Văn học trong nước

Yêu Hà Nội Thích Sài Gòn

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Hồng Phúc

Download sách Yêu Hà Nội Thích Sài Gòn ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

SÀI GÒN – NƠI ĐẾN

Nếu tìm một từ cho thành phố này xin dùng từ “chuyển động”. Dường như ở đây không khi nào có sự dừng lại, ở mọi nơi, mọi lúc, mọi góc nhìn và thậm chí từ mọi trái tim.

YÊU HÀ NỘI, THÍCH SÀI GÒN

Nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên khi bắt đầu ra mắt thị trường đã mời khách uống thử sản phẩm tại các trung tâm thành phố lớn. Người Sài Gòn uống thử rất nhiều, người Hà Nội uống ít, người miền Trung gần như không uống. Một nhà văn hoá sau đó phân tích rằng vì người miền Trung không bao giờ cho phép mình ăn uống nơi đầu đường xó chợ theo kiểu ban phát miễn phí. Họ cho đó là hành động của kẻ tầm thường. Người Bắc bảo thủ hơn, ngại thay đổi, thường làm theo truyền thống và thói quen. Họ nghĩ: Ông tôi, bố tôi đều làm như vậy nên tôi cũng sẽ làm như vậy.

Người miền Nam năng động hơn cả.

Ra phố Sài Gòn, bạn dửng dưng khi thấy người bán hàng, nhân viên lễ tân cúi gập người chào thì ở Hà Nội, bạn không tin vào tai mình khi vào cửa hàng mà được ai đó nói lời cảm ơn. Bởi người Hà Nội luôn sẵn sàng tâm thế bị “mắng mỏ” khi ra đường. Cũng bởi ở miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng, thói quen văn hóa – lịch sử đã để lại một quan điểm cho rằng làm nghề phục vụ là hạ cấp.

“Khi không hiểu sâu về văn hóa, anh sẽ không làm kinh doanh tốt được”, người kể cho tôi nghe câu chuyện trên vốn là một nhà tư vấn kinh doanh “chốt hạ” bằng một câu như vậy.

Vậy thì văn hóa nào là của người Sài Gòn, văn hóa nào của người Hà Nội? Cuộc tranh cãi này chưa bao giờ có hồi kết. Công chúng không dễ đồng ý khi bạn đưa ra một tên gọi hay gắn cho chúng một tính từ nào đó. Nhưng bạn có thể cụ thể hóa được phần nào cái gọi là văn hóa người Hà Nội hay người Sài Gòn bằng những câu chuyện kể.

Khi lần đầu “vô Sài Gòn”, ngồi ăn cơm ở Terrace của văn phòng tôi luôn miệng chào đồng nghiệp “Mời chị ăn cơm với em” mà không biết mọi người nhìn mình cười độ lượng. Một đồng nghiệp sau đó nói rằng nếu tôi mời cơm ai thì họ sẽ ăn, còn với người Hà Nội, mời cơm được hiểu theo nghĩa chào xã giao như một thông báo: tôi ăn cơm đây, anh cứ làm việc của mình đi. Ai mà ăn thì rất dễ… bị ghét.

Không ngạc nhiên khi ở Sài Gòn bạn gặp một anh có vẻ quê quê, đi xe cà tàng, áo quần xuề xòa nhưng thực tế lại là một đại gia. Ở Hà Nội, thậm chí có những người đi ô tô, áo quần sành điệu có khi ví lại mỏng dính. Người Hà Nội thích ăn mặc có gu riêng, chứng tỏ bản thân hơn người khác trong khi dân Sài Gòn mặc sao thuận tiện là được.

Người Sài Gòn rất bộc trực và không khách sáo như người Hà Nội. Họ ít khi hỏi những câu hỏi riêng tư như về gia đình bạn, hay việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền. Họ cũng không hay đánh giá bạn qua cái xe mà bạn đi, điện thoại bạn dùng hay quần áo bạn mặc mà họ đánh giá bạn qua cách bạn cư xử với mọi người.

Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Đầu lý giải các câu chuyện trên rằng vì Hà Nội là một đô thị mang tính hướng nội, nép mình nhờ sự bảo vệ của sông Hồng. Còn Sài Gòn vừa là đô thị trẻ vừa là một bến cảng quốc tế mang tính hướng ngoại. Sông Sài Gòn thông với biển, có xu hướng “mở” và luôn bị ảnh hưởng bởi thủy triều. Ngay từ 300 năm trước Sài Gòn đã là thương cảng, được phát triển kinh tế hàng hoá. Các chúa Nguyễn khi Nam tiến đã chiêu mộ người từ xứ Quảng Nam, xa hơn là Trung và Bắc Trung bộ đến khẩn hoang lập ấp, cùng với người bản địa, người Hoa, người Khơme, người Chăm, và một vài dân tộc thiểu số, từ đó đã làm nên một Sài Gòn năng động mà vẫn ung dung thư thái, chân phương mà cởi mở, bộc trực mà dễ chịu.

Mỗi vùng đất đều có những điều thú vị… Sài Gòn đáng yêu thế nhưng đa số người Bắc vào miền đất này lại chỉ thích Sài Gòn trong khi rất yêu Hà Nội. Bởi dù còn nhiều hạn chế, nhược điểm của một nền văn hóa Bắc bộ khép kín và bảo thủ, nhưng ai đến Hà Nội một lần đều không dễ quên. Vùng đất kinh kỳ ấy có mưa xuân lất phất, có ngày Tết se se lạnh, có mùa thu nồng nàn hoa sữa, là những con đường heo may lá vàng, là tiếng chuông chùa ngân vang trên mặt Hồ Tây bảng lảng sương, có gió sông Hồng se sắt những ngày rét ngọt… “Một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may”, (Nhạc sĩ Phú Quang) quả không dễ quên so với cái trầm mặc và buồn hiu hắt của Huế, cái xôn xao, hối hả, ngập tràn ánh sáng của Sài Gòn. Người sống tại Hà Nội hiện nay (đa phần từ các tỉnh về) còn nhiều khiếm khuyết về các thói quen văn minh nhưng lại rất nhiệt tình, son sắt, thủy chung trong tình bạn, sâu nặng trong tình yêu, quan hệ gia đình.

Giọng người Sài Gòn được xem là giọng chuẩn của miền Nam, cũng như giọng người Hà Nội được xem là giọng chuẩn của miền Bắc. Không ai phủ nhận các cô gái Hà Nội nói chuyện rất hay, tự tin, hồn nhiên, ngây thơ mà vẫn chân tình. Người Sài Gòn nói không nặng như người miền Trung, không nói như hát giống người Huế, giọng cũng không thanh như dân Hà Nội. Họ nói với cái kiểu hào sảng của dân Nam bộ. Các cô gái nói giọng mềm mại, ngọt ngào, nhanh và cũng rất tự nhiên, vui vẻ. Người Huế hay dùng các từ đệm như “o, mô, ni, chừ, răng…”, người Sài Gòn hay dùng các từ đệm như “nghen, hen, hén, ta, ghê.” Người Sài Gòn có thể gọi “Ê, lại đây” mà không bị coi là “hỗn” như ở Hà Nội. Hà Nội “buôn dưa lê” thì Sài Gòn “tám.” Người Sài Gòn xưng “con” thay vì “cháu” như ở Hà Nội…

Kể ra những điều dài dòng trên để thấy rằng, sự pha trộn văn hóa tạo ra một bức tranh tưởng như tĩnh mà không ngừng chuyển động trong dòng chảy cuộc sống.

Văn hóa là những giá trị lớn, nó có sức thuyết phục mạnh mẽ vô cùng song nó cũng là bức tường thành kiên cố nếu bạn không biết cách vượt qua. Người làm kinh doanh lại càng phải hiểu sâu về văn hóa của khách hàng mà mình phục vụ.

Trên mảnh đất hình chữ S này có bao nhiêu điều khác biệt, cũng như trong mỗi vùng miền, mỗi con người và ngay cả trong chính những người sinh ra ở một miền, lớn lên ở một miền và cuộc đời tạo ra cơ duyên sống ở nhiều vùng miền khác. Sự pha trộn văn hóa có thể bắt gặp ngay trong một con người.

Khi bạn biết yêu Hà Nội, thích Sài Gòn, mến cái nắng gió miền Trung, bạn sẽ có cơ hội nhìn thấu những bức màn văn hóa, có cơ hội thành công cao hơn những người khác. Sự đa dạng văn hóa giúp xã hội phát triển nhanh hơn là vì như vậy.

ĐỌC THỬ

ĐỂ YÊU MỘT THÀNH PHỐ

Làm sao mình có thể sống ở một thành phố không có mùa đông, không có những nhánh cây khô gầy lặng lẽ, không có quán nước ven đường tàu cô đơn một ngọn đèn đêm giá rét, một tiếng rao “Lá mùi ơ…” trong cái se sắt của nỗi niềm ấu thơ?

Ai xa Hà Nội mà không hỏi như thế. Mà không nhớ nôn nao một buổi sớm Hồ Tây sương mù, một buổi chiều miên man sóng nước? Nếu đã trót gặp một chiều thu Hà Nội, một góc phố sớm thưa người mịn màng hoa sấu trắng hay một buổi tối muộn lạnh rùng mình khi bước ra từ văn phòng kẹt cứng giấy tờ thì khó mà trách người ta sao cứ phải nhớ. Bởi đó là những khi Hà Nội thoát khỏi các lớp áo sống và son phấn lòe loẹt, các kiểu cờ phướn xanh đỏ, đèn lồng đèn xếp, hoa giả hoa nhựa để được tinh tươm như chưa bao giờ là một sân khấu khổng lồ diễn ra bao bi hài kịch của các cuộc mưu sinh đổi chác.

Thì ra đời người lại cần có phút giây nhỏ bé nào đó, khi ta đối diện với mình.

Khi rời Hà Nội, tôi nhất quyết phải mua một căn nhà nhìn ra sông Sài Gòn, với hy vọng tìm một chút Hà Nội ở thành phố mà người ta cho là ồn ã. Song cuối cùng lại ngậm ngùi về một ngôi nhà sát chợ xép bên sông, xôn xao1 hàng quán tối ngày. Người bán nhà cười độ lượng: “Khi triều cường lên phố, nhất định em sẽ có view sông.» Điều lãng mạn ở Sài Gòn mà tôi chấp nhận là thế đó, cùng lắm chỉ được khuyến mãi thêm một chiều mưa rơi…

1 Mượn câu Nhớ xôn xao hàng quán đêm đêm của Trịnh Công Sơn.

Sài Gòn nắng gần như quanh năm nhưng điều tôi sợ là thấy lòng mình lạnh. Bởi tự hỏi làm sao có thể không thấy xa lạ với một thành phố không gắn với thời trẻ dại, với gia đình thân yêu cùng bao kỷ niệm bạn bè. Đã có bao nhiêu con người đến với Sài Gòn và tự hỏi: Phải ăn gì để nhớ nổi bao nhiêu bùng binh ngã tư, ngã năm, ngã bảy, làm sao biết mua cái nọ bán cái kia ở đâu, làm sao để tìm ra chỗ ăn ở đâu ngon, chỗ uống ở đâu thích? Làm sao tránh đường ngập khi triều lên, tránh chỗ kẹt xe? Làm sao khỏi hoang mang khi ra khỏi nhà? Đủ thứ “làm sao” đến mụ mị cả cái đầu. Ấy vậy mà bao người dưng rồi trở nên quý mến thành phố ấy. Người xa xứ rồi sẽ phát hiện ra rằng, ở cái đô thị của bao thăng trầm nhưng vẫn trẻ trung ấy, sau mỗi cơn mưa, sau mỗi tán lá héo hon cuối mùa, mỗi hẻm cụt bình yên đều có gì hao hao hoài niệm của quê nhà.

Trên hết là tấm lòng hào hiệp của thành phố này. Sài Gòn của những thùng trà đá miễn phí, những người đọc báo sáng bên tách cà phê trên mọi góc phố, những người tay không bắt cướp, bữa cơm từ thiện, những mùa mưa bình yên trước hiên nhà mướt mát hoa, mới thấy Sài Gòn vốn là thành phố dễ thương, với con người dễ thương, chân tình và giản dị… Mới hay mình chưa thấy gắn bó Sài Gòn vì mình và thành phố chưa là bạn, chưa nhớ nổi một con đường, và mình chưa cởi bó quá khứ hạn hẹp kia.

Đã có những lần may mắn, tôi được thấy những di tích hàng nghìn tuổi, những công trình lộng lẫy của thời gian, chồn chân trên những con đường người đời ca tụng, những kiến trúc choáng ngợp mà nhân loại ngẩn ngơ. Song nhờ nó tôi mới biết, với một người, dù ở một nơi nổi tiếng thế nào, vĩ đại ra sao mà không có sự rung động của những điều thân thuộc trong đời sống, nơi đó mãi mãi không thuộc về họ.

Mơ tưởng về những điều vĩ đại thật khờ khạo và ngốc nghếch biết chừng nào. Sự rung động đích thực với một miền đất không cần đến từ những thứ “hoành tráng to cao lớn lao oai vệ.”

Nếu Hà Nội là một thành phố đẹp, cái đẹp của quá vãng, thì Sài Gòn có sức sống và trật tự của tương lai. Nếu Hà Nội còn mang vẻ chật hẹp và khó khăn của “kẻ sĩ Bắc Hà” thì Sài Gòn lại có nét bao dung độ lượng của “anh Hai Nam bộ” đã và đang cưu mang bao đời khốn khó. Ừ thì Hà Nội bụi bặm, ngột ngạt, chật chội, con người có lúc để ý nhau. Ừ thì người ta vẫn vừa yêu vừa trách, như kiểu bởi yêu mà ghét, vì ghét lại vẫn còn yêu nhiều điều “khó bảo” của Hà Nội. Còn Sài Gòn thì hấp dẫn bởi sự rộng lượng khó cầm lòng. Tình yêu một thành phố tưởng “dễ ẹc” mà lại kèm theo vô vàn so đo thỏa hiệp. Để đổi thay, người ta cần thời gian và sự mở lòng.

Năm nào cũng vậy, theo vòng thời gian, Hà Nội và các thành phố lớn đều phải diễn ra các cuộc ra đi và trở về với nhiều sắc thái. Người hớn hở, kẻ nặng lòng. Người từ Nam ra, kẻ về xứ ấm, người về nông thôn, người đi miền núi… Dường như ai dù đi rồi sẽ phải trở về cuối hành trình bằng cuộc di cư về một nơi ấm lòng.

Người ta nói, có rất nhiều điều xẹt qua đời mình. Thứ thì ở lại, thứ thì đi. Trong những hành trình ấy (mà hành trình di cư từ Bắc vào Nam chỉ là một chuyển động nhỏ), ai cũng phải tự lựa chọn: cái gì cần buông, điều gì cần nắm, mà biết buông thì khó hơn biết nắm nhiều lần.

MÀU SÀI GÒN, MÀU HÀ NỘI

Sài Gòn thế nào? Đã quen chưa? Dân “nhập cư Sài Gòn” chúng tôi ai mà chẳng được hỏi cả chục lần câu hỏi ấy. À thích lắm. Chị vào đây đi. Ôi sao ấy liều thế? Tớ thấy nắng nóng quanh năm tớ ngại, đồ ăn thì nhiều ngọt, cách họ nói đùa tớ không hiểu, họ chỉ đường tớ cũng không hiểu nốt, tớ sợ không quen.

Đấy là người Hà Nội bảo thế. Còn người Sài Gòn thì nói:

“Chị ở Hà Nội vào à? Em cũng được đi chơi Hà Nội một lần rồi, lạnh lắm, con gái ngoài Bắc xinh nhưng nói nhanh quá em nghe ‘hổng’ kịp.”

Dân Hà Nội “vô” Sài Gòn thì ngỡ ngàng vì Sài Gòn to quá và người miền Nam sao mà chân phương. Bạn tôi mới lơ ngơ vào đây làm việc, mua tạm chiếc xe máy cũ để đi làm. Mua xe xong, đang đi về nhà thì xe bỗng hết xăng đành hì hụi dắt xe trên đại lộ Đông Tây giữa trưa nắng. Bỗng có anh chàng tự xưng người miền Tây dừng lại hỏi xe anh làm sao, nói hết xăng phải dắt bộ. Anh chàng nói đường này rất dài và không có chỗ bán xăng, giờ anh lên xe em đẩy phía sau về Quận 4 có trạm xăng. Anh chàng di xe cho bạn tôi về đến đường Nguyễn Tất Thành để mua xăng. Bạn tôi cảm kích lắm, hỏi cảm ơn anh hết bao nhiêu tiền em gửi? Thôi tiền nong gì, giúp anh thôi. Ơ sao lại thế? Thì em giúp anh mai mốt có người giúp em hà. “Dân Hà Nội” cảm động quá không nói nên lời.

Có lần tôi loạng quạng tìm đường tới nhà bạn, cả đời tôi nào đã bước chân đến Thủ Đức bao giờ. Tự dưng có “thằng chả” đuổi theo đi bên cạnh, cứ kè kè nhìn mặt mình. Tôi bấn loạn, tự lẩm bẩm: Từ sáng tới giờ mình chưa chải đầu soi gương, xấu thế này sao hắn lại để ý nhỉ? Hay hắn định giật đồ, trông cái mặt có vẻ khả nghi, làm thế nào bây giờ nhỉ? Mình sẽ hô hoán lên câu gì đây?… “Tên (có ý định) giật đồ” rồ ga nhao lên nhìn thẳng vào mặt mình hét lên: Tắt xi-nhan đi cô!? Trời! Thì ra ông muốn nhắc mình cẩn thận kẻo tai nạn, mà ông phải hét lên vì thấy mình đeo tai nghe. Mình hét lại: “Cảm ơn anh.” Ông tiện thể quát tiếp: “Lái xe gì mà quẹo qua quẹo lại? Định hại nhau hả?!” Mình hoảng hốt vì sợ nói nữa thành chửi lộn, chưa kịp phản ứng ông cười hì hì rất ấm áp. Ông đâu biết rằng mình đang loạn cào cào đầu óc lên vì đường sá sao mà nhiều, thành phố sao mà rộng thế, đi từ đầu này tới đầu kia tới mấy chục km, mỏi hết cả cổ vì lo nghển lên tìm cái số nhà với cái tên đường. Thì ra trời ạ, rất nhiều tên đường ở các quận trùng nhau. Thế có giết con người ta không hả trời?

Dân Sài Gòn ra Hà Nội thì… bàng hoàng vì Hà thành nhỏ quá. Có lần bạn tôi người “Bắc 54” khuyên một đồng nghiệp lần đầu đi công tác ra Hà Nội: Hà Nội đẹp lắm, mày nhất định bảo xích lô chở đi thăm ba cái hồ cho tao: Hồ Gươm, hồ Tả Vọng, hồ Lục Thủy (ba cái tên đều chỉ một hồ). Anh chàng đồng nghiệp khi quay về Sài Gòn tìm bà chị để mắng cho bõ tức: “Bà hại tôi. Ông xích lô bảo định chơi đểu hả, còn dọa đánh tôi.” Bà chị được thể cười té ghế.

Dân Sài Gòn ra Bắc còn sợ bị bắt nạt. Chị bạn tôi bảo không hiểu sao bà bán trà đá, ông xe ôm Hà Nội đều thuộc vanh vách ai sắp lên làm lãnh đạo đất nước, ông chủ tịch quê đâu, người thế nào, ông bí thư quê đâu, có biết tiếng Anh hay không… Nếu như mở đầu câu chuyện của dân Sài Gòn thường là “Hôm nay trời nóng nhỉ”, hay “Bữa qua sao cơn mưa to quá” thì dân Hà Nội sẽ nói “Sắp tới nhân sự thế nào, có nghe tin gì không?”

Cậu đồng nghiệp quê gốc Gia Lai ngồi sau lưng tôi có lần “théc méc” sao dân Hà Nội dữ thế. Tôi hỏi dữ sao? Lần em đi chơi Hà Nội, bạn rủ ra uống nước bờ kè Hồ Tây, xong em đưa tờ 200.000 trả tiền, một lúc sau bà bán hàng xồng xộc quay lại gí thẳng tờ tiền vào mặt “Này trả lại này.” Em hỏi: “Sao thế ạ?” “Không cần biết tại sao, chỉ cần biết là trả lại, nhá.” Bạn tôi hoang mang móc ví đưa bà tờ khác, bà nguýt rõ dài không thèm nói gì. Về anh chàng đưa tờ tiền ra “phân tích” một hồi mới thấy tờ tiền bị nhăn một góc. Sao dân Hà Nội dữ quá chị ơi! Tôi cười ha ha bảo em đừng lo lắng quá vì không phải ai cũng bị đánh ở Hà Nội đâu. Cậu đồng nghiệp nhân cơ hội “xả” tiếp, nào là em đi uống cà phê bị lườm vì không có tiền lẻ, xin thêm trà đá họ tính tiền, hỏi có thức ăn chưa, họ lại bảo không đợi được thì đi đi.

Thường mấy người Nam gặp tôi, nghe giới thiệu từ Hà Nội chuyển vào Sài Gòn sống họ bảo ôi anh, chị cũng là người Bắc đây, tôi hỏi: “Nói giọng đặc miền Nam thế Bắc ở chỗ nào?”, thế là người kia nhiệt tình chứng minh mình là người Bắc bằng cách liệt kê ra ông ngoại gốc ở Hưng Yên, cụ nội gốc người Thái Bình, 50 năm trước bố mẹ bỏ làng vào đây… Tôi bảo thôi được rồi, “Bắc Kỳ” đây có thèm chơi không thì bảo? Thế là cười xòa với nhau. Nhưng đằng sau sự cười xòa ấy, tôi biết sẽ có những nghi ngại ban đầu, nhưng tôi tin khi con người ta chân tình thì mọi định kiến sẽ là thứ yếu.

Tôi cũng tin dù ra đi từ Nam hay Bắc, ai cũng là con người. Mà con người thì có vô minh, có thông thái, có hoang mang, có tỉnh táo, có ngờ vực nhưng cũng có thể sâu sắc tin yêu.

Có người bạn tôi dân Sài Gòn “xịn” nhưng đi về làm việc giữa hai đầu đất nước thì cương quyết cho rằng anh cảm thấy khác biệt văn hóa và cả văn minh giữa Hà Nội và Sài Gòn rất lớn, như là khác biệt giữa hai đất nước, thậm chí hơn cả những quốc gia ở cạnh nhau mà họ tương đối giống nhau như Lào với Thái (tiếng nói, văn hóa giống nhau) nữa cơ. Tôi không phủ nhận điều anh nghĩ. Tôi chỉ nói rằng có cuốn sách đâu đó nói rằng mọi người trên thế giới về cơ bản giống nhau cả về tính tốt lẫn tật xấu, hay sở thích cũng như nhu cầu, song khác biệt mang tính chất văn hóa mỗi vùng miền là ở liều lượng, mùi vị và chất lượng, màu sắc khác nhau.

Nếu chọn một màu cho những nơi mình đã qua, tôi sẽ nghĩ về Hà Nội như gam màu trầm trầm cổ điển, có lẽ màu xanh cổ vịt hợp hơn cả, còn Sài Gòn thì có màu nóng hơn, cách tân hơn, tựa như màu cam. Hay khi tôi sống ở mỗi nơi, được “trộn lẫn” vào giữa cái nhịp thở dồn dập bao la của từng đô thị, thì màu những con đường đẹp nhất của Hà Nội là màu hoa sấu trắng và Sài Gòn lại rất dịu hiền với tàng lá me xanh treo đủng đỉnh mấy trái cong cong màu nâu đất.

Còn bạn, có bao giờ tự hỏi mình có màu gì không?


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button