Văn học trong nước

Tướng Lĩnh Việt Nam Thế Kỷ XX Qua Lời Kể Của Người Thân

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nguyễn Mạnh Hùng

Download sách Tướng Lĩnh Việt Nam Thế Kỷ XX Qua Lời Kể Của Người Thân ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Tùy Bút – Biên Khảo

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI CẢM ƠN

Cuốn sách “Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân” được Công ty Cổ phần Sách Thái Hà và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân hoàn thành với sự giúp đỡ nhiệt tình của nhiều cá nhân và tổ chức.

Trước hết, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ của các gia đình tướng lĩnh. Nếu không có sự quan tâm, góp ý và động viên chân thành từ thân nhân của các tướng lĩnh, chúng tôi khó lòng biên soạn được cuốn sách này. Không chỉ gửi bài viết và ảnh tư liệu để đóng góp cho cuốn sách, các gia đình đã có những gợi ý thiết thực và cung cấp những thông tin quý báu để chúng tôi có thể tiếp cận các nguồn tư liệu và gặp gỡ các nhân chứng lịch sử.

Chúng tôi đặc biệt bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với ông Hoàng Anh Tuấn (cháu trai Đại tướng Hoàng Văn Thái), ông Phạm Hồng Minh (con trai Trung tướng Phạm Hồng Sơn) và ông Trần Kiến Quốc (con trai Thiếu tướng Trần Tử Bình) – họ đã ủng hộ nhóm biên soạn ngay từ những ngày đầu, cung cấp những thông tin hết sức có giá trị và truyền cảm hứng cho nhóm biên soạn trong suốt quá trình thực hiện cuốn sách này.

Nhóm biên soạn cũng xin gửi lời cảm ơn tới Ban biên tập ảnh thuộc Thông tấn xã Việt Nam đã nhiệt tình cung cấp một số hình ảnh minh họa trong sách.

Cuối cùng, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của độc giả để cuốn sách được hoàn chỉnh hơn trong những lần in sau.

Thay mặt nhóm biên soạn

TS. Nguyễn Mạnh Hùng

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, giữ vững non sông bờ cõi Việt Nam. Trong thế kỷ XX, nhân dân ta đã tiến hành thắng lợi hai cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, đó là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Cùng với sức mạnh của toàn Đảng, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trực tiếp góp phần làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đặt dấu chấm hết cho ách đô hộ của thực dân Pháp đối với nước ta; đó là Đại thắng mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.

Những chiến công và thành tích vẻ vang của quân đội ta bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh mà thường xuyên và trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; trong đó có phần đóng góp công sức, xương máu của lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân.

Trong khói lửa chiến tranh, trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội đã xuất hiện nhiều lớp cán bộ điển hình, mẫu mực, có trình độ chỉ huy, tác chiến giỏi; luôn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Nhiều đồng chí trở thành sĩ quan cấp tướng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Những chiến công, những bài học về nghệ thuật quân sự, về cách đánh mà các vị tướng để lại được phản ánh trong rất nhiều sách đã được xuất bản. Bộ sách “Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp cùng

Công ty Cổ phần Sách Thái Hà xuất bản và phát hành sẽ góp thêm một góc nhìn mới về chân dung các vị tướng trong những khoảnh khắc đời thường, về những điều mà chỉ có người thân của họ mới được chứng kiến.

Tập 1 của bộ sách được xuất bản lần này giúp bạn đọc tìm hiểu về cuộc sống đời thường của 15 trong số các vị tướng được thụ phong trong thời kỳ chiến tranh giải phóng. Tư liệu về quá trình hoạt động cách mạng, công tác và trong cuộc sống đời thường của các vị tướng rất phong phú, sâu sắc. Những câu chuyện được kể thông qua người thân là những kỷ niệm không quên, ấn tượng sâu sắc, tình cảm thân thương… song đã diễn ra từ rất lâu rồi, nên khó tránh khỏi những thiếu sót. Dù vậy, cuốn sách cũng cung cấp cho bạn đọc những tư liệu để tham khảo.

Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp, phê bình của người thân, gia đình các vị tướng cùng các đồng chí và bạn đọc gần xa.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc!

NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

LỜI NÓI ĐẦU

Tôi may mắn được đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần từ năm 1995. Một thực tế là tôi đã học được rất nhiều từ vị Tổng tư lệnh đa tài, khiêm tốn, bản lĩnh, dễ gần. Những bài học chúng tôi mang áp dụng vào quản trị doanh nghiệp cũng như cuộc sống và thấy rằng rất tuyệt vời. Hóa ra nghệ thuật chiến tranh với nghệ thuật kinh doanh, nghệ thuật sống rất gần nhau và có rất nhiều điểm tương đồng.

Từ những lần đến thăm Đại tướng, tôi thật may mắn được biết đến các anh chị Võ Điện Biên, Võ Hồng Nam, Võ Hồng Anh, Võ Hạnh Phúc, Võ Hòa Bình. Tôi lại may mắn học được thật nhiều từ những người con tuyệt vời của Đại tướng.

Rồi sau này tôi may mắn biết đến và có dịp gặp gỡ, trao đổi, học hỏi từ các anh Chu Thế Sơn, con trai Đại tướng Chu Huy Mân; Văn Tiến Huấn, con trai Đại tướng Văn Tiến Dũng; Hoàng Quốc Trinh, con trai Đại tướng Hoàng Văn Thái; Lê Đông Hải, con trai Đại tướng Lê Trọng Tấn,… Những câu chuyện được nghe các anh kể lại về cha của mình làm cho tôi trưởng thành rất nhiều. Tôi cũng mang những bài học quý giá từ các vị tướng nổi tiếng áp dụng vào cuộc sống, quản trị doanh nghiệp và thấy quá tuyệt vời.

Chúng ta đã bước vào những ngày đầu tiên của năm 2015, một năm có rất nhiều sự kiện quan trọng: 40 năm ngày thống nhất đất nước, 70 năm ngày Quốc khánh nước Việt Nam. Nhiều lần thầy trò chúng tôi bàn bạc về các đề tài sách sẽ xuất bản trong năm nay và một trong các đề tài tạo hứng thú cho chúng tôi chính là các vị tướng tài năng. Chúng tôi nghĩ về sự kiện quan trọng: Ngày 28 tháng 5 năm 1948, lễ phong tướng đầu tiên được tổ chức tại Việt Bắc. Có 1 Đại tướng, 1 Trung tướng và 9 Thiếu tướng được phong. Quân đội nhân dân Việt Nam đã có 11 vị tướng đầu tiên. Sau này còn có những vị tướng khác được phong trong chiến tranh giải phóng. Chúng tôi thấy rằng mỗi vị đều có những tài năng khác nhau, những công lao to lớn khác nhau, đó là sự hội tụ những giá trị nghệ thuật quân sự đáng để mỗi chúng ta học tập và phổ biến.

Do quỹ thời gian cũng như khả năng còn rất hạn chế, chúng tôi quyết định chỉ tìm hiểu về những vị tướng từng tham gia chiến tranh giải phóng. Hơn thế nữa, chúng tôi chưa có ý định xuất bản ngay sách về cuộc đời và sự nghiệp của những vị tướng tài ba này mà muốn khai thác một khía cạnh nhỏ: Những vị tướng qua lời kể của người thân. Theo chúng tôi, người thân của các tướng lĩnh gồm cả gia đình và bạn bè, đồng chí thân thiết.

May mắn đã mỉm cười với chúng tôi khi chúng tôi đã liên lạc được và nhận được bài viết, thông tin từ 15 gia đình tướng lĩnh. Những cuộc gặp gỡ trực tiếp, qua điện thoại và email với các thành viên của 15 gia đình đã giúp chúng tôi có nhiều tư liệu quý, nhiều câu chuyện vô cùng có giá trị cung cấp cho bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo. Chúng tôi thành tâm biết ơn các bác, các anh, các chị đã hết sức nhiệt tình và tin tưởng để giúp chúng tôi hoàn thành bản thảo cuốn sách này.

Về cách xếp thứ tự các vị tướng trong sách, chúng tôi có nhiều băn khoăn. Thường thì danh sách được xếp theo vần chữ cái ABC. Tuy nhiên, chúng tôi thấy chưa ổn. Cũng có cách xếp thứ tự theo năm sinh của các vị tướng, rồi cách xếp theo cấp hàm,… Cuối cùng chúng tôi quyết định chọn cách xếp theo năm phong hàm. Cách xếp thứ tự này có thể chưa phải là tốt nhất nhưng chúng tôi cũng chưa tìm ra cách xếp tốt hơn.

Cuốn sách được xuất bản ngay trước thềm năm mới âm lịch Quý Mùi 2015. Chúng tôi tin rằng bạn đọc sẽ học được rất nhiều từ những câu chuyện rất mộc mạc, giản dị nhưng ý nghĩa này. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là tập 1 của bộ sách. Chúng tôi kính mong nhận được thông tin từ người thân của các vị tướng còn lại để có thể xuất bản nhân dịp 02-09-2015 tới. Mọi thông tin xin được gửi về daivt@thaihabooks.com và publication@thaihabooks.com.

Cuốn sách không thể tránh khỏi những thiếu sót, vì vậy chúng tôi kính mong nhận được sự góp ý của quý vị và bạn đọc để có thể hoàn thiện nội dung trong lần tái bản tới.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thái Hà Books

ĐỌC THỬ

THIẾU TƯỚNG LÊ THIẾT HÙNG

Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (1908 – 1986) tên thật là Lê Văn Nghiệm, quê xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ông tham gia cách mạng từ năm 1925, vào Đảng năm 1930, nhập ngũ năm 1944, được phong Thiếu tướng năm 1946.

Năm 1925, ông tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội).

Từ năm 1940 đến năm 1945, ông tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố ở Trung Quốc, về nước hoạt động ở Chiến khu Cao – Bắc – Lạng, tổ chức và làm Chính trị viên Đội vũ trang đặc biệt; Giám đốc đầu tiên của Trường Quân sự Cao Bằng.

Tháng 8 năm 1945, ông chỉ huy lực lượng vũ trang giành chính quyền ở Thất Khê, Đồng Đăng, Na Sầm.

Cuối năm 1945, ông làm Khu trưởng Khu 4.

Tháng 3 năm 1946, ông là Tổng chỉ huy Quân tiếp phòng.

Từ năm 1948 đến năm 1950, Thiếu tướng Lê Thiết Hùng làm Tổng thanh tra quân đội; chỉ huy mặt trận Bắc Kạn, Tuyên Quang; Hiệu trưởng Trường bổ túc Quân chính trung cấp.

Giai đoạn 1950 – 1954, ông đảm nhiệm chức Hiệu trưởng Trường Lục quân; Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Tổng Tham mưu. Giai đoạn 1956 – 1963, ông làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Pháo binh.

Năm 1963, ông làm Đại sứ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Tháng 5 năm 1970, ông làm Phó Ban Đối ngoại Trung ương.

Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương

Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất…

(Nguồn: Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam,

NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, trang 599)

Phụ tử tình thâm

Vũ Trọng Đại

Một chiều mùa đông tháng 12, chúng tôi đến gặp cô Lê Mai Hương ở nhà riêng nằm giữa phố Trần Hưng Đạo. Đây cũng là nơi tướng Lê Thiết Hùng ở khi còn sinh thời. Cô đón chúng tôi vẫn với nụ cười dễ mến, giọng nói nhỏ nhẹ, tình cảm như lần gặp đầu tiên trước đó nửa tháng. Cô khẽ khàng đi pha trà, rót nước mời khách, và giọng nói chợt xa xôi khi hồi tưởng về người cha của mình.

Lê Mai Hương là con duy nhất của Thiếu tướng Lê Thiết Hùng với người vợ thứ hai, bác sĩ quân y Nguyễn Tuyết Mai. Hai người kết hôn năm 1948, một năm sau ngày mất của người vợ đầu là bà Hồ Diệc Lan, con gái nhà cách mạng Hồ Học Lãm. Bà Hồ Diệc Lan qua đời ở tuổi 27 vì nhiễm bệnh phổi quá nặng, khi đó họ chưa kịp có với nhau mặt con nào. Vợ chồng Thiết Hùng – Tuyết Mai hẹn ước rằng khi nào cách mạng thắng lợi mới sinh con. Thế nhưng cuộc kháng chiến kéo dài đằng đẵng. Người ngoài cũng phải sốt ruột, giục giã vì mãi không thấy vợ chồng tướng Hùng sinh con. Cuối cùng phải đến 10 năm sau ngày cưới, bé gái Lê Mai Hương cũng đã chào đời sau bao mong mỏi, trông chờ.

Trong thời chiến, dù đang ở hậu phương, người ta cũng khó có thể có được cuộc sống bình yên như lẽ thường, nhất là trong gia đình của một vị tướng. Hàng ngày tướng Lê Thiết Hùng đi làm về rất khuya, thường 11, 12 giờ đêm mới về đến nhà. Bà Mai đi làm ở xa, chỉ tối thứ năm, tối thứ bảy mới về, chủ nhật lại vội vã đi. Bé Hương ở nhà với bà nội và một người bác, nhưng không được ở gần bố. Lớn lên Lê Mai Hương mới biết mọi người trong nhà không cho cô con gái nhỏ gần bố để giữ sức khỏe cho tướng Lê Thiết Hùng. Ông yếu đi nhiều sau lần lái xe bị tai nạn những năm trước đó: chấn thương nặng và phải nằm viện suốt 6 tháng trong tình trạng mất trí nhớ. Di chứng của vụ tai nạn ấy đeo đẳng ông đến hết cuộc đời. Thêm nữa, công việc lúc nào cũng bề bộn. Bé Hương không biết gì, đêm đến đợi người lớn ngủ lại len lén lên gác ngủ với bố. Còn tướng Lê Thiết Hùng thì cứ thao thức chờ con.

Nỗi xúc động dâng lên nghẹn lời, cô Hương dừng lại hồi lâu. Đang lúi húi ghi chép, tự nhiên bặt tiếng, tôi ngẩng lên nhìn, thấy cô ngồi ngay đó, trước mặt tôi, im lặng. Dường như cô đang cố kiềm chế cảm xúc của mình, nhưng nước mắt đã trào ra rưng rưng trên khóe mắt.

Ở cái tuổi tri thiên mệnh mới có mụn con nên tướng Lê Thiết Hùng thương và cưng chiều con gái lắm. Còn nhớ những ngày ông tham gia chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ sau khi chiếm được đồi A1, bắt được tướng De Castries, vừa vì mừng vui, hạnh phúc, vừa vì căng thẳng dồn nén mà ông ngất đi, bất tỉnh suốt 7 ngày. Sau này, ông được đi nghỉ ở Sochi (Liên Xô) một tháng để hồi phục sức khỏe. Trong đoàn cùng đi chuyến này với ông có bà Bảy Huệ, vợ ông Nguyễn Văn Linh. Những người khác khi về lo sắm sửa mua quà cho người thân, còn ông để dành được ít rúp lẻ thì ngoài bánh kẹo cho mẹ, ông chỉ mua quà cho con: một cái máy khâu tay cho trẻ con, một con búp bê và một cái xe đạp 3 bánh. Ông hầu như không bao giờ quát mắng con, cũng không tiếc con bất kỳ thứ gì, thậm chí bỏ cả súng, tháo cả đạn cho con chơi. Cô bé hạnh phúc trong vòng tay cha, nhưng sẽ sớm biết điều đang chờ phía trước: Chiến tranh và chia ly.

Năm 1964, Lê Mai Hương lên 6, cũng là lúc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Bé Hương về quê sơ tán. Trước đó, năm 1963, tướng Lê Thiết Hùng nhận nhiệm vụ mới: ông chuyển sang ngành ngoại giao, làm Đại sứ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Triều Tiên cho đến năm 1970. Kể từ đó mỗi năm bé Hương chỉ gặp được bố một lần, có năm không gặp được lần nào. Khi về nước, tranh thủ được giờ nào là ông Hùng chỉ chơi với con: cho con đi công viên, làm ngựa cho con cưỡi… Năm 1969, Lê Mai Hương học lớp 5, cô được bố cho sang Triều Tiên ba tháng. Hai bố con đi tàu. Trên đường đi qua Trung Quốc, ông Hùng kể cho con nghe về Mao Trạch Đông và cách mạng Trung Quốc. Tới các nhà ga, từ xa bé Hương thấy những tiểu Hồng vệ binh tươi cười vẫy chào đoàn tàu đang tới. Họ cầm những cái rổ. Bé Hương reo lên: “Bố ơi bố, người ta cho kẹo kia kìa”. Ông Hùng nói:

“Thế à, họ cho kẹo cơ à”. Đến gần mới biết là họ phát huy hiệu Mao Trạch Đông. Ông Hùng cười vui vẻ: “Con bé này đúng là tham ăn thật”. Ông lấy mấy cái huy hiệu cài lên ngực con. Thế rồi hai bố con lại nói chuyện về Mao Trạch Đông.

Giọng cô Hương cứ tươi vui dần theo những kỷ niệm chơi đùa cùng bố, để rồi tiếng cười vỡ òa ra trong trẻo khi kể về những câu chuyện trong chuyến hành trình sang Triều Tiên. Nhưng giọng cô chùng lại: đến biên giới Trung Quốc – Triều Tiên, một sự cố xảy ra khiến vị Đại sứ không thể vui vẻ được nữa.

Tại Tân Nghĩa Châu (Sinuiju), thành phố kề bên sông Áp Lục ở biên giới Trung – Triều, Đại sứ Lê Thiết Hùng biết tin một nữ sinh viên năm thứ hai người Việt ở đây buổi sáng tập thể dục nhưng lên cơn đau tim, ngất xỉu, được đưa đi cấp cứu nhưng không kịp nên đã qua đời. Ông buồn lắm. Đưa con gái đến Bình Nhưỡng, ngay ngày hôm sau ông quay lại Tân Nghĩa Châu để viếng nữ sinh viên xấu số. Ông khóc mãi vì thương sinh viên của mình mất khi còn trẻ quá, lại ở xa gia đình, xa người thân.

Đại sứ Lê Thiết Hùng được ông Kim Nhật Thành (khi đó là Thủ tướng) và các Phó Thủ tướng quý mến. Thế nên lưu học sinh Việt Nam ở Triều Tiên được ưu ái, được chu cấp tiền bạc, ăn uống đầy đủ. Đại sứ Lê Thiết Hùng với tâm huyết lớn lao dành cho Tổ quốc nên đặt kỳ vọng vào các bạn trẻ. Ông muốn họ dành tâm sức vào việc học tập để sau này về cống hiến cho đất nước. Thế nhưng ông không biết tâm lý của họ cũng muốn dành dụm được chút ít trong thời gian du học. Ông kiên quyết là tiền nước bạn cho chỉ để lưu học sinh của ta ăn uống thật tốt, có sức khỏe để còn học tập, thế nên lưu học sinh khi đó ở Triều Tiên chẳng mua sắm được gì nhiều nhặn khi về nước. Họ cảm thấy không được vui.

Cuối năm 1969, ông Lê Thiết Hùng thôi làm Đại sứ và về Việt Nam. Về nước, lập tức ông lại cuốn vào công việc. Ngày thường cứ đến nửa đêm, có sớm cũng là 9 giờ tối ông mới về đến nhà. Bà Mai cũng vậy nên có tuần bé Hương không gặp bố mẹ mình vì đi ngủ rồi thì bố mẹ mới về. Đến năm 1973, ông Lê Thiết Hùng bị một cơn nhồi máu cơ tim nhưng rất may bà Mai là bác sĩ giỏi nên phát hiện kịp thời, đề nghị tổ y tế cấp cứu tại chỗ chứ không đưa vào bệnh viện. Ông bất tỉnh suốt ba ngày. Bộ Chính trị lo lắm, mọi người ai cũng nói: “Anh ấy đi chiến trường bao nhiêu năm, vào sinh ra tử mấy lần mà không chết, lúc này không thể để anh ấy chết được”. Thế rồi ông cũng qua khỏi. Song người ta tiên liệu rằng ông chỉ còn sống được hai năm nữa. Nhờ thế, công việc của ông cũng giảm được đôi chút, nhưng lại trở về guồng quay cũ cho đến khi giải phóng miền Nam năm 1975. Năm 1975, Lê Mai Hương vào đại học, ở trong trường nên một, hai tuần mới về nhà một lần. Trong hoàn cảnh ấy, bố con gặp nhau cũng chỉ nói chuyện được dăm ba câu.

Từ năm 1970, Lê Thiết Hùng làm Phó ban CP-48 về Campuchia, rồi Phó Ban Đối ngoại Trung ương Đảng cho đến khi nghỉ hưu. Năm 1978, ông nghỉ hưu. Sức khỏe của ông yếu đi nhiều. Ông ở nhà nhưng bạn bè, khách khứa vẫn đến chơi luôn. Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra, khách khứa vãn dần. Nhưng từ năm 1982, mọi người lại đến chơi tấp nập.

Khoảng năm 1983, cuộc sống gia đình càng trở nên khó khăn hơn trong cái khó khăn chung của xã hội. Ông Lê Thiết Hùng hưởng lương của cấp tướng chuyển sang dân sự, về hưu khi là Phó Ban Đối ngoại Trung ương Đảng hàm tương đương Bộ trưởng, được hưởng tiêu chuẩn ở phố Tôn Đản. Nhưng khi ấy ông chỉ còn được hưởng tiêu chuẩn ở phố Nhà Thờ, tức là cao hơn cán bộ cấp cục, vụ một chút. Ngoài ra không còn nhiều tiền để chi tiêu. Bà Mai vì thế phải cố gắng xoay xỏa, tằn tiện hơn. Ông ăn uống giản dị, cơm chan nước tương cũng được, nên chẳng than phiền gì. Có gì ngon ông đều nhường cho con gái. Có lần, lâu lắm rồi gia đình mới mua được cá nục. Ông Lê Thiết Hùng quê Nghệ An nên rất thích ăn cá nục kho. Lê Mai Hương đem cá ra kho. Cả nhà ăn xong để phần cho ông Hùng hai con cá. Ông ăn đến con thứ hai, đang định gắp thì con mèo ngồi cạnh lấy chân khều mất con cá trên đĩa. Ông ngồi thần cả người ra.

Tuổi trên 70, sức khỏe yếu, bị bệnh tật hành hạ nhưng tướng Lê Thiết Hùng không kêu ca, đòi hỏi bất kỳ điều gì. Lúc này ông bị đau thần kinh tọa nặng. Hàng ngày ông tự xoa bóp. Khi đau quá, ông mới phải nhờ đến người khác. Ông nằm ra, nhờ người cháu đang tuổi thanh niên giẫm mạnh lên lưng, hông, như vậy mới đỡ chứ bấm huyệt không tác dụng gì.

Gia đình làm nhiều cách để cải thiện cuộc sống. Như nhiều gia đình khác, nhà tướng Hùng cũng nuôi lợn, gà. Chồng Hương và Hương lo việc mua thức ăn, còn ông lo việc chăm sóc. Tính ông ngăn nắp, cẩn thận, việc đâu ra đấy, đến chăn lợn, gà cũng vậy. Đức tính này được rèn giũa khi ông hoạt động tình báo trong lòng quân đội Tưởng Giới Thạch cuối những năm hai mươi của thế kỷ trước. Nó vẫn phát huy tác dụng khi ông tướng đã về hưu, ở nhà chăn lợn, nuôi gà. Không nhớ là dịp gì, cả bà Mai và cô Hương đều vắng nhà mấy ngày. Một mình ông vừa cho gà ăn vừa nấu cám cho lợn, dọn chuồng, tắm cho lợn sạch sẽ.

Nhưng khi cả nhà về, ông lăn ra ốm.

Năm 1984, Lê Mai Hương lúc đấy đã đi làm trong ngành công an. Cô Hương còn nhận việc về nhà làm thêm. Thời buổi ấy nhiều nhà làm vậy để có thêm thu nhập. Cô Hương nhận giấy in bao bì cao Sao vàng của Nhà in Tiến Bộ để về dán, gấp thành vỏ bao thành phẩm, mỗi chiếc được trả mấy xu. Tướng Hùng chẳng nề hà gì, ông cần mẫn từ sáng tới tối ngồi dán vỏ bao cho con.

Năm 1983, Lê Mai Hương có con đầu lòng nhưng không giữ được. Tướng Hùng bị sốc nặng, tưởng không qua được. Tuần đầu sau khi cháu mất, ông im lặng trong đau đớn. Ai hỏi cũng không nói, dù chỉ một câu. Ông buồn bã hàng tháng trời. Năm 1984, bệnh tình của ông càng nặng hơn. Nhưng đến năm sau, cô Hương sinh con gái đầu. Ông phấn khởi lắm, nhận ngay nhiệm vụ chăm cháu. Sau thời gian nghỉ sinh 3 tháng, cô Hương đi làm trở lại. Thế là hàng ngày ông bế cháu, rồi pha sữa, cho cháu ăn, thay tã cho cháu. Bà Mai cũng không tranh được nên bà chăm ông, giữ gìn sức khỏe cho ông để ông chăm cháu.

Khi cháu được 10 tháng tuổi thì tướng Hùng mất. Trước khi ông mất khoảng chục ngày, cháu cứ nhìn thấy ông là hét lên. Sáng hôm đó, ông đặt cháu trong cũi, nói: “Chào cháu, ông đi nhé”. Ông đi chơi về, vào nhà tắm, bị lên cơn đau tim rồi mất.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button