Văn học trong nước

Nhớ

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Phạm Duy

Download sách Nhớ ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

thay lời tựa

Cuộc đời tôi thật ra chưa có lúc nào yên ổn như bây giờ   , khi tôi trở về sống trên quê hương mình sau ba mươi năm hòa bình và thống nhất… Từ khi sinh ra và trưởng thành, hoàn cảnh chung của đất nước thường xuyên biến động, thời cuộc đẩy đưa tôi thành một kẻ giang hồ nay đây mai đó. Đi khắp nơi trong nước, đi khắp nơi trên địa cầu, từ khi còn là tóc xanh môi đỏ cho tới khi đã là tóc bạc răng long. Sống tại nhiều nơi quá, xê dịch nhiều quá, thay đổi chỗ ở luôn luôn đến độ khi tuổi đã trên tám mươi rồi mà vẫn còn phải dọn nhà thêm một lần nữa, phải di chuyển tất cả sách vở, máy móc, đồ đạc từ một lục địa này qua một lục địa khác… Dù rằng trong đầu luôn luôn có nỗi sợ của câu châm ngôn Việt Nam: dọn nhà, như cha chết!

Tôi là nhạc sĩ nên phải có trí nhớ tốt. Nhớ kỹ hàng ngàn bài hát, thuộc lòng hàng ngàn điệu nhạc. Nhớ những chuyện vui buồn xa lắc xa lơ. Còn nhớ cảnh, nhớ người nữa chư ! Đi nhiều, tất nhiên tôi có nhiều bạn lắm. Nhớ rất nhiều người đã đi qua đời mình. Tôi có nhiều bài hát nhớ quê hương (Tình Hoài Hương, Thuyền Viễn Xứ), nhớ những cảnh huống (Còn Chút Gì Để Nhớ, Nha Trang Ngày Về) nhưng nhớ người bao giờ cũng da diết hơn là nhớ cảnh, thế mà tôi không có một bài hát nhớ bạn nào cả! Âu là bây giờ ngồi nhớ bạn và viết ra nỗi nhớ, khi tôi đã trở về sống tại quê nhà và có ít nhiều ngày tháng rảnh rang.

Nhớ bạn! Bạn nào? Bạn từ bao giờ?

Tôi nghĩ rằng lúc chúng ta tới tuổi cắp sách tới trường là lúc chúng ta khởi sự có bạn. Những bạn đầu tiên của tôi là những bạn học ở trường mẫu giáo chỉ có tên gọi là Trường Hàng Thùng và Trường tiểu học Nguyễn Du, tức Trường Hàng Vôi, Hà Nội. Tôi không bao giờ gặp lại những bạn học của thời thơ ấu này, hơn nữa cũng chẳng có ai là bạn thân để tôi nhớ. Tôi chỉ có cơ hội gặp lại một người là Nguyễn Đình Thi, hành nghề bác sĩ tại Orange County, California, USA.

ĐỌC THỬ

trường Nguyễn Du

…Nhưng tôi có một người, vừa là bạn  ĐẦU tiên, vừa là em kết nghĩa, quen nhau từ thuở chúng tôi mới lên 10 cho tới khi 16, 17 tuổi. Khi cả hai tới tuổi trưởng thành thì xa nhau rồi lại gặp nhau trong kháng chiến, cũng như sau khi nước Việt Nam bị chia cắt. Kể như hai đứa tôi là bạn thân với nhau trong khá lâu vậy.

Người đó là Phạm Viết, nhà ở phố Hàng Tre, cách nhà tôi ở phố Hàng Dầu khoảng một chục căn nhà, trước tiên là bạn học với tôi tại lớp vỡ lòng, sau nhận tôi là anh vì tôi lớn tuổi hơn và cũng cùng họ Phạm.

Tôi còn nhớ, mỗi buổi sáng đi học, hai anh em gặp nhau, chia cho nhau từng miếng xôi hay miếng bánh mì chấm dấm. Vào lớp, chúng tôi ngồi cạnh nhau, cùng đọc chung những sách vẽ Nhi Đồng. Ra sân chơi vì tôi khoẻ hơn Viết nên đánh nhau hộ Viết. Những ngày nghỉ, Viết hiền lành hơn tôi nên không tham gia những cuộc chơi phải dùng nhiều sức như đá bóng hay tắm sông. Cùng lắm là ra bờ hồ Hoàn Kiếm đào đất tìm dế, bỏ hộp đem về cho chúng chọi nhau.

Tôi thường tới chơi nhà Viết, gặp các anh chị của Viết. Cha của Viết là một nhà giáo: Phạm Học (hay Ngọc?) đặt tên cho các con là Bút, Sách, Viết… Bố tôi cũng đặt cho các con những tên mang tính chất khiêm nhường, cẩn thận… Mới hay thời chúng tôi mới lớn, trong gia đình thì có cha mẹ ban cho những cái tên có ý nghĩa tốt đẹp để mà theo, tới trường thì được dạy cho biết những gì gọi là cao nhã, lễ nghĩa, nhân hậu trong con người Việt Nam. Chúng tôi được hiểu biết những cái gọi là  tình huynh đệ, tính đùm bọc, sự trong sạch, niềm tương trợ, lòng cao cả, sự cương nghị, niềm đại lượng, tính khoan hồng…  Có thể nói tình bạn giữa tôi và Viết đã âm thầm và trong sáng từ lúc còn thơ cho tới khi cuộc đời làm chúng tôi phải xa nhau.

Khi lớn lên thì chúng tôi không còn học chung một trường nữa, vì nhà tôi dọn lên phố Lò Đúc, tôi học trung học tại Trường Thăng Long còn Viết thì học ở Trường Văn Lang. Rồi từ năm 1944, tôi bỏ nhà tham gia gánh hát, còn Phạm Viết thì bỏ học đi theo cách mạng.

Khi xảy ra cuộc kháng chiến chống Pháp, Viết là một cán bộ quân sự của Việt Minh, hoạt động ở nội thành, trong một cuộc chạm súng với lính Tây, Viết bị thương ở chân và sau đó đi đứng không được bình thường.

Trong kháng chiến, tôi hoạt động ở Việt Bắc, ở vùng trung du rồi vào Khu Bốn. Phạm Viết bỗng từ Hà Nội bị tạm chiếm ra vùng tự do và tới thăm tôi ở Chợ Neo, Thanh Hóa. Lúc đó Viết đang là trưởng ban chính trị của Trung đoàn 48, có tên là Trung đoàn Thăng Long (không phải Trung đoàn Thủ Đô như tôi đã nhớ sai) gửi lính của mình là Trịnh Hưng, Phạm Nghệ đi học tại lớp nhạc của Tạ Phước ở Hậu Hiền, Thanh Hóa. Về sau, cả hai thanh niên này đều trở thành nhạc sĩ có hạng ở miền Nam.

Vào năm 1948, cả hai anh em tôi chưa đầy 30 tuổi và đều rất vui vì được đem tuổi thanh niên của mình ra giúp nước. Tại Chợ Neo, trong những đêm trăng sáng, cùng mọi người, hai đứa trò chuyện, hát ca, không ai muốn đi ngủ cả.

Thế rồi vào năm 1951, tôi từ Thanh Hóa trở về thành, khi đó quân đội Pháp còn có mặt tại Hà Nội. Trước khi tôi vào Nam sinh sống, Phạm Viết vẫn đang là cán bộ quân sự nội thành, bí mật tới thăm tôi tại số 16 đường Carreau (nay là Lý Thường Kiệt) Hà Nội. Hai anh em nhìn nhau khóc… Từ đó chúng tôi vĩnh viễn xa nhau.

Vào năm 1972, ở Sài Gòn, tôi được tin Viết lâm bệnh nặng và qua đời. Ngày tôi về thăm Hà Nội sau 60 năm xa cách, gia đình Phạm Viết là nơi tôi tới thăm đầu tiên, để thắp nén hương trước bàn thờ người em.

Cả gia đình Phạm Viết tiếp tôi như một người thân, vắng nhà rất lâu, nay trở về. Tôi tự an ủi là đã gặp lại người bạn đầu tiên trong đời mình, dù chỉ là gặp một di ảnh trên bàn thờ.

Tôi mang ơn người bạn đầu đời đã cùng tôi sống những ngày ngây thơ, ngoan ngoãn và êm đềm của thời thơ ấu. Tôi đã không phải sống lẻ loi, lủi thủi một mình, lầm lỳ như một đứa bé con út và mồ côi cha là tôi. Khi soạn ra bài hát  Kỷ Niệm  mà nhiều người có lòng yêu vì sự trong sáng của nó, tôi nghĩ nhiều tới người em Phạm Viết.

Cho tôi lại từ đầu

Chưa đi vội về sau

trường Thăng Long

Sau khi đậu xong bằng Tiểu học  ở Trường Nguyễn Du, tôi chuẩn bị bước vào trung học. Nhưng tôi thi trượt vào Trường Bưởi, hỏng thi cũng vì không làm đúng bài luận văn bằng tiếng Pháp. Trong kỳ thi này, thí sinh phải viết bài về đề tài con đường sắt xuyên Việt vừa mới được hoàn thành, tàu hoả đã bắt đầu đi được từ Bắc vào Nam và phải nói tới sự ích lợi của những chuyến tầu  trans-indochinois  đó. Đề tài này không có gì là khó, nhưng lúc đó tôi rất lười học. Thành thử viết một bài dự thi rất lạc đề. Ngay sau đó, tôi cố gắng – một cách khổ sở – học tiếng Pháp hơn trước và phải mất mấy chục năm sau tôi mới trả được mối hận  xuyên Đông Dương  bằng bản trường ca  Con Đường Cái Quan.

Thời đó, những ai thi trượt vào Trường Bưởi thì được gia đình cho đi học tại Trường trung học Thăng Long. Hằng ngày tôi đi học bằng xe điện và được cái thú nhảy xe điện của lớp trẻ Hà Nội thời đó. Luôn luôn nhảy xuống đường trước khi xe điện ngừng. Luôn luôn chờ xe điện chuyển bánh rồi mới nhảy lên xe.

Mỗi ngày, chiếc xe điện già nua lọc cọc đưa tôi từ Quan Thánh xuống Hàng Cót (Rue Takou) – con phố có nhà hộ sinh nơi tôi sinh ra – rồi tôi đi bộ qua đường Hàng Da, Hàng Giầy để tới nhà trường nằm tại Ngõ Trạm (Henri D’Orléans). Trước mặt trường là cầu xe lửa với những chuyến tàu đông đặc hành khách. Dưới gầm cầu là nơi trú ngụ của những kẻ không nhà.

Vào thời điểm 1935-36 này, Trường Thăng Long là cái ổ của những nhà giáo muốn làm cách mạng. Thầy dạy của tôi là Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Tuyên, Phan Anh, Khuất Duy Tiến… Thầy Giáp dạy Sử Địa và gieo tinh thần yêu nước vào đầu học sinh. Thầy Tuyên dạy Pháp văn và tôi đã được thầy phê:  Petit élève intelligent et travailleur, pourrait réussir en français  (Học sinh nhỏ tuổi thông minh và cần mẫn, có thể thành công trong Pháp văn). Đó cũng nhờ anh Khiêm, khi ở Pháp về thì trong nhà có một thư viện khá lớn. Tôi tha hồ đọc sách Pháp văn, mỗi lần làm bài lại “thuổng” văn của các tác giả mà mình đã đọc. Đây cũng là lúc tôi ham đọc sách, đã khởi sự mê thích những kịch bản rất lẳng lơ của Marivaux như  Les Jeux De l’Amour Et Du Hasard…

Trong đám học sinh cùng lớp, tôi có một thằng bạn to con và ngỗ nghịch nhất là Nguyễn Văn Biểu, người gốc Quảng Yên. Chúng tôi phục thằng này sát đất mỗi khi nó đặt một miếng kẹo vừng trên mặt bàn học rồi lấy tay cầm cái bảo vật cứng cáp của nó để đập vỡ tan miếng kẹo! Do đó nó có thêm danh xưng là thằng “Cả Bật”. Chính thằng này đem tôi và Nguyễn Hiến (thằng bạn thân nhất của tôi) đi phá tân tại ngõ Hàng Mành. Khi có cuộc kháng chiến Nam bộ, Biểu là người tiên phong đi vào Nam và chết trận ở trong đó. Ngồi sau tôi hai hàng ghế là Bùi Đình Dậu tức thi sĩ Quang Dũng trong tương lai. Dậu cũng to con nhưng ngoan và hiền hơn Biểu. Ngồi cạnh Dậu là bác sĩ tương lai Nguyễn Huy Can, cháu gọi tôi bằng chú, con chị Phán ở phố Hàng Đường, hiện đang sống tại Paris.

Như đã nói, thằng bạn thân nhất của tôi ở Trường Thăng Long là Nguyễn Hiến, tính tình hiền lành, ăn nói chững chạc, bố là công chức Sở Công chánh, chuyên vẽ đồ bản. Gia đình trung lưu, không giàu nhưng vì có khả năng kiến trúc cho nên có căn nhà tự xây ba tầng, khá cao, khá rộng ở đường Chanceaulme gần chợ Hôm.

Tôi và Hiến rất hợp tính nhau, vào lúc đó, cùng có những sở thích như nhau, như cùng đi coi đá bóng, đi coi ciné, đọc truyện chung hay đi chim gái chung. Nhưng cả hai đều không thích hút thuốc lá, thuốc lào. Cùng hoan nghênh việc khuyến khích xây nhà Ánh Sáng, vận động phụ nữ cạo răng đen, và cùng ghét những cái rởm của thời đại như phong trào tiểu thư đi bộ hay đánh khúc côn cầu (hockey = dùng gậy đánh banh). Chúng tôi thường ví những nữ thể thao viên này như những “mụ thung”, nghĩa là các bà đi lượm phân. Thích chung tiền đi ăn ở tiệm cao lâu phố Hàng Buồm. Hai thằng còn có chung một cái thú là rủ nhau đi bộ ra ngoại ô gần hồ Thiền Cuông để hưởng cái thú (xin lỗi) ỉa đồng. Có khi cao hứng còn dắt nhau đi đồng gần hồ Bảy Mẫu nữa cơ!

Chỉ có một điều khác nhau giữa chúng tôi là Hiến rất sợ làm cha mẹ phật ý, sẽ không bao giờ dám đi ra ngoài con đường công chức mà bố đã định cho, còn tôi thì rất văng mạng, không bao giờ nghe lời khuyên của ai cả, háo thắng từ khi còn rất trẻ…

Khi phải thôi học chữ để đi học nghề hay khi phải xa Nguyễn Hiến để đi sinh sống ở Móng Cái, Hưng Yên, Bắc Giang… mỗi lần tạt về Hà Nội, tôi thường tới nhà Hiến để ăn cơm rồi ngủ lại. Bà mẹ của Hiến rất yêu tôi và thường cho tôi ăn món chả trứng mà tôi rất ưa thích.

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, tôi và Hiến đang nằm chơi trong căn phòng nhỏ ở gác thượng thì có một tiếng nổ lớn làm rung chuyển thành phố. Nhà máy điện bị phá hủy, đèn vụt tắt. Nổi lên những tràng súng chen với tiếng lựu đạn, tiếng mìn. Chúng tôi không ngạc nhiên vì cũng như tất cả mọi người ở Hà Nội lúc đó, chúng tôi thấy rằng việc phải đến đã đến. Đây là đêm mở đầu của cuộc Toàn Quốc Kháng Chiến:

– Rồi. Đánh nhau rồi…

– Tao đi nghe. Hiến, mày đi với tao không?

– Tao còn ông bô bà via, đi sao được?

– Thôi, ô voa…

Tôi đi kháng chiến trên bảy năm trời. Đôi bạn xa nhau. Khi tôi và vợ con vào Sài Gòn sinh sống thì gặp Nguyễn Hiến lúc đó cũng đã di cư vào Nam, nối nghề cha, làm họa viên cho Sở Lục lộ. Cả hai chúng tôi đều đã có gia đình, nhưng nếu tôi sẽ có nhiều con thì vợ chồng Hiến sẽ rất là hiếm con. Chúng tôi lại tiếp tục là hai người bạn thân thiết dù ít gặp nhau hơn khi chúng tôi còn trẻ. Mỗi lần xây nhà hay sửa nhà, tôi thường nhờ tới khả năng kiến trúc của Hiến.

Rồi cuộc đời đẩy tôi đi khỏi nước. Sau ba chục năm, tôi đẩy tôi trở về quê hương. Trong thời gian xa nước, tôi vẫn thường nhớ tới người bạn hiền lành dễ thương Nguyễn Hiến. Có một lúc Đài truyền hình ở Hoa Kỳ cho chiếu cuốn phim dài  Vietnam, A Television History  , tôi đang ngồi coi tivi ở Thị Trấn Giữa Đàng (Midway City – California) bỗng giật mình vì thấy trong phân cảnh những người Việt Nam đi bầu, hình ảnh anh bạn Nguyễn Hiến đang đứng bỏ phiếu!

Bây giờ là mùa Thu năm 2005, tôi đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Tôi mong ngày, mong đêm được gặp lại Nguyễn Hiến.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button