Văn học trong nước

Tuổi hai mươi yêu dấu

sach-tuoi-20-yeu-dau1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nguyễn Huy Thiệp

Download sách Tuổi hai mươi yêu dấu ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng PDF                  Download

Định dạng PRC                  Download

Định dạng EPUB                Download

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Có dư luận cho rằng Nguyễn Huy Thiệp đã hết thời. Nguyễn Huy Thiệp chỉ lập lại chính mình. Nói như thế, e có chỗ chủ quan và hơi vội. Một nhà văn ở tuổi 53 và vẫn đang sáng tác đều đặn, ai đã biết tương lai nhà văn ấy như thế nào?

Còn về chuyện Nguyễn Huy Thiệp lập lại chính mình, thì cả cuốn tiểu luận Giăng lưới bắt chim lẫn tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu dường như đã gián tiếp trả lời. Quyền tối thượng của nhà văn là trả lời bằng tác phẩm và chỉ có sự trả lời ấy mới rốt ráo, dứt khoát.

Phải nói ngay, tiếu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu không phải là kiệt tác của Nguyễn Huy Thiệp, nó chỉ là một tác phẩm trung bình trong quá trình sáng tác của nhà văn và nó đánh dấu một ngõ quặt trong văn nghiệp của tác giả, đó là sự chuyển thể từ các sáng tác ngắn sang các sáng tác dài, từ đoản thiên sang tiểu thuyết và như Nguyễn Huy Thiệp đã nhận xét khá chính xác, cách đây không lâu là ông chỉ mới thực hiện được 60 phần trăm thành công lực của mình. Đối với một người đã đạt những thành quả đáng kể trong truyện ngắn và kịch như Nguyễn Huy Thiệp, sự vượt lên trên những tác phẩm trước của mình không phải là dễ, nhà văn cũng giống như nhà thể thao, không phải lúc nào cũng sẵn sàng nhảy vọt qua lằn mức quán quân mà mình đã đạt được. Bởi vậy, việc đọc một tác giả bằng cách so sánh với những gì hay nhất họ đã viết trước đây và đòi họ phải viết hay hơn thế chẳng khác gì đòi hỏi nhà văn lúc nào cũng phải sản xuất ra kiệt tác. Một sự đòi hỏi như vậy là không tưởng bởi chẳng ai có thể làm như thế được. Nhưng ngược lại, người đọc có thể và cần phải đòi hỏi nhà văn tìm cách viết khác những tác phẩm trước, hay dở, chưa biết, nhưng cái mà anh viết ngày hôm nay nó phải khác những gì anh đã viết hôm qua mới lôi cuốn được người đọc. Tuổi hai mươi yêu dấu trước tiên đáp ứng được đòi hỏi ấy.

Chẳng ai hiểu cóc khô gì, đó là tuyên ngôn văn học, cũng là giọng điệu mới nhất của Nguyễn Huy Thiệp, dưới lời độc thoại của Khuê, một thanh niên hai mươi tuổi. Gọi là cậu Khuê cũng được, nhưng thằng Khuê có lẽ hợp hơn, bởi ngôn ngữ của nó bờm xơm, bặm trợn, đầy tiếng lóng, nó hành xử toán loạn, nó trốn học đi chơi với những đứa bụi đời, những thằng cò bơ cò bất. Ởû nhà, nó trả lời dấm dẳn cha mẹ, nó coi thằng anh chả ra cái thá gì. Ở trường còn tệ hơn, đây là những “nhời bàn Mao Tôn Cương” của nó về nền giáo dục nhà trường.

Thằng Khuê cứ tương ra trăm phần trăm những lầm bầm kiểu “độc thoại nội tâm” chó chết như vậy, hầu như nó phê tuốt chẳng từ ai. Nhưng nếu lắng tai nghe nó nói thì cũng không phải tất cả đều vứt đi, nó không chỉù phê mà nó còn bình, không chỉ chê mà có khen, nó khen các thày cô tiểu học rách mướp của nó, nó khinh bọn giáo sư đại học đầy bằng cấp mà tư cách như phường vô lại, ăn trên ngồi chốc, lường gạt , lưu manh… Thằng Khuê không nói phứa, nói bừa, hãy xem nó phê bình các chương trình ti vi.

Cách phê bình của thằng Khuê khá “bác học” đấy chứ không phải vừa đâu. Trăm phần trăm, chớ coi thường. Nó là một thứ Khổng Minh sống trong môi trường lổn nhổn các đầu Tào Tháo. Nếu Xuân Tóc Đỏ thời trước nổi loạn kiểu ma cà bông lang thang hè phố thì thằng Khuê là một thằng sinh viên nổi loạn thời này. Mà không cứ chỉ ở Việt Nam mới có thằng Khuê, bên Pháp hay đâu đâu có tuổi 20, là cũng có những thằng Khuê khác. Nhất Linh nghiệm rằng một cuốn tiểu thuyết hay, khi dịch sang tiếng nước khác vẫn còn thấy hay, ngược lại, một cuốn tiểu thuyết khi dịch sang tiếng nước ngoài không còn gì cả thì không thể nói là hay được. Kinh nghiệm này có thể áp dụng cho thằng Khuê, khi nó phóng ra những tiếng Chẳng ai hiểu cóc khô gì và Sean James Rose dịch sang tiếng Pháp: Personne ne capte rien, thì thật sự thằng Khuê đã nhập thẳng vào lòng tuổi trẻ Pháp, nói riêng và tuổi hai mươi nói chung. Tuổi nổi loạn, tuổi bắt đầu nhìn thấy tất cả những mánh khoé xấu xa trong cuộc đời, tuổi muốn xoay vần vũ trụ, muốn thay đổi tất cả, nhưng hai bàn tay còn trắng quá, còn mỏng kinh nghiệm quá, mà vũ trụ lại bao la, cái xấu chất cao như núi Thái, rậm như rừng nguyên thủy, phải làm gì nếu không là nổi loạn?

Mỗi tuổi trẻ nổi loạn một cách, tuổi trẻ Việt có vấn đề của xã hội Việt, tuổi trẻ Pháp có vấn đề của xã hội Pháp, các chi tiết nổi loạn không giống nhau vì thể chế chính trị không giống nhau, tổ chức xã hội, văn hoá không giống nhau, nhưng tổng thể đều phát xuất từ tấm lòng trinh trắng, lý tưởng của tuổi trẻ trước sự tha hóa chung của thế giới người lớn, người già, với Khuê, còn thêm những áp bức, bất công của một xã hội toàn trị nát bấy từ nguồn gốc: giáo dục. Giáo dục gia đình, giáo dục học đường, giáo dục xã hội.

Chẳng ai hiểu cóc khô gì , những tiếng ấy vang lên như hồi chuông cảnh tỉnh, báo hiệu trăm phần trăm đổ vỡ, tan tành, tàn mạt sắp tới, vang lên như nỗi cô đơn khủng khiếp, mỗi người một thế giới, một nhà tù, không giao cảm, không cảm thông, cha không hiểu con, anh xa lạ em, vợ không hiểu chồng, ông nói gà bà nói vịt. Gia đình là một đề lao tập hợp những nhà tù cá nhân, nhốt chung những người thương yêu, nhưng không cùng làn sóng. Đại học chuyên chở lớp lớp thầy giáo bịp bợm đào tạo những bằng cấp lưu manh và xã hội còn tệ hơn dưới sự dìu dắt của những kẻ dốt nát, mù tịt đủ đường. Thằng Khuê sinh ra, lớn lên, ngụp lặn trong môi trường trăm phần trăm nhiễm xạ ấy, nó cũng là một sản phẩm của gia đình, của học đường, của xã hội. Thân nó như phận cô Kiều và Xuân Tóc Đỏ chập lại. Vì “tai biến”, nó phải bỏ nhà ra đi. Tai biến của nó không phải là thứ tai biến có giá tri đạo đức như tai biến của Thúy Kiều, Kiều cổ rồi, nó chẳng “bán mình chuộc cha” như thế, nó tân tiến hơn, cập nhật hơn, nó “bán cha” làm những chuyện khác, nó cúp cua, ăn trộm tiền mẹ, chuyện vỡ, bố đánh, nó bỏ nhà đi bụi đời, và trong cuộc phiêu du trên hè phố thanh lâu nó đã gặp đủ mọi hạng người từ Sở Khanh Tú Bà đến Bạc Bà Bạc Hạnh… nó cũng gặp cả Đạm Tiên, Giác Duyên, Từ Hải… nhưng không ai có thể cứu được, nếu nó không tự cứu. Ít oi là những đứa đạo đức thánh thiện như con Huyền mờ, có thể “cứu rỗi” linh hồn nó thì con bé lại chết yểu như Đạm Tiên. Con Huyền mờ chết vì tử tế : nó tình nguyện nhập đội thanh niên xung phong vét sông Tô Lịch, chẳng may chân dẫm lên mảnh chai vỡ giữa đống bùn. Tô Lịch, mang dấu ấn ngàn năm văn vật, 50 năm gần đây, đã thành con sông thổ tả: “Nó hệt như một vết sẹo chảy mủ hôi thối trên khuôn mặt dữ dằn của gã giang hồ. Dòng nước đen ngòm và hôi hám đầy những rác rưởi và bao nylon. Tất cả Hà Nội đều trút xú uế của mình vào đó “. Tô Lịch là con sông giết người. Nhưng con Huyền mờ, đáng lẽ cũng không chết giá như người ta không tiêm nhầm thuốc trừ vi trùng uốn ván với một thứ thuốc thổ tả gì ấy. Cho nên, Tô Lịch chỉ là tòng phạm, thủ phạm vẫn là người. Con Huyền mờ chết lặng lẽ âm thầm như bao nhiêu cái chết vô danh khác bên dòng sông lịch sử.

Thằng Khuê không phải là kẻ có căn thánh như con Huyền mờ, nó có căn Satăng, nó biết vậy. Nhưng Khuê cũng không đến nỗi vứt đi trăm phần trăm, nói đúng ra, nó fifty- fifty. Nó thuộc loại đi với bụt cũng thử mặc áo cà sa, nhưng đi với ma cũng thích mặc chơi áo giấy. Bị dụ hít heroin, nó cũng thử chơi. Thấy cảnh tai biến giữa đường của một thằng cò bơ cò bất, chẳng quen thuộc gì như thằng Hải Anh nó cũng lại nổi máu Vân Tiên, giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha. Hành động cứu người bất đắc dĩ của thằng Khuê, cũng như lòng tử tế thánh thiện của con Huyền, chỉ đem hoạn nạn đến cho chúng nó: con Huyền chết, thằng Khuê bị xôâ xuống địa ngục. Cứ như thế, Khuê lang thang vào các xóm Liều, nó mở rộng vòng giao du với thiên thần và ác quỷ… Cuộc rong du Hà Nội, thành phố yêu quý của nó và cũng là thành phố chôn vùi nó dưới những lớp xú uế cao ốc chồng chất nhiều tầng, khiến nó không còn ngóc đầu lên được. Có đứa con gái ca-ve thương tình giới thiệu cho Khuê một việc để “hoàn lương”, nhưng việc này cũng không ngon lành, lương thiện gì, nó phải tải thuốc phiện lậu và lại càng dúi sâu xuống đáy. Tình cờ có người bạn của bố vớt lên và thả nó ra hải đảo. Tiếp xúc với đời sống chất phác, khó khăn của người dân quê vô danh, với những đớn đau bất hạnh, những cái chết không đáng chết: chết oan vì rác rưởi của văn minh, vì xianua cặn bã của xã hội tiêu thụ thải phế… Tất cả những thứ đó như mật đắng chảy vào tim Khuê, làm nó tỉnh ngộ, thì cũng vừa đúng lúc tình cờ nó đọc trên mảnh báo cũ tin bố qua đời. Cái chết của bố nhấn thêm tim nó xuống sâu vào vũng sám hối. Thằng Khuê nhận ra chân lý “Tôi phải cứu tôi và chẳng và chẳng có ai làm được hộ tôi chuyện ấy”.

Người đọc có thể trách Nguyễn Huy Thiệp ở đoạn kết tròn trĩnh quá, có hậu quá, ở những chỗ giải thích triết lý rõ ràng quá, không thuận miệng một thanh niên 20 tuổi mặc dù đã có những lá chắn: bố tôi bảo thế này, bố tôi bảo thế kia… Người đọc thích được nghe thứ triết lý bụi đời, không sách vở, do một thằng Khuê, hai mươi tuổi “sáng tác” ra hơn. Nhưng có lẽ điều đáng tiếc nhất và cũng là điều đáng mừng nhất là cuốn tiểu thuyết này, viết nhanh, trong vòng hơn tháng trời mới chỉ là nét phác, cho những tác phẩm dài hơi, sâu hơn, đến sau, vì những chân dung nhân vật mà Nguyễn Huy Thiệp đưa ra trong cuốn tiểu thuyết này mới chỉ là những nét dựng. Từ bà mẹ dúi tiền cho con một cách thần sầu, đến thằng anh rởm đời luôn luôn lên mặt đạo đức giáo huấn, đến bọn bạn, cả giời đánh lẫn thánh thiện, như thằng Thanh nhạn, thằng Quyền Lỳ, thằng Thức Kinh Kông.. đến những khuôn mặt “xã hội” của mấy đứa con gái ca-ve, của tay hoà thượng hổ mang Thích Thanh Mừng chùa Kẻ, của ông Chu “hãm” thuốc phiện ở chợ Kỳ Lừa, của người con trai ông Hào chết vì nghề bắt rắn ở đảo Cát Bà vv… bao nhiêu khuôn mặt, thiện, ác, tối sáng, phơi bầy chớp nhoáng trong cuốn truyện nhỏ này, nhưng nếu được đào sâu, mở rộng thêm, chúng sẽ phản ảnh một xã hội toàn diện hơn, cay nghiêït hơn, và cũng đớn đau hơn… Lịch sử Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh đã “đổi mới” thành Đồng Đăng của “bạch tuộc”, Tô Lịch, Kỳ Lừa tổ ấm của rác rưởi, buôn lậu, ma túy… đó là những “huyền thoại” mới của thời “mở cửa”, thời xập xí xập ngầu, nước tương pha nước hố xí, mà Khuê là thằng Khổng Minh con, đã nhìn thấy tất cả những “đổi mới” thần sầu đó, nó hô hoán tán loạn lên, nhưng rút cục “chẳng ai hiểu cóc khô gì!”. Mọi người nghoảnh mặt làm ngơ, họ bảo cái trò của nó dở ẹc, nó chỉ lập lại chính mình.

Thằng Khuê sinh ra và lớn lên trong thời vàng thau lẫn lộn, tranh tối tranh sáng ấy, thời mà các thần tượng rủng rỉnh như lá mùa thu. Trong nó, trong gia đình nó, “tiềm ẩn” một thần tượng “tiêu biểu” cho tất cả các loại thần tượng: bố nó. Khuê mang mặc cảm sâu xa với người bố. Vừa kính mến, khâm phục, vừa ghét cay, ghét đắng. Bố nó là một nhà văn danh tiếng, nó coi bố là thần tượng hàng đầu, nhưng lại thấy thần tượng ấy cồng kềnh quá, chắn hết các nẻo đường. Lối thoát của nó phải là lật đổ thần tượng để tự quyết, để bước đi một mình.

Cái chết của người bố là sự đoạn tuyệt cần thiết giữa cái cũ và cái mới. Thế hệ thanh niên không thể tung hoành, thay đổi bộ mặt xã hội nếu những người già vẫn ngoan cố, lù lù ngồi đó chỉ đạo. Phải có một sự chôn rau cắt rốn thật dứt khoát. Đớn đau, nhưng dứt khoát để tuổi trẻ có thể hồi sinh, tái tạo cuộc đời trên những đống gạch vụn của một hiện tại không lối thoát. Có lẽ đó là thông điệp sâu xa của tác phẩm.

Là một nhà văn hiện thực, gắn bó sâu sa với những vấn đề thời sự thực tiễn của xã hội hiện hành, như thiên nhiên, môi trường, tham nhũng, tệ đoan xã hội, tuổi trẻ lạc loài… Truy nguyên nguồn cội các chứng sida thời đại, Nguyễn Huy Thiệp muốn làm một thứ Balzac mới, vẽ nên bộ mặt phức tạp của xã hội Việt Nam hôm nay, và anh chỉ mới đưa ra những nét phác đầu tiên. Nguyễn Huy Thiệp có thành công hay không? Phải đợi sự trả lời của các tiểu thuyết đến sau. Dù sao chăng nữa, để nói ngược lại lời Hoàng Ngọc Hiến, khi đọc những truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp, tôi chúc anh thuận buồm xuôi gió.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button