Văn học trong nước

Trường Học 1 0 2

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Khánh Linh

Download sách Trường Học 1 0 2 ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

1 NHỮNG ĐỨA BẠN THẬT NGẦU

Trong suốt mười hai năm ngồi trên ghế nhà trường, ta phải chấp nhận một sự thật là đôi khi ta bị xếp ngồi kế bên cạnh những nhân vật không thể “tiêu hóa” nổi. Ý tôi ở đây không phải là “tiêu hóa” theo nghĩa đen thực sự. Hẳn nhiên ta không thể ăn một bạn học, theo đúng nghĩa cho lên mâm, rưới xốt, xắn nĩa và nhai rào rạo.

Tôi đã từng thử cắn một thằng bạn ngồi bên cạnh, vì nó dám mang cái chân thối vào lớp sau giờ ra chơi. Nhưng sau rốt, tôi phải ói ba ngày ba đêm vì đã lỡ nuốt phải rất nhiều mồ hôi với nồng độ muối cực cao. Kinh nghiệm rút ra là: bạn không thể hy vọng rằng cánh tay của một tên con trai sẽ “ngon lành” hơn một khi hắn đã mang một cái chân thối toàn tập!

Một số dạng bạn-cùng-bàn không thể “tiêu hóa” nổi:

Kẻ lầm lì: thích nói chuyện với móng tay cáu bẩn hơn là tâm sự với bạn cùng bàn.

Kẻ ăn tạp: thỉnh thoảng giải trí trong lớp học bằng cách vo viên cục gỉ mũi và cho vào mồm.

Kẻ lưu manh: những kẻ “tăng động” mà bạn phải áp chế bằng compass, thước kẻ (bảng to, khổ bự) và thường xuyên là bằng móng tay của mình.

Kẻ hôi thối: như đã kể ở trên. Sử dụng nước hoa được tinh chế từ mắm, mồ hôi được ướp muối đậm đặc.

Trong suốt mười một năm chùi mông trên ghế nhà trường, tôi ngỡ rằng mình đã kinh qua hầu hết loại “tội phạm” bạn-cùng-bạn đáng ghét nhất trên đời. Nhưng lầm to. Sang lớp mười hai, tôi được “diện kiến” một dạng bạn-cùng-bàn vô cùng nguy hiểm khác.

Đầu năm, cô chủ nhiệm xếp tôi lên ngồi bàn đầu (hậu quả của chiều cao khiêm tốn). Vừa đặt mông xuống ghế, quay sang nhìn đứa ngồi cạnh, tôi đã thấy một linh cảm không lành. Nói chung nó là một đứa con gái trông hết sức bình thường, nhỏ con, ốm yếu, đeo kính cận, tóc cuộn gọn ra đằng sau đơn giản. Nhưng cái “biến thái” nhất đó chính là nụ cười của nó – một phép lai sai lầm giữa nụ cười đơ hoa hậu và một gương mặt thua xa chuẩn hoa hậu, vì thế trông rất chi kỳ lạ. Nó lại còn là học sinh mới chuyển đến, thế nên profile hoàn toàn mờ mịt!

Bạn phải công nhận rằng một khi đã mang “cấu hình” là tóc cuộn sau gáy nhàm chán + kính cận gọng đen tròn kiểu nhà quê lai bà già thì lẽ ra nên đi chung với một khuôn miệng đóng kín, hình thanh ngang để ta có thể dễ dàng xếp nó vào dạng bạn-cùng-bàn-nhàm-chán. Nụ cười phép-lai-sai-lầm sẽ khiến radar chẩn đoán bạn của ta bị nhiễu sóng.

Nụ cười chưa hẳn đã là thứ đáng ghét nhất. Hành động của nó mới chính là thứ khiến tôi phát điên. Mai Phương – đứa bạn cùng bàn ấy, đã phá vỡ một trong những luật-cùng-bàn quan trọng vốn được thiết lập qua hàng bao nhiêu thế hệ. Đó chính là: mượn dụng cụ học tập quá nhiều, thậm chí có thể nói là nó đi học với cái hộp bút của người khác! Trong mười lăm ngày đầu tiên, Mai Phương đặt hộp bút trên bàn, sử dụng xen kẽ đồ của nó và đồ của tôi (giai đoạn thăm dò). Trong mười ngày tiếp theo, nó vẫn đặt hộp bút trên bàn, nhưng đóng khóa và sử dụng đồ của tôi (giai đoạn lấn lướt). Trong năm ngày tiếp theo, nó bỏ hộp bút trong cặp và sử dụng đồ của tôi (giai đoạn thách thức). Kết thúc thời hạn này, nó vứt hẳn hộp bút ở nhà và xem hộp bút của tôi là của nó (chiến tranh leo thang và kẻ địch đã trở nên vô cùng bất chấp).

Lẽ ra thầy hiệu trưởng nên thay những giờ sinh hoạt đầu tuần lê thê bằng những bài diễn văn cảm động cho toàn thể học sinh hiểu được cái gọi là quyền riêng tư dụng cụ học tập. Để không ai phải chịu cảnh đau khổ khi hộp bút bị xâm hại một cách trắng trợn. Bạn sẽ không phải tuyệt vọng chờ đợi bạn cùng bàn trao trả các “tù binh” gôm tẩy, bút chì trong những phút cuối của giờ kiểm tra mà bạn thì đang vẽ sai hết cả cái đồ thị hình sin. Bạn sẽ không phải cuống cuồng lên tìm cây bút xóa cả buổi tối để rồi sáng hôm sau trông thấy bạn cùng bàn đủng đỉnh lôi nó ra từ cặp táp và bình thản đặt lên bàn. Bạn sẽ không phải trông như một đứa vừa bị trấn lột mà kẻ gian nhẫn tâm đã lấy đi cái hộp bút, vì toàn thể dụng cụ học tập của bạn đã được “bốc dỡ” sang phần bàn của đứa ngồi cùng.

Mỗi ngày đến lớp, tôi đều quay sang nhìn Mai Phương, ánh mắt long lanh chứa nhiều nỗi niềm muốn bày tỏ, mà cụ thể là: “Hộp bút của bạn đâu?”. Thế mà như thể là chưa đủ khi xâm hại quyền riêng tư hộp bút, nó còn xâm hại cả quyền sở hữu thức ăn. Con Anh Thy – bạn thân nhất của tôi, bảo rằng có thể kiểu như Mai Phương đã mắc phải một hội chứng tâm lý kỳ lạ, không thích dùng đồ của mình và có niềm say mê quá khích với mọi thể loại đồ của người khác. Cần phải chú thích thêm Anh Thy là con vốn bị chứng nghi bệnh. Nó kiểm tra nước bọt hằng ngày để đảm bảo vẫn có đủ độ sùi bọt cần thiết, đồng thời cũng giữ một niềm tin sâu sắc rằng mùi của nước bọt có thể phản ánh tình trạng sức khỏe của cơ thể.

Tôi chắc chắn không thể trở thành một người biết chăm sóc sức khỏe. Vì đối với nước bọt, tôi chỉ có hai thái độ:

– Ghê tởm nó!

– Ghê tởm nó nhưng khoái trá khi dùng nó để tấn công những thằng khùng trong lớp.

Tấn công bằng nước bọt chỉ diễn ra đến năm lớp hai thôi, bây giờ thì không thế nữa, kể từ khi tôi phát hiện ra móng tay hữu dụng đến mức nào!

Đã một tuần trôi qua rồi, Mai Phương luôn nhìn âu yếm mỗi khi tôi mở hộp thức ăn sáng ra. Chính xác thì nó nhìn đồ ăn của tôi một cách rất trìu mến, như thể có một thứ ánh sáng lấp lánh, một hào quang lan tỏa từ miếng thịt sườn. Có hôm nó quan sát tôi rưới nước mắm như thể đang nhìn một lễ ban nước thánh. Bữa ăn sáng của tôi gần như đã trở thành một buổi trình diễn bất đắc dĩ với vị khán giả quá ư cuồng nhiệt.

Thế rồi, đến buổi thứ tám, nó “nổ phát súng đầu tiên” trong công cuộc xâm lấn đồ ăn, bằng cách thỏ thẻ:

– Cho mình một miếng nhé!

Xong Mai Phương nhanh chóng cất hộp thức ăn của nó vào hộc bàn, quay sang xơi gần hết luôn hộp xôi của tôi. Ngon lành và thỏa mãn. Điều này lặp đi lặp lại với rất nhiều bữa ăn sáng tiếp theo cho đến khi tôi cảm thấy cần phải làm gì đó để giải quyết tình trạng bạn-cùng-bàn-thích-chia-sẻ này.

Tôi đi hỏi con Anh Thy và nhận được lời khuyên:

– Không còn cách nào khác, phải góp ý thôi. Nhưng việc này đòi hỏi chúng ta phải rất tế nhị. Nhớ nhé, phải tế nhị.

“Tế nhị” được nhất trí là từ khóa cho “cuộc chiến” giành lại quyền sở hữu hộp bút và thức ăn này. Có thể tôi sẽ bắt đầu bằng cách nói: “Bạn biết không, ếch sở hữu bộ gien giống người đến 80%. Nhưng ta không thể nói ếch và người giống nhau đến những 80%, đúng không?! Vậy nên, hãy nhìn cây bút chì này đây, dù nó giống cây bút chì của bạn đến 80%, nhiều khi còn hơn ấy chứ, nhưng ta vẫn không thể nhập nhằng hai đứa chúng nó là một, đúng không?! Chúng nó khác nhau căn bản nhất là ở chỗ, đây là CỦA MÌNH, còn cái đang ở nhà bạn ấy, nó mới là CỦA BẠN”.

Chúng ta còn có thể đi xa và vòng quanh hơn thế nào nữa để thực thi hai chữ “tế nhị”?!

Nhưng Anh Thy có một cách định nghĩa “tế nhị” hoàn toàn khác. Đầu giờ học hôm sau, nó bất ngờ bước đến ngồi ghé mông trên ghế của tôi và quay sang nói với Mai Phương:

– Tại sao bạn đi học mà không mang theo hộp bút? Tại sao cứ mượn đồ người ta hoài vậy? Đồ ăn của bạn đâu? Sao không ăn mà đi ăn của người khác?

Tôi và Mai Phương phải nói là được một phen lé mắt. Từ bao giờ mà một cuộc đối thoại tế nhị lại là kiểu xộc thẳng vào vấn đề, tra vấn đối tượng về lỗi lầm và tuyên án ngay từ câu đầu tiên? Mai Phương rất sốc. Lần đầu tiên nụ cười “phép lai bị hư” của nó tắt ngấm. Nó bắt đầu rưng rưng nước mắt. Và rồi trong một diễn biến bất ngờ, nó bỏ chạy ra khỏi lớp. Cả lớp bắt đầu lao nhao “Chuyện gì vậy, chuyện gì vậy?” và quay sang háo hức chờ đợi một scandal hấp dẫn. Nhưng may thay tôi đã kịp cắm mặt xuống nhìn đắm đuối cuốn sách Địa lý, như thể từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ mới được trông thấy cái bản đồ thế giới lần đầu tiên.

Mai Phương im lặng suốt cả tuần lễ liền sau đó. Nó lại đi học với đầy đủ dụng cụ học tập và tỏ ra hết sức chuyên tâm vào phần ăn sáng của mình. Chuyện này làm tôi hết sức bối rối. Trước nay tôi chưa bao giờ có một cuộc “giận dỗi bạn cùng bàn” đúng nghĩa. Khi không ưa nhau, chúng tôi chỉ đơn giản hành xử theo ba cách:

– Xem bạn cùng bàn như không hề tồn tại (tuy nhiên có thể chuyển sang chế độ “bất ngờ tồn tại” mỗi khi có giờ kiểm tra).

– Xem bạn cùng bàn như thể một con thằn lằn, thứ mà bạn vừa có thể nhìn một cách đầy ghê tởm nhưng cũng có thể mặc kệ vì nó hoàn toàn vô hại.

– Lên than khóc với cô giáo rằng mắt mình tăng độ và đề nghị được đổi chỗ – hẳn nhiên kế này ít được dùng, vì nó dễ khiến ta rơi vào bẫy-ngồi-bàn-đầu!

Lẽ ra, theo như tưởng tượng của tôi, thì sau những lời hết sức ý nghĩa về ếch và người và bộ gien kia, chúng tôi sẽ phải rưng rưng nước mắt khi Mai Phương rốt cuộc đã được giác ngộ sâu sắc tư tưởng “bút chì này là của ai”. Và cả hai chúng tôi sẽ cùng nắm chặt tay nhau hướng đến một chân trời rộng mở tươi đẹp, nơi mà chúng ta được ăn-trọn-vẹn bữa ăn sáng của mình.

Mặc dù là người đã phá vỡ tan tành khung cảnh tươi đẹp ở trên, nhưng Anh Thy vẫn tỏ ra hết sức kiên định với những gì đã làm. Nó không chịu thừa nhận bản thân đã quá sỗ sàng, mà chỉ chịu chấp nhận rằng sự “tế nhị” của nó có phần hơi mạnh mẽ (?!). Nó tranh cãi với tôi suốt cả giờ thực hành, đành hanh bỏ đi để rửa lại ống thí nghiệm. Một lát sau tôi nghe “xoảng”, một cái đèn dầu vừa bị rơi xuống đất, bốc lửa nghi ngút. Cả lớp la ỏm tỏi, một số thành phần tranh thủ la hét không phải vì phát hoảng trước ngọn lửa mà là vì chưa bao giờ chúng nó có cơ hội được la tự do trong tiết học như thế. Mỗi đứa một kiểu, bọn chúng nhảy loi choi xung quanh “hiện trường”, cất lên bản hòa ca các thanh âm phấn khích. Tôi nhíu mắt nhìn sang phía bên kia ngọn lửa. Là Mai Phương đang đứng, đầu cúi gằm, chịu trận trước cơn mưa chửi bới của cô giáo. Sự tức giận của cô đã lên đến đỉnh điểm. Cô cứ thế mà hét, mà la, mà thở hổn hển, như thể hy vọng rằng bấy nhiêu hơi đã đủ để dập tắt ngọn lửa, như thể cô chỉ đang đứng trước chiếc bánh kem cắm ngọn nến bé bỏng. Một chiếc khăn trải bàn nhúng nước xuất hiện, trùm lên làm ngọn lửa tắt ngấm. Cả lớp im bặt, hụt hẫng trước trò vui ngắn ngủi, lủi thủi trở về chỗ ngồi. Cô giáo vẫn còn bừng bừng tức giận, đùng đùng bỏ ra ngoài. Mai Phương đứng đó, trân trân nhìn tôi – kẻ duy nhất đối xử với ngọn lửa bùng lên bằng cách dập tắt nó.

Tin buồn là ba ngày sau, vụ cả lớp “cosplay” thành bộ lạc này tới tai thầy hiệu trưởng, cô giáo đã bị nhắc nhở vì “hành vi không đúng mực trong xử lý tình huống khẩn cấp”, còn Mai Phương cũng bị “bêu tên” vào giờ sinh hoạt đầu tuần, trong một bản tin hết sức nghiêm trọng về “vi phạm các nguyên tắc an toàn trong thực hành gây hậu quả nghiêm trọng”. Phải nói là tôi rất nghi ngờ rằng các thầy hiệu trưởng trước khi chính thức nhận nhiệm sở đều đã tốt nghiệp khóa “đặt cho tội lỗi những cái tên phức tạp”!

Vụ xả thân dập lửa không đủ để Mai Phương và tôi trở lại làm bạn-cùng-bàn, tuy nhàm chán nhưng cũng có thể mua vui cho qua năm tiết học. Con Anh Thy thì không thèm nói chuyện với tôi nữa. Nó chỉ đơn giản là quăng một cục lơ.

ĐỌC THỬ

Facebook cần phải thiết lập ra chế độ timeline theo dõi tình hình nước bọt, để những thành viên mắc chứng nghi bệnh như con Anh Thy có thể up công khai trên trang cá nhân, và những ai quan tâm có thể nhìn vào đó mà đoán chừng tình trạng sức khỏe cũng như tâm trạng của nó trong ngày. Kẻo không lại như tôi hôm nay, suýt thì nghẹn đến chết vì miếng chả lụa, khi đang cắm cúi ăn mà bỗng dưng bản mặt nó trồi lên trước mặt, dí sát chỉ cách ba phân, thở phì phò và trông rất thảm thương.

Nó vật ngửa ra bàn và rên xiết:

– Nếu một lúc nào đó tao bỗng dưng đốt nhà mày, mày có tha thứ cho tao không?

– Đốt nhà mày xong rồi, tao thậm chí còn đổ lỗi cho mày, vậy mày có tha thứ cho tao không?

– Đốt nhà mày, đổ lỗi cho mày xong rồi, thậm chí khi mày bị truy tố tội phá hoại tài sản, tao cũng bỏ mặc làm ngơ, vậy mày có tha thứ cho tao không?

Tôi đoán chắc đây là lý do vì sao chúng ta không thể rời xa bạn thân của mình trong khoảng thời gian từ bảy ngày trở lên. Bởi vì sau đó, nó bỗng sẽ trở nên điên rồ và hoang dại như thế này. Hóa ra con Anh Thy không đốt nhà tôi. Nó đốt phòng thí nghiệm. Chính xác là trong vụ án “cosplay bộ lạc” hôm nào, trong lúc đành hanh vùng vằng bỏ đi rửa ống hóa chất, nó đã vô tình quẹt trúng cái đèn dầu trên bàn của Mai Phương. Chính nó làm cho Mai Phương bị tội oan, và đã không đủ dũng cảm thừa nhận mình mới là thủ phạm. Hẳn nhiên Mai Phương tội nghiệp (nhưng mắc chứng bệnh tâm lý thích-đồ-người-khác) trong phút giây lơ đễnh đã không thể hiểu được vì sao cái đèn dầu trên bàn không dưng lại nhảy xổ xuống đất và tức giận bùng cháy.

Lúc này, Mai Phương đang bước vào cửa lớp. Con Anh Thy liền quay sang nhìn tôi:

– Chúng ta phải thú nhận thôi. Nhưng tế nhị nhé, phải thật tế nhị! (Chúng ta ư? Chúng ta nào? Ai là người đã gây ra tất cả chuyện này chứ?)

Lẽ ra tôi phải rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ “tế nhị” lần trước. Thật kinh khủng, khi Mai Phương vừa đặt mông xuống ghế thì con Anh Thy quay sang nói:

– Chính mình đã làm rớt cái đèn dầu đó! Chính mình đã gây ra vụ bùng lửa trong phòng thí nghiệm. Mình đã làm ngơ khi thấy bạn bị la oan và bị khiển trách trước toàn trường. Chưa kể vụ bồi thường cho phòng thí nghiệm và vụ năm điểm.

Sự “tế nhị” của con Anh Thy làm Mai Phương sốc toàn tập. Nó trợn ngược con mắt, đảo qua đảo lại, rồi đứng tròng. Sau cùng nó mấp máy môi định nói gì đó, nước mắt đã bắt đầu lưng tròng. Rồi trong một diễn biến không còn bất ngờ gì mấy, nó bỏ chạy ra khỏi lớp. Cả lớp lại bắt đầu nhao nhao, và tôi lại tìm được cuốn sách Lịch sử để nhìn đắm đuối, như thể từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ chưa bao giờ biết ông bà tổ tiên chúng ta đã sinh sống như thế nào.

Có một câu nói như thế này: “Chỉ có bạn thân mới nói cho bạn biết khi mặt bạn bị bẩn”. Tôi có một câu hay hơn: “Chỉ có bạn thân mới là đứa không thèm nói gì ngay cả khi nó đã bôi bẩn mặt bạn”. Con Anh Thy sau đó đã lững lờ trôi về bàn nó, tiếp tục quẳng cho tôi một cục lơ.

***

Hồi tôi học lớp sáu, có một con bé cùng lớp rất hay bị bọn đầu gấu bắt nạt. Một hôm, nó bị bọn này bắt ăn một con dế. Con bé ói mật xanh mật vàng. Vẻ sợ hãi tím tái của con bé ấn tượng đến mức bọn đầu gấu quyết định cho nó ăn dế lần thứ hai. Và đó hóa ra là một sai lầm nghiêm trọng. Sau khi phải ăn dế lần thứ hai, con bé bỗng dưng cảm thấy nó muốn ăn dế thêm nhiều lần nữa. Nó đã bị “cuồng dế”. Thế là bọn đầu gấu quyết định cho con này gia nhập băng nhóm luôn, vì rõ ràng phải ngầu lắm mới có thể trở thành một đứa thích-ăn-dế. Sau đó, nghe đồn con bé đã gây thị phi đến mức băng nhóm ấy hục hặc gây hấn đánh đấm tá lả rồi tan đàn luôn. Thấy không, đây là lý do vì sao ta không bao giờ được đánh đối thủ cùng một chiêu thức đến lần thứ hai!

Chúng tôi lẽ ra cũng không nên làm cho con Mai Phương phải bỏ chạy ra khỏi lớp đến lần thứ hai. Vì sau đó nó đã trở nên nguy hiểm khôn lường – một sự tiến hóa khủng khiếp của kiểu người vốn mắc chứng bệnh tâm lý chưa thể lý giải nổi, nay được cộng hưởng thêm sự trơ lì và bất chấp.

Tối hôm đó, điện thoại của tôi reo. Là Mai Phương. Tôi hết hồn, cứ tưởng nó muốn gặp mẹ để mách về vụ tôi và con Anh Thy rõ ràng là hai đứa bị “khiếm khuyết năng lực tế nhị”, đồng thời khuyến cáo mẹ nên gửi tôi đến một lớp học về kỹ năng bạn cùng bàn. Nhưng không, nó chỉ hỏi tôi ngày mai ăn sáng món gì. Giọng tỉnh bơ. Tôi đáp, cơm tấm sườn.

Sáng hôm sau, bước vào lớp, nó hùng hổ giật phắt hộp cơm tấm sườn của tôi và chìa một hộp khác ra:

– Cái này cũng là cơm tấm sườn nè. Ăn đi!

Và thế là chúng tôi ngồi ăn hộp cơm tấm của-nhau. Nó lại tỏ ra hết sức hạnh phúc. Vào tiết học, nó chồm sang lấy cái hộp bút của tôi, kiểm tra xem trong đó có gì. Sau đó nó gật đầu hài lòng, đưa cho tôi hộp bút của nó:

– Có đầy đủ hết trong này, bút viết gôm… dùng đi!

Và thế là chúng tôi dùng hộp bút của-nhau. Nó lại tỏ ra hết sức hạnh phúc.

Anh Thy – bạn thân chết tiệt mắc chứng nghi bệnh đã nói đúng. Mai Phương là kiểu người chỉ có thể hạnh phúc khi dùng đồ người khác. Lại thêm bây giờ nó đã trở thành giống như con bé lớp sáu năm nào của tôi. Ngầu đến mức trở nên điên khùng!

Tôi nhìn con Anh Thy đang ngồi ở cách một dãy bàn. Dường như nó cũng đoán được chuyện gì đang xảy ra, và tin nổi không, nó lại uốn miệng thành kiểu hình chữ: “tế nhị, phải thật tế nhị!”. Và tôi đã cho nó một cú lườm nguýt phải nói là kinh khủng!

BẠN CÓ BIẾT:

Mai Phương này hóa ra còn điên hơn tôi tưởng. Về sau này, khi tôi đang là biên đạo múa cho một tiết mục văn nghệ tham dự lễ chào mừng 20 tháng 11, một hôm nó sang nhà tôi, theo đúng lịch ngày tập nhưng sớm hơn giờ tập những hai tiếng đồng hồ. Mẹ mở cửa cho nó lên phòng, và nó cứ thế ngồi nhìn tôi… ngủ. Tin nổi không, không làm gì cả, không vớ đại cuốn sách nào để đọc, không nhặng xị lên đánh thức tôi dậy, không mở iPod ra mà nghe nhạc, không lấy điện thoại ra mà chơi game, nó chỉ đơn giản là ngồi đó, nở nụ cười phép lai bị hư mà ngắm nhìn tôi ngủ. Hẳn nhiên là sau đó tôi đã chửi um cả lên, khi thậm chí quyền riêng tư được ngủ chảy ke mà không ai nhìn thấy cũng đã bị xâm hại một cách trắng trợn! Hừ!


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button