Văn học trong nước

Nguyễn Du – Trên Đường Gió Bụi

nguyen du tren duong gio bui sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Vũ Ngọc Khôi

Download sách Nguyễn Du – Trên Đường Gió Bụi ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook                  

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Cuộc đời Nguyễn Du có nhiều chỗ “mờ”! Mười năm gió bụi là cả một khoảng thời gian dài Nguyễn Du ở Thái Bình làm gì, hay còn đi đâu nữa? Nguyễn Du có chống Tây Sơn không và chống như thế nào? Mối tình Nguyễn Du với Hồ Xuân Hương kéo dài ba năm là lúc ông ở độ tuổi bao nhiêu? Nguyễn Du theo Gia Long có phải là tự nguyện? Rồi Truyện Kiều sáng tác ở thời điểm nào? Tại sao nhiều bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du viết về cảnh vật, con người Trung Hoa lại không trùng với con đường mà ông đi sứ?…

Tất cả những điều đó, các nhà nghiên cứu đều đang gắng sức giải mã. Cũng đã có những giả thiết, những đoán định hợp lý, hợp tình, song vẫn cần những chứng cứ chính xác để tìm sự đồng thuận cao. Nhưng không phải vì thế mà người ta bớt yêu Nguyễn Du, bớt yêu Truyện Kiều, bớt yêu Văn tế thập loại chúng sinh và hàng trăm bài thơ, bài văn của Nguyễn Du bằng chữ Nôm, chữ Hán. Trái lại, các công trình nghiên cứu Nguyễn Du và tác phẩm của ông càng ngày càng thu hút giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Người Mỹ, người Anh, người Pháp, người Nga, người Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… đều có những tổ chức, những chuyên gia nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều. Người Việt hải ngoại hướng tới quê hương cũng tiếp cận Nguyễn Du và tác phẩm của ông không ít. Ở trong nước, di tích Tiên Điền, quê hương Nguyễn Du được xem là di tích cấp đặc biệt của quốc gia. Đặc biệt năm 2011, một tổ chức nghiên cứu Truyện Kiều của các nhà khoa học và những người yêu mến Nguyễn Du, yêu mến Truyện Kiều được thành lập, gọi là Hội Kiều học Việt Nam.

Tất cả những điều ấy cho thấy Nguyễn Du và Truyện Kiều luôn là một ma lực, hấp dẫn. Đặc biệt Truyện Kiều được phổ biến, quảng bá bằng rất nhiều hình thức, phương thức từ bác học đến dân gian. Sinh hoạt về Kiều là một sinh hoạt văn hóa và Nguyễn Du là một danh nhân văn hóa.

Trong khi chờ để bổ sung một niên biểu chuẩn xác về Nguyễn Du, đã có những nhà văn thả trí tưởng tượng để tái hiện hình ảnh Nguyễn Du, đắp thịt, đắp da cho nhân vật mà mình yêu mến với mong muốn bè bạn cảm thông hơn về số phận, về nhân cách, về tâm hồn của một con người, một thi nhân nổi tiếng. Sự thực, người dựng chuyện về Nguyễn Du không nhiều. Ngoài một đôi mẩu giai thoại được loan truyền, chuyện về danh nhân Nguyễn Du chỉ mới có cuốn Ba trăm năm lẻ của Vũ Ngọc Khánh xuất bản năm 1988 và cuốn Nguyễn Du của Nguyễn Thế Quang xuất bản năm 2010. Cả hai cuốn trên đều nói rất sơ lược, thậm chí không nhắc tới khoảng thời gian mười năm Nguyễn Du lưu lạc.

Là người đi sau, chúng tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều công trình nghiên cứu và phát hiện mới, có điều kiện gặp gỡ và học hỏi nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia ở Hội Kiều học Việt Nam, cùng với mong muốn được góp một chút gì cho quê hương Nghi Xuân của mình, nên mạnh dạn dựng một Nguyễn Du theo cách mình hiểu. Nhà viết tiểu thuyết lịch sử lừng danh người Pháp, Alexandre Dumas từng khẳng định: Lịch sử chỉ là chiếc đinh để tôi treo bức tranh của mình. Tôi rất đồng tình với quan niệm này nên đã đặt nhân vật của mình với những thăng trầm lịch sử, đặt nhân vật của mình trong tương quan với những con người có thực cùng thời, chiếu ứng với những bài thơ của chính nhân vật viết ra rồi dựng lên một khung cảnh tôi cho là hợp lý. Truyện được dựng trên tinh thần như thế và tác giả chỉ tái hiện nhân vật Nguyễn Du trong khoảng thời gian từ thơ ấu đến ngoài tuổi 30 (khoảng năm 1793). Tôi cho rằng Nguyễn Du không chỉ có mười năm gió bụi mà cả cuộc đời ông sau trước đều trong cõi phong trần.

Cuốn sách này được viết để bày tỏ tình yêu của tôi với quê hương và văn hào Nguyễn Du, để góp tiếng nói của một thành viên Hội Kiều học chào mừng ngày kỷ niệm 250 năm sinh của ông và cũng để nhớ tới thân phụ tôi, người đã nhiều năm gắn bó với Nguyễn Du và Truyện Kiều. Tôi xin cảm ơn những người thầy, những bạn bè đã gián tiếp gợi ý cho tôi qua các công trình mà tôi được tham khảo.

HOÀNG KHÔI

ĐỌC THỬ

Những ngày thơ trẻ

“Chú Bảy, Chú sớm về Bích Câu để lên Thái Nguyên. Anh đã thu xếp cho chú một chức quan nhỏ trên đó. Cũng đã đến lúc phải tuân theo lễ xuất xử(1) rồi”.

Thư của Nguyễn Khản chỉ có vài dòng ngắn gọn nhưng lại làm cho Nguyễn Du rất đỗi xốn xang. Thư được viết bằng chữ Nôm chứ không phải bằng chữ Hán. Theo như quy ước ngầm, quy ước bất thành văn trong gia tộc Nguyễn Tiên Điền thì một khi người trong nhà trao đổi với nhau bằng chữ Nôm, tức là có những gửi gắm sâu xa phía sau câu chữ.

Nếu như là một vài năm trước đây đọc những dòng thư này, Nguyễn Du chắc chắn sẽ ngầm phản ứng. Ấy là vì hồi 14, 15 tuổi, Nguyễn Khản đã tỏ ra khá nghiêm khắc với cậu em. Nguyễn Khản là anh ruột, nhưng là anh cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du. Ông hơn Nguyễn Du 32 tuổi. Mẹ đẻ Nguyễn Du mất khi Nguyễn Du mới 13 tuổi, từ đó Nguyễn Khản phải chăm sóc chú em mồ côi. Là anh em nhưng tuổi tác cách xa nhau, những lo toan của Nguyễn Khản giữ gìn gia đạo, gia phong, đối với một đứa trẻ non nớt như Nguyễn Du khi ấy thật khó có sự cảm thông, thấu hiểu. Ấy là chưa nói đến chuyện chính ông anh đã thẳng tay can thiệp, cấm đoán chuyện tình của Nguyễn Du với cô lái đò Đỗ Thị Nhợt năm nào. Nguyễn Du phải về mấy năm ở vùng Sơn Nam(1) này cũng vì chuyện ấy.

Nhưng giờ đây, khi đã trưởng thành, suy nghĩ chín chắn hơn, Nguyễn Du hiểu được phần nào tâm tình của người anh. Nguyễn Khản thực sự có trách nhiệm, lo toan cho em chưa thật trưởng thành trong thời buổi nhiễu nhương đầy biến động của đất nước.

Mấy dòng ngắn ngủi của Nguyễn Khản lại khơi gợi cho Nguyễn Du rất nhiều hồi tưởng.

Đúng là sau khi thân phụ Nguyễn Nghiễm mất đi, Nguyễn Khản vẫn là một bậc trọng thần được Chúa Trịnh Sâm quí mến. Trịnh Sâm và Nguyễn Khản có tình bạn bè với nhau nên ít khi giữ lễ Chúa tôi, vẫn thường xuyên câu cá, đánh cờ, xướng họa cùng nhau. Thậm chí, nhiều khi Chúa tôi còn gác chân lên nhau thoải mái đọc thơ. Nhưng từ khi Chúa yêu bà phi Đặng Thị Huệ và sinh được Trịnh Cán thì phủ Chúa xảy ra những tranh giành lục đục. Đặng Thị Huệ mưu giành ngôi Chúa cho con mình khiến cho con cả của Chúa là Trịnh Khải phải tụ tập thủ hạ thân tín để đối phó. Nhưng việc vỡ lở! Trịnh Khải bị phế truất, đám thủ hạ bị giết sạch. Nguyễn Khản vốn là thầy học của Trịnh Khải nên cũng liên lụy, bị bắt giam. Mặc dù sau đó được tha nhưng Chúa không còn trọng dụng nữa. Năm đó là 1780, thời bấy giờ gọi là vụ án năm Canh Tý.

Những năm cuối đời của Trịnh Sâm, đất nước vô cùng rối ren. Không chỉ có bọn quan lại thuộc phe Đặng Thị Huệ đục nước béo cò lũng đoạn triều chính như Hoàng Đình Bảo, mà bọn ba trợn du côn quấy nhiễu dân lành như Đặng Mậu Lân (em Đặng Thị Huệ) – được gọi là “Cậu Trời” – ngang nhiên cướp của, hiếp người. Đặng Mậu Lân còn trơ tráo đến độ dám vây màn giữa đường rồi bắt gái nhà lành vào đó hãm hiếp cho thỏa dục vọng. Ngay cả những người có danh như Ngô Thì Nhậm, người làng Tả Thanh Oai, đỗ đến tiến sĩ (khoa Ất Mùi – 1775) cũng phải chịu những lời đàm tiếu “sát tứ phụ nhi thị lang” (giết bốn người cha để được chức thị lang)(1). Rồi chính Chúa Trịnh Sâm cũng mang bao nhiêu điều tiếng hổ thẹn hoàn toàn không xứng với một đấng quân vương. Nhiều năm trước, người ta chê cười Trịnh Sâm hẹp hòi đã tìm cách hãm hại thái tử Duy Vĩ(1). Nguyễn Du được nghe kể rằng: “Thái tử Duy Vĩ lúc nhỏ rất nhanh nhẹn, thông minh, lại đối đãi với các sĩ phu rất có lễ độ, được thần dân yêu mến cả về thái độ lẫn dung nghi. Chúa Trịnh Doanh rất trọng tài nên đã gả con gái là Tiên Dung quận chúa cho Duy Vĩ. Làm rể Chúa nhưng thái tử rất bực tức về nỗi nhà Lê mất quyền bính nên vẫn có chí thu nắm lấy quyền cương. Trịnh Sâm là con Trịnh Doanh, khi ấy là thếtử. Trịnh Sâm vẫn ghen ghét địa vị, tài năng của Duy Vĩ. Một hôm, thái tử và Trịnh Sâm cùng ở phủ Chúa, được Trịnh Doanh ban cho ăn cơm và bảo ngồi cùng một mâm. Lúc ấy phu nhân của Trịnh Doanh là Chính phi Hoa Dung đã ngăn lại, nói:

-Thái tử và thế tử có danh phận Vua tôi, lẽ nào được ngồi cùng mâm? Nên phân biệt, ngồi làm hai chiếu.

Trịnh Sâm nghe vậy bất bình, sắc mặt giận dữ, bước ngay ra về và nói với bọn tôi tớ rằng:

-Ta với Duy Vĩ, hai người phải một chết một sống, quyết không song song cùng đứng với nhau được.

Sau này khi Trịnh Sâm nối ngôi Chúa, ông đã lập kế vu cho thái tử tư thông với người thiếp của Trịnh Doanh rồi giả thác mệnh vua, truất thái tử làm thứ dân, cho hạ ngục. Đến năm Tân Mão (1771), Trịnh Sâm tìm cách vu cho một số người tội mưu cướp ngục cứu thái tử, đã sai thủ hạ thắt cổ giết thái tử.

Những năm cuối đời, Trịnh Sâm phát nhiều bệnh, rất sợ nắng gió, thường ở trong cung sâu kín, ban ngày cũng phải đốt nến, không mấy khi bước ra ngoài trừ những ngày đại triều hội, không thể không ra.

Chỉ đến khi Trịnh Sâm chết, phe Trịnh Khải dựa vào đám quân Tam Phủ giết Hoàng Đình Bảo, hạ ngục Đặng Thị Huệ giành lại quyền hành, Nguyễn Khản được trở lại làm Quốc sư nắm quyền tể tướng, ông mới dự tính chấn chỉnh kỷ cương.

Nguyễn Du rất hiểu đằng sau những lời lẽ tưởng như khô khan của bức thư, Nguyễn Khản đã dự liệu trước cho người em một tương lai mà chắc ông sẽ tạm yên tâm, nếu như không may ông phải gặp trắc trở trên con đường hoạn lộ. Nguyễn Du lại nhớ tới những ngày thơ ấu tại phường Bích Câu. Trước khi thân phụ mất, cả nhà Xuân quận công quây quần ở đó. Dinh thự nhà họ Nguyễn tọa lạc trên một vùng đất khá rộng rãi có đến mười mấy nếp nhà. Cụ Nguyễn Nghiễm là một trí thức đại thần nhiều vợ con, thê thiếp và cũng đông con cháu nên mỗi người vợ được ở riêng một nhà với những người con của mình. Mẹ của Nguyễn Du là Trần Thị Tần thực ra chỉ là một người thiếp yêu của Nguyễn Nghiễm nên vai vế trong nhà cũng chỉ ở mức khiêm tốn. Bà Tần là một cô gái Bắc Ninh trẻ trung, xinh đẹp, có giọng ca quan họ rất hay được các bậc liền anh, liền chị trong vùng nể phục và không ít người ấp ủ mộng trăm năm. Nhưng theo tập tục cổ truyền thì các liền anh, liền chị không bao giờ có thể thành gia thất khi các làng cùng kết chạ. Bởi thế mà cô Tần đang treo giá ngọc mới gặp được quan tham tụng Nguyễn Nghiễm một lần khi ngài kinh lý vùng Kinh Bắc. Mối tình trai tài gái sắc khiến cho cô Tần 18 tuổi trở thành phu nhân của quan tể tướng lúc ấy đã 48 tuổi. Những năm đầu bà Tần rất hạnh phúc, nhưng nhiều năm sau khi trở về Bích Câu, sống chung với các bà vợ khác của chồng, bà Tần mới nhận ra số phận của một người như mình chỉ như là những người hầu, cô mọn.

Thực ra trong nhà họ Nguyễn chỉ có hai bà, bà Đặng Thị Dương (mẹ của Nguyễn Khản) và bà Đặng Thị Tuyết (mẹ của Nguyễn Điều) là có vai vế trong gia đình. Đó là hai bà chính thất và thứ thất, còn các bà khác như bà Nguyễn Thị Xuyên (mẹ của Nguyễn Quýnh), bà Hồ Thị Ngạn (mẹ của Nguyễn Nghi), bà Trần Thị Tần (mẹ của Nguyễn Du, Nguyễn Nễ) đều chỉ là người được tuyển vào phủ Bích Câu nhờ những mối tình gặp gỡ giữa đường của quan quận công họ Nguyễn. Đa số những người vợ này đều là con cái của các gia đình nông dân, gia đình thợ thủ công nhờ trông “sạch mắt” nên được các cụ lớn chiếu cố. Cũng có đôi gia đình vì rơi vào những hoàn cảnh khó khăn, hoặc là những cô đào trẻ tuổi ở các hội phường biết dâng rượu, biết chiều người được các quan “chiếu cố” giữ lại hầu hạ, hoặc có người phải đem thân gán nợ cho các nhà giàu. Làm vợ lẽ, làm nàng hầu là để có chốn nương thân chứ vị trí trong nhà thì chẳng có gì là vinh dự cả.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button