Văn học trong nước

Mười Năm

muoi-nam1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Tô Hoài

Download sách Mười Năm ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI GIỚI THIỆU

Nhà văn Tô Hoài đã viết một bộ tiểu thuyết gồm ba tác phẩm: Quê người, Mười năm, Quê nhà. Mỗi tiểu thuyết, câu chuyện, hoàn cảnh và nhân vật đều khác nhau, nhưng tất cả được nối tiếp có hệ thống về các sự kiện lịch sử và xã hội của một vùng nhất định.

Câu chuyện về một địa phương, đấy là các làng mạc ở Hà Đông và Sơn Tây, vùng Tây Bắc thành phố Hà Nội xưa kia, nơi nhà văn Tô Hoài sinh ra và lớn lên. Ở cả ba tiểu thuyết trên đều in dấu vết những nhân vật trong đó có tác giả và gia đình, bè bạn ở sự việc, ở hoàn cảnh, ở những kỷ niệm hồi thơ ấu và đương thời. Bộ ba tiểu thuyết này đã được liệt kê trong danh sách các tác phẩm của Tô Hoài vinh dự được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học đợt 1 (1996).

Tiểu thuyết Quê nhà (viết 1978) nói về sự việc hai lần quân Pháp tấn công chiếm Hà Nội cách nay đã hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, những nhân vật lịch sử của các trận đánh: Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc, các tướng tá Pháp như Phơ răng xi Gácniê, Hăng ri Rivie không phải là các nhân vật chủ yếu. Mà ở đây tác giả đã miêu tả tình hình các phường xóm và làng quê trong thành ngoại nội mà nhân dân – các anh hùng vô danh đã dũng cảm nổi lên chống quân xâm lược như thế nào.

Tiểu thuyết Quê người (viết 1941) cũng một khung cảnh ấy, những vùng Hà Nội đã bị chiếm đóng. Cảnh điêu linh và khốn cùng diễn ra, biết bao nhiêu người đã phải tha hương. Đi phu, đi làm đường, vào Nam, sang Tân Đảo và các thuộc địa Pháp ở ngoài châu Đại Dương, làm cu li đồn điền. Trong cảnh khốn đốn, phải đi “đất khách quê người”. Tiểu thuyết Quê người đã được tác giả viết trước nhất, cách đây nửa thế kỷ, từ khi nhà văn Tô Hoài mới bắt đầu cầm bút. Điều đó chứng tỏ đề tài của vấn đề đã nung nấu lâu dài trong tâm tư và tình cảm tác giả theo bước với sự phát triển của số phận cuộc sống và lịch sử.

Tiểu thuyết Mười năm (viết 1957) cũng vẫn quang cảnh và tình hình ở vùng ấy, nhưng bước sang một giai đoạn quyết liệt nhất, mười năm 1935 – 1945. Nước Pháp đã bại trận ngay khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Phát xít Nhật can thiệp vào Đông Dương. Đất nước ta bị hai tròng áp bức và bóc lột, nạn đói vô cùng thảm khốc đã xảy ra mà mỗi con người chỉ còn có con đường một sống một chết.

Trong khốn cùng ấy, lá cờ nghĩa đánh Pháp đuổi Nhật cứu nước do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo giương cao đã tung bay khắp nước, từ rừng núi xuống đồng bằng. Tiểu thuyết Mười năm ấy là thời gian mười năm toàn dân chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, tiến tới Cách mạng tháng Tám 1945 thành công.

Đến nay, hơn năm mươi năm đã qua, để thấy được nguyên nhân sâu xa những điều tâm huyết của Tô Hoài với một vùng đất ông từng gắn bó. Trải ba mươi năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ngày nay đương bước vào giai đoạn xây dựng đất nước hùng vĩ chưa bao giờ từng có, xin được in lại trọn bộ cả ba tiểu thuyết: Quê nhà, Quê người và Mười năm.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

ĐỌC THỬ

TÙNG… TÙNG… TÙNG…

Tiếng trống thúc thuế inh ỏi, ra riết, gay gắt, càng về những ngày cuối càng gay gắt. Không biết những ai mười tám tuổi trở lên phải chạy đông chạy tây lo thuế thế nào thì lo, nhưng cứ mỗi lúc từng hồi trống ngoài đình nổi lên liên miên ba tiếng một thì trẻ con các xóm lại cất cổ nhại theo: tiền… tiền… tiền… tiền… tiền… tiền…

Chị Hai Tâm đánh xong mẻ suốt ấy rồi vào sửa cửi. Lạp đương lúi húi cắt cái “rạp” ở cửa gỗ. Chị Hai ngồi vắt vẻo trên đầu song hành, hai tay luồn vào mặt cửi, vừa gỡ vừa nói đùa:

– Trống gọi tiền anh Lạp đấy. Anh Lạp năm nay đóng thẻ có sản hay thẻ vô sản?

– Tôi bao giờ chẳng vô sản.

– Sao bảo bài bổ làng ta năm nay ông lý Dĩ khai không có hạng vô sản?

– Thế mới bỏ mẹ ông lý Dĩ! Tôi vô sản lại bắt tôi phải đóng hạng có sản à? Nghị định đã chẻ hoe là hạng vô sản đóng một đồng, thì cho ở làng. Này các ông ấy có phu phen tạp dịch hay phụ thu lạm bổ vào đấy nhiều lắm cũng chỉ đến một đồng mười lăm xu là hết nước. Tôi chỉ đóng có thế.

– Thế thì thuế năm nay cũng lôi thôi đấy nhỉ?

– Lôi thôi chứ!

Chị Hai Tâm đờ mặt:

– Chỉ có bố cháu ở dưới âm phủ là yên trí thôi.

Tùng… tùng… tùng… Chị Hai đờ mặt nghe, rồi nói:

– Thật cũng rầy rà. Hay là anh Lạp cứ đóng hạng có sản đi. Tôi sẽ phụ cho một ít.

– Không được. Phen này chúng tôi nhất quyết cho lý Dĩ một mẻ.

Chị Hai Tâm đứng lên, nguýt Lạp, rồi trách dịu dàng một câu:

– Chẳng thấy ăn thua đâu, chỉ những họp với hành từ hôm nọ tới giờ, bỏ mấy buổi cửi rồi.

Cơm chiều xong, ra khung cửi, Lạp không xuống ao tắm như mọi hôm. Lạp mặc áo, đi ngay. Chị Hai dặn với:

– Mai nhớ sang sớm nhé!

Nhưng Lạp đi biệt, bỏ cửi luôn một phiên chợ.

Trong nhà ông Trương Ba, ở cuối xóm. Kẻ nằm người ngồi dưới ánh đèn tù mù vàng hoe. Bên những đùi, những vế gác ngược gác xuôi lên nhau, những cái khuỷu tay ghẻ cọ, day cạch cạch xuống phản như chó gãi ghẻ, cái bát điếu chốc lại rên lên sòng sọc. Có mấy tờ báo Tin tức, mấy cái điều lệ Ái hữu thợ in, thợ may, thợ mũ, thợ giầy, quăng bừa bãi.

Lê trân trân nhìn một cái bìa sách, bỗng cất tiếng hỏi một câu không ăn nhập gì tới quyển sách nọ:

– An, thế đằng ấy cứ nói thật cái bụng đằng ấy lúc này cho chúng tớ nghe cả nào.

Trong đống người nằm, một câu đáp ậm ờ, lúng túng, nước đôi:

– Đã bảo cứ như mình thì mình không đóng đâu. Mà mình đã không đóng thật. Mình đã ký cả vào đơn chống thuế với các đằng ấy cơ mà. Nhưng các đằng ấy còn lạ gì u tớ. Động một tí là nháo lên. Cho nên u tớ có đến nhà lý Dĩ, còn có đóng hay không thì thật tớ không biết. Riêng tớ thì nhất định không đóng.

Lê đã tức lắm, miệng bầm bập chực nói từ nãy. Cố nén nghe đến đấy thì khó chịu quá rồi. Lê nhỏm dậy, sấn sổ:

– Mày nói vậy thì chó nó cũng không ngửi được. Thế u mày vào nhà lý Dĩ đóng thuế, thì đóng cho ai, cho con chó à?

– Nghĩa là…

Lê đứng lên, nói buông choang choang:

– Không phải lễ nghĩa gì nữa. Mày phải biết rằng từ ngày hơn năm mươi chữ ký chống thuế gửi lên Công sứ, lên Thống sứ Bắc Kỳ thì lão lý Dĩ xanh mắt rồi. Cái thư của quan Phủ à? Cái thư của Phủ gửi về khuyên anh em cứ đóng theo bài bổ, nhầm lẫn đâu sẽ xét sau là chúng nó định làm kế hoãn binh. Được thể, lý Dĩ gọi anh em ra đình, phét lác nhặng lên, nhưng chúng ông nắm được chuôi rồi, càng sợ thì càng to mồm. Cái thư ấy chỉ là cái thư xoa dịu. Chúng ông không đóng hai đồng rưỡi, chúng ông chỉ có một đồng. Thế nhưng lý Dĩ nó cũng khéo bịp lắm, nên vẫn có thằng sợ. Tao nói thật chứ, lên đồn hay xuống phủ thì chúng tao đây cũng chỉ một đồng thôi. Lịch sử loài người chỉ tiến bộ chứ không bao giờ thoái lui cả.

Trong lúc Lê nói, cả lũ Lạp, Trung, Ba đã ngồi chồm hỗm lên nhìn Lê, như đợi Lê bật ra một câu gì nặng nữa cho hả. Chưa thấy Lê nói. Anh nào cũng liếm mép mấy lượt. Rồi có anh đánh một câu:

– Tiên sư những đứa khốn nạn thậm thọt vào nhà lý Dĩ!

An chạm phải gai, nhỏm dậy:

– Nếu không đi với chúng mày thì tao đến đây làm gì? Đứa nào thậm thọt? Thằng nào chửi mẹ ông thế?

Im lắng.

– Trước sau tao vẫn bảo tao với chúng mày là một thì chúng mày lại chửi tao nhem nhẻm. Thế là thế nào? Khối đứa kia kìa, cũng ký đơn hăng lắm, mà bây giờ nói theo phe lý Dĩ, nó đóng thuế có sản, nó phản thùng chửi lại thì chúng mày lại câm họng. Cánh nhà lý Dĩ, lại chi tóp những họ Nguyễn, họ Bùi đấy, làm gì được chúng nó thì làm nào?

Lê nói:

– Thế nào cũng có thằng bỏ mẹ với ông!

An cười nhạt:

– Không nói thăng thiên đấy chứ?

– À, mày láo hả?

Lê và An cùng phắt lên, lênh nghênh như hai ông tướng phường chèo trên cái phản mọt, mà bốn chân mễ đã chuyển răng rắc. Lạp, Trung, Ba nhỏm cả dậy. Ông Trương và cô Nhàn ở trong nhà cũng phải chạy ra. Họ lôi hai người ngồi xuống.

Lạp giảng giải:

– Lúc này mà đánh nhau là nát bét hết công việc. Dù sao thì lý Dĩ cũng đuối lý, nhất định mình theo kiện đến cùng, thế nào cũng được. Nhưng phải nhận rằng hàng ngũ chúng ta trước kia ghép chặt thế mà nay thì lỏng lẻo rồi. Hơn năm mươi chữ ký đấy mà rơi rụng chỉ còn độ hai mươi là trung thành thôi. Cho nên phải tìm cách nào chứ đánh nhau à? Ông thả ra cho mỗi thằng quạng nhau vài cái chán tay thì chỉ đến ngồi thở, ăn thua mẹ gì! Mà vẫn không thể được kiện!

Câu nói của Lạp vừa cay, vừa có lý. Trong im lặng, cả bọn lọt vào một cái châng hẩng, nặng nề. Mỗi người lại lần lượt với cái bát điếu về phía mình. Bực tức, càng rít khỏe. Nước điếu tù sòng sọc rên lên. Rồi sau làn khói, những cái miệng lơ mơ há hốc.

An vẫn lảu bảu nói:

– Ông không đi với anh em thì tội gì ông đem bài đi đăng báo, đi mua sách báo cho chúng mày. Ừ, dù u ông có đóng thuế mất rồi, thì ông vẫn bảo ông vẫn thế kia mà, cũng vẫn được kia mà. Thằng Lạp nói đúng, bỏ ra một mình suất của tao, cố giữ được hai mươi suất không đóng, chứ nếu để tan vỡ cả, nó quật lại cho thì phen này đến bỏ làng bán xới cả lũ. Để mai tao đi mua báo mới về xem tin tức các nơi ra sao.

Cho đến khuya, không ai nói nữa. Lê nói một câu cuối cùng, rồi ai về nhà nấy.

– Đứa nào gặp anh em cũng dặn lại nhau một lần nữa. Không sợ, còn ba người cũng không sợ. Nhất định chỉ đóng vô sản một đồng thuế thôi, đi đến đâu thì đi.

Tuy vậy, điểm những mặt ngồi đấy, không những chỉ có An mà còn có anh khác cũng phân vân, muốn nước đôi. Có anh ngồi đây, nhưng ở nhà đã đem tiền thuế đến lý Dĩ, năn nỉ: “Ông cứ cho cháu nó đóng đằng có sản. Nó dại, đi a dua, rồi tôi bảo dần”. Lý Dĩ cười: “A dua những thằng khố dây, có làm sao thì đến vặn răng chúng nó là cùng, dại quá”. Thì bà Hương, mẹ An cũng nghĩ thế, làm thế.

Hôm sau, An ở tỉnh về, nách cặp một xấp hai mươi tờ báo Tin tức. Gặp ngay bọn Lê ngồi chầu rìa đầu làng, đương mong mỏi, chờ đợi.

Trên đình, thằng mõ vẫn thẳng cánh giọt trống ngũ liên. Từ ngày ký đơn chống thuế, thật tình từ cái lúc hồi ngũ liên đầu tiên báo hiệu gióng giả thu thuế, bọn Lê đã bắt đầu sốt ruột, không anh nào yên tâm làm gì. Không phải vì có ai xui giục, mà chỉ bởi vốn ghét sẵn bọn lý dịch, nhân vụ thuế sắp tới, đọc báo Tin tức thấy các nơi kêu thuế, thì họ họp nhau lại chống thuế. Báo Tin tức từ đấy là cái nguồn phấn khởi giúp họ.

Trông thấy An, mọi người nhao nhao:

– Thế nào? Thế nào?

An giơ tập báo. Những cái đầu bu lại, giữa tiếng Lê thì thầm với An. Lê đã quên những cãi cọ tối qua, cũng như không để ý cả chuyện mẹ An đã đem tiền đóng thuế cho An mà ai cũng biết, Lê nói:

– Nó định gọi lính phủ về ốp. Mai đã là ngày tận thu rồi.

– Yên, yên. Báo nói đây này.

An mở trang giữa tờ báo bốn trang khổ rộng. Ở cột cuối có bài: Anh em vô sản làng Hạ cương quyết đấu tranh. An cất giọng đọc to cho mọi người cùng nghe. Bài báo ấy ở tòa soạn đã chữa nhiều câu khác câu của An viết, ngay từ cái đầu đề, nhưng nghe vẫn hợp lắm, và lại thêm nhiều chữ chính trị càng thấm thía hơn. An đọc tiếp sang những tin chống thuế ở các nơi khác. Mọi người bồi hồi cảm thấy sự liên lạc tinh thần giữa mình với tòa báo và với anh em chống thuế đang sôi nổi khắp mọi nơi (Nhiều nơi còn kịch liệt và gay go hơn ta)… An vẫn đương đọc vanh vách trong tờ báo ra, thì những người uể oải lo sợ nhất cũng lại háo hức, sôi nổi lên.

Lê nói:

– Nếu thế thì việc chánh Nhạ hôm nay cũng cần phải đăng báo lắm.

– Phải, phải rồi.

– Đăng báo cho nó một mẻ!

– Việc gì thế?

– Sáng nay chánh Nhạ trói thằng Ngô rong lên khắp làng. Vừa đi, nó vừa đánh, vừa chửi xỏ: “Mày bắt chước những thằng nào, mày muốn ỳ thì bảo ông. Trêu tay ông không được đâu. Ông cứ đánh cho đến bao giờ mày ộc ra máu, ra thuế, mới thôi. Ông phải thi với mày xem đứa nào gan hơn đứa nào.”

– Cái này là một cái dã man, ta phải đăng báo.

Họ lại rối lên bàn chuyện đăng báo. Mà quên không để ý đi nghe ngóng xem mai lý Dĩ có gọi được lính phủ về đốc thuế ngày tận thu không.

Trên đường vào xóm, cả bọn gặp chị Hai Tâm. Trông thấy cái áo cánh vải lơ trắng mát với chiếc thắt lưng màu hoa lý phất phới đằng xa, Lạp toan lẩn, nhưng không kịp. Chị Hai đã gọi eo éo:

– Gớm thật, anh bắt tôi đánh đuổi anh hết ngày này sang ngày khác thế này là ra làm sao?

– Chị cứ về. Mai tôi đến.

– Anh thử nhớ xem anh hẹn mấy mai rồi?

Lạp cười:

– Mai thật mà.

– Hay là tôi đóng thuế cho anh cho xong đi để còn làm ăn chứ.

Lạp vừa ngượng, vừa tức, sừng sộ:

– Ơ hay chị này! Đừng có đụng vào đấy mà không xong với tôi.

Chị Hai cười, đấu dịu:

– Ừ thế mai nhớ sang sớm, đừng để đỗi cơm mà tôi rủa cho ngồi đứng không yên đấy.

Chị Hai đi khỏi, có anh nói pha:

– Nói với thợ cửi nhủng nhẳng như nói với chồng con ấy.

– Mày làm bố thằng Tâm thế mà được.

– Chỉ láo nào!

Lại như thói quen, tối đến, họ họp nhau ở nhà anh Ba, kẻ nằm người ngồi dưới ánh đèn tù mù vàng hoe. Những đùi, những vế gác lên nhau, những khuỷu tay ghẻ cọ, day xuống mặt phản, bên cạnh cái điếu, mấy quyển sách quăn hết mép, mấy cái điều lệ Ái hữu đã nhàu nát và những tờ báo Tin tức mới. Họ nói cho nhau biết những tin, chuyện nhặt được trong ngày. Lý Dĩ cũng bí lắm. Không gọi được lính phủ về, vì mùa đổ thuế này, những cơ, lệ còn phải bổ đi thúc các làng khác, có nơi còn khó khăn hơn đây nhiều. Lão lý bắn tiếng muốn điều chỉnh, muốn chia đôi số bài bổ thừa, cánh vô sản chịu một nửa, lão chịu một nửa. Lại cũng nghe chuyện lý Dĩ uống rượu, bảo con: “Chúng mày sống để dạ chết mang đi, nhớ lấy mặt bọn thằng Lê, thằng Lạp, thằng Trung mà giả thù cho tao”. Lão cuống rồi. Ngũ liên vẫn đánh ra rả. Xin phép trên phủ cho được kéo dài hai ngày nữa thì cũng chỉ đến chiều ngày kia là tận thu. Nếu như đến bấy giờ vẫn không chịu đóng, lão phải cộp tiền nhà lão ra. Lão chịu thế ư? Sao bây giờ vẫn chưa đả động tróc nã đến bọn chống thuế? Muốn xoay đòn gì đây?

– Đòn gì, đòn bán nhà mà nộp thuế đậy.

Từ nãy, Lê ngồi yên, mơ màng trước trang báo mở rộng, mùi mực, mùi giấy thơm hăng hắc bốc lên, lung linh những chữ in tròn, gọn và sắc nét lạ lùng. Lê nhìn An đương viết bài gửi đăng báo kể việc chánh Nhạ dã man đánh đập thằng Ngô. Lê ngắm An cắm cúi, hí hoáy viết. Lê thèm, Lê thấy khao khát viết. Bài báo kia cũng cảm Lê không kém tha thiết, có phần lại quyến rũ hơn, rành rõ hơn. Người ta có thể viết được báo. Thì chúng ta đã viết báo rồi đấy. Cái bài An viết hôm nọ, đem đọc ra, mình cũng viết thêm vô khối câu vào, bây giờ những câu của mình ấy cũng đương bò lổm ngổm trên tờ giấy thơm phức kia, chẳng của mình thì của ai. Lê nhớ một lần ra Hà Nội, đến tòa báo Tin tức, thấy các anh tòa báo với anh “loong toong”, anh viết băng báo cùng ngồi xúm quanh mâm cơm rau muống chấm tương, vẻ bình đẳng và đại đồng lắm. Từ ấy, nhất là lúc này, Lê ước được làm anh “loong toong”. Lê không muốn làm chân viết băng báo, vì Lê vốn chỉ học lấy, không tập viết, chữ nghều ngoào như cua bò, nếu Lê được làm chân chạy giấy ở tòa báo Tin tức để được học thêm, học chữ, học tranh đấu làm cách mạng, viết được bài trên các báo phái tả, dưới đề tên tác giả: Văn Lê. Mộng to quá! Nhưng mà sao lại không thành sự thực được. An viết bài báo, Lê cũng viết được bài báo. Một bài báo cũng chỉ bằng những chữ ta thường nói. Chỉ cột cái tinh thần. Lê viết. Lê lấy mảnh giấy, nhấm bút chì viết. Bên cạnh những cái lưng, cái chân đương kỳ xuống phản, chốc lại hích vào Lê, xô cả mảnh giấy Lê viết, Lê hí hoáy… Chánh Nhạ… anh Ngô… vừa đánh vừa chửi… dã man… ức hiếp… tranh đấu… công… công gì nhỉ?

Quá nửa đêm, họ lẻ tẻ về, có người đã nằm ngáy khò. An và Lê vẫn ngồi lên, nằm xuống, băn khoăn. Lê cũng đã viết xong, Lê đưa cho An xem những dòng chữ chì của mình leo lên bò xuống chi chít trên mảnh giấy không có một cái dấu chấm câu.

An đọc bài của Lê, rồi nói:

– Hay đấy. Tao ghép bài của mày vào bài của tao, rồi gởi đăng báo.

– Thế hả?

Trong ánh mắt Lê cười ngụ một cái thú vị kiêu hãnh. Xưa nay không biết mặt chữ, không mất một xu đóng tiền học cho ông thầy, ông đồ nào mà bài viết của ta cũng ghép được với bài của cái thằng có một bụng chữ, đi học từ lúc để chỏm.

Lê nói:

– Mai chúng mình đem bài này đi. Nhân thể, mua thêm báo Tin tức về bán. Còn có thể bán được vài chục số nữa chứ không phải ít đâu. Bán cả sang các xã khác cho mở rộng phong trào.

– Mai mày không đi dệt cửi à?

– Kệ.

Rồi Lê bảo An dạy cách đặt các thứ dấu phẩy, dấu chấm, dấu than, dấu hỏi, dấu trước câu nói ngoặc ra ngoặc vào. Cho đến lúc hai người đi về, trong đêm khuya, Lê ta hãy còn ve vuốt mộng viết báo.

– Viết báo thế mà khó.

An nói:

– Phải học nhiều.

– Tao nghĩ đọc nhiều sách cần hơn. Tao nghe nói như anh Trần Huy Liệu là người đọc nhiều sách chứ có phải là người mất tiền đi học nhiều đâu, mà giỏi thế.

– Mày dốt lắm! Đọc hay học thì cũng vậy.

– Tao sẽ đọc nhiều hơn và tập viết. Trước hết tao nhờ mày dạy tao viết chữ quốc ngữ cho thật đúng đã. Tao sẽ viết báo, viết sách, tao thích cả làm thơ.

Hôm sau, Lê và An ra tòa báo ngoài Hà Nội. Lạp cũng đi theo. Lạp vẫn chưa trở lại khung cửi nhà chị Hai Tâm.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button