Văn học trong nước

Mùa Trôi Trên Quang Gánh

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Hương Thị

Download sách Mùa Trôi Trên Quang Gánh ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

RÉT NÀNG BÂN

Bắt đầu là sự nóng lạnh thất thường của thời tiết, khiến giấc ngủ chập chờn càng trở nên khó khăn hơn. Rồi thì đến những… bản tin dự báo thời tiết. Thế là, có thể đợt rét cuối cùng trong mùa tràn về. Rét nàng Bân.

Hồi bé, đến khoảng cuối mùa xuân, khi ngồi trong phòng ấm, bên ánh đèn vàng, nghe gió thổi hun hút ngoài hiên, bao giờ mẹ tôi cũng chép miệng: “Thế là rét nàng Bân đã về. Sớm hơn thì đã chả hỏng mùa hoa xoài, hoa vải”. Rồi bao giờ mẹ cũng ngâm nga: “Nàng Bân may áo cho chồng/ May ba tháng ròng chưa được ống tay…” và không quên câu nạt: “Mấy đứa con gái chúng mày, không biết đan lát thêu thùa nội trợ thì cũng đến ế chồng, bố mẹ chả làm trận rét cuối mùa được như cho con gái nhà trời đâu”. Nghe thế, lũ chúng tôi đều rụt cổ lại, cười le lưỡi.

Sau đợt gió mùa mạnh mẽ chóng đến chóng đi, thể nào ra ngoài ngõ cũng thấy hoa xoan tím, hoa gạo đỏ rụng bời bời, chúng tôi tha hồ nhặt chơi đồ hàng. Lại nghe bà hàng xóm đã già, rất già than thở: “Bao giờ cho đến tháng ba/ Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”. Vì là đợt rét “em út”, nên ai cũng mong nó đến sớm, để kết thúc mùa rét, để thời tiết giao mùa chỉ còn là se se, và đón một mùa mới về. Còn với người già, cứ một mùa rét qua đi là thấy nhẹ lòng. Sức già được bao nhiêu mà chống chịu với giá buốt, mưa phùn. Một mùa qua đi, cũng như thêm một tuổi trời.

Bây giờ, tháng ba Hà Nội hiếm hoi lắm mới thấy bóng hoa gạo. Gốc gạo già bên hồ Gươm hình như lâu lắm chẳng còn bung hoa nữa. May ra chỉ ở đền chùa hay khu vực ngoại thành. Đến xa như chùa Thầy ở mạn Quốc Oai, hàng gạo đỏ nổi tiếng trong các bức ảnh xưa cũng mỗi năm một thưa vắng. Còn xoan tím thi thoảng mới thấy lấp ló nhạt nhòa trong vô vàn loài cây khác. Dường như, hoa xoan, hoa gạo là loài hoa quê kiểng, nhắc đến đã thấy xa xôi, diệu vợi nên chẳng chọn chốn trú ngụ là thành phố ồn ào, náo nhiệt. Hoa xoan, hoa gạo đã lẫn vào ký ức như câu thơ đẹp đến nao lòng thuở “chân quê” ngày nào: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”.

Bạn trẻ Hà Nội ngày nay, cứ mỗi tháng ba về là trong lòng lại dấy lên một nỗi mong chờ rất… Hà Nội. Đó là chờ hoa sưa nở. Không hiểu sao, màu trắng đến độ tinh khiết của hoa sưa chỉ thấy đẹp và hợp trong khung cảnh mưa gió và sương giăng mờ ảo. Hễ trời nắng trong xanh, loài hoa ấy cũng vẫn đẹp nhưng có vẻ bớt gợi nên cảm xúc về một vẻ đẹp đến độ mong manh. Trong cái rét cắt da, những chiếc áo mưa tùm hụp đủ màu sắc bỗng đi chậm lại, rồi hé ra những đôi mắt trong veo trước một gốc cây bung nở trắng muốt tinh khôi. Rồi thì trên mặt đường Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng,… hay rải rác đây đó khắp Hà Nội đều ướt át nhưng được trải những khoảnh hoa trắng mỏng manh như ngọc, trước khung cảnh ấy, khó mà cầm lòng cho được. Đẹp, đẹp quá. Chả thế, trong vô vàn ký ức, trong vô vàn tình yêu, rất nhiều nỗi nhớ của người ở, người đi hay người một lần được đến, được ngắm Hà Nội tháng ba đều thoáng chút hoa sưa, mong manh đấy mà tha thiết, bền lâu vô cùng.

Trong cơn mưa rét, hoa ban đường Bắc Sơn và đường ven hồ Tây cũng bừng khoe sắc thắm, làm nền trời ảm đạm được thắm tươi đôi chút. Khi những cánh hoa đào cuối cùng đã rụng, khi hoa cúc, hoa hồng vẫn mải miết trôi đi trên phố, thì mùa hoa ban, loài hoa mang đầy hơi thở núi rừng bao năm nay bám rễ sâu vào đất Thủ đô, hòa mình vào cuộc sống nơi đây và giữ cho mình một góc trong tâm hồn người Hà Nội.

Đi trên những con đường ấy, tôi vẫn nuôi trong mình ao ước, giá như khắp Hà Nội này, sẽ có những con đường chỉ trồng riêng hoa sưa, riêng hoa ban, thì Hà Nội sẽ trở nên đẹp, nhiều điểm nhấn hơn rất nhiều mỗi tháng ba về.

ĐỌC THỬ

NGỠ NGÀNG THÁNG TƯ

Ai cũng bảo độ này thời gian trôi nhanh thế. Cũng đúng thôi. Qua hết sự chùng chình của “Tháng giêng ăn nghiêng bồ lúa” thì không khí hội hè lễ Tết cũng nhạt dần, để cuộc sống trở lại với những lo toan tất bật hàng ngày, vì thế, thời gian trôi nhanh là phải. Tuy vậy, cuối tuần, xé tờ lịch trên tay vẫn không khỏi bâng khuâng, ngỡ ngàng. Tháng tư đã về.

Tháng tư về nhanh đến bất ngờ. Bởi ngoài con số đếm thì chẳng có sự gì báo trước. Vẫn những thú vui rất bình dị ấy là sáng sớm cuối tuần được dạo phố ngắm trời ngắm đất hoặc sà vào một quán trà chén ven đường nhâm nhi tờ báo vừa mua của một hàng quen. Phải chăng chỉ là những cơn mưa rộn rã gõ trên mái tôn vào đêm và sáng với nhịp ồn ào và dầy dặn báo đã chuyển mùa? Còn trên khắp phố phường Hà Nội, cữ này hàng năm luôn bắt gặp những chồi xanh biếc của hàng phượng, những búp non đo đỏ của bằng lăng, màu tươi trẻ của những tán xà cừ. Và thường thì đã có những bông bằng lăng tím ngắt lanh chanh đi trước giành lấy nhiệm vụ mang tín hiệu mùa hè đến sớm khiến một sớm tháng tư trên đường phố, người ta bỗng dịu lòng quên đi cảnh ồn ào chen lấn xung quanh.

Tháng tư về, cái lạnh vẫn dùng dằng lan đi trong không gian, nhưng mỗi khi gió thổi tới chẳng khiến ai co mình vì rét nữa. Cô bạn tôi, đang là sinh viên năm cuối một trường đại học thì bảo, cô chẳng bất ngờ với tháng tư. Cô còn rất trẻ, đương nhiên chẳng hề phải giật mình vì thời gian, nhưng có một lẽ mà tháng tư vô cùng thân thuộc với cô, đó là hơn chục năm nay, năm nào cô và các bạn cũng mong chờ ngày đầu tiên của tháng tư. Nó không phải là ngày “Cá tháng tư” đầy tiếng cười như trước nữa, mà mang chút ngậm ngùi nuối tiếc. Đó là ngày “người hát rong” tài hoa Trịnh Công Sơn rời bỏ cõi tạm để trở về với cát bụi. Sinh viên mà, có những hoạt động tập thể tự phát nhưng ý nghĩa, để lại trong lòng bao kỉ niệm. Đã thành thông lệ, mỗi tối 1-4, cô và bạn bè đều tụ tập bên nhau, đốt lên những ngọn nến, cùng cây đàn ghita bập bùng, hát thâu đêm những bài ca của Trịnh.

Hồi còn là sinh viên, hồi Trịnh chưa ra đi, hầu như tối sinh nhật, vui chơi nào chúng tôi cũng đàn hát, và mọi ngả đường rồi thế nào cũng quay về nhạc Trịnh. Bây giờ, tôi tin, Hà Nội nơi tập trung rất nhiều sinh viên, các trường đại học, tối nào mà chẳng có ít nhất một bài hát của Trịnh vang lên. Riêng đêm ngày 1-4 hàng năm, chắc chắn có rất nhiều nhóm, nhiều người cùng ngồi lại bên nhau, trong khuôn viên trường, một phòng nào đó trong kí túc xá, hoặc một quán cà phê nào đó, hay trong một công viên, một nhà hát, bất cứ một chốn nào ở Hà Nội thôi – dù nơi này ông chẳng gắn bó nhiều lắm, chẳng sáng tác nhiều bài hát lắm, không chỉ sinh viên mà người người ở mọi lứa tuổi cũng sẽ tưởng nhớ ông, nhất là năm nay, khi tháng tư về, rất nhiều cuốn sách, nhiều tư liệu về cuộc đời ông, âm nhạc ông lần đầu tiên được công bố.

Còn tôi, biết đến tháng tư khi ngày giỗ Trịnh đã qua đi, tôi khẽ ngân lên trong lòng câu hát của một nhạc sĩ khác. “Tháng tư về, gió hát mùa hè, có những chân trời xa thế…”. Hình như, sóng hồ Tây chiều nay cũng xanh hơn để mắt nhìn thành phố thấy thoáng đãng hơn. Người ta thôi cằn nhằn về những vỉa hè mới lát đã bung bét, bẩn thỉu sau những cơn mưa. Người ta cũng tạm quên đi niềm vui cũng như sự lo lắng về những công trình to đẹp đang thi nhau mọc lên khắp thành phố. Những bạn trẻ đang bước gần lắm đến kì thi tốt nghiệp và kì thi đại học cũng tạm quên nghe ngóng thông tin về việc chuyển các trường đại học ra ngoại ô để tập trung vào học, vào việc làm dày lên những kỉ niệm học trò.

Tháng tư về, một mùa mới sắp về.

Như thế cũng đủ xôn xao trong lòng lắm lắm.

NHỮNG BUỔI SÁNG MÙA HÈ

Những buổi sáng mùa hè thường được bắt đầu với những vạt nắng vàng hươm từ dãy núi phía đông, tiếng chim lảnh lót chuyền cành, vài cánh cò bay muộn trên nền trời xanh ngắt còn ngơ ngác mảnh trăng non và mùi hoa nhài thoang thoảng từ bụi cây gần bờ giếng đưa lại. Thi thoảng, đầu hè đã có quả mít mật chín mũm, thơm lừng đặt ngay ngắn, bởi thứ quả này rất thảo nhưng lại rất hay cáu bẳn. Hễ thấy mùi thơm ngọt đưa trong gió là phải tìm cho bằng được, dùng hai tay vặn nhẹ mang vào. Nhưng nếu lơ là, nó sẽ rụng xuống ngay và vỡ bét, lũ gà được một mẻ no, dù chắc chắn, với cái mỏ nhọn và sự mổ xong là nuốt ngấu nghiến, chúng chẳng biết vị mít mật thơm ngon ngọt ngào đến cỡ nào.

Những quả mít na thì lì lợm hơn. Trừ khi nắng nóng quá chúng sẽ chín rùng rục, còn vào ngày bình thường, những cái miệng háu ăn, những cặp mắt hau háu có săm soi và trèo lên sờ nắn suốt cả ngày mới được vài quả bé bằng cái bát tô, tròn um ủm, bổ ra chưa ráo nhựa đã hết sạch. Phải ngày cây mít na đông đúc quả không chín chúng tôi mới sờ đến cây mít nghệ cuối vườn. Quả nó to và dài như cái thùng, treo lủng lẳng trên cành. Búng vào thấy “bộp bộp” là hò nhau lấy dây thừng cột vào cuống, vắt qua cành. Đứa ở trên cây cầm lấy dao, ngắm cho nó không rơi đụng quả khác, nhắm mắt chặt thật mạnh. Mấy đứa ở dưới gốc thót bụng thả dây từ từ. Rồi cả lũ bâu vào khênh quả mít như người ta khênh chiến lợi phẩm sau trận đánh lớn được tổ chức cầu kì. Dù cường cượng hay đã chín mềm, hết góc này góc khác được xẻ ra, từng múi mít dài như chiếc lược, vàng ươm màu nghệ, tứa ra đầy mật lần lượt chui vào bụng lũ trẻ. Khi ấy, nghi thức cho buổi sáng mùa hè đã tạm xong.
Nhưng, cũng có những sáng mùa hè, sau giấc ngủ có hơi mưa mát lịm, bước ra sân, giàn mướp bị bão quật ngả nghiêng, rơi rụng những đốt tre khô thâm sì, tơ tướp. Đấy là lúc rổ khoai lim vỏ tím lịm, ruột bở tung được dỡ ra, bốc hơi nghi ngút. Dụi vài cái cho mắt hết nhèm, chúng tôi sà vào rổ khoai, thi nhau thò tay búng, nóng bỏng tay rụt lại, kêu chí chóe. Theo kinh nghiệm thì cứ củ nào búng vào kêu bùng bục là bở, nhưng củ nào cũng bở cả, rốt cuộc, sau những tranh cướp, cãi vã, đứa nào đứa nấy hai tay hai củ khoai, ngoạm bên này một miếng, bên kia một miếng, cổ duỗi ra, mắt trợn ngược vì nghẹn.
Ăn xong, đứa cầm rổ, đứa cầm cái xẻng nhỏ, dắt nhau ra bờ ao. Chỗ rặng tre hàng ngày đứa nào đứa nấy sợ rắn không dám bén mảng vì thỉnh thoảng, có những con rắn đánh đu vắt vẻo trên cành tre, lột xác trắng xóa, nom rõ khiếp. Nhưng mưa bão xong, nghĩa là tay tre sẽ rụng nhiều, và đất mềm, hàng loạt măng tre nhu nhú đội đất xông lên. Khe khẽ gạt lớp đất ẩm phía trên, những củ măng bằng cái bát con trắng nõn nà, xắn nhẹ là đã lìa ra, lăn vào rổ. Nếu chịu khó chui vào bụi sẽ đẵn được những cây măng dài bằng cánh tay trẻ con, to như bắp đùi người lớn, non sần sật. Gai cào tơi tả, nhưng bù lại, sẽ có một bình măng dấm ớt cay xé lưỡi cho người lớn, và nồi canh măng cá, măng vịt ngọt lừ ăn đến căng cả rốn mà vẫn muốn chìa bát.
Cũng có sáng mùa hè, không phải đợi nắng lên, ngay từ khi ngôi sao mai rõ dần và những ngôi sao đêm bắt đầu mờ đi, chúng tôi đã bấm nhau dậy. Rón rén dắt nhau xuống bờ ao, trời mờ mờ sáng, con gà trống trong chuồng cứ gân cổ lên những tràng dài thót cả tim. Gió sớm mai mát lịm, không khí thanh sạch tỉnh cả ngủ. Chị hai cầm cái sào tre nhỏ nhưng chắc, chị ba cẩn thận hơn được phân công cầm cái rổ nhỏ lót mấy tàu lá ngái bẻ vội, nhựa còn ròng ròng. Út tôi lăng xăng sẽ có nhiệm vụ tiếp theo. Những chiếc vó được anh cả thả từ tối hôm trước, chúng tôi không biết vì đứa nào cũng sợ ma không dám xuống ao. Chị hai thận trọng cất từng cái, từng bầy tôm tép nhảy lao xao bị lùa hết vào rổ, đậy lá lại, không có con nào rơi cho tôi nhặt. Chỉ khoảng 30 phút đã đi hết một vòng quanh ao, cái rổ đã nằng nặng, và trời bắt đầu sáng rõ. Tôi được phân công tìm hái mùi tàu trong vườn. Chị hai, chị ba buộc lại tóc, tất tả đi lên bếp, ra dáng người lớn lắm.
Bữa sáng, cả nhà ngạc nhiên với món mì gạo nấu tôm băm bỏ mùi tàu thơm tứa nước miếng ngọt sao lại ngọt thế? Chiếc nồi ngâm măng to đùng được trưng dụng để nấu mì bị vét đến những giọt nước cuối cùng mà vẫn thòm thèm.
Bây giờ, dù đã được ăn rất nhiều món mì của nhiều vùng đất khác nhau tôi vẫn không sao quên được vị của bát mì nấu bằng những con tôm “cụ” đen sì băm nhuyễn, vừa ăn vừa thổi, xuýt xoa toát mồ hôi những buổi sáng mùa hè thời thơ bé.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button