Văn học trong nước

Lang Thang Như Gió

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Lê Đình Phương

Download sách Lang Thang Như Gió ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI TỰA

Người bệnh cuối ngày, cuốn sách đầu tay của tôi đã ra đời với rất nhiều cơ duyên đặc biệt. Từ những ghi chép vụn vặt trong nhiều năm, những bạn bè tôi đã biến nó thành một cuốn sách xinh xắn, đẹp đẽ và vượt quá lòng mong đợi của tôi – một người viết không chuyên nghiệp.

Kể từ một chiều mưa tầm tã của tháng 11.2009, khi bồi hồi cầm trên tay những bản in đầu tiên của Người bệnh cuối ngày , tôi đã trở thành người giàu có tình bạn. Tôi đã có thêm biết bao nhiêu bạn bè từ khắp các vùng miền của đất nước, thậm chí cả bên bờ đại dương, ở những vùng đất chưa bao giờ đặt chân đến. Họ mua sách, họ đọc tôi, họ khen chê, mắng mỏ bằng cả tấm thâm tình và cả cái lòng tri ngộ. Tận đáy lòng, tôi hiểu những bạn đọc đó đã đọc Người bệnh cuối ngày với lòng khoan thứ và miễn chấp cho một người, mà những trang viết của hắn thì non nớt và vụng về biết mấy!

Độc giả đã mở lòng ra để đón nhận tôi theo cách thức thân tình nhất mà một người viết có thể hình dung được.

Tôi cũng hiểu một điều khác nữa: trong thời đại Internet, những gì ta viết, chỉ sau một cú click chuột sẽ đi thẳng vào không gian số và tồn tại mãi mãi. Bia đá có thể mòn, nhưng không gian số thì bất biến và vô thủy, vô chung… Điều được tung hô bởi đám đông hôm nay, hoàn toàn có thể lại là chuyện tào lao, nhạt nhẽo trong tương lai hay quá khứ.

Biết thế, để hiểu viết lách là mang nghiệp vào thân!

Biết thế, nhưng nhiều khi lòng không cưỡng được, vẫn phải âm thầm viết, lặng lẽ viết về những nung nấu trong lòng, những điều không thể không viết. Mà đã 4 năm kể từ ngày Người bệnh cuối ngày lên khuôn, tôi cũng già đi theo năm tháng, những trang viết hiện hình trên máy tính ngày càng nặng trĩu, khó nhọc. Đến nỗi vừa vì e ngại, vừa do lười nhác, tôi đã khước từ ý định cho ra đời một người anh em khác của Người bệnh cuối ngày . Viết thì vẫn viết, nhưng kế hoạch in sách thì vô định. Và phải tùy duyên!

Cho đến ngày tôi nhận được email từ một độc giả chưa hề gặp mặt. Email đó, chỉ ra một loạt lỗi ấn loát của Người bệnh cuối ngày, có chú thích từng trang kèm theo những hiệu đính chu đáo và vô cùng cẩn trọng. Email đó đã làm tôi hiểu được một điều: Người bệnh cuối ngày đã thuộc về nhiều người đọc nó, yêu quí nó. Và đã làm tôi dứt bỏ được sự lười nhác và mặc cảm cố hữu của sự không chuyên nghiệp, để chuẩn bị bản thảo cho phần hai: Lang thang như gió .

Đã đến lúc phải gởi đến những-người-đọc-tôi những trang viết mới, như một nối tiếp của những điều mà tôi đã bộc lộ mình trước họ trong Người bệnh cuối ngày.

Cũng như người anh em của nó, Lang thang như gió sẽ là những ghi chép tản mạn trong cuộc sống thường nhật của một thầy thuốc Việt Nam. Vui có, buồn có, tĩnh tại có, xê dịch có… Tôi ghi chép lại nghề mình, về bệnh nhân mình, về những nơi chốn đã đi qua. Và cả về những sở thích rất đỗi cá nhân: nhiếp ảnh và âm nhạc.

Khi bạn giở những trang đầu tiên này của Lang thang như gió , tôi biết rằng bạn đã đón nhận nó bằng cả tấm lòng tri kỷ, chắc chắn không phải với sự hâm mộ dành cho một cây bút thời danh nào đó. Từ tận đáy lòng, tôi chân thành cảm tạ sự ưu ái và lòng tri âm của những-người-đọc-tôi. Và xin hãy hàn huyên cùng tác giả qua những trang viết này, như những người bạn.

Cuốn sách này đã không thể ra đời nếu không có sự hỗ trợ chí tình của rất nhiều bạn bè thân quí, những người đã đọc, góp ý và giúp hiệu đính bản thảo, trình bày, ấn loát theo một cách chuyên nghiệp nhất. Với những tình cảm đặc biệt này, cùng với lòng ưu ái của độc giả, tôi biết rằng mình đã là người vô cùng may mắn.

Viết là ngẫu hứng, ra sách thì tùy duyên.

Và nay, duyên mới mở ra…

Sài Gòn, tháng 2.2013

ĐỌC THỬ

LỜI GIỚI THIỆU CỦA TẬP

“ Người bệnh cuối ngày ”

Thời còn cắp sách, chú học trò ngớ ngẩn là tôi xác tín hai điều:

Một – thầy dạy toán là 100% khô như ngói, ngoài những con số toán học không biết gì thêm.

Hai – các vị bác sĩ vừa khô như ngói, vừa 100% không biết hài hước. Ngoài con dao mổ hay cái ống nghe, cũng không biết gì thêm.

Điều ngớ ngẩn thứ nhất bị phá sản ngay khi còn chưa rời ghế cấp 3. Vị thầy toán học đã làm tôi nhớ mãi một khái niệm toán học khó nhớ bằng văn chương. Một đêm đầy sao trên sườn núi thơ mộng của chàng chăn cừu trong một truyện ngắn thơ mộng của Alphonse Daudet chính là khái niệm tập hợp của nhiều phần tử đứng cạnh nhau.

Nhiều năm sau, khi đã vào đời, biết thêm ông vua truyện ngắn của nền văn học Nga Tchekhov là bác sĩ. Nhà văn nữ hiện tượng của thập niên 90 Phan Thị Vàng Anh là bác sĩ huyết học. Thi sĩ Đỗ Nghê chính là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Và người rất đỗi hài hước hóm hỉnh trong những bài viết của lãnh vực “tế nhị-nhạy cảm”, “thắc mắc biết hỏi ai” lẫn ngoài cuộc đời chính là bác sĩ Trần Bồng Sơn (đã qua đời).

Phá sản toàn bộ những suy nghĩ ngớ ngẩn thời đi học thật đáng đời, mà cũng thật sướng đời. Tầm mắt nhờ thế mà không quáng gà!

Bây giờ, gặp thêm một bác sĩ mà học vị ấy tôi hoàn toàn chỉ được biết sau khi đã quen anh qua những bài báo, tạp bút và cái dáng ngồi lặng lẽ chìm hẳn vào âm nhạc trước phím dương cầm. Nghĩa là, tôi quen một nghệ sĩ Lê Đình Phương trước khi biết anh là thầy thuốc. Nhưng đã không còn ngạc nhiên nữa. Thầy thuốc-bác sĩ, không như thế làm sao mà “cận nhân tình”? Nghề y chính là một thứ nhắc nhở “cận nhân tình”. Toa thuốc không chỉ là toa thuốc. Mũi kim tiêm không chỉ là mũi kim tiêm. Cái ống nghe áp vào tim người khác đâu chỉ nghe thuần nhịp đập (nếu chỉ thế thì cái máy sốc tim làm bệnh nhân giật đùng đùng, giãy nảy lên ắt sẽ hay ho hơn ông bác sĩ mất rồi). Không “cận nhân tình”, nghề gì e cũng hỏng.

Vì thế, cuốn sách này, như lời đề tựa của tác giả đã tâm tình đầy đủ mục đích của mình. Tôi chỉ xin làm một điều đơn giản: hãy đọc và chắc chắn tự mỗi người sẽ tìm gặp được những điều rung động cho riêng mình.

Như tôi đã gặp khi đọc nó. Chỉ thế thôi!

Sài Gòn tháng 8.2008

Đỗ Trung Quân

LỜI NÓI ĐẦU CỦA TẬP

“Người bệnh cuối ngày ”

Tuổi trẻ của tôi đã trôi qua trong bốn bức tường gạch men trắng toát của phòng hồi sức. Nơi đó, xanh xao ánh đèn neon! Nơi đó, chỉ có tiếng phì phò của máy giúp thở, tiếng rên rỉ thều thào của bệnh nhân tôi. Nơi đó, cái chết nhiều hơn sự sống. Nơi người ta đã học được một điều từ khi còn rất trẻ: rằng đời người chỉ là một chớp mắt giữa thiên thu!

Nơi chốn hiện tại, chỗ tôi ngồi khám bệnh mỗi ngày, có một khung cửa kính. Qua khung cửa đó, bao nhiêu mây trời đã thoảng lướt qua? Bao nhiêu mưa rào nắng hạ đã đổ bóng qua khung cửa này, tôi cũng chẳng nhớ? Bao nhiêu mặt người đã bước qua khung cửa phòng tôi, đau đớn, rầu rĩ, kêu than, hoan hỉ, hy vọng, sụp đổ…, tôi cũng không đếm được! Chỉ biết đó là cuộc đời đa diện, với biết bao buồn vui của con người đã trôi qua cánh cửa phòng này, theo cách thức mà nghề nghiệp nặng nhọc và kỷ luật đòi hỏi. Như cuộc sống của một thầy thuốc ở mọi thời!

Những mặt người với bao sắc thái “buồn nhiều hơn vui” đó, đã là phù sa trong ký ức tôi, bồi đắp qua nhiều năm tháng. Tôi đã nghe, đã nghiêng lòng xuống trên vô số phận người, theo cách thức mà nghề nghiệp đòi buộc. Nghĩa là chỉ lắng nghe, mà không phán xét. Đến nỗi nhiều khi cũng phải giật mình tự hỏi, tại sao chỉ cần ngồi một chỗ, người ta có thể học, nghe và biết được nhiều đến thế, qua những phận người đã trôi lướt qua một phòng khám bệnh phẳng lặng?

Nhưng cũng có lúc, thoát ra ngoài bốn bức tường phòng khám bệnh, tôi lại có dịp lầm lũi một mình ở những nơi chốn thật xa. Nơi ấy, không có bạn bè, không chút thân quen. Nơi ấy, kẻ bộ hành rảo bước nơi xứ lạ với ba lô, laptop, máy ảnh, không bầu rượu túi thơ với “dăm chú tiểu đồng theo lếch thếch”. Mà cũng lạ thay, ở những nơi chốn lạ lẫm ấy, những điều chất chứa trong lòng lại trào lên, không thể cưỡng lại mà không ngồi vào bàn, bật máy mà gõ thật nhanh… Đó là cách những trang bút ký du lịch của tôi ra đời, theo cách thức kém chuyên nghiệp nhất. Vì tôi đã khá nặng nhọc, vất vả mà viết ra chúng chỉ sau nhiều năm trở về nhà, cho đến khi ký ức đường xa chín tới bật tung ra thành con chữ dưới ngón tay bàn phím. Bút ký của tôi là những hồi ức ghi nhanh, sau nhiều năm tháng nghĩ chậm, rất chậm.

Bài viết đầu tiên của tôi đã thành giấy mực trên báo cũng đã 10 năm có lẻ. Từ dạo ấy, thỉnh thoảng những trang viết của tôi lại hình thành. Có cái chỉ để đọc một mình. Có cái “forward” cho bạn bè chia sẻ. Có cái chỉ là những suy nghĩ mọn, những suy tư trăn trở về bao điều ngổn ngang trước mắt. Người thầy thuốc khi chuyên chú với nghề mình, thì chẳng thể đội đá vá trời mà thay đổi nhật nguyệt càn khôn. Biết thế, nhưng vẫn phải viết, khi lòng thôi thúc…

Chắt lại một lần, lọc lại một lần để có cuốn sách bạn đang cầm trên tay. Mười năm đã qua, tôi mừng khi đọc lại những trang viết của mình, thấy lòng vẫn đầy ắp cảm xúc như khi viết chúng. Tôi sẽ hân hoan biết bao, nếu người đọc tôi, cùng chia sẻ cảm xúc ấy, hơn là khen tặng tôi, như một thầy thuốc với dăm “bài văn tốt, câu thơ hay”. Được cái tình tri ngộ như thế, cũng đáng công tôi liều lĩnh để in cuốn sách này, với bao nhiêu giúp đỡ của bạn bè thân hữu mà muôn vạn lời cảm tạ vẫn là điều thiếu sót.

Sài Gòn, tháng 7.2009

Bác sĩ Lê Đình Phương

VIẾT CHO BẠN TÔI

Người hiền viết văn hiền. Bạn tôi là người hiền. Nếu không hiền như thế, anh đã không trở thành bạn tôi. Chúng tôi đọc nhau trước khi kết bạn, và bởi lẽ ấy, tình thân ái được xây nên bằng chữ nghĩa, bằng lời. Khởi thủy, là Lời.

Những gì Lê Đình Phương viết trong tập sách này, là những câu chuyện đã được anh kể trực tiếp cho tôi từ khi thành bạn, một tình bạn nhẹ nhàng êm đềm mà cả hai đều biết cách nuôi dưỡng bằng lòng trắc ẩn, cảm thông và tình yêu chung dành cho Saigon, Saigon của chúng tôi.

Chúng tôi thuộc về một thế hệ đã đủ đổ vỡ, mất mát để biết yêu quý và gìn giữ những điều nhỏ nhoi trong tầm tay mình: như ký ức Saigon, như tình bạn, như nhiếp ảnh, như âm nhạc, như rượu.

Như lịch sử, như địa linh nhân kiệt. Bạn tôi nhớ hết, bởi vì không được phép quên. Quên một chút gì cũng đáng thẹn: chúng tôi thuộc về thế hệ được làm ra bởi quá khứ.

Bạn tôi là thầy thuốc. Một thầy thuốc hiền. Anh chơi dương cầm và hết sức ngưỡng mộ Chopin. Riêng chi tiết ấy đã nói lên rất nhiều. Những người yêu Chopin thuộc tạng mong muốn một đời sống tinh sạch và đau đáu niềm tin về một quả tim chữa lành thế giới. Ôi tâm hồn mong manh, ôi tâm hồn hiền lành! Bao giờ thì thế giới được chữa lành đây?

Tôi đọc bản thảo của Lê Đình Phương, đọc những lời giản dị của anh khi Saigon của chúng tôi bước vào một mùa mưa mới và những giọt đàn Arthur Rubinstein thơm ngát đang tỏa vào không gian tinh sạch bản luân vũ Chopin Op. 69 No.2.

Sài Gòn, tháng 5.2013

Nhạc sĩ Quốc Bảo


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button