Văn học trong nước

Sài Gòn Úmbala

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Trung Nghĩa

Download sách Sài Gòn Úmbala ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI GIỚI THIỆU

Từ thời xưa, mảnh đất Sài Gòn – Gia Định và sau này là Thành phố Hồ Chí Minh đã là nơi hội tụ của nhiều dòng chảy văn hóa nghệ thuật đi theo sau sự tiếp nhận các nguồn lưu dân hay ảnh hưởng văn hóa nước ngoài.

Qua nhiều giai đoạn thăng trầm, đặc tính hội tụ làm nên một diện mạo văn nghệ Sài Gòn nhiều thú vị, vừa chứa nhiều dạng thức văn hóa truyền thống vừa dung nạp những cái mới, cái hay ở khắp nơi.

Sài Gòn úm ba la là một tuyển tập về làng văn nghệ Sài Gòn – TP. HCM qua góc nhìn và ngòi bút của tác giả Trung Nghĩa, góp phần phản ánh một số khía cạnh trong muôn mặt đời sống văn nghệ vốn rất rộng lớn, cực kỳ sôi động và lý thú của vùng “đất lành chim đậu” này.

Với thế mạnh là một cây bút văn hóa văn nghệ của báo Tuổi Trẻ TP. HCM gần 20 năm qua, Trung Nghĩa mang đến cho bạn đọc những phóng sự văn nghệ đậm chất đời sống trong một giai đoạn nhất định, được thể hiện bằng văn phong giản dị, gần gũi và lôi cuốn.

Cách tiếp cận văn nghệ Sài Gòn của Trung Nghĩa thông qua việc gặp gỡ trực tiếp những nghệ sĩ, chứng nhân và người trong cuộc, không phân biệt nổi tiếng hay vô danh, lâu năm trong nghề hay chỉ là “lính mới”. Bởi theo tác giả, “vùng đất Sài Gòn bao dung, rộng mở luôn dung nạp nhiều thế hệ nghệ sĩ đã, đang và mãi mãi cống hiến tài năng, lòng đam mê nghệ thuật của mình đến với công chúng”.

Sài Gòn úm ba la thể nhiều tâm huyết của tác giả Trung Nghĩa, cây bút văn hóa văn nghệ của báo Tuổi Trẻ TP. HCM từng đoạt giải nhất giải Báo chí văn hóa nghệ thuật – Hội nhà báo TP. HCM năm 2005 lĩnh vực âm nhạc và giải nhất giải Báo chí văn hóa nghệ thuật Hội nhà báo TP. HCM 2013.

ĐỌC THỬ

SÀI GÒN TÌNH CA

“Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai

Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay

Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này

Saigon đẹp lắm, Saigon ơi! Saigon ơi!”

Có không ít nhạc phẩm về Sài Gòn nổi tiếng theo từng giai đoạn lịch sử và dường như bất tử theo nhịp sống Sài Gòn. Cụ thể như ca khúc Sài Gòn (Y Vân) – một nhạc phẩm ra đời trước năm 1975 và vẫn quen thuộc ở mọi tầng lớp công chúng cho đến nay.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, có những bài ca cách mạng hào hùng như Tiến về Sài Gòn (Huỳnh Minh Siêng), Sài Gòn quật khởi (Hồ Bắc), Người mẹ Bàn Cờ (nhạc Trần Long Ẩn, thơ Nguyễn Kim Ngân)…

Trong thời bình, những bài ca về thành phố mang tên Bác được tiếp nối với hàng loạt ca khúc đi sâu vào lòng công chúng: Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng), Thành phố của tôi (Phan Nhân), Thành phố tôi yêu (Hoàng Hiệp), Thành phố tình yêu (cố nhạc sĩ Thanh Trúc), Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (nhạc Phạm Minh Tuấn, thơ Nguyễn Nhật Ánh), Thành phố mười mùa hoa (nhạc Phạm Tuyên, thơ Lệ Bình), Thành phố trẻ (Trần Tiến)…

Theo nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, hầu như nhạc sĩ nào sinh ra hoặc cư ngụ tại TP. HCM đều có ít nhất một sáng tác về thành phố. Tất nhiên không phải sáng tác nào cũng có điều kiện được phổ biến rộng rãi hay may mắn được công chúng yêu thích.

Nhưng dù sao viết về mảnh đất mình gắn bó là động lực tự nhiên. “Sài Gòn là nơi tôi đã trưởng thành với biết bao kỷ niệm vui buồn. Tôi chọn hình ảnh nụ cười của một con người cụ thể để viết thành tác phẩm mới nhất Nhớ nụ cười Sài Gòn” – Phạm Đăng Khương kể.

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Nam – Phó chủ tịch Hội âm nhạc TP. HCM và nguyên Trưởng phòng ca nhạc Đài truyền hình TP. HCM – từng tham gia vào ban tổ chức đợt vận động sáng tác Sài Gòn tình ca (ba đợt liên tiếp 2002-2003-2004), thu nhận gần 100 nhạc phẩm được sáng tác trong bối cảnh và hoàn cảnh mới về mảnh đất tình người Sài Gòn.

Thật thú vị khi trong đợt vận động sáng tác Sài Gòn tình ca, một trong hai ca khúc được hội đồng thẩm định xếp hạng A lại là của một tác giả từng có những tình ca về Hà Nội rất hay như Em ơi Hà Nội phố, Đâu phải bởi mùa thu, Im lặng đêm Hà Nội: Phú Quang.

Nhạc sĩ Phú Quang bảo không có gì bất ngờ cả: “Vì tôi đã sống ở TP.HCM, đã mắc nợ mảnh đất Sài Gòn suốt 20 năm nay rồi”. Trước đây Phú Quang từng có những sáng tác về Sài Gòn như Khúc mưa (viết năm 1987), Sài Gòn thu (1992) nhưng đây là lần nhạc sĩ nhọc công và “thai nghén” tác phẩm khá lâu (gần nửa năm) mới hoàn chỉnh Thành phố đêm.

“Phải thừa nhận là viết về Sài Gòn không dễ bởi cảm xúc thì nhiều nhưng không biết chọn cái nào là rung động sâu lắng nhất. Tôi nghĩ mãi đến một ngày chợt nhẹ nhàng nhận ra sự so sánh: sau bề mặt sôi động, vội vã và ồn ào, Sài Gòn có một bề mặt khác rất thanh thản, tâm lành và hiền hơn.

Tôi nhận thấy ban ngày Sài Gòn nắng nóng cỡ nào thì ban đêm cũng dịu mát, dung dị, bình yên đến lạ lùng. Tôi cho rằng con người Sài Gòn chân thành và nơi đây đúng là vùng đất màu mỡ có thể gieo được tất cả các hạt thành hoa. Cũng như tất cả ca khúc khác, Thành phố đêm chưa phải là ca khúc tôi hài lòng 100% nhưng cái hạnh phúc nhất là tôi đã bày tỏ được tình cảm của mình vào nội dung tác phẩm”, nhạc sĩ Phú Quang cho biết.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm Nhạc TP. HCM khẳng định: “Đời sống âm nhạc TP, giới nghe nhạc trẻ luôn cần những ca khúc hay, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, vùng đất ruột thịt, tình yêu nam nữ trong sáng, hướng thượng để cân bằng và hài hòa vào mảng hoạt động giải trí thương mại âm nhạc”.

Giới nhạc sĩ trẻ cũng có những sáng tác về Sài Gòn mang hơi thở tuổi trẻ và tạo dấu ấn nhất định như Sài Gòn cô tiên năm 2000, Sài Gòn mãi trong tim ta (đều do Phương Uyên sáng tác), Sài Gòn quê hương tôi (Đức Trí)…

Hai bài hát của Phương Uyên cho thấy quá trình trưởng thành của nữ nhạc sĩ/ca sĩ này. Nếu như Sài Gòn cô tiên năm 2000 với ca từ hồn nhiên, nhiều ước mơ bình dị và giai điệu phù hợp với cách trình diễn của một nhóm rock nữ như Ba Con Mèo mà Uyên làm thủ lĩnh thì Sài Gòn mãi trong tim ta (được viết nhân đợt kỷ niệm TP 300 năm) lại thể hiện tình yêu sâu đậm với quê hương của những công dân trẻ trưởng thành, giai điệu hòa bè tốp ca như một dạng We are the world…

Tất nhiên, để có những ca khúc phổ biến sâu rộng và được mọi người yêu thích như những tác phẩm nổi tiếng trước đây thì còn phải chờ đợi “hữu xạ tự nhiên hương”, tìm sự hòa nhịp với công chúng yêu nhạc. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn cho rằng: “Một ca khúc đến với công chúng và được yêu thích luôn cần có thời gian lan tỏa và chịu sự thẩm định của mọi giới”.

Nhạc sĩ Phú Quang đồng ý với sự chờ đợi và cho biết: “Ngay cả bài Em ơi Hà Nội phố của tôi cũng mất đến 10 năm mới được mọi người biết đến và thừa nhận. Việc thành công chậm đôi khi lại trở thành may nếu nhạc phẩm lại được ở lâu trong lòng công chúng”.

Hơn nữa, một nhạc phẩm ra đời tìm đến công chúng hôm nay phụ thuộc khá nhiều khâu hỗ trợ tương tác: người hòa âm phối khí, ca sĩ thể hiện phù hợp, các hình thức lan tỏa vào đời sống thưởng thức âm nhạc…

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương kể vào năm 2004 Nhà văn hóa Thanh niên TP. HCM từng tổ chức một cuộc thi hát các ca khúc về Sài Gòn – TP. HCM với quy mô lớn và rộng rãi dành cho mọi đối tượng. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, nhóm nhạc trẻ tiếp tục sáng tác và hát về Sài Gòn với những giai điệu trẻ trung, hiện đại, gần với khán giả nghe nhạc trẻ: Sài Gòn teen (sáng tác Yên Lam, ca sĩ Võ Hạ Trâm thể hiện), Sài Gòn twist (Trần Quế Sơn, ca sĩ Lan Trinh), Tôi yêu thành phố tôi (Nguyễn Hồng Thuận, nhóm V.Music), Sài Gòn Sài Gòn (Châu Đăng Khoa, nhóm V.Music), Nụ cười Sài Gòn (Nguyễn Hà, ca sĩ Kyo York)…

Cảm xúc khi hát và nghe Sài Gòn tình ca ở mỗi người mỗi khác, nhưng tất cả đều xuất phát chung từ một tình yêu sâu đậm với Sài Gòn. Ca sĩ Đan Trường nói: “Tôi đã hát nhiều bài Sài Gòn tình ca như Nhớ nụ cười Sài Gòn (Phạm Đăng Khương) và cảm thấy rất đồng cảm với tác giả cái tứ “Và khi đi xa ta lại nhớ Sài Gòn…”. Quả vậy cứ mỗi lần đi diễn xa tôi đều có cảm giác nôn nao được trở về lại thành phố. Cái không khí, nhịp sống cực kỳ nhộn nhịp và sôi động thường ngày của Sài Gòn khiến người nơi đây có cảm giác thân thiết khó rời. Mỗi khi hát tình ca về Sài Gòn – TP. HCM, dường như cảm xúc trong tôi khác hơn khi thể hiện những ca khúc khác. Có lẽ tâm hồn tôi đặt thật nhiều vào bài hát và mong muốn gửi tấm lòng đó đến với đông đảo bạn trẻ để cùng chia sẻ…”

Ca sĩ Mỹ Tâm có quê ở Đà Nẵng nhưng thành danh ở Sài Gòn thì tâm sự: “Mặc dù sinh ra ở miền Trung nhưng mảnh đất Sài Gòn lại là nơi tôi học tập và trưởng thành. Sài Gòn đã mang đến cho tôi một môi trường sống năng động, khao khát làm việc và đóng góp lời ca tiếng hát. Mỗi ngày đi qua những con đường cây xanh rợp mát, mỗi đêm khi đi diễn về muộn ngắm nhìn phố xá vắng lặng, tinh tươm hơn nhờ những anh chị lao công thầm lặng…, tôi chợt nhận ra thành phố trở nên thân quen tự bao giờ. Tôi đã hát bài Phố quen với tất cả cảm xúc thân quen về một Sài Gòn hiện đại nhưng luôn giữ nét “nắng đẹp nên thơ” với hình ảnh về những “hàng me xanh, giọt mưa tí tách”… mà nhạc sĩ Mạnh Trinh miêu tả nhẹ nhàng, đậm chất trữ tình trong nhạc phẩm Phố quen”.

Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Vũ Quốc Việt trải lòng với Sài Gòn rằng: “Những con đường trải dài bóng mát, để cho đôi chân tôi từng ngày bước qua. Như một lời nhắn nhủ trong hồn tôi hai tiếng Sài Gòn thật êm đềm vời vợi. Thành phố luôn cuộn chảy nhộn nhịp tấp nập, nhưng có lẽ cũng không kém phần trữ tình mộng mơ trong tận cùng của miền nỗi nhớ. Những ngày đầu tôi đến đây và đã ngỡ như mình có duyên với Sài Gòn từ lâu lắm, thế là những góc phố, con đường, hàng cây và tiếng cười cũng thật hiền với tôi. Và những khoảnh khắc vô tình như tìm về nơi tĩnh lặng nhất của thời gian đã khiến tôi khắc họa bằng âm nhạc với bài tình ca Sài Gòn gọi tên mùa xuân. Bài hát như một lời tự tình của người nghệ sĩ đi trong tuổi mùa hạ, nhưng vẫn thấy Sài Gòn quanh mình mãi ở tuổi mùa xuân. Vẫn cứ thấy hoài một hình bóng tưởng chừng như xa xăm lắm, nhưng chợt hiện về quay quắt trong ký ức mông lung. Bài tình ca mong ca ngợi một cuộc đời trải qua nhiều gian lao của chiến tranh mà giờ nghe mãi đẹp và hồn nhiên như thuở nào. Là một người trẻ tuổi của thế hệ hôm nay, tôi vẫn cứ mãi thích nghe những kỷ niệm vui buồn của một thời gian khó. Tất cả những gì tôi đã nghe và bước qua cứ ngỡ như một huyền thoại, lòng như chợt nao nao canh cánh mong muốn làm một chút gì đó nho nhỏ để cùng trọn niềm vui hôm nay. Tôi luôn thầm cảm ơn Sài Gòn trong những tiếng hát và cứ mãi ước ao viết thật nhiều bài hát về Sài Gòn”.

Những tình ca về Sài Gòn vẫn luôn có thật nhiều ngả đường đến với công chúng như “một tình yêu mến ghi lời hát câu ca” (lời ca khúc của Y Vân). Có lẽ bởi khi hát về Sài Gòn, ai ai cũng muốn reo lên “Saigon đẹp lắm! Saigon ơi! Saigon ơi!”.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button