Văn học trong nước

Trăm Năm Trong Cõi

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : GS.Phong Lê

Download sách Trăm Năm Trong Cõi ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Tùy Bút – Biên Khảo

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH]

LỜI ĐẦU SÁCH

Ngót 25 năm qua, tính cho đến nay, trong thời gian công tác ở Viện Văn học và cộng tác với Hội Nhà văn Việt Nam, tôi đã có dịp tham gia vào các sinh hoạt kỷ niệm chẵn 100 năm sinh của một thế hệ nhà văn, nhà văn hóa mà tôi muốn gọi là Thế hệ Vàng của văn chương Việt Nam hiện đại. Gọi là Thế hệ Vàng bởi họ là những người có công đầu trong khai mở và hoàn thiện diện mạo hiện đại cho văn chương – học thuật dân tộc; được thể hiện một cách tập trung và nổi bật trong mùa gặt ngoạn mục thời kỳ 1930-1945. Một thế hệ có năm sinh từ thập niên cuối thế kỷ XIX, như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Hoàng Ngọc Phách… và kết thúc với những tên tuổi sinh vào năm 1920 như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tô Hoài…

Với tên gọi Trăm năm trong cõi…, giới thiệu 23 tác giả, tôi mong muốn đây là cuốn sách giúp các thế hệ sau biết được một lịch sử hình thành và phát triển của văn chương Việt hiện đại; qua đó trước hết như một cách tri ân; và tiếp đó là chia sẻ với những khổ công, nỗ lực và thử thách, gồm cả những rủi ro, bất hạnh của một lớp người đi trước.

Để thuận tiện cho việc theo dõi, trật tự các tác giả được xếp theo năm sinh, với người cuối cùng ở cuốn sách này là Xuân Diệu, sinh năm 1916, còn hai năm nữa mới vào “cõi trăm năm”.

Đó là lý do: để đến với những tên tuổi kết thúc Thế hệ Vàng, sau tuyển này cần có tiếp những tuyển mới.

Hà Nội, 1/1/2014

Tác giả

TẢN ĐÀ VỚI NHU CẦU CANH TÂN VĂN HỌC

[1] Viết nhân kỷ niệm 100 năm năm sinh và 50 năm năm mất Tản Đà (24/5/1889 – 7/6/1939).

Tản Đà ra đi vừa chẵn năm mươi năm. Cùng với trên hai mươi năm hoạt động văn học, thơ văn Tản Đà có đến ba phần tư thế kỷ hiện diện, tuy có đậm nhạt, đứt nối nhưng vẫn được quán xuyến trong một niềm yêu mến và sống động trong những cuộc tranh luận của nhiều thế hệ độc giả. Bao nhiêu là biến động trong sinh hoạt chính trị, xã hội, cùng là bao nhiêu biến động trong đời sống văn học đã diễn ra trong thời gian ấy. Khía cạnh nổi bật trong những chuyển động đó là những nỗ lực của nhiều thế hệ để đưa nội dung yêu nước và chủ nghĩa anh hùng của dân tộc vào văn chương, để biến văn chương thành vũ khí cách mạng. Trên yêu cầu đó chúng ta đã dành sự quan tâm hàng đầu cho việc khai thác các giá trị của khuynh hướng yêu nước và cách mạng, từ Nguyễn Đình Chiểu qua Phan Bội Châu đến trào lưu vô sản những năm 1930 của thế kỷ XX, với đỉnh cao là văn thơ Nguyễn Ái Quốc, rồi Tố Hữu. Trên yêu cầu đó, cũng đã có lúc chúng ta hào hứng tìm tòi, đón nhận hoặc tranh cãi chung quanh cái tâm sự xa xôi, thầm kín của tình yêu nước qua Thề non nước nổi tiếng, hoặc trong hình ảnh những “bức dư đồ rách”… Nhưng thật ra cũng phải cho đến hôm nay, chúng ta mới thấy rõ, trong gia tài các giá trị tinh thần của dân tộc, câu chuyện cần bàn, đáng bàn đâu phải chỉ có duy nhất một sự chọn lựa: yêu nước hay không yêu nước, vô sản hoặc tư sản, cách mạng hoặc không cách mạng… Bên cạnh sự lựa chọn nổi lên hàng đầu ấy nằm trong yêu cầu cách mạng hóa của thời đại, nhằm giải phóng đất nước, mà chúng ta đã coi trọng một cách chính đáng, thì yêu cầu canh tân – đổi mới đất nước, và bao gồm trong nó là yêu cầu canh tân – đổi mới văn học, yêu cầu hiện đại hóa nội dung và hình thức, chất liệu và phương tiện miêu tả của văn chương cũng đã được đặt ra như một đòi hỏi khách quan của lịch sử, ngay từ đầu thế kỷ XX. Yêu cầu này thực sự đã đạt được một bước nhảy vọt đáng kể vào những năm 1920, đúng khi Tản Đà vào nghiệp văn; hay nói cách khác, Tản Đà đã đến đúng lúc để đón nhận và giải quyết yêu cầu này với tất cả ý thức tự nguyện và hết mình cho nghề nghiệp:

Bao nhiêu củi nước mới thành văn

Khi làm chủ báo lúc viết mướn

Hai chục năm dư cảnh khốn cùng

Từ những năm 1920 ấy, trải qua bao thăng trầm trong khen chê, đánh giá, cho đến hôm nay, trong khoảng lùi của thời gian và trong giao lưu với thời đại, để thoát ra khỏi sự phong bế ở những mức độ khác nhau, chúng ta càng thấy nổi lên vị trí của Tản Đà, nhà thơ của buổi giao thời hai thế kỷ, hơn thế, là người góp công chủ yếu khởi xướng một thời đại mới của thi ca. Chúng ta càng thấy rõ vai trò của Tản Đà, nhà thơ đã nhận vào mình sứ mệnh tiên phong đưa văn thơ ra thị trường, chuyển văn học thành tiếng nói của số đông, đáp ứng nhu cầu của một lớp độc giả mới trong các giới trí thức và trong đời sống thành thị – lớp độc giả rồi sẽ quy định bộ mặt và sự phát triển của sinh hoạt tinh thần con người trong thế giới hiện đại. Trên tất cả các thể loại văn học mà Tản Đà đã sử dụng, với hầu hết các thể thơ truyền thống – từ hát xẩm, phong dao, chèo thuyền, ca Huế… đến từ khúc, thất ngôn tứ tuyệt hoặc trường thiên…, rồi văn xuôi các loại, rồi tuồng, rồi thơ dịch…, trên khả năng tiếng Việt mà Tản Đà đã khai thác với công suất tối đa, để biểu đạt một nội dung phù hợp với nhu cầu của các lớp công chúng mới, Tản Đà đã để lại một loạt những bài, những đoạn, những câu thơ bất tử, gắn sâu vào tâm khảm bao nhiêu thế hệ bạn đọc, cho đến hôm nay. Có thể nói với Tản Đà, lần đầu tiên bạn đọc đến với văn chương không phải như đến với một người đứng cao hơn mình, những người từ những trọng trách, những chí lớn, những tầm cao để thách thức, để kêu gọi, để khuyến dụ, để chỉ giáo, để răn dạy… Bạn đọc đến với Tản Đà như là đến với một bạn thơ bình đẳng để trang trải hộ mình những nỗi niềm và suy tư, những ao ước và say mê, những băn khoăn hoặc thất vọng… Bạn đọc thấy ở Tản Đà sự tồn tại của thi ca như một nhu cầu bình thường, tự nhiên của sinh hoạt tinh thần và người làm thơ, các thế hệ nối tiếp của những năm 1930, thấy ở Tản Đà người khởi xướng, người mở đường cho một thời đại mới, thời đại được xác lập bởi những nhu cầu mới, và những mối quan hệ mới với công chúng độc giả.

* * *

Điều đặc sắc trong nội dung thơ văn Tản Đà là sự đi sâu vào cái tôi, là việc mạnh dạn, dũng cảm đưa cái tôi vào thơ văn. Trong rượu và say, trong những cơn sầu dài, trong câu chuyện lên tiên và hầu trời, trong các cuộc chu du vào quá khứ hoặc đến với các xứ sở xa lạ, trong cả những lo toan về cuộc mưu sinh không lúc nào không chật vật, trong những tự thuật, tự trào và tự thú về mình, Tản Đà đã đưa ra một cái tôi – chân dung cực kỳ thành thật, không xấu hổ, không che đậy. Bạn đọc đến với thơ Tản Đà để làm bạn, để chia sẻ, để tri kỷ với nhà thơ, một người lạ mà quen, cũng như đến với mình, đến với những ước nguyện, ham muốn và tự thú về mình.

Quả chưa có trong quá khứ một cái tôi nào được đưa lên vị trí cao, được phô ra nhiều góc cạnh và đào sâu vào nhiều tầng bậc như Tản Đà. Do sự trì trệ của phương thức sản xuất châu Á, chưa nói đến chủ nghĩa cá nhân, ngay cả ý thức về cá nhân trong lịch sử văn học ta cũng khó có dịp phô bày cho trọn vẹn. Kể từ Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh cho đến đầu thế kỷ XX, nó luôn luôn bị chèn lấn và có lúc khuất chìm đi trong cái cộng đồng mà nó phụ thuộc.

Cộng đồng giai cấp mà nó không được phép hoặc chưa có sức phá rào vượt khung như nhà thơ và ông quan đương chức hoặc về hưu Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến…

ĐỌC THỬ

Cộng đồng dân tộc mà nó có trách nhiệm đại diện như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu và hàng loạt nhà Nho yêu nước đầu thế kỷ XX.

Từ ưu thế của cộng đồng trong lâu dài của lịch sử, ta thấy rõ Tản Đà đã thực hiện được một sự cách tân thật đáng kể, trong những năm 1920 của thế kỷ XX. Với Tản Đà, cái tôi không còn rụt rè, e thẹn mà dám tự khẳng định, thậm chí có lúc dám hiên ngang thách thức với hoàn cảnh, trong cái “ngông”. Với Tản Đà, cái tôi, đối với số đông, không còn xa lạ mà gần gũi, không còn đáng ghét mà đáng yêu. Như một đòi hỏi giải phóng, và như một nhu cầu phát triển, cái tôi ấy ở Tản Đà đã phản ứng lại mọi câu thúc, kiềm tỏa, bóp nghẹt của hoàn cảnh bằng sự tung hoành trên những giới hạn thật phóng khoáng của không ít đam mê, khát vọng. Nhưng điều quan trọng hơn, cũng phải đến Tản Đà, cái tôi đó mới lập tức và mạnh mẽ tìm được sự hưởng ứng, sự đón nhận ở công chúng, ở số đông. Và như vậy nó đã mở một đột phá khẩu quyết định cho sự lên đường rầm rộ của phong trào và các xu hướng văn học công khai những năm 1930.

* * *

Trở lại công cuộc giải phóng cá nhân mà khuynh hướng lãng mạn đóng góp, với công mở đầu là Tản Đà. Có một chân dung – cái tôi như thơ văn Tản Đà đã ghi lại. Từ chân dung đó ta hiểu con người khao khát những gì và đang bị ràng buộc, bị cản trở như thế nào trong hoàn cảnh chế độ thuộc địa. Con người cần được thông cảm với những điểm yếu, những cái khó; con người cần được quan tâm giúp đỡ và phát triển cái tốt ra sao. Vấn đề không phải là đưa Tản Đà so với Phan Bội Châu, hoặc cao hơn, Nguyễn Ái Quốc để mà định vị giá trị. Tản Đà chỉ làm thơ, còn Phan Bội Châu thì hoạt động cách mạng. Thơ Tản Đà không nhằm phục vụ cách mạng trực tiếp như thơ Phan Bội Châu hoặc Nguyễn Ái Quốc. Tản Đà chỉ làm thơ như sự phô diễn những trạng thái tâm hồn bình thường của con người. Thơ Tản Đà như chính tiếng nói của cuộc sống bình thường cất lên. Nếu mục tiêu là đi tìm những giá trị ở nội dung tư tưởng và lấy tư tưởng yêu nước là chủ yếu, thậm chí là duy nhất, thế tất phải đặt Tản Đà xuống bậc dưới, thậm chí bị gạt ra ngoài, hoặc bị quy là lạc hậu. Nhưng như vậy ta đã quên cái sứ mệnh làm thơ của một người chỉ chọn nghề thi sĩ, vào cái thời văn thơ đang chuyển thành một thứ hàng hóa xã hội, đã là một nhu cầu của công chúng đông đảo, đã được đưa ra thị trường:

Còn trời, còn đất, còn non nước

Còn có văn chương bán phố phường.

Đã đành bán thơ, Tản Đà vẫn nghèo kiết, và cái lo lớn của Tản Đà là “lo văn ế”, nhưng điều đó không liên quan gì đến việc thơ Tản Đà vẫn được tiêu thụ, vẫn được quần chúng đón đợi, được cả một thế hệ người viết đương thời, và đến sau, suy tôn là “nguyên súy của Tao đàn”. Vì sao rất nhiều bài thơ, câu thơ của Tản Đà vẫn cứ vượt thời gian mà làm tổ trong lòng biết bao thế hệ bạn đọc cho đến hôm nay?

Không kể tuyệt tác Thề non nước với nhiều tầng cảm xúc, suy tưởng, như được chưng cất từ dư vang cả một thời:

Non cao những ngóng cùng trông

Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày

Biết bao trạng huống cảm xúc của đời thường cũng đi vào thơ văn Tản Đà. Từ cái buồn man mác như hóa thân vào ca dao, như chính ca dao:

Ai đi đường ấy làm chi

Nước thì độc nước, buôn thì khó buôn

Đêm đêm chớp bể mưa nguồn

Ai đi ai để cái buồn cho ta

đến cái sầu da diết muốn thoát lên tiên, “muốn là thằng Cuội”, của nhà thơ:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi

Trần thế em nay chán nửa rồi

Từ cái chí của con người trong một cơn phẫn chí:

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm con chim nhạn tung trời mà bay

đến một sự xuôi tay buông thả:

Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi

Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi

mà vẫn lạc quan, không cam thất bại:

Bạc đánh còn tiền, thua cóc sợ

Đời chưa đáng chán chị em ơi

Nhưng cho dẫu có lên trời, hoặc chu du vào bao cõi mộng, thơ Tản Đà vẫn không bứng chúng ta ra khỏi đời thực. Thơ Tản Đà mê mà lại rất tỉnh trong những cảm nhận “thế sự” về “thần tiền”, “khóc tết”, về cảnh buôn văn bán chữ và những lận đận hoặc túng quẫn của sự mưu sinh:

Con theo cạnh nách mếu môi sò

Nợ réo ầm tai không miệng hến

Bao nhiêu củi nước mới thành văn.

Được bán văn ra chết mấy lần

Ông chủ nhà in in đã đắt

Lại ông hàng sách mấy mươi phân

Nghe cứ như là chuyện hôm nay.

Vậy là, dẫu Tản Đà chỉ làm thơ, chứ không làm thơ ca cách mạng, càng chưa làm cách mạng, nhưng thơ Tản Đà đã là một nhu cầu của đời sống tinh thần và tình cảm quần chúng. Thơ Tản Đà đã sinh ra từ nguồn sống tinh thần của dân tộc và trở lại tưới nhuần cho nguồn sống ấy và làm giàu cho nó. Để thơ làm được điều ấy, để thơ được công chúng đón nhận, nhà thơ không thể là người đứng ra ngoài những vui buồn, khao khát của nhân dân, hơn thế, nhà thơ phải là người sống hết mình trong những vui buồn, khao khát đó.

* * *

Kiểm điểm lại cuộc đời ở tuổi 50, nhân “tiễn ông Công lên trời”, Tản Đà ngùi ngẫm cho sự nghiệp:

Khi làm chủ báo lúc viết mướn

Hai chục năm dư cảnh khốn cùng

Trần gian thước đất cũng không có

Bút sắt chẳng hơn gì bút lông

Ngày xuân như ngựa đầu xanh bạc

Chán cả giang hồ hết cả ngông Qua hết đông này năm chục tuổi Xuân sang đã nửa giấc mơ mòng Văn chương quẩn mãi cùng thân thế Sự nghiệp mong gì với núi sông!

Nhưng sự thật đã diễn ra không như cách Tản Đà nghĩ.

Chắc chắn thời gian rồi sẽ còn tiếp tục cuộc sàng lọc nghiêm khắc của nó. Vận dụng lời khuyên của các nhà kinh điển, đánh giá các hoạt động lịch sử không phải trên những gì họ không mang lại, mà là trên những cái mới họ đã mang lại so với các bậc tiền bối, với mốc lịch sử 1989 này, trên con số chẵn của độ lùi một thế kỷ – năm sinh và nửa thế kỷ – năm mất, chúng ta hy vọng đạt một chất lượng mới trên con đường nhận thức lại Tản Đà, và qua Tản Đà – như một sứ giả tiên phong, mà nhận lại con đường phát triển của văn học Việt Nam, nhận lại gương mặt văn học dân tộc Việt Nam thế kỷ XX, trong bối cảnh dồn dập những biến chuyển của cách mạng và những gấp khúc của lịch sử, trong sự mở rộng những mối giao lưu quốc tế và trong xu thế mới của thời đại.

Tháng 6/1989

“NGỤC TRUNG NHẬT KÝ” – BỨC CHÂN DUNG TỰ HỌA CỦA HỒ CHÍ MINH

[1] Viết nhân kỷ niệm 70 năm Hồ Chí Minh viết xong Ngục trung nhật ký (1943-2013).

1. Trước khi viết Ngục trung nhật ký, trong khoảng thời gian 23 năm, Nguyễn Ái Quốc đã là tác giả của Bản yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị Vecxây (1919); chủ nhiệm và chủ bút Le Paria; tác giả Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) cùng trên mười bút ký và truyện ngắn có giá trị văn học cao đăng trên nhiều báo lớn ở Paris vào đầu thập niên 1920. Tất cả đều được viết bằng tiếng Pháp.

Tiếp đó, năm 1927, là văn kiện Đường Kách mệnh, bằng tiếng Việt, viết cho đội ngũ tiên phong của cách mạng Việt Nam, với phần mở đầu là những dòng thống thiết: “Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm kách mệnh. Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Kách mệnh! Kách mệnh! Kách mệnh!”.

Bốn năm sau, năm 1931, là truyện kể Nhật ký chìm tàu, viết theo hình thức chương hồi, gồm 24 chương, kể chuyện nước Nga sau Cách mạng tháng Mười, mỗi chương mở đầu hoặc kết thúc bằng hai câu thơ lục bát:

Mênh mông trên biển dưới tàu

Một hòn hoang đảo ba người lưu ly

Lạ thay trong chiếc tàu này

Cái gì cũng khác tàu Tây mình làm

Sung sướng thay thợ thuyền Nga

Ngày làm ngày nghỉ đều là có lương

Về nước năm 1941, sau 30 năm xa xứ, Bác mới chính thức làm thơ, với bắt đầu là hai bài về Pác Bó theo thể tứ tuyệt và tiếp đó là bài Thượng sơn (Lên núi), viết năm 1942, bằng chữ Hán. Nguồn thơ chữ Hán theo phong cách nhà Nho, thấm đẫm ý vị phương Đông ở Hồ Chí Minh có lẽ được bắt đầu bằng bài thơ này. Nhưng trong không khí tiền khởi nghĩa, với biết bao công việc trọng đại của đất nước mà Bác là lãnh tụ tối cao; với bao thư, lời hiệu triệu và văn kiện mà Bác phải trực tiếp soạn thảo, hoạt động thơ văn ở Bác chỉ có thể chiếm một tỷ lệ nhỏ; và trong tỷ lệ đó ưu tiên số một đối với Bác phải là thơ văn tuyên truyền, cổ động cách mạng. Đó chính là lý do để chỉ trong một thời gian rất ngắn, Bác đã làm trên dưới 30 bài trong hệ thơ Bài ca Việt Minh, với nội dung hướng đến các tầng lớp quần chúng cơ bản để tuyên truyền ý thức cách mạng, như các bài Hòn đá to, Nhóm lửa, Ca sợi chỉ, Ca công nhân, Ca phụ nữ, Ca binh lính… tất cả đều được đăng trên tờ Việt Nam độc lập, do Bác sáng lập và tổ chức thực hiện.

Nếu có một áng thơ Bác phải bỏ công sức và huy động nhiều tri thức nhất – đó là diễn ca Lịch sử nước ta, 208 câu lục bát, tóm tắt một cách thật cô đúc lịch sử dân tộc, từ khởi thủy: “Hồng Bàng là tổ nước ta”, đến ngày “Dân ta có Hội Việt Minh”, vào đầu năm 1942.

30 bài trong nhóm Bài ca Việt Minh và Lịch sử nước ta là loại thơ hướng đến công chúng còn thất học, rất cần được giác ngộ để hiểu về cách mạng và tham gia cách mạng; do vậy giá trị của nó phải được xác định ở khả năng phổ cập và tác dụng cổ động, tuyên truyền. Còn người viết ra nó, phải đóng vai một cán bộ quần chúng, không chỉ rất am hiểu, thông thuộc nguyện vọng của dân mà còn biết cách diễn đạt sao cho dễ nhớ, dễ hiểu, thuận theo cách nghĩ, cách nói của dân. Khỏi phải nói thêm, người viết “Hòn đá to/ Hòn đá nặng/ Chỉ một người/ Nhấc không đặng/” đã là tác giả của những truyện, ký viết theo phong cách hiện đại châu Âu, mà người dịch nó ra tiếng Việt là nhà thơ, Giáo sư Phạm Huy Thông, người đã sống rất lâu năm ở Pháp có lời bình là được viết bởi một thứ văn “rất Pháp”; và rồi đây, không lâu sẽ là tác giả của Ngục trung nhật ký bằng chữ Hán – nó là ngôn ngữ chung của văn hóa phương Đông – cái nôi, nguồn sản sinh một nền văn chương học thuật Việt trong hàng ngàn năm lịch sử.

2. Giản lược như trên để thấy sự ra đời của 135 bài thơ chữ Hán trong Ngục trung nhật ký, được Hồ Chí Minh viết trong khoảng thời gian từ tháng

8/1942 đến tháng 9/1943, tại các nhà ngục ở Quảng Tây, Trung Quốc là một sự kiện rất đặc biệt, và cũng có thể là bất ngờ đối với tác giả. Đặc biệt, bởi, theo tôi hiểu, tác giả dường như chưa có một sự chuẩn bị gì cho sự kiện này. Nói theo Giáo sư Đặng Thai Mai, đây là tập thơ Hồ Chí Minh ngẫu nhiên mà hái lượm được. Có nghĩa là một tập thơ bỗng dưng mà có; bởi, ít nhất có bốn khả năng khiến cho tập thơ không chào đời; và do vậy sẽ không có trong danh mục tác phẩm của Hồ Chí Minh và trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX.

Đó là:

– Thứ nhất, Bác không có công việc gì để sang Quảng Châu vào thời gian đó.

– Thứ hai, Bác có việc sang Trung Quốc nhưng không bị bắt.

– Thứ ba, Bác có bị bắt, nhưng thời gian giam giữ là ngắn, chứ không phải là 14 tháng; nghĩa là người tù có thể làm thơ, nhưng lượng bài là ít hơn, hoặc rất ít.

– Thứ tư, Ngục trung nhật ký được viết xong nhưng Bác đã không giữ được bản thảo; có biết bao lý do để bản thảo không trở về với chủ – là tác giả, sau ngót 10 năm kháng chiến đã trở về thủ đô. Và như vậy cũng sẽ không có sự hiện diện của bản thảo trong Viện Bảo tàng cách mạng, rồi chuyển sang Viện Văn học (thành lập năm 1959); để từ địa chỉ này mà có sự bận rộn của Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Nam Trân – những người tổ chức việc dịch và in ấn rất khẩn trương cho sự ra đời của Nhật ký trong tù vào tháng 5/1960, kịp đón sinh nhật lần thứ 70 của tác giả.

Khả năng cuối cùng này, may mắn đã không xảy ra. Thế nhưng, cho đến nay hành trình của nguyên tác vẫn còn nhiều điểm mù mờ, chưa sáng tỏ. Ai đã giữ hộ cho Bác tập thơ? Ai đã gửi tập thơ về Hà Nội? Từ Hà Nội hành trình của nguyên tác đã đi theo những con đường nào? Đến với Triển lãm

Cải cách ruộng đất ở phố Bích Câu? Trở về kho lưu trữ của Trung ương Đảng? Rồi chuyển về Bảo tàng cách mạng? Tất cả hành trình đó là do chủ ý của Bác hay của một tổ chức nào? Đã có một số bài báo và luận án Tiến sĩ về đề tài này, nhưng tất cả theo tôi vẫn chỉ là các giả thuyết. Giá Bác có trực tiếp nói về câu chuyện này – ngay từ 1954, sau khi về thủ đô; hoặc sau 1960, khi bản dịch Nhật ký trong tù ra đời; hoặc giả Bảo tàng Hồ Chí Minh có một công trình chính thức về câu chuyện này mà tôi chưa được đọc, thì cho phép tôi được xin lỗi, để trình bày lại.

Trong ý tưởng thứ hai này tôi chỉ muốn khẳng định: Ngục trung nhật ký là một tập thơ ngẫu nhiên mà có trong một hoàn cảnh đặc biệt: Bác sang Trung Quốc và bị giam giữ ở nhiều nơi trong 14 tháng. Nếu không có hoàn cảnh đó, chắc chắn sẽ không có tập thơ. Một tập thơ Bác làm từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943; nhưng phải 17 năm sau, bản dịch tiếng Việt mới đến được với công chúng rộng rãi trong nước, và qua các bản dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài mà đến được với công chúng thế giới. Với điểm dừng cuối cùng là Bảo tàng cách mạng, như được nói trong Lời nói đầu bản dịch Nhật ký trong tù, in lần đầu năm 1960; và với khoảng cách 17 năm trong im lặng của nó, chứng tỏ người viết không quá quan tâm đến một sản phẩm do chính mình làm ra; nói cách khác, phải chăng Hồ Chí Minh đã không xem đó là một áng văn chương, hoặc có giá trị văn chương thực sự?


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button