Văn học trong nước

Váy Ơi Là Váy

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Trần Nhã Thụy

Download sách Váy Ơi Là Váy ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

ĐÔI LỜI…

Trong khoảng mấy năm, từ 2008 đến 2010, tôi tham gia đều đặn mục Tiểu phẩm trên Tuần báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ bảy với các bút danh Hai Đầu Méo, Ký Giả Lang Thang, Tang Văn Tình… Nhưng nhiều nhất vẫn là Hai Đầu Méo. Tại sao là Hai Đầu Méo? Vì tôi vốn thứ Hai, từ nhỏ đã sở hữu một cái đầu hơi… móp méo, nên khi nghĩ bút danh cho mục Tiểu phẩm tôi đã lấy cái tên nghe ngồ ngộ này. Thêm nữa, vì đây là tiểu phẩm châm biếm, nên phải được tư duy bằng cái đầu hài hước và hơi… méo mó một chút.

Trong 20 năm kiếm cơm bằng ngòi bút, viết đủ thể loại, thượng vàng hạ cám; thú thật là viết nhiều quá, đến mức không nhớ là mình đã viết những gì nữa. Rồi một hôm rảnh rang, ngồi mở máy tính, lục lại những folder cũ, mới thấy mình cũng từng viết tiểu phẩm, cho một tờ báo chính thống, ở một mục ăn khách hẳn hoi. Khi ngồi đọc lại thấy cũng… mắc cười. Nếu không có cái tên Hai Đầu Méo ký dưới mỗi bài thì có lẽ tôi cũng không nghĩ chính mình lại… có khả năng viết tiểu phẩm.

Nhưng có lẽ nên tránh đi tâm lý “văn mình vợ người”. Để cho khách quan, tôi nhờ nhà thơ – nhà báo Lê Minh Quốc, một người vừa bẩm sinh vừa có thâm niên viết truyện tiếu lâm ngó mắt qua một chút, coi thử có xài được không?

Nếu anh Lê Minh Quốc mà bảo Ôkê, cười được thì có khả năng tập tiểu phẩm với tựa đề Váy ơi là váy này sẽ ra đời. Còn nếu anh lắc đầu thì tôi cũng vui vẻ xem đây như một kỉ niệm trong cuộc đời viết báo kiếm cơm của mình.

Hai Đầu Méo

(Trần Nhã Thụy)

Làng Mai VIII/ 2012

ĐỌC THỬ

LAI RAI RỒI RỔN RẢNG… CƯỜI

1.

VĂN LÀ NGƯỜI”? Trật lất. Ít ra trong trường hợp của gã Hai Đầu Méo. Thoạt nhìn bản mặt của gã, tôi luôn sực nhớ đến cái tựa rất oách của nhà văn bậc thầy Nam Cao: “Cái mặt không chơi được”; hoặc nói như ngôn ngữ của thời “sát thủ đầu mưng mủ” là “chán như con gián”. Ai đời, trong những cuộc trà tam tửu tứ, thiên hạ đua nhau huyên thuyên ba hoa chích chòe, tranh nhau “nổ” tào lao xích đế thì gã cứ ngồi ngậm câm như thóc. Đôi lúc, khoái chí quá, gã mới nhếch mép cười một chút, rất hà tiện.

Thế không đáng ghét là gì?

Vậy mà tôi không ghét. Bởi gã có tài.

Khi đọc lai rai những tiểu phẩm ký bút danh Hai Đầu Méo, tôi không tin là gã. Tôi biết quá mà, gã là nhà văn tên tuổi đã có những tiểu thuyết gây đình đám, đã có vài tập tản văn nặng trĩu một tấm lòng cố hương núi Ấn sông Trà… Vậy chẳng lẽ gã lại nhảy qua lãnh vực viết châm biếm nữa à?

Sực nhớ nhà thơ Thanh Thảo có tập sách lý luận Ngón thứ sáu của bàn tay. Thì ra, có những người khi họ chỉ chơi sở đoản nhưng cũng “ăn đứt” sở trường của người khác.

2.

Tập sách của Hai Đầu Méo đã viết những gì?

Khi viết châm biếm, trào lộng mua vui cho độc giả chỉ những ai yếu bóng vía mới ngồi tưởng tượng những chuyện trên trời dưới biển. Những chuyện ấy, nếu có cười được, cũng chỉ thoáng qua. Cái hay, cái giỏi là phải bám chắc lấy hiện thực của đời sống đang ngồn ngộn diễn ra và nhìn “lệch chuẩn” nhằm tạo ra tiếng cười. Có như thế, cái cười ấy mới có ý nghĩa xã hội. Tách tiếng cười ra khỏi hiện thực xã hội, tựa như vớt cá ra khỏi nước. Chính giá trị hiện thực đó giúp cho tiếng cười đứng trên những cái “chọc léc” tào lao và vô bổ.

Ở đây, vốn có lợi thế của một nhà báo, Hai Đầu Méo luôn đi trong dòng thông tin thời sự. Nhờ vậy, vấn đề anh phát hiện ra “đúng chóc” với tâm lý người đọc. Thật ngộ nghĩnh, khi mùa Giáng sinh trong lúc thiên hạ nhớ đến ông già Noel thì anh lại nhớ đến… bà già Noel; vụ “oan Thị Kính” của mắm tôm rền rã một thời, lúc đó anh đã kịp thời có “Lại Thị Mắm Tôm”; rồi chuyện bi hài huếch hoác trong thế giới showbiz cũng là đề tài muôn hình vạn trạng để anh khai thác…

Đọc kỹ, ta sẽ thấy những bài viết liên quan đến hậu trường, phía sau cánh gà văn nghệ vẫn xuất sắc nhất. Từ chuyện làm phim, viết sách, thi ca sĩ v.v… đã đọng lại trong tôi những tiếng cười bi hài, lắm khi phải gật gù như nhân vật của Hai Đầu Méo: “Tèo buột miệng thở dài”… Không thở dài sao được, chẳng hạn về những cái lố nhố lăng nhăng của cái thời gì mà lạ thật: Thiên hạ đổ xô tranh nhau… cái giấy chứng nhận kỷ lục! Kỷ lục à? Không khó miễn là, nói như Hai Đầu Méo phải có “ý tưởng”. Và đây là một “ca” của ý tưởng nhằm đạt cái hư danh chảnh hoảnh, hoa hoét mà Hai Đầu Méo đã viết: “Thành công nổi bật nhất của ông là giúp công ty Ẩm thực cháo lòng thực hiện kỉ lục ‘Chiếc bánh quẩy bự nhất Việt Nam’. Nghe tin đó Văn Tèo hân hoan đến xem, nóng lòng muốn nếm thử một khúc quẩy. Nhưng, vì tình bạn thân thương, Cu Mách bỏ nhỏ rằng: Ngó chơi thì được, không nên ăn, còn nếu ăn thì phải thủ sẵn trong túi thuốc trị… tiêu chảy cấp!

Lại nữa, một trong những yếu tố gây cười, tôi nghĩ phải là sự liên tưởng của thủ pháp “chuyện nọ xọ chuyện kia” để tạo thêm hiệu ứng khác. Từ “Ca sĩ xấu xí” (nhại cuộc thi “Tài năng nước Anh” đã áp dụng tại Việt Nam) anh “đá giò lái” sang chuyện tưởng chừng như trớt quớt: “Phải làm gì? Còn làm gì hay hơn nữa là tức tốc đi đến thẩm mỹ viện”.

Thủ pháp này, Hai Đầu Méo vận dụng “có nghề” lắm…

3.

Ủa? Vậy Hai Đầu Méo là ai?

Cái phần “bí mật” này, tôi xin dành lại cho độc giả. Thật ra, ai là ai cũng chẳng có gì quan trọng cả. Cái điều cần thiết khi bạn bỏ tiền ra mua tập sách trào phúng là bạn có cười được hay không? Với tập này, tôi tin là được. Nhưng cái bản mặt của gã, nếu gặp bạn sẽ chẳng bao giờ cười được, vậy cần biết rõ về gã để làm gì?

LÊ MINH QUỐC

Sài Gòn VIII.2012

ĂN TẾT Ở PHỐ… VUI THẬT!

MẤY NGÀY GIÁP TẾT, ở khu phố tôi, đi đâu cũng nghe bọn trẻ hát đùa vui: “Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm, nhưng nếu con về… chắc mẹ buồn hơn”.

Chao ôi!, chuyện về quê ngày Tết năm nào cũng buồn đến nao lòng. Chuyện tàu xe đi lại cứ khó như là… lên cung trăng. Thêm nữa, năm nay khủng hoảng tài chính toàn cầu, khiến hầu bao của bà con cũng xẹp lép theo. Về quê mà làm gì khi tiền nong khiêm tốn, di chuyển lại cực trần thân? Thôi cứ ở lại phố ăn Tết một năm vậy.

Có thể nói, chưa bao giờ quyết định ở lại phố ăn Tết lại được bà con nhất trí cao đến như vậy. Thế nhưng, vì hầu hết bà con là gốc nhà quê, nên mọi người đã có một cuộc họp, lên kế hoạch để tổ chức một cái Tết quê ngay tại thành phố sao cho thật ngon lành.

Việc đầu tiên là nấu bánh tét. Địa điểm được chọn nấu bánh tét nằm ngay trong cái sân của tổ dân phố. Tại đây sẽ đặt ba cái nồi nấu bánh. Những người có tay nghề nấu bánh tét sẽ được mời về chỉ huy cho bà con cùng gói bánh, cùng ngồi canh nồi bánh cho vui. Lần đầu tiên khu phố có những đêm quây quần bên nồi bánh tét thật đầm ấm. Hình ảnh đẹp đó được đài truyền hình đến quay và cho lên sóng đến chục phút.

Để thực hiện chủ trương tiết kiệm, vài nhà khá giả mua một con lợn to về mổ ngay tại sân bóng chuyền của khu phố. Sau đó, nhà nào có nhu cầu thì mang rổ ra mua về, tất nhiên là giá cả cực kỳ hữu nghị. Nhà nào thích ăn lòng thì mua lòng, nhà nào khoái ăn giò thì mua giò, nhà nào khó quá thì mua cái lỗ tai về bóp chua cũng được. Phải nói là sáng kiến mua lợn về mổ ngay tại sân bóng khu phố thật tuyệt vời. Ba giờ sáng hôm đó, mọi người đang say giấc bỗng nghe một tiếng “éc” thật to, khiến ai nấy choàng tỉnh, vội vội vàng vàng mang rổ chạy ra sân bóng mua thịt về. Những miếng thịt, bộ lòng còn nóng hổi bốc khói khiến ai nấy sung sướng, cảm động đến rơi nước mắt. Cảm động không phải vì được mua thịt lợn giá rẻ, mà khung cảnh ấy gợi nhớ những năm tháng xa xăm, thời mang rổ rá ra sân đình chia phần thịt lợn vào ngày 30 Tết. Sẵn có cái bong bóng lợn, bọn trẻ thổi lên rồi biến sân bóng chuyền thành sân bóng đá. Chao ôi, vui ơi là vui, Tết thế này đúng điệu là truyền thống, có khi về quê còn chưa có được!

Những bao bánh tráng từ quê đã kịp gởi vào, nhà nhà thổi lò than lửa nướng bánh, khiến không khí càng thêm đầm ấm. Trong năm qua, khu phố có khoảng hai chục lần bị ngập lụt, nên bà con cũng bắt được khá nhiều cá. Cá nhỏ thì kho ăn ngay, còn cá lớn thì làm khô để dành. Bây giờ, sẵn lò lửa nướng bánh tráng, nhiều nhà mang khô ra nướng, khiến cả khu phố thơm lừng. Lại nghe tưng bừng tiếng cụng ly, tiếng cười, tiếng hát vang lên rộn ràng. Thế mà, ban đầu mọi người cứ nghĩ, Tết ở thành phố chắc là buồn não ruột!

Dường như hiểu được lòng của bà con tha hương, năm nay đường hoa thành phố tái hiện bức tranh đồng quê. Khi bước đến đó, bà con thấy mình như đang trở về làng, bên cạnh những bụi lúa đang trổ bông, giàn mướp đung đưa trái, ruộng bắp trổ cờ… Và, bà con cũng thấy mình đang đi giữa hai hàng tre xanh, những con trâu đen đang tha thẩn bên gốc rơm vàng. Tất nhiên trâu ở đây là trâu giả, nhưng như thế cũng đỡ nhớ quê rồi. Cũng có người định bứng bụi tre, dắt con trâu về nhà mình chơi, nhưng rồi chợt nhớ cái vụ rất ê mặt tại lễ hội hoa Hà thành vừa rồi, nên giật mình tỉnh ngộ.

Có một điều bà con lấy làm sảng khoái nhất là ngày Tết đường phố vắng vẻ sạch đẹp vô cùng. Suốt bao nhiêu năm bon chen phố xá, đây là lần đầu tiên họ có dịp vừa đi vừa ngắm nhìn phong cảnh thành phố. Ai nấy đều trầm trồ là thành phố rất đẹp, những hàng cây rất đẹp, những ngôi nhà thờ rất đẹp, những bờ kênh rất đẹp… Thế mà suốt bao nhiêu năm nay họ không nhận ra.

Sau khi thăm thú phố xá, mọi người trở về nhà, lại nướng khô cá, mang rượu gạo ra uống. Mấy ngày Tết trôi qua thật vui vẻ, đầm ấm. Bà con khu phố tôi phấn khởi tuyên bố rằng, từ nay họ sẽ không về quê ăn Tết nữa, ăn Tết ở thành phố vui hơn, mà lại… nhà quê hơn. Thế nhưng, sau niềm vui là nỗi lo âu. Lo điều gì? Bà con lo rằng, nếu ai cũng biết ăn Tết ở thành phố vui như vậy, năm sau mọi người sẽ ở lại hết thì coi chừng… hết vui!


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button