Văn học trong nước

Quê Nhà

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Tô Hoài

Download sách Quê Nhà ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Giới thiệu

Quê Nhà: Nhà văn Tô Hoài đã viết một bộ tiểu thuyết gồm ba tác phẩm: tiểu thuyết “Quê người”, tiểu thuyết “Mười năm”, tiểu thuyết “Quê nhà.” Mỗi tiểu thuyết, câu chuyện, hoàn cảnh và nhân vật đều khác nhau, nhưng tất cả được nối tiếp có hệ thống về các sự kiện lịch sử và xã hội của một vùng nhất định.Câu chuyện về một địa phương, đấy là các làng mạc ở Hà Đông và Sơn Tây, vùng tây bắc thành phố Hà Nội xưa kia, nơi nhà văn Tô Hoài sinh ra và lớn lên. Ở cả ba tiểu thuyết trên đều in dấu vết những nhân vật trong đó có tác giả và gia đình, bè bạn ở sự việc, ở hoàn cảnh, ở những kỷ niệm hồi thơ ấu và đương thời. Bộ ba tiểu thuyết này đã được liệt kê trong danh sách các tác phẩm của Tô Hoài vinh dự được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học đợt 1 (1996).

Tiểu thuyết Quê nhà (viết 1985) nói về sự việc hai lần quân Pháp tấn công chiếm Hà Nội cách nay đã hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, những nhân vật lịch sử của các trận đánh: Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc, các tướng tá Pháp như Phơ răng xi Gácniê, Hăng ri Rivie không phải là các nhân vật chủ yếu. Mà ở đây tác giả đã miêu tả tình hình các phường xóm và làng quê trong thành ngoại nội mà nhân dân – các anh hùng vô danh, đã dũng cảm nổi lên chống quân xâm lược như thế nào.

Lời giới thiệu

Nhà văn Tô Hoài đã viết một bộ tiểu thuyết gồm ba tác phẩm: Quê người, Mười năm, Quê nhà. Mỗi tiểu thuyết, câu chuyện, hoàn cảnh và nhân vật đều khác nhau, nhưng tất cả được nối tiếp có hệ thống về các sự kiện lịch sử và xã hội của một vùng nhất định.

Câu chuyện về một địa phương, đấy là các làng mạc ở Hà Đông và Sơn Tây, vùng Tây Bắc thành phố Hà Nội xưa kia, nơi nhà văn Tô Hoài sinh ra và lớn lên. Ở cả ba tiểu thuyết trên đều in dấu vết những nhân vật trong đó có tác giả và gia đình, bè bạn ở sự việc, ở hoàn cảnh, ở những kỷ niệm hồi thơ ấu và đương thời. Bộ ba tiểu thuyết này đã được liệt kê trong danh sách các tác phẩm của Tô Hoài vinh dự được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học đợt 1 (1996).

Tiểu thuyết Quê nhà (viết 1978) nói về sự việc hai lần quân Pháp tấn công chiếm Hà Nội cách nay đã hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, những nhân vật lịch sử của các trận đánh: Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc, các tướng tá Pháp như Phơ răng xi Gácniê, Hăng ri Rivie không phải là các nhân vật chủ yếu. Mà ở đây tác giả đã miêu tả tình hình các phường xóm và làng quê trong thành ngoại nội mà nhân dân – các anh hùng vô danh đã dũng cảm nổi lên chống quân xâm lược như thế nào.

Tiểu thuyết Quê người (viết 1941) cũng một khung cảnh ấy, những vùng Hà Nội đã bị chiếm đóng. Cảnh điêu linh và khốn cùng diễn ra, biết bao nhiêu người đã phải tha hương. Đi phu, đi làm đường, vào Nam, sang Tân Đảo và các thuộc địa Pháp ở ngoài châu Đại Dương, làm cu li đồn điền. Trong cảnh khốn đốn, phải đi “đất khách quê người”. Tiểu thuyết Quê người đã được tác giả viết trước nhất, cách đây nửa thế kỷ, từ khi nhà văn Tô Hoài mới bắt đầu cầm bút. Điều đó chứng tỏ đề tài của vấn đề đã nung nấu lâu dài trong tâm tư và tình cảm tác giả theo bước với sự phát triển của số phận cuộc sống và lịch sử.

Tiểu thuyết Mười năm (viết 1957) cũng vẫn quang cảnh và tình hình ở vùng ấy, nhưng bước sang một giai đoạn quyết liệt nhất, mười năm 1935 – 1945. Nước Pháp đã bại trận ngay khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Phát xít Nhật can thiệp vào Đông Dương. Đất nước ta bị hai tròng áp bức và bóc lột, nạn đói vô cùng thảm khốc đã xảy ra mà mỗi con người chỉ còn có con đường một sống một chết.

Trong khốn cùng ấy, lá cờ nghĩa đánh Pháp đuổi Nhật cứu nước do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo giương cao đã tung bay khắp nước, từ rừng núi xuống đồng bằng. Tiểu thuyết Mười năm ấy là thời gian mười năm toàn dân chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, tiến tới Cách mạng tháng Tám 1945 thành công.

Đến nay, hơn năm mươi năm đã qua, để thấy được nguyên nhân sâu xa những điều tâm huyết của Tô Hoài với một vùng đất ông từng gắn bó. Trải ba mươi năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ngày nay đương bước vào giai đoạn xây dựng đất nước hùng vĩ chưa bao giờ từng có, xin được in lại trọn bộ cả ba tiểu thuyết: Quê nhà, Quê người và Mười năm.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

ĐỌC THỬ

I

KHÔNG AI CÒN NHỚ TỪ NĂM NÀO – loạn lạc lâu quá rồi, con đường quan từ trấn Sơn[1] xuống Kẻ Chợ vắng ngẩn vắng ngơ đến đỗi cả các làng ven đồng xưa rày có lối ra đường cái cũng như không biết có nữa. Những ngày phiên chợ Gạch, chợ Nhổn, chợ Phùng, không thấy một bóng qua đường về chợ.

Lại cho đến cái năm quan ba Ngạc Nhe[2] sang bị chết trận ở đầu làng Thủ Lệ thì đường cái từ Sơn Tây xuống tưởng như tuyệt nhiên không còn ai dám qua lại. Đến mùa cỏ may, chỉ thấy từng quãng trắng mờ hút mắt. Thỉnh thoảng, giữa đám cỏ hoang ấy, một cuộn bụi đỏ bốc lên, cuốn dài, như những tổ mối đương đùn. Biết đấy là có ngựa trạm chạy thư lên ngược. Chỉ có thế, rồi đồng đất càng vắng lặng hơn.

Nhưng không phải như thế. Ở trong những khoanh tre kín mít các làng cuối cánh đồng xa tít kia, chợ nào cũng vẫn đông. Người tự xa cũng về chứ chẳng phải chỉ có làng xóm gồng gánh quanh. Thế mới lạ. Chỉ vì người qua lại, người đi chợ ngại ra đường quan gặp giặc, gặp kẻ cướp. Làng nào cũng đi tắt đồng. Từ Sơn xuống toàn đường tắt. Cả sang bên kia sông Cái cũng đi quanh co xó xỉnh, lên đê ra Vân, ra Cốc, xuống Bồng Lai, Bá Giang rồi mới trở ra, sang đò ở một bến lẻ nào đấy.

Bởi vậy, cái cảnh quen thuộc người ta thường gặp bấy giờ, đôi khi chợt tới đầu đồng, chân đê, dưới bóng một cây đề, một cây trôi tán lá tròn xoe, xanh mướt, cứ tưởng đến chỗ khuất nẻo quá như thế này mà nhỡ độ đường thì chỉ còn cách ba chân bốn cẳng chạy thục mạng thêm một thôi nữa, bỗng nhiên lại thấy lúp xúp một quang cảnh yên vui, đôi ba chiếc lều chợ, một quán nước, có khi có cả hàng cơm chứa trọ.

Qua sông Đáy đến Phùng, tạt xuống cánh đồng Gối, đi một đỗi, theo đường bờ ruộng vào đầu ô Cầu Giấy, hay tạt ngang sang sông Cái. Nhưng dù sang sông hay vào Kẻ Chợ cũng không ai dám đi thẳng đường Phùng. Chỉ ở những chỗ không ngờ mới có đò ngang sang sông. Có lối tắt vòng sau lưng phủ Hoài ra đầu ô. Và có hàng quán. Người đi đường dừng chân lại ở chỗ khuất nẻo, làm hớp nước, hoặc nếu nhìn ra thấy đã vàng mặt trời thì nghỉ lại. Trước mặt, chỉ thấy lũy tre và bãi ngô vàng thăm thẳm, xa làng xóm quá. Người đi đã ròng rã mấy ngày đường lại càng ngại.

Chỗ ấy kín đáo đầu đồng, tựa lưng vào mấy gò đất cao, bên cạnh một dãy ba cây đề cổ thụ. Từ cuối đồng đằng kia đã trông thấy những cành lá đề lưa thưa đan lên khoảng trời.

Có một cái cầu ngói, nơi người đi làm đồng sâu đến nghỉ trưa. Không biết rồi mùa hạ tới, mấy quán kia có còn đứng được ở chỗ chơ vơ này không. Bây giờ mới chớm gió heo mà đã thấy mái rạ tơi tả, như những mái lều phải chúi vào gốc cây và lưng gò đất mới tránh được những làn gió giật từ cuối đồng lên lùa vào vòm lá đề cứ reo à à suốt đêm.

Người xuống Kẻ Chợ hay sang sông qua đây đã quen gọi nơi dừng chân này là chỗ Ba Cây Đề đầu lối xuống bãi Cốc.

Bấy giờ, mặt trời đã khuất lưng núi Ba Vì. Chỉ còn thấy một vùng hửng trên đầu lũy tre xanh đen giăng ngang cuối đồng. Có hai người đương tất tả đi lên. Từ bờ tre cuối làng qua một dải đồng cao rồi lại xuống đồng sâu, men theo bờ đìa – những lối kín qua làng. Đàn chim choi choi, chập tối rồi mà còn bay như vãi thóc, vụt lên vụt xuống, ở từng quãng chợt có người đi qua.

Lên tới được đầu đồng, đã nhọ mặt người. Bấy giờ mới trông rõ đấy là một ông già và một người trẻ tuổi – dáng như hai bố con. Cái nón bứa cũ kỹ – cả tàu lá cọ uốn khum, để nguyên đầu vấu, cũng khiến người ta đoán được ông con nhà này hẳn từ vùng chân núi Ba Vì ra thăm ai hay có việc về Kẻ Chợ. Ông già đeo khăn gói và người trẻ tuổi gánh hai tay nải nhỏ, trông chừng như bên trong đựng mấy lẻ gạo và chiếc mền để tiện ngủ đêm đâu sẵn có cái đắp.

Lều hàng cơm anh Đề Cụt ở ngay gốc đề ngoài cùng. Thoạt trông như một cây rơm to được đánh đống lại. Hay bảo đấy là cái lều ép mía cũng được. Những lều cây rơm, lều ép mía như thế cứ vào cữ gặt ba giăng xong thường thấy được dựng tùm hum lên ngoài đồng. Những lều hàng cơm ấy thật sự là một cây rơm rỗng ruột, có cửa tò vò vào qua cái mành những cuộng rạ lướp tướp xuống. Người vừa bước chân vào đã cảm thấy ấm áp mùi rơm, bỏ lại ngoài kia một cánh đồng ào ạt gió.

Mới chập tối mà nhiều người các ngả đường đã đến rồi. Không phải vì nghe tiếng lào xào trong nhà hàng và thấy ánh lửa các nhà trọ phía trong, mà chỉ mới trông trước cửa các quán thấy ngổn ngang từng cuộn những gánh song mây gác bếp ám khói, đã lên nước cánh gián sẫm bóng, người ta cứ để nguyên cả chiếc đòn ống như vừa lẳng xuống. Các phường Hàng Tre, Hàng Mây dưới Kẻ Chợ vẫn ăn hàng song mây của lái chợ Nghệ. Những sọt củ nâu lóc nhóc chất ngập hai đầu đòn xóc, chắc mai gánh vào Hàng Vải Thâm hay các lò nhuộm ở Đồng Lầm. Những vò rượu Kẻ Sấu trát bùn ngoài giả như thùng sơn để che mắt kẻ trộm, cũng bỏ lăn lóc cả đấy. Rượu Sấu Giá vào Kẻ Chợ đường ô Cầu Rền. Rượu Thụy Chương, Võng Thị qua đằng trại Hàng Hoa đương được khách hơn. Cả những gánh đĩa bát buôn ở Bát Tràng bên kia sông đem lên ngược, xếp ngay ngắn như những gồng cỏ khô. Rồi lại những thùng tre ghép to gấp đôi thùng gánh nước, chít kín nắp, đấy là thùng dầu sở, dầu lạc mang vào các thổ mua buôn ở phường Đồng Xuân, phường Đình Ngang, phường Đông Tác – những nhà ở phường này lại quảy dần đi bán lẻ rao khắp các phố. Những thứ hàng cồng kềnh ấy để ngoài cửa, cả trên những vè rễ đề. Riêng những dãy tơ Phùng mang vào Sài Bái, Nghĩa Đô hay chợ tơ đình hàng Đào, những thúng cau khô, những buộc trầu vỏ đỏ chóe bọc lá chuối khô, những cửa hàng hoa ấy được người ta đem vào chất cẩn thận sát vách cuối ổ rơm.

Ấy đấy, thời buổi loạn lạc, khó khăn, đường quan ngập cỏ mọc, mà của quê của rừng cứ ùn ùn vào phường phố. Thế nào thì ai cũng vẫn phải ăn phải làm, cuộc sinh sống của con người lúc nào cũng đăm chiêu mê mải. Nhưng nói vụng với nhau đây thôi – dứng có mạch, vách có tai, có tài thánh mà biết được đấy là lái buôn hay đấy là tay chân các ông lãnh, ông võ, ông xuất ở đâu về quanh Kẻ Chợ để nghe ngóng, rình rập. Ai biết trong đống gồng gánh chồng chất ấy là củ nâu hay là súng, là giáo mác…

Ông già dừng lại, bỏ nón ra, quạt lên khuôn mặt hốc hác đen sạm vì bụi, vì mệt nhọc hơn là vì nhớp nháp mồ hôi.

Rồi nói:

– Nghỉ lại đây thôi, con ơi!

Một quang đèn dầu trẩu giữa nhà treo bằng cả cái chão mây thõng trên mặt chõng hàng. Ánh sáng đỏ đọc, khói ngùn ngụt, soi nhếnh nhoáng xuống cái lưng bóng nhẫy một con cầy luộc xóc cả con trên chiếc móc tre, ngay cạnh bóng đọi đèn. Anh chủ hàng cứ chốc lại nhổm lên, giơ con dao mỡ nhoáng, xẻo ngọt từng miếng thịt xuống. Trên mặt mâm chõng, dài có đến ba sải tay, thôi thì la liệt, chỗ bát tương, chỗ cái vỉ, chỗ lá chuối tươi mở ra, những tảng thịt cầy, miếng nầm, miếng đùi lẫn lộn, tú ụ cả một lùm rau ngổ ba lá với từng tảng riềng gần như để cả củ, chỉ xắt đôi xắt ba to bằng quả cau, bằng nắm tay một. Đầu chõng đằng này đặt một chĩnh tương. Bên kia, xếp ngất ngưởng chồng bong bóng rượu, như đàn lợn tháu ăn no rồi nằm đè lên nhau mà ngủ. Những bong bóng lợn đựng rượu – các làng Bồng Lai, Bá Giang bên sông vẫn có thói quen xưa nay chỉ đựng rượu chợ bằng bong bóng lợn. Bọn lái vừa đem đến lúc chiều, chưa kịp trút vào hũ. Bây giờ cứ mở nút lá chuối khô, đong thẳng từng be. Uống suồng sã thế càng thích.

Người ngồi chen chúc hai bên hàng ghế. Ai cũng như quen nhau mà kỳ tình chẳng biết ai quen ai, chốn hàng quán bốc bải tứ chiếng thường như thế. Khói muội đèn, khói rơm bếp, hơi người, hơi rượu thịt, cái lều rơm ấm sực hẳn lên.

Ông già vừa nhô đầu vào, hai hàng ghế đương ăn uống, cứ nhồm nhoàm cất tiếng như đã gặp nhau ở đâu rồi.

– Ấy kìa cố, chúng tôi vô phép rượu cố.

– Không dám, chư ông cứ tự nhiên.

– Cậu cả nữa kìa, mời cậu xơi rượu.

Một bác ngồi gần đấy, lừ con mắt đỏ ngầu, cầm bát rượu đưa lên mời người trẻ tuổi vừa bước vào sau lưng ông lão:

– Rượu đây, uống rồi mới được đặt khăn gói xuống. Lệ quán anh Đề này thế. Con trai mà như con gái thế, à mà má lúm đồng tiền nữa kìa. Cái nhà cậu cả này, hì hì…

Một người khác không nhìn lên, cứ gật gù lẩm bẩm một mình với bát rượu:

– Ừ, cười má lúm đồng tiền, khéo mà là con gái cũng nên. Ấy ấy, chẳng là nhà bố tôi hiếm, bố tôi cho cô em út cất váy đi bắt mặc quần con trai lấy khước đấy, anh em ạ!

Ông già rầu hẳn nét mặt rồi gườm mắt nhìn mấy người đương vừa nói vừa đùa cười hô hố:

– Đừng trêu cợt người già mà phải tội, chư ông ạ. Bố con tôi đi đường xa mỏi chân quá rồi.

– Cố bỏ lỗi cho chúng cháu.

Một người phân trần:

– Nói thật với cố chứ, người thiên hạ bây giờ mà còn đi đó đi đây thì đến cái mồm cũng phải có võ mới dám bước chân ra đường cái.

Thế là mấy người lại nhao nhao hỏi: “Võ gì thế? Võ mồm à? Cái gì thế?”.

Một người nói:

– Cố ạ, mắt tôi đã trông thấy con gái Kẻ Sấu chuyên buôn rượu ra Kẻ Chợ toàn mặc giả đàn ông. Gánh rượu bằng đòn càn, gặp Tây đánh Tây, gặp cướp đánh cướp. Đám giặc cái ấy đã có lần nào nghỉ đêm ở hàng ta chưa, hả anh Đề?

– Dễ thường chưa đâu, ông anh ạ.

– Ừ mà giá các cô giặc cái ấy qua đây, người điển trai mà lại sức võ như anh Đề thế nào mà chẳng ngắm được vài cô.

– Thời buổi này chán vạn cái lo, không dưng lại đeo thêm cái lo nặng nợ vợ con nữa, sống làm sao?

Anh chủ hàng vừa xẻo miếng thịt, vừa nói. Cái bác uống rượu, cứ ngắm bát rượu của mình từ lúc nãy lại lẩm nhẩm nói:

– Đã bảo thời loạn, con người cứ phải lặn lội đầu hôm sớm mai thế này thì đến đàn bà rồi cũng hóa ra đàn ông, hà… hà…

Ở góc trong hàng, phía cửa đun bếp có tiếng đàn bà nói ra:

– Ơ kìa, em vẫn có hôm đi cất hàng đấy chứ.

Cả mấy bợm rượu lại nhao nhao:

– Cô ấy à, buôn ngồi như cô thế này thì ai chẳng buôn được.

– Đố cô dám mai đi chợ Canh mua chó về làm nào?

– Hay là vẫn đầu sai ông anh!

Anh Đề vào bếp, bước chen giữa đám khách đông bây giờ ngồi cả sang ổ rạ, vừa đi vừa cười hề hề:

– Không, không, cô nó nhà cháu vẫn đi chợ Canh, cả chợ Trôi, có khi sang tận chợ Đăm đấy ạ.

– Không phải mặc giả trai chứ?

– Không ạ.

– Thế thì giỏi, giỏi!

Bác cầm bát rượu lúc nãy bây giờ đặt bát xuống, nói:

– Hãy còn chuyện lạ hơn nữa kia, từ nãy là chuyện đàn bà hóa đàn ông, bây giờ chuyện đàn ông giả đàn bà. Vẫn bọn lái rượu Sấu Giá đấy thôi. Các tướng ấy muốn đi thong dong, ngại bọn cướp đường quấy rầy. Thế là, váy đụp, khăn mỏ quạ xùm xụp và đôi quang gánh tềnh toàng như những bà lão trong làng đi chợ bán thúng khoai. Ấy thế mà cả trong ngực yếm cũng nhét hai cái bong bóng rượu phồng to tướng như hai quả dừa!

Người ta cười như hét lên.

– Chẳng biết thế nào, ông hóa bà, bà hóa ông… Ha, ha…

– Này thôi hãy hượm bông phèng. Cô em vào đong cho anh bát rượu nữa nào.

Người con gái đứng dậy, bước ra. Tiếng ù ù nhẹ nhẹ ở xó bếp bỗng dứt đi. Bấy giờ mọi người mới để ý từ nãy ở xế phía cửa nách cô Gái ngồi xay bột làm bún trong ấy. Thớt đá nghiến vào nhau, dấm dứt, lẫn tiếng gió xào xạc ngoài mái rạ, làm cho không ai nghe ra.

Gái bước vào quầng sáng đèn, nhấc cổ chiếc bong bóng để rót rượu và bấy giờ ai cũng trông rõ mặt. Cứ kể bộ dạng cô này thì đêm hôm cô đi chợ nào cũng được mà cả đến cho cô vào đánh nhau lột váy Tây đen trong Đồn Thủy cô cũng dám vào như bỡn. Mặt vuông chữ điền, dáng chắc mầm, nhanh thoăn thoắt. Trong làn khăn vuông đen, chỉ thấy đôi mắt sắc như dao lúng liếng.

Gái lễ phép chào ông già vừa vào.

– Lạy cụ ạ.

Rồi quay sang người trẻ tuổi, khẽ nói:

– Chào bác ạ.

Anh chàng đã hạ đôi tay nải xuống từ nãy, ngồi ngang lên cái đòn gánh, ngượng nghịu, lí nhí đáp lại câu chào có vẻ tinh nghịch của cô gái hàng cơm. Rồi, lại như sợ sệt, anh nhấc cái đòn lên, ngồi lùi sát vào trong.

Gái nhanh mắt đã nhận thấy những cử chỉ nhút nhát của anh trai đường ngược.

Lúc ấy, chui từ trong bếp ra giữa làn khói thơm nồng nàn có ánh đèn tỏa trên quang dầu xuống, mọi người mới trông tỏ mặt anh Đề chủ hàng cơm. Anh Đề còn trẻ, chỉ trong ngoài ba mươi. Mặt cũng vuông chành chạnh như cô em gái, thoạt trông biết ngay là anh em. Và bây giờ mọi người mới để ý, anh Đề mặc tấm áo kép năm thân vải nâu da bò lửng ngang đầu gối, một bên ống thõng, tay trái cụt hết nửa khuỷu dưới.

Chủ hàng vờn vỡ làm như bây giờ mới nhìn thấy bố con ông già vào. Có lẽ cũng là do thói quen nhà hàng chuộng vui vẻ. Bởi một tay anh Đề đương xách ra một xâu lòng gan luộc vừa chín tới, khói lên nghi ngút.

– Lạy cụ ạ. Kìa chú, ngồi ra mâm này, còn đánh chén nữa chứ. Xin cụ xơi tạm. Các vị đằng kia ngồi dẹp một tí. Rộng chán. Mà cho nó ấm. Hàng cháu là thượng hạng thịt cầy chỗ Ba Cây Đề này. Chỉ độc món luộc với món hầm, toàn kén chợ Canh cả. Chó chợ Canh ngon nức tiếng ra tận Kẻ Chợ đấy. Rượu thì có cái Quế Dương bây giờ là nhất. Rồi bún xáo, cô cháu kia vừa xay vừa rót khuôn làm bún, bún nóng. Ngà ngà rồi mời cụ với chú nghỉ trong ổ rơm. Khắp lều, chỗ nào cũng ngả lưng được, đấy ổ rơm suốt vào đến trong vách. Tối nay hàng cháu vui quá. Thưa cụ ở trên ngược xuống ạ?

– Phải.

– Cụ về Kẻ Chợ à?

– Phải ạ.

– Còn một thôi đường nữa thôi. Đây tới đầu ô chỉ rảo chân một nhát. Mà ấy chớ, cụ đừng ra đường quan. Cứ ven đê lên rồi tắt cánh đồng trước mặt ra sau lưng phủ Hoài, lội qua đồng Noi mà sang Bưởi, cụ ạ. Các ông đây mai cũng đi tắt đồng thế cả. Bây giờ chẳng ai dại mà đâm đầu ra đường quan cho phải vác thêm cái hốt hoảng vào người.

Ông lão thủng thẳng nói:

– Đội ơn bác mách cho. Bố con tôi ở đồng rừng về, không sõi đường sá thế nào.

Một người nói:

– Cụ cứ yên tâm xơi rượu. Bà con trong làng trong nước cả, có gì ta phải bảo nhau.

– Xin đội ơn ông.

Đề Cụt lại nói:

– A, khách nhớ nhà hàng, bận sau cụ có về cứ vào đây. Hàng cháu là hàng Đề Cụt.

Ông già ra vẻ lúng túng, nhưng đã nhác mắt nhìn rất nhanh chủ quán, rồi rụt rè:

– Vâng, cụ… cụ đề…

Đề Cụt cười lớn, trong khi đẩy bát tương và đĩa thịt vừa thái về phía trước mặt ông già.

– Cháu không phải đề với lãnh gì đâu, bố già ạ. Hàng cháu ở gốc cây đề, cái tay cháu cụt, khách quen gọi luôn thành tên cho dễ nhớ. Từ đấy thành tên là hàng thịt cầy thằng Đề Cụt. Có thế thôi ạ. Mời cụ nhắp rượu.

Một bác khách ngồi đằng cuối mâm chõng lè nhè nói chõ lên:

– Nhưng mà này anh cụt, bây giờ mà anh là đề đốc, lãnh binh thì em cũng xin khăn gói theo anh ngay. Tướng anh trông cũng phải đấy.

– Ới ông ơi, hàng cơm quán trọ, dứng mạch vách tai, đừng có trống mồm mà oan gia. Đây cũng chẳng xa đường quan lắm, ông có muốn cho ông còn lần sau được về hàng em nghỉ chân mà khề khà thế này không?

Ông già bây giờ mới cười xuề xòa, hai tay nâng bát rượu cúi xuống húp một hơi cạn rồi chép chép miệng.

– À thế thì đề là cái gốc đề, thế cũng được.

Mấy người đã đổi chỗ xuống ổ rơm, nhường cho ông già ngồi bên cái ghế bằng mảnh tre úp đóng trên đôi chân mễ gộc tre uốn khum. Ông già nhấc cái bát đàn rượu của anh quán vừa đong, lại uống một hớp vơi hẳn đến lưng bát rồi mới gắp thức nhắm – một miếng gan thái pha to bằng ba đốt ngón tay.

Trong khi ấy, cậu con trai ông già xếp cái tay nải tựa gọn bên chân vách rơm sau lưng rồi ngồi tựa vào, thờ thẫn nhìn ra, hai tay ôm đầu gối, vẻ mỏi chân.

Mấy người ngồi gần ông già kêu:

– Ấy kìa cậu cả ra đây… ra đây…

Ông già đỡ lời:

– Vô phép chư ông, cháu nó không thời được thịt chó. Gói cơm muối vừng trong tay nải bố ấy, con lấy ra đây mà thời cho vui.

Tất cả lại cười váng lên:

– Thế thì cậu cả lại là đàn bà rồi. Đàn bà mới không biết ăn thịt chó.

Từ trong chỗ xay bột bún góc lều lại có tiếng léo nhéo nói ra:

– Các ông anh ơi, vuốt mặt phải nể mũi, còn có em đây chứ.

– Cô Gái thì cũng là đàn ông thôi, thịt hùm cô cũng nhá được, cô còn quá đàn ông nữa, không kể, không kể.

Ông già tợp một ngụm rồi cười khà:

– À cái rượu đậm đấy. Nguyên vì cháu nó có số thờ, phải kiêng từ thuở bé, lâu rồi đâm ra sợ, sợ cả mùi rượu. Chỉ vì cái số thờ mà đành chịu hèn, chư ông ạ.

– Bố cứ cho cậu cả xuống đây chạy hàng cho anh Đề ít lâu, bén mùi rồi thì có mà lại tì tì chén đủ hai mươi món thịt chó trên đời cho mà xem.

– Thật đấy nhỉ?

Nhưng rồi mọi người lại ồn ào cười nói, không ai chú ý đến anh con trai không biết ăn thịt cầy ấy nữa.

Bây giờ, đến lúc đã ngơi tay, anh chủ quán cũng ra đóng một vai ngồi vào đám rượu. Cho thêm vui. Cái quán Đề Cụt này có lẽ tối nào khách qua lại cũng đông đen đầu bởi anh chủ quán dễ tính thế vậy.

Anh Đề ngồi xổm xuống ổ rạ đầu chõng kê bên chồng bong bóng rượu cũng đen xỉn như hai bàn chân to bè của anh. Anh vừa nhấm nháp, vừa đong rượu cho mọi người.

Ông già nói:

– Anh để dành cho tôi cái thủ này.

Anh chủ hàng kêu lên:

– Ôi, bố già đòi xơi đầu thằng Ngạc Nhe kìa, ghê chưa?

Ông lão gật gật:

– Trong con cầy thích nhất cái thịt thủ. Chả là cái răng mình còn khớ khớ.

Anh chủ quán bây giờ mới thật thong thả, cứ cười hê hê.

– Bố già đường rừng mà cũng biết cái thú xơi thịt cái sỏ Ngạc Nhe thì hay thật. Này cụ, trông cái đầu con chó kia có hệt thủ cấp thằng Ngạc Nhe không? Đấy đấy, hai hàm răng nó chìa hết ra trắng tểnh hơn răng lợn luộc, Tây Ngạc Nhe răng trắng mà. Một ngày tôi được cắt tiết mấy thằng Ngạc Nhe, tối nay lại ngồi hầu rượu thịt thủ Ngạc Nhe với bố già, bố già ơi. Nhắm một mình cái thủ Ngạc Nhe mới thật đích đáng ở đời, có phải không, chư ông?

Cái bác nâng bát rượu cứ nhìn như soi mặt xuống bát lúc nãy, bây giờ lấy tay làm hiệu che miệng, trong khi đảo mắt nhấp nháy nhìn mọi người, giả vờ nói khẽ:

– Này ông Đề Cụt, đây gần đường cái quan lắm.

– Thằng Đề Cụt này sợ gì đường cái quan.

– Hàng cơm quán trọ chớ có trống mồm, ông ơi!

– Đây không phải hàng cơm, đây là nhà tớ.

– Nhưng mà ông vừa quát chúng tôi đừng có trống mồm mà. Việc quốc sự, mất đầu như chơi, có phải không, ông Đề Cụt?

Anh quán lại cười hề hề, biết đấy là mấy ông giỡn mình lúc nãy đã làm hiệu bảo người ta phải giữ mồm miệng.

Nhưng rồi Đề Cụt vẫn cãi gượng:

– Thế tớ bảo chém đầu thằng Ngạc Nhe thì có đúng không? Cái đầu lâu hoa cái nó chẳng đã lăn lông lốc ở cổng làng Thủ Lệ đấy à. Nó chả chết đỏng tử ra ở đấy à? Ai vu cho nó mất đầu nào? Ai vu cho nó nào?

Mọi người lại cười râm ran. Những câu chuyện quốc sự như thế, ở mọi hàng quán hẻo lánh trên ngã ba, ngã năm đường tắt quanh Kẻ Chợ, mặc dầu nơi quán xá nào cũng vô khối bọn chó săn chim mồi được các quan trong tỉnh thả cho đi la cà rình mò, nhưng cái lo giặc dã từ đâu đâu tới, nạn nước nỗi nhà đang trải cảnh lầm than vẫn là câu cửa miệng, không mấy ai e ngại trò chuyện, than thở. Vả chăng, nếu có mật thám của Tây, của chánh lý đi nghe ngóng thì ở những ngã ba, ngã bảy người người hay tụ hội này, lại cũng là nơi những kẻ đi lo quốc sự thường hẹn bắt mối, giao quân và có khi còn giăng bẫy thịt bọn chim mồi ấy.

Đề Cụt đương hăng:

– Mà ai biết được nhỉ, bố già tôi đây biết đâu lại chẳng là ông thống trên đường ngược về lấy quân. Anh em chúng tôi có ai được lọt mắt bố, bố cho đi theo làm chân giữ ngựa được không?

Ông già lờ đờ xua tay:

– Ấy chết, chư ông tha cho, đừng nói thế mà buộc người già phạm vào quốc sự. Chúng em ở nơi rừng thiêng nước độc, chỉ biết xưa nay yên phận thủ thường.

– Này bố ạ, ở những nơi rừng xanh núi đỏ ấy bây giờ mới ghê gớm đấy.

– Thôi thôi, hãy biết ta đương nhắm thịt cầy. Cứ kể lần này lão mới được nếm cái chó chợ Canh, quả là ngon có tiếng thật.

– Chưa chưa, bố già lõi đời lắm, bố đòi ăn thịt thủ. Trong con chó, đến cái thủ thằng Ngạc Nhe này mà ngon thì mới là chó ngon.

Vừa nói, Đề Cụt vừa nhấc con dao, lấy cùi tay đỡ rồi khoanh lượn một vòng, xẻo ngọt cái sỏ chó trên móc xuống đặt trên thớt. Rồi mũi dao khía luôn đường ngang dưới tai và một viền suốt sống mũi. Sau tỳ cùi tay giữ một bên, tay kia bẻ ngược hai cái, mới nghe răng rắc mà đã “roách” một tiếng, cả vòng cùi xương sọ chó với hai hàm răng trắng hếu đã bật rời khỏi nạm da, vành tai, thịt cổ và cả cái lưỡi lòng thòng uốn cong. Tiện tay, Đề Cụt vứt luôn đám xương sọ ra qua lỗ cửa sau nhà. Rồi con dao lại thong thả khía vào vùng thịt thủ giòn ngon, thái gọn từng miếng.

Ông già từ nãy bưng bát rượu ngang miệng quên cả uống, mải xem Đề Cụt, chỉ bằng một tay mà lột gọn chiếc sỏ chó, tài tình quá. Bây giờ mới thốt lên:

– Hay! Hay!

Cô Gái ngồi trong xó nhà đã làm nốt mẻ bún cuối, hong lên vỉ, thành bốn lọn bún rối to tướng. Áng chừng phải có thêm khách nửa đêm nữa mới có thể hết được chỗ bún ấy và thế là đã xong. Gái đứng dậy, đến trước mặt chàng trẻ tuổi vẫn đương ngồi thừ, mà từ nãy ngồi làm trong cửa bếp Gái vẫn nhìn trộm ra.

Gái cất tiếng hỏi:

– Bác không ăn được thịt chó thật ạ?

Anh chàng ấp úng:

– Mình còn… mình còn non tuổi, đừng gọi thế.

Không ngờ anh chàng xưng với Gái là mình. Cái tiếng mình êm quá khiến Gái đương mạnh dạn lại hóa ra lúng túng chưa biết trả lời thế nào. Lát sau, Gái mới dịu dàng, thì thào, nói trống không:

– Chốc nữa ăn bún. Bún nóng chấm tương, đậm lắm.

Anh chàng trẻ tuổi tủm tỉm cười. Gái ngây nhìn, như muốn lịm người đi. Nhưng anh chàng dường như cũng nhận ra mình vừa ăn nói có vẻ tự nhiên quá. Anh đáp cộc lốc:

– Tôi ăn cơm rồi.

– Ăn bao giờ?

– Lúc nãy.

– Không phải.

– Từ lúc nghỉ giữa đường kia.

– Bố vừa bảo còn nắm cơm trong tay nải lấy ra ăn cơ mà.

Thấy cô ả để ý mình kỹ quá, lại ăn nói trống trếnh như người nhà, anh chàng đâm bực:

– Đã bảo ăn rồi mà.

Gái cười, lại nói trống không:

– Ăn thêm. Bún nóng chấm tương nếp ngon đáo để.

Anh chàng thoáng nhìn cô gái dạn dĩ. Có lẽ cũng trạc tuổi mình. Trai ở trại, gái hàng cơm. Gái hàng cơm có khác, cứ sấn sổ vào người ta.

Phải rồi, mới đấy mà cô Gái đã ra bề dường như phải lòng anh chàng đường ngược.

Kể thì nom anh chàng có vẻ lam lũ nhưng khác người ta ở đây. Cái áo năm thân vải nâu da bò, quần nâu bạc, tóc búi tron trỏn trong vòng khăn vải gốc mộc thô đen như nước xáo chó. Nhưng sao mà làn da trắng mởn như con gái, mà cái miệng tươi quá, hai con mắt lư đừ nhìn nồng nàn như đuôi mắt muốn mắc vào nhau cho đến phải lòng nhau rồi.

Gái đã để ý anh chàng từ lúc Gái ngồi xay bột làm bún mà chàng ta không biết. Cũng không thể biết đâu mà để ý được, cái anh chàng từ núi Ba Vì về đây còn mải ngồi bóp hai bàn chân đi đất đã sưng vù lên. Mà thật, người ta nói ở núi quen leo dốc ngược bàn chân bây giờ đi chân phẳng đường bờ ruộng cũng đâm ra đau chân sinh bệnh. Nhưng, sức trai trẻ thế ấy, chỉ nghỉ một đêm, mai khỏi thôi. Chắc lẽ cái nhà anh chàng này có nếp khuôn phép, bố còn thức, con chưa dám đi ngủ. Mấy lần ngáp vụng rồi mà chỉ thấy vẫn ngồi tựa lưng vào tay nải.

Đến khuya, các quán bên cạnh cũng im ắng cả. Chỉ nghe gió từ đồng sâu hun hút lên. Giá ai nhỡ độ đường mà còn qua đây vào đêm hôm khuya khoắt thế này chợt đến có thể không biết trong chỗ lộn xộn ngổn ngang ấy là quán hàng mà tưởng như đây đương cuộc chén chú chén anh trong nhà – hay là một bọn cướp vừa đi làm ăn về, đương mải vừa đánh chén vừa chia của, vừa ngủ ngay giữa cuộc cãi cọ.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button