Văn học trong nước

Tôi Chụp Ảnh Đại Tướng Võ Nguyên Giáp

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Trần Hồng

Download sách Tôi Chụp Ảnh Đại Tướng Võ Nguyên Giáp ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Tùy Bút – Biên Khảo

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH]

LỜI MỞ SÁCH

Bạn đang có trên tay một cuốn sách đặc biệt: Tập chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bao gồm cả Chân dung Ảnh và Chân dung Văn của nhà báo nổi tiếng – Đại tá, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng.

Xưa nay, viết bài hay chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa dễ lại vừa khó. Dễ bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà quân sự lỗi lạc, một vị tướng huyền thoại. Đó là niềm vinh quang hiếm hoi, không phải do chúng ta tự phong, hay tự tạo dựng, mà là đánh giá, khẳng định của Thế giới, được thế giới công nhận. Cũng mới đây thôi, ngày 5 tháng 10 năm 2013, hãng truyền thông Mỹ NPR dẫn lời Giáo sư, nhà Sử học Quân sự Mỹ, ông Cecil Currey, tác giả cuốn sách nổi tiếng Chiến thắng bằng mọi giá nói về Đại tướng: “Ông Giáp có thể sánh ngang với những nhà chỉ huy quân sự tài nhất trong suốt 2000 năm qua. Ông ngang tầm Alexander Đại đế, vượt trội hơn Napoleon, cũng vượt trội hơn tất cả các tướng lĩnh tài giỏi của chúng ta. Ông ấy là con người vĩ đại của mọi thời đại”. Napoleon là nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc, nhưng Napoleon còn bị M. I. Kutuzov đánh bại trên chiến trường Borodino. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì không. Dường như ông chưa thất bại bao giờ. Ông chỉ xao lòng, thậm chí mềm yếu trước đồng đội, còn với kẻ thù, ông là sấm sét. Nói như nhà thơ Tố Hữu “Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!”. Ngay cả đối thủ của ông, Tướng Mỹ William Westmoreland cũng phải kính phục, gọi ông là “Vị tướng huyền thoại”. Vì thế, chụp ảnh Đại tướng rất dễ, bởi ông quá nổi tiếng. Bản thân ông, sức hấp dẫn của ông đã đủ “bảo lãnh” cho bức ảnh rồi, cứ nâng máy lên, nếu thiếu sáng thì bật đèn rồi bấm máy. Chỉ cần rõ hình hài Đại tướng là đã thành công. Người ta tò mò xem Đại tướng chứ đâu có xem ảnh. Người ta cũng không cần để ý xem bức ảnh được chụp thế nào. Rồi bố cục, khuôn hình, ánh sáng… Tất cả đều vô nghĩa. Vì thế, người nghệ sĩ cũng chịu nhiều thiệt thòi, vì bị lãng quên. Họ bị quên lãng ngay cả khi đang hiện hữu ở đằng sau bức ảnh. Tuy thế, chụp ảnh Đại tướng cũng khó lắm. Khó vô cùng. Bởi Đại tướng là con người của huyền thoại. Dù không có điều kiện được gặp trực tiếp nhưng ai cũng biết ông. Biết những kỳ tích của ông, con người ông, số phận ông, cả những nỗi niềm ông không hé lộ. Và như thế, trong mỗi người chúng ta, ai cũng có một Võ Nguyên Giáp. Đó là bức chân dung ông do người dân tự chụp bằng tâm hồn, tình cảm và sự hiểu biết của mình. Nhiều khi, người ta lại lấy bức chân dung kỳ vĩ ở trong trái tim mình làm thước đo, tiêu chuẩn để so sánh, đánh giá những giá trị của những tác phẩm nghệ thuật mà người nghệ sĩ đã sáng tạo với hình mẫu là ông. Bởi thế, chụp Đại tướng rất khó. Khó vô cùng. Đó là một cửa ải hiểm hóc mà người nghệ sĩ phải vượt.

Trần Hồng đã vượt qua một cách ngoạn mục. Anh vượt bằng phép nhiệm màu nào? Không! Anh không có phép nhiệm màu nào cả. Ngắm hàng ngàn tác phẩm của anh, chụp về một con người, ta thấy anh không hề có phép màu nhiệm. Anh cũng không dùng bất kỳ một kỹ xảo nào, ngay cả những thủ pháp rất đỗi tối thiểu của nghề nhiếp ảnh. Anh cứ đưa máy lên rồi bấm. Bấm. Bấm. Rồi bấm. Nếu thiếu sáng thì bật đèn. Rất đơn giản. Nhưng rồi anh lại cho chúng ta nhiều bức ảnh độc đáo, mà ngoài Trần Hồng, không ai có.

Điều này, có thể xem như Giời Phật phù hộ Trần Hồng, phù hộ một con người đã vào sinh ra tử. Một tay máy phóng sự, thời sự chiến trường. Chất ảnh báo chí phóng sự tài liệu đã làm nên tên tuổi anh, là đặc trưng nghệ thuật của anh, dù thời chiến hay thời bình. Trần Hồng trước sau vẫn là phóng viên mặt trận. Dù đất nước đã hòa bình mấy chục năm nay, nhưng anh vẫn chưa ra khỏi cuộc chiến. Nhiều tập sách ảnh của anh gây được tiếng vang cũng vì thế. Như bộ ảnh thời chiến, bộ ảnh về các bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Bây giờ là tập ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mặc dù trước anh, có rất nhiều ảnh về Đại tướng. Trong đó có không ít những bức ảnh đặc sắc, đạt đến độ nghệ thuật và là nghệ thuật ở đỉnh cao. Nghĩa là bức ảnh hoàn toàn tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào tên tuổi Đại tướng. Nhưng ở những bậc tài danh rất đáng kính nể đó cũng không có được những bức ảnh như của Trần Hồng. Vì thế, tôi mới bảo Giời Phật phù hộ anh. Mà nói đúng ra, chính Đại tướng và gia đình ông đã “phù hộ” anh, nghĩa là đã dành cho anh những khoảnh khắc đặc biệt. Nhiều bức ảnh tuyệt vời ta biết, là những bức ảnh từ xa, ngắm Đại tướng từ xa, người ngắm luôn ngước lên. Còn Trần Hồng là nhìn gần. Nhiều khi không còn khoảng cách. Như con ngắm cha, cháu ngắm ông. Đó là cái nhìn của người thân trong một gia đình ấm cúng. Vì thế, anh cho chúng ta nhiều bức ảnh có giá trị. Đặc biệt là giá trị tư liệu. Như bức ảnh ông chơi với cháu. Ông bà dùng bữa cơm đạm bạc. Bữa cơm của một người nghèo. Trên mâm chỉ có mỗi quả trứng mà ông bà đùn đẩy, nhường nhịn cho nhau. Rồi ông chơi đàn. Ông tập thiền. Có đến mấy bức ảnh thiền. Ta hiểu Võ Nguyên Giáp không chỉ là vị tướng huyền thoại. Ông còn là một người cha chu đáo, một người ông hiền từ, một nghệ sĩ phiêu lãng. Ta cũng hiểu được vì sao ông có thể vượt qua được những khoảnh khắc cô đơn, những giây phút hiểm nghèo trong cuộc đời mình mà không gục ngã, mà còn vượt lên, sống cao cả và thanh sạch. Và cũng như nhiều bức ảnh khác về ông, ta chỉ ngắm ông mà quên người chụp ảnh, cũng quên luôn cả suy xét, vạch vòi, xem bức ảnh ấy có phải là nghệ thuật nhiếp ảnh hay không. Và ta chỉ thấy lồng lộng một Võ Nguyên Giáp ở phía không phải là huyền thoại.

Điều đặc biệt ở cuốn sách này, đằng sau chân dung ảnh Võ Nguyên Giáp, ta còn được ngắm nhiều chân dung khác của Đại tướng: Chân dung văn. Đó là những câu chuyện ở đằng sau bức ảnh, minh họa cho bức ảnh. Nhưng rồi người đọc lại bị mê hoặc. Không biết văn minh họa cho ảnh hay ảnh minh họa cho văn. Có lẽ là cả hai. Vì thế đây là cuốn sách kép. Một mà hai. Hai mà một. Đó là mảng tư liệu lịch sử vô cùng đáng quý. Tôi gọi đây là cuốn sách đặc biệt cũng vì thế.

Cám ơn nghệ sĩ Trần Hồng đã cho chúng ta được gần thêm, hiểu thêm về một con người mà chúng ta vô cùng yêu quý: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một vị tướng huyền thoại trong đời thường.

Và tôi tin, rất tin, cuốn sách sẽ làm bạn đọc yêu thích.

Hà Nội, 17 – 8 – 2015

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

ĐỌC THỬ

TÔI CHỤP ẢNH ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Lâu nay mọi người thường hay hỏi tôi rằng vì lẽ gì mà tôi được may mắn chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều đến thế. Tôi không trả lời được câu hỏi này, có lẽ đó là vì một cơ duyên nào đó. Có lần tôi trả lời rằng thế thì hãy đem câu hỏi này đến gặp chính người cho phép Trần Hồng chụp ảnh ấy. Người ấy chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lại có lần ông hỏi tôi: Trần Hồng ơi sao cậu chụp ảnh tớ nhiều thế? Tôi trả lời: Thế sao Đại tướng lại cho em chụp ảnh Đại tướng nhiều như vậy? Ông chỉ cười, một nụ cười hiền rất hiền, hiền đễn nỗi tôi mãi chẳng bao giờ quên được.

Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là người hoàn hảo. Ông có đủ phẩm cách mà người đời mong ước, kể cả kẻ thù của ông cũng phải nể trọng, kính phục, hướng tới và ca ngợi, tôn thờ vị tướng huyền thoại của Việt Nam.

Tôi được chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là niềm tự hào lớn mà còn là trọng trách thiêng liêng và cao cả. May mắn lớn trong nghiệp đời quân ngũ của tôi là được ghi lại những khoảnh khắc đời thường suốt chuỗi ngày sóng gió của một con người có một không hai trong lịch sử Việt Nam để từ đó ông càng chói sáng, lan tỏa trong triệu triệu trái tim một VÕ NGUYÊN GIÁP VẸN NGUYÊN mãi mãi. Điều gì mà nhân dân Việt Nam kính yêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thế? Xưa nay tướng tài không thiếu, nhưng có một:

“Văn lo vận nước Văn thành Võ

Võ thấu lòng dân Võ hóa Văn”

Hồ Cơ

thì thế giới này chỉ có ở Việt Nam, chỉ có một Võ Nguyên Giáp.

Vào những ngày đầu của thập kỉ 70 thế kỉ trước, tôi được hướng ống kính máy ảnh vào vị chỉ huy tối cao tác nghiệp với tư cách phóng viên, đến những lần trong 1559 ngày cảm động run rẩy ghi lại hình ảnh Đại tướng nằm điều dưỡng ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là những hình ảnh mãi mãi không phai mờ trong tâm trí đời tôi. Tôi được nghe, đọc tư liệu nhiều chiều về ông. Tôi được tiếp xúc với nhiều người trong và ngoài nước nói về ông; và đặc biệt được chứng kiến, cảm nhận trực tiếp từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong nhiều hoàn cảnh vui, buồn, sướng, khổ, trong vô vàn cuộc tiếp xúc không chỉ của người “Anh Cả” với quân nhân, cựu chiến binh mà với các chính khách, danh nhân anh tài và mọi tầng lớp nhân dân, tôi thấy Võ Nguyên Giáp có sức hút đến kì lạ. Tôi không ngoài sức hút ấy. Thế là tôi được gần và chụp ảnh ông.

Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh

Trần Hồng

CAO BẰNG

Tháng 5 năm 1940, Võ Nguyên Giáp sang Trung Quốc để gặp Nguyễn Ái Quốc – đây là sự kiện bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Đầu năm 1941, Võ Nguyên Giáp trở về nước và mảnh đất quê hương đầu tiên ghi dấu chân ông chính là Cao Bằng. Ông không khỏi bùi ngùi xúc động: “Thấm thoắt đã một năm trời xa Tổ quốc, đặt chân lên dải đất quê hương, lòng chẳng khỏi bồi hồi. Mỗi bước đi thấy trong người ấm áp hơn lên. Chỉ vừa mới đi thêm mấy bước chân mà trước đó thì thấy như còn ở rất xa, lúc này lại thấy như đã ở gần nhà.”

Kể từ đó, Cao Bằng gắn bó với Võ Nguyên Giáp trong nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng: khi mới về nước là các hoạt động gây dựng phong trào cách mạng, mở các lớp huấn luyện cho cán bộ, và sau này là việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, rồi Chiến dịch Biên giới… Trong tất cả những sự kiện ấy, có lẽ quan trọng nhất và ý nghĩa nhất chính là sự kiện Bác Hồ giao cho Võ Nguyên Giáp trọng trách thành lập và chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam vào ngày 22 tháng 12 năm 1944.

Trong những năm tháng hoạt động và chiến đấu ở Cao Bằng, từ những ngày đầu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hòa mình với đời sống của nhân dân nơi đây. Đại tướng cùng trải qua gian khó với đồng bào, ông học cả tiếng Tày, H’mong, Dao để có thể trò chuyện thân tình và chia sẻ vui buồn với bà con. Với ông, về Cao Bằng giống như về nhà, vì ở đây ông được nhân dân hết lòng yêu thương, kính trọng.

Đồng bào các dân tộc Tây Bắc hân hoan chào đón Đại tướng về thăm (tháng 12 năm 1994). Nhớ năm xưa, trong buổi đầu sơ khai của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu: “Chúng ta sẽ quả cảm và thận trọng, thắng không kiêu, bại không nản. Kinh nghiệm chúng ta còn non, nhưng có làm mới có kinh nghiệm và làm thì tất nhiên sẽ có kinh nghiệm. Chúng ta tin tưởng ở thắng lợi.”


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button