Văn học trong nước

Trôi Theo Dòng Đời

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : NSND Bảy Nam

Download sách Trôi Theo Dòng Đời ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

BÔNG HỒNG CHO MẸ

Đường xa vạn dặm

Mẹ bỏ con đi… đường xa vạn dặm…

Mẹ bỏ con đi… đường xa mịt mù…

TCS

MÁ BỎ CON NĂM NĂM RỒI… Năm năm rồi con không có Má…

Năm năm so với cuộc sống vô thường của một kiếp người không phải là ít, nhưng sao con vẫn thấy như mới ngày hôm qua… Và mỗi lần phải đương đầu với bao sóng gió của cuộc đời, như một phản xạ từ bao kiếp trước, con vẫn chạy qua phòng Má, ngồi trước bàn thờ Má để khóc với Má như ngày nào…

Trong suốt năm năm qua con sống trong sự trống vắng không gì bù đắp được. Điều an ủi duy nhất trong lòng con là con luôn luôn nghĩ nếu có một sự cảm thông nào giữa cái chết và sự sống thì chắc chắn Má đang cười với con.

Trên mộ Má, con đã cho khắc hai câu thơ:

Tôi không khóc khi cài hoa trắng

Vì trong hoa tôi thấy Mẹ tôi cười

Vì con biết Má đã ra đi một cách thanh thản, nhẹ nhàng và mãn nguyện.

Con nhớ những ngày cuối, con, Kim Quang và Trường, đứa bóp chân, đứa thoa dầu quây quần bên giường Má. Kim Quang hỏi: “Má có thèm ăn hay cần gì không? Chúng con sẽ đi lo cho Má?”. Má cười thều thào nói: “Má có đủ hết rồi, Má không muốn gì hơn nữa”. Con biết lúc đó Má nói thật vì hơn ai hết con hiểu rõ sự mong mỏi duy nhất trong tâm hồn của một người nghệ sĩ như Má là được sống để được cống hiến, để được thương người và mong được người thương lại, thế thôi.

Suốt bao năm trời gia đình mình đã nếm đủ mùi thăng trầm của cuộc đời nghệ sĩ. Trong những lúc khó khăn cũng như đầy đủ, con chưa bao giờ nghe Má bảo Kim Cương sắm cho Má một đôi bông hột xoàn hay một chiếc vòng cẩm thạch, hay bất cứ một tiện nghi nào trong cuộc sống. Đòi hỏi duy nhất của Má đối với con là phải viết thật nhiều kịch bản để cho Má diễn. Con nhớ có nhiều đêm đang ngủ, Má gọi con dậy để bảo: “Kim Cương ơi, Má thèm đóng vai điên. Má vừa nghĩ ra cách thể hiện vai điên lạ và hay lắm”. Nhìn gương mặt rạng lên những tia sáng đầy ắp nỗi ước mong của Má lúc bấy giờ, con cảm nhận được hết ngọn lửa trong trái tim Má với sân khấu vẫn luôn luôn nóng cháy, dù đã qua bao nhiêu sóng gió của cuộc đời… Và… Hai tháng sau vở kịch Về nguồn ra đời. Má đã thể hiện một bà điên không giống bất cứ bà điên nào từ trước tới nay. Má đã không làm đầu bù tóc rối hay cầm nhánh cây la hét lung tung, mà là một bà điên rất hiền, rất sạch sẽ, rất dễ thương và rất là… điên. Báo chí đã hết lời khen ngợi và mãi tới giờ này khán giả vẫn còn nhắc tới. Thấy Má say sưa hạnh phúc trong vai diễn mới, con mừng đến rơi nước mắt.

Lửa đam mê nghệ thuật luôn luôn hừng hực trong Má suốt 70 năm và nó đã cháy lan sang con. Bao nhiêu kịch bản của con ra đời như Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Bông hồng cài áo, Trà hoa nữ hay Huyền thoại Mẹ… Những kịch bản mà mãi tới giờ này vẫn còn được khán giả thương yêu và nhắc đến. Tất cả những thành công đó, những hạnh phúc đó, đều có lửa của Má đốt nóng trong tim con… Má chính là động lực lớn, là sức mạnh đẩy con bước tới vững chãi với nghề… Nỗi niềm của Má, tình yêu cháy bỏng của Má đối với sân khấu đã luôn luôn là tấm gương để con tự soi mình mỗi ngày.

Con nhớ có lần báo chí hỏi Má rằng trong những tác phẩm Má sáng tác, vở nào Má thích nhất, Má đã trả lời: “Kim Cương là tác phẩm ưng ý nhất mà tôi đã tạo nên”. Con biết Má không thích nói văn chương. Má chỉ nói theo cảm tính bằng tự đáy lòng của Má. Cái tên Má chọn cho con chính là niềm kỳ vọng rất lớn trong trái tim của Má, cả cuộc đời con là tác phẩm của Má. Từ suy nghĩ, từ cách sống trải lòng với cuộc đời, với những đam mê nghiêm túc trong nghề nghiệp và luôn cả những lãng mạn bay bổng trong cuộc sống, cũng đều do Má truyền lại cho con một cách trực tiếp hay gián tiếp. Ngay từ khi còn nhỏ, con đã được Má chỉ cho thấy những niềm vui khi mình cho mà không cần nhận lại, những sung sướng khi đem được hạnh phúc tới cho người khác. Con đã đi theo Má, hướng thiện cùng Má bằng những bài học về lòng nhân ái từ thuở ấu thơ… Vậy mà cho đến ngày Má mất rồi, tụi con vẫn xúc động đến sững sờ khi soạn trong đồ đạc của Má thấy một đống biên nhận của báo chí khi Má gửi tiền giúp những em bé mồ côi này hay những gia đình bất hạnh kia, bằng số tiền ít ỏi mà tụi con bỏ túi cho Má xài vặt mỗi tuần. Má ơi, con đã lớn lên từng ngày trong vòng tay của Má, gần gũi với Má biết bao, vậy mà cầm xấp biên nhận trong tay, con đã sững sờ rơi nước mắt. Bởi những biên lai đó không hề có tên của Nghệ sĩ Bảy Nam mà chỉ toàn là tên những vai tuồng mà Má đã đóng, như “Bà Tư bán cháo lòng”, “Bà Hai bán chè”, “Má con Diệu”… Những cử chỉ đẹp đẽ đó, Má đã giấu tất cả mọi người và giấu luôn cả tụi con.

Làm theo tâm nguyện của Má, tiền phúng điếu của đám tang và đêm hát tưởng niệm con đã chi một phần cho Hội bảo trợ Bệnh nhân nghèo để dùng mổ mắt cho bà con, phần còn lại chúng con đã xây dựng được một phòng học vi tính cho các em khuyết tật tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi của TP.HCM. Bốn năm qua, lớp học của Má đã đào tạo thành nghề cho bao nhiêu em khuyết tật. Nhìn những chiếc xe lăn hồ hởi đi vào lớp học với niềm tin ở tương lai rạng ngời như nụ cười trong hình của Má đang treo trong lớp học, tụi con thật ấm lòng.

Đám tang của Má cũng là một dịp để tụi con thắm thía lời Má dạy: “Phải sống hết sức với nghề nghiệp, hết lòng với cuộc đời, thì Trời Phật sẽ không phụ mình đâu, cuộc sống sẽ không phụ mình đâu”. Qua đám tang của Má, con đã cảm nhận được lòng yêu thương và quý trọng mà mọi tầng lớp xã hội đã dành cho Má. Từ những vị lãnh đạo cấp cao nhất, các giới, các bạn bè thân hữu, các khán giả của mọi lứa tuổi, cho đến các cô dì bán rau, bán cá, bán vải, bán trái cây, bán bông ở các chợ, và cả những em bé mù bán vé số ở Chợ Lớn… cũng ráng tìm về đốt cho Má một nén nhang. Những ân tình đó chúng con xin ghi nhớ suốt đời và sẽ xem đó là bài học cho tụi con.

Năm năm rồi con không có Má…

Năm năm qua, kỷ niệm ngày mất của Má chúng con chỉ tổ chức một tiệc chay khiêm tốn để cùng các bạn bè quây quần tưởng nhớ Má. Bởi con biết với cái tính khiêm nhường, giản dị của Má, Má không thích làm những gì có tính phô trương. Nhưng năm nay con xin phép Má cho chúng con cùng các bạn tái bản lại cuốn Trôi theo dòng đời, hồi ký của Má.

Đối với chúng con, việc làm này như một nén hương lòng kính dâng lên Má.

Đối với khán giả, đối với cuộc đời, có thể xem đây như một lời tri ân của tụi con về những tình cảm mà mọi người đã dành cho gia đình ta.

Và đối với các em nghệ sĩ của những thế hệ kế tiếp, con muốn các em thấy được những gian nan, những cực khổ, những hy sinh của lớp người đi trước để các em hiểu thế nào là “Đạo Hát”.

Cuốn hồi ký Má đã ghi lại những ngày tháng gian truân của mình khi theo nghiệp hát, con đã đọc nhiều lần, vậy mà mỗi lần đọc lại con đều rơi nước mắt. Gần bảy mươi năm của cuộc đời Má đã dành trọn cho sân khấu, thăng trầm có, danh vọng có và hoạn nạn đắng cay cũng tràn đầy. Má không chói sáng rực rỡ như Má Năm Phỉ, con đường Má chọn sao mà lắm lao đao lận đận. Con đường nghệ thuật của Má không hề có thảm đỏ đón chờ mà nó tích tụ dày thêm từng ngày, từng ngày bằng nước mắt, bằng nụ cười, bằng sự say mê nghề nghiệp đến nao lòng của Má. Bây giờ các em nghệ sĩ bước lên sân khấu, nhiều em thành công quá dễ dàng chỉ sau một vài bài báo lăng-xê hay một vài vở tuồng đắc ý, làm sao các em có thể hiểu được sự nhọc nhằn truân chuyên trên những chiếc ghe bầu gồng gánh, lang thang rày đây mai đó của đời “thằng kép con đào ngày xưa”. Sao Má không nghe lời ông ngoại đi học để làm nghề giáo như cậu Hai, cậu Tư để cuộc sống nhẹ nhàng, sao Má lại nhất định theo cái nghiệp sân khấu để nếm đủ mùi cay đắng, để bị mọi người của xã hội lúc đó coi khinh là “xướng ca vô loại”? Má vẫn một lòng một dạ với sân khấu. Có lẽ vì Má đã gọi sân khấu là Thánh đường, gọi nghề hát là cái Đạo… Cho nên trong cuốn hồi ký của Má không hề có lời giải thích, Má chỉ kể lại cho hậu thế nghe về con đường Má đã đi cùng với “Đạo Hát” bằng giọng rất nhẹ nhàng, nhiều khi là bỡn cợt trên chính nỗi đau của mình.

Cuốn sách đã khép lại bằng nụ cười tươi của Má khi Má tự thú năm 1975 lần đầu tiên nghe mọi người gọi mình là “chiến sĩ văn hóa”, và Má đã tự kết luận cuộc đời mình với một cô diễn viên trẻ mới vào nghề hát: “Cái nghiệp đó con! Hỉ, nộ, bi, ai, ái, ố đủ cả, nhưng được cái lúc nào mình cũng là mình. Ngoại thì còn hít thở không khí để sống là còn mê nghề hát”.

ĐỌC THỬ

MÊ NGHỀ HÁT

TỪ NĂM LÊN TÁM, khi bắt đầu say mê sân khấu thì cũng là lúc tôi biết ca, biết lý. Tôi mong mỏi được trở thành một trong những cô đào mà tôi từng có dịp xem qua…

Ước mơ ấy đối với mẹ tôi, một bà mẹ hiền lành hay chìu con thì còn có chỗ bao dung, chứ đối với cha tôi thì chuyện làm đào hát là một điểm nhục cho gia đình.

Thường ngày muốn răn dạy các con, cha tôi vẫn dùng câu ca dao này:

Trồng trầu để lộn dây tiêu,

Con theo hát bội, mẹ liều con hư.

Nhưng ít lâu sau cha tôi cũng đành phải để cho con hư vì chị Năm Phỉ của tôi đã lên đường theo nghề hát với sự giúp đỡ của mẹ tôi.

Trước sự việc quá bất ngờ ấy, cha tôi đã nổi trận lôi đình. Kết quả là mẹ tôi ngồi khóc trước ô trầu, còn anh em tôi rút nhanh vào sau cánh cửa, nín khe.

Nhưng rồi chị Năm Phỉ của tôi vẫn đi biền biệt, nên cha tôi cũng đành mặc kệ, cầm như đứa con bất hiếu đã chết từ lúc chưa lọt lòng.

Kể từ đó, ông càng nghiêm khắc hơn đối với các con mà ông nói là “hậu sanh khả úy”. Ông hạ lệnh cấm ngặt trong nhà không ai được nhắc đến tên chị Năm Phỉ và không được ca hát ở bất cứ nơi nào…

Đó là nghiêm lệnh của cha, tất cả anh chị em tôi đều tuân theo răm rắp vì tất cả đều sợ ông.

Trong đám con thì chỉ có tôi là được ông chú ý nhiều nhất, không phải vì tôi học giỏi mà vì tôi có bộ vó muốn “dông” theo… chị Năm.

Thậm chí đến nỗi, khi đi làm việc ở tỉnh xa cha cũng cẩn thận mang tôi theo, dù tôi có phải trễ năm học cũng mặc.

Nhưng khốn nỗi “hồn cải lương” đã nhập tôi rồi thì dù có bị ngăn cản thế nào, tôi cũng quyết tâm đi hát cho được.

Cha tôi tưởng rằng ngăn cấm như vậy thì không bao giờ tôi theo cái nghiệp của chị Năm Phỉ. Ông nào ngờ nhà trường lại chính là nơi tôi tập tuồng.

Thuở bé, tôi học trường làng, mỗi năm có đáo lệ kỳ yên thì đều rước gánh hát bội đến để hát cúng thần. Mỗi lần có hát là ban hội tề đều có dành cho đám nhi đồng một chiếc đệm, để gom mấy trự tí hon lại một chỗ ngồi xem. Người lớn rất ngại đám cô hồn vô trật tự như tụi tôi phá phách. Trong đám tiểu yêu, lẽ tất nhiên phải có tôi, đêm nào cũng ngồi hàng đầu, vì cứ hễ trời sụp tối là tôi đã co giò dông trước tới đình để chiếm chỗ ngồi ưu hạng. Thôi thì Lưu Kim Đính, hay Điều Tam Xuân đều là bậc chí thân chí ái của tôi cả. Cái bông hường bằng lụa to tướng đeo trước ngực, cặp lông công hùng vĩ lơ lửng trên đầu, tôi phục quá, ưa thích quá. Tôi tự nguyện rằng ngày nào khôn lớn tôi cũng quyết sẽ là Lưu Kim Đính hay Điều Tam Xuân, và quyết sẽ không giao thiệp với ông Dư Hồng hay nhịn thua vua Triệu Khuông Dẫn.

Thuở đó, đi học ở đâu là tôi mang vở Bùi Kiệm, Kiều Nguyệt Nga đến trình diễn ở đấy. Tôi tập hợp bạn bè chí cốt, bỏ cơm bỏ nước, bỏ cả học hành để tập tuồng.

Chúng tôi tự học ca, học múa, khi thì dưới gầm bàn, khi thì trong kẹt tủ, lúc ở xó bếp, lúc bên hè…

Chuyện học hành thì tôi thua kém các bạn, luôn luôn ngồi ở hạng cuối sổ, nhưng trong giờ chơi tôi lại là đào chánh, kép chánh của tất cả mọi vở tuồng…

Tôi học ca nhiều hơn học chữ, và trong những trang giữa của tập vở đều nhan nhản những bài: Tứ đại, Tây Thi, Vọng cổ…

Một hôm xét tập thấy các bản hát này, thầy tôi, một người thầy nghiêm khắc, đã thưởng cho tôi mười roi đích đáng, rồi còn chỉ mặt tôi mà hầm hừ:

– Con này sau đi hát mà ăn, chứ học hành như thế này thì làm sao nên người cho được!

Ông xé nát mấy bài khiến tôi đau xót vô cùng. Có lẽ đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết đến cái khổ của nghiệp “cầm ca”.

Nhưng tôi đã ngầm cám ơn thầy tôi. Sau này khi tôi lập gánh, tiếc là thầy đã qua đời, bằng không tôi đã rước thầy đến xem tôi hát.

Cha tôi là người tốt, mẫu mực nên ai cũng kính nể. Ông làm việc rất cực nhọc, chịu nhiều gian khổ nên ngã bệnh và từ trần ở tuổi bốn mươi sáu đầy nhựa sống để lại một mẹ già, một vợ yếu cùng một đứa con út còn nhỏ. Riêng tôi, năm ấy mới mười bốn tuổi và anh Hai của tôi thừa hành “huấn lệnh” của cha còn gắt gao hơn ông nhiều.

Chẳng những áp dụng những điều cha tôi cấm, mà anh Hai còn thêm một biện pháp nữa là hàng ngày lục soát sách vở của tôi.

Những bài ca in sẵn, những quyển tuồng cải lương có được từ tiền nhịn ăn sáng đã khiến tôi lì lợm hơn: nhất quyết sẽ ca hát trước bộ mặt quạu quọ của anh Hai.

Bình thường tôi vẫn được giao nhiệm vụ dỗ em ngủ. Thằng em út của tôi tuy còn bé nhưng đã sinh tật: nó chỉ chịu ngủ khi tôi ca rỉ rả bên tai.

Tôi thường lợi dụng điều này, đợi lúc anh tôi ngủ trưa hay soạn bài cho học trò vào buổi tối là tôi lại chọc cho thằng út khóc. Mà mỗi lần nó khóc là can không nổi, cứ hét như tiếng còi tàu xe lửa vậy.

Mẹ tôi hét lên:

– Bảy, sao không dỗ em, để nó khóc um sùm vậy?

Tôi đáp:

– Dạ, nó đòi con ca vọng cổ, nó mới chịu ngủ.

– Thì con ca đi

– Dạ. Con sợ anh Hai đánh.

– Anh Hai mày rầy thì cứ nói má biểu!

Thế là tôi toàn thắng, cứ ca cứ hát bài bản, dợt lại mấy lớp trong tuồng Phàn Lê Huê đả Tiết Đinh San một cách công khai.

Người ta thường bảo “Ca hát là để an ủi những tâm hồn đau khổ”, có lẽ câu đó đúng với tôi. Nhưng trái lại, đối với anh tôi nếu phải nghe đứa em như tôi ca hát thì đó là một cực hình.

Nhờ sáu câu vọng cổ mà tôi nổi tiếng là giỏi dỗ em và được mẹ yêu thương hơn hết.

Từ đấy, mỗi lần đi đâu xa là mẹ cũng phải đem tôi theo để hộ tống thằng em út. Kể ra cũng phiền vì cứ phải nách nó bên hông tò tò, nhưng kể cũng thích là được đi chơi luôn.

Một hôm tôi được mẹ cho theo xuống gánh hát thăm chị Năm Phỉ.

Thật là một dịp may hiếm có. Tôi vui mừng ra mặt khiến anh Hai cũng phải nói:

– Con nhỏ này được xuống gánh hát cũng chẳng khác gì lên chốn thần tiên.

Khi xuống đến nơi, nhìn thấy cảnh tưng bừng náo nhiệt, tôi càng muốn thực hiện cái mộng ôm ấp trong lòng lâu nay. Câu đầu tiên tôi nói với chị Năm Phỉ là:

– Em muốn đi hát như chị quá!

Chị tôi mỉm cười, tặng lại tôi một cái “cốc” trên đầu.

Liền đó, tôi ẵm thằng út và bắt đầu đi thăm dò đường đất. Tất cả rương tráp, tranh cảnh, sơn thủy, mùng chiếu, đào kép đều chen chúc lẫn lộn nhau trong lòng một chiếc ghe chài lớn dùng để chuyên chở cả gánh hát đi phiêu bạt giang hồ.

Suốt ngày dưới ghe chài lúc nào cũng ồn ào như buổi chợ: góc này năm ba người hợp nhau đờn ca, góc kia họ quây quần uống rượu giải khuây, trên mui ghe họ ăn cơm cháy!…

Vui quá! Đúng là một thế giới mới lạ đối với tôi.

Đêm ấy, gánh hát diễn tuồng Xử án Bàng quý phi. Ngoài vai Bàng quý phi mà chị Năm đóng, còn hai vai đào nữa là bà chánh hậu và bà thứ phi.

Chuyện khốn khổ xảy ra vào giờ chót, cô đào đóng vai thứ phi lại bỏ gánh hát trốn mất, cả gánh hát của chị Năm Phỉ tôi đều âu lo vì cái tin đó.

Người ta tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn biệt âm vô tín. Sau cùng người ta đành phải điểm mặt ở hậu trường để ráng tìm một người khác thế vai thứ phi.

Vai tuồng đó tuy không quan trọng, vì chỉ cầu khẩn, sợ sệt, van nài nhưng không thể thiếu được. Vậy mà trong hậu trường chẳng còn một ai có thể đóng. Biết làm thế nào bây giờ!

Chị Năm cuống cuồng chạy tới chạy lui. Ông bầu cũng nhăn nhó loay quay như gà mắc đẻ.

Ông bầu rối quá, nhìn thấy tôi, bỗng nảy ra ý kiến liều lĩnh:

– À! Hay cho con bé này thế đại thử coi! Cho có mặt thôi mà!

Chị tôi lưỡng lự:

– Không biết nó dám không? Đã nhà quê, lại còn nhát nữa.

Ông bầu và nhiều người xúm lại khuyến khích tôi:

– Dám không em? Dễ mà, có gì đâu mà sợ?

Tôi không sợ nhưng trả lời lấp vấp:

– Dạ… dạ… dám!

Đó là lần đầu tiên tôi lên sân khấu. Không biết suy nghĩ thế nào mà tôi lại moi hết số tiền để dành dụm trong túi lâu nay chạy mua một nải chuối con, đem dâng trước bàn thờ tổ…

Tôi khó mà diễn tả được sự nôn nao của mình trong đêm ấy. Vở hát chưa kéo màn, tôi đã vội nhờ chị Năm bôi son trét phấn, mặc dù đến màn chót tôi mới được ra mắt khán giả…

Tôi được đội mão, cài trâm, thay xiêm đổi áo lòe loẹt đúng theo sở vọng của tôi từ bao lâu nay.

Tôi sung sướng vô cùng, đi tới đi lui khắp hậu trường, trong lòng chỉ muốn cho mọi người biết rằng tôi sắp được ra sân khấu… Nhưng chỉ một lúc sau, đầu tôi nhức nhối, mắt hoa lên, tay chân luống cuống rã rời, toàn thân nóng ran như lửa đốt. Vì không quen, nên chưa bước ra sân khấu mà mồ hôi đã tuôn ướt giáp. Tôi chỉ muốn được nằm dài xuống cho khỏe thân.

Chẳng biết làm thế nào bây giờ, thế là tôi đành ngồi trong một góc cánh gà đếm từng màn từng cảnh, mong tới phiên mình.

Chiêng trống vang rền, tiếng đào kép lao xao trong buồng hát mỗi lúc làm cho tôi như muốn nghẹt thở…

Giữa lúc đó, chị Năm Phỉ của tôi bỗng đến bên, nói nhỏ nhẹ:

– Tới phiên em rồi đó! Ráng lên đi! Đừng sợ gì hết!

Tôi mỉm cười gượng gạo, đứng lên theo chị ra sân khấu.

Cộp! Cộp! Cộp! Tiếng cây dộng xuống sàn ván như bổ vào mang tai. Màn từ từ kéo lên…

Trời đất thánh thần ơi!

Trong giờ phút đó, tôi liếc nhìn bên dưới khán giả, tự nhiên tay chân tôi lạnh ngắt, tim đập dồn dập như trống mõ.

Tôi sợ quá! Tôi khớp quá! Tôi chỉ muốn cởi hết lớp áo mão nặng nề kia để chạy trốn.

Chị tôi có lẽ cũng lo sợ cho tôi nhưng vẫn đẩy tôi ra sân khấu.

Tôi lảo đảo bước thấp bước cao theo chân bà chánh hậu. Tôi đứng lại, vòng tay, quỳ xuống cúi lạy, mỗi một điệu bộ đều làm theo bà ấy.

Rồi tôi cất tiếng nói nhưng quả tình tôi chẳng nghe được mình nói những gì.

Có tiếng cười khúc khích đâu đây. Tôi lấm lét nhìn xuống bên dưới.

Trời ơi! Tôi chỉ thấy toàn đầu là đầu, chen chúc nhau không sao đếm nổi. Ba hồn, chín vía lên mây, tôi quên mất tôi là ai? Mấy tuổi?

Tôi bắt đầu run lên như phát rét. Bỗng bà Địch Thiên Kim cất tiếng thét lanh lảnh càng khiến tôi run bây bẩy.

Bên trong buồng trò, tôi nghe văng vẳng có tiếng ai đó nói:

– Được quá chớ! Con nhỏ sợ thiệt nên cảnh này nó run lên coi tự nhiên lắm!

Màn hạ từ lúc nào tôi cũng chẳng biết, vai trò đã hết mà tôi hãy còn run. Đến khi chị tôi chạy đến cứ vò đầu khen lấy khen để, ông bầu thưởng cho tôi hai đồng bạc, tôi mới biết mình đã thoát nạn.

Tôi nhìn mẹ và thấy bà cũng đang nhìn tôi mỉm cười… Sự thành công đó tự nhiên làm cho tôi hăng hái hơn lên, dù mới phải trải qua một cơn hãi hùng…

Tôi theo sát mẹ, cố nài nỉ để được theo chị đi làm nghề đào hát… Mẹ nhìn tôi vẻ dễ dãi, tôi lại càng hy vọng hơn! Có ngờ đâu muốn bước chân lên sân khấu thì tôi còn phải qua bao nhiêu nỗi khó khăn…

Sau đêm hát lịch sử của đời mình, tôi theo mẹ trở về nhà để sửa soạn làm tuần mãn tang cho cha.

Tuy không nói ra, nhưng trong lòng tôi rất hồi hộp mỗi khi nhìn thấy đôi mắt của ông anh cả hậm hực nhìn mình. Hình như anh tôi chỉ chờ một dịp nào đó để nện cho tôi vài chục roi, trị cái tội cãi lời, leo lên sân khấu.

Cái gì chờ đợi rồi cũng sẽ đến!

Đúng ngay ngày làm lễ xả tang, tôi được anh Hai trịnh trọng mời ra vườn chuối sau hè.

Biết chắc mình khó lòng thoát cơn hoạn nạn nhưng không hiểu sao tôi lại thấy bình tĩnh lạ thường. Tôi nhìn trước nhìn sau chỉ thấy anh Hai tôi đứng một mình, tay không cầm roi mây hay một vật chi khác như mọi khi.

Tôi nghĩ thầm: Có lẽ mình đã lớn, anh Hai không đánh nữa mà chỉ rầy sơ sơ thôi!

Nghĩ thế rồi nên tôi càng bình tĩnh hơn, hỏi anh tôi:

– Anh Hai! Kêu em chi vậy?

Anh tôi quay mặt lại, đôi mắt đỏ ngầu vì tức giận. Tôi nghĩ là có chuyện không xong rồi nên đành cúi mặt chờ đợi.

Anh tôi nói như thét:

– Mày chưa biết tội còn hỏi nữa hả?

Tôi thất kinh hồn vía, chưa biết nói sao thì anh Hai sấn tới nắm lấy chân tôi rồi bước đến cầu khỉ bắt ngang mương, thòng đầu tôi xuống nước… Ngộp quá, tôi làm hết vài ngụm cho thấm thía cuộc đời. Tai ù, mắt hoa lên, nhưng tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng đe dọa của ông anh:

– Tao cấm mày đi hát, mày còn cãi lời thì lần sau tao nhận chìm xuống sình luôn!

Tôi vâng dạ, tôi khóc lóc, nài nỉ, tôi hứa tôi thề kể từ nay sẽ không bao giờ dám lên sân khấu nữa.

Trong cơn hãi hùng vì uống nước mương, có lẽ giọng cầu xin của tôi còn tha thiết hơn cả cái đêm đầu tiên trên sân khấu trong vai thứ phi xin tội cho họ Bàng, nên ông anh Hai đã xiêu lòng cho sống sót.

Anh thả tôi ra, còn dặn thêm:

– Mày liệu hồn. Lần sau đừng mong tao dung thứ!

Nhưng hai tuần sau đó, anh Hai tôi được lệnh đổi sang tỉnh khác để dạy học! Mộng nghệ sĩ của tôi cũng bắt đầu nổi dậy và có phần mãnh liệt hơn.

Tôi nghĩ đến sân khấu, đến ánh đèn xanh, đỏ, tím, vàng, tiếng đàn sáo trầm bổng du dương; tất cả như ám ảnh tôi, quyến rũ tôi và thúc đẩy tôi thoát hẳn gia đình…

Anh tôi đi rồi, chỉ còn mẹ, người mẹ hiền dịu không bao giờ muốn con phật ý, buồn lòng.

Lợi dụng chỗ yếu của mẹ, tôi năn nỉ, tôi khóc lóc ngày đêm, nhất quyết đi theo nghề hát.

Tội nghiệp mẹ tôi, dù đã có một đứa con theo nghiệp cầm ca, nhưng vẫn không muốn có thêm một đứa nữa phiêu lưu vào sân khấu, nơi mà người đời vẫn dành cho bao nhiêu thành kiến khắt khe.

Khóc lóc chán chê vẫn không đạt được ý nguyện, tôi mới nghĩ đến nước cuối cùng: dọa nhảy sông tự tử.

Sự cương quyết một cách bất đắc dĩ đó làm cho mẹ tôi lo, cuối cùng bà đành chìu ý, sửa soạn đồ đạc, quần áo đưa tôi xuống gánh hát cho chị Năm dạy dỗ.

Bốn tháng trời trôi qua, ngày nào tôi cũng cố gắng tập dượt, không một giờ xao lãng. Lúc nào tôi cũng nghĩ đến sự thành công rực rỡ như chị tôi trên bước đường nghệ thuật. Tôi đã cố gắng tập tành những vai trò của chị, luyện đi luyện lại từng điệu bộ, từng lời ca cho thuần thục.

Một hôm, bất ngờ chị tôi lâm bệnh nặng, gánh hát thiếu đào chánh, thật nguy ngập! Trong tình thế đó, ông bầu lại nghĩ đến tôi.

Đêm ấy, gánh hát dọn vào một quận nhỏ và diễn tuồng Tứ đổ tường. Vở hát đó, chị Năm Phỉ đã đóng một vai đào xuất sắc, tiếng đồn khắp nơi… Có lẽ nhờ thế mà khán giả kéo đến xem đông nghẹt.

Tôi quyết trổ tài cho mọi người phải khiếp phục. Tôi đã thuộc làu từng bài ca, từng câu hát đối đáp, từng điệu bộ, nét mặt của chị tôi thì làm sao không thành công cho được!

Màn vừa kéo lên, tôi chầm chậm, hiên ngang bước ra sân khấu. Tôi ca, tôi trỗi giọng nói lối, tôi sửa điệu bộ không khác chị tôi một mảy may nào!

Bỗng từ phía dưới khán giả có tiếng lào xào bàn tán, rồi cả rạp lao nhao cả lên.

Tôi vô cùng sung sướng, tin chắc mình đã thành công nên càng say mê hát. Dưới kia khán giả vẫn xôn xao một cách… thật tình.

Màn hạ, tôi chạy vào hậu trường, thấy mọi người đang bu quanh ông bầu. Họ cùng quay lại nhìn tôi, trong ánh mắt thiếu hẳn vẻ thiện cảm như mọi khi.

Ông bầu nhìn tôi nói:

– Người ta đòi trả giấy lại vì cô đào chánh quá tệ. Họ bảo đêm nay đi xem, lại gặp cô Năm Phỉ giả!

Tôi nghẹn ngào, xấu hổ đến không cầm được nước mắt, chạy vội về phòng khóc một mình…

Sự thất bại chua cay đã giúp tôi hiểu rằng: “Sân khấu không phải là nơi người ta có thể thành công dễ dàng chỉ trong năm, bảy tháng học tập. Có khi cả đời theo hát vẫn không đạt được một chút vinh quang!”


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button