Sức khỏe

Dược Học Tham Luận

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Chơn Nguyễn

Download sách Dược Học Tham Luận ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sức khỏe

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH]

LỜI GIỚI THIỆU

Bao la vô tận vốn là một bầu không hai, nói ra nếu không khéo hiểu lập tức trở thành không một. Cho nên người đời dễ thấy ra muôn trùng, rồi từ không mà hiện ra có, từ có lại trở về không, từ không ra có đã không đồng thời, từ có về không cũng không một lượt. Có không không có, vừa xen nhau trong lớn bé, vừa sai biệt, lại vừa đồng thời. Dù bao la vô tận hay chính trong bản thân của từng sự vật cũng chỉ thế thôi, làm cho ta tuy đam mê trong hiện tượng mà vẫn hình như thấy rõ vạn hữu thường hằng!

Thế mới biết: lý tuy nhất quán, nhưng sự lại biến huyễn muôn trùng. Nếu ta vận lực áp dụng máy móc, trí óc, vật chất, con toán mà săn đuổi theo cái muôn trùng bí huyễn, thì dù ta có săn đuổi đến ba A Tăng Kỳ Kiếp chăng nữa, quyết định rồi cũng sẽ đến mang cái bệnh điên tự ôm lửa đốt nhà, hay cũng đến thốt ra những câu buồn cười như một bác sĩ nọ dèm chê Thượng Đế vụng về, chế ra con người có cặp mắt không thể thấy con vi trùng vậy! Cho nên phải chăng chỉ có cái học tánh tướng dung thông, không hai với nhiều nhất quán, mới là cái học nhất thừa đạt quán, có thể làm qui củ chuẩn hằng cho đời và mới có thể xứng với cơ thường hằng biến huyễn của trật tự thiên nhiên vậy!

Nếu ai muốn mân mê vào cây cỏ, vạn vật thiên nhiên, nương nơi cái đã biết để rong chơi vào những cái chưa biết thì có thể không đến nỗi là vô bổ!

Soạn giả Cẩn Chí

Ngày 9-9-1982

(tức 22-7 năm Nhâm Tuất)

BIỆN DƯỢC CƯƠNG YẾU

Khi chưa có con người, chưa có cái biết của con người thì thiên nhiên là gì, con người là gì, chưa thành vấn đề. Nhưng đã có con người, có cái biết của con người thì muôn vạn vấn đề đều bâu rức vào. Tại sao?

Con người không những là vua của lõa trùng, có biết đau biết ngứa, biết vui, biết buồn, mà còn là hội tụ của thái cực để thành một bầu trời trái đất nhỏ nữa! Thế từ bao la thiên nhiên đi vào Thái dương hệ, vạn vât, con người; vốn phải có một hệ thống dọc vô cùng khít khao mạch lạc để kết thành hai hiện tượng tinh thần và thể xác. Nếu không đạt suốt được trật tự thì dù đi vào đại khái cũng không tránh khỏi có chỗ lờ mờ…

Con người nhìn ra thấy nguồn gốc của địa cầu là nước, biển là nơi chứa nước của thiên nhiên. Nước có khí lạnh, có ánh sáng đen, chịu ảnh hưởng của Thủy tinh, có mùi nước biển, có vị mặn, có tánh thấm ướt, có thể lỏng, có công năng trôi chảy, lấy nơi thấp làm định cư, nhờ ngăn rào, nhờ bầu trời làm ngưng đọng, khi gặp ánh sáng mặt trời liền bốc thành hơi để không gian hòa dịu, tạo nên mây mù mưa móc, để không lệch về quá nóng hay quá lạnh, quá ráo hay quá ướt, cơ sanh sôi nhờ đó mà thảo mộc hóa sanh.

Có đất, có nước, có nóng, có ẩm, có gió thì có khí ấm áp. Thảo mộc theo đó mà phồn thịnh. Lấy xanh làm màu sắc, chịu ảnh hưởng Mộc tinh, lấy ấm làm khí, lấy sinh phát làm công năng, lấy lay động làm tánh, lấy cây cối làm chất, có mùi ôi nồng, và có thể sanh ra vị hoặc chua, hoặc cay, hoặc chát, hoặc ngọt, hoặc mặn, hoặc đắng, hoặc tê, hoặc ngứa; nhưng chua cay là vị rõ nhất của nó. Lấy nơi ấm áp ẩm thấp làm định cư, nhờ nước để tiếp dưỡng, nhờ bầu trời để chế ngự. Bám vào đất tạo nên chất đốt, hiển hiện tướng gió.

Có mặt trời, có hơi nóng, có khí nồng, có lửa cháy có mùi khét, có vị đắng, có tánh bốc cháy, lấy mặt trời làm chỗ tụ về, lấy than củi làm chỗ bám tạm bợ. Phát nhiệt làm công năng, có ánh sáng đỏ, chịu ảnh hưởng Hỏa tinh. Nhờ sự nối tiếp của chất đốt để sưởi ấm bầu trời, để lụi tàn bù đắp thêm cho đất. Chịu sự gạn lọc ánh sáng của nước.

Nóng lạnh giao xen, ấm mát trao đổi tạo thành khí ẩm, mùi thơm; vị ngọt, lạt, béo. Tánh ôn hòa, màu vàng, chịu ảnh hưởng Thổ tinh. Có công năng ngăn ngại, có hình tướng tròn đầy, là kết quả sự thối lui của Hỏa, để làm dụng cụ đựng cho nước, là nơi ung đúc kim loại mà cũng là nơi chứa vựa thức ăn cho thảo mộc, là nơi gá gởi cho tất cả Kim Mộc Thủy Hỏa.

Có đất đai, có khí mát se ráo tất có Thổ hóa Kim, có vị chua cay, có mùi tanh, có tánh thu liễm, có công năng kiên cố, có màu trắng, chịu ảnh hưởng Kim tinh, lấy bầu khí quyện làm căn cứ để chế ngự thảo mộc, khí gió; để ngưng đọng hơi nước trả về cho biển. Nhờ sự bốc hơi của khí đất dồn lên và chịu sự sưởi ấm của mặt trời.

Đó là đại khái sự tương quan bên ngoài của trật tự thiên nhiên thông qua lăng kính 5 hành chế hóa.

Vạn vật trong thiên nhiên không thể có một vật mà tất cả mọi khía cạnh đều chỉ thuần là một hành, cho nên không thể có cực âm cực dương ngũ hành phân chia, mà chỉ có trong một hành gồm đủ năm hành, tùy chỗ thiên trọng mà đánh giá.

Thân người đã là bầu trời đất thu hẹp, nước vào trong thân thuộc hệ thống của Thận, nên Thận có mùi vị giống nước biển, là nơi súc tích năng lực sống trong con người, là cơ quan chế diệu bớt sự thái quá của tạng Hỏa, là tạng để tài bồi cho tạng Mộc, đồng thời chịu sự đề phòng tạng Thổ, và nhờ sự trưởng dưỡng của tạng Kim.

Rừng thảo mộc vào thân là hệ thống Gan nên tạng Gan là thảo mộc trong động vật, có hình sắc, mùi vị của thảo mộc, để vừa chịu sự chế tài của tạng Kim, vừa tài bồi cho tạng Hỏa, vừa ngăn bớt thế thái quá của tạng Thổ, và phải nương nhờ sự giúp đỡ của tạng Thủy.

Mặt trời đi vào trong thân là hệ thống của tạng Tim, nên hệ thống của tạng Tim từ mùi vị, đến tướng tá, màu sắc, vừa tựa mặt trời cũng vừa tựa đống lửa, vật cháy; là cơ quan để sưởi ấm cho tạng Kim để vừa giúp cho tạng Thổ, chịu tạng Thủy chế ngự và tạng Mộc viện trợ.

Đất đai ngoài địa cầu đi vào cơ thể là hệ thống tạng Tỳ, nên tạng Tỳ là đất đai trong động vật. Cho nên tạng Tỳ có mùi thơm, vị ngọt, màu đất, là cơ quan có công năng chế ngự tạng Thủy, tiếp dưỡng cho tạng Kim, chịu sự giúp đỡ của tạng Hỏa, thọ lãnh sự chế ngự của tạng Mộc, nhưng vẫn là cơ quan nền tảng tiếp dưỡng cho toàn bộ cơ cấu trong thân người.

Ngoài thiên nhiên có bầu trời, khí quyện, trong thân có buồng Phổi, cho nên bầu trời thuộc Kim. Tạng Phổi màu sắc, mùi vị cũng có tánh Kim, là hệ thống Kim khí trong con người, là cơ quan chế bớt tạng Mộc, ngưng đọng hơi nước cho tạng Thủy, nương nhờ tạng Thổ, chịu sự sưởi ấm của tạng Hỏa.

Thế là suốt từ bao la vào con người có một hệ thống thật là tiết tấu, để kết thành nhơn thân tiểu thiên địa, mà vào tận tế bào cũng thế thôi. Cho nên hình sắc, khí vị, tánh chất, tánh tình của vạn vật bên ngoài, khi vào cơ thể cũng theo đó mà hòa đồng biến hóa một cách khít khao, linh động, không hề sai chạy. Thí dụ: vật có vị chua, vừa là vị của Mộc mà cũng vừa là vị của Kim, chỉ vì tánh Kim là thu liễm nên tác dụng vị chua ng- hiêng hẳn về Kim. Chát không phải vị của Kim, là vị chạnh của Mộc, chỉ vì tánh co rút thâu liễm nên công năng cũng nghiêng về Kim. Còn vị cay trong Kim cũng có, trong Mộc cũng có. Vị chạnh của nó là tê và ngứa, chỉ vì tánh nó phát tán nên công năng nghiêng hẳn về Mộc. Đây là nghĩa Kim Mộc hợp đức, tương phản tương thành. Vì thế hai vị chua và cay từ xưa đến nay người học rất khó minh bạch. Ví nếu không thật hiểu rõ, ta cứ xếp vị chua vào Kim, vị cay vào Mộc cũng có thể lưu thông. Điều này cần phải minh bạch kỹ.

ĐỌC THỬ

Căn cứ vào nguyên lý Nội Kinh, phàm khi bàn về thuốc mà nói lạnh nóng ấm mát là thuộc về khí. Chữ khí ở đây có nghĩa là hơi, chứ không phải chữ hương hay chữ xú là mùi.

Chua đắng ngọt cay mặn là thuộc về vị. Khí là dương, vị là âm. Nếu khí hậu là dương trong dương, là nhẹ trong nhẹ. Khí bạc là âm trong dương, là nặng trong nhẹ. Vị hậu là âm trong âm, là nặng trong nặng. Vị bạc là dương trong âm, là nhẹ trong nặng.

Khí nhẹ thì phát tiết, tán biểu. Khí nặng thì phát nhiệt sanh ấm.

Vị hậu thì tiết, giáng, tả. Vị bạc thì thông lợi khiếu, thẩm thấp.

Cay ngọt phát tán là dương, chua đắng vọt tiết là âm. Vị mặn vọt tiết cũng là âm. Vị lạt thấm tiết là dương, nhẹ thanh, bốc nổi là dương. Nặng đục chìm giáng là âm.

Khí, dương, đi ra khiếu trên; Vị, âm, đi ra khiếu dưới. Thanh dương phát ra tấu lý, trược âm chạy về năm tạng. Thanh dương qui ra tứ chi, trược âm qui về sáu phủ. Đó là chỗ về của âm dương.

Phàm những vị thuốc đi vào cơ thể, nếu nhẹ bọng thì phải theo thế nổi mà đi lên. Nặng chắc theo thế chìm mà đi xuống. Nếu vị bạc nhẹ thì khí nhiều, bốc lên theo khí sanh của mùa Xuân. Nếu khí bạc nhẹ thì vị nặng nhiều, đi xuống thu liễm theo khí Thu. Nếu khí hậu vị bạc thì nổi theo khí trưởng của mùa Hạ. Nếu vị hậu khí bạc thì chìm mà bế tàng theo khí Đông. Nếu vị bình, khí cũng bình thì hóa theo khí thành của Thổ.

Nếu khí hậu vị bạc thì nổi mà bốc lên. Vị hậu khí bạc thì chìm mà đi xuống. Nếu khí vị đều hậu thì có thể nổi có thể chìm. Nếu khí vị đều bạc thì có thể thăng có thể giáng. Vị mặn không bao giờ thăng, cay ngọt không bao giờ giáng, khí lạnh không bao giờ nổi, khí nóng không bao giờ chìm. Đó là định lý lên xuống nổi chìm của thuốc khi vào cơ thể.

Phàm thuộc loại rễ từ mặt đất trở xuống thì nửa thân rễ phía trên khi vào cơ thể thường đi lên, nửa thân rễ phía dưới thường đi xuống. Cành thường chạy ra tay chân. Vỏ thì thông ra da thớ. Tim cội thì đi vào tạng phủ. Chất nhẹ đi lên vào Tim Phổi, nặng đi xuống vào Gan Thận. Trong bọng xốp thì phát biểu, trong đặc chắc thì công lý. Chất khô ráo thì vào phần khí, nhuận ướt thì vào phần huyết. Đó là định luật đồng loại theo về của trên dưới trong ngoài.

Nếu thuốc hoặc thiên trọng màu xanh, hoặc vị chua, hoặc mùi nồng, hoặc tính ấm, hoặc thăng phát thì đều theo điều kiện thiên trọng đó mà quyết định vào hệ thống Khuyết Âm và Thiếu Dương.

Nếu thuốc hoặc thiên trọng màu đỏ, hoặc vị đắng, hoặc mùi khét, hoặc tánh nóng thì đều vào hệ thống Thủ Thiếu âm và Thủ Thái dương.

Nếu thuốc hoặc thiên trọng màu vàng, hoặc vị ngọt, hoặc mùi thơm, hoặc tánh ẩm thì đều vào hệ thống Túc Thái Âm và Túc Dương Minh.

Nếu thuốc hoặc thiên trọng màu trắng, hoặc vị cay, hoặc mùi tanh, hoặc tánh thu liễm, thì đều vào hệ thống Thủ Thái Âm và Thủ Dương Minh.

Nếu thuốc hoặc thiên trọng màu đen, hoặc vị mặn, hoặc mùi thúi, hoặc tánh lạnh thì đều vào hệ thống Túc Thiếu âm và Túc Thái dương.

Tóm lại hoặc hình, hoặc sắc, hoặc khí, hoặc vị, hoặc tánh chất, hoặc tính tình, miễn có một điểm thiên trọng, cứ xoắn ngay vào đó mà khám phá, chứ không thể có một vị mà tất cả mọi khía cạnh đều chỉ một hành.

Trong 12 hệ thống tạng phủ kinh mạch, chỉ có Thủ Khuyết âm và Thủ Thiếu Dương không có tạng sở chủ riêng. Vì Thủ Khuyết âm thuộc bọc Tim, bám liền với Tim, và thông với Túc Khuyết Âm Gan. Còn Thủ Thiếu dương thì mắc liền với Buồng Mật của Túc Thiếu Dương.

Khuyết Âm chủ về huyết, nên các vị thuốc vào hệ thống phần huyết của Gan đều có ảnh hưởng vào hệ thống Bọc Tim, chỉ tùy nặng nhẹ. Còn Thiếu Dương chủ về khí nên các vị thuốc vào phần khí của hệ thống kinh mạch thì đều vào Tam Tiêu(màng bọc tất cả tạng phủ).

Mạng Môn tướng hỏa đi tản mát theo hệ thống Mật, Tam Tiêu và Bọc Tim. Nên vị thuốc nào vào Mạng Môn thì cũng đồng thời ảnh hưởng Tam Tiêu, Mật, Bọc Tim. Đó là cách đi vào các bộ phận trong cơ thể của những vị thuốc.

Về lý thuốc, có cách cùng đi với nhau, đồng loại không thể lìa như Huỳnh Bá, Tri Mẫu chẳng hạn. Còn cùng tá sứ lẫn nhau tức là phụ trợ lẫn nhau. Ghét nhau tức là có tính cách cướp đoạt công năng. Sợ nhau tức là gặp nhau sẽ bị chế phục. Phản nhau là có tính cách trái nhau. Sát phạt nhau nghĩa là bị chế bớt độc. Đó là nghĩa của dị đồng.

Khi tạng Gan bị gồng thắt, huyết ráo, phải cần có vị ngọt để làm hưỡn lơi. Khi tạng Gan muốn tán thông điều đạt, thì phải được vị cay để tán, và cay cũng để bổ. Dùng chua để tả.

Khi tạng Tim bị giãn lơi, phải cần có vị chua để thu liễm. Tạng Tim muốn được mềm dẻo phải có vị mặn để mềm, lại cũng dùng vị mặn để bổ, ngọt để tả.

Khi tạng Tỳ bị ẩm thấp thái quá, cần phải có vị đắng để làm cho ráo. Tạng Tỳ muốn hưỡn lơi phải cần gấp vị ngọt để bồi bổ, còn vị đắng để tả (làm cho ráo).

Khi tạng Phổi khổ vì hơi đưa xốc lên do bị hỏa khắc, phải cần gấp vị đắng để tả. Muốn cho Phổi được co lại phải có vị chua để thu liễm, để bồi bổ, dùng vị cay để tiết.

Khi tạng Thận quá ráo phải cần gấp vị cay để nhuận. Muốn cho tạng Thận được rắn chắc phải dùng vị đắng, vừa làm rắn chắc vừa bồi bổ, dùng vị mặn để tả.

Đó là đại lược ý nghĩa bổ tả của năm vị năm tạng. Tuy nhiên luật sanh khắc bổ tả của vị thuốc cũng như của tạng phủ vốn không tuyệt đối, vì còn phụ thuộc trình độ, khí vị cao thấp khác nhau chi phối nữa. Thí dụ: nước làm tắt lửa, nhưng tuyệt đối không có nước, không có hơi nước thì lửa cũng không thể cháy. Cho nên lửa với nước, lạnh với nóng, mặn với đắng, đều có mức độ nương nhau mà tồn tại. Cũng như tạng Thận với tạng Tim, tạng Tim với tạng Phổi v.v cũng vẫn có thế nương nhau mà tồn tại. Cho nên sinh khắc bổ tả không phải là thứ chết tê đóng cứng, cố chấp vào chữ và lời mà được. Học giả cần phải biết!

Khi bị khí phong xâm nhập vào trong, dùng cay mát để trị, đắng ngọt để tá. Ngọt để thư giãn, cay để giải tán.

Khi bị khí nhiệt lấn vào trong, dùng mặn lạnh để trị, ngọt đắng để tá, chua để thu liễm, đắng để phát.

Khi bị khí thấp lấn vào trong, dùng đắng nóng để trị, dùng chua lạt để tá. Đắng để ráo, lạt để tiết.

Khi khí hỏa lấn vào trong, dùng mặn lạnh để trị, dùng đắng cay để tá, dùng chua để thu, dùng đắng để phát.

Khi khí ráo lấn vào trong, dùng đắng ấm để trị, ngọt cay để tá, đắng để hạ.

Khi khí hàn lấn vào trong, trị bằng ngọt nóng, tá bằng đắng cay, mặn để tả, cay để nhuận, đắng để rắn chắc.

Đó là chủ trị của sáu khí xâm lấn vào trong đều có chỗ hợp nghi. Cho nên phải rõ suốt tánh thuốc, khi áp dụng cần phải xét kỹ.

Trong con người, năm tạng ứng theo năm hành, năm hành có tương sanh tương khắc tức là nền tảng lý hóa học của Á Đông. Tương sanh theo thế mẫu tử tức là hệ thống trên dưới. Nội Kinh nói bệnh hư thì bổ tạng mẫu, bệnh thiệt thì tả tạng tử. Lại nói: tạng tử có thể làm cho tạng mẫu được sung túc, rắn chắc trở lại. Thí dụ: Thận là tạng mẫu của Gan, Tim là tạng tử, nên thuốc vào hệ thống Gan đồng thời cũng ảnh hưởng vào Thận và Tim. Tất cả các tạng đều như thế cả.

Đó là lý năm hành tương sanh, tử mẫu cùng ứng.

Quá chua hại Gan, vị cay chế lại. Quá đắng hại khí, vị mặn chế lại. Quá ngọt hại Tỳ, dùng chua chế lại. Quá cay hại da lông, dùng đắng chế lại. Quá mặn hại huyết, vị ngọt chế lại.

Đó là nghĩa năm hành chế hóa trong năm vị, và vị thái quá tổn thương trong cơ thể.

Vị chua tác động mạnh vào gân, nên bệnh gân chớ ăn nhiều của chua. Gân gặp chua thì hoặc co vặn hoặc rút lại nặng thêm. Vị đắng tác động mạnh vào xương, bệnh xương chớ nên ăn nhiều vị đắng vì xương gặp đắng càng tăng thêm khí âm, nặng nề không cất nổi.

Vị ngọt tác động mạnh vào Tỳ. Bịnh bắp thịt chớ ăn nhiều vị ngọt, vì thịt gặp ngọt thì ngăn hơi, da cũng nặng thêm.

Vị cay tác động mạnh vào phần khí. Bịnh khí chớ nên ăn nhiều vị cay, vì khí gặp cay thì tán hư thêm.

Vị mặn tác động mạnh vào huyết. Bịnh huyết chớ nên ăn nhiều vị mặn, vì huyết gặp mặn thì ngưng đọng làm khát nước.

Đó là chỗ cấm kỵ của năm bệnh.

Ăn quá mặn thì mạch máu bị ngưng rít, khí sắc biến.

Ăn quá đắng thì da khô lông rụng.

Ăn quá cay thì gân rút, móng khô.

Ăn quá chua thì thịt nứt nẻ, môi trớt.

Ăn quá ngọt thì xương đau, tóc rụng.

Đó là sự thái quá tổn thương của năm vị.

Thuốc là vật chất, đều có hình tánh, khí chất để làm điều kiện đi vào hệ thống thích hợp. Có khi bởi giống hình mà hấp dẫn như Lệ Chi hạch vào ngoại thận. Có khi bởi đồng tánh mà về nhau, như thuộc Mộc vào Gan, thuộc Thủy vào Thận v.v. Có khi bởi đồng khí tương cầu như Mộc Hương vào Tỳ chẳng hạn. Có khi bởi đồng thành phần mà tụ về như phần đầu vào đầu, thân vào thân, cành vào tay chân, chẳng qua là lý tự nhiên. Cứ nhắm vào phần thiên trọng, có thể dùng ý mà nhận được.

Còn phần tên, hoặc đặt theo hình như Nhân Sâm, Cẩu Tích v.v , hoặc theo màu như Huỳnh Liên, Huyền Sâm v.v , hoặc theo mùi như Mộc Hương, Hương Nhu v.v , hoặc theo vị như Cam Thảo, Khổ Sâm v.v , hoặc theo chất như Thạch Cao, Hượt Thạch v.v, hoặc theo thành phần như Quy Thân, Quy Vỹ v.v, hoặc theo mùa như Hạ Khô Thảo, Khoản Đông Hoa v.v, hoặc theo công năng như Hà Thủ Ô, Cốt Toái Bổ v.v. Tuy nhiên cũng có khi xuất phát từ địa phương dân dã, không nhất thiết đều có ý nghĩa đầy đủ.

Về bào chế theo lửa có bốn cách: Nung, lùi, nướng, sao.

Theo nước có ba cách: Tẩm, ngâm, rửa.

Chế chung cả nước lửa có hai cách: Chưng và nấu.

Chế rượu để bốc lên, chế gừng để ấm tán, chế muối để đi vào Thận làm mềm, chế giấm để đi vào Gan thu liễm, chế đồng tiện để bớt tánh táo liệt và dẫn đi xuống, chế nước vo gạo để trừ ráo hòa trung, chế sữa để nhuận khô sanh huyết, chế mật ong để huỡn và tăng thêm nguyên khí, chế với đất vách là mượn khí đất để bổ trung châu, chế bằng bột mì, men để đàn áp bớt tánh khốc liệt, đừng thương tổn thượng tiêu, ngâm nước đậu đen, Cam Thảo để giải bớt độc cho được bình hòa. Tẩm các thứ mỡ nướng đều để dễ thấm vào xương. Gỡ bỏ múi để khỏi trướng, bỏ tim để trừ phiền.

Đó là phép chế trị đều có chỗ hợp.

Tác dụng của thuốc, hoặc thổ nghi lệch lạc thì có tốt xấu khác nhau. Hoặc chợ búa giả dối thì khí vị sai suyễn hoặc thâu thập trái mùa thì nhuận khô, khác chất. Nếu đầu đuôi dùng lộn xộn thì chỉ huy không ứng. Nếu chế trị không tinh thì công lực rất giảm. Người dùng không xét, cứ quy tội cho thuốc vô công, khác chi binh không ròng mà nghĩ đem trừ giặc, làm bại tướng tổn binh. Cái học lý hóa trị liệu của Y Đạo há dễ xem thường được sao!

Một điểm nữa cần phải được nhắc đến, từ ngàn xưa đều theo Nội Kinh đã nêu, mỗi vị mỗi hành ghép vào mỗi tạng. Cũng như các tạng, tạng Gan được ghép vào vị chua hành Mộc, nhưng xét ra tạng Gan và tạng Tỳ là hai tạng chiếm phần khoảng giữa người theo thế tréo của giao hổ trong làn sóng viên quang, làm cho tạng Gan nằm bên phải, nhìn kỹ thấy có bốn lá, đại khái có hai lá, lá to nằm ngoài, lá nhỏ nằm trong. Còn tạng Tỳ thì Tỳ âm nằm dưới dạ dày, đuôi nó lệch về phía trái cũng như Tỳ dương, làm cho Tỳ dương trở thành cơ cấu Mộc trong Thổ, để đối xứng với lá to nằm ngoài của Gan là Thổ trong Mộc, làm thành thế quân bình theo thế lò xo quyện lò xo.

Trong năm hành ở Hà Đồ thì hành Thổ, số 5 là sanh, là Thiên; số 10 là thành, là Địa. Cho nên thiếu hành Thổ thì bốn hành kia không chỗ bám víu, xuất hiện. Cho nên trên lý, trong đất đai không thiếu một thứ gì.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button