Văn học trong nước

Ngày Viết Mỗi Ngày

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Lê Minh Quốc

Download sách Ngày Viết Mỗi Ngày ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

NHỮNG NGÀY VIẾT LÀM NÊN ĐỜI VIẾT

Tôi có hứng thú đặc biệt khi được tiếp xúc với những trang nhật ký của các nhà văn. Bởi ở đó, ta không chỉ được chứng kiến những suy nghĩ, cảm xúc riêng tư của một con người, mà qua đó, còn đọc thấy bao vấn đề nhân sinh, thế sự, thấy được không khí của thời cuộc. Một đời sống của những ngày tháng xa xôi hiển hiện thật gần gũi, sinh động từ những rung cảm thành thật và sự mẫn cảm tinh tế của người nghệ sĩ. Tôi đã đọc, hàng nghìn trang nhật ký của Nam Cao, Hoài Thanh, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Minh Châu, Ngô Thảo… trong tâm thế đó. Nhật ký của nhà văn không chỉ là một phần đời mà nó chính là tác phẩm, là đứa con tinh thần của họ. Những ngày viết góp phần làm nên đời viết.

Ai cũng có thể viết nhật ký, nhằm ghi lại những gì đáng nhớ trong một ngày. Nhưng nếu chỉ quanh quẩn câu chuyện riêng tư, những suy nghĩ cá nhân đơn lẻ, không gắn với dòng chảy thời sự đang diễn ra, thì không thể tìm thấy sự đồng cảm nơi người đọc rộng rãi. Nhật ký của nhà văn – người của công chúng, phải phản ánh được thời gian đang sống. Có như thế, sau này, qua nhật ký của một người, thế hệ sau mới có thể tìm thấy dấu tích của một thời.

Ngày viết mỗi ngày của Lê Minh Quốc là một cuốn sách ôm chứa khá đầy đủ những phẩm chất đó. Nhưng có điều khác là nó ra đời trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, nên có tính cập nhật và tương tác rất cao. Trước khi in thành sách, tác giả đã đưa nhật ký của anh lên mạng xã hội để bạn đọc chia sẻ, bình luận. Do đó, nó mang tính hướng ngoại rõ rệt. Lê Minh Quốc không ngại “chường mặt” với bàn dân thiên hạ. Anh cũng không né tránh việc đem chính mình ra để giễu cợt với giọng điệu tự trào thật dễ thương, ngay cả ở những điều thương không… dễ (tỷ như việc nhận thấy mình là kẻ hèn yếu, là gã đàn ông dễ bị nhan sắc hút hồn đến mê muội, là kẻ bốc đồng bên bàn nhậu, là một trong những đệ tử Lưu Linh đã góp phần làm nên kỷ lục “ngốn” 3 tỷ lít bia trong năm 2013 của người Việt…)

Có nhiều danh xưng trong một cái tên Lê Minh Quốc. Anh là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà biên soạn khảo cứu. Một người lao động cần mẫn, cày sâu cuốc bẫm trên cánh đồng chữ nghĩa. Cùng với các thể loại khác, nhật ký trong một năm của Lê Minh Quốc được chọn lọc và tập hợp thành một cuốn sách đã làm nên dấu ấn của riêng anh. Từ những quan sát, trải nghiệm, bằng vốn sống, vốn kiến thức được tích lũy qua nhiều năm tháng, Ngày viết mỗi ngày của Lê Minh Quốc đã cung cấp cho người đọc nhiều thông tin và những cảm nhận sâu sắc về các vấn đề, các sự việc đáng chú ý trong năm 2014 (theo con mắt của anh). Có những điều ta chưa biết. Có những chuyện ta đã biết, thậm chí đã nghe nói nhiều lần, nhưng qua câu chữ và cảm xúc của Lê Minh Quốc dường như nó đã được phát hiện, nhấn mạnh và soi chiếu kỹ càng, trực tiếp lay động đến tình cảm và nhận thức của chúng ta. Độc giả sẽ càng thấy thú vị khi không chỉ biết được những bộn bề của đời sống hôm nay, mà còn có thể biết được những điều đã xảy ra từ thời xa xưa, ngược dòng lịch sử. Sẽ thấy những lời giải thích rất cụ thể, rõ ràng và gặp cả không ít “những câu hỏi lớn không lời đáp” như các vị La Hán ở chùa Tây Phương trong thơ Huy Cận.

Từ những cảm xúc, suy nghĩ riêng tư của một người mà có sức lan tỏa, lay động đến nhiều người. Đó là sức mạnh của ngôn từ nghệ thuật. Những tâm sự mỗi ngày được thể hiện qua từng câu chữ đã cho thấy một thái độ sống tích cực, đầy tinh thần phản biện với những vấn đề của đời sống hôm nay và không chỉ hôm nay. Một quá khứ được tôn trọng. Một tương lai được hướng tới bằng cái nhìn đầy trách nhiệm. Hơn nửa đời cầm bút, chọn chữ nghĩa làm nghề nghiệp, Lê Minh Quốc ý thức được giới hạn công việc của mình. Không còn ảo tưởng như thời tuổi trẻ, mới bước chân vào nghề. Biết được giới hạn, nhưng vẫn không ngừng viết mỗi ngày. Đó là tâm sự rất thật của Lê Minh Quốc: “Trong cõi đời này, mênh mông là sách, bạt ngàn là báo. Y có cảm tưởng những gì viết ra chẳng khác nào ném hạt muối xuống biển. Vẫn biết thế, nhưng vẫn cứ dã tràng xe cát biển Đông. Điều này không quan trọng, miễn là tìm thấy niềm vui và hài lòng với công việc mỗi ngày.

Ý nghĩa đích thực của đời sống là ở đó, nào phải tìm kiếm đâu xa.”

Đó không phải là suy nghĩ “lên gân” để an ủi mình, mà nó đã được thể hiện qua từng bài viết cụ thể. Từ Vài suy nghĩ lan mantưởng chừng riêng tư nhỏ nhặt đến những vấn đề “nước sôi lửa bỏng” của đất nước, như việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương HD-981 vào vùng biển của Việt Nam. Từ ý kiến của đại biểu Quốc hội với cái tít dữ dội: “Nhiều người dân bị dồn nén “sau một đêm” trở thành tội phạm?”, đến những bức xúc, trăn trở trong hệ thống giáo dục giáo điều cứng nhắc… Tất cả đều được trình bày với cảm hứng công dân nồng nhiệt, đầy cảm xúc.

Nhật ký Lê Minh Quốc bao quát khá nhiều các sự kiện văn hóa xã hội đã xảy ra trong năm, kèm theo là nhận xét, đánh giá của anh. Trong vai trò nhà báo, anh ghi lại cụ thể, chi tiết 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật trong năm 2014 do Văn phòng Bộ VHTT & DL phối hợp báo Văn Hóa, báo Thể thao Việt Nam, báo Du Lịch tổ chức họp báo bình chọn ngày 25.12.2014. Qua bình chọn của 133 phóng viên theo dõi lãnh vực trên, đại diện cho 116 cơ quan báo chí.

Trong vai trò của “một con mọt sách”, anh cho người đọc biết một thông tin đáng tự hào: chính lính thợ người Việt là chủ nhân của cây lúa ở vùng Camargue. “Nhờ kinh nghiệm cha ông để lại, những người này đã thành công ở vùng đất mà biết bao người khác trước đến đây đã từng thất bại, để trồng lên ở Camargue một giống lúa chất lượng cao làm biến đổi sâu sắc nền kinh tế và phong cảnh của vùng châu thổ sông Rhôme”.

Trong tư cách một nhà khảo cứu anh cung cấp khá nhiều những kiến thức về ngôn ngữ tiếng Việt (từ cổ, phương ngữ…), về lịch sử (các triều đại, một số nhân vật lịch sử…)

Và tất nhiên, là nhà thơ, Lê Minh Quốc đã đem lại cho người đọc vô số những cảm nhận thú vị, sâu sắc, tinh tế về thơ ca. Những câu thơ tài hoa của các nhà thơ nhiều thế hệ, của bạn bè và của chính tác giả đã làm nên sự độc đáo, khác lạ cho tập nhật ký Ngày viết mỗi ngày. Ở đôi chỗ, Lê Minh Quốc cũng đã cho biết những ghi chép của anh có mục đích là nhằm cung cấp tài liệu cho văn học sử. Nhiều nhận xét của anh về các nhà văn, học giả như Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Nguyễn Đổng Chi… tinh tế và chuẩn xác.

Những trang viết “lôi” người ta nhập cuộc. Khiến cho không ai có thể đứng ngoài một hoàn cảnh xã hội cụ thể! Viết đến đây, tôi chợt nghĩ rằng, Lê Minh Quốc còn là một người lính. Những năm tháng sống chết ở chiến trường K đã không ngừng lên tiếng réo gọi. Giục giã. Góp phần tạo nên những trang viết hôm nay của anh.

Lý do để Lê Minh Quốc viết mỗi ngày, bởi, mỗi ngày, có những cú va đập của sự việc nào đó, trong lòng hằn lên vết sẹo. Cảm thấy khốc liệt quá. Kinh khiếp quá. Và có những vấn đề, anh thấy mình không đủ trình độ, khả năng bình luận, chỉ ghi chép để lưu lại dấu vết của một thời đang sống. “Một mình ngồi với một mình/ Đôi dòng Nhật ký tâm tình sẻ chia”…

Tôi mong và tin rằng sự chia sẻ này của nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc sẽ được bạn đọc đón nhận. Bởi từ một lát cắt của thời gian, anh đã cho chúng ta một cảm nhận khá đầy đủ về những ngày đang sống!

ĐỌC THỬ

1 VÀNG RƠI! VÀNG RƠI: THU MÊNH MÔNG

Nhà văn lắm chuyện là tựa sách của nhà văn Vũ Bằng, in năm 1971 tại Sài Gòn. Đọc, đôi lúc cười tủm tỉm, hóa ra các ông nhà văn thuở trước mà văn chương chữ nghĩa được tuyển chọn đưa vào sách giáo khoa dạy học trò, ai biết thuở sinh thời họ cũng tinh nghịch, tếu táo lắm. Nay, y nghĩ, nhà báo cũng lắm chuyện. Lên Facebook, đọc bài thơ Tự trào của nhà báo Hà Đình Nguyên (báo Thanh Niên). Anh tự cười mình:

Một năm con rắn quá ngoằn ngoèo

Nay thấy ngựa về tớ sướng reo

Xem tên: e đủ đóng phim heo

Thuốc thang chỉ rặt toa “ngò mực”

Ăn uống dùng toàn món “nhím, cheo”

Thầy bói cò mồi, gà… chim chuột:

– Đố ông năm mới chẳng thêm mèo!

Trong bài thơ này có mấy con vật? Có ai ngồi đếm thử không? Chỉ thắc mắc “ngò mực” là toa thuốc gì? Rồi thỉnh thoảng đôi lúc, mấy anh bạn đồng nghiệp lại hỏi, trong tiếng Việt có các từ như “chợ búa”, “gà qué”, “heo cúi”… nghĩa là gì? Chà, khó trả lời quá. Bỗng nhiên, Trần Hoàng Nhân giải thích cà rỡn: “Đã là chợ ắt có mua bán mà “mua bán”, nói lái “mang búa”. Chữ “búa” đi kè kè sau từ “chợ” có nghĩa là thế”. Anh em cười cái rần.

Đem cái thắc mắc này về nhà, và tra tự điển xem sao. Từ điển từ Việt cổ (NXB VHTT – 2011) của Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện không thấy giải thích. Tiếng Việt trong thư tịch cổ Việt Nam (NXB VHTT – 2011) của Nguyễn Thạch Giang cũng không có thông tin gì hơn. Đại Nam quốc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, bản in 1895, cho rằng, những từ đó là “tiếng đôi”. Nếu đúng, từ đi theo không có nghĩa, nếu có chỉ bổ trợ cho từ đi trước. Chẳng hạn, “chùa chiền”: “chiền” bổ trợ cho “chùa” mà “chiền” đứng riêng lại không có nghĩa. Có thể ban đầu người Viêt gọi chung “chùa chiền”, “heo cúi”… Dần dà, qua giao tế, từ đi sau biến mất? Mà cái chuyện này hoàn toàn xảy ra, trong một vài trường hợp như “ngã tư ông Bảy Hiền” thành “ngã tư Bảy Hiền”; “chợ sông Hàn” thành “chợ Hàn”… Ôi! Rắc rối. Chẳng rõ thế nào nữa.

Chuyện chữ nghĩa là mối quan tâm của những ai sống bằng nghề. Nghề viết. Viết để sống. Về từ “chùa chiền”, “chợ búa” có người gợi ý nên tìm đọc Tiếng nói nôm na (NXB Văn nghệ TP.HCM – 1999) của Lê Gia. May quá trong nhà có tập sách này, dày 1.590 trang. Chiều nay đọc lại. Trang 137, giải thích: “Chùa chiền”:chữ “chiền” do chữ “thiền” là sự im lặng tuyệt đối, im lặng và nghĩ ngơi; “chùa chiền”: cái chùa thờ Phật, nơi tuyệt đối im lặng và suy nghĩ. Trang 148, giải thích: “Chợ búa”: nơi có tiếng ồn ào, lộn xộn, mọi vật vải vóc, tiền bạc bày ra khắp nơi”; “búa”: – do chữ “bố” là vải vóc, tiền bạc, sắp bày ra, nói rõ ra, khắp nơi, và chữ “bố” (cũng đọc là “bộ”) là bến sông, chợ họp bên sông”.

Hợp lý quá. Lại hỏi, tại sao “th” (thiền) lại biến thành “ch” (chiền)? “ố” (bố) biến thành “úa” (búa)? Hôm nào có dịp gặp ông bạn già An Chi nhờ giải thích vậy. Sực nhớ chừng mươi năm trước, ông cho biết đang tập trung công sức làm quyển Từ nguyên tiếng Việt. Nay chẳng rõ đã đến đâu rồi?

Với y, ồn ào náo nhiệt chuyện chữ nghĩa vẫn là thói quen trong cuộc nhậu. Lần nọ, có người đọc câu ca dao:

Người xinh giọng nói cũng xinh

Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn.

Hiểu thế nào về “giòn”? Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam (NXB KHXH – 1988), trang 423 giải thích nhiều nghĩa, nghĩa thứ 3: “Có vẻ đẹp khỏe mạnh (thường nói về phụ nữ). Một người vừa xinh vừa giòn; (Nước da) đen giòn”. Vậy giải thích thế nào câu tục ngữ: “Đông con, giòn mẹ”? Chẳng lẽ, người phụ nữ sinh nở nhiều “có vẻ đẹp khỏe mạnh”? Vô lý quá, phải không? Rồi có người lại bảo, câu ca dao này của Quảng Nam:

Trăng lên trên đỉnh mu rùa

Cho anh chơi chịu tới mùa anh trả khoai.

Chữ “chơi” thay cho chữ khác. Trang nhã hơn. “Đỉnh mu rùa” chỉ là một cách nói, nhiều ngụ ý, gợi liên tưởng đến hình ảnh khác. Lâu nay, vẫn nghĩ câu ca dao đó của vùng Thanh Nghệ. Ủa? Hóa ra câu này của quê mình? Lấy gì làm bằng chứng? Một anh bạn “bật mí”, bài Hát xạo trong hò khoan xứ Quảng của Đinh Thị Hựu (tạp chí Non Nước số 12.2013) có cho biết câu kế tiếp. Rằng, khi nghe chàng kia ỡm ờ, tinh nghịch, cô nàng bèn láu lỉnh, bẻm mép mà rằng:

Trăng lên trên đỉnh núi rồi tề

Làm chi làm đại một cái để em về kẻo mẹ la

Đọc kỹ lại đi. Đúng là của Quảng Nam. Bằng chứng nằm ở chữ “tề”. “Mô, tê, tề, răng, rứa” không lẫn vào đâu được. Mà thật ra rất khó, thậm chí có thể đi vào ngõ cụt khi muốn xác định câu ca dao nào thuộc vùng miền cụ thể nào. Khi chọn các bài báo của Phan Khôi in thành tập, nhà nghiên cứu rất chu đáo, cẩn trọng là ông bạn già Lại Nguyên Ân không giải thích được chữ “ngẳng”. Đơn giản, không phải người Quảng Nam nên ông Ân không hiểu thổ âm, thổ ngữ vùng đất đó. “Ngẳng” có nghĩa là tinh nghịch, nghịch ngợm đối với người khác nhưng không ác ý. Còn hằng hà sa số những từ mà ta chỉ cảm, chứ khó có thể giải thích rành mạch. Xét rộng ra, chắc gì người Việt đã hiểu hết ngữ nghĩa tiếng Việt? Sực nhớ câu “Đồng không mông quạnh”. Hỏi, “mông” là gì? Còn hằng hà sa số những từ mà ta chỉ cảm, chứ khó có thể giải thích rành mạch.

Hôm nọ lai rai với vài người bạn văn nghệ trong một chiều ngút gió. Trời chuyển mưa. Ngồi ngoài trời. Chỗ Hồ Con Rùa. Nhà văn Đoàn Thạch Biền hào hứng: “Đố Q câu thơ nào, của ai, mà Hoài Thanh đánh giá “những câu thơ hay vào bực nhất trong thơ Việt Nam?” Đang ngà ngà say, nghe nhắc đến thơ đột nhiên tỉnh như sáo, lập tức buột miệng đọc ngay:

Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

Anh Biền bảo: “Dịch ra tiếng nước ngoài, tôi đố ai có thể dịch nổi hai câu thơ đó của Bích Khê?” Anh nói đúng. Không phải ngẫu nhiên, người ta bảo “dịch là diệt”. Diệt cái gì? Diệt hồn vía, âm điệu, nhịp điệu của câu thơ. Câu thơ trên dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp liệu thiên hạ có cảm được không? Hay chỉ hiển hiện một hình ảnh bình thường, ai ai cũng có thể đã gặp, đã thấy mà cũng chẳng có gì độc đáo? Nghĩ loáng thoáng như thế này, đọc câu thơ trên, nếu biết thêm câu thơ Đường này ắt sẽ cảm hay hơn nữa:

Ngô đồng nhất diệp lạc

Thiên hạ cộng tri thu

Thử dịch sang lục bát xem sao:

Ngô đồng chỉ một lá rơi

Thiên hạ đã biết đất trời sang thu

Rõ ràng, nhớ từ thơ Đường sang thơ Việt ắt cảm nhận “thu mênh mông” sẽ gợi mở nhiều hơn trong trí tưởng tượng của người thưởng ngoạn.

Nghĩ thế nên thấy tiếc cho thời sinh viên. Thời ấy, lười học quá nên bao nhiêu vốn tiếng Nôm – Hán đã trả hết lại cho thầy. Là người Việt, chắc gì đã hiểu hết ngữ nghĩa tiếng Việt? Y cũng vậy. Chỉ nội cách xưng hô của vua chúa thời trước cũng khiến nhiều người bí rị. Mới đây, khi xem phim Trần Thủ Độ, những chi tiết như Trần Thị Dung xưng “anh – em” với Trần Thủ Độ, xưng “mày – tao” với đầy tớ gái… PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi – Viện Sử học, cho rằng: “Cách xưng hô của thế kỷ XIII không có “anh – em”, “mày – tao”, vì dân tộc ta hồi đó toàn dùng chữ Hán. Trong các tác phẩm chữ viết thời xưa cũng không thấy có cách xưng hô này. Phiên âm ra “anh – em” mãi sau này theo Quốc ngữ mới có”. Tiếc ý kiến này chẳng thấy ai tranh luận, đồng tình hay phản bác.

Thử hỏi, nếu người Việt không sử dụng chữ Quốc ngữ, chỉ sử dụng Nôm – Hán, ngày nay đất nước đã đi về đâu?

Do chữ Hán được cấu tạo theo sáu nguyên tắc gọi là “lục thư”: Tượng hình, Chỉ sự, Hội ý, Hình thanh, Chuyển chú, Giả tá. Do đó, khi học, tập viết chữ cũng là lúc đứa trẻ suy ngẫm về ý nghĩa của từ mà nó đang tập viết. Chẳng hạn viết chữ “mẫu” (mẹ), đứa trẻ hình dung ra hình ảnh mẹ ngồi ở tư thế quỳ, trước mặt là hai bầu vú sữa, cho con bú. Vậy khi chăm chú rèn chữ, đứa trẻ càng hiểu sâu xa hơn từ “mẫu” và ngẫm nghĩ ý nghĩa của từ này: Ơn mẹ cho bú mớm. Với chữ Quốc ngữ thì không. Viết “mẹ” chỉ đơn thuần là “mẹ”. Vì thế, bây giờ đặt ra chuyện rèn chữ đẹp không thể có ý nghĩa sâu xa như tập viết chữ Hán. Chỉ đơn giản là viết sao cho dễ đọc, rõ chữ. Điều này cũng tốt thôi. Thời nhỏ, đi học viết chữ cẩu thả, thầy chê: “Chữ xấu như gà bươi”. Ai trong đời không từng nghe câu âu yếm, yêu thương này?

Trước đây khá lâu có tham dự buổi tọa đàm khoa học ở Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, có nhà nghiên cứu lập luận, sở dĩ Nhật, Trung Quốc… đi xa hơn chúng ta bởi họ còn sử dụng chữ Hán. Học chữ Hán, chỉ một chữ, người ta cũng thấu hiểu ý nghĩa của nó. Thời sinh viên nghe thầy giảng và còn nhớ loáng thoáng, chẳng hạn, học chữ “Quốc” ( 國 ), đại khái cậu học trò sẽ biết gồm có chữ “khẩu” (miệng), ngay dưới “khẩu” là chữ “nhất”; đặt nghiêng trên hai chữ đó là “qua” (vũ khí) và phía trên là chữ “ngọc” (châu báu). Xung quanh các chữ đó thêm khung vuông chỉ cương vực một quốc gia. Tự hiểu, chữ “Quốc” có ý nghĩa là người dân trong một nước, muôn người như một (miệng) cùng cầm vũ khí bảo vệ châu báu trong cương thổ của mình.

Trong khi đó, học chữ “Quốc” theo chữ Quốc ngữ, chỉ đơn thuần là “quốc”. Mà may nhờ có chữ Quốc ngữ, xóa nạn mù chữ mới nhanh chóng hơn. Chữ Hán rắc rối, nhiều nét nên sau này người ta có giản lược bớt nét. Ngày xưa, dù giỏi chữ Hán nhưng không ôn luyện, không đọc, không viết thường xuyên cũng có nguy cơ mù chữ lại như thường. Vậy suy luận ra, “văn ôn võ luyện” là câu cửa miệng đã có từ xửa từ xưa lâu lắm rồi.

Trò chuyện lan man chuyện chữ nghĩa cũng một cách làm nhộn men rượu. Còn hơn cay cú bàn những chuyện gì gì đó, cuối cùng, thấy đời đáng chán. Làm sao vui sống?

Sáng nay, mọi việc tốt đẹp. Thức dậy sớm. Ủi cái áo. Đánh xi đôi giày. Đứng soi gương. Cười hơn hớn. Vẫn phở. Khi đến phim trường VTV3 tham dự cuộc thi nọ. Đã thấy một mâm ngũ quả cúng ngay sàn diễn. Cúng lấy hên. Trầm thơm. Lòng nhẹ nhàng. Ban tổ chức cho biết, trước đó, họ cũng mời những “người của công chúng” nhưng hầu hết đều từ chối. Sợ thua. Còn y lại không. Đặt nặng thắng thua làm gì. Thắng chả sang hơn. Thua chẳng gì xấu hổ. Cuộc chơi nào không có thắng thua? Bình thường thôi. Khi đứng trước 100 “đối thủ” là các khán giả mặt ngọc xinh tươi, tự nhiên thấy tự tin. Dẫn dắt cuộc chơi là MC Thái Tuấn.

Nhờ ơn trời, y đều trả lời trúng chóc.

Lâu nay cứ tự nghĩ hậu đậu, ngốc ngếch mà đâu ngờ y cũng thông minh ra phết đấy chứ? Lại tự sướng nữa rồi! Chà, khó nhất là câu 3: “Trong cả cuộc đời, một người phụ nữ bình thường có khả năng sản sinh ra bao nhiêu trứng hoàn chỉnh? A. Khoảng 50 trứng; B. Khoảng 100 trứng; C. Khoảng 350 trứng”. Hú hồn, tự nhiên lúc ấy, lại nhớ đến huyền thoại bà Âu Cơ đẻ 100 trăm trứng. Suy ra, số trứng phải nhiều hơn chứ? Rõ ràng, chẳng dựa trên cơ sở khoa học, chẳng hiểu biết gì về cấu tạo của người phụ nữ. Thế nhưng lại trả lời đúng, đó là đáp án C! Cú “ngáp phải ruồi” này ngon cơm quá. Ngày hôm nay vui. Vui vì có tiền. Thử nghĩ, tính đổ đồng mỗi bài báo y viết, một chữ tính một ngàn đồng. Nếu muốn có được hai mươi triệu đồng như tiền nhận thưởng, y phải viết bao nhiêu chữ? Chỉ nghĩ thế đã vui. Đôi khi niềm vui đến từ những việc rất đơn giản.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button