Văn học trong nước

Những Ngày Tươi Đẹp

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Đoàn Thạch Biển

Download sách Những Ngày Tươi Đẹp ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Tôi không biết bắt đầu kể lại câu chuyện này như thế nào khi bên tai tôi vẫn còn văng vẳng tiếng cô bé thì thầm: “Ông đừng kể lại cho ai nghe những ngày tươi đẹp của chúng ta. Kể lại chúng sẽ thành những ngày cải lương ngay. Em rất ghét cải lương, ông nhớ chưa?”.

“Kể lại cho ai nghe”. Chắc cho tiền tôi cũng chẳng thèm. Nhưng trong buổi chiều này, một mình giữa nơi hoang vắng, tôi muốn kể lại (nhớ lại) những ngày tươi đẹp đó với chính mình.

Tôi đặt bó hoa marguerite trắng mà cô bé hằng ưa thích, trước ngôi mộ bằng cát rồi khum tay che gió châm một điếu thuốc. Từ lâu tôi vẫn ước ao thực hiện một cuốn phim. Nhưng lúc này, trong nỗi buồn rầu, dù cho đầu óc đầy những hình ảnh nhập nhòe xáo trộn như hàng ngàn thước phim đã quay xong chỉ đợi chờ ráp nối, vậy mà tôi cứ phân vân chẳng biết bắt đầu thực hiện cuốn phim trong trí tưởng của mình như thế nào.

Hãy giúp tôi đi nhỏ. Hãy giúp tôi kể lại (nhớ lại) những ngày tươi đẹp của chúng ta một lần này nữa, rồi thôi…

Hằng năm, vào đầu tháng Tám, ở Sài Gòn trời đã đổ những cơn mưa lớn giúp khí hậu cuối mùa nắng bớt oi bức. Năm nay gần hết tháng Tám trời vẫn nắng gay gắt, không có lấy một trận mưa nhỏ, khiến không khí ngột ngạt khó thở. Không chịu nổi thứ không khí pha trộn với hơi nóng đó, tôi quyết định rời Sài Gòn. Tôi muốn tìm đến một chốn yên tĩnh, mát mẻ, xa lánh những cuộc vui và bạn bè một thời gian để giam mình viết xong tập luận văn cao học, vì lười biếng tôi đã đệ trình Hội đồng Giám khảo trễ mất một năm.

Sau bữa ăn tối, gia đình tôi thường chẳng mấy khi ngồi quây quần với nhau để bàn định một chuyện gì. Có lẽ vì thiếu những món ăn nóng hổi trước mắt, nên ai nấy đều tránh nói chuyện sợ hao tổn sức khỏe. Cho nên vừa uống nước trà xong, mỗi người đều đi mỗi nơi khác nhau.

Ba tôi vội vào phòng khách mở tivi để xem bản tin thời sự trong nước và quốc tế. Mẹ tôi xuống bếp giúp người làm thu dọn bếp núc. Cô em gái tôi lên lầu ôm chiếc máy cassette vào lòng, đem ra sân thượng ngồi ngả lưng trên chiếc ghế bố nghe nhạc.

Bản nhạc luôn luôn được cô em tôi mở nghe đầu tiên là bản Somewhere My Love. Nó ghiền bản đó đến nỗi đã thâu secours vào ba băng nhạc khác nhau để có thể nghe hoài mà không sợ hư băng. Tôi cũng khoái bản nhạc đó lắm, khi mới nghe lần đầu trong phim Doctor Zhivago, nhưng từ khi bị cô em bắt nghe mỗi tối một lần, tôi đâm thù bản nhạc đó kinh khủng.

Có lần bản nhạc đó đã làm tôi điên đầu, phải chạy ra sân thượng nói với nó:

– Này nhỏ, có ai thèm yêu em đâu mà tối nào cũng phải thắc mắc người yêu em ở chốn nào?

Con nhỏ ngẩng mặt nhìn tôi, trả lời tỉnh bơ:

– Em đã có người yêu. Chàng ở trong chiếc máy cassette này và mỗi tối chàng đến với em bằng âm nhạc. Anh không thấy người yêu của em sao?

Tôi cứng miệng không biết đáp ra sao, đành lủi thủi đi xuống thang lầu và rủa thầm: Bố khỉ người yêu của mày. Cầu trời cho mày trợt chân ngã từ sân thượng xuống đất vỡ đầu cho hết mơ mộng!

Còn tôi, sau mỗi bữa ăn tối, để tránh ở dưới nhà nghe bản tin thời sự nhức đầu và để tránh lên lầu nghe bản nhạc Somewhere My Love điên đầu, tôi đã lấy xe gắn máy chạy lòng vòng các đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi để “rửa mắt” hay đến nhà bạn bè ngồi đấu láo đến 21 giờ mới trở về nhà.

Vì sự “phân tán mỏng” đó nên tôi phải trình bày ý định rời Sài Gòn một thời gian, ngay trong bữa ăn tối để ba má và em tôi đều được biết. Miệng đang nhai một miếng thịt vịt luộc chấm với nước mắm gừng, ba tôi nói:

– Ba nghĩ con nên lên Đà Lạt ở trọ nhà chú Long. Trên ấy yên tĩnh, mát mẻ, con dễ làm việc.

Chú Long là em ruột của ba tôi. Chú khá giàu, có nhiều vườn cây ăn trái và một ngôi nhà lớn ở Trại Hầm Đà Lạt. Nhưng tôi không thích lên nhà chú tôi vào dịp này. Tôi đã sợ thành phố Đà Lạt. Thành phố của giá lạnh và sương mù đã khiến đầu óc tôi lúc nào cũng mơ mơ màng màng, không thể chú tâm suy nghĩ một điều gì cho đến nơi đến chốn. Năm qua, tôi đã ở Đà Lạt nửa năm và chẳng viết được chữ nào cho tập luận văn đã có sẵn dàn bài chỉ cần khai triển thêm.

Sáu tháng ở nhà chú Long, chú đã đối xử với tôi rất tốt. Chỉ có bà thím luôn miệng gắt gỏng với lũ con và những người giúp việc khiến tôi bực bội và đôi lúc có cảm tưởng như bà muốn trách cứ tôi đã đến ăn bám gia đình bà.

Tôi không nói điều đó cho ba tôi biết, tính ông rất nóng, ông sẽ rời bàn ăn đi gọi điện thoại phiền trách người em trai của ông ngay. Chuyện chẳng đáng gì, nhưng có thể làm mất sự thân thiện trong họ hàng. Tôi phải phân trần với ba:

– Con không thích lên Đà Lạt nữa. Thành phố đó không thích hợp với đàn ông, nhất là người không chịu được giá lạnh như con. Vả lại, trên đó đang mùa mận chín, con không muốn sẽ bị đau bụng phải nằm nhà thương như năm qua vì ăn mận quá nhiều.

Má tôi vừa nuốt xong miếng cơm, bà cười nói:

– Chẳng cứ gì mận. Với tính tham ăn tham uống của con, thứ gì cũng có thể làm cho con đau nằm liệt giường.

Cô em gái tôi miệng còn lúng búng miếng thịt vịt (chắc chắn là thịt đùi ngon nhất, tôi biết rõ tính con nhỏ đó quá mà), nó quay sang nói với má tôi:

– Mấy nhỏ nữ sinh bạn con cũng làm anh ấy đau nằm liệt giường.

Miệng tôi cũng đầy thịt vịt (dĩ nhiên không phải là cổ cánh mà là miếng mề), tôi nói:

– Cả cô nữa, cô cũng làm tôi đau liệt giường vì những chầu kem bắt khao sau mỗi lần giới thiệu với bạn cô.

Nó gắp một miếng gan vịt bỏ vào miệng rồi mới nói:

– Ai bảo anh tham lam đòi giới thiệu nhiều cô làm chi.

Khi đĩa thịt vịt đã hết, má tôi đưa ý kiến tôi nên đến sống với người em gái của bà ở một vùng biển. Dì Phong, em gái má, mỗi lần vào Sài Gòn đều ở lại nhà tôi. Dì thường tả cặn kẽ nơi dì ở và mời tôi có dịp ra thăm dì, luôn tiện dạy kèm cho đứa con trai độc nhất của dì, học chuẩn bị đi thi tú tài vào năm tới. Tôi nghĩ, nếu thân thuộc với một người đàn bà trong gia đình, mình sẽ sống dễ chịu hơn, nên tôi trả lời:

– Vâng, con sẽ đến ở nhà dì Phong.

Má tôi nói:

– Con định bao giờ đi?

– Ngay ngày mai.

– Làm gì mà gấp gáp vậy?

– Chần chừ con sợ mình sẽ thay đổi ý kiến.

– Thì con cũng phải gọi điện cho dì ấy biết trước chứ.

– Con muốn dành cho dì Phong một sự bất ngờ khi thấy con.

Cô em gái tôi che miệng cười:

– Em biết tại sao anh phải đi gấp rồi. Anh đi trốn phải không?

– Việc gì mà phải trốn!

– Anh đi trốn nợ. Nợ tiền và nợ tình, đúng chưa?

– Trốn nợ? Đúng. Nhưng không phải nợ tiền và nợ tình. Anh đi trốn bản nhạc “của nợ” Somewhere My Love.

Con nhỏ bặm môi đứng dậy dời khỏi bàn. Bắt chước giọng lão phù thủy Gà Mên trong truyện tranh Xì Trum, nó nói:

– Nị chọc quê ngộ hả. Được rồi, nị sẽ xem ngộ “páo chù”.

Uống cạn ly trà nóng do má tôi mang đến, ba tôi nói:

– Con định ở đấy bao lâu?

– Đầu tháng Mười hai con phải trình luận văn, nếu viết xong sớm con sẽ về sớm.

Ba tôi nhìn đồng hồ đeo tay và đẩy ghế đứng dậy. Ông nói trước khi bước vào phòng khách xem tivi tin thời sự.

– Con cố gắng viết cho xong rồi xin đi dạy học, nếu không sẽ kẹt đủ thứ chuyện.

Bữa ăn chấm dứt. Cuộc bàn định nơi tôi sẽ đến ở trọ kể như đã xong. Tôi đi sửa soạn quần áo, sách vở để mai đi sớm. Vừa bước chân lên lầu, tôi đã nghe bản Somewhere My Love được em tôi mở volume hết cỡ. Chắc nó muốn dùng nhạc đó thay nhạc đám ma đưa tiễn tôi!

Nghĩ ngày mai sẽ đến ở một nơi có đồng ruộng để hóng gió, có biển cả để bơi lội và tránh được khí hậu nóng bức ở Sài Gòn, tôi vui vẻ nói vọng ra sân thượng tối om nhưng biết chắc có cô em gái đang ngồi ôm máy cassette ở ghế bố.

– Bản nhạc hay quá. Mở to lên, cho anh nghe ké với nhỏ.

Tôi nghe có tiếng “tách” và bản nhạc đột nhiên ngừng ngang. Con nhỏ tắt máy. Thật khỉ, đúng lúc tôi nhận ra bản nhạc rất hay, con nhỏ lại chẳng muốn cho nghe. Tôi đành cất giọng vịt đực hát theo điệu nhạc: Là là lá… là lá la la la là…

 

ĐỌC THỬ

Khởi hành từ Sài Gòn lúc 7 giờ 30, tôi đến huyện dì Phong ở đúng 12 giờ. Chiếc xe đò chạy vào bãi đậu xe của một quán ăn để hành khách xuống ăn cơm trưa. Giờ này có lẽ gia đình dì Phong cũng đang ăn cơm nên tôi theo hành khách vào quán. Tôi gọi một đĩa cơm sườn và một ly trà đá dùng cho qua bữa. Tất cả hành khách đều ăn uống vội vàng rồi lại lên xe ngồi, chuyến xe sẽ tiếp tục chạy đến Nha Trang vào buổi chạng vạng.

Tôi không đi theo xe đò mà đi bộ vào trung tâm huyện. Nơi đây không có xe honda “ôm” như ở các thành phố lớn. Những chuyến xe lam đầy khách ngồi cả trên mui, thường chạy vút qua và tôi không thể giơ tay vẫy đón. Nhớ lại những lời dì Phong chỉ bảo, tôi rời quán, tay cầm túi xách đựng quần áo và sách vở, đi ngược lên quốc lộ. Hai bên đường nhà cửa dựng lên sát nhau, tuy là một vùng quê nhưng thấy thật hiếm hoi có những tàn cây lớn trong sân mỗi nhà. Đồng ruộng có lẽ ở phía sau những dãy nhà kia, tôi đoán vậy vì dì Phong đã cho biết ở đây đa số dân chúng sống bằng nghề nông.

Từ xa, tôi đã nhận ra ngôi nhà của dì Phong dễ dàng nhờ những lời tả cặn kẽ của dì, mỗi khi đi Sài Gòn ghé thăm gia đình tôi. Ngôi nhà duy nhất ở vùng này có tường không quét vôi mà gắn bằng những viên đá nhỏ xanh nhạt. Trước nhà có hai chữ Minh Phượng màu đỏ, tên hai đứa con của dì. Ngôi nhà mới xây cất, cao bốn tầng trông to lớn, bệ vệ nổi bật giữa những ngôi nhà thấp mái ngói đen đã cũ.

Tôi không tưởng tượng nổi sự ngạc nhiên của dì Phong khi nhận thấy tôi đặt túi xách trước cửa nhà. Dì và một cậu con trai đang loay hoay tính toán với những quyển sổ, ở một chiếc bàn gỗ có vân vàng bóng kê sát góc nhà. Tôi nói chào dì và bà đã buông cây bút Bic đang cầm ở tay, đứng trợn mắt ngó tôi, thở hổn hển một lúc mới nói được.

– Thằng khỉ, mày làm dì hết hồn!

Tôi cười:

– Chính dì làm cháu hết hồn thì có. Cháu cứ tưởng dì bị đứng tim.

Bấy giờ bà mới cười và hỏi thăm tôi vồn vã. Cùng một lúc bà đặt cả chục câu hỏi về tôi, gia đình tôi, thời tiết ở Sài Gòn và tôi chẳng biết phải trả lời câu hỏi nào trước. Cậu con trai đứng dậy, chống hai tay lên mặt bàn nói:

– Má để anh ấy thở đã chứ. Má hỏi lu bù vậy ai trả lời nổi.

Dì Phong kéo tay cậu nhỏ đến đứng trước mặt tôi.

– Quên mất, để dì giới thiệu: Đây là Minh, con trai lớn của dì. Còn đây là anh Thanh, con bác Trung.

Cậu em cúi chào tôi. Tóc cậu để khá dài. Cậu mặc áo thun màu đỏ có in hình trái tim với chữ Love màu đen và quần jean ống rộng. Trông cậu có vẻ là một dân chơi miền quê. Tôi nói:

– Còn chú và em Phượng đâu dì?

– Ông ấy và con nhỏ vừa ăn cơm xong là đi giao hàng ngay, chiều mới về. Mùa hè nghỉ học, hai đứa con của dì đều trở thành thư ký phụ giúp việc ghi chép sổ sách. Đang mùa hái đậu, công việc khá bận rộn. À, mải nói chuyện quên mất, để dì nói người làm dọn cơm cho cháu.

– Cám ơn dì, cháu đã ăn cơm ở quán.

– Sang thế, vậy Minh hãy dẫn anh con lên lầu nghỉ trưa.

Tôi cúi xuống lấy túi xách đi theo cậu em. Dì Phong nói:

– Bỏ túi đấy, dì nói người làm đem lên cho.

Tôi cười:

– Nặng nhọc gì đâu, để cháu tập thể dục cho khỏe.

Cậu em dẫn tôi lên lầu ba của ngôi nhà. Minh mở cửa và đưa tôi vào một phòng lớn. Em kéo những tấm màn che cửa sổ màu xanh lá cây, cho nắng ùa vào. Nhìn ra ngoài, tôi thấy những cánh đồng lúa vàng nhạt lấp lánh ánh nắng ở phía xa, sau dãy nhà bên đường.

Minh nói:

– Anh ở phòng này được không? Phòng vẫn bỏ không dành cho khách. Em sẽ nói người làm thu dọn lại.

Tôi nhìn quanh căn phòng. Bàn ghế, tủ quần áo, giường nệm, quạt trần, tất cả đều còn mới và bốn bức tường còn thơm mùi sơn. Tôi nói:

– Tốt quá rồi, phòng của anh ở Sài Gòn còn nhỏ và bê bối hơn phòng này nhiều.

Cậu em cười:

– Em nghe má em ca tụng anh ghê lắm. Hy vọng anh sẽ truyền cho em ít ngón “nghề”.

Tôi hỏi:

– “Nghề” xoay tiền má hả?

– “Nghề” đó em không cần phải học thêm, em dư sức xoay tiền má khi cần. Em muốn học “nghề” ăn chơi của dân Sài Gòn, để cho bọn ở đây “lác mắt”.

– Chuyện đó dễ quá mà. Bài học đầu tiên, em hãy bỏ chiếc áo thun màu đỏ đi.

– Sao vậy, áo này mốt mới mà anh?

– Em thấy đó, trời đang nắng chói chang. Chiếc áo thun màu đỏ rực trông “xốn” con mắt quá. Vả lại, da em ngăm đen, màu đỏ làm da em đen thêm. Em hãy để dành chiếc áo đó vào mùa mưa. Người ăn mặc đẹp là người biết cách chọn màu áo và kiểu áo hợp với thời tiết, màu da và khung cảnh mình sống.

Cậu em gật gật đầu:

– Anh nói có lý. Vậy bây giờ em phải mặc áo màu gì?

– Màu trắng.

– Cám ơn anh. Bây giờ anh nghỉ trưa, chiều em sẽ dẫn anh đi thăm phố huyện.

Tôi nghe tiếng dép của Minh đang đi nhanh xuống cầu thang, nhỏ dần rồi mất hút. Tôi bật cười cho tính dễ nể phục của cậu em. Về cách ăn mặc tôi có biết quái gì đâu. Những lần đi chơi với tôi, cô em gái vẫn luôn miệng chê tôi ăn mặc lôi thôi, chẳng giống con giáp nào. Nhưng thực hành mới khó, lý thuyết ai mà không nói được!

Tôi mở túi xách lấy khăn tắm. Cần phải tắm rửa, gội sạch lớp bụi đường nhớp nhúa bám đầy trên người để có giấc ngủ trưa thoải mái, chiều còn đi chơi.

Tiếng gõ cửa làm tôi thức dậy. Suốt buổi sáng ngồi trên xe đò không chợp mắt được. Người mệt đừ nên vừa ngả lưng xuống giường tôi đã ngủ một giấc đã đời.

Tiếng gõ cửa dè dặt vang lên. Tôi hỏi:

– Ai đó?

– Em đây.

Nhận ra tiếng Minh, tôi nói:

– Cứ vào.

Cậu em đẩy cửa vào. Em đã thay chiếc áo thun đỏ bằng chiếc áo vải sợi màu trắng có hàng cúc trước ngực được cài cẩn thận. Tôi mỉm cười nói:

– Chiếc áo hợp với em lắm, nhưng hãy mở một hạt cúc trên cùng trông cho “chic” hơn.

– “Xích” là gì vậy anh?

– Là ăn mặc đúng điệu.

Minh mở một hạt cúc và nói:

– Anh đi rửa mặt rồi em đưa anh đi dạo phố.

Rửa mặt và thay quần áo xong, tôi theo Minh xuống nhà. Dì Phong đang ngồi ở bàn đếm tiền, thấy tôi đi, dì cười hỏi:

– Ngủ được không?

– Dạ, cháu ngủ một giấc chẳng còn biết trời trăng gì nữa.

– Dì sợ cháu lạ nhà ngủ không được. Má cháu nói cháu rất khó ngủ.

Tôi cười:

– Có lẽ nơi đây yên tĩnh nên cháu ngủ dễ dàng.

Minh nói:

– Con đưa anh ấy đi xem phố huyện.

– Có gì mà xem. Cả huyện còn nhỏ hơn một con đường ở Sài Gòn.

Tôi nói:

– Dạ, miền quê chắc có nhiều cảnh lạ. Cháu cũng muốn gặp các cô thôn nữ xem sao.

Dì cười:

– Ôi trời, họ đâu có đẹp bằng các cô ở Sài Gòn! Hai anh em đi chơi nhớ về sớm ăn cơm.

Minh dẫn chiếc honda màu đen từ trong nhà ra. Chiếc xe có ghi-đông cao uốn cong và những đồ phụ tùng bằng đồng bóng loáng. Ở bình xăng dán đầy những bông hoa màu sắc rực rỡ. Tôi nghĩ cậu em bày đặt ăn chơi kiểu cọ cho bằng dân ở thành phố, để quên đi mặc cảm dân quê của cậu. Con phố chính chẳng có gì đáng nhìn. Nhà cửa, quán nước, bàn billard trông có vẻ như một vùng ngoại thành Sài Gòn. Minh chạy xe chậm hai vòng cho tôi quan sát rồi em quay lại hỏi tôi:

– Anh thấy có gì đặc biệt không?

Tôi nói:

– Em chở anh đi xem mấy cánh đồng chắc là thú vị hơn.

Minh rồ ga cho xe chạy thật nhanh. Ra khỏi phố huyện chừng năm trăm thước, tôi đã thấy những cánh đồng nằm sát hai bên quốc lộ. Khi quay lại thấy huyện lỵ đã nằm sau dãy đồi trồng chuối và khoai mì, tôi nói Minh ngừng xe. Cậu em tắt máy dựng xe bên đường. Tôi đi xuống ngồi ở một bờ ruộng cỏ mọc xanh mướt.

Cánh đồng trải dài đến tận dãy núi màu xanh lam ở phía xa. Đồng lúa trong ánh nắng buổi chiều vàng rực khiến tôi nhớ đến mấy bức tranh sơn dầu vẽ phong cảnh miền quê của Cézanne. So sánh những tranh đó với đồng lúa này, tôi phục tài dùng màu vàng của danh họa người Pháp. Thiên nhiên có những màu sắc đẹp lạ lùng và một người vẽ dở như tôi sẽ không bao giờ pha trộn được màu sắc đó. Màu vàng vốn là màu tôi thù ghét, nhưng nhìn cánh đồng lúa chín vàng trước mặt, tôi đã yêu vẻ đẹp óng ả, rạng rỡ, tiềm ẩn sức sống mãnh liệt của màu vàng.

– Anh có vẻ say mê cánh đồng này quá vậy?

Tiếng Minh làm tôi giật mình. Cậu em đã đi xuống bờ ruộng và đứng ở bên tôi. Tôi ngắt một gié lúa, bứt vài hạt bỏ vào miệng nhai. Những hạt lúa non mềm ngọt. Tôi nói:

– Anh mới nhìn thấy cánh đồng lúa chín lần đầu. Vẻ đẹp nào mới nhìn thấy lần đầu cũng khiến mình say mê.

Minh cười:

– Anh mê cánh đồng này còn hơn nông dân. Nếu làm ruộng chắc anh sẽ trúng lớn!

Cậu em tôi cũng biết khôi hài đấy chứ. Chưa hiểu nhiều về em, nhưng tôi đã mến em ở tính vui vẻ đó. Bất cứ người nào (hay con vật nào) biết tạo nụ cười cho người khác tôi đều quí mến. Đấy là lý do tôi ưa thích con khỉ hơn các con vật có bề ngoài xinh đẹp. Tôi mến con khỉ như mến một danh hề, nhưng tôi thương con khỉ hơn vì nó đã làm hề không công cho mọi người xem.

Tôi cười trả lời cậu em:

– Biết đâu đấy, có thể anh sẽ cưới một cô thôn nữ và lập nghiệp luôn ở đây. À, ruộng nhà em nằm ở đâu?

– Ruộng nhà em nằm rải rác nhiều nơi, nhưng cho người ta thuê hết rồi. Bây giờ chỉ còn rẫy giao cho bác Năm coi.

– Rẫy là gì vậy?

– Đấy là những mảnh đất rộng và người ta trồng nhiều thứ hoa màu như: Đậu xanh, đậu phụng, khoai, mì, dưa… Trong rẫy còn có vườn trồng táo, ổi, mít, dừa, xoài, v.v…

– Rẫy nhà em ở gần đây không?

– Cách chừng năm cây số.

– Vậy em chở anh đi xem.

– Xem hết mọi thứ trong chiều nay chắc đến ngày mai anh phải nằm nhà, vì ở đây sẽ chẳng có gì đáng để xem nữa.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button