Văn học trong nước

Mắc Duyên Bút Mực

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nông Hồng Diệu

Download sách Mắc Duyên Bút Mực ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI TỰA

Viết chân dung các nhà văn, các nhà họa sĩ trên báo chí xưa nay đã có nhiều người làm, đã có nhiều thành công và cũng khá nhiều thất bại. Thành công thì được người ta đọc tái đọc hồi, còn thất bại thì ngay sau khi báo ra, người ta đọc xong rồi vứt bỏ. 10 năm viết báo, kiên nhẫn mục chân dung nhân vật của một người viết trẻ là Nông Hồng Diệu do tác giả tự tập hợp, lựa chọn “phần còn lại” của mình với một ý thức nghiêm ngặt và cẩn trọng, không quá cầu toàn nhưng rất chỉn chu và khách quan. Chỉn chu thì dễ hiểu, nhưng khách quan thì cũng cần phải khách quan bàn thêm, vì khi viết, tác giả luôn luôn viết với tâm thế cảm tình cá nhân nhiều hơn, cách đánh giá theo cách nhìn nhận cá nhân đôi khi thiên lệch và “chủ quan”. Với tôi thì tôi thấy đây là cách đánh giá thiên lệch rất đáng yêu, rất đáng trân trọng, vì nếu trong các chân dung viết như ký họa của Nông Hồng Diệu mà thiếu yếu tố thiên lệch cá nhân thì thiếu hẳn luôn cả cá tính sắc thái riêng của nhân vật, bởi điểm xuất phát của các bài viết là những cảm xúc rất riêng biệt, rất cá nhân, nó chân thành và hơn thế, nó được nâng niu, trân trọng, không ve vuốt lấy lòng.

Nhà điêu khắc tài ba không có tuổi, rất dễ thương và cũng rất dễ “bị” hay “được” hiểu lầm Lê Công Thành có lần nói với tôi, cô Diệu là một trong số rất ít cây viết chân dung được ông mời viết thêm, kể thêm, giảng giải thêm vì ông nhận thấy từ những con chữ của cô ta có sắc màu, có mùi vị riêng của một người trẻ mà có lòng trân trọng tài hoa của người khác. Người viết báo, lại là viết báo theo “mục” thường làm lấy được cho có bài, đạt chỉ tiêu. Còn đây, cô ta viết như đánh vật, không phải chỉ đánh vật với từng con chữ mà còn phải “đánh vật” với nhân vật, qua từng chi tiết, từng tình tiết. Khi bắt tay vào viết các nhân vật, Nông Hồng Diệu tìm hiểu nhân vật của mình qua sách báo, qua bạn bè trong giới, qua mạng internet, qua các nguồn nào quanh nhân vật mà cô có được, làm quen, quen thân rồi mới viết. Có dăm ba nhân vật viết xong thành người thân thiết như trong gia đình. Lại có người tìm hiểu mãi, tiếp xúc mãi vẫn không thành thân được, mặc dù cô cũng biết, họ rất tài năng, rất tử tế, nhưng có lẽ với mình là không có duyên. Viết chân dung các nhân vật nổi tiếng như nhà văn, nhà nghệ sĩ, cái duyên là cái hàng đầu.

Mỗi tờ báo đều có vài phóng viên chủ chốt cho mỗi mảng đời sống xã hội. Mảng văn nghệ bao giờ cũng được coi là mảng tươi vui, cờ đèn kèn trống. Cũng có ông Tổng biên tập yêu văn nghệ, thích văn nghệ thì phóng viên mảng này được coi trọng, lại có ông Tổng coi mảng văn nghệ là phức tạp, vậy thì các phóng viên mảng này lép vế. Nông Hồng Diệu may mắn được làm phóng viên mảng văn nghệ giải trí của Tiền Phong Chủ Nhật, một tờ báo lớn, có truyền thống được Ban biên tập chăm chút, trong đó cô là một trong những cây bút viết chân dung có giọng điệu riêng, có sắc thái riêng, có cá tính riêng, không phải nhà văn nào, phóng viên nào cũng viết được. Một công việc khó, ít người viết hay, viết không bị trùng lặp, không bị na ná, không bị tẻ nhạt, khi tập hợp thành “quyển” cho ta được một bức chân dung đời sống đương đại thú vị. Có thể nói hầu hết các chân dung được viết trong cuốn sách này đa phần tôi đã có dịp được tiếp xúc, vì vậy đọc nó thấy phục tài quan sát của tác giả, cô biết khai thác những đặc điểm riêng, cá tính riêng mà chỉ họ mới có. Có người ngoài đời sống rất nhạt, động đến họ, tôi nghĩ, viết rất khó, rất dễ bị lây bệnh nhạt. Nhưng đọc Nông Hồng Diệu, chúng ta được tiếp cận một vẻ đẹp mới, một ánh nhìn mới, một điều thú vị mới, sinh động hơn, nghệ sĩ hơn mà trước đó chúng ta cũng có thấy nhưng không gọi ra thành tên được.

Cuốn sách này mới là khởi đầu, được cô chọn lọc từ hàng trăm bài viết của mình, biết rằng trong quá trình nâng lên đặt xuống Nông Hồng Diệu phải khó khăn lắm mới chọn xong. Chọn xong rồi lại muốn thêm muốn bớt, chúng tôi đã kích thích cô bằng câu bất hủ của Dostoievsky rằng, đây mới là phần mở đầu cho một con đường rất dài mà bạn và chúng tôi mới chỉ đi được có một nửa… bước chân.

ĐỌC THỬ

NHÀ THƠ BẢO SINH

Cực lãng mạn, cực thực dụng

“Làm thơ, nuôi chó, chọi gà/ Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ/ Suốt ngày nửa tỉnh, nửa mơ/ Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa… gà”. “Đẻ” ra những câu thơ kiểu này chỉ có Bảo Sinh, nhà thơ dân gian kiêm chủ hotel chó, mèo, gà chọi nức tiếng bấy lâu. Ông “tự sướng” thơ mình trong tiếng chó sủa ầm ĩ và phác họa chân dung: “Tôi cực kỳ lãng mạn nhưng cực kỳ thực dụng đấy nhé”.

Nếu ai đã kết những quan niệm thơ bất hủ của những bậc tiền nhân lẫy lừng: “Thơ phát khởi từ trong lòng người ta” (Lê Quí Đôn) hay “Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần” (Ngô Thì Nhậm) v.v… hẳn sẽ đỏ mặt tức giận khi gã Bảo Sinh tưng tửng tuyên bố: “Dại gái, dại lợi, dại danh/ Đủ ba thứ ấy là thành nhà thơ”.Nhưng ngẫm nghĩ thấy gã nói cũng có lí phần nào. Cứ theo định nghĩa ấy, Bảo Sinh sở hữu một phần “phẩm chất” nhà thơ, như gã tự thú: “Tôi là thằng hiếu sắc”. Gã khoe: “Tôi có hai đời vợ. Cô đầu tiên vào dạng hoa khôi, cô thứ hai cũng vào loại xinh xắn nhất dòng họ. Nhưng mà này, lấy vợ đẹp không sướng, rước họa vào thân đấy”. “Biết rước họa vào thân mà vẫn lấy, là sao?”, tôi hỏi. Thay cho lời đáp Bảo Sinh khoái chí tuôn thơ: “Hồng nhan, bạc mệnh, đa truân/ Sao ai cũng muốn mỹ nhân ở mình/ Ngu si được hưởng thái bình/ Chẳng ai lại muốn để mình ngu si”. Lúc này tôi lại nhớ đến câu thơ gã treo ngay ngoài cửa: “Buông thõng hai tay đi vào chợ/ Họa phúc mua đều, có hóa không”.Bên cạnh loại thơ vui, tếu táo, Bảo Sinh còn là tác giả những câu thơ có màu sắc triết lí. Nói thơ gã dính dáng triết lí, thi sĩ dân phong hào hứng hẳn, bật mí: “Tôi nghiên cứu về thiền dân gian. Có viết một cuốn sách ngàn trang nhưng cô chưa đủ cơ duyên, nên tôi chưa cho xem được”. Ông bảo một số câu thơ của ông chỉ tráng men vui vẻ còn chất không hề tầm thường, được phát khởi từ “Đạo học”: “Mình ngu nhiều kẻ ngu hơn/ Cho nên được gọi là khôn hơn người/ Em xinh đâu phải nụ cười/ Em xinh là bởi nhiều người xấu hơn”. “Bản thân mỗi người đều là con số không. Chúng ta tồn tại nhờ có liên hệ với xung quanh”, Bảo Sinh lí giải.

 

Hiện nay, gia tài thơ phú của chủ khách sạn chó, mèo đã lên tới ba ngàn bài. Với tình trạng sức khỏe sung mãn của Bảo Sinh thì “gia tài” sẽ còn sinh sôi nảy nở không ngừng. Gã vô cùng tâm đắc với dòng thơ thiền và khấp khởi hy vọng, người đời sau sẽ nhớ đôi câu thơ thiền của ông. Giá như Mãn Giác Thiền Sư đừng tặng đời một nhành mai vào độ xuân tàn thì cơ hội của Bảo Sinh sẽ thênh thang hơn chăng? Riêng tôi nghĩ, “tạng” của Bảo Sinh hợp hơn cả với những dòng thơ vui, dòng thơ kéo ông gần quần chúng, được quần chúng yêu thương. Về mảng thơ này ông tự tin: “Ai chẳng thuộc thơ của tôi, không nhiều thì ít”. Chẳng phải tự tin thái quá. Những câu kiểu như“Ra đường sợ nhất công nông/ Về nhà sợ nhất vợ không nói gì” được dân gian truyền miệng nhanh như chớp, thậm chí chúng còn được “tam sao thất bản” trở nên tục hơn để thỏa mãn tiếng cười.

 

“Ông có sướng không khi được gọi là nhà thơ?”, tôi nửa đùa nửa thật hỏi gã. Bảo Sinh lắc đầu: “Người ta gọi gì thì gọi, thế nào chẳng được”. Thế nên Đặng Thân đặt cho gã biệt danh “Khuyển điếm thiền sư”, gã cũng hớn hở nhận. Lại cười vui vẻ khi bị bạn văn chọc: “Nguyễn Bảo Sinh đứng trên quả địa cầu sủa gâu gâu”. Có khối người nghiêm túc đã mắng tả tơi kiểu thơ của chủ vương quốc chó, mèo, nào là thơ tục tĩu, thơ nhếch nhác, hèn hạ, bẩn thỉu… làm ô uế văn chương. Nhằm mặt Bảo Sinh mắng, ông không giận mà còn kích thích hưng phấn: “Đã là đời sống, phải có khen, có chê. Tôi không thích người ta khen tôi tốt, khi nào họ tuyền khen tôi tốt, nghĩa là tôi sắp chết. Hay nhất là người ta vừa khen tôi tốt, lại vừa chê tôi xấu. Tôi chẳng thích làm thơ cho một đối tượng”. Ông tự hào ngầm khi thơ mình không chỉ được lòng quần chúng bình dân mà còn lọt vào trang web của một nhà sư danh tiếng và từng được Ngô Bảo Châu “mượn” để giãi bày tâm sự khi nhận nhà của nhà nước tặng: “Khi mê tiền chỉ là tiền/ Nhận rồi mới biết trong tiền có tâm”. Rất nhiều người đã liên tưởng thơ vui của Bảo Sinh với “thương hiệu” Bút Tre. Tuy đều gây cười nhưng tiếng cười từ thơ Bảo Sinh, tưởng hồn nhiên, bỗ bã song lại giàu tính thế sự, được chưng cất từ chiêm nghiệm nên nguồn mạch sáng tác của ông dồi dào theo tuổi tác. Chẳng ai nghĩ một ông già “thất thập cổ lai hy” còn chọc ngoáy thói bồ bịch dí dỏm thế này:“Vợ là cửa cái nhà ta/ Lại là cửa sổ thằng cha láng giềng/ Càng nhiều cửa sổ càng sang/ Cửa cái anh vẫn đàng hoàng vào ra”. Đừng nghĩ tác giả của mấy câu thơ “hư” ham chuyện gái trai nên mới có kinh nghiệm. Hỏi: “Bà vợ xinh đẹp của ông đâu?”, ông lại đáp bằng thơ: “Tôi lấy vợ cũng nghiệp dư mà. Độc thân không vợ đã buồn. Độc thân có vợ lại càng buồn hơn. Vợ con tôi đàng hoàng, tử tế nhưng số tôi chỉ thích sống một mình. Thỉnh thoảng bà ấy cũng đến thăm nhưng ở khu riêng”.

 

Bảo Sinh là dạng kỳ trong sinh hoạt: Ngủ ít, ăn ít. Cả ngày chỉ ăn một bữa (bữa trưa): “Cứ sống như tôi, nhiều thời gian làm việc lắm. Buổi sáng tôi chỉ đạo vương quốc chó, mèo… Khoảng ba rưỡi chiều tôi khăn gói quả mướp ra đi, đến mười giờ đêm trở về”. Chiều nào hầu như Bảo Sinh cũng hò hẹn Nguyễn Huy Thiệp, đàm đạo vài tiếng: “Mấy chục năm nay vẫn thế. Cùng xơi món văn chương lại gặp nhau liên tiếp, ấy thế mà không đánh nhau, kể cũng lạ”. Đi với một tên tuổi to đùng của làng văn nhưng Bảo Sinh không ngại: “Cái hạnh phúc của người làm thơ, làm văn là được chia sẻ, riêng về điều này tôi thắng Nguyễn Huy Thiệp rồi”, ông biện hộ cho mình. Phải nói nhân dân cũng ưu ái gã, con ngõ dẫn vào nhà gã đã mang tên Bảo Sinh chẳng biết từ lúc nào.

 

Yêu thơ nhưng Bảo Sinh không chọn thơ làm nghiệp. Ông bám lấy lí do: “Lập thân tối hạ thị văn chương”. Chưa thấy nhà thơ, nhà văn nào lại nói toạc như gã: “Con người tôi có hai nửa. Nửa lãng mạn của văn chương và nửa thực dụng của kinh doanh mưu trí. Khi nuôi chó tôi phải tính từng lạng gạo, từng miếng thịt. Còn chọi gà thực tế là một trò cờ bạc, đòi hỏi người chơi phải cực kỳ mưu mẹo”. Bắt đầu lập trại nuôi chó từ năm 1969, trải qua mấy chục năm thành vương quốc chó, mèo, gà chọi. Ông chỉ cho tôi mấy nốt sẹo trên mặt: “Tôi bị chó cắn hồi nhỏ đấy”. Thiên hạ vẫn thường mắng nhau: “Đồ mày có chó nó nuôi”. Thế mà Bảo Sinh được chó nuôi thật, “vương quốc” của ông rộng chừng ba ngàn mét vuông. Trong thời buổi đất đai ở thủ đô vào hạng “đắt nhất hành tinh” mà sở hữu diện tích rộng lớn như Bảo Sinh, thật đáng mặt “đại gia”. “Đất đai, nhà cửa, con cái ăn học đàng hoàng đều nhờ… chó”, ông cảm kích. Bây giờ chó của Bảo Sinh được ở điều hòa, được đi thang máy, được mai táng khi chết… cũng đáng. Gần đây ông nghiền ngẫm và cho ra đời “Á kinh”: “Á kinh, gần với kinh nhưng không phải kinh (tôi không dám hỗn). Thứ này tôi dành riêng cho chó, mèo khi chúng ra đi”. Chỉ dăm phút cầu siêu gọi hồn cho súc vật ông đút túi vài triệu đồng. Mỗi tháng ông thu dăm chục đến trăm triệu đồng ngon ơ từ dịch vụ này. Rõ ràng là thực dụng, đánh trúng tâm lí tiếc thương của gia chủ với những con vật yêu, Bảo Sinh đã dễ dàng “móc túi” họ. Ngay cả thơ ca, cũng là một hình thức marketing cho “vương quốc” của gã. Khắp “vương quốc” giăng thơ Bảo Sinh, danh thiếp của gã cũng được thiết kế kiểu “lừa đảo”, thành cuốn thơ nho nhỏ, xem hết thơ người ta sẽ phải đọc một loạt quảng cáo về dịch vụ dành cho chó mèo. “Tôi thắng các đối thủ kinh doanh khác là nhờ thơ”, gã tiết lộ. Riêng khoản dùng ngòi bút để kiếm tiền, gã dám thách thức Nguyễn Huy Thiệp: “Tôi hay đùa Nguyễn Huy Thiệp, tác phẩm của cả cuộc đời ông bán cho nhà xuất bản được bao nhiêu?”. Dù được trả giá cao nhưng số tiền nhà văn nổi tiếng nhận được từ việc bán những đứa con tinh thần chắc không đủ mua một phần “vương quốc” của Bảo Sinh.

 

Từng lăn qua nhiều nghề: vẽ truyền thần, đứng trên bục giảng, dạy võ, nuôi lợn, bán sách, bán cà phê, sản xuất bánh mỳ… nhưng ông trụ lâu nhất với nghề kinh doanh súc vật. Bảo Sinh tự phong mình là ông tổ của ngành kinh doanh chó cảnh của Việt Nam. Phỏng vấn “ông tổ” chó cảnh cực nhàn, chẳng cần hỏi han, ông cứ tuôn rào rào, đồng thời cũng là tay “chữa cháy” đại tài. Khen rằng: Ông quá trẻ so với tuổi 70. Gã cười: “Ngồi yên thì già nhưng nói chuyện lại trẻ”. Bảo gã nói nhiều, gã cãi bay: “Tôi đâu có nói nhiều, chẳng qua tôi học lời nói của mình đấy chứ”. Chê thơ gã dễ dãi, thiếu hụt tính thẩm mỹ, Bảo Sinh “vặn”: “Đúng là dễ dãi. Nhưng tôi đồ rằng cô cũng thích sự dễ dãi của tôi”. Kiểu này thì thua, quả là tôi có thuộc nhiều thơ gã hơn tôi tưởng: “Vợ là cơm nguội nhà ta/ Lại là phở tái thằng cha láng giềng”…


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button