Văn học trong nước

Sự Trở Lại Của Vết Xước

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Trần Nhã Thụy

Download sách Sự Trở Lại Của Vết Xước ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

MỘT

Cơ thể của chúng ta đang bị nhiễm độc từ từ.

Anh đã nói với em như vậy, khi chúng ta đang ngồi ăn những cái ram bắp được cuốn bởi bánh tráng và rau sống. Nơi mà chúng ta ngồi là một ngã ba đèn vàng, phía bên kia đường có một dãy những chiếc thùng chứa rác sơn màu vàng, bên hông treo lủng lẳng chiếc đèn bão đang cháy leo lắt. Những người quét rác gồm cả đàn ông, đàn bà mặc áo phản quang, đứng hoặc ngồi chờ xe chở rác đến. Anh uống một ngụm bia tươi trong cái ly nhựa cáu bẩn. Còn em thì cầm một nhánh rau diếp cá lên rẩy rẩy cho văng bớt nước. Những giọt nước li ti bắn vào mặt anh. Hơi mát. Em đưa cho anh một cuốn ram bắp, anh ăn rất ngon lành, rồi uống hết ly bia nhạt thếch. Chúng ta cùng nhìn về phía bên kia đường, em không bày tỏ một trạng thái tình cảm nào cả, anh nhìn vào mắt em và thấy điều đó, em cũng không một lần nhìn anh, không có cả một câu cằn nhằn chiếu lệ. Tại sao hai chúng ta lại ngồi ở đó, ăn những cái ram bắp không thương hiệu, uống một thứ bia dở ẹc, rẻ tiền? Anh thích thú điều gì mà đưa em đến cái ngã ba bụi bặm ấy, trong khi chúng ta thừa tiền để có thể đến một cái quán sang trọng hơn, có máy lạnh chẳng hạn, gọi một đĩa những con đang bơi và uống loại bia còn chờ gì nữa? Anh thích thú điều gì ở cái chỗ khuất nẻo, u mù ấy, mà anh lại đưa em đến? Điên khùng gì đâu. Anh nhìn em, như ân hận. Em vẫn nhìn về phía bên kia đường…

Và rồi một chiếc xe chở rác cồng kềnh chạy tới, đúng theo tác phong của một chiếc xe ăn rác chuyên nghiệp, nó nhanh chóng mở đít ra, tuần tự từng chiếc thùng chứa rác màu vàng được đẩy đến, rác đổ ra lập tức được cuốn vào trong bụng xe. Mùi hôi thối lưu chuyển trong không khí. Em bịt mũi lại, nhăn mặt:

– Ôi!, hôi quá, ngồi ăn uống thế này bệnh chết!

– Ừ, hôi thiệt – anh phụ họa theo.

Nhưng anh vẫn ngồi đấy, hoàn toàn không có ý định đứng lên thanh toán tiền, rút lui khỏi chỗ hôi thối đó, thậm chí anh còn có ý định kêu thêm một bình bia tươi nữa. Em cũng không nói: “Đi, đi anh!”, hay: “Về, anh!” như mọi khi, mà em vẫn ngồi im, dường như cũng mệt mỏi như anh vậy. Chúng ta đã quá mệt mỏi, sự mệt mỏi tưởng có thể chết đi được, thì một chút hôi thối cũng đâu có gì nghiêm trọng. Không hôi thối chỗ này thì hôi thối chỗ khác, không bịt mũi ở đây thì cũng bịt mũi ở đâu đó, đời sống của chúng ta không thể chỉ ở toàn những nơi thơm tho, trong lành; phải tập sống đi em, tập cả sự hít vào thở ra nữa.

Em thở dài, lại bảo:

– Chỗ này mà cũng bán quán được. Hay thiệt. Người ta đến đây ăn một lần thì không dám đến nữa. Ăn uống vầy, bệnh chết!

Em xác nhận lại điều đó. Anh không biết nói gì, chỉ mong chiếc xe chở rác kia nhanh chóng hoàn tất công việc của nó rồi biến đi. Biến lẹ đi. Trong anh, đang có một cái gì đó mơ hồ tan ra, sụm xuống, như những mẫu san hô khô kiệt bị quất gãy bởi những cơn gió mạnh hay bị bóp nát bởi một bàn tay khổng lồ vô hình, vô tình. Anh nói, như độc thoại:

– Cơ thể của chúng ta đang bị nhiễm độc từ từ!

Em nhìn anh, lần này thì em mới nhìn anh, cái nhìn sững sờ, thoáng hoảng. Anh muốn kêu thêm một bình bia nữa, nhưng vẫn không mở miệng được, anh lại sợ em cằn nhằn:

– “Uống ba cái bia bậy bạ vầy, bệnh chết”.

Nhưng em không cằn nhằn. Em diễn dịch câu nói của anh:

– Đúng thiệt, thịt gà thì không dám ăn vì sợ bị dịch cúm H5N1. Ăn bò, heo thì sợ đụng hàng giết mổ lậu, chết sình lên mà người ta vẫn “xử lý” được, nhìn bề ngoài cứ như mới. Tôm cá thì bị bơm chất phụ gia cho sống lâu, tươi hoài. Rau cỏ, trái cây thì bị phun, tẩm thuốc. Thậm chí gạo mà chúng ta ăn hằng ngày cũng được ướp đầy những thứ hương liệu chết người. Đúng là cơ thể của chúng ta đang bị nhiễm độc từ từ…

Anh cười. Em nói đúng, nhưng chỉ đúng ở một khía cạnh hiện thực của đời sống vật chất thôi, còn ở những khía cạnh khác như đời sống tinh thần, như cảm giác sự sống, hay trạng thái tình cảm, sự cảm biết những sắc màu tâm linh… thì nó phức tạp, nó cũng có khả năng gây nhiễm độc đấy em ạ!. Mà, đáng lẽ những điều ấy nên là sự phong phú, thanh sạch chứ không phải là sự phức tạp, bẩn thỉu. Nhưng biết làm thế nào, những đám mây đen u ám ấy đã bủa vây chúng ta tự lúc nào. Không biết tự lúc nào chúng ta đã chung sống cùng với mây đen. Mà, mây đen đang kéo tới kìa. Sẽ có mưa, thậm chí mưa to. Chỉ cần mưa to trong chừng nửa giờ đồng hồ thì đường ngập thành sông hết, nước mưa sẽ tràn lên tận đây, tràn lên với tất cả mùi hôi thối cống rãnh, dơ bẩn phố phường. Thôi, về đi em. Chúng ta về đi, hãy rút lui về cái “hang ổ” nhỏ bé của mình. Lần này thì anh quyết định rời của chỗ ấy. Anh đứng lên khoát tay gọi người đàn bà chủ quán:

– Tính tiền dùm, chị ơi. Tính tiền!

ĐỌC THỬ

HAI

Cơ thể của chúng ta đang bị nhiễm độc từ từ.

Em biết không, câu nói ấy, ý nghĩ ấy không phải lần đầu tiên được bật ra khi chúng ta đi ăn ram bắp ở cái nơi u mù, hôi thối ấy đâu, mà nó đã có từ trước; từ khi anh chưa gặp em, chưa có em và con. Nó có mặt từ những ngày tháng của tuổi hai mươi, những ngày tháng mà anh luôn lên đường với trạng thái chơi vơi, hẫng hụt.

Mùa hè. Năm 1993. Anh không nhớ chính xác là tháng nào. Chỉ nhớ hôm ấy trời âm u lắm, âm u từ sáng cho đến chiều. Anh đi dự một đám cưới ở miền Tây, uống rượu từ sáng cho đến chiều. Chạng vạng, anh ngồi trên một chiếc xe hơi cũ kỹ để về lại thành phố; anh quá giang xe của một ông bác sĩ nha khoa, có tài xế riêng. Con đường nhỏ, nhưng nhựa đường trải khá êm ái xuyên qua những cánh đồng. Nhìn từ xa, có lẽ sẽ tưởng xe đang lủi đi trong ruộng lúa. Con đường như lún trong đêm xanh. Xe cứ lao đi. Những dòng sông, những cánh đồng, những cây cầu, những nhà thờ cổ lần lượt lướt qua. Anh ngồi tựa đầu vào cửa xe thiu thiu ngủ, còn ông bác sĩ nha khoa sau khi nói dong dài, dằng dặc về những hàm trên hàm dưới, răng cấm răng cửa, nướu lợi, kem đánh răng, tăm xỉa răng v.v… đã ngáy ầm ầm. Tiếng ngáy của ông ta như hoà điệu vào tiếng máy ô tô xộc xệch liên hồi.

Những con đường ở xứ này nhỏ đến mức nhiều lần anh giật nẩy mình tưởng chừng như xe lọt xuống ruộng, tủm xuống sông. Xe vẫn trôi giữa cánh đồng. Rồi anh nghe tiếng lộp bộp va vào kính chắn phía trước, những tiếng lộp bộp ấy liên tục, mỗi lúc một nhiều, như tiếng mưa, mà không phải. Anh mở choàng mắt ra, và thấy một cảnh tượng mà anh chưa bao giờ được thấy. Xe đang chạy trên con đường giữa cánh đồng, từng đàn chuồn chuồn bay thấp giăng kín, những con chuồn chuồn va đầu vào kính chắn kêu lộp bộp, toé máu. Anh chợt nhớ câu chuyện của thằng bạn hoạ sĩ. Hắn kể rằng, lần nọ, hắn về miền Tây bằng chiếc xe Vespa cổ, xe chạy gần như suốt đêm, băng qua những con đường giữa cánh đồng, đến sáng, hắn thấy trước bửng xe chi chít vết máu của những bầy muỗi đã đập đầu vào đấy. Những vết máu ấy ấn tượng đến mức hắn để nguyên đấy mà không rửa, thậm chí sau này cái tay họa sĩ lập dị ấy còn có ý định sơn chiếc xe Vespa cổ của mình bằng màu y chang màu của những vệt máu như thế, nhưng những chỗ sơn xe mà hắn tìm đến đều lắc đầu. Sơn màu xe giống màu những vệt máu tươm toé ư?!. Ông có khùng không?!. Ông muốn trở thành đối tượng theo dõi của công an hả?!. Bọn người ở những chỗ sơn xe đã quát vào mặt hắn như thế. Hắn tức quá quạt lại: “Máu muỗi chứ có phải máu người đâu? Mấy bố vừa không biết đếch gì về nghệ thuật vừa nhát tổ cha. Tôi mà sơn được hả, tôi làm liền. Tôi là thằng làm nghệ thuật, tôi đếch sợ ai!”. Câu chuyện của thằng bạn hoạ sĩ, thoạt đầu anh không tin, nhưng sau nghĩ cũng có cơ sở. Còn bấy giờ, khi ngồi thiu thiu trên xe, nhìn thấy những con chuồn chuồn đang va đầu vào kính chắn, anh chợt thấy buồn khủng khiếp. Anh muốn kêu xe dừng lại, anh muốn bước xuống bờ ruộng kia, đi đến một cây cầu vắng ngồi ở đó cho đến đêm; hoặc lăn xuống một vũng bùn như con trâu; hoặc trôi ra dòng sông như con cá. Hãy bơi đi. Hãy chết đi. Hãy ngậm bùn vào miệng và im lặng vĩnh viễn. Những tiếng đập đầu tự sát của những con chuồn chuồn vẫn vang lên đều đặn. Anh muốn ói mửa. Anh muốn rên lên:

– Cơ thể của tôi đang bị nhiễm độc từ từ.

Tôi, chúng ta, không có gì xa lạ đâu em ạ!. Những gì mà anh trải nghiệm, anh nghĩ mọi người cũng đã từng cảm biết như thế, có điều mỗi người bày tỏ mình một cách khác nhau, hoặc nông nổi, hoặc đạo đức giả, hoặc hoang mang… Anh là một kẻ hoài hoang mang, một kẻ vô tích sự[1]…Tuy nhiên, anh cũng tự nhận thấy mình có một ưu điểm lớn, nhưng đấy cũng là ưu điểm gần như duy nhất (hay là khuyết điểm không thể cứu vãn), chẳng dùng được vào việc gì.

[1] (Thưa bạn đọc kính mến!, đến đây xin phép được mở ngoặc để nói thêm rằng: trong truyện này, tên các nhân vật đã được giấu đi, họ mang một cái tên đại khái, tượng trưng cho công việc, cuộc sống của họ. Song, vốn là những người phức tạp, nên dù đã được đặt tên, đôi khi họ vẫn thấy không hài lòng, họ muốn đặt tên lại, muốn được gọi như thế nọ, thế kia… Do đó, mỗi nhân vật chính trong truyện này đều mang vài ba cái tên. Mong quí bạn đọc chịu khó theo dõi giúp!”


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button