Văn học trong nước

Thời Áo Trắng

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Hoàng Mai Quyên

Download sách Thời Áo Trắng ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Qua trang văn của Hoàng Mai Quyên, bức tranh tuổi học trò vùng sông nước miền Tây Nam bộ hiện ra thật dung dị. Đó là những buổi bơi xuồng hái bông điên điển, là những ngày vớt cá linh đầy ắp khoang xuống vào mùa nước nổi, là những buổi đi đặt lọp bắt tôm, bắt cá, là mỗi ngày đến trường phải đi ngang cầu khỉ bấp bênh.

Gánh nặng mưu sinh nhọc nhằn không làm mất đi sự tinh nghịch của tuổi học trò. Sự chênh lệch kinh tế, gia cảnh càng kéo các em lại gần nhau hơn, quan tâm nhau hơn, tạo nên một thời áo trắng sôi nổi và đáng nhớ.

ĐỌC THỬ

Chương 1

– Mai ơi, rồi chưa Mai.

Nghe tiếng kêu cửa mà như muốn kéo ngay người ta ra khỏi nhà, tôi biết ngay là nhỏ Bích đã tới. Vừa kẹp vội cây kẹp vào mái tóc tôi vừa vội vàng thưa ba tôi rồi chạy ra cổng để cho kịp giờ đến trường. Hôm nay là ngày tựu trường nên tôi chẳng muốn mình là người tới trễ, hơn nữa tôi lại là một tên lính mới chuyển trường. Vừa thấy mặt tôi, cái miệng xoen xoét của nhỏ Bích đã không để tôi yên.

– Khiếp, thời buổi hiện đại này mà mi cứ rề rà như tiểu thư vậy. Thôi mời tiểu thư lên xe cho.

– Mới bảy giờ thiếu 10′ mà…

Vừa leo lên chiếc xe Chalys của nhỏ Bích tôi vừa ấp úng thanh minh. Nhưng hình như tiếng nói của tôi như bị chìm đi trong tiếng gió, tiếng máy nổ ào ào từ chiếc xe của Bích. Và cũng nhờ cái tài chạy xe nhanh như gió của nó mà tôi và Bích đã quen nhau. Cách đây hơn một tháng khi tôi đang lớ ngớ với những cái túi xách mà chẳng thấy ba tôi đâu thế là tôi đành quải những giỏ xách ấy qua đường. Chẳng biết trời xui đất khiến thế nào mà nhỏ Bích chạy ngang. Tay lái của chiếc xe Chaly máng vào quai của chiếc túi du lịch khiến tôi ngã sóng xoài giữa đường. Nhỏ Bích ngổ ngáo là thế mà cũng tái xanh mặt đỡ tôi lên hỏi han và… chúng tôi trở thành bạn của nhau. Thú vị nhất là khi tôi nộp hồ sơ chuyển trường, nhỏ Bích đã rủ rê tôi vào lớp nó.

– Nè, thả hồn đi hoang nữa hả… Nhớ nhà hay nhớ bồ hở?

– Nhớ nhà, không. Còn nhớ bồ ư, quyết là không nhớ chàng.

– Khá, biết ứng dụng thơ văn vào thực tiễn. Mai mốt nhờ cậy được hì hì…

Nghe giọng cười vô tư của nhỏ Bích tôi cũng bật cười theo. Tiết trời hôm nay se lạnh, cái không gian của những đám mây bàng bạc khiến tôi nhớ đến đoạn văn “tôi đi học’ của Thanh Tịnh. Hôm nay, lần đầu tiên tôi đi học ở trường mới, chẳng hiểu sao lòng tôi cứ se lại với những kỉ niệm về tụi bạn cũ, về gia đình về mảnh đất nơi tôi đã sống. Ba tôi chuyển công tác vào mảnh đất miền Tây Nam Bộ này thế là tôi đành phải đi theo để chăm sóc cho ba. Còn mẹ tôi thì phải một năm nữa mới chuyển công tác được. Ở nơi xa lạ này, may mắn sao tôi đã quen được với Bích. Và kia ngôi trường cấp ba phố huyện với hai dãy phòng học hai tầng lầu khang trang đã hiện ra. Tôi còn nhớ giọng nói hãnh diện của nhỏ Bích khi lần đầu dẫn tôi đến trường,

– Đó, nhỏ thấy trường mình tuyệt không? Trường đạt chuẩn quốc gia đó nha…

Quả thật, giữa một thị trấn nhỏ bé này, ngôi trường cấp 3 như một nơi biểu thị cho nền học vấn của người dân nơi đây. Tôi ngước nhìn lên lầu 2 đã thấy dày đặc những chiếc áo trắng… Sau khi gởi xe nhỏ Bích nắm tay tôi kéo ào ào lên lầu. Đến cửa lớp, bọn tôi bị chặn lại bởi một hàng nam dàn thành “cổng rào”.

– Đứng lại, xuất trình giấy tờ…

– Này, giấy nè, giấy nè…

Nhỏ Bích nhéo vào vai hai bạn nam đứng gần đó, chắc là đau lắm vì tôi chỉ nghe hai tiếng “ui da” đồng loạt vang lên cùng với những tiếng suýt xoa.

– Trời ơi , cái con nhỏ “cây sậy” này có ngón nhéo độc chiêu ghê ta. Ê, hỏi nghiêm chỉnh nha, người đi bên cạnh bạn là ai vậy?

– Bộ mấy người là lớp trưởng hay sao mà tui phải trình hả. Bây giờ có lui không thì bảo….

Mặc nhỏ Bích la lối, hàng rào sống “cảm tử” vẫn bám trụ khiến tôi phì cười. Để giảng hòa cho đôi bên, tôi đành lên tiếng:

– Tui mới chuyển về lớp, xin các bạn nhận tôi vào tập thể 12A9.

– Nghe được đấy, kéo cổng rào

Tôi và Bích thoát nạn còn nghe tiếng anh chàng nào đó ở cuối lơp vang lên lảnh lót:

– Bạn mới ơi, tên gì đó mà dễ thương quá vậy…

– Đúng là trò ma cũ bắt nạt ma mới… Đừng sợ nha Mai…

Cũng may là cô chủ nhiệm đã lên lớp nên tôi mới thoát nạn. Đến bây giờ, tên lớp trưởng mới đứng lên hô “nghiêm” bằng chất giọng trầm ấm thật to. Ở bên dưới lớp, bao nhiêu tiếng xì xào

– Ua, cô Lan chủ nhiệm lớp mình hở bay? Sao tao nghe đồn thầy Tấn chủ nhiệm mà.

– Đúng là đồ tin vịt. Im nghe đây nè.

Và sau cái khoát tay cho phép chúng tôi ngồi xuống, cô Lan nhìn khắp chúng tôi một lượt rồi thong thả cất tiếng nói. Tiếng nói của cô với những âm sắc trong trẻo nghe thật hiền và thật dịu dàng.

– Cô được phân công chủ nhiệm lớp các em và giảng dạy môn Văn ở lớp. Thú thật là khi nhận sự phân công của Ban giám hiệu, cô rất lo vì cô biết lớp các em là lớp học yếu nhất khối 12. Hơn nữa lớp mình lại đông nhất khối và tập trung nhiều anh hùng hảo hớn nữa…

Cả lớp đều bật cười và cô cũng cười theo. Cả khuôn mặt phúc hậu của cô bừng sáng với hàm răng trắng, đều tắp.

– Ê, giọng nói của cô hay quá ha nhỏ…

Nhỏ Bích quay sang thì thầm và tôi chợt nghĩ chắc cô giảng Văn nghe sẽ êm lắm đấy. Sau tiếng cười hòa đồng của cả lớp, cô nói tiếp như những lời tâm sự:

– Cô đi dạy đã 18 năm và đối với các em cô đều coi như các con của cô. Cô biết với lứa tuổi này, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” các em sẽ có nhiều hành động bộc phát còn non nớt nhưng không sao, cô sẽ cùng các em chèo chống con thuyền 12A9 này vượt qua sóng gió để cập bến an toàn. Cô chỉ mong tất cả 51 em , mỗi người đều góp một tay cùng cô giữ vững con thuyền này. Các em có quyết tâm không?

– Có ạ, có ạ!

Tiếng vỗ tay rào rào kéo dài không dứt của bọn “ác” ở cuối lớp khiến cho lớp trưởng phải quay xuống nhắc nhở. Lớp chưa kịp im lặng thì giọng ca của ai đó đã cất lên ” cô lái đò giờ đây già yếu lắm… ” Bọn con trai hùa nhau cười cái rần… Tôi lo ngại nhìn cô. Bao nhiêu lời lẽ chân tình, ưu ái của cô, thế mà lớp tôi đã đáp lại như thế. Cô im lặng nhìn mông lung ra cửa sổ. Đôi chân mày thanh thanh của cô nhíu lại. Chờ cho tiếng cười của bọn con trai lắng xuống, cô mới nói tiếp:

– Cô biết lớp các em có nhiều giọng ca hay nhưng cô mong một lúc nào đó cả lớp ta sẽ được thưởng thức chứ không phải bây giờ. Bây giờ chúng ta bắt đầu công việc bầu ban cán sự lớp gồm lớp trưởng, hai lớp phó và bốn tổ trưởng. Công việc đầu tiên là bầu lớp trưởng. Các em đề cử cho cô một bạn mà các em tín nhiệm nhất.

– Thưa cô, em đề cử bạn Châu Văn Bò ạ , í quên bạn Châu Văn Hiệp ạ.

– Em đứng lên.

Giọng cô gay gắt và từ cuối lớp, cái loa phát thanh với những bản tin bậy bạ nhất từ từ đứng dậy.

– Thằng đó là thằng mỏ vịt. Nhỏ nhìn cái miệng dài của nó mà xem, kinh khủng chưa. Nó quen nói như vậy từ năm cấp II rồi, nói riết mà mỏ nó dài ra như mỏ vịt vậy đó.

Tôi quay lại nhìn thằng mỏ vịt mà nhỏ Bích vừa giới thiệu với cả một bản “cáo trạng” dài thòn. Khuôn mặt cậu ta đỏ bừng nhưng không hề tỏ ra một chút sợ sệt gì cả. Tôi nghĩ chắc rồi cô chủ nhiệm sẽ mệt dài dài với cái lớp này.

– Em không được nói tên bạn như vậy. Đó là sự nhạo báng, xúc phạm. Cuối giờ em phải xin lỗi bạn nghe chưa?

Thằng mỏ vịt ngồi xuống và nhỏ Bích đã trề môi ” Còn khuya nó mới xin lỗi thằng Hiệp. Tụi nó gọi thằng Hiệp là trâu bò từ hồi cấp II lận”.

Sau những tiếng ồn ào, cuối cùng lớp cũng bầu xong ban cán sự lớp. Lớp trưởng lại chính là tên Châu Văn Hiệp khi nãy. Tôi quay lại nhìn khuôn mặt ngăm đen và rất hiền kiểu hai lúa mà ái ngại cho hắn cho cô. Với tính cách “dĩ hòa di quý” thì làm sao hắn trị được cái vương quốc toàn những lũ cứng đầu như thế này. Sau khi chia tổ, bầu tổ trưởng, cô yêu cầu cả lớp bầu ban cán sự bộ môn. Tôi ngồi nhìn mọi người đề cử cứ như “vịt nghe sấm” vì tôi chẳng biết ai với ai cả, mặc dù đã có nhỏ Bích ngồi bên cạnh thuyết minh. Bất ngờ, lời giới thiệu của cô làm tôi run lên:

– Cô xin được đề cử một bạn rất mới vào chức vụ cán sự môn Văn đó là bạn Nguyễn Thị Hiền Mai. Cơ sở để cô đề nghị đó là bạn đã từng là học sinh giỏi Văn cấp tỉnh năm lớp 9 và điểm Văn của bạn ở lớp 10, 11 cũng rất cao. Bạn hiền Mai còn viết nhiều truyện ngắn dễ thương đăng trên tạp chí Áo trắng nữa đó. Sao, được không Mai?

Tôi ngước nhìn cô và đọc được cả một sự tinh cậy ấm áp trong đôi mắt của cô. Tôi chỉ còn biết cách gật đầu trong tiếng dạ lúng túng và tiếng vỗ tay rào rào như muốn làm sập lớp của bọn con trai . Tiếng thằng mỏ vịt giọng lên :

– Bạn Mai là bạn nào đâu , đề nghị đứng lên ra mắt coi…

Tiếng “bis bis” ủng hộ lời đề nghị của đám con trai dậy “sóc ” khiến tôi không thể ngồi im mãi được . Nhỏ Bích thúc cùi chỏ vô hông :

– Đứng dậy đi kìa …

Chẳng biết lúc ấy mặt mũi tôi thế nào , May mà tiến trống trường đã vang lên kịp cứu nguy cho tôi . Tiếng kéo ghế rào rào của bọn con trai làm cho lớp tôi như cái chợ . Bọn tôi ra về trong niềm vui và bao lời bàn tán xì xầm về cô chủ nhiệm , về các thầy cô bộ môn . Ai dạy hay , ai dạy dở , ai dạy mập mờ với những thủ đoạn để bắt buộc học sinh phải đi học thêm …bọn lớp tôi đều rành rẽ . Riêng tôi ấn tượng đầu tiên của ngày tựu trường cứ như những tiếng nhạc reo vui trong tâm hồn tôi . Chẳng hiểu sao tôi có cảm giác thật gần gũi với cô chủ nhiệm của mình . Tôi thầm hứa mình phải cố gắng học thật tốt để đừng làm phụ long tin của cô .

Chương 2

– Trống giờ Địa, tụi bay ơi…

Lại tiếng của thằng mỏ vịt cất lên lảnh lót và đám con trai lập tức phóng ra khỏi chỗ ngồi chạy ùa ra hành lang. Lớp trưởng vội vã lên bục giảng yêu cầu cả lớp trật tự. Nhưng mặc kệ tiếng gào của lớp trưởng, thằng Tấn lùn với hàm răng lỉa chỉa tới 5, 6 cái răng khểnh chen chúc nhau đã vừa đi vừa nhún nhảy bước lên bục giảng. Nó cuộn tròn cuốn tập vừa lấy được của một bạn nữ nào đó ngồi ở bàn đầu để làm loa:

– Kính thưa bà con lớp 12A9. Ông bà ta đã nói có học có chơi thì mới có kết quả tốt được. Vậy thì bây giờ nhân tiết Địa trống, ban nhạc The Bell xin mạn phép biểu diễn những bài hát nổi tiếng nhất hiện nay. Nào, xin một tràng pháo tay của bà con để cổ vũ cho ban nhạc The …Be…ll…

Nó quay một vòng theo tiếng đập bàn đập ghế phụ họa của đám con trai. Rồi hai bạn nam nữa nhảy lên “sân khấu”. Hai đứa vớ lấy hai cây chổi cặp ngang nách làm hai cây đàn ghi ta, còn thằng Tấn voi – lớp tôi có hai Tấn và gọi là Tấn voi vì thân hình nó cao to mập ú như một con voi con vậy – thì lấy khăn trải bàn quấn ngang lưng để làm trang phục cho ca sĩ. Rồi tiếng hát, tiếng đập bàn, đập ghế tiếng vỗ tay phụ họa cho bài “mía lau” cất lên ầm ĩ và quằn quại theo từng điệu nhảy ngẫu hứng của ban nhạc.

– Thế nào cũng có chuyện cho mà coi…

Nhỏ Bích nói nho nhỏ bên tai tôi. Tôi liếc nhìn lớp trưởng Hiệp và cảm nhận ngay được vẻ bất lực đọng trên khuôn mặt nhăn nhó của nó.

– Cô tới tụi bay ơi…

Tiếng ai đó cất lên lảnh lót. Lập tức không khí lớp trở nên hỗn loạn. Tụi con trai chạy rầm rập về chỗ ngồi. Hai nhạc công của ban nhạc The Bell liệng hai cây chỗi vào góc lớp, còn Tấn mập khổ sở gỡ mãi cái nút cột của khăn trải bàn mà không ra. Đến lúc nó gỡ ra được để lên bàn thì chẳng biết lúng túng thế nào đụng phải cái bình bông. Thế là “choang”, tất cả đều vỡ vụn dưới chân bàn. Cô đã xuất hiện ở cửa lớp. Sau tiếng hô “nghiêm” của Hiệp, cô bắt cả lớp đứng tại chỗ. Giọng nói của cô như chất chứa cả nỗi thất vọng, buồn bực.

– Mới hôm qua, các em hứa với cô sẽ học tốt, sẽ chấp hành nội quy tốt để đưa lớp mình tiến lên, thế mà hôm nay thì sao đây. Bây giờ đang là giờ học các em ca hát, đập bàn đập ghế như vậy thì các lớp kế bên làm sao mà học được. Ban cán sự lớp tại sao không ngăn cản các bạn? Những giờ như thế này cán sự bộ môn sao không hoạt động? Bây giờ cô phạt cả lớp đứng như vậy năm phút, sau đó ngồi xuống trật tự. Tiết tới là môn Văn, bạn lớp phó học tập kết hợp với Hiền Mai chuẩn bị bài ” Vi hành” cho tốt để lát nữa cô sẽ giảng. Bây giờ cô còn bận dạy lớp bên kia. Bạn nào mất trật tự nữa, Hiệp ghi tên vào sổ theo dõi để cô trừ điểm đạo đức. Còn cái bình bông bể thì bạn nào làm bể phải hốt và ngày mai mua đền lại cho lớp. Cô bước ra khỏi lớp thì thằng mỏ vịt đã cất giọng:

– Hát đã đời chưa mấy cha, bây giờ phải đứng phạt nè. Ê, ngồi xuống được rồi đó Hiệp, nãy giờ thấy dư năm phút rồi đó.

Thế rồi cả lớp lại rào rào ngồi xuống. Hiệp bước lên bục giảng với cái mặt nhăn nhó:

– Các bạn trật tự đi, không lại bị cô phạt nữa đó. Bây giờ bạn Mai lên hướng dẫn các bạn đọc bài ” Vi hành” đi.

Tiếng vỗ tay lại rào rào nổi lên. Tôi bước lên bàn giáo viên trong tâm trạng bất đắc dĩ.

– Các bạn đã đọc và soạn bài theo yêu cầu của cô chưa?

– Chưa, chưa…

Có lẽ gần 50 cái miệng đều gào lên để chọc tôi thì đúng hơn. Thằng Tấn lùn lại đứng lên khoe cái hàm răng mất trật tự của nó khi nó cất tiếng nói:

– Thôi người đẹp ơi, nói chung là tụi này hồi nào đến giờ không có biết soạn văn là cái con khỉ khô gì cả. Bây giờ người đẹp đưa tập đây, bọn này chép vô là xong, gọn hơ hà…

Tôi cũng phải phì cười vì cái giọng láu lỉnh của Tấn “thừa tướng” nhưng cô đã dặn phải cho các bạn đọc tác phẩm. Lát nữa cô kêu tóm tắt tác phẩm mà bạn nào đó không làm được thì tôi sẽ bị cô kiểm điểm. Thật là khổ cho cái thân tôi. Nghe những lời than vãn của tôi, thằng mỏ vịt xung phong đọc. Nó cầm cuốn sách lên tằng hắng những ba lần rồi mới chịu cất tiếng đọc.

– Hắn… à… đấy…

– Đâu… có… phải…

– Đúng… à…. Mà! Anh… ư…. Đã bảo mà là… chính… ơ hắn đấy.

Cả lớp cười sặc sụa trước giọng đọc cô tình cà lăm của thằng mỏ vịt. Đến nước này thì Hiệp lớp trưởng không thể chịu nổi nữa.

– Các bạn im đi. Bạn Thịnh mà không đọc cẩn thận tui ghi tên vào sổ theo dõi nộp cho cô đó.

– Mày ghi thì cứ ghi chứ tao đọc thi phải đánh vần chứ bộ… Đúng không tụi bây…

– Đúng rồi…

Đúng là “nói ngang ba làng nói không lại” cũng may là tiếng trống đã vang lên hết giờ chứ không thì chẳng biết bọn nó còn bày ra những trò quái quỷ gì nữa. Đến bây giờ tôi mới thấm thía hết câu nói “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”.

Chương 3

Thằng Dũng “hắc công tử” ở tổ tôi đã nghỉ học hai ngày mà không có một tờ giấy phép. Cô chủ nhiệm đã hỏi cả lớp nhưng không ai ở gần nhà Dũng nên chẳng một ai biết lý do nghỉ học của nó cả.

– Sao lại gọi là “hắc công tử” vậy Bích?

– Nhỏ không chú ý nước da đen bóng hàng độc của nó sao. Nó mà đóng vai bao công thì khỏi hóa trang.

Quả thật là Dũng có nước da đen hơn mức cho phép. Tôi không ưa Dũng lắm vì tính nó trầm lặng. Hầu như bao giờ nó cũng đi học trễ và chẳng nói năng gì với ai cả. Nhưng Dũng lại ở tổ tôi mà nó đã nghỉ học tới hai ngày không phép rồi. Vì thế cô chủ nhiệm bắt buộc lớp trưởng và tổ trưởng phải tới nhà dũng để tìm hiểu lý do. Bích là tổ trưởng tổ tôi nên vừa nghe cô phân công như vậy, nó đã rên rỉ như sắp lên đoạn đầu đài không bằng:

– Khổ cái thân gìa tao rồi Mai ơi, chiều nay toi một buổi đi làm công quả rồi. Ê, đi với tao nghe nhỏ chứ để mình tao đi với thằng Hiệp chắc tao chết mất.

Tôi phải hứa đi với nó thì nhỏ Bích mới thôi cái điệp khúc ca cẩm ấy. Buổi chiều sau khi học xong thể dục, bộ ba chúng tôi lên đường. Nhưng ngặt một nỗi, bọn tôi chẳng ai biết nhà Dũng cả. May sao thằng Thịnh “mỏ vịt” cứu nguy kịp thời:

– Để tao chỉ cho. Tao cũng không biết nhà nhưng biết hướng. Vừa đi vừa hỏi là tới chứ gì?

Hóa ra nhà “hắc công tử” cũng xa thật. Chúng tôi đạp xe tới vàm sáng Vịnh Tre rồi còn phải đi khoảng 7 cây số nữa mới tới kinh 7. Hèn gì mà ngày nào nó cũng đi học trễ. Hỏi thăm mãi bọn tôi mới tìm được nhà của Dũng- một căn nhà lá tuềnh toàng cặp sát bờ kênh.

– Dũng ơi, Dũng

Thằng mỏ vịt cất giọng oang oang.

– Nó ở trong nhà đó mấy cháu. Nó bị sốt mấy bữa rày. Vô đi, nhà nó không có ai ở nhà đâu.

Tiếng bà hàng xóm vọng sang. Bọn tôi rón rén bước vào nhà Dũng và thấy nó đang nằm đắp mền trên giường. Căn nhà chỉ có một cái tủ thờ nhỏ, một cái giường đã cũ và phía bên trái là chỗ nấu ăn với hai ông táo lạnh tanh. Chẳng hiểu sao cả bọn đều ngỡ ngàng và bối rối trước gia cảnh của Dũng. Ngay cả Thịnh mồm miệng tía lia không kịp lên da non thế mà bây giờ cũng lúng túng.

– Mấy bạn ngồi đỡ xuống đây đi

Dũng mệt mỏi nói. Hiệp vội vàng đỡ Dũng ngồi dậy.

– Bạn đừng ngồi chi cho mệt, cứ nằm đi mà. Bạn bị bệnh gì mà coi xuống sức quá vậy?

Giọng của Hiệp đầy ân cần và lo lắng. Hóa ra trong cái anh chàng lớp trưởng lúc nào cũng nhăn nhăn cái mặt kêu gào trật tự cũng có một trái tim biết rung cảm trước bạn bè, đó chứ.

– Tui cũng chẳng biết bệnh gì nhưng cứ sốt hoài. Anh hai tui mắc đi mần nên không đưa tui đi khám được.

Hiệp rờ trán Dũng rồi la lên:

– Trời ơi, bạn nóng quá trời. Hôm qua tới giờ bạn có kẹp nhiệt độ gì không? Dũng lắc đầu. Tôi hiểu ngay nhà nghèo như Dũng chắc chẳng có cây kẹp nhiệt độ đâu. Thịnh đi đi lại lại rồi ngoắc bọn tôi ra sân, nói nhỏ:

– Nó sốt bữa nay là bữa thứ ba rồi, mà sốt cao như vậy không chừng sốt xuất huyết đó nha. Em tui hôm bữa cũng sốt li bì như vậy. Lúc đem ra bệnh viện là sốt xuất huyết. Mà sốt này nguy hiểm lắm. Nếu để vô sốc là không cứu được đâu.

– Tui đề nghị hai đứa mình chở Dũng ra trạm xá khám còn Bích và Mai coi xem nấu cháo gì đó cho Dũng nha.

Bọn tôi đều gật đầu đồng tình trước phương án của Hiệp. Đỡ Dũng ra xe, Hiệp chạy cầm tay lái còn Thịnh ngồi sau đỡ Dũng. Chiếc xe Chaly bé nhỏ của nhỏ Bích phải chở ba ông tướng coi thật tức cười. Tôi và Bích quay vào với hai ông táo lạnh tanh. Giọng Bích như chùn xuống.

– Học với Dũng hai năm tao chỉ biết nhà nó nghèo nhưng ai ngờ nghèo đến mức này. Tội nghiệp nó quá ha nhỏ…

Tôi mở lu gạo của nhà Dũng chỉ thấy còn ít gạo, còn ở gần đó có một chút muối, đường. Nồi cháo trắng chỉ còn ít cháo còn sót lại. Chắc anh hai của Dũng nấu vội cho em rồi đi làm.

– Tính sao bây giờ Mai?

– Thôi hai đứa mình chạy ra chợ mua ít thịt về nấu cháo cho Dũng đi. Bệnh thế này mà ăn cháo trắng không thì làm sao mau lại sức được.

Bọn tôi chạy xe đạp ra chợ xã. Chợ chiều chỉ còn lèo tèo vài gian hàng. Thịt cũng chẳng còn. May mà còn một gian hàng cá. Bọn tôi mua con cá lóc, mua thêm ít gia vị rồi chạy về nhà. Giọng nhỏ Bích lo lắng:

– Nè, nhà mi có biết nấu cháo cá không vậy?

– Sao lại không.Bộ Bích không biết nấu hả?

– Hồi nào giờ ta có biết nấu gì đâu. Tất cả có chị người ở mần hết.

Tôi bật cười trước lời “thú tội” của nhỏ Bích. Chơi với Bích mới gần hai tháng nay tôi cũng chưa kịp hiểu gia cảnh của Bích mà chỉ cảm nhận Bích là con nhà khá giả, tính tình thẳng thắng, bộc trực.

Về tới nhà Dũng, tôi vội kiếm dao thớt mần cá. Còn Bích loay hoay nhóm bếp củi bắc nồi cháo.

– Sao, nhúm được chưa tiểu thư?

– Cho tao mua hai từ tiểu thư đi nhỏ. Mày mần cá rồi chưa vô tiếp coi. Củi gì mà không chịu cháy làm chảy nước mắt nước mũi gần chết đây nè…

Tôi bật cười trước những tiếng càu nhàu của nhỏ Bích.

– Bộ mấy cháu học cùng thằng Dũng hả?

Tôi ngước lên và nhận ra bà hàng xóm của nhà Dũng khi nãy. Sau khi nghe bọn tôi kể lại mọi việc, bà chép miệng:

– Tội nghiệp hai anh em nó. Cha mẹ nó ly dị nhau, mỗi người một phương, hai anh em nó rau cháo nuôi nhau. Thằng anh đi mần nhà máy nên đi suốt. Còn thằng Dũng một bữa đi học, một bữa đi mần mướn để kiếm thêm tiền ăn học. Bà con lối xóm ai cũng thương, qua lại giúp đỡ ít nhiều. Ưa mà tới tối anh hai của nó mới tan ca được.

Tiếng xe dừng lại, bọn tôi nhận ra Hiệp đã chở Dũng và Thịnh trở về. Thịnh vừa đỡ Dũng vào nhà vừa oang oang cái miệng:

– Sốt xuất huyết độ một rồi đây nè. Mau đem nước sôi lên đây, bọn tôi lau cho Dũng giảm sốt nè. Trời ơi, giờ này mà nhóm lửa chưa xong. Đúng là những đồ tiểu thư không biết mần gì ráo

trọi. Hiệp xuống giúp tụi nó coi.

Dũng đang sốt cũng phải phì cười trước những lời lẽ oang oang như loa phát thanh của Thịnh. Hiệp vui vẻ xăn tay áo vào bếp với bàn tay thành thạo của Hiệp, hai bếp lửa đã nhanh chóng cháy phừng phừng. Đúng là hai lúa có khác, giỏi giang thật.

– Bộ sốt xuất huyết thật hả? Giọng Bích hạ thấp, hỏi nhỏ.

– Ừ nhưng độ một thôi, không sao bác sĩ dặn phải cho Dũng uống nhiều nước để giảm sốt, ăn cháo và lau nước nóng mỗi khi nó sốt trở lại. À tui tính như vầy: ngày mai vô lớp mình báo cáo với cô trường hợp của Dũng, kêu gọi các bạn quyên góp tiền cho Dũng, rồi phân các bạn chép bài cho nó, mấy bạn thấy được không?

– Được quá đi chứ, tao xung phong chép bài cho.

– Trời ui, ông mà chép chắc bạn Dũng phải tốn tiền mua cặp kiếng cận quá.

Nhỏ Bích trề môi chê làm khuôn mặt của Thịnh đỏ rần. Cái mỏ vịt của nó trề ra chống chế:

– Bà dám nhạo báng lòng tốt của tui hả, có biết cái này là cái gì không.

– Thì cây củi…

– Ai bảo cây củi hả. Nó là thiết đầu long nhá lửa đó nha. Không tin phải không, cho nhà ngươi biết thế nào là công hiệu của cây thiết đầu long nè…

Thịnh vác cây củi rượt nhỏ Bích chạy vòng vòng. Hiệp phải ra tay ngăn cản:

– Thôi, thôi đi mấy bạn. Bây giờ ba bạn về trước đi, tui ở lại với Dũng chờ anh hai của Dũng về rồi tui về sau. Với lại, hình như Dũng đang sốt lại thì phải. Tôi vội vàng kiếm thau rót nước nóng cho Hiệp và đứng nhìn Hiệp vừa thổi phù phù vào hai cái khăn cho bớt nóng rồi lau lên trán và người Dũng. Nhìn Hiệp, tôi như thấy cả sự ấm áp tin cậy tỏa ra từ con người vốn ít nói của Hiệp. Hóa ra bạn bè của tôi nơi miền sông nước này không chỉ là những con người chân chất mà còn tiềm ẩn trong đó cả những tấm lòng hiệp sĩ cao thượng. Hôm sau, đáp lại lời kêu gọi của Hiệp, bạn lớp tôi đều vui vẻ móc túi góp những đồng tiền ít ỏi vào cái nón của Thịnh mỏ vịt, kể cả “bọn ác” ở xóm nhà lá nơi cuối lớp cũng hào hứng đóng góp. Sau khi tổng kết, cô chủ nhiệm đã lấy tiền của mình góp thêm vào quỹ những tấm lòng vì bạn. Trưa hôm đó, hầu như cả lớp tôi đều có mặt ở nhà Dũng. Có lẽ ông trời cũng cảm động nên đã giúp cho Dũng bớt bệnh chăng. Dũng đã bớt sốt và qua bảy ngày nguy hiểm, Dũng đã trở lại lớp học. Dũng vẫn thế trầm lặng và ốm đi nhưng cặp mắt của Dũng sáng lấp lánh trong niềm vui.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button