Văn học trong nước

Mưa Thu

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Ngọc Giao

Download sách Mưa Thu ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

PHẦN THỨ NHẤT

Một hôm, đi qua cái bến đò Hồ nhốn nháo, Thảo bảo vợ con ngồi nghỉ dưới gốc đề, rồi rón rén đến trước cửa nhà Linh, ghé mắt vào cánh liếp thấy cụ Ðầu Xứ – thân phụ Linh – thần thái vẫn ung dung, đang với tay lên vách hạ bức liễu bồi lụa vân đằng do danh sĩ Trung Quốc Phùng Tử Tài thủ bút. Cơ chừng cụ Ðầu Xứ chỉ đành lòng rời bỏ bến Hồ nếu còn có thể nhét vào lòng chiếc ô đen bức liễu ngàn vàng ấy. Thảo không dám vào lạy biệt, hoặc là xin đồng hành cùng bá phụ, là vì Thảo vốn kính sợ thân phụ bạn như một kẻ tôi đối với Chúa.

Cụ Ðầu Xứ tính nghiêm, diện mạo hệt một ông già trong một tấm tranh Tàu cổ. Thảo và Linh đã một dạo ham Hán tự, được cụ Ðầu Xứ Bắc Ninh dạy cho ít nhiều. Nhưng rồi hai kẻ đồ đệ chẳng thể học được mãi, đã tự bỏ bến Hồ vào Hà Nội, múa máy trên trường văn trận bút, đến nỗi cụ Ðầu Xứ chỉ lắc đầu ngao ngán mà chẳng thèm nói. Từ đấy người con trai cả cuốn mình vào ánh lửa Ðô thành.

Thảo cùng Linh cộng sự một tuần báo văn chương. Do thế, cụ Ðầu Xứ có ý ghét con mà không bằng lòng cả Thảo.Thảo cứ phải trốn tránh vẻ mặt trang nghiêm, lạnh lẽo của ông già bến Hồ.

Trượng phu thiên lý trí mã cách,

Thái sơn nhất trịch khinh hồng mao.

Linh ngâm khẽ câu thơ cổ, đưa tay với chai rượu sủi tăm, rót vào chiếc bát đàn. Rượu giang hồ nhạt vị, anh nhắm suông với muối ớt.

Mưa trắng bạt ngàn núi đồi. Nước nhỏ theo mái quán xuống rãnh hiên lầy lội. Khói ở một mái nhà sau đồi cước tỏa nhè nhẹ trong làn mưa thu, ngả màu lam biếc. Linh cúi xuống, soi bóng mái tóc bồng vương men rượu, cảm cái say của ưu tư lắng vào cái lặng lẽ của chiều thu.

Mưa mãi mưa hoài,

mộng đời chưa kịp hái.

Mưa mãi mưa hoài,

lòng nhớ thương ai,

cảnh tượng sầu nơi quan tái.

Giọng anh bay thoảng nhẹ vào gió mưa, khiến Thảo mang mang nghĩ đến anh bạn thơ họ Lư, mà thi nghiệp chỉ còn có thể gửi vào “con nai vàng ngơ ngác”.

Rượu đã cạn. Linh ném chiếc bát men da lươn rạn chân chim vào góc chõng, anh ngước nhìn một dải mây xám đang chuyển theo làn mưa trên triền núi:

– Bây giờ, cái hàng ngũ văn nghệ chúng mình có rất nhiều loại người. Có những kẻ nửa đời chới với, vụt nổi cơn điên hiệp sĩ rồi bẻ roi, ném bút nhất định từ bỏ hết lũ con tinh thần đã trưởng thành, để rồi tập sống lại, tập viết lại, tập nghĩ theo những lời những ý của giới lao động.

Có người trước đấy chỉ làm thơ xót con chim mộng, tiếc cái oanh vàng, thế mà hôm sau đã trở nên thiên tài bất tử kiểu Aragon, để rồi xây lưng lại tất cả Lý, Ðỗ, Thôi, Bạch, đề cao thi ca đại chúng.

Linh ngừng lại, nhìn hòn non bộ trước quán: từ một kẽ đá nứt vỡ, một khóm cỏ may đã len lách mọc lên phất phơ trước gió. Giọng anh trầm lạnh:

– Còn mình, lũ chúng mình, thì nay đây mai đó, tô râu trát phấn, đóng mãi cái vai Lỗ Túc đi đòi Kinh Châu từ Gia Cát Lượng. Hoặc ngồi biên soạn dăm ba vở kịch thơ. Uống rượu với mơ chua, mận chát, điểm vào tí ớt chỉ thiên. Ờ, nói đến ớt chỉ thiên, mình lại nhớ đến câu thơ haikai của Nhật:

Một con chuồn chuồn

bỏ đi đôi cánh

thì là quả ớt.

Và một quả ớt,

thêm vào đôi cánh

lại hóa chuồn chuồn.

Ðó là kiểu thơ Nhật quân phiệt. Hiện giờ người ta đang chửi quân phiệt, thế mà vô hình trung các thi sĩ áo vải đã hò nhau làm theo thơ Nhật cho đại chúng thưởng thức… hà… hà… hà…

Linh bỗng phá cười, chếnh choáng đứng lên rồi lại rơi phịch xuống chiếc ghế. Anh giơ tay vẫy hai người bạn đang rảo bước ngoài mưa. Một trai đeo nỏ, một gái dắt đoản đao. Ðó là Trần và Hạc, đôi vợ chồng son.

Thảo và Linh còn nhớ đã có lần anh nổi bất bình mắng nhiếc Trần bạc đức. Trần quắc mắt, bạnh quai hàm quát lại:

– Ta đã là con người mới, sống ở một thời đại mới. Mẹ cha, ruột thịt kể làm chi.

Nhớ lại chuyện cũ, bất giác Linh cạn bát rượu đầy.

Thảo với chiếc bát, hắt cặn chè tươi, rót rượu vào bát để mời Trần. Trần gạt nhanh bát rượu, lắc đầu và nghiêm mặt:

– Tối kỵ. Tôi đã làm thơ bài rượu, có lẽ nào phạm giới. Ngày nay ta phải sống vì thiên hạ, lấy chí quật cường của dân tộc làm men, lấy gan tranh đấu của bách tính làm linh dược. Bọn chúng ta đã nửa kiếp chìm mình vào trong đáy chén, sao còn chưa chịu chui thoát cái vỏ trai kia trong khi chính những con sên, con ốc bé nhỏ đã tự đạp phá cái vỏ đớn hèn!

Thảo chỉ ngồi yên ngắm đôi mày mũi mác nhấc lên hạ xuống theo đôi mắt xếch vàng khè vì nước độc khi mờ khi quắc của người bạn.

Linh lặng lẽ nhìn vào mảnh gương vỡ gài trên tấm vách thủng nhà hàng để ngắm bóng cô Hạc đang lùa xùm xụp bát bánh đúc, riêu cua tanh loãng. Ăn xong, cô kéo vạt áo lau làn môi thâm héo, lại với nải chuối hột bóc ba bốn quả liền.

Thấy Thảo, Linh chẳng hưởng ứng lời nói đanh thép mà Trần thấy rất nhiệm màu mỗi khi cần đem ra thuyết giáo những thằng bạn văn nghệ không tin tưởng vào lớp người mới trong đó Trần tự cho mình là kiện tướng, Trần giận lắm nghiến răng ken két.

Thảo, Linh trả tiền hàng đứng dậy. Dáng ngạo nghễ, Linh chân nam đá chân chiêu khoác tay Thảo bước ra ngoài trời mưa đổ. Linh ngửa mặt đón gió mưa lùa mái tóc bồng, ngâm lớn:

Có con mèo trắng ôm thân mốc,

Thảm thiết gào trăng xé gió khuya.

Thảo mỉm cười, giữ cánh tay Linh vì anh vừa trượt chân suýt té nhào. Linh cười nhạt, cảm thấy nóng gáy vì cặp mắt xếch của người bạn đang dõi nhìn theo.

Ðôi bạn đi vào mưa gió, Thảo tránh một hố nước đỏ ngầu, ngậm ngùi bảo Linh:

– Thế là mình lại mất thêm một thằng bạn nữa. Ông có nhớ những ngày lũ chúng mình thường tụ nhau ở túp lều của Trần dựng bên ao bèo, ngõ cụt Khâm Thiên để “thơ mày rượu tao”, ôm hũ rượu cười nghiêng ngửa. Nó làm thơ, mà lại là thơ nghe được.

ĐỌC THỬ

Cửa nhỏ trông trời vướng chấn song,

Một khuôn thu hẹp mấy phương lòng,

Bốn tường vôi lở loang mầu máu.

Mộng cũ thêm sầu chuyện núi sông.

Bây giờ thì nghệ thuật theo thời thượng. Lòng con người không còn sống cùng thơ văn nữa. Chỉ là những tiếng nói lồng vào một thứ vỏ, khuôn nhất định. Anh đừng cảm một làn mây, đừng say một dáng đào, đôi mắt. Con trâu kéo cày, con bò gặm cỏ, chị đĩ đốt nương. Thiết thực như củ khoai, hạt lúa.

Thốt nhiên Linh lớn tiếng cười, phá vẻ trang nghiêm trên mặt Thảo:

– Ấy thế mà mình đã đôi lần trái cựa. Một buổi hội văn nghệ chiến sĩ mình đã ngâm bài thơ Vợ chồng người đốt than của Tản Ðà.

Mây vàng lãng đãng bên mình.

Sinh sinh, hóa hóa cái hình phù du…

Thật ra, người ta vẫn chưa nỡ coi những vần thơ khó hiểu và đầy mỹ cảm ấy là nghịch, ngụy. Là vì người ta vẫn thú nghe, như là những nhà lãnh đạo Hồng quân của nước Trung Hoa bây giờ đã thích nghe Tỳ BàHành trước khi hạ bệ anh hùng Tôn, Tưởng, để gắn phù hiệu đó vào xương sống gầy chú dân cày.

Mưa ngớt hạt. Ðến bến sông. Dòng nước bắt nguồn tự cao nguyên đổ xuống, ánh một mầu chàm lá độc. Chiếc đò đầy lánh lượn theo chiều sóng xoáy, mệt nhọc ngoi ra giữa dòng sông. Một đò khác tiến sang. Hai chiếc đò gặp nhau giữa triền sông rộng. Thảo trỏ sang chiếc đò kia cho Linh nhìn, rồi nói:

– Một cặp vợ chồng nghệ sĩ! Trước kia họ ở sân khấu cải lương Sài Gòn. Bỗng thấy rằng phải bỏ nghề để làm một cái gì cho cách mạng. Thế là anh ta phất cờ đeo súng, hò reo trên thảo trường dân chủ. Gió mạnh cuốn đi xa, anh ta cầm bằng theo gió, để ngày nay vẫn cứ là một kép kịch lưu vong. Chồng vợ tiêu hao xương thịt vào nước độc. Chắc là họ đi tìm đoàn để có chỗ làm trò và lấy chỗ mượn chiếu chăn đắp điếm cho nhau – Linh ngao ngán nói tiếp – Lũ chúng mình cũng chỉ là thứ kép làm trò, không hơn kém. Tôi làm thơ. Anh viết báo. Làm thơ viết báo như con trâu ốm theo cày chứ không phải con trâu kéo cày. Anh viết chơi, người ta cũng đọc chơi, rồi mai mốt… Ồ, biết làm sao trước được!

Chiếc đò ghé vào bến, Linh ngoảnh lại. Hai vợ chồng nghệ sĩ lưu vong đang leo lên bờ dốc. Chồng nâng vợ ốm, vợ dìu chồng đau, lom khom khuất trong làn mưa thu. Linh khẽ thở dài, cảm thấm tâm tư nỗi đau ngoài thiên hạ.

Trời chiều sẫm đổ. Mưa thu nhuộm xám bầu trời chiều. Dừng chân ở đầu đường lối xuống thung lũng, hai người đang ngơ ngác dò phương hướng, thốt nhiên có tiếng hú vọng trên nương. Hai gã bỗng từ một lùm cây nhảy xổ ra, như phường lạc thảo đòi mãi lộ, thì ra Bình Uy và Chu Quý.

Uy lôi chai rượu bố giấu kín ở bọc áo ra, giơ lên mà thét:

– Chúng ta biết nhà ngươi đến nên đã xoay tiền đi mua vụng được để đón tiếp các ngươi đây.

Và Quý cũng lôi gói đậu phụ, lạc rang trong hai túi bành tô lính tẩy.

– Yên chí chúng bay chết rấp trong trận oanh tạc Thái Nguyên rồi. Linh hồn các mi lại linh ứng hiện về đây đúng lúc có rượu ngon, đậu béo.

Bốn người rảo bước vào trong bản. Uy lỗ mãng nói vang:

– Oanh Oanh của nhà ngươi khóc nhiều lắm đấy.

Linh thấy se lòng, càng bước vội. Ðến cổng nhà một thổ hào mà đoàn kịch lưu động tạm đóng ít lâu, bốn người bước qua một chiếc sân phủ đầy rêu.

Oanh đang ngồi nhìn tăm cá bên ao. Có thể coi cô là đóa hải đường e lệ, là bông phù dung ngại gió, nếu ta đã xem cô diễn kịch trong những vai mềm như liễu, mảnh như tơ. Có thể tả Oanh là con cáo đã khổ công tu luyện hóa thành mỹ nữ làm nghiêng ngửa đàn ông nếu ta đã có giây phút rợn mình vì tiếng cười, sóng mắt của loại hồ tinh ấy. Lại có thể tả Oanh là con rắn cuộn tròn mình chờ đớp ngóe, là con mèo nhai nghiến chuột, nếu ta đã nhìn thấy cô trong một bữa ăn dọn ra vào lúc cô đang chau đôi mày vì đói ngấu. Nhưng cái tật gắt đói, ăn vặt ấy thực không đáng kể khi người đàn bà đã có khối óc thông minh, lại có thiên tài sân khấu, nói hay, ngâm thơ giỏi, giọng trầm mà không chua gắt, nét mặt buồn mà rất đỗi kiêu kỳ. Họa sĩ hóa trang ở hậu trường, trong mỗi vai chỉ cần bảo cho Oanh một lần làm mẫu rồi lần sau họa sĩ cứ việc đứng khoanh tay để xem cô tự xoa phấn, kẻ mày, bới tóc, mặc xiêm y lấy. Mầu sắc của trang phục, mầu phấn son thẫm hơn hay nhạt bớt cho ăn với vẻ mặt, vai diễn, và nhất là với sức sáng của ánh đèn dầu hay đèn đất ngoài sân khấu, đều do cô cân nhắc và quyết định. Cặp Oanh, Linh là linh hồn của đoàn kịch lưu động Bông Lau, bởi thế anh em mới nói: Trời sinh ra Linh để viết kịch cho Oanh đóng. Và cũng chỉ vì Oanh mà Linh trở nên một thi gia – kịch sĩ đầy tài năng, danh vang miền Bắc Việt. Sáng tác ra những vở kịch hay để rồi tự mình và người yêu chọn vai chính, cặp giai nhân tài tử ấy đã sống với nhau qua những tình tiết ly kỳ, qua những nghiệp duyên lắt léo.

Không những là một kịch sĩ có danh ở thời bình tại thủ đô văn học, Linh đã là một tiểu thuyết gia dẫu chưa chiếm được chỗ ngồi ưu tú trên văn đàn nhưng cũng đã được nhiều độc giả mến. Ngoài viết tiểu thuyết, Linh còn dịch thuật thơ văn Pháp vào thời kỳ phong trào văn học lãng mạn đang bồng bột tại xứ sở này. Linh viết truyện cũng như làm thơ dễ dàng. Người sáng dạ, đọc thơ Linh chỉ vài lần đã nhớ. Vì thế, từ bài thơ làm chơi trên chiếu rượu đến những vở kịch thơ dài tới bốn nghìn câu, anh em đã nhập tâm để khi vắng Linh, họ ngâm lên hay trình diễn mà không cần vở.

Trong làng văn, anh em đùa ví Linh như thi hào Pháp Lamrtine, vì Linh có mái tóc bồng kiểu tóc văn nhân, lại thêm vầng trán sáng, đôi mắt lung linh, mũi dọc dừa, môi đỏ, răng đều, thân hình cân đối, cử chỉ phong lưu trang nhã. Học vấn và hình thức Linh đã đủ chiếm thiện cảm của người đời. Linh lại còn mang dòng máu một thế gia.

Loạn lạc nổi lên, Linh đã cùng dăm bạn dạt thẳng lên miền Bắc. Anh nhắn về Bến Hồ, xin cụ Ðầu Xứ tự ý đưa gia quyến đến làng họ ngoại. Từ đó, Linh hoặc nhắn gửi lời thăm hoặc tiện theo đoàn kịch qua làng mới rẽ ngang vào xoa đầu mấy đứa con thơ ngơ ngác nhìn cha như nhìn khách lạ, và ăn bữa cơm nhạt nhẽo, cầm bàn tay lạnh của người vợ xanh xao, rồi lại lách mình qua tấm liếp ra đi.

Oanh, từ nãy, vẫn lặng ngồi xem tăm cá mặt ao. Linh nhẹ gót, bịt mắt người tình. Oanh cảm nhận được hơi ấm quen thuộc thấm qua da thịt, khẽ thầm thì:

– Anh Linh, em đợi mãi.

Linh bỏ tay ra. Anh nắm vai Oanh, xoay đầu cô lại. Cô cắn môi nén tiếng nấc, gượng cười qua màng lệ:

– Em đã tưởng đây là đất Ðồng Ðăng, để cho em hóa đá.

Linh ghé tai cô:

– Em hóa đá, anh chỉ ngâm một câu thơ là chảy ra thành nước!

Rồi Linh cúi hôn đôi mắt lệ.

Bình Uy đứng trong vườn chuối, thét gọi Linh vào. Thấy Linh, cả bọn văn nghệ kịch sĩ giang hồ tứ chiếng đang quây tròn quanh hai chai rượu bố và mâm bún, đậu phụ, bánh đa, đồng thanh la lớn:

– Thằng Linh đã trở về, ngồi ngay xuống chịu tội ba chén tống phạt đây.

– Rồi bắt nó tấu “Hồ trường”.

– Không! “Dâng tình” trước đã.

Chu Quý, một thư sinh lúc nào cũng đầu bù, mặt tái, say dài cả tháng ngày, đã gục xuống đùi bạn còn lè nhè nói:

– Thằng Linh ngâm “củ” khác đi. Kẻo thần kinh ta đứt đến nơi rồi.

Ngọ vốn là một kịch sĩ mặt dài như mặt ngựa chỉ chuyên vai Lý Toét, hếch mũi lên mà quát:

– Ngâm “Kinh Kha” vậy. Ta đang nóng máu thèm làm hiệp sĩ đây. Nhất định phen này bơi qua sông để ám sát thằng chồng con bé hàng rượu đẹp.

Hoạt, có biệt tài đóng vai thi sĩ dở hơi trong vở kịch Khai bút, từ nãy ôm ghì chai rượu như đười ươi giữ ống, bèn cất cái giọng một tửu đồ tự trọng:

Có nàng tiên nữ má hồng

Giúp đôi cánh biếc dâng sầu lên khơi.

Ấy thế, ta chỉ cần nghe có hai câu ấy. Nghe rồi ta sẽ tạm biệt các người, đi tìm một chút khói phù dung. Ta tự nén hồn vùi xác đã lâu rồi. Ta chết mất vì đời đếch là đời nữa, nếu cứ bị làm một thứ anh hùng bất đắc dĩ, diệt cả tình, không cả khói, cả men. Ta chết mất, chúng bay ôi!

Hoạt rống lên như con lợn giẫy đau ộc tiết, làm cho Tích, trùm ban kịch lưu động, phải nhảy đến bịt chặt mồm Hoạt lại. Hoạt càng kêu, vì say quá. Tích buộc lòng dùng võ lực, nghĩa là dùng “giải tửu thang”: tống hai quả như trời giáng vào mặt Hoạt. Ặc lên mấy tiếng, Hoạt nằm phục vị, úp mặt xuống cạnh mâm lênh láng rượu, mắm tôm chanh, vỏ lạc.

Một loạt hô lên:

– Thế là một hung tinh tạm tắt rồi. Bây giờ thì Linh ôi, ngươi khai khẩu ngay đi, kẻo chúng ta chết mất vì đợi mong ngươi điên lên vì nước mắt cái Oanh cứ ngày đêm khóc ti tỉ, kể từ hôm ngươi bỏ bầu đoàn đi biệt tích.

Từ nãy, Linh đã chịu hình phạt ba chén tống đầy, nhưng tửu lượng của anh thách hàng vò đại và anh vẫn hận rằng chưa có dịp say đến cái độ quên trời đất.

Bị lũ tửu quỷ đòi hỏi dữ, anh tự rót tràn đầy chén nữa, cất lên toan uống. Mắt anh chợt thấy Oanh mới gội đầu, đang đứng hong mái tóc dài óng mượt ngoài vườn chuối, Linh tưởng như ngửi thấy mùi hương nhu tiết ra từ mái tóc người tình, bèn cảm xúc:

Ta say hay vẫn tỉnh

Ai đứng ngoài thềm sương?

Ai đi quanh bốn chân tường?

Tóc ai rũ rượi, tình thương não nùng?

Ở ngoài vườn, tiếng ai nấc lên khe khẽ.

Ðược có Linh trở về, đoàn kịch lại lên đường, ngược chiều sông máng lớn. Họ chia ra từng tốp ba người đi cách quãng nhau, và khẽ dặn nhau phải nhìn trời nghe động. Nhưng thực thì chẳng ai nghe ngóng cả. Họ đi trong nắng sớm hoe vàng điệp. Hoạt có sống lưng còng càng còng thêm vì chiếc ba lô nặng trĩu, lúc nào cũng hắp háy cặp mắt toét nhìn đường. Ði sau cùng là bộ ba Oanh, Linh, Thảo.

Ba người từ lúc ra khỏi bản Mường, chưa ai nói năng gì. Linh không buồn cũng chẳng vui, sự chuyển dịch thường xuyên này anh chỉ thấy là một sự cần cho cảm giác. Linh chỉ cần cảm giác ở trong bất cứ cuộc đổi thay nào. Bởi vì bộ đôi Oanh – Linh đã truyền cảm sang khán giả sân khấu một cách vô dụng mầu nhiệm. Họ đem đời vào kịch và đem kịch gửi vào đời. Vẻ yêu kiều, lời thổn thức của Oanh, dáng thư sinh hay vũ dũng, giọng ngâm như sương bay thác đổ của Linh, tất cả cái kỹ thuật, cái tài tình ấy đã khiến khán giả mê say.

Ba người chậm bước, bị tốp trên bỏ cách một thôi dài. Ðường trường bụi gió, mỗi quán nước là một trạm dừng chân. Oanh luôn luôn đòi nghỉ, ném nón quẳng ba lô, gieo mình xuống chõng, bóp chân tay, vặn mình nhăn nhó.

– Cô nàng của tôi càng nhăn càng thêm đẹp. Thì hãy xơi bát bún riêu nữa đi, nhá thêm vài quả chuối, vài tấm mía nữa đi cho lại sức.

Oanh ăn một chặp, nhưng vẫn thở dài kêu thiếu sinh tố. Ðó là thịt gà tẩm dầu vừng, trứng gà pha với đường tây mà Oanh yêu thích ngang với ái tình, trăng gió. Cũng đã có lúc, chạnh thương cái tính tầm thường nhi nữ, Linh đã phải bận lòng xoay bằng được mấy thứ đó cho Oanh mặc dầu ở vào một hoàn cảnh mà miếng ăn ngon, manh áo ấm cũng có thể là tài liệu làm dầy thêm hồ sơ tiểu tư sản.

Thảo ít nói và nghĩ nhiều như bạn nên dọc đường anh không làm vui được cho Oanh. Ðã tự nửa kiếp rồi, Thảo là một người chồng tự trọng không nỡ làm đau nghĩa vợ chồng cũng chẳng hề lỏng buông tình cha con. Ngót hai mươi năm rồi còn gì nữa, người đàn bà sầu mang tủi nhịn kia đã bao nhiêu lần khâu chăn vá gối, chưa được biết ngửa tay nhận một đồng bạc của chồng, lại một đàn con lẽo đẽo.

Dọc đường, Thảo cũng không thể quên lũ trẻ anh vừa gửi tạm ít ngày nay ở một xóm quạnh chân đồi, bên sông máng. Ba đứa trẻ còm nhom đen trùi trũi, quần áo rách rưới tả tơi. Người mẹ thương các con rét, đã phá áo cưới của mình may thành ba chiếc áo trấn thủ cho chúng mặc. Ba chiếc áo thêu kim tuyến nổi gắt mầu huyết dụ giữa đồi cây. Chúng bị lũ trẻ quê xúm lại, thẹn không dám mặc nữa.

Bất giác Thảo bùi ngùi khẽ đọc câu thơ bạn:

Tuy vậy nguồn sinh vẫn sớm chiều,

Sáng bừng trong khóe mắt thương yêu.

Chồng xây hình tượng trên lưng sách,

Sách dựng lưng tường dáng núi kiêu.

Thảo có cái giọng ngâm thơ sầu chất chứa hắt hiu như gió lùa bãi sậy, đồng lau. Oanh liền ngâm tiếp:

Nghĩa đời lẩn khói bếp không lên,

Vợ ngược con xuôi, túi hết tiền.

Chồng gục cả lòng bên bể mực,

Bôi ngòm mặt giấy tối như đêm.

Nắng dịu mầu thu muộn đọng trong cặp mắt Oanh, ánh một vẻ chán chường, ma quái.

Nhưng vợ chồng kia chẳng thở than,

Vẫn cười coi nhẹ nỗi tân toan.

Cần cù thiếp vẫn chăm son mực,

Ðể bút chàng khơi mạch thế gian.

Oanh đi sát bên Linh, níu cánh tay Linh, khẽ nói:

– Người chăm son mực ấy là chị Linh hay chị Thảo chứ con bé đoảng vị, lăng băng, lãng mạn này không dám nhận phần đâu nhé. Phải nói ngay, kẻo các anh lại bẻ bai rằng em chỉ được cái bộ nũng nịu vòi quà bánh.

Oanh cất tiếng cười giòn tan. Tiếng cười bỗng tắt, tiếp tiếng Linh xuýt xoa đau. Cô vừa véo cánh tay anh, mặt cô tái nhợt đi vì ghen tức.

Anh đã chịu đựng nhiều rồi những cử chỉ hờn dỗi ấy. Thoạt đầu người ta đã ngấm ngầm, kín đáo giận nhau vì những lời nói giọng cười khiêu khích và cắn dứt như trẻ nít. Ðến nỗi, anh luôn phải kiếm dịp gửi cô cho đoàn kịch để bứt tạm dăm bẩy ngày liền, lấy đó làm cách trừng phạt cái nết chua cay, mát mẻ của cô. Chuyến vừa rồi anh cũng đã phạt cô nửa tháng để tìm đến gia đình Thảo. Trong hai tuần chịu hình phạt đó, cô chỉ ngày ngày ra ao ngồi xem tăm cá, âm thầm khóc. Cũng đã có lần Linh dồn cả nỗi bực bội vào lời thơ trên sân khấu, trong vai một nguyên soái trẻ tuổi đa tình đang bị lung lạc bởi nhan sắc một quận chúa bạo nghịch của nước Tần. Anh uất hận trỏ kiếm vào giữa mặt Oanh:


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button