Văn học trong nước

Theo Dấu Nhà Thơ

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Võ Chân Cửu

Download sách Theo Dấu Nhà Thơ ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

THAY LỜI TỰA

“Cùng theo dấu nhà thơ”

Sau “ 22 Tản mạn” (do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Công ty sách Phương Nam xuất bản, phát hành tháng 6-2013), tác giả Võ Chân Cửu lại “ Theo dấu nhà thơ ”- trong đó có bóng dáng chính mình – để phơi bày nguyên do tạo tác và sự xuất hiện của những bài thơ trước năm 1975 ở Sài Gòn và các đô thị miền Nam.

Không chủ trương đi sâu vào khắc họa chân dung văn học, nhưng ở đây, tính cách các nhà thơ được nhắc đến, ít nhiều cũng cho thấy nét đặc trưng của dòng chảy thơ ca giai đoạn trên. Đậm nét là những nỗ lực vượt lên những trói buộc của thời thế, thoát khỏi ảnh hưởng người đi trước để tự làm mới sáng tác của chính mình. Đâu đó, có thể nghe ra sự ngậm ngùi bởi “được mùa quá ngắn” của lứa cầm bút được định danh vào giai đoạn 1968-1975, trong đó có tác giả tập sách.

Vẫn với lối viết ẩn dụ, nhiều chỗ mang tính tự sự, người ta thấy Võ Chân Cửu cố gắng lý giải “thơ chết từ đâu”, và “hoài niệm xuân xa”. Ở những bài thơ và những nhà thơ được nhắc đến sau cột mốc 1975, người đọc thấy rõ niềm tin mãnh liệt của tác giả về sức sống mãnh liệt của thơ ca trong ngôi nhà nghệ thuật chung. Sau Bùi Giáng, Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, Hoàng Trúc Ly, Du Tử Lê, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Công Thiện, Trần Tuấn Kiệt, Trần Xuân Kiêm… phần trích dẫn các bài thơ sau 1975 của các tác giả từng xuất hiện trước đó như Nguyễn Lương Vỵ, Hồ Ngạc Ngữ, Phù Hư, Nguyễn Miên Thảo…; kể cả những cây bút đang tiếp tục làm thơ ở nước ngoài như Vương Từ, Trần Vấn Lệ, Nguyễn Thanh Châu, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Thị Khánh Minh… cho thấy ý kiến về bản lĩnh tạo nên bản sắc của mỗi người làm thơ. Tác giả cũng có những ghi nhận độc đáo xung quanh các nhà thơ nữ từ Nhã Ca, Lý Thụy Ý, đến lớp đương thời như Ngô Thị Hạnh, Vũ Thanh Hoa, Trần Hoàng Vũ Nguyên… Thơ ca cần để “vinh danh nữ tính”…?- như các chị đã tự trả lời. Một số tác giả vốn nổi danh trong bộ môn nghệ thuật khác, được đưa vào đây như Đinh Cường (hội họa), Mang Viên Long, Trương Đạm Thủy (văn xuôi)… góp phần minh định sự bất diệt của cõi thơ (đích thực).

Tác giả có đi vào lý giải về cách hành văn và sự độc đáo, giàu có của ngôn ngữ Việt Nam… Điều này làm giải tỏa những băn khoăn trong tình hình thời sự hiện nay. Nhà thơ vẫn làm chức năng và nghĩa vụ của mình khi khơi gợi ra được cái hay, nét đẹp của ngôn ngữ dân tộc. Chính vì thế, người ta thấy tác giả có phần cực đoan khi đề cập đến các dòng thơ tự cho là “tân hình thức” hay “hậu hiện đại” gần đây. Vấn đề này hy vọng sẽ còn được các nhà nghiên cứu lý luận phê bình bàn luận tiếp. Ở đây, người ta thấy rõ Võ Chân Cửu theo dấu thơ ca với mắt nhìn của một người nặng nghiệp văn chương.

Chính vì vậy, khi được nhận tập bản thảo được tác giả ghi thể loại “Tản văn”, tôi và những người từng biết tác giả, rất hân hoan. Sách viết về thơ các tác giả miền Nam trước và sau cột mốc 1975 hiện “hơi bị” ít. Viết về thơ mà lôi cuốn được người đọc, thì các nhà thơ có ưu thế vì bút lực dồi dào, như Võ Chân Cửu đang chứng minh…

ĐỌC THỬ

AI NUÔI CÁC NHÀ THƠ?

Nhiều nhà khoa học, triết gia thành đạt vẫn muốn được vinh danh như một nhà thơ. Điều ấy không có gì lạ, bởi thơ ca là hình thái nghệ thuật đầu tiên khi con người tập diễn tả bằng ngôn ngữ.

Trong thời điểm hiện nay, công nghệ tin học gần như chi phối toàn bộ cuộc sống và văn minh con người, thì cõi thơ còn có đáng tồn tại, hay phải bị hủy diệt vì bị chính người đời coi rẻ?

Nỗi buồn “đo đếm”

Hãng American Airlines lượt về Việt Nam quy định mỗi hành khách ngoài 7kg đồ xách tay, được miễn phí hai thùng hàng ký gởi. Mỗi thùng không quá 50 pounds, tức tổng cộng có 46kg. Vượt mức đó sẽ bị tính cước vận chuyển rất đắt. Ngoài quần áo, đồ dùng cần thiết, các món mà người quen thân gửi, nhờ mang về, phần lớn là bánh kẹo, sô-cô-la và… dầu gió để dành tặng người thân. Phải tính toán khối lượng và diện tích từng thứ đặng đóng thùng hàng cho thật khéo. Khó nghĩ nhất vẫn là sách. Chúng được bạn hữu và chính các tác giả quen biết ký tặng, trong đó nhiều nhất là tác phẩm thơ (lượt đi tôi chỉ cầm giúp mười cuốn mới in của một người bạn). “Sách vở ích gì cho buổi ấy”… Lúc này, sách và thơ đành phải được cân đo như mọi đồ vật khác, thực tiễn ấy thật đau lòng! Cuối cùng tôi đã chọn cách đóng thùng các cuốn sách lại, nhờ bạn gửi về sau theo đường tàu thủy.

80% người Việt Nam đều biết và thích làm thơ. Chưa thể kết luận nên buồn hay vui trước cách tổng kết khá “y bon” của người xưa. Nhưng có thể là chưa bao giờ cả ở trong và ngoài nước, thơ được “xuất bản” nhiều như vậy, cả ở những nơi có đông người Việt định cư như nước Mỹ! Thơ được in trên giấy theo nhiều hình thức, muôn màu muôn vẻ. Văn minh “mạng” lên ngôi, bài thơ hay sẽ được hàng ngàn người xem và nhân bản. Nhưng người làm thơ dù đã có tiếng hay chưa nổi tiếng, vẫn thích “tác phẩm” của mình có “hình hài” cụ thể, tức hiện diện bằng sách in. Có nhiều cuốn được tác giả ký tên đóng dấu trong tâm trạng “mong có người nhận”. Các “tác phẩm” thơ in ra ở Việt Nam, hầu như có giá thành rẻ hơn ở Mỹ. Ở nước ngoài, tác giả các sách thơ có thể ghi ở trang cuối dòng “tự xuất bản theo Điều… của Hiến pháp”… nếu không muốn tự liên kết, đóng “quản lý phí” để sách mang tên một nhà xuất bản nào đó. Hình thức các tác phẩm thơ hôm nay rất phong phú. Từ bản thảo in máy vi tính, xong đem photo, đóng bìa; đến các ấn phẩm in rất hiện đại, có nhiều phụ bản thư pháp, nhạc, họa. Có “tác phẩm” còn thêm phần dịch thuật ra tiếng Anh, tiếng Pháp… Khuôn khổ có khi rộng ngang, lớn dọc hay vuông vức, lập dị đủ kiểu…

Nhà thơ nữ Nguyễn Thị Khánh Minh ở California. Thơ chị chứa nhiều cảm xúc tinh tế và… hiện đại. Trong năm 2012 chị nhờ một cơ sở chuyên làm sách ở trong nước in một tác phẩm mới với chỉ… 50 quyển. Nên chị rất tiếc không thể ký tặng cho những người từ Việt Nam sang như tôi! Người bạn giang hồ là thi sĩ Vương Từ ngoài 60 tuổi mới có tập thơ in lần đầu cũng vậy. Người quen mang qua Mỹ cho anh chỉ có… 10 quyển. Sách chỉ dành tặng cho người… đồng điệu; hay nơi có mối quan hệ đặc biệt!

“Nổ”?

Trong bối cảnh sách bằng giấy mực được cho là sắp đến kỳ… cáo chung, các nhà thơ đã thành danh từ trước mốc 1975 hiện đang sống ở Mỹ vẫn dành nhiều chăm chút những đứa con tinh thần của mình ra đời hay tái bản. Nhà thơ Du Tử Lê gần như cứ mỗi năm in ra một tác phẩm. Chủ bút tạp chí Khởi Hành đã cho quảng bá cuốn “Tổng tập thơ Viên Linh ” với 700 bài. Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ qua định cư ở đây đã hơn mười năm. Sau tập thơ đầu tiên in ở Việt Nam có tựa đề “Phương Ý ”, ông đã xuất bản thêm 6 tập thơ mới, tập nào cũng trình bày sang trọng và đẹp. Ông cũng đang tập hợp cho một “ Tổng tập” với khoảng chừng 1.000 bài. Ngoài phát hành theo đường bưu điện, sách của ông còn được rao bán qua dạng Ebook.

Nhà thơ Trần Vấn Lệ sau mấy chục năm định cư, hình như cũng đã xuất bản đến gần 40 tập thơ. Thi tập của các tác giả cũ, mới thường xuyên được quảng bá trên các báo, tạp chí và mạng điện tử. Nhưng những nhà thơ bán được sách như Nguyễn Lương Vỵ không nhiều. Tôi có duyên được dự đêm ra mắt tập thơ mới của Nguyễn Xuân Thiệp tại Little Saigon. Ông Thiệp từng chủ trương tạp chí Phố Văn ở bang Texas. Thi sĩ nay đã ngoài 70 tuổi. Thơ ông có nhiều cảm nhận sâu lắng về cái đẹp, được nhiều người yêu thơ ghi nhận và quý mến. Ở buổi ra mắt tập thơ mới này, tác giả chỉ toàn… ký tặng. Các thân hữu tổ chức cuộc gặp gỡ cũng không phát ngôn gợi ý thu hồi lại “ấn phí” như các buổi “giới thiệu tác phẩm mới” ở trong nước.

Trong câu chuyện tâm tình với những người yêu thơ, tôi vẫn bày tỏ rằng trong bối cảnh có quá đông người làm thơ như hiện nay, thì tác giả nên tìm mọi cách để công chúng có thể tiếp cận được sách, có thể bằng con đường “ký gửi”. Thấy sách hay trưng bày trên kệ, người yêu thơ có thể mua.

Ở Việt Nam nhiều người cho rằng nói như thế là một cách “nổ” của các nhà thơ. Với người Việt hải ngoại, từ ngữ này ít thông dụng. Nó có xuất phát đã lâu, đầu tiên từ vùng đất Quảng Nam. Nhưng gần như từ ngữ này lại được dùng nhiều sau năm 1975. Hồi đó, có người ở Sài Gòn từng nghe có chàng trọ trẹ nổ lên rằng “ngoài đó thứ gì cũng có; truyền hình, tủ lạnh chạy đầy đường”. Có lẽ vào một dịp nào đó, chúng ta sẽ cùng giải mã chữ “nổ” cho rõ nghĩa hơn!

“Cảm” và “hiểu”…

Thơ in thành sách và được tải nhiều trên mạng, nhưng người đọc vẫn ít cảm nhận rằng có những bài thơ hay. Vì sao vậy? Thơ ca gắn liền với ngôn ngữ: lời nói có trước, sau đó mới là chữ viết. Nhà thơ dùng ngôn ngữ để diễn tả cảm xúc của trái tim hoặc tâm hồn mình. Lời nói, câu chữ viết ấy phải đạt nghệ thuật mới diễn đạt được tâm trạng, tình cảnh của mỗi con người.

Các nhà lý luận tổng kết rằng sự nhận biết, hoặc diễn đạt lên tâm trạng có thể đến từ những câu thơ theo ba con đường: phân tích, cảm xúc hoặc sự mặc khải. Nhà thơ là những người rất tôi luyện khi diễn đạt bằng chữ nghĩa. Họ nhạy cảm với các diễn biến ngoài xã hội hay nội tâm, nên sự “nhận biết’ có muôn vẻ kỳ diệu. Nó đến như ngọn gió bất ngờ làm rung động những nhụy hoa; như một nguồn ánh sáng lóe lên ở cuối chân trời xa thẳm. Cảm nhận đó gần như là sự “mặc khải”.

Hai chữ “mặc khải” hoàn toàn không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo như nhiều người đã gán ghép và giải thích. Có thể quan sát nét mặt của những tín đồ khi họ hành hương, cầu nguyện. Và nét mặt của một thi sĩ đang cảm hứng. Một đàng là biểu lộ sự mê đắm, và phục tùng hoàn toàn vào các đấng thiêng liêng. Một đàng là nét hân hoan khi hòa nhịp với cái đẹp vĩnh cửu. Thơ ca hoàn toàn khác hẳn với tôn giáo, mặc dù các hàng giáo phẩm luôn luôn cho rằng các nhà thơ có được những cảm xúc linh thiêng là nhờ xuất phát từ lòng tín ngưỡng. Hàng tín đồ thường thích cho rằng sự mặc khải có được là nhờ các “đấng tối cao” vén màn.

Phải viết ra những điều đã được công nhận về nghệ thuật thơ ca, bởi lẽ sau chuyến đầu tiên lưu lại nhiều ngày ở Mỹ, tôi cảm nhận hình như nhiều “nhà thơ” hôm nay đã tự mình xóa bỏ, hay phủ nhận khả năng trời cho về cảm nhận nghệ thuật. Có thể đó là điều đương nhiên, như mệnh đề “hữu cơ khí tất hữu cơ tâm” mà người theo học thuyết Lão-Trang công nhận. Nhiều người làm thơ, do sự ràng buộc và những hạn chế từ ngôn ngữ đã từng than thở về “sự bất lực của ngôn ngữ”. Họ tìm cách vượt thoát nó theo nhiều cách. Trong một câu thơ và trong một bài thơ, có người “sáng tạo” ra khoảng cách giữa các chữ, có người dùng nhiều dấu ngang (-), dấu chéo (/) giữa các cụm từ. Hoặc cho xuống hàng theo nhịp ngắt câu thơ. Càng sa vào hình thức, gần như sẽ càng bị rối. Nên họ phải tự bào chữa bằng cách tuyên bố rằng ta là người sáng lập hay ủng hộ một “trường phái” thơ ca mới. Như “cách tân”, “tân hình thức”, “hiện đại”, hoặc “hậu hiện đại”.

Nhiều nhà thơ tưởng rằng tạo ra những cách ngắt câu, xuống dòng khác trước, thơ sẽ dễ dàng được công nhận mới mẻ, hay đạt tới cõi “vô ngôn”. Thật ra, đó chỉ là ngụy biện. Tệ hại hơn, có người để làm “mới thơ ca” đã tìm cách xếp những câu chữ trong bài thơ theo hình tam giác, theo hình ngọn sóng, hay cánh chim. Có người, còn vẽ ngay trong bài thơ một mũi tên, hay một cái quần sịp! Những từ ngữ thô tục nhất, từ c., l., cứt, đái, đến lỗ nẻ, lông nách đã được đưa vào thơ, rất thoải mái. Khốn nỗi, cách làm theo kiểu học đòi này lại được những cây bút tự xưng là “nhà phê bình” xúm nhau ca ngợi, trao các giải thưởng… Theo tôi, trong cuộc sống thường ngày, chúng ta gặp quá nhiều điều tục tĩu, dơ dáy quá rồi. Nếu đi vào cõi thơ mà lại gặp chúng nữa thì ớn quá!

Chính quyền và các tập đoàn kinh tế luôn luôn có điều kiện nắm giữ các phương tiện truyền thông. Trong một xã hội, nếu giới cầm quyền còn muốn độc quyền cả về tư tưởng và nghệ thuật, mà các nhà thơ lại ngoan ngoãn làm theo sự đặt hàng, thì người đọc sẽ dần dần xa lánh và coi thường hình thái nghệ thuật thơ ca… Đó là điều tất nhiên.

Quy luật thẩm mỹ của con người luôn hướng đến cái đẹp thanh cao và hoàn thiện. Nhưng nhìn lại, không hiểu vô tình hay cố ý, có người có quyền lực vẫn vô tình cổ vũ, hoặc tạo ra sự xâm lăng cho các từ ngữ dung tục và tục tĩu. Hiểu thô thiển về chủ trương “giữ gìn sự trong sáng”, song song với cổ vũ khuynh hướng “văn chương hiện thực”, người ta đã “nôm na hóa” ngôn từ, hô hào hành văn theo kết cấu của ngôn ngữ Trung Hoa. Họ nói và viết “đảm bảo” thay vì “bảo đảm”, “hơi bị” thay cho nghe, thấy… Câu văn viết cũng như lời nói đa phần ở thể bị động, điển hình như câu “nhờ sự lãnh đạo của…”; “cuộc sống đã được nâng cao”. Ở thành phố lớn nhất phía Nam, tại nhiều giao lộ, người ta dễ dàng gặp những bảng hướng dẫn giao thông như: “Quyền ưu tiên thuộc về…”. Nghệ thuật diễn đạt và tinh hoa của ngôn từ Việt không được cổ súy nữa. Câu thơ gần như là câu nói dung tục mới gọi là “hay”, hoặc “đương đại”. “Thơ” tiến gần đến chỗ thực dụng, tuyên truyền cho dễ hiểu và “có ích”?

Đừng mơ về quá khứ

Đừng nghĩ tới tương lai

Hãy nhìn kỹ hiện tại

… … … … … .

Đoạn thơ này còn một câu cuối. Nó “tạo ra sự bất ngờ”, dành để người đọc có thể tham gia, như cách cổ vũ và tuyên ngôn của những người học đòi theo trường phái “hậu hiện đại” hôm nay. Có thể là “Đi xong nhớ dội cầu”… Người đọc có thể gặp nhan nhản những bài thơ như vậy. Có khi nó còn “hay” hơn bài thơ “Con cóc ” mà một nhà “phê bình văn học” hải ngoại đã hết lời ca tụng khi phân tích!

Lời bỏ ngỏ

Hiện trạng đánh đồng cái đẹp với sự thô tục ngày càng tệ hại, dẫn đến những thành kiến và mặc cảm không đáng có cho thơ hôm nay.

Ai đó có thể sẽ bị chê cười khi nói ra rằng làm thơ để mong tìm sự chia sẻ cảm xúc!

Nhiều thi sĩ nổi tiếng từ trước 1975 mà tôi được gặp đều phì cười hay lắc đầu trước chuyện những “nhà thơ” trong hoặc ngoài nước tự nhận mình là hiện đại và hậu hiện đại, để đưa ra những “tuyên ngôn” phủ nhận (hoặc phỉ nhổ) tất cả các dòng thơ Việt Nam từ thời Thơ Mới đến năm 1975. Đã có sự đồng tình (khỏi cần phải hô hào hội nhập) giữa những người làm thơ chưa vượt qua được sự giới hạn của ngôn ngữ, cho dù họ ở trong hay ngoài nước. Có lẽ đó là xu thế tất nhiên, khi mà sự va chạm giữa các nền văn minh ngày càng dữ dội khiến con người dễ rơi vào khủng hoảng. Có nhiều nhà thơ hoặc nhà tu vẫn mượn thơ ca hoặc tôn giáo để thỏa mãn dục vọng của mình. Đó cũng là một nguyên nhân khiến một số đông người đọc ngày càng xa lánh các tác phẩm thơ.

Nhưng người làm thơ khắp nơi vẫn ngày càng thêm đông. Ai nuôi dưỡng các nhà thơ vậy? Khi thấy tôi đưa ra tiêu đề này, nhiều bạn văn cảnh giác rằng đầu óc người Việt Nam còn đầy dẫy tư duy vốn có trong thời chiến tranh. Đó là nghi kỵ, chụp mũ, hoặc cảnh giác. Một số nhà thơ người Việt ở Mỹ, có lẽ vì được trợ cấp tiền bệnh, tiền tuổi già, nên đỡ lo lắng về cái ăn. Do vậy suốt ngày họ cứ tha hồ… làm thơ. Hoặc, ở trong nước, có cây bút được các mạnh thường quân hỗ trợ, nên in được tác phẩm… Không ít người liền quy kết về sự lệ thuộc của các nhà thơ. Là “ăn tiền Mỹ” hoặc “đánh quả”! Thành kiến văn hóa Á Đông xưa nay vẫn xếp giới làm thơ viết văn thuộc hạng người “vô tích sự”. Nghĩ thật tội nghiệp cho số phận người sáng tác.

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ có lần khuyên tôi nên nhìn “thoáng rộng” hơn. Có những người trẻ sa vào trào lưu “hậu hiện đại”, là cách họ bày tỏ đả phá khi xã hội đang đảo lộn các giá trị. Anh Nguyễn Hoàng Nam ở Little Saigon là người làm thơ được một số nhà phê bình hậu hiện đại tán dương. Anh hỏi tôi khá nhiều về điều kiện in sách của các nhà thơ trong nước. Trong một cuộc vui, Nam tuyên bố rằng sẽ “phấn đấu” trở thành hội viên của hội nhà văn nào đó, để được hưởng chính sách tài trợ khi đi thực tế sáng tác, xuất bản. Tôi cũng đùa lại:

– Muốn được vậy, không khó lắm đâu. Cũng đã có vài cây bút ở hải ngoại được kết nạp vào các hội văn học nghệ thuật trong nước. Nhưng khi có tác phẩm thơ mới in ra, họ cũng phải tìm người chịu nhận sách tặng!


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button