Văn học trong nước

Những Ngõ Phố

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Tô Hoài

Download sách Những Ngõ Phố ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Những chiếc xe ba gác nối nhau chở lợn ở lò mổ Phà Đen đến các chợ. Người chạy rầm rập, vác cả từng con lợn trắng nhễ nhại vào lẳng xuống quầy giữa chợ đương còn ồn ào.

Chỉ một lúc những tiếng động hối hả cuối cùng trong năm đã nhạt dần, rồi im. Các chợ Khâm Thiên, chợ Đuổi, chợ Hôm, chợ Cửa Nam, cảnh chen lấn quanh quầy thịt lợn lúc nãy đã tan hết.

Năm mới từ từ đến trên những bước tiếng giày, tiếng guốc đi thong thả khác lúc nãy, người ta bắt đầu chơi đón giao thừa.

Đêm ba mươi năm ấy, vừa sôi nổi, vừa dùng dắng. Đôi khi chần chừ. Tùy ở mỗi người vội vã hay ung dung, ở người thành phố hay người đợi tàu dòng dài ngoài ga Hàng Cỏ về Tết xa.

Từ năm về Hà Nội, Tết nào Trử cũng ở lại ăn Tết không về nhà. Trử cũng không nghĩ mình chưa có vợ. Trữ chỉ nhớ, mình còn có một người chị ruột. Không biết lưu lạc đâu, còn sống không. Khi nhỏ, ở bộ đội, rồi ở cơ quan trên Việt Bắc về.

Trử đã có một chương trình chơi giao thừa. Trử nghĩ thế. Phong phú và linh hoạt đấy. Người ta ăn mặc tinh tế. Đóng cái áo đại cán cài khuy cổ, hay “bị” để ý. Chợ Giời ở bờ hồ Thiền Cuông, ra đấy sắm Tết. Có hai vạn, vừa tậu được cái áo vét tím nhã nhặn. Thêm ba nghìn tiền chữa, đã biến được cái áo vừa phom. Tiện quá.

Càng khuya, người các phố càng đổ ra, chen chân trong làn sương và khói hương chảy lùa dưới những hàng cây hai bên hè nhộn nhịp đêm tất niên.

Người đông nghịt đi vòng hồ. Năm gần đây, cả đêm bị thiết quân luật. Tối đến, vùng hồ Hoàn Kiếm chỉ trắng nhởn bóng điện bóng nước. Không có người.

Hà Nội giải phóng, đền Ngọc Sơn trở lại nền nếp người đi giao thừa lễ đền và quanh hồ, nô nức người đi chơi suốt đêm.

Chân cầu Thê Húc, đống đá Tháp Bút, sang đền Bà Kiệu, lồi lõm những cây gạo, cây si, cây đa, dãy đèn le lói như đom đóm bám bờ ao đêm hè. Những ông thầy xem thẻ, đoán số, xem bói, không biết từ xó nào mò ra, xúm xít, nhấp nhem trong hốc tối. Tiếng xuýt xoa khấn khứa, tiếng đồng tiền gieo quẻ rè rè… Bao nhiêu ông thầy còn tiếc rẻ cố ăn mày lộc thánh được lúc nào hay lúc ấy dường như trôi cả về chỗ này. Người ta có cảm tưởng đâu đâu ở chợ Sắt dưới Hải Phòng, ở cây đa Cửa Quyền, ở đền Hàng Trống, ở đền Quan Thánh, các gốc đa, gốc đề, gốc si, gốc đại um tùm không còn ai ngõi đến cửa thầy, các thầy lần mò đến đây.

Người xúm quanh một ông thầy số ngồi trên thềm trước mặt. Thầy khoác tấm áo bông dài kín đến chân. Lù lù như cóc ngồi.

– Cụ cho quẻ tất niên nào.

Tiếng đàn bà, giọng đùa, như cắt nghĩa thêm câu vừa nói:

– Xóc thẻ giao thừa mãi cũng chán, năm nay bói tất niên một cái lấy may.

Ông thầy đáp lại một câu chào hàng giời ơi, như với mọi người:

– Đầu năm hay cuối năm cũng thế thôi, chư vị ạ.

Rồi hỏi, rồi nói dồn dập:

– Cô bao nhiêu tuổi? Quê ở đâu ta? Năm sinh tháng đẻ thế nào? Kể kỹ thánh mới ứng… Cái việc đường âm cũng không lờ mờ được đâu… Uế tạp này, tâm không thành này, quẻ bất linh.

Tiếng cười lại rinh rích:

– Cháu mà khai hết ra thế thì cụ còn phải bói gì nữa!

– Chủng chẳng cái con khỉ!

– Ấy năm mới sắp đến mà cụ lại văng ra thế.

Ông thầy bói chữa ngượng:

– Tôi không dám nhận tiền đặt quẻ của cô. Lạy thánh, phải có tên tuổi cẩn thận…

– Cháu hai mươi ạ.

– Giáp tỉnh, Ất phủ, Bính huyện, Đinh xã, Thìn thôn thế nào?

– Ai nhớ hết được!

– Tín chủ tên gì?

– My Lan.

– Thị kèo, thị cột nói cho rõ, chứ tên tân thời thì không được.

– Tên cháu thế mà.

Ông thầy vừa sợ gặp phải khách quấy, lại vừa muốn câu vào:

– Cầu tài, cầu lộc, hay cầu duyên?

– Cháu cầu tất cả.

– Cô đặt quẻ.

– Ba trăm này, cụ!

– Cầu cả ba thì phải năm trăm. Nhưng thôi, xem cho cô cũng là quẻ lấy may. Sắp giao thừa rồi, mà từ chặp tối tới giờ…

Ông thầy nhét mấy tờ bạc vào trong ngực áo. Rồi một tay vuốt cái đĩa đồng tiền, một tay moi điếu thuốc cháy dở lúc nãy, sờ đóm, châm, rít một hơi.

Đốm thuốc bừng đỏ trên mặt ông thầy.

Mấy chú bé từ đám đông phía ngoài loạng quạng đến.

– Cháu châm nhờ điếu thuốc…

Vừa hỏi, thằng bé vừa châm quả pháo vào đốm lửa điếu thuốc ở miệng ông thầy. Mấy người đứng đấy, thấy ngòi pháo cháy xòe xòe, bối rối, lùi giạt ra, chưa kịp kêu.

Nhưng ông thầy đã tóm được quả pháo trên mặt, quăng ra, quát: “Tiên sư cha…” Bọn trẻ con kêu ầm trong tiếng pháo nổ.

– Thầy bói giả mù, anh em ơi!

Trong khói khét lẹt thuốc pháo, những tiếng cười ré lên. Lũ lau nhau ở đâu bâu đến thêm, sấn vào.

Trử xô ra, dang tay:

– Thôi thôi, không nghịch thế.

Đám trẻ lùi lại.

Cái cô xem bói tên là My Lan quát to:

– Thằng Lâm đấy à!

Bọn trẻ lẩn vào đám người ồn ào qua.

Ông thầy vẫn sờ quanh, một tay giữ lên ngực áo bông, trong có túi tiền. Ông chửi toáng, quên cả đoán số. Cô My Lan kia cũng chẳng thiết bói toán gì nữa. My Lan bước ra đường.

Những chiếc xích lô tất tưởi tải đến vỉa hè hàng ôm cành cúc tần, cành nhãn, cành duối, đủ thứ cành lá bờ rào mà anh xe đã bẻ vội ở các bụi ven sông Tô Lịch phía cống Đõ. Để bán cho khách hái lộc.

Trử hỏi tự nhiên như đã quen biết:

– Cô không vào đền à?

Người con gái cũng nhận ra anh chàng ấy vừa cản lũ trẻ con nghịch pháo. Cô buộc lại nút khăn, theo thói quen, rồi mỉm cười, đáp:

– Thưa, không ạ.

Rồi, cũng tự nhiên, cô nhìn lại Trử và hỏi:

– Ông không xuống Hải Phòng à?

Trử cảm thấy cái áo mua ở chợ giời của mình đã hiệu nghiệm. Cô này tưởng mình là người dùng dắng di cư rồi sót lại. Trử toan nói: “Ở đâu chẳng thế”, nhưng Trử ngượng lưỡi.

Trử chỉ hỏi lại:

– Sao cô không đi?

– Chúng nó bảo trong ấy lạ nước lạ cái, khốn khó đấy.

Người con gái đi vào bóng tối thấp thoáng.

Thật thì My Lan đã xuống Phòng rồi.

ĐỌC THỬ

My Lan là một cô gái nhảy. Người như cô mà trở lại Hà Nội cũng lạ. Nhưng việc đời thật lắm nỗi. Thời buổi làm ăn càng đen đủi, giao kèo với các chủ khó được đăng lại. Mấy năm không thể chen chân ở thành phố chỉ toàn đi “biên thùy”, khi lên Thất Khê, khi ra Tiên Yên.

Con người càng trải những cảnh ngộ éo le nhiều khi ý nghĩ mỗi lúc một khác nhau. Năm trước đi “biên thùy”, thấy những trại quân, những đồn ải ở Thất Khê, Đông Khê, ở Tiên Yên, Hà Cối, tưởng Việt Minh ẩn nấp trong rừng không thể làm gì nổi. Thế mà, đùng một cái, Tây chạy như vịt. Từ đấy, My Lan nghĩ khác, My Lan thấy dù cho thằng Tây và cái súng ghê gớm mấy, nhưng nó đi đồng đất nước người, ru rú trên mỏm núi hay trong đống gạch, còn bên Việt Minh thì người ta ở đâu cũng được. Thằng Tây như cơn mưa, không bao giờ mưa mãi.

My Lan đã xuống Hải Phòng nghe ngóng. Khối đứa rủ My Lan. Thế nào đây? “Kháng chiến” không có “đăng xinh”! Nhưng nay Lan không đi. My Lan không trở lại những ngày ê chề nữa.

Bãi rác ngập ngụa lầy lội. Những người khốn khổ ở đấy. My Lan ở đấy. Thế là My Lan cứ ở đấy.

Một hồi còi dài nổi trên nóc Nhà hát thành phố, báo giao thừa đến. Những tràng pháo đón xuân rào rào khắp các nhà. Chuông chùa, chuông nhà thờ chen nhau dóng như từ thinh không dồn dập.

Tiếng Bác Hồ trầm ấm lạ lùng.

My Lan ngước mặt, lẩm bẩm:

– Lạy cụ, giao thừa rồi.

Bỗng nhiên, nhãng hẳn những bâng khuâng ngổn ngang lúc nãy.

Rồi lại chen đi trong đám đông đang tràn ra đường. Có lúc My Lan nhìn lại. Nhưng anh chàng khi nãy đã lạc đi lối nào mất. My Lan để mắt tìm lần nữa. Không thấy.

My Lan về đến ngõ – đường đã lác đác vắng trong ánh sáng ướt sương. Còn quay lại nhìn, nhìn vu vơ, rồi mới bước vào cái hẻm không có đèn đường, tối mờ. Tiếng gió vù vù trướt qua những cành vông trơ trụi.

Cái gì bâng khuâng, hồi hộp, lo lo. Năm mới, số phận con người rồi sao đây. Xem bói, chứ mình bói lấy cũng biết được đời mình chỉ có buồn. Từ khi còn thơ dại, đã chồng chất biết bao nhiêu khổ ải.

Ô lạ, trong ngõ, ánh điện kẻ sáng dọc những khe cửa, khe giấy dầu che mái. Mới nhớ, cuối năm, nhà đèn về mắc điện vào từng lều. Sáng trưng tất! Cái ngõ này chưa bao giờ biết có điện. Mắt chịu quen tối đến nỗi, My Lan tưởng đi lạc vào chỗ lạ.

Mùi hương vòng nhà ai thơm thoảng ra trên rãnh nước có con chuột cống lép nhép đi qua, lẫn mùi hôi nước cống bốc lên từ lòng rãnh và ở những gò rác quanh đấy. Có hôm cả gió, đến các nhà cuối hồ Ba Mẫu ở Đồng Lầm bên kia cũng phải cắm nén hương lên cho át mùi hôi, đến bữa mới nuốt trôi được miếng cơm.

My Lan bước tới. Trong nhà, Thư vẫn còn thức. Có lẽ đã gà gáy. Trước cái chõng nan, trên mặt chiếc va li gỗ vàng rộm, đôi bánh chưng, đĩa hoa cúng, cốc nước, cuốn khói một nén hương gài khe cặp bánh.

Thư quay ra, hỏi:

– Cô có gặp cháu Lâm không, cô?

My Lan không muốn kể lúc nãy gặp nó ném pháo. My Lan chỉ nói:

– Thấy nó đi chơi trên Bờ Hồ.

Tròng nước mắt ánh dưới bọng mắt Thư. My Lan nghĩ hối hận vừa rồi đã không tìm rủ Lâm về.

My Lan cười cười, ngồi xổm xuống trước chõng:

– Tết nhất phải vui lên, chị ạ.

Thư cười gượng:

– Tôi lo cho cháu.

My Lan ngồi ngả đầu vào Thu, như con mèo dũi người. My Lan đương muốn vui. Rồi My Lan đến giường, cầm ra chỗ Thư hộp lược, trong có lọ kem. Lại đưa đến chiếc khăn nhung và cái áo dài nhiễu màu gụ.

– Đánh phấn đi… Mặc đẹp chứ…

Thư cúi mặt. My Lan hỏi trêu:

– Chị sẽ chúc em năm mới được những gì nào?

Thư bật cười:

– Chúc cô năm mới vạn sự như ý.

My Lan lặng im, lơ đãng nhìn ra ngoài bóng tối.

Chót nhớ lại cái người lúc nãy ở cửa đền Ngọc Sơn, nói mấy câu chủng chẳng. Tuy nhiên, rồi My Lan kể lại cho Thư nghe cuộc gặp gỡ như một câu chuyện đậm đà khác hẳn. Câu chuyện tưởng tượng đã làm vui năm mới, trước nhất cho người kể.

My Lan nói, như vơ lấy phần mình:

– Thế là đi xuất hành em gặp may.

Ngoài rãnh nước, dế kêu râm ran. Nhà ai cúng sớm, có tiếng chặt thịt gà côm cốp. Đằng xa, tiếng mõ tụng kinh phảng phất lại. Trên phố trên vẫn giội xuống tiếng pháo, có lúc sầm sập như mưa rào ở xa.

Có lẽ câu chuyện gặp gỡ vớ vẩn của My Lan cũng làm Thư lây vui.

Thư nói:

– Xem ra thì cô mê người ta rồi.

My Lan nũng nịu:

– Chim trời cá nước thôi.

Thư nói:

– Cái giống đã phải hơi nhau thì đi đến đâu rồi cũng lại quàng vào nhau. Cô cứ nghiệm mà xem.

Nói thế xong Thư lại im, mặt buồn hẳn. Lát sau, Thư nói khẽ:

– Có điều tôi bảo cô.

My Lan ngồi xuống bên Thư, nghiêng mặt lên, vẻ tinh nghịch:

– Bảo gì nào?

Thư nghiêm nghị:

– Cô còn muốn cho mẹ con tôi ở thì đừng đưa ai về đây nhé. Tôi sợ lắm.

My Lan trề môi:

– Tưởng gì, hóa ra cấm cửa!

Thư thở dài:

– Cô biết đấy. Mẹ con tôi có sống được không, hay là…

– Rõ lo con bò trắng răng.

Thư thiết tha:

– Là tôi dặn cô. Cô muốn đuổi mẹ con tôi thì cô cứ…

My Lan cười:

– Làm như nhà này là cái chuồng gà không bằng. Có mua gà thì mới đem về dễ thế được. Vâng, vâng, em nghe lời chị.

Rồi My Lan cười rúc rích vào bóng đêm, đầm ấm gian nhà nhỏ, kéo dài qua câu chuyện chẳng đáng cười.

Tiếng loa văng vẳng:

– A lo… A lo… mời bà con ra trụ sở vui xuân mừng năm mới… A lo… A lo…

Đã tang tảng sáng, mỗi lúc một nhìn rõ những chiếc cờ bé xinh cắm trên nóc các mái nhà thấp nghiêng, lất phất bay. Rồi tiếng guốc mới khua lóc cóc – guốc trẻ con đi qua ngõ. Mùng một Tết, trẻ con hay dậy sớm xem năm mới có gì lạ không.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button