Văn học trong nước

Một Cần Câu

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Trần Thanh Địch

Download sách Một Cần Câu ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


“… Có lẽ nhà văn Trần Thanh Địch yêu thơ và yêu cả nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, nên mượn ba từ trong câu thơ của tác giả: “Một mai, một cuốc, một cần câu” chăng? Cả tập đoàn kể chuyện câu cá… Nhưng tài ba nghệ sĩ của nhà văn Trần Thanh Địch ở chỗ: chỉ với “Một cần câu” mà múa, mà trình diễn bao nhiêu “động tác”, tình huống, bao nhiêu cảm xúc trên sân khấu văn chương, song không hề trùng lặp, không hề gây nhàm chán… Trong tập truyện, chất trữ tình, chất thơ, màu sắc, hình ảnh… càng làm đậm nét cái tâm và nhãn quan của tác giả!”

ĐỌC THỬ

CHƯƠNG 1 – CHÚ THẤT RÔ

Khi lên khoảng tuổi 11, 12 gì đó, tôi đã thấy chú Thất Rô thỉnh thoảng đến nhà ở chơi đôi ba ngày rồi đi. Tôi hỏi má tôi về chú ấy thì được nói:

– Khùng…

Mà cũng chưa phải là thật khùng đâu, chỉ hơi hơi thôi. Chú là con của ông em ông nội bọn con đó. Có cô vợ mặt mày xinh xắn nhưng lẳng lơ hoa nguyệt theo trai, nên gia đình cho “về” luôn. Từ đó chú bị… cách như thằng thất tình, nên người ta đặt tên cho chú là Thất. Trước kia tên chú là Thật. Còn “Rô” là vì chú có tài câu cá rô kềnh, một loại rô to bự giống cá rô phi, rất thơm thịt. Cứ sáng đi câu là trưa về, ghé qua chợ bán luôn mớ cá đang lên lách nhau kêu rẹt rẹt trong giỏ.

Tôi rất thương chú ấy. Thương nhất là cái tính ít nói, không nói. Chú vẫn ở với ông anh ruột làm thầy thuốc nổi tiếng trong vùng. Nhưng xem ra vì sao đó, cả gia đình ông bác này cũng không thích gì chú lắm: chỉ nuôi chú mỗi ngày hai bữa cơm cà là tốt rồi.

Chiều qua lại thấy chú đến thăm gia đình tôi. “Đến thăm” là cách nói cho lịch sự nhẹ nhàng, thật ra chú đến chỉ để ăn bữa cơm chiều. Nếu ba má tôi không tỏ ý gì đá thúng đụng nia, chú sẽ ở thêm ngày nữa. Chú Thất Rô chào ba tôi, chào má tôi bằng một cử chỉ chắp tay qua loa, không cười, không hồ hởi, cũng không nhìn tôi đứng gần đó, coi tôi như cái cột nhà. Má tôi gật đầu lấy lệ – hình như các bà nội trợ Việt Nam thường hay có tính suy nghĩ cộng trừ: bây giờ là đầu tháng, hay cuối tháng, gạo trong khạp đong bằng lon gạt vẹt thật hõm còn được bao nhiêu, nước mắm kho còn phần ba chai hay nửa chai, ba con gà mái thì hai con đẻ ấm ớ đôi ngày mới được một trứng, một con tịt đẻ – cứ hay có cách tính toán chi li như vậy. Nhưng ý nghĩ thường hay bén táp quá nhạy như thế thôi, rồi ngay đó đã trở lại từ bi hỉ hả tức thì. Má tôi nói dửng dưng:

– Chú ngồi chơi. Có nước chè lá mới nấu thơm lắm, chú vô rót uống. Có vui tay sửa lại cái cần câu, hai chú cháu đi giật vài con rô kềnh về kho tương tối nay thì càng hay…

Chú không cười, không nhăn qua đôi mày, không gật đầu, chỉ thấy đôi mí mắt nhắm xuống, rồi mở ra ngay. Chú thong thả xuống nhà bếp, rót nước chè uống ba ực là hết bát. Chú không hỏi tôi cần câu để đâu, tự đi kiếm lấy. Hai cần câu của ba tôi từ gần nửa năm nay không dùng đến, chú lấy ra kiểm tra ra lại. Cần: vơ mảnh giẻ đâu đó, chùi quanh từ gốc đến ngọn cho hết mạng nhện, thấy còn tốt như lúc mới dùng. Chỉ câu cũng vậy, loại chỉ đàn nguyệt, dùng năm bảy năm còn bền. Lưỡi câu trước đây, tự tay ba tôi cắt gọt lấy, bằng mẩu thép đồng, ngạnh vạc khéo không thua lưỡi câu tây. Phao lông đuôi công đã hơi ngả vàng, lấy múi chanh chùi cẩn thận là trắng lốp ra ngay.

Chú Thất Rô tìm cái bát mẻ rồi đi ra vườn, không có cử chỉ bảo tôi theo. Chú tới mấy bụi huỳnh tinh, nhổ bật gốc một bụi. Những con trùn đất nhảy lên loăng quăng, nhiều quá, chụp bắt từng mẩu một. Mỗi bụi huỳnh tinh giật bật gốc là có được bảy tám con trùn đất to có, nhỏ có, nhưng đều vừa mồi rô kềnh. Chỉ cần ba lần nhổ từng khóm, mồi câu được cả ngày. Nhặt từng lứa trùn xong, chú đặt cả tụm cây xuống lại, đưa chân giẫm mạnh gốc, bụi cây trở lại nguyên xi như trước. Tôi định hỏi sao chú biết ở dưới mấy gốc huỳnh tinh lại có được nhiều trùn vậy chú, nhưng biết chẳng bao giờ có câu trả lời.

Hai chú cháu ra đi vào khoảng hai giờ chiều. Chú Thất Rô bước trước, một tay: cầm đôi cần câu, một tay đánh nhịp loạng quoạng đồng đều. Tôi theo sau thỉnh thoảng bước thật nhanh cho khỏi tụt hậu, tay xách cái giỏ đựng cá vừa mồ hóng, vừa bụi khói, vừa mạng nhện lâu ngày, lúc nãy quên lau. Cũng chẳng hiểu câu hồ nào, ao nào, hói sông nào. Chỉ biết cứ bước theo người đi trước. Đôi lần định hỏi còn xa gần nữa chú, nhưng sợ quê, hớ, người ta khinh cho, vừa đi khoảng nửa tiếng đồng hồ mà chân cẳng lệt quệt rồi hả? Đi qua nhiều xóm, nhiều thôn, có khi gặp một chợ xép, người bán đông hơn kẻ mua, ruồi đói thường lỳ, bâu đầy mẹt cá mà đuổi chỉ né tránh, không bay.

Ít đi xa, tôi đã thấy mỏi cả chân, nhưng cứ phải tỏ ra chẳng ăn thua, đi lên rừng cũng được. Nắng khoảng hai giờ rưỡi chiều mà còn nóng khiếp, mồ hôi nhỏ giọt trên mặt, vẫn cứ phải bước nữa. Bỗng dưng có làn gió mát rượi, không phải gió đưa lại mà là mình bước vào một vùng thoáng, như sắp có sông nước gì đây. Và có mùi lá sen. Thơm rất dễ chịu, hương bay hình như rộng bao la… Tôi đoán trước mặt mình là hồ, chắc là hồ sen.

Đúng quá. Chú Thất đi chậm lại. Rồi nhìn lướt qua mặt hồ. Một hồ sen quá rộng. Tôi nghĩ nếu có ai đứng bên này gọi to, bên bờ kia cũng không nghe được. Chú đặt đôi cần câu xuống mặt cỏ. Rồi bước ven theo bờ đi một quãng xa, lại trở về chỗ cũ. Sen đã gần tàn, chỉ còn lại những lá già rộng vành, thỉnh thoảng mới trồi lên một bông hiếm hoi. Hương thơm hôm nay là hương thơm của lá, mùi đậm hơn hoa, tỏa rộng cả vùng mênh mông. Chú Thất móc mồi vào lưỡi câu cho cả hai cần, đưa cho tôi một cần, chẳng nói câu gì. Thỉnh thoảng dưới mặt hồ lại nổi lên một tiếng cá quẫy vui tai. Đúng là cái quẫy mình của loài rô kềnh hiếu động, nhanh nhẹn, tạp ăn, thích đấu đá, từng lúc lại nhô thoắt lên mặt nước đớp một tẹo khí trời rồi ngoáy mình lặn ngay xuống nước, phô rõ cả dạng hình “mặt trăng” in đằng cuối đuôi.

Chú Thất đã bước xa chỗ tôi chuẩn bị buông mồi. Vừa đó, chú đã giật được một con rô kềnh rồi. Tôi thích quá, đặt cần xuống cỏ chạy lại xem cho đã mắt, vừa xem con rô kềnh, vừa xem cách thức của chú câu. Nét mặt chú cứ dửng dưng như kẻ đang làm gì đó chứ không phải câu cá. Cách nắm con cá rô trong hai ngón tay nhin nhín mà chắc như gọng kìm, thấy cũng đủ mến phục. Rô kềnh là loài rô sống lâu năm, đen như than, thân mập ú, đường vây trên lởm chởm như răng cưa. Chú Thất chuồi cá vào giỏ xong, lại buông mồi xuống mặt hồ. Không phải buông đại mồi vào khoảng nước nào cũng được… mà phải chọn nơi thế nào đó thì mới thả câu. Đây là chuyện bí mật nhà nghề, tôi không dễ gì hiểu được thấu đáo.

Câu rô kềnh phải tụt phao xuống ngắn khoảng dưới tầm mặt nước độ vài ba gang tay, và phải “nhắp” luôn cho mẩu trùn động đậy, chọc thèm con cá. Chú Thất lại giật. Sợi chỉ câu và mình cá vướng vào một cọng thân sen. Chú giật thêm cái nữa, lưỡi câu cùng với sợi chỉ hẵng hụt tung lên nhùng nhằng giữa không khí một giây. Tôi tái mặt vì tiếc, con rô kềnh này to hơn con vừa rồi. Nhưng mặt chú Thất lại lãnh đạm như không…

Tôi trở lại chỗ đặt cần câu. Chọn một mặt bằng thoáng của làn nước không có lá sen, lá súng, không có bèo, rong đuôi chồn, và buông mồi xuống nước. Phao chưa kịp dựng đứng thì đã bị kéo tịt, rồi vừa sắp nổi lên thì thụt xuống lại ngay, cố chơi cút bắt. Tôi giật. Một rô tẹo, bằng hai ngón tay chập lại. Thế cũng hên rồi. Cú đầu tiên đã được ngay một rô. To hay nhỏ cũng là con rô, kho tương ăn dè xẻn cũng được cả chén cơm. Tham mồi, lại câu tiếp. Cũng bắt chước chú Thất, cũng nhắp mồi thong thả nhưng liên tục. Phao lại động đậy, bị kéo thụt xuống rồi trả lại ngay, rồi thụt xuống, tôi trả về nằm ngang mặt nước một cách ngả ngớn, chỉ động đậy nhỏ nhẹ, sơ sịa thân phao… và tôi giật! Một con diếc to gấp đôi con rô vừa rồi. Cá diếc tuy lắm xương hom, nhưng thịt ngọt, nhiều người cho là cá long hội, in nghĩa là “lôi họng”, nghĩa là dễ hóc xương – nhưng ta ăn thong thả, nhai từ từ, lưỡi kiểm soát chặt chẽ tận gốc các xương hom chữ “V” hoa, thì sức mấy chúng lôi họng được ta?

Tôi xâu con diếc cùng với con rô vào một thân cỏ gà, để khi nào con số cá leo lên tới bốn năm đứa, sẽ xách cả chùm tới chú Thất, bỏ cả tốp vào giỏ… cho chú ấy vui. Biết trước là chú không tỏ một tí ti hồ hởi đâu – nhưng trong cặp mắt dửng dưng kia, thế nào cũng có một nét vui phơn phớt. Tôi lại bỏ một mồi câu khác xuống lòng hồ, nhích sang một vùng nước khác. Hễ chưa thấy động tĩnh gì thì phải nhắp mồi câu. Trời càng về chiều, ánh nắng không nhạt bớt mà thấy càng đậm hơn, vàng hơn, chém tạt vào cả phân nửa những thân cây có những góc to bự. Đây là giai đoạn lũ cá hay nổi quẫy, những con lớn xác phóng đớp bọn mình bé để ăn thịt… nhưng chẳng bao giờ chộp được hết… Càng mình bé, càng dễ tránh lách, tàng hình. Ông trời đủ sấm đủ sét cũng chịu bó tay với bọn nhóc lỏi này. Với lại những thân sen già, thân súng, thân rong đuôi chồn, túm rễ bèo, cột bong bóng nước vô cớ nổi tên thành tiếng lục ục – chúng nó đã che chở cho lũ cá bé hình kia.

Cái phao động đậy rất khẽ (gần như chẳng có gì cả), giống như chính cái phao ấy đang cảnh giác với tất cả chung quanh. Rồi nó từ từ thụt xuống, thụt xuống, thụt nữa, đến mất tăm phao. Tôi giật xéo lên. Lòng bàn tay vừa bảo khẽ cho tôi biết rằng sẽ có con cá gì khá bự đây:

– Nhưng mày đừng có mừng run lên như vậy. Chờ tí nữa… tí nữa…

Cả đầu óc tôi bỗng quá hốt hoảng. Không phải con cá. Nó là con… lươn, lưng đen nhưng bụng vàng cháy. Tôi cầm chiếc cần câu với cả hai tay, có cả con lươn vùng vẫy, chạy tới chỗ chú Thất, nhờ chú tháo dùm lươn ra. Chú một tay cầm sợi chỉ câu. một tay tóm cổ con lươn, ngoáy một cái là rồi. Chú bỏ lươn vào giỏ, đậy hom cẩn thận.

Nó là con… lươn, lưng đen nhưng bụng vàng cháy

Tôi thấy giỏ cá đã rất nặng. Hình như phần đông là bọn rô kềnh… Má tôi chắc là sẽ vui lắm. Chú Thất chắc còn sẽ ở lại gia đình tôi thêm một hai hôm. Trời càng chiều, lũ cá dưới hồ càng xôn xao vùng quẫy. Có những tiếng quẫy đánh oạc, như cá đã chộp bắt được cả con mồi lớn, tôi biết đó là những anh quả vừa dữ tính, vừa khoẻ sức, vừa thích đánh đông dẹp bắc. Có tiếng quẫy vui tai nghe đánh “tụp” một cái, và cá biết là sắp hết mặt trời, ta lên đớp tí chút nắng vàng cho khoái phối: tôi biết đó là chú trê hoặc thân đen, thân nâu, thân vàng tùy vào chỗ hang ổ là bùn đen, bùn nâu, bùn vàng… Cái phao bị giật đâu mất tiêu. Tôi chờ một tí xíu thì giờ nhỏ bằng cái xước móng tay, để cho “con gì đó” nuốt trọn cả phần trùn xong xuôi, nuốt trọn cả lưỡi câu xong xuôi, và giật!

Một con rô kềnh mình đen xanh, có bộ vây lưng quá dữ tợn. Tôi hơi lúng túng, đang tìm cách gỡ cá khỏi lưỡi câu thì đã có bàn tay chú Thất đưa vào rồi. Chú vẫn im lặng, con rô và cả nhóm cá tôi câu được đang bị xọc vào mang, cho vào giỏ đã gần đầy. Tôi xách giỏ lên, ước đoán trên vài ký. Không, không thể nhiều như vậy được. Khoảng kỹ rưỡi. Cũng còn hơi cao. Một ký thì.. chắc quá bóp, vừa bao nhiêu rô kềnh, rô thường, rô mặt trăng, diếc, lươn, con lươn nặng vẹo tay chứ đâu phải lươn đũa, vậy mà một ký, ăn nói vậy nghe sao được! Thôi thì cứ cho đi ký ba, ký tư gì đó.

Chú Thất cầm chắc giỏ cá lên, tôi đoán chú cũng muốn đánh giá coi nặng nhẹ. Xong, đưa cho tôi xách. Thế có nghĩa chú bảo: “Thôi ta về thôi”. Chú cầm hai cần câu bước đi. Tôi xách cá theo sau. Nghĩ: chắc chú cũng có chút niềm vui vì câu được nhiều cá…

Hai chú cháu về tới nhà, trời vẫn còn đủng đỉnh chưa tối. Tôi biết đây là một loại hoàng hôn cuối hè sang thu, mặt trời thường hay lười biếng chút ít, đi đứng chậm lại. Tôi chạy vào nhà trước, xách theo giỏ cá nặng, tìm ngay má tôi để bà vui. Má tôi đang ngồi sàng sảy qua loa gạo, chuẩn bị cho bữa cơm tối…

– Má ơi! Nhiều lắm má à. Ăn tới ngày kia chưa hết.

Bà đứng lên cầm giỏ xem nặng nhẹ.

– Ừ, Giỏi đây! Mày có giật được con nào không?

Chú Thất cũng đã có mặt. Chẳng có tiếng nói nào, chú đi xuống nhà bếp hình như để rửa ráy mặt mũi chân tay. Tôi bảo với má:

– Phần con, cũng giật được bốn năm tên, trong đó, có một con kềnh. Thích nhất là thêm anh lươn tướng!

Cá nhảy tanh tách, vừa búng, vừa lách qua lại giữa những lưng cá với lưng cá.

Má tôi đã đổ cá ra chiếc rổ rộng vành. Cá nhảy tanh tách, vừa búng, vừa lách qua lại giữa những lưng cá với lưng cá. Chú Thất vừa trở lên. Ba tôi ở nhà trên bước xuống. Nhìn mớ cá quá nhiều, mặt ông chỉ tỏ ra vui vui, nói chậm rãi:

– Ba đã có nói với má rồi! Nếu như chú Thất không từ chối, ta mời chú về đây ở luôn. Hỏi thật, ý chú thế nào?

Chú Thất không tỏ một thái độ nào, chỉ hơi hơi gật đầu…

CHƯƠNG 2 – CON CÁ DƯỚI BỤI TRE NGÂM

Ông cậu tôi hồi đó dạy ở một trường tiểu học trong làng. Ngoài công việc tới lớp hàng ngày – ông thường đi bộ, giầy xu-li-ê vàng sẫm, áo quần thẳng nếp, che ô trong cả lúc trời đã về chiều – thì ở nhà, ông thích chơi đàn nguyệt, đánh bản nam bình sướng hơn nam ai. Một thú chơi khác coi bộ lấn lướt cả chuyện đàn địch, là đi câu. Bà con hàng xóm thường tôn ông là ông thầy có tay sát ngư, nghĩa là có tay nghề cao về môn câu cá.

Cứ trông qua chiếc cần câu của ông thì rõ. Cần là một loại “tre hóp” thẳng băng, thẳng từ gốc lên ngọn. Ông có cho tôi biết: cần câu, quan trọng nhất là cái phần ngọn. Ngọn phải vút. Nếu có một tí tì ti vẹt ổ kiến là vứt. Và cái “cần”, đừng chọn thứ hóp có thân dích dắc chữ chi: vừa không nhạy bén khi giật cá, vừa xấu dáng. Đốn được cây hóp thích hợp đưa về, phải quạt bếp lửa than, để đó, lấy ít dầu phụng, bôi quanh mấy nơi cong vênh của cần rồi hơ lửa mà nắn thẳng thớn khúc lệch. Xong phần uốn cần thì chuyển qua khâu ép nó vào một thân cau lão, bắc thang lên mà buộc từng nuộc dây từ gốc lên ngọn cần câu. Khoảng sau một tháng qua mùa nắng hè thì tháo nó ra, vót lau các đốt mắt cẩn thận… là có được chiếc cần câu vừa ý.

Một sáng mùa hè, tôi được về chơi, ở nhà cậu tôi chừng một tháng. Nhà ông ở cách thị xã độ trên năm cây số, vậy mà tưởng như xa cách từ tỉnh này qua tỉnh nọ. Ngày nào tôi với thằng An thua tôi một tuổi, hai đứa cũng tắm sông, câu cá rô, câu tôm, bắn chim bằng ná giàn thun, chấm bắt ve sầu với nhựa mủ mít đã hơ lửa cho nhựa dễ dính trít cánh.

Một bữa, có ông khách bạn chơi đàn của cậu tôi đến chơi, khoảng mười giờ sáng. Mợ tôi cầm rổ đi chợ mua thêm chút cá chút thịt gì nữa, nhưng đã thấy cậu tôi đi tới nói khẽ gì đó. Thế là bà lại ngoan ngoãn trở vào nhà.

Ông khách vừa đến đã sà lại nơi mấy chiếc đàn, giống như nhiều lần trước đây. Vừa xem tỉ mỉ từng chiếc: nguyệt. chanh, nhị, bầu – thì… đối với cây nguyệt, ông hết búng chơi dây để nó kêu lên “toọng đèn toọng đèn”, lại cầm đàn lên tay, thoáng cười trên mắt như muốn nói: “Tuyệt! Tuyệt!”. Cậu tôi pha trà mời khách xong, bảo:

– Chừ anh ngồi chơi uống nước. Tôi xin đi đây một tí là về ngay thôi…

Ông khách cười khà khà:

– Biết rồi. Anh đi kiếm chút cá chớ gì? Tốt lắm. Bữa nay, anh tính cho xực món gì đó? Canh tràu, trê nướng, hay rô kho tiêu?

Cậu tôi lắc lắc cái mặt:

– Trật lất! Trật lất… Ăn bát canh thác lác nấu với thơm rệu chợ Tuần qua chút ngò Tàu, xong rồi ta “đụng” nhau một bản nam bình cho khoái bao tử. Đừng dại mà đi ngủ. Thôi! Chờ tí xíu xíu là tôi về ngay.

Rồi cậu tôi đi. Thằng An rụt rè bước theo xuống lối bên sông:

– Cho con đi với…

Cậu tôi cau mày, nhưng nói nhỏ nhẹ:

– Con nhường anh Định. Cho ảnh hiểu biết chút nghệ thuật câu cá, nghe! Lên phụ giúp má vài việc vặt đi.

Hình như ông vừa chuẩn bị gọi “Định ơi” thì tôi đang từ trên bước xuống bến.

– Con có thích coi câu cá thác lác không?

Tôi đỏ mặt vì quá bất ngờ, quá thích, bảo ngay dạ thích, dạ. Cậu cho con đi với, xa gần vậy cậu?

– Dưới bến Cây Sung chuồi đó, bên bụi trên ngâm đó! Bước vô. Bước nhè nhẹ, từ từ, không sao cả. Xuồng êm mà. Vậy, vậy… Cứ ngồi yên…

Vừa quậy chèo một tay, cậu ta vừa cho biết: Con cá thác lác thường nó chỉ thích có hai loại mồi. Một là con nhộng ong khi đã thành hình con chàng. Hai là con bạc mày… Ông nói thêm:

– Bạc mày là loại mồi mà hắn ta thèm đệ nhất. Đây, con bạc mày đây nè…

Ông rút ra cái hộp sắt (trước kia là hộp cá trích) cất từ phía dưới sạp ngồi của xuồng. Ông giơ một túm bèo Nhật Bản lên: ở đáy hộp sắt có mấy con mồi câu cá hơi giống con nhện, nhưng thấp chân.

– Bạc mày đấy… Hôm nay, còn lại, vậy là bốn tên. Cứ mỗi tên, cậu đoán chắc là giật được một thằng thác lác. Mỗi bạc mày, “ăn” một thác lác… Chỉ còn lại là cái may rủi: khi mồi xuống đáy sông, cả bọn thác lác sẽ xông tới, con nào cũng muốn cướp giật lấy miếng ngon. Từng cái miệng háu ăn đều muốn bặp lấy mồi ngay. Hên ra, mình gặp con bự đớp trước. Vậy là ta được con bự. Xui xẻo gặp phải con choai choai đến nuốt, ta đành phải chịu vớ lấy con không ra gì. Con rõ chưa? Bạc mày thường ở dưới rễ bèo, cứ lấy rổ mà hớt lên thôi.

Chiếc xuồng thật gọn nhẹ, thêm cái, người chèo vạt nước bằng hai cánh tay với hai mái chèo ngắn, nên vượt lên băng băng. Xuồng cứ lượt đi dưới những tàn cây bổ nhoài ra mặt sông – phần nhiều là cây sung lão, trái đeo thành chùm đỏ hỏn từ gốc lên ngọn.

Rồi xuồng từ từ đi chậm lại. Trước mặt, gần sát bờ sông là một khóm tre đứng tách ra, có những ngọn ngã nhoài. Một số thân cây ngọn đã chấm nước, một số khác vẫn còn lên thẳng… Với cái điệu kìm cặp cho xuồng chuẩn bị dừng lại thế này, tôi đoán đây là nơi cậu tôi sẽ cắm xuồng. Và “bụi tre ngâm” chắc là cái khóm tre bị dòng nước tống ra khỏi bờ để sống riêng biệt từ một mù lũ lụt trôi nhà trôi trâu trong năm nào đó…

Tôi hỏi cậu tôi, giọng bình thường nhưng bị mặt nước im lặng dội to ra:

– Dưới này, có nhiều cá phải không cậu?

Ông nói khẽ:

– Ừ… Con nói nhỏ thôi!

Và buộc xuồng vào một cọc tre khô. Mặt nước ở đây xanh rờn, nhìn xuống thấy rợn người, như vậy là đoạn sông quá sâu. Cậu tôi lấy cần câu ra. Đúng là chiếc cần rất đẹp: dài, thẳng, suôn táp, được vót chốt tinh vi từ từng khâu mắt của câu hóp trúc.

Cái phao hơi dài, trắng, bằng thứ lông đại của đuôi công.

Móc mồi tỉ mỉ vào lưỡi câu xong, cậu tôi chầm chậm kéo dứ sợi chỉ câu một cái, rồi buông mồi xuống nước. Mẩu chì nhận chìm con bạc mày xuống nhanh theo. Chiếc phao được đẩy lên đến gần phía ngọn cần. Cậu tôi có cho biết là thác lác quen sống gần dưới đáy sông… Rất thú vị, phao chưa kịp buông tới mặt nước đã thấy sợi chỉ bị kéo phăng xuống dưới. Thế nghĩa là cá đã đớp mồi ngay khi sợi chỉ câu chưa nhúng hết đoạn cuối. Rồi phao mim mím, bỗng bị lôi tụt, thả nổi, lôi tụt, rồi nhay nháy đuôi phao, rồi phao bị kéo xuống tới khuất dạng. Giật xéo cái thật bất ngờ, như làm sao cốt để cho lưỡi câu móc ngoặc vào mép miệng cá… tay cậu tôi không còn giật nữa mà chỉ kéo thớn nhùng nhằng con cá. Hai bên đang tranh chấp nhau một thế quyết liệt. Một bên không chịu để mình bứt khỏi mặt nước, một bên không chịu để bên kia thoát thân.

Con thác lác đã vào nằm trong một bàn tay cậu tôi, bự đến làm tôi tái mặt. Cá to quá! Cậu tôi miệng hơi cười: chắc đang nghĩ đến ông bạn cùng chơi cậy đàn nguyệt. Cũng chẳng hiểu con bạc mày bị con thác lác ngậm, qua một lúc giành giật đôi co, nay biến đâu rồi?

Ông cậu lại mắc một con mồi vào lưỡi câu. Và thả mồi xuống sông. Mẩu chì, mồi, và lưỡi câu tạo một chút sức nặng vừa phải, và đã chìm ngay xuống. Cái phao dựng thẳng đứng. Cũng chưa thấy động tĩnh gì. Cậu tôi nhớm sợi chỉ câu lên một tí như cách mời mọc thiết tha cá: thì cứ ngửi qua cái món bạc mày này chút coi, đang tươi mà, thích thì ăn, không thì thôi, gì mà ngại? Phao đang đứng thẳng thì thụt lên thụt xuống chút ít, rồi bỗng… trồi lên nằm ngang. Lại động đậy. Rồi bỗng chúm chím lún sâu. Cậu tôi giật ngược. Con thác lác trì lại, làm cho cái chỉ câu vẽ quanh một vòng rọng thật hồi hộp. Cá đã bật khỏi mặt nước mà không thôi vùng vẫy… rồi bỗng nhiên cá tách khỏi lưỡi câu, phóng xuống nước. Và mất tăm… Tôi vẫn còn hồi hộp y nguyên, nhưng mà quá tiếc. Cậu tôi chỉ nói khẽ:

– A!

Và hơi cười trên khoé miệng. Cách như bảo “ồ, xổng thì thôi!”. Rồi nhặt một chú bạc mày thứ ba, móc vào lưỡi câu. Cũng vẫn cái dáng trịnh trọng, tinh vi ngay trong việc móc mồi câu. Rồi ông vạt nước để cho xuồng quay mũi sang trái, đuôi xuồng vẫn nằm phía dây buộc cũ. Vậy là chỗ câu đã được chuyển sang một địa điểm khác.

Sợi chỉ câu chưa chìm tới đoạn có chiếc phao thì cá đã giật mạnh, kéo phăng đi. Phao chẳng còn thấy đâu. Ngọn cần bị vít vồng xuống… Và cậu tôi giật! Hình như con cá quá to. Sợi chỉ câu vẽ một đường nước rẽ trắng ngoằn ngoèo. Cậu tôi chỉ giữ cho cá không thể lẩn tránh, nhưng vẫn giữ riệt cá để nhớm bóng nó lép. Sau cùng, cá dành chịu phép, tuân theo bàn tay điều khiển của người câu cá. Nhưng không phải là thác lác – mà là một loại cá gì khá bự, đôi vi dưới bụng đỏ hoe hoe như một kiểu thời trang.

– Con biết cá gì đây không? Giếc. Loại này có tên là “giếc ngự”, nghĩa là thứ giếc trước đây, thường để cho các vua chúa dùng. Tất nhiên thịt nó rất thơm, béo, nhất là ở phần dưới bụng. Đặc biệt, con thấy đó, mấy cái vi nằm dưới bụng cá đỏ như son, nhìn thiệt đẹp! “Đỏ thì son đỏ, mực thì đen…” Câu thơ của Trạng Trình đó.

Cậu tôi lại móc mồi. Tôi nhớ đây là con bạc mày thứ tư, con cuối cùng. Lạy trời với con này, cũng sẽ “ăn” được một con thác lác, nhỏ cũng được, to càng hay. Ông cậu đã buông mồi xuống nước. Phao đã dựng đứng, một con rô nhóc xấn tới đớp thử vào cái phao. Chẳng có mùi mẽ gì nên hắn ngoác cong cái đuôi biến mất. Thỉnh thoảng, cậu tôi lại nhớm chỉ, cho cái mồi dưới kia nhúc nhích, để khêu gợi cá. Lại nhớm… ấy, ấy, chiếc phao đã nháy khẽ, thụt xuống, trồi lên, rồi lại thụt xuống. Và mất dạng, và cậu tôi giật! Có chút kéo co của cả đôi bên. Sau cùng con cá đã lên nằm trong xuồng và quẫy đành đạch. Lật bên này rồi sang bên kia. Con thác lác này, theo con mắt cân đong của tôi thì nó cũng sàn sàn lá trầu lá tiêu so với con đầu tiên.

Cậu tôi ngoặc cái lưỡi câu ra khỏi mép cá. Còn lại hai phần ba thân con bạc này. Ông chưa vội ra về. Có lẽ ông bạn chơi đàn nguyệt đang ngồi nhắm trà có ướp thêm hai bông hoa sói cũng chẳng sốt ruột chờ bạn lắm đâu. Và cậu tôi lại dùng cả chút phế phẩm là mẩu bạc mày còn lại để móc vào lưỡi câu, bỏ xuống sông. Chiếc phao không thấy chìm thẳng đứng một nửa mà lại nằm ngang. Vậy là đã có cá đớp mồi rồi: con cá đang ăn từ tầng nước phía trên.

Lại thêm một thác lác nữa. Em em hai con vừa rồi… Kết quả của buổi câu cá: được ba thác lác, một giếc, ông khách sẽ quá bất ngờ đây. Cậu tôi lái xuồng trở về bến cũ. Càng về trưa mà bọn chim chào mào, sáo đen, cưởng chợ, vành khuyên còn đến ăn sung chín ở những câu sung lão mọc ven sông. Tiếc không đưa ná giàng thun đi theo. Tôi có thể hạ ngay ít ra một vài tên vành khuyên, và sẽ cộng vào thành tích sáng nay.

Xuồng cặp bến. Tôi chưa kịp kêu toáng An ơi thì nó đang trên đường xuống bến. Thấy cái cười vui vui của cậu tôi, cộng thêm sự xoắn xít thái quá của tôi, thằng An đã hiểu ngay: kết quả chắc là tuyệt cú! Cậu tôi kéo chiếc xuồng lên trên bến. Thằng An đã lấy vợt trong xuồng ra, bắt cá vào. Đủ cả bốn con còn đang vẫy vùng.

An vội chạy lên chỗ ông khách đang nằm coi sách. Ông khách ngồi lên:

– Ôi ôi trời ơi là trời! Cá mô mà lắm lắm vậy? Lại cả thêm anh giếc đỏ vi nữa. Đúng là vị thầy giáo có tay sát ngư…

CHƯƠNG 3 – KHI PHAO ĐI NGANG

Thằng Ấn và tôi hai đứa đã bàn nhau rất kỹ chuyện này từ trước lúc nghỉ hè một tháng. Cần câu không phải chỉ có một mà mỗi đứa hai cần. Và toàn bằng những cây “hóp lụi”, vừa đặc ruột, vừa ngắn đốt, các đoạn mắt đều nổi nhớ thành gờ tròn, chỉ bào sơ sịa bằng dao cùn từ khoảng nửa phần trên cần là đủ xinh. Lưỡi câu là thứ lưỡi câu Tây. Có đứa bảo đó là lưỡi câu Nhật, bọn tôi chẳng biết mô tê gì thôi thì cũng cứ nói vuốt đuôi rằng à đúng, đúng, vì nó có hơi cong vênh tí xíu ở đằng cuối lưỡi, giật cá cái bóc là trăm phần trăm.

Bọn tôi nghỉ hè ngay trước cả tiếng trống bãi trường vào lúc năm giờ chiều. Ra khỏi cổng là hai đứa bắt đầu cắm cổ chạy thục mạng giống như hai thằng kẻ cướp vừa giật được của ai món gì đó. Nhà Ấn ở cách nhà tôi 136 bước chân của nó, nhưng tôi cho rằng nó nói ba xạo, vì tôi đã đếm kỹ: đúng chỉ có 128 bước chân tôi thôi. Chuyện này vẫn chưa ngã ngũ trắng đen. Khi đến cổng nhà nó, Ấn dừng lại:

– Đúng sáng mai nha?

– Ừ. Sáng mai. Sáu rưỡi. Mày nhớ đem theo cái gáo dừa.

Nó hỏi kỹ:

– Để đào trùn nước bỏ vào hả?

– … Ừ…

Lúc này nó đã khuất lưng sau cánh cổng rồi.

Buổi sáng, mới vào khoảng hơn sáu giờ, chim chích choè còn líu lường xí xoọng trên ngọn tre cao đã có người gọi cổng. Tôi nhảy xuống giường chạy ra vì biết tiếng gõ là của Ấn. Cứ thế này: “Cọc cọc cọc”, chừng hai tích tắc, “cộp!”. Có thể nó gõ bằng cục gạch nhặt đâu đó, thiếu gì! Có thể nó gõ bằng cái gáo dừa khô, vỏ dày như ngói, nhưng bao giờ cũng một điệu cọc cọc cọc, chừng hai tích tắc, cộp… Má tôi thường ngày đã có nhận xét:

– Thằng này (tức thằng Ấn), cái gì cũng được hết. Nhưng đập cửa ầm ầm là tao không ưa. Chắc nó nện bằng chày giã gạo quá!

Mở cổng xong tôi bảo:

– Mày chờ tao ở đây chút. Trong nhà đang ngủ. Tao chạy vào rửa qua mặt, lấy cần câu là ra ngay…

Hai đứa lên đường. Mỗi đứa đem theo hai cần để phòng khi cá ăn câu, giật lên không khéo đứt chỉ, mất lưỡi câu… là có cần khác ngay. Một chiếc trang làm bằng mảnh guốc lép có cán bằng cây sào nhỏ, dùng để quậy bùn cho cá đánh hơi, sẽ đến tìm mồi. Mỗi đứa có giỏ đựng cá riêng. Con mồi thì dùng chung, thừa thãi. Địa điểm câu đã có cả con hói rộng, dài hàng chục cây số hoặc dài hơn nữa. Con hói chạy dọc qua bao nhiêu đồng ruộng phì nhiêu trước khi giáp mạt con sông có cả thuyền buồm lướt đi chẳng ai biết đi đâu về đâu. Trên bờ hói có tí đường hẹp, mùa mưa bước không quen dễ thụt chân xuống ruộng như chơi, nhưng mùa nắng đi thoải mái cả lúc ban đêm. Bọn tôi đặt xuống mấy thứ mang theo: cần câu, giỏ, cái trang, gáo dừa, lon không, và cái túi gì đó của thằng Ấn mang theo.

Tôi quen cách đào trùn nước nên tự lãnh phần này. Thằng Ấn đứng nhìn học cách. Từ trên đường men theo ruộng bùn, tôi đã trông thấy bao nhiêu chấm lổ đổ phô ra trên mặt ruộng nhão nhoẹt. Nhất định ở dưới có cơ man loại trùn nước ở. Con trùn nước thân dài ngoằng, mình vuông, mềm như sợi bún nên rất dễ đứt. Muốn bắt được nó, đôi bàn tay ta phải xắn vụp xuống lớp bùn nhão. Xắn sâu rồi lật ngược khối bùn láng ánh lên ngay. Có từng đoạn thân trùn đang cùng nhau rút khỏi ánh sáng: tay ta không lẹ đối phó là đứt ngay cả đoạn thân trùn.

Trùn nước là loại tạp ăn, dù thức ăn chỉ toàn bùn khắm, nên chóng lớn. Biết vậy. tôi không bắt từng con bằng hai ngón mà chỉ bụm chúng vào lòng bàn tay. Phải thật khéo tách ra từng mảng bùn đặc như bánh canh: đây, trùn, đây, bùn, đây, trùn, đây, bùn. Tôi không nhìn thằng Ấn nhưng biết tỏng nó đang coi tôi như cả ông trời bao la. Chỉ không quá mươi phút, đã đào được một mớ trùn nước nếu đem cho gà thì hai con mái ăn nứt diều mới quyệt mỏ qua về rồi đi vì quá ngấy. Nghĩa là lượng mồi dùng câu được tới đôi ba hôm. Tôi đưa lên cho thằng Ấn tất, chỉ lấy một ít cho vào chiếc lon cùng với ít bùn để trùn ở. Tạm chia mồi ra như vậy, vì địa điểm câu có thể ở cách xa nhau.

Bắt đầu. Tôi lấy chiếc trang sục mạnh xuống lòng hói, khoắng tung lớp bùn, đẩy ngang, dọc, qua, về, lên, xuống, rồi quậy cả mặt nước cho thành tiếng lũm bũm… để kêu gọi lũ cá trê. Thằng Ấn đã chuẩn bị xong mồi cả hai cần của nó. Tôi bảo:

– Tao xuống đoạn hói dưới kìa. Mày bắt đầu đi! Đặt hai cần cách xa nhau ra để lúc cá ăn, giật khỏi vướng chỉ…

Tôi xuống một khoảng dưới kia, cũng quậy trang giống như vừa rồi. Tra mồi vào lưỡi câu cũng không dễ đâu. Ấn con trùn nước cho nó ôm trọn lưỡi câu, lại phải nương tay sao cho cả phần thân lòng thòng còn lại không đứt ngang. Để cá lầm đây là con trùn nước thật, chứ chẳng có ai đánh bẫy mình cả. Rồi ước lượng cả mặt nước sâu nông của con hói, đẩy phao làm sao cho con trùn xuống nằm tận mặt bùn và chiếc phao nằm ngang trên mặt nước…và chờ. “Chẳng có gì phải sốt ruột khi chờ cá ăn mồi…” Ông cậu tôi là tay nghề câu cá thường nhắc như vậy.

Tiếng thằng Ấn vọng xuống:

– Mày nghe gì không?

Tôi bảo lên:

– Nghe quá chứ. Nói đi!

– Không phải nghe tiếng tao nói. Chim chiền chiện kia!

Tôi hỏi đâu đâu, chiền chiện đâu? Rồi im ngay. Vì cái phao đang động đậy. Phao đang động đậy thì trời sập hay pháo bầy đang nã bên hông cũng dẹp, chẳng ai thèm chú ý. Đấy… Đang… Chờ tí ti… Trống ngực đập loạn xạ và rất muốn đi giải.

Và giật ngược cần đúng ngay khi phao đang bị kéo đi ngang. Một tên trê bự vàng khè còn mắc ở cuối sợi chỉ câu đang kêu oọc ẹc oọc ẹc. Mùa hè vừa mới bắt đầu mà bọn tôi đã gặp hên tức khắc. Nắm con trê để tách nó ra khỏi lưỡi câu nếu không quen là rất dễ bị ngạnh nó chích cho (giống như mảnh chai cứa): sẽ vừa nhức buốt, vừa túa máu đỏ tay.

Tôi đã cho cá vào giỏ, buộc giỏ vào một thân cỏ lùm ngâm xuống nước để cá sống. Và nhìn lên phía thằng Ấn thì thấy nó cũng đang giựt được một con trê. Tôi gọi nó, hoan hô nó bằng một câu giỏi, giỏi, cố lên, vừa rồi mày nói cái gì chiền chiện?

Nó trả lời:

– Mày không nghe chim chiền chiện đang hót ríu rít trên đầu mình sao?

Cái phao của chiếc cần thứ hai của tôi bỗng nhúc nhích. Thụt xuống một nửa phao rồi thả nổi lên lại. Phao động đậy thêm tí tẹo tôi ngờ nghệch nhích đi, thận trọng như người mù. Và nó đi ngang. Giật! Ủa! Không phải một tên trê mà là tên giếc… à không, đây là tên gáy. Đúng, con gáy: thân dày, vảy to, có hai râu trắng xuôi theo ven miệng cá, và màu lưng đen xanh. Cá gáy thường rất cảnh giác nên khó câu được, con này chắc ngứa mép sao đó, đã đớp một con trùn nước có cài chiếc lưỡi câu trong bụng nên bị oan trái đây thôi.

Rõ ràng đang có tiếng chim chiền chiện réo rắt trên cao. Hình như chim càng chập chờn trên cao, tiếng càng nghe rõ, thanh thoát, trong veo hơn nhiều. Vừa nghe chim hót, tôi vẫn không rời chú ý tới hai chiếc phao chưa thấy có gì thay đổi thái độ. Tôi nhìn lên chỗ thằng Ấn. Nó đang làm gì loay hoay như kiểu đang tra một con mồi sau khi giật được cá. Tôi hỏi:

– Vừa được thêm đứa nữa hả? Vẫn trê chứ?

Tôi đoán nó đang cười. Tiếng nó:

– Đứa nữa. Trê. Vàng như củ nghệ. Trơn như lươn. Chích tao một mũi đau như ong vò vẽ đốt đây…

Cái phao của cần câu thứ nhất của tôi lại lúm nhúm. Lại thụt xuống. Tưởng nó sẽ có mặt trở lại nhưng đã mất tăm mãi mãi. Tôi giật! Một con trê màu nâu phớt vàng tung lên một đoạn theo sợi chỉ câu loằng ngoằng rồi bỗng nó tách biệt. Cá rơi xuống mặt nước, chắc có cả tiếng tũm. Mình vốn trơn tuột của loài cá đã giúp nó biến nhanh như ông Bụt sau khi dạy cho Tấm học thuộc lòng bài bống bống bang bang. Tôi bắt chước ông cậu tôi nói triết lý mỗi lần giật tuột cá:

– “Chẳng lẽ hên mãi sao?”

Xong rồi, cầm nhẹ cần câu lên, cả hai cần, đặt vào chỗ ruộng khô. Lấy chiếc trang quậy bùn lần nữa. Khoắng, đẩy, ấn, tống cả vũng nước đặc ngầu bùn, một loại bùn thường hay có mùi vị lập lờ khong thối không thơm, chỉ hơi tanh. Bùn làm nổi lên từng khối bong bóng mẹ bong bóng con lục ục lúm úm cho đến lúc từng bong bóng một bị vỡ kêu ụp là xong đời. Lại bỏ mồi xuống. Lại chờ.

Thằng Ấn lại giật câu. Lại một trê. Thằng này suốt cả mùa hè chắc còn hên nhiều nữa. Tôi khen nó, gần như hét lên:

– Mày tài như ông Khương Tử Nha nghe!

Hắn cười, không nói gì. Nghĩa là rất đồng ý với tôi rằng: hắn đang là ông Khương Tử Nha…mặc dù cả cặp chúng tôi vẫn cứ ù ù cạc cạc về ông có họ Khương này là ông nào, Tây, Tàu, Ấn Độ, hay ta?

Cái phao của cần câu thứ nhì lại hơi nhấp nhổm. Không cần có nhúc nhích nhiều hay ít, đã bắt đầu có động đậy là phao sẽ rung rinh: ban đầu chỉ thoang thoảng, rồi dáng điệu nhặt hơn, rồi gấp rút thêm, rồi thụt, buông, và bắt đầu phao xê đi một lối dung dăng dung dẻ.

Tôi giật… Lại một thằng trê mầu da lươn. Lại kêu lên những tiếng oọc ẹc oọc ẹc vui tai. Tôi chẳng cần quảng cáo ồn ả với thằng Ấn làm gì. Nó đang ngồi mắc mồi vào lưỡi câu. Có lẽ hắn ta vừa tóm được thêm đứa nữa. Cũng có thể hắn giật hụt, cá biến và mất luôn mồi.

Hai đứa ham vui quên cả nắng đã lên cao, mồ hôi túa đầy mặt, cổ, hai vai, hai tay. Kiểu nắng gắt này là ở vào khoảng xê qua xích lại đã mười giờ sáng đây. Bọn cá càng về sau, càng ít nhấm nháp món trùn nước hấp dẫn.

Thằng Ấn đang đứng gồng mình, bẻ người bên này, bên kia cho xương sống kêu rắc, nghe cho sướng tai. Như vậy là nó cũng thấy: nếu dọn dẹp các đồ nghề lăng nhăng kia để ra về thì cũng được rồi. Nhất là mỗi đứa cũng đã thu hoạch được mở mớ cá không ít. Thỉnh thoảng tôi cũng giống nó, giả vờ quên mất con số cá, con số lần giật, con số lượt tiếng nghe oọc ẹc oọc ẹc của bọn trê mà chỉ nhớm thứ nặng nhẹ cái giỏ cá, cân đông bằng tay nhom nhớm cho khoái. Thằng Ấn hỏi to:

– Về chưa? Mày được tổ đãi nhiều ít?

Tôi bảo vọng lên:

– Cũng em em mày đó…

Thật ra cũng không phải khen nịnh hắn mà chỉ nhận xét nó câu giỏi hơn tôi. Ngay sáng nay, thỉnh thoảng tôi nhìn lên lại thấy nó đang giật. Hình như không bị tuột cá lần nào. Đó là cái giỏi riêng của nó. Giật sao cho cá không tuột mất để cần câu trở thành hẫng hụt, thì mới tài nghệ.

Tôi chuẩn bị ra về, trước tiên là coi lại giỏ cá. Đâu có nhẹ tay? Cá trê không nhảy, không tung, chỉ luồn để lách. Và co nào cũng cứ thích rúc đầu xuống phía dưới bụng những con khác, giống như bọn gà chọi hay chui vào cánh đối phương, tìm thế đá móc vào họng con kia. Mặc dù khó đếm nhưng đôi mắt chúng ta rất cừ: nhìn tách ra từng lưng và từng đầu tre lúc nhúc (con gáy thì vụng về hơn, lại to bề ngang, dễ phân biệt), tôi cộng trừ được ngay: bốn trê, ba bự, hai hơi sút kém, và một gáy, nhớ là đã giật cong ngọn cần. Đến bên thằng Ấn… tôi cầm giỏ nó lên xem. Quả thật nó đã hơn tôi về số lượng cá. Đang đếm nhẩm xem thì nó bảo:

– Sáu chú! Chút nữa là bảy. Tao để tuột một con, vì giật hơi sớm…

Nó cầm giỏ của tôi lên, gật đầu:

– Cũng khá! Lại thêm con gáy, Kho rim tương ăn với đưa cải trường thì thủng nồi nghe!

Hai đứa bước về, đi trong tiếng chim chiền chiện líu ríu trên trời.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button