bệnh Ung Thư tổng thể (Trường Sang)…”

Nếu loài người chưa ra khỏi sự chi phối của thiên nhiên thì có thể nói: “Thân con người là một bầu vũ trụ nhỏ” cũng được, hoặc nói: “Cơ thể con người là cả thế giới xã hội loài người thâu hẹp lại” cũng nên, và sự tổ chức của xã hội thế giới loài người với sự tổ chức của xã hội thế giới tế bào thân người phải chăng khác nhau chỉ ở trên hình thức!

Nếu bởi thọ lãnh sự kích thích trực tiếp hoặc gián tiếp, âm thầm trường lưu làm cho thần kinh hệ suy yếu, mất sức khống chế, tế bào suy nhược, màng bao tế bào bị bệnh, hạch tâm của tế bào nảy sanh phân tách, làm cho tế bào sản sanh dị thường, tách rời sự khống chế của thần kinh để gây thành bệnh Ung Thư, thì hiện tượng xã hội của thế giới loài người ngày nay mới chính là hiện tượng của bệnh Ung Thư tổng thể mà mỗi đơn vị cá nhân chẳng qua cũng chỉ là một tế bào.

Đứng trong một quá trình diễn tiến của cả một biển tổng thể Ung Thư của thế giới xã hội loài người ngày nay, mà linh tinh bày chuyện phân bua, chữa trị bệnh Ung Thư từng đơn vị đã là việc đáng phì cười. Thế mà có kẻ tài sức không đủ để chắn rào sự kích thích, đức độ không đủ để bảo cho cả loài người đừng thọ lãnh sự kích thích, cũng bép xép phụ họa phiên dịch bình luận lại đáng phì cười hơn.

Ngủ chán muốn thức, thức chán muốn ngủ, đói chán muốn no, no chán muốn đói, nằm chán muốn ngồi, ngồi chán muốn đứng, đứng chán muốn đi, đi chán muốn nằm, đó cũng là bệnh lười của loài người mà cũng là đặc tánh của trời.

Việc làm xỏ trôn kim này chẳng qua cũng là một việc làm lười rỗi. Làm, làm để chơi và để giúp cho tế bào bạn nào chưa nhiễm độc bệnh Ung Thư được ý thức, cũng là việc làm để chơi vậy thôi. Đó là ý chánh của kẻ dịch.

Về danh từ bệnh thì hoặc gọi là CANCER, hoặc gọi là NHAM【癌】, hoặc gọi là NGAM, hoặc gọi là UNG THƯ chẳng qua cũng là thứ bày đặt của thằng người. Chỉ vì đứng trên đất nước chữ S này, các vị lang Tây và đa số đều thừa nhận cái tên UNG THƯ, nên dịch giả cũng tùy thuận theo đó mà thừa nhận phiên dịch. Nhưng sự thật trong lòng của Dịch giả cũng không có cái gì gọi là CANCER, hoặc NHAM, hoặc gọi là NGAM hoặc UNG THƯ cả; cho đến Đông hay Tây, chữa khỏi hay không chữa khỏi cũng không có nốt.

DỊCH GIẢ cẩn chí

Sài Gòn, ngày 25 tháng 7 năm 1966

SIÊU THIỀN

ĐỌC THỬ

LỜI TỰA CỦA TÁC GIẢ

Hầu hết mọi người đều cho là bệnh Ung Thư 【癌】(Cancer) chưa có thuốc trị vì thế giới hiện nay khoa học rất phát triển, văn minh vật chất như các nước Anh, Mỹ đối với các bệnh Ung Thư vẫn còn thúc thủ[1]. Làm sao dám nói Trung y có phương pháp trị cho tự tiêu? Quan niệm như thế rất sai lầm. Phải biết rằng Tây y từ khi phát minh được kính hiển vi rồi vi trùng học mới được xương minh[2]; đó là đường lối tiến lên của Tây y. Đến năm 1492, Kha Luân Bố[3] mới tìm được Tân Đại Lục (Châu Mỹ) với thời gian chẳng qua hơn 460 năm; vậy rõ ràng là họ chưa có thuốc công hiệu.

Lịch sử Trung y Dược đã có tự bao giờ, đến đời Hán, Đường đã có những cơ sở tương đương, chỉ vì địa dư quá rộng rãi, nhân khẩu quá đông. Về dược vật có nào là: động vật, thực vật, khoáng chất, còn điều tễ thì có: nào cao, nào đơn, nào hoàn, nào tán, nào đính, nào tẩm, nào thang,… rất là phong phú, hoàn toàn do loài người thực nghiệm chất chứa kinh nghiệm nhiều đời kết thành, đời đời phát minh lưu truyền đến nay, nào như Thần Nông bản thảo kinh dùng “Qua Đế” để thúc giục cho mửa, “Ma Hoàng” để phát hạn, “Bã Đậu” để xổ ấm,… mỗi thứ đều có công hiệu. Trung y trị bệnh chỉ cần nhân chứng chắc chắn, dùng thuốc thích hợp thì sự công hiệu kết quả rõ ràng.

Chỉ vì Trung với Tây danh từ chẳng đồng cho nên tên bệnh cũng khác. Khoảng độ 50 năm gần đây, Trung y chưa được Chánh Phủ tích cực đề xướng. Những trường đào tạo Trung y Dược chưa được chính thức đưa vào hệ thống giáo dục nên chưa thể tạo được nhân tài từ trung bình trở lên, cho nên trên sự trị liệu chưa có thống nhất tên bệnh. Trên phương diện dược vật chưa có thành phần tiêu chuẩn, nên mới tự chịu lấy tự sanh tự diệt. Đối với cực lượng của dược vật cùng với sự phối hợp, áp dụng, thời gian càng lâu càng thất truyền dần. Lại còn một mớ thầy thuốc hành nghề trình độ rất không như nhau cho nên khó bề kéo dài đức tin. Chúng tôi rất mong những người có lòng nhân trong giới Trung y nên đoàn kết lại, áp dụng phương pháp khoa học để đỡ đầu cho việc hướng thượng, vận dụng kinh nghiệm quý báu để phát huy những dược phẩm công hiệu của nước nhà hầu làm tròn sứ mạng thần thánh. Và chúng tôi cũng rất mong các bực nhân sĩ trong xã hội chớ nên mê tín cái gì ở ngoài, phải chấn chỉnh lại tâm lý tự ti và bi quan đối với bệnh Ung Thư và phương pháp nội tiêu mới có thể nhận xét biết được một cách rõ ràng, và chừng đó mới biết bệnh Ung Thư không phải là bệnh tuyệt vọng, còn có một lộ tuyến sanh cơ có thể giúp cho việc trị liệu vậy.

Bệnh Ung Thư không phải là bệnh bất trị, chỗ quan hệ nhất là phải sớm biết để kịp thời chữa trị. Phát giác càng sớm thì việc trị liệu càng dễ, thời gian thâu công càng mau. Xưa có lời dạy: “Công đầu là trị bệnh chưa phát”. Chỉ bao nhiêu ấy cũng đủ để làm cho chúng ta giựt mình. Nếu đợi đến “Bệnh nhập Cao Hoang[4]” thì dù có Hoa Đà sống lại cũng khó vãn hồi. Chỗ tai hại nguy hiểm ghê gớm nhất của bệnh này là khi mới phát người bệnh không hề đau đớn làm người đời rất dễ xem thường.

Hiện tại chúng ta còn chưa tổ chức được kiểm tra sức khỏe định kỳ, một mai biết được là Ung Thư thì đã trở thành nghiêm trọng rồi. Cố nhiên là phải chịu sự thao túng của kinh tế, đó là điểm phần đông ít ai để ý. Hiện nay khoa học phát minh nhiều dụng cụ giúp cho việc khám bệnh càng ngày càng mới mẻ. Ngày nay, phàm giới Trung y nhân thuật của chúng ta khi khám bệnh Ung Thư phải nên để ý đến phương tiện kiểm nghiệm của khoa học thì mới có thể đạt đến sự phát giác mau chóng và sự chẩn đoán mới có tính cách chuẩn xác. Phàm bất cứ phương pháp mới nào có thể giúp cho sự khám bệnh, đều phải được chúng ta học tập và thâu dụng. Nếu không như thế thì không thể biết rõ Ung Thư là gì và cũng không thể phát huy được giá trị trị liệu của Trung y Dược. Thậm chí thuốc Trung y có trị khỏi bệnh Ung Thư rồi cũng đến tình trạng không thể minh bạch. Chúng ta đối với phương pháp khám bệnh của khoa học phải nên tích lũy đi đến tinh vi rộng rãi để phục vụ cho nhân loại sau này.

Trước kia người Âu, Mỹ thường nói: Bệnh Ung Thư là bệnh văn minh. Kỳ thật đâu phải thế! Căn cứ trên những gì điều tra được, phàm những dân tộc lạc hậu chưa khai hóa cũng vẫn mắc bệnh Ung Thư rất nhiều. Ví như Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hà Lan,… ở Âu châu chết vì bệnh Ung Thư lại càng nhiều hơn, chỉ có nước Nga ở miền Âu là rất ít. Trên thực tế, phải chăng thể chất của người Nga có cái gì đặc biệt để chống chọi với bệnh Ung Thư? Xin thưa rằng: không phải thế, chỉ vì người nước Nga chưa có tổ chức thống kê rõ, và cũng chưa lập được những nhà thương hoàn thiện phổ biến. Vì lẽ không có thống kê chính xác cho nên hiểu rằng ít người chết về Ung Thư. Sau này có nhiều người trong hội thầy thuốc đi truyền bá rằng: “Bệnh Ung Thư vừa đông vừa lạ không đâu hơn Trung Quốc. Muốn thấy nhiều bệnh Ung Thư không gì bằng đến Trung Quốc.”

Lại nữa, căn cứ theo điều tra nhân khẩu nước Mỹ thì có rất nhiều dân cư thành thị vì phải bệnh Ung Thư mà chết rất đông. Cứ 10 vạn người thì có 130 người đến 150 người bị bệnh Ung Thư. Không phải bởi không khí thành thị, món ăn hoặc sanh hoạt không tốt mà là do nhờ thiết lập nhiều Y Viện hoàn bị tiện bề kiểm nghiệm phát giác. Số người nước Mỹ bị bệnh Ung Thư mà chết vọt lên đến vị trí thứ hai. Còn thứ nhất là bệnh Tim. Trước kia thì bệnh lao Phổi chiếm địa vị thứ hai. Đến năm 1900 có lẽ, cứ mỗi 10 muôn[5] người thì có 202 người chết vì bệnh lao Phổi; đến năm 1932 đã xuống còn 63 người. Vậy là nhờ tận lực vận động ngừa lao, nước Mỹ đã phòng ngừa lao Phổi tương đối thành công.

Ung Thư là một chứng bệnh không chừa một dân tộc nào, cho nên dân tộc Trung Hoa đương nhiên là không thể ngoại lệ. Trung y Dược ở đời Hán, Đường đã từng phát minh những thứ thuốc trị Ung Thư, chẳng qua chỉ vì tên bệnh chẳng đồng, lý luận đều khác, lại thêm chưa có người chuyên công luyện tập khoa này vì bệnh Ung Thư trong cơ thể con người bất cứ nơi nào cũng có thể phát sanh. Vì sự chú trọng bị phân tán nên nội khoa, ngoại khoa đều chưa tập trung ý chí để nghiên cứu, đồng thời Trung y có khi nhân tượng hình hoặc chứng trạng mà đặt tên, có khi dựa vào bộ phận cơ thể mà đặt tên cho nên tên bệnh do đó mà không thống nhất. Không những bệnh Ung Thư như thế mà hết thảy bệnh tật cũng như thế. Những gì sách y học Trung Hoa cho là Huyền Tịch, Anh Lưu, Tích Tụ, Trưng Hà, Bĩ Khối,… đều thuộc về phạm vi Ung Thư. Cho nên những thuốc Trung y trị Ung Thư nhân lịch sử quá lâu chồng chất nhiều đời, tiếc thay chưa có sự báo cáo rõ ràng trên lâm sàng thực nghiệm mặc dầu đã từng trị khỏi những bệnh ngoan cố. Đến đây Tây y đặt ra tên bệnh đều là căn cứ nơi tạng khí, bệnh biến và sự giải phẫu bệnh lý, cùng với phân tích vi trùng mà định danh. Đại khái như sưng Bọng Đái, sưng Phổi, sưng màng Óc, chai lá Gan, lở Bao Tử, kiết vi trùng (kiết nhiệt), kiết amip (kiết hàn)… xã hội Trung Quốc bị quan niệm phong kiến trói buộc, đối với sự mổ xẻ xác chết đều bị trở ngại. Đối với kính hiển vi và dụng cụ khoa học gần đây lại chưa để ý thu thập hết. Đó là lý do học thuyết Trung y vẫn chưa ra khỏi cái hố huyền học cho nên chưa thể phát dương rộng rãi. Mười mấy năm gần đây thường có những người bệnh tuy được Trung y chẩn trị, cho uống thuốc Ung Thư Nội Tiêu được khỏi cũng chẳng qua luống công mà thôi. Như thế đủ thấy thuốc ta cho uống để tiêu Ung Thư không những công hiệu xác thực, lại còn tuyệt không có chút đau đớn. Ví như người bị Ung Thư Tử Cung sau khi khỏi vẫn trở lại sinh dục như thường. Đối với bệnh Ung Thư là kẻ thù của nhân loại, chúng tôi xét thấy đây là một ưu điểm đặc biệt. Cho nên Phong Tiều này nguyện đem hết bình sanh của kiếp này, tập trung tư tưởng tinh lực, quên nằm quên ăn, dãi nắng dầm sương, nghiên cứu khoa Ung Thư đã qua, mong giải quyết cho tương lai nhân loại, sưu tầm cả mấy mươi loại sách vở Trung-Tây, đem chứng trạng của bệnh Ung Thư rõ ràng tỉ mỉ, quy nạp thống nhất tên bệnh Đông-Tây và đem những phương kinh nghiệm trong khi lâm chứng, phân thuật trong thiên, mong cung cấp cho những nhà chuyên khoa về Ung Thư toàn thế giới tham khảo, mong người người đều biết rõ tánh chất bệnh này, từ chứng trạng đến trị liệu làm cho độc giả đối với Trung y Dược có được nhận thức đầy đủ để có thể nương nơi đây mà diệt kẻ thù chung của nhân loại. Đó là chủ ý của tác giả trong tập sách nhỏ này.

Tiều này trôi nổi đến Thương Châu, trong tay không có phương tiện tham khảo đầy đủ, được một thiếu muôn không sao tránh khỏi. Mong tất cả hiền đạt thập phương chỉnh cho những điều thiếu sót, thì rất may mắn.

Dương lịch mùng 10 tháng 10 năm 1952

Viết tại Hội Cải Tiến Y Dược Trung Quốc

Viện Trưởng Viện Nghiên cứu bệnh Ung Thư

TRIỆU PHONG TIỀU đề tựa

LỜI BÀN CỦA DỊCH GIẢ

Một bác sĩ người Nhật có con gái bị bệnh kiết amip đã được chữa trị chu tất theo Tây y thế mà cuối cùng phải thúc thủ chịu chết, đến nỗi bác sĩ phải bỏ nghề sang nghiên cứu Trung y, cuối cùng hoàn toàn trở thành một thầy thuốc Trung y.

Con của một bác sĩ Thú Y bị cấm khẩu độc lợi (kiết amip nặng) cuối cùng ở dưỡng đường về nằm nhà để chờ chết, may gặp một Ni Sư dùng lá Xoài, lá Ổi, lá Mít, bông Trang đỏ, bông Trang trắng, Trà, Gừng nướng chữa cho được vẹn toàn (trên đây là những chuyện thật xin miễn nêu tên và địa chỉ).

Ai dám bảo rằng Tây y đã từng nói bệnh kiết amip không chữa được? Ai dám bảo rằng các bà lang ta tuyên bố chắc như bắp rằng: nhất định kiết amip là các bà trị khỏi hẳn?

Thế mới biết kẻ nào bảo rằng thứ bệnh này đã có thuốc chữa, nhất định chữa được, thứ bệnh kia chưa có thuốc chữa, nhất định chữa không được, đều là những kẻ đang mò mẫm trong rừng sương mù dày đặc. Quả thật là kẻ chưa thông lý sự vậy. Ôi! Sự có tuyệt đối ư?

Nói rằng bệnh Ung Thư là kẻ thù của nhân loại, như thế có đúng không? Hay nó là người ơn của nhân loại? Vì sao thế? Vì nếu không có bệnh Ung Thư ghê gớm này, biết đâu tâm lý phóng dật của loài người sẽ không còn có cơ hội tóm thâu và biết đâu chính cái tâm mê của nhân loại mới là kẻ thù của nhân loại. Vì sao thế? Vì nếu loài người mà thật sáng suốt thì bệnh Ung Thư cũng bặt đường. Cổ ngữ có nói: “Ngồi trong buồng kín như ngồi ngã tư đường cái. Chế ngự tất lòng nào có khác chi như điều khiển xe sáu ngựa”. Đúng thay lời nói ấy.

Tác giả kêu gọi bắt tay nhau để nghiên cứu tiêu diệt bệnh Ung Thư, lòng của tác giả thật rất có tình…! Nhưng cái thấy Đông-Tây xưa nay, tâm vật dị đồng[6] của nhân loại ngày nay cơ hồ như đang tích cực trong cao trào diễn tiến vậy.

Kẻ muội này nghĩ rằng: nếu cái tâm hầm hố của loài người mà dứt, thì cái tướng lở miệng, lổ hang của bệnh Ung Thư cũng dứt. Hiền xưa nói: “Trị bệnh không bằng trị thầy thuốc”.

Xưa kia như thế, ngày nay phải thế nào?

Tác giả đang nói chuyện đối với bệnh Ung Thư phải nên chú ý phát giác sớm để kịp thời chữa trị, mà lại đột ngột nêu lên câu “Công đầu là trị bệnh chưa phát”, bệnh chưa phát mà nói là trị là một điều mâu thuẫn. Ý tác giả muốn nói gì? Vậy muốn hiểu ý tác giả ta phải tìm hiểu nghĩa câu nói trên kia trước đã. Đành rằng câu này xuất phát từ Nội Kinh Hoàng Đế, nhưng cũng còn phải tùy trường hợp áp dụng mà định nghĩa, huống chi câu này trong ý người đời dầu nhắm vào nghĩa: “Ngừa bệnh hơn chữa bệnh”, nhưng ngừa bệnh hơn chữa bệnh của y học ngày nay với nghĩa ngừa bệnh hơn chữa bệnh trong Nội Kinh lại cũng khác nhau một trời một vực. Nay ta hãy nêu lên bệnh lao Phổi để làm tỉ dụ nhận xét:

Theo y học ngày nay thì nguyên nhân phát sanh bệnh Lao Phổi phải là vi trùng Lao tàn phá. Cho nên nếu muốn áp dụng tinh thần trị bệnh khi chưa phát, hay ngừa bệnh là phải ăn uống đầy đủ, làm việc phải có giờ nghỉ ngơi, thỉnh thoảng phải rọi Phổi, thử đàm và trước nhất phải chích giống ngừa[7]… Nghĩa là phải lấy vi trùng Lao làm nền tảng.

Về phần Trung y thì tạng Phổi là tạng mềm, xốp, ở trên cao nhất. Muốn có được bệnh lao Phổi, trước nhất phải có mất sức ở tạng Thận và tạng Tỳ. Nguyên nhân mất sức hoặc từ ăn uống, thiếu thốn, hoặc không khí dơ bẩn, hoặc phóng túng truy hoan, hoặc do một bệnh gì khác mà coi thường để lây lất, hoặc bị phản tác dụng của khủng hoảng tinh thần,… Khi tạng Tỳ bị mất sức thì sự tiếp tế cho tạng Phổi phải bị giảm đi. Khi tạng Thận thâu hút kiệt quệ, tạng Phổi ở trên cao, chất bọng, xốp; dưới tạng Phổi là tạng Tim, Phổi bị yếu không lấy sức đâu để quân bình chế ngự lại tạng Tim, tự nhiên phải bị sức nóng của tạng Tim nung đốt cho nên Phổi dù không bị vi trùng Lao xâm nhập cũng vẫn phải tự hoại. Bởi vậy, khi thấy tạng Thận và tạng Tỳ bị mất sức là phải nghĩ ngay đến bệnh lao Phổi mặc dù Phổi chưa thấy bệnh. Đó là thuật đại lược về một cách hiểu câu “Công đầu là trị bệnh khi chưa phát” thông qua tinh thần người thầy thuốc chữa bệnh theoTrung y.

Nhưng tới một bước nữa theo tinh thần Y Đạo của Nội Kinh với nghĩa rốt ráo của câu này thì lại như sau đây: sinh lực trong con người bất cứ bộ phận nào cũng đều phải nhờ ở năng lực và điện lực nuôi dưỡng. Nếu nơi nào thiếu năng lực và điện lực đi tới là nơi ấy phải tự hoại trước. Bốn yếu tố phát sanh năng lực và điện lực là ăn uống, khí trời, hoạt động và tinh thần. Nếu bốn yếu tố này được bình thường thì tuổi thọ được đầy đủ. Nhưng trong bốn yếu tố này thì tinh thần được bình thường là yếu tố quan trọng nhất. Cho nên dù đủ cả ba yếu tố kia mà thiếu yếu tố tinh thần thì sức khỏe cũng như tuổi thọ khó mà đầy đủ. Vì sao thế?

Vì nếu tinh thần đau khổ thì dẫu ăn vàng cũng không thấy ngon. Ngược lại nếu tinh thần trụy lạc thì vật chất càng nhiều càng chóng hủy hoại. Do đó, tinh thần được bình thường thì dù điều kiện vật chất có thiếu thốn cũng tương đối được yên vui. Cho nên người xưa nói: “Tâm an nhà tranh cũng ổn, tánh định rau cỏ cũng ngon” là nghĩa thế. Lại nữa, cũng theo tinh thần này, mỗi một bộ phận trong con người đều có một hệ thống tác dụng tâm linh (kể cả hệ thống thuận và hệ thống nghịch). Đối với hệ thống nghịch, ví dụ trực tiếp làm bế tắc năng lực và điện lực của tạng Phổi là lo sợ; trực tiếp làm bế tắc năng lực và điện lực của tạng Thận là buồn rầu; trực tiếp làm bế tắc năng lực và điện lực của tạng Tỳ là thắc mắc. Bởi vậy nên lo sợ, buồn rầu, thắc mắc là yếu tố quan trọng hơn hết trong những yếu tố làm nền tảng cho bệnh Phổi. Vì sao thế? Vì khi ta lo sợ, buồn rầu, thắc mắc làm cho hệ thống năng lực và điện lực trong sinh lực con người phải bị đảo lộn nghịch chiều mà phát sinh mâu thuẫn bên trong, bên ngoài nẩy sanh xung chướng. Mâu thuẫn bên trong làm đổ vỡ sinh lực, xung chướng bên ngoài là thứ trái chướng với thể thiên nhiên, ngăn rào sự tiếp tế với trời đất. Cho nên tinh thần điềm tĩnh, đạm bạc, khoan thai, rời rảnh lại là tinh thần dưỡng sinh cao độ. Vì sao thế? Vì nếu được vậy là khi đó sinh lực trong ta cùng với sinh lực của vũ trụ cùng chung một trình độ, một kho tàng. Do đó mà tiên gia, đạo gia mới có cơ hạ thủ và Nội Kinh có câu: “Điềm đạm hư vô bệnh nào phát khởi” là vậy.

Thế thì tác giả nêu lên câu nói trên kia phải chăng trong chỗ không lời ý chừng tác giả muốn nói: “Người xưa đã từng thấy tới động cơ sanh bệnh, và dạy cho biết thấu suốt được động cơ phát bệnh quan trọng hơn là đợi đến khi có bệnh rồi trị nhiều lắm!”. Nỗ lực đổi quả chỉ là việc bất đắc dĩ, là còn bị chạy theo sau đuôi bệnh tật. Chỉ vì người đời mê tối không rõ nên cực chẳng đã phải làm thế thôi, thế mà còn thờ ơ chểnh mảng thì thật là đáng trách!!!

Tác giả nhắc nhở giới Trung y phải nên để ý đến phương tiện kiểm nghiệm của khoa học để đạt đến sự phát giác mau chóng và sự chẩn đoán mới được chuẩn xác v.v…

Nếu ai có một tinh thần khoa học đích thực thì mới biết được tâm với vật, không với có không phải là hai, rộng với hẹp không thể phân cách mới thấy cắt xén một phần sự kiện mà nghiên cứu, kiểm nghiệm và mưu toan đổi quả mà không chú trọng đến nhân đều là bệnh lý của người đời.

Đành rằng dụng cụ, vật chất, phương pháp máy móc nó đâu có cắn mổ gì mình? Nhưng mình cũng đừng mang nó để tự bịt mắt rắc tiêu mình mới phải chứ! Làm sao mà dám tin chắc rằng dụng cụ vật chất, phương pháp máy móc được dồi dào là cái màn bí mật của sự kiện được vén sớm chứ? Tinh thần tác giả không khéo sẽ xảy ra vong bổn hoặc cùng mằn tại đây không biết chừng!

Tác giả nêu lên việc vận động ngừa Lao của nước Mỹ và cho rằng đã thành công trên tương đối (có một cách chắc như bắp). Đến đây, thật tình kẻ dịch này chưa biết rõ cái nghĩa ngừa Lao và cái nghĩa thành công trên tương đối của tác giả là thế nào? Thôi thì cứ để nhường độc giả nhận xét.

Tác giả nói dân tộc Trung Quốc bị tinh thần phong kiến ám ảnh mà thiếu cái gọi là khoa học vật chất, cho nên y học Trung Quốc không ra khỏi cái hố huyền học. Nói như thế tôi e người ta sẽ hiểu rằng dân tộc Trung Hoa (tự thuở nào) vẫn sống trong nếp sống ngầy ngật mơ hồ không biết đâu là thật đâu là trái nên mới đẻ ra giới Trung y bị kẹt trong cái hố huyền học. Như vậy sao bằng nói giới Trung y thiếu tinh thần thực tế là vong bổn nên Trung y mới bị tiêu trầm, đào thải. Phương chi[8], nếu là một nguyên lý mà kiến lập dù có trải qua bao nhiêu thời gian thay biến đi nữa, cũng không vì thế mà nguyên lý bị đổ vỡ tiêu trầm, chỉ trừ khi người sau dốt nát không biết tận dụng khai thác mà thôi. Cho nên tôi nói y học mà có Đông với Tây là cái vô phước cho xã hội loài người là nghĩa như thế.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button